Hùng Karô - Chương 21 - Part 1
Tôi quyết định cắt cầu thằng Thư.
Dự cảm chặng đường trước mắt chắc chắn sẽ có rất nhiều gian truân, bất trắc, có nó cùng đi sẽ vướng, tất nhiên là cái vướng về tình cảm. Nhưng trước khi cắt, tôi quyết định sẽ làm một vụ kha khá để tạo cho nó đồng vốn về nhà làm ăn và tất nhiên cả cho tôi có chút hầu bao lên đường đi xa. Làm một mình thôi, làm không cho nó biết, tôi muốn nó được vô can nếu tình huống xấu xảy ra.
Tất nhiên làm lần cuối cùng để rồi sau đó là, cướp trộm ơi, vĩnh biệt!
Lộ rồi, đã bị phát lệnh truy nã rồi, không thể xuất hiện trên các tuyến đường được nữa, tôi quyết định bày ra trước mắt ba mục tiêu để cân nhắc lựa chọn: Một, công sở, khách sạn. Hai, tư gia giàu có và ba, các tiệm vàng, các đại lý thu đổi ngoại tệ. Thế thôi chứ còn cái đám ngân hàng, nhà băng như trong các phim hành động của Mỹ, của Hồng Kông thì tôi không dám nghĩ tới và biết gì mà nghĩ, nó chỉ có thể nằm trong sức tưởng tượng nghèo nàn của con người. Công sở, khách sạn nhanh chóng bị loại. Công sở chỉ sẵn giấy tờ và các thiết bị văn phòng mốc thếch chẳng đáng giá, còn khách sạn lại thường được canh phòng khó chịu mà nếu có lọt được vào thì chắc gì đã vớ được khách sộp, khách ngoại quốc hay lại chỉ toàn là loại khách du lịch nghèo kiết lõ đít hoặc ba cái đôi tình nhân trốn chúa lộn chồng gian phu dâm phu rất nhiều Capot nhưng lại rất ít tiền bạc. Tiệm vàng tiệm bạc cũng không nằm trong toạ độ. Thời buổi hỗn mang, tiệm nào cũng lổn nhổn bọn bảo kê, bọn vệ sĩ được đào tạo bài bản, lại thường ở phố đông, lơ mơ không phải là bọn đánh đấm nhà nghề này mà lại chính là nhân dân xúm vào đập chết như đập một con chó, thôi. Vậy chỉ còn lại khu vực tư gia. Nhưng phải là loại tư gia có máu mặt, không tham nhũng thì cũng phải doanh thương, không đi buôn bán ở nước ngoài về thì cũng phải là dân kinh doanh bất động sản hoặc cánh sếp sòng bãi vàng bãi đá. Loại này thì không thể có được ở các vùng sâu vùng xa nghèo kiệt mà chỉ có thể có ở các thành phố lớn hoặc đô thị loại trung. Thành phố lớn xa lạ lắm, bỏ! Liệu cơm gắp mắm, đô thị loại trung vừa sức mình hơn nhưng là đô thị nào? Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Cạn hay Lạng Sơn? Nơi nào cũng được, nơi nào cũng có bọn tỷ phú, đại tỷ phú phất lên bằng những hành vi nhá nhem, phi pháp hết. Nhưng phải có thổ công, không có thổ công mọi việc sẽ trở nên hết sức mù mờ và vô cùng nguy hiểm. Thằng nào? Thằng Hoành, thằng Trí, thằng Hoà, thằng Phong, thằng Cõn, thằng Lầm, thằng... Tôi cố lục lọi trí nhớ của mình để lọc ra những tên tuổi trong tù, trên bãi vàng, trong mọi mối quan hệ làm ăn, nhiều lắm, tứ tung lắm và rồi cuối cùng đọng lại ở khuôn mặt thằng Cộ, chính là cái thằng đã lén đốt cháy lò gạch ở trại T và đã bị tôi nện cho một trận nhớ đời. Nghe nói nó cũng đã ra tù và lúc này đang làm ăn khá lắm ở Thái Nguyên. Vậy thì Thái Nguyên, ô kê, càng quen thuộc.
