41. Thi Cử Ôi Thi Cử!...
THI CỬ ÔI THI CỬ !…
Văn chương thi cử là chuyện cần thiết để kén chọn nhân tài và khuyến khích nhân tài. Nhưng ở một nước thực sự độc lập dân chủ kia ! Chớ với một nước nô lệ, thì đó là những trò hề nếu không bảo là những bùa phép phù thủy để kén những âm binh hầu hạ có vốn liếng chữ nghĩa.
Nước ta là nước văn hiến thật, quá nhiều trí thức thật, nhưng suốt thời thuộc Pháp là cả một giai đoạn dài dặc xảy ra không biết bao nhiêu những trò hề nói trên. Trò hề vô số, song để « trăm năm bia miệng » phải nói là mấy chuyện sau đây :
Chuyện thi ở Huế do báo Sông Hương số ra ngày 13 tháng 3 năm 1939, thuật lại :
Năm Đồng-Khánh nhị niên (Đinh-hợi 1887) nước ta mới bị bảo hộ và sang năm có khoa thi hương Mậu-tý.
Trường Quốc-Tử-Giám bấy giờ còn đóng gần Chùa Thiên-mụ, mở một kỳ hạch cho các học trò hạt Thừa-thiên. Giữa ngày hạch, sau giờ thu quyển luận canh một, các quan ở đó cho một ông viên ngoại phát mã thương một cái bì về, do bộ Lễ chuyển trình Viện Cơ-Mật như là có việc gì trọng đại, khẩn cấp lắm.
Các quan cơ mật đương đêm, tức thì nhóm lại ở viện đó rồi ông viên ngoại ấy vào mở bì ra.
Nó là một cái quyển tên gì thì ông viên ngoại quên đi, chỉ nhớ trong viết một bài ca rằng :
Cu li quân hề cu li thần,
Cu li quan hề cu li dân.
Cu li tú-tài cu li cử nhân,
Cu li trường quan hề cu li văn.
Cu li hề cu li !
Phi lu hề phi lu…
Thấy thế, các quan cơ-mật, ông thì tức cười, ông thì nổi giận, nhưng có điều khó nghĩ là không biết nên tư ra tòa khâm (Résidence Supérieure) và tâu hoàng-thượng, hay là nên dìm đi. Về sau, ông Nguyễn-Trọng-Hợp tỏ vẻ cương quyết bảo dìm đi. Nhưng các quan đều dặn ông viên-ngoại phải giữ bí mật, không được tiết lộ ra.
Sau 15 năm, ông ấy mới nói cho người ta biết.
Một chuyện thi khác ở Bình-định :
Năm Ất-tỵ, dương lịch 1905, các quan tỉnh khảo hạch học trò bằng một bài thơ, một bài phú. Bài thơ lấy đầu đề « Chí thành thông thánh », bài phú lấy đầu đề « Danh sơn lương ngọc ». Dịp này, các cụ Trần-Quý-Cáp, Phan-Chu-Trinh, Huỳnh-Thúc-Kháng, Huỳnh-Thường-Trung đi qua, thấy vậy, liền ghé lại trường thi để mượn những đề tài ấy, đánh thức những đồng bào mê ngủ. Các cụ ký tên Đào-Mộng-Giác, cụ Phan làm bài thơ « Chí thành thông thánh », trong có câu khuyến cáo :
Muôn dân sống kiếp đọa đày,
Văn chương tám vế mê say nỗi gì ?
Hai cụ Trần, Huỳnh làm bài phú « Danh sơn lương ngọc » giao ông Tú Huỳnh-Thường-Trung viết, trong có đoạn mắng nhiếc cả bọn quan lại và sĩ phu trong kỳ khảo hạch ấy :
Tục còn ưa thích văn chương,
Sĩ vẫn say mê khoa mục.
Ngày đêm điển tích miệt mài,
Năm tháng phú thơ cặm cụi,
Sách văn hay dở, cúi đầu theo miệng trường quan,
Lời lẽ nên chăng, nhắm mắt học thừa Trung-quốc.
Ào ào tranh miếng lợi danh, toàn đồ kẻ cắp,
Bô lô lên giọng hào kiệt, cả lũ lưng khom.
Rõ ràng bọn túi cơm giá áo, lăn mình vào đợi lũ Tây sai.
Thật đúng phường mặt ngựa đầu trâu, đành dạ để xô hầm con đỏ.
Hành vi thế ấy !
Tâm địa nhường kia !
Binh làm sao mạnh ?
Của làm sao giàu ?
Trí-tuệ sao mở mang ?
Nhân tài sao dưỡng dục ?
Rồi lên tiếng kêu gọi thống thiết :
Chứng tham tàn quan lại bỏ đi thôi,
Bệnh phù danh sĩ dân đừng mắc nữa.
Hơi tàn gắng dạy, để chờ ngày cứu nước vớt dân,
Sống nhục vui chi, chẳng thà để phơi gan nát óc !
Và kết-luận :
Tiếng ca đòi đương khi nức nở,
Ngọn bút hòa lệ nhỏ chan chan,
« Chí thành thông thánh » chẳng màng,
Danh sơn lương ngọc » miễn bàn là hơn ».
Các quan tỉnh Bình-định khi chấm đến những bài này, vừa xấu hổ vừa tức giận, nhưng không cách nào tìm được thủ-phạm, ngoài việc xét hỏi các thi sinh họ Đào. Cuối cùng, các quan phải ém đi thật kỹ. Kết quả, câu chuyện ấy và những thi phú ấy vẫn truyền đi cả nước, mặc dù bị nghiêm cấm rất ngặt, khiến nay đã thành một câu chuyện lịch sử.
Và đây, chuyện thi ở Hà-nội :
Năm 1921, báo Trung-Bắc có tổ chức một cuộc thi văn chương. Cuộc thi này là thi vịnh Văn-miếu (đền thờ Khổng-Tử) lấy câu đầu « Nghìn năm văn vật đất Thăng-long ». Như vậy, là thơ 8 câu theo thể luật Đường mà người dự thi chỉ phải làm có bảy, hoặc sáu, nếu theo cách thủ vĩ ngâm.
Nhưng Thăng-long lúc đó (dưới quyền cai trị của người Pháp) còn đâu văn vật nữa, mà các học giả, thức giả, thi sĩ, văn nhân cứ phổng mũi ca tụng.
Bởi vậy, có người vì không chịu được cái trò thi cử lố bịch ngu muội ấy ở trước cảnh nước mất nhà tan, nên đã gửi lại ban chấm thi một bài sau đây, tuy cũng là để góp phần dự thi, nhưng thực để cảnh cáo gián tiếp :
Nghìn năm văn vật đất Thăng-long,
Văn vật ngày nay mới lạ lùng.
Tham biện tham buôn tham cán sự,
Đốc người, đốc chó, đốc canh nông.
Du côn mật thám đầy sông Nhị,
Giăng há ma cô chật núi Nùng.
Còn nữa xin ngừng, khôn xiết kể,
Nghìn năm văn vật đất Thăng-long !
Bài này, lẽ dĩ nhiên không được đăng lên như các bài