Cánh Đồng Lưu Lạc - Đoạn 06.2

Vào nhà, ông lão cẩn thận dựa cây gậy vào góc cột rồi ngồi vật xuống chiếc tràng kỷ long mộng. Nghe tiếng động, bà lão dưới nhà ngang bắt đầu rên to dần. Cả con lợn trong chuồng, cũng như một phản ứng dây chuyền, nghe tiếng rên của bà lão, nó hực lên một tiếng rồi bắt đầu rít. Cùng với sự nổi loạn đồng loạt ấy, bầy gà đang bới ngoài gốc rơm cũng táo tác, nhảy tứ tung vào trong sân, lên bệ nước. Ông lão Tuân đang rối ruột, càng thêm bực bội. Ông muốn làm một cái gì đó cho tan hoang cái cơ ngơi này đi, để khỏi nhìn thấy nó, để khỏi phải lo lắng cho nó... Ông vê điếu thuốc lào, châm đóm nhưng không hút ngay, que đóm cháy leo lên gần ngón tay, đến khi nó xém vào da thịt, ông lão thả nó xuống nền đất, ngọn lửa còn leo lét cháy một lúc nữa mới chịu tắt. Nhìn ngọn lửa bùng lên dưới chân mình trước khi tắt ngấm, vươn lên một sợi khói mảnh ngoằn ngoèo, ông lão bật cười. Ông đang có một dự tính, và châm que đóm khác. Điếu thuốc làm ông đê mê chừng vài giây, vài giây đồng hồ thoát khỏi căn nhà và những ý nghĩ.

Có tiếng động mạnh ngoài hiên, ông lão không buồn ngó ra cũng biết là ai. Đó là con Thảo, đứa cháu ngoại con gái đầu lòng của chị Diệu. Nó là một con bé mười ba tuổi, chưa trổ mã, người cao ngẳng, xanh xao. Từ ngày mẹ con chị Nga bỏ đi, chị Diệu bàn với cha mẹ:
-Thôi thế cũng là xong, là gọn, thày u khỏi phải bận tâm. Con thử về bàn với nhà, rồi chúng con sẽ cho cháu Thảo sang ở với ông bà. Trước là để cho có người ruột thịt, sau là để nó đỡ đần, cơm nước, thuốc thang cho bà...
Ông lão Tuân không buồn đáp, ông đang đau lòng, còn bà lão thì khóc nức nở:
-Ối Giời ơi là Giời! Có con trai mà không được nhờ, phải nhờ đến con gái với cháu ngoại! Giời bảo tôi thế có đau không?
-Cháu nào chả là cháu, bà cứ nói thế, chả trách! Chị Diệu gắt lên với mẹ. Giá kể thằng Thu nó lớn thì con cho nó sang, sau này nó sẽ là người trông nom hương khói cho ông bà. Tội cái, nó hãy còn bé, chả biết việc gì vào với việc gì...
Nghe đến đây, ông lão Tuân thấy trong ruột gan nóng ran, như thể ai vừa châm cái đóm vào:
-Thôi được rồi, không phải bàn bạc gì nữa, chị muốn thế nào thì cứ thế là làm... Nhưng mà cũng phải bảo chồng chị sang đây, cho tôi nói chuyện. Đấy, dinh cơ vợ chồng tôi và thằng Kỳ làm ra đấy, liệu mà trông nom. Còn thì hưởng, chả còn thì thôi, tôi nhắm mắt xuống đất, thì còn thiết cái gì. Nhưng cơ mà các chị cũng ác đức lắm...
Chị Diệu tỏ ra đã hiểu câu nói xa gần của bố, chị rời khỏi cái ghế đẩu sang ngồi đối diện trước ông bố trên cái tràng kỷ:
-Sao thày lại nói thế? Sao thày bảo con ác đức? Thế dễ thường cứ để cho mẹ con cô ấy ở đây là mát mặt lắm đấy chắc? Thày u già thì cũng phải chết, nhưng cơ mà còn chúng con, còn các cháu, cất mặt vào đâu được?