*
Tất cả mọi mưu toan này tôi giữ cho riêng mình cố không để lộ ra một tín hiệu nào cho thằng Thư có thể đoán biết. Trước khi hành động tôi nói:
- Có khi phải bán sới vào trong kia một chuyến, ngoài này chật chội bí bách lắm!
- Em cũng nghĩ thế. Mình có thể lên Tây Nguyên, đất rộng người thưa, kiếm một miếng đất trồng cà phê, tiêu, điều hoặc đi sâu vào rừng khai thác gỗ. Em thấy nhiều người lên đó làm ăn được lắm.
Trời đất, chú em lành hiền gớm nhỉ, toàn những nghề lương thiện cả mà ở đời một khi đã lương thiện thì sẽ chấp nhận cái nghèo truyền kiếp. Tốt thôi, cái mã của chú chỉ là vậy, nếu mọi việc tới đây trót lọt, tôi sẽ giúp chú thực hiện được hướng nghiệp này, ít nhất là về chuyện tài chính.
- Thư! Trước khi đi tao muốn về thăm nhà một tý. Lâu quá tao chưa gặp bà già rồi.
- Cho em về với.
- Được. Sau đó sẽ về thăm nhà mày.
- Không cần đâu. Về, buồn thêm.
Buồn thêm. Tâm trạng nó giống tôi. Chắc những ngày này cái lệnh truy nã đã bay về tới tận quê và không cần dùng trí tưởng tượng nhiều tôi cũng thừa biết bố tôi điên giận lắm, nhất định sẽ đòi từ tôi, còn mẹ... Thực lòng tôi chỉ muốn về để được nhìn lại mẹ một lần rồi đi, một lần thôi, bởi điều gì đang chờ tôi ở phía trước chính tôi cũng không lường được.
*
Tôi về vào lúc nửa đêm. Đâv là thời điểm tương đối gọi là an toàn cho những kẻ trốn chạy. Trời lại mưa lắc rắc, các ông công an, chính quyền dù có trách nhiệm cần cù đến mấy thì giờ này cũng phải chuồn về nhà ôm vợ rồi. Từ đường cái quan, phải lội bộ qua ba cánh đổng nữa mới đến xóm tôi. Thằng Thư nói:
- Em đi trước, anh đi sau, cách xa xa vào, nếu có chuyện gì thì người ta cũng không biết em là ai.
Tôi cười. Một cái cười chát đắng. Trời ạ! Sao giống những ngày đi trinh sát vào hậu phương quân địch ở mặt trận biên cương hồi nào đến thế! Cũng giãn cách cự ly, cũng kẻ đi trước người đi sau, cũng dò dẫm từng bước, nhờn nhợn gan chân. Mới đó với đó mà thân phận đã từ non cao loá nắng rơi thẳng xuống đáy vực ê chề, từ dáng đứng biên thuỳ kiêu hãnh lọt thủm xuống làm kẻ chui lủi ngoài rìa xã hội.