-Cất vào đâu ấy à? Việc gì đến các chị? Có mà các chị tiếc cái nhà này, tiếc cái mảnh vườn này... Tôi nói thật cho các chị biết...
Chỉ một tí nữa thôi là ông lão nói ra cái sự thật chết người, mà chỉ một mình ông cất giữ. Ông kịp giữ lại trong lòng. Nhưng ông sẽ giữ được bao lâu? Không! Nhất định ông phải nói ra, nhưng nói vào lúc nào và nói với ai, chứ không phải với những bà con gái tham lam, hãnh tiến và mưu mô giả dối này!
Chị Diệu khóc tấm tức, khóc nức nở:
-Sao thày lại nỡ nói thế! Chúng con chỉ muốn cho cha mẹ khỏi khổ! Chúng con có sung sướng gì khi cha mẹ đơn độc? Nếu cậu Kỳ còn sống thì thử cho chúng con cũng đã dám nhận nào...
-A, ra cái con này hỗn láo! Mày dám thách thức ông, thách thức bố mày à? Thằng Kỳ nó không chết thì ai còn nói làm gì? Nó còn sống mà về đây thì cho ăn vàng chúng mày cũng không dám ho he...
Thực tình, chị Diệu không phải là người xấu, ít nhất là trong trường hợp này. Cái lý của chị, cái tình của chị không thể chê trách, bắt bẻ chị được. Có điiều, ông lão Tuân đã giận quá, mất khôn. Trong lòng ông đang dào lên nỗi nhớ thương chị Nga và thằng con trai của chị, thằng Hận! Thế là niềm hy vọng, không, niềm tin, không, báu vật của ông đã vuột mất. Vuột ngay trước mắt ông, nhưng ông đã không giữ nổi, đau đớn hơn nữa là ông không dám giữ. Lúc đó ông là một người đàn ông, tồi tệ, một người cha hèn mạt. Rồi đây, ông sẽ ăn nói thế nào với tổ tông, cụ kị? Ừ, thì cứ cho là việc làm của ông với chị Nga là tồi bại đi! Thì đã sao? Ông đâu phải là con quỷ dâm dục, ông chỉ làm một việc là gìn giữ cái dòng họ của ông mà thôi... Ngay lúc này đây mà xảy ra cái chuyện hai bà con gái của ông xa xả đuổi mẹ con chị Nga, thì ông đã...
Cuối cùng thì ông cũng chấp nhận đề nghị của bà con gái là để đứa cháu ngoại, con chị Diệu sang ở với ông bà. Con bé tuy khờ khạo, nhưng được cái ngoan hiền, không dám cãi ông bà. Nhất là bà. Bà cụ Tuân sau nỗi đau mất con, bệnh tình của bà càng trầm trọng. Người đàn bà quê tôi thường không mấy người chịu ngồi nhà chịu cảnh tôi mọi để chồng nuôi. Bà lão Tuân vốn là một tay đi rừng, luồn măng, hái củi cừ khôi. Bằng ấy năm, khi bà chưa bị cái bệnh tê thấp đánh ngã gục, bà đã chèo chống cái gia đình vốn rất đa đoan, đáo để. Ấy thế mà khi bệnh tật, lao lực đánh bà ngã gục xuống, như là một trận hỏa hoạn, mọi cái đã tiêu tan... Cho nên bà đau đớn lắm. Đau thì bà phải kêu!
Thực tình bà thương con dâu lắm. Đời người đàn bà làm dâu có chồng bên cạnh đã khổ, đằng này mới cưới nhau được hai tháng thì chồng đi biền biệt vào nơi hòn tên mũi đạn, chẳng có ngày về. Thế rồi, bây giờ, chồng chẳng còn, con cũng không có, ở lại nuôi hai cái nắm xương ư? Thì nó phải phá ra, nó phải đi thôi! Nhưng, như thế thì oan uổng cho con bà, cho thằng Kỳ quá! Nó chết có nhắm được mắt không? Hả Giời!
Con bé Thảo lướt qua vách dừng, nó biết ông lão Tuân đã về, nhưng nó không có thói quen chào ông, mà chỉ lướt qua, đánh động để ông nó biết. Ông lão Tuân, sau phút say xiêu vẹo của điếu thuốc lào, gọi vọng ra ngoài sân:
-Thảo ơi! Lên đây ông bảo!...
Con bé rón rén vào nhà, ông lão e hèm mấy cái rồi hỏi nó:
-Bà ăn cơm chưa?
-Bà cháu ăn rồi ông ạ! Ông ăn cơm để cháu dọn lên...
Ông lão nhìn ra ngoai sân, cái cần kéo nước ngất nghểu trên miệng giếng, làm ông phân tán ý nghĩ, suýt thì ông quên mất cái ý định nói với nó lúc đầu. Ông "sùy" một tiếng đuổi con ngan đang lễ mễ trong sân giếng, thỉnh thoảng lại "phẹt" một bãi. Con bé Thảo thấy thế toan chạy ra, ông gọi lại:
-Đứng đấy ông bảo. Ông chưa muốn ăn cơm đâu, cứ để đấy cho ông. Bây giờ cháu về bên nhà bảo mẹ chiều qua ông nói cái này nhé!
-Mẹ cháu đi họp ngoài huyện ông ạ! Không biết đã về chưa...
-Ừ, cháu cứ về xem, nêu có mẹ mày ở nhà thì bảo sang ngay. Còn không thì bảo ông nhắn...
Con bé Thảo vào buồng, lúc sau vó đi ra với cái áo mới và cái nón trắng của chị Nga để lại. Nó lễ phép:
-Ông ơi cháu về!
Ông lão Tuân, chỉ tay vào buồng:
-Lấy xe đạp mà đi cho nhanh con ạ!
Khuôn mặt con bé Thảo chợt ửng lên. Nó sung sướng! Từ hôm nó sang ở với ông bà, nó nhớ nhà, thỉnh thoảng lại ra đống rơm nhìn ang bên kia sông, rớm nước mắt. Nhưng nó không để cho ông bà thấy, bố mẹ nó đã dặn là phải ở với ông bà, sau này ông bà sẽ lo cho... Lo cho cái gì thì nó chưa quan tâm, vì nó chưa hiểu. Nhưng cái xe đạp thì nó thích lắm. Đấy là chiếc xe đạp của chị Nga để lại, chiếc xe đạp Thống Nhất màu xanh nước biển, mà không chỉ con bé Thảo mà rất nhiều người mơ ước. Nó ao ước được leo lên chiếc xe đạp ấy lắm! Nó cũng biết đó là xe của "mợ Nga", mà mợ Nga thì đã đi rồi. Nó ở đây thì nó sẽ được đi thôi, con bé tin như thế. Nhưng chưa bao giờ nó được ngồi lên cái xe ấy, mà nó thì không dám hỏi. Thỉnh thoảng ông nó cũng lấy ra lau chùi chiếc xe bóng loáng, rồi ông đạp thử mấy vòng quanh sân, ra cổng rồi lại vào nhà, cất đi. Bây giờ thấy ông bảo thế, nó sung sướng đến nóng cả mặt. Chắc phải là việc gì quan trọng lắm, khẩn thiết lắm, ông mới cho nó lấy xe đi chứ! Xe của mẹ, dù mẹ là cán bộ xã, được phân phối nhưng cũng chưa là "cái đinh gì" so với cái xe nó sắp đi đây. Mẹ nó mà thấy cũng phải ghen lên chứ đừng nói gì mấy đứa em! Con bé Thảo cẩn thận nhắc cái xe từ trong buồng ra, nó dẫn ra hết sân rồi mới bước lên pê-đan. Tiếng líp tách-tách ròn tai lăn ra cổng...

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3