Và cái kẻ ê chề chui lủi đó giờ đây đang đứng trước cửa nhà mình. Tối thui. Một ngọn đèn dầu vặn nhỏ liu riu đang hắt lên vách đất một quầng sáng ốm yếu, vàng vọt. Mẹ tôi đang nằm ở đó, trong màn, mỏng dẹt, không rõ hình hài, đêm nào cũng để đèn như chờ đợi... Con đã trở về đây mẹ ơi! về mà không dám bước chân qua bậu cửa, về mà không đám đánh tiếng cho mẹ đi ra, về mà không đám đến bên giường mẹ hỏi xem bệnh tình của mẹ giờ đây thế nào. Tôi cứ đứng đó mặc cho nước mắt chảy ra. Thằng Thư đứng bên tôi, hiểu lòng tôi nên nó cũng chỉ nắm nhẹ lấy tay tôi, im lặng. Gió thổi qua sân. Cây xoan đầu hồi rung nhẹ. Con gà xóm trên cất tiếng gáy cô độc. Tiếng gà khuya vẻ như đã làm mẹ tôi thức giấc, bà ngồi dậy thả chân xuống đất rồi lẹt quẹt đi ra. Bước chân mẹ vẫn thế, bên nặng bên nhẹ, đôi khi vấp váp, bước chân của một cô gái Hà Nội lên làm dâu xứ nghèo để suốt một đời đi bên thẳng bên nghiêng. Ra đến cửa mẹ dừng lại, ngay bên tôi, ho khẽ, đứng lặng, âm thầm dõi mắt nhìn về phía bên kia cánh đồng, nơi có con đường cái chạy qua. Toàn thân tôi nóng bừng, lồng ngực co thắt, một chút nữa thì tôi đã buột kêu lên mẹ ơi nhưng lại kìm được. Tôi không thể nhìn mẹ khóc, nhìn mẹ đau lòng và rồi sau đó là những tiếng quát tháo, chì chiết tàn tệ của bố khi thằng con bất hảo của ông đã ra đi. Vậy mẹ sẽ khổ hơn. Thôi thì cứ để mẹ nhẹ thoảng trong nỗi chờ đợi, một ngày nào đó tôi sẽ về, nhất định sẽ về trên một tư thế khác chứ không phải khốn khổ khốn nạn như thế này. Một ngọn gió lạnh thổi từ ngoài đồng vào mang theo mùi cỏ cháy. Mẹ khẽ thở dài một tiếng rồi đi trở lại, vẫn dáng đi bên lệch bên nghiêng, hương bồ kết nồng nàn quen thuộc trên tóc mẹ còn vương lại quấn quýt lấy tâm hồn tôi.
Đứng nán lại thêm một chút nữa như thu hết cảnh vật, mùi vị ngôi nhà tuổi thơ vào người, tôi khẽ bấm thằng Thư ra hiệu chuẩn bị đi. Thằng Thư, có lẽ biết trong người tôi chả còn một đồng cắc nào, nó nhẹ móc trong túi ra một tệp tiền không biết bao nhiêu, trang trọng đặt lại trong bậu cửa rồi hai thằng nhón chân bước nhanh qua sân ra ngõ nhỏ nơi có tiếng tre già cọ lưng vào nhau như tiếng than van muôn thuở của kiếp người.
Còn thời gian, tôi kéo thằng Thư đi ngược lên sườn đồi đầy sim mua, tìm đến mồ con Nết thắp cho nó một nén hương, cầu mong hương hồn nó linh thiêng hãy phù hộ cho sức khoẻ của mẹ, thỉnh thoảng trở về với mẹ trong giấc mơ để mẹ đỡ cô quanh...
*
Ra khỏi vùng từ trường tuổi thơ lam lũ, tôi thoắt trở thành một con người hoàn toàn khác. Sự yếu đuối bịn rịn biến mất, thay vào đó là cái lạnh lùng độc địa thường xuất hiện trước khi bước vào một tình huống hiểm nghèo.
Với sư lạnh lùng đó, cách Thái Nguyên chừng ba chục cây số, đến một thị tứ yên tĩnh, thưa dân, tôi nói:
- Thư! Mày ở lại đây, chờ, hai ngày sau tao sẽ quay lại.
- Anh đi đâu? - Nó ngước đôi mắt trong vắt như mắt bê con nhìn lên tôi thăm dò.
- Có mấy việc cần giải quyết trước lúc đi.
- Cho em đi với. Biết đâu em có thể giúp anh được cái gì.
- Ở lại - Tôi gắt - Nằm im, ăn ngủ, kiếm sách mà đọc, cấm không được ra khỏi cửa.
Nó cúi nhìn xuống không nói gì nữa nhưng trong mắt nó rõ ràng vẫn vẩn lên một cái gì đó không yên ổn, hoài nghi và khắc khoải.
*
Nhà thằng Cộ ở một khu dân nghèo ngoại vi thị xã. Cái thị xã cách Hà Nội có bảy mươi cây số này đang chứa trong lòng nó những sự trái ngược đến gay gắt. Rất nhiều sinh viên nhưng cũng rất lắm bụi bậm. Vào những buổi chiều nghẹt bụi, dân đào vàng từ các bãi vỉa trở về ăn nhậu đập phá ngồi trà trộn vào cánh sinh viên lặng thầm bên xuất cơm bụi lèo tèo mấy lát rau, quả cà. Một bên tiêu pha bằng vàng, bên này tiêu pha từng đồng từng cắc. Giang hồ và học vấn, dữ tợn và trinh nguyên, dường như ở đây con người càng nhiều chữ càng nghèo, dân ít học lại nhiều khí phách xông pha.
Thằng Cộ nằm ở khoảng giữa, tức là không nghèo không giàu, không nhiều chữ cũng không ít chữ. Được biết nó là chủ một cái lò gạch có nửa tá thợ thường xuyên túc trực nằm chình ình bên dòng sông Công. Tốt rồi, vậy là cái nghề đóng gạch khổ sai trong tù cũng đã giúp cho nó một nghiệp sinh nhai, còn hơn chán vạn lần cái nghiệp đi trộm cướp vặt rồi một lần lau cây súng săn mác Đức trộm được của ai đó không biết đã cướp cò giết chết mẹ, nguyên cớ để nó phải vào tù sáu năm.
Gặp tôi nó mừng như... mẹ sống lại. Mới có hơn năm không gặp mà nó đã ra dáng ông chủ lắm: đỏ đắn, béo tốt, ria mép tỉa gọn, đầu chải gôm, áo ca rô, quần bò Levis bạc mông bạc gối... thật không còn nhận ra cái thằng Cộ ăn đất nằm cát, mặt mày nhầu nhĩ, dáo da dáo dác như cái đứa chuyên nhìn trộm đàn bà đái ngày nào nữa.
- Đi, đi đại ca! - Nó xởi lởi.
- Đi đâu?
- Nhậu. Nhậu đàng hoàng, nhậu suốt đêm để mừng gặp lại.
- Lò đang đun, khách hàng đang ngồi chờ, sao đi được?
- Bỏ hết! Tiền làm sao so với tình được ông anh? Cái tình của anh em mình nặng lắm!
- Nhưng mày chưa biết gì à?
- Không biết và cũng không cần biết.
- Tao đang bị truy nã.
- Ai chả bị truy nã. Người thì đàn bà, người thì pháp luật, người thì cả hai.
- Tao không muốn giơ mặt ra chỗ đông người.
- Vậy thì ta xuống đò. Đấy mới đích thực là cõi bồng lai xí sởn. Mời, đại ca!
Con đò dọc trôi đêm này do một cô gái điều khiển. Dòng sông vắng lặng. Đôi bờ vắng lặng. Thân hình dẻo mềm, tròn mẩy của cô gái nổi hằn ướp thơm da thịt vào mênh mông cũng vắng lặng. Một chai rượu quê nút lá chuối, mấy con cá nướng ròn, đĩa lạc luộc săn se... thế là đủ cho một đêm chênh chao chén tạc chén thù.
- Mày sống thế nào? - Tôi hỏi.
- Ổn. Nhưng chán. Đôi lúc vẫn nhớ cồn cào những ngày ở trại khổ mà vui. Còn anh, sao?
- Bại. Như con chó đang chờ xích cổ.
- Vụ đó thằng em biết. Hơi tiếc. Đáng lẽ người như anh có thể làm được những điều to tát hơn mà vẫn vô can.
- Biết thế nào là tiếc thế nào là không. Lên cơn là làm, chả kịp nghĩ sâu nông gì nữa.
Ngửa cổ chiêu cạn không biết là ly thứ mấy, khà một tiếng như rắn hổ, nó lia vào tôi cái nhìn thật ranh mãnh:
- Chắc ông anh không phải vô cớ mà bỏ công đến tìm thằng em?
- Tao cần một khoản tiền.
- Bao nhiêu?
- Lớn. Càng lớn càng tốt. Tất nhiên là không vay mày.
- Thế thì chịu - Nghe như có cả tiếng thở phào.
- Trong phố có mục tiêu nào đáng giá không? Một đại gia có máu mặt chẳng hạn?
- Anh định làm một cú đột nhập?
- Nói đột nhập làm mẹ gì cho sang! Nói trắng ra là trộm, cướp, trấn.
Nó lại ngửa cổ chiêu cạn một ly nữa, mắt nhìn ra sông đang mờ mịt hơi sương rồi quay lại, cười một cái rõ chán.
- Anh có thích không?
- Thích gì?
- Con bé đang chèo đò kia. Mười tám tuổi, Thái trắng, sạch sẽ, thơm, bốc lửa, biết chiều, ngực đẹp, đùi căng, máy móc chật ních, làm hai nghề, nghề thứ hai chỉ là nghiệp dư, chỉ tiếp khách đặc biệt. Nói chung là rất sơn cước pha một tý thuỷ thần, phiêu lắm!
Nó miêu tả như khẩu ngữ của một thằng ma cô dẫn gái chuyên nghiệp, miêu tả mà như nghe có cả tiêng nuốt nước bọt nhóp nhép bên trong. Tôi quay đi:
- Tao đang cần câu trả lời.
- Sẽ có câu trả lời nhưng trước hết vui cái đã. Đời người mấy nả, đại ca.
- Giờ tao không có hứng.
- Không hứng thì tạo hứng. Thân thể con người như một hệ thống thuỷ lợi, cứ coi đây như là một động tác thông mạch, mạch không thông, đầu óc bí bách, tắc nghẽn, chả làm được gì đâu.
Bất giác tôi nhìn sang con bé đứng ở đầu mũi. Cong! Cong quá! Tất cả đều cong, cong đùi, cong mông, cong ngực, cong lưng và... chắc cũng cong múp cả cái kia nữa. Rượu cháy sần sật ở chỗ bụng dưới, tôi đặt cạch ly rượu xuống mâm:
- Xong!
- Ô kê! Thằng em ra đầu mũi cầm chèo, trong này ông anh cứ tự nhiên, làm cú đúp, làm cả đêm cũng được.
Nó vỗ vai tôi một cách rất bình đẳng, thậm chí còn hơi có vẻ bề trên rồi khật khừ bước ra, vỗ vào mông cô gái cái bạch:
- Đại ca của anh đấy, chiều hết ý vào, sẽ có thưởng.
Cô gái rụt rè bước vào khoang. Mùi con cái ngầy ngậy
sực lên. Có cả mùi sữa non, mùi tôm cá, mùi cây cỏ, mùi lá ủ oà ập. Có lẽ đã xa cái mùi này cũng khá lâu, lại đang bí bách, căng chằng trong đầu, tất nhiên có cả hơi men Sán Lùng đùn đẩy nữa, như chó đói vớ được xương, không hỏi han, không nói năng nửa lời, tôi gần như dằn ngửa con mồi xuống, xé tung áo ngực, vùi mặt vào bầu vú rắn câng, ngoạm hít vào thành bụng mịn mẩy, kê răng vào cạp quần kéo xuống. Lại vùi mặt, lại ngọam hít, lại nhay nhưa, cuống cuồng, tham lam, rối rít. Rối rít... Không hiểu sao câu nói đểu đểu của lão nhà văn già phố huyện lại chợt bay đến đậu ngay xuống lỗ tai lùng bùng của tôi: “Âm hưởng vĩ đại nhất của loài người là tiếng Fac-mơ-tuya kéo xuống rối rít, vấp váp rồi kéo lên trễ nải, chán chường” Dưới tôi, con mồi bị vò như vò một cái xơ mướp rồi khi cái xơ đó vừa chạm đến cái phần nhạy cảm nhất trên thân thể tôi thì bổng giật nảy, kêu lên một tiếng kinh hãi: “Ôi giời!” Và nếu tôi không nhanh chân, nhắc lại là nhanh chân, ghì cứng thì cô bé đã chạy bắn ra khỏi khoang... Rồi cái gì cần xảy ra đã xảy ra, chỉ biết sau những âm thanh rên rỉ của nửa người nửa thú, khi hai cánh tay thép của tôi rã xuống thì nữ thuỷ thần chỉ còn giống như một vật thể được lôi từ lòng nước trồi lên nhưng đôi mắt nai con lại ngước nhìn lên tôi, kẻ vừa hành hạ cô với cái nhìn vừa lạ lẫm vừa rùng mình lại vừa nồng nàn say đắm.
Thằng Cộ khom lưng bước vào, cười toét:
- Nó bảo cuộc đời nó chưa gặp ai có cái của nợ khủng khiếp như thế. Tuyệt vời, vẫn thế, xin chúc mừng đại ca. Khà khà, xét đến cùng, nhỉ đại ca nhỉ, đó cũng là toàn bộ giá trị của một thằng đàn ông, là thằng em cũng nói theo cách nói của mấy nhà dâm dục học. Thảo nào mà bà trạm trưởng trên trại lại...
- Mục tiêu nào? - Bỗng dưng giọng ngắt lời của tôi cất lên một cách êm nhẹ, hệ quả tất yếu của sự thông mạch như nó nói.
- Có rồi. Lúc ông anh quần thảo xác thịt trong này thì thằng em cũng quần thảo trí nhớ ngoài kia. Đó là một gã
Soái vừa ôm cả đống tiền mới từ Đức về. Hắn đang định đầu tư vào một khu du lịch sinh thái có cả sân Gôn quy mô vào cỡ nhất nước, tổng kinh phí ban đầu ước tính một ngần năm trăm tỷ.
- Nếu vậy thì dại gì hắn để của trong nhà.
- Tất nhiên nhưng không phải gửi cả vào ngân hàng, nơi mà hắn không mấy tin. Em có thằng bạn ruột làm ngân hàng đã cho biết điều này.
- Nắm chắc nhỉ? Hay là cậu cũng đang... định đấy?
- Ấy, đâu dám. Ngồi bóc lịch một lần tởn đến già rồi. Nhưng nếu ông anh định chơi thì thằng em sẽ cung cấp thông tin.
- Phần trăm bao nhiêu?
- Đại ca cho bao nhiêu được bấy nhiêu, đâu dám đòi.
- Bao nhiêu?
- Khoảng... ba mươi. Được không ạ?
- Chỉ mất ít nước bọt thối mà ba mươi phần trăm là hơi nhiều đấy, nhưng không sao, mai nắm lại cho tao tất cả từ quy luật đi lại của hắn và những người trong nhà đến sơ đồ chi tiết nhà cửa, sân sướng, phòng khách, phòng ngủ, chỗ để két, gác thượng, số bảo kê, vệ sĩ, có chó không, loại chó gì, xác định lối thoát ra cửa hậu, ngoài cổng có camera hay các thiết bị báo động không?...
- Kinh quá! Bằng tiến công bảy lăm. Nhưng sếp yên tâm, tối mai sẽ có đủ.
- Thằng Soái là người thế nào? Bao tuổi?
- To cao, đẹp trai, thay tình nhân như thay... quần sịp. Và đặc biệt toàn chơi với các quan đầu tỉnh, đầu huyện, cả mấy vị ở trung ương.
- Nó không vợ con gì à?
- Vợ hắn như ngôi sao điện ảnh! Nghe đâu mọi đường đi nước bước đều do cô vợ giật dây cả.
- Tốt rồi.
- Cái gì tốt? của cải hay cô vợ?
- Cả hai. Giờ tao cần ngủ. Cứ neo đò lại, mày dắt con bé kia đi đâu thì đi đi!
- Rất cám ơn sếp, thằng em này tuy cục kịch thật nhưng từ khi biết mùi đời đã không biết ăn sái của ai. Chúc sếp ngủ ngon!
Ba mươi phần trăm! Mẹ mày, tôi nghĩ khi nó buộc đò xong, cầm tay con bé nhảy lên bờ, được thôi miễn là mày đừng có giở mặt như cái thằng Hoán mặt mụn kia và chắc là mày sẽ không dám giở một khi mày đã hiểu thằng anh mày là ai và cái tỷ lệ phần trăm béo bở kia sẽ là một cái dây chắc bền nhất buộc chết vào linh hồn mưng tấy vì tham của mày. Nhưng khốn khổ, mọi sự đã biết thế nào đâu mà cứ làm như mình đã cầm trong tay cả két tiền của nó không bằng. Vớ vẩn, ngủ đi!
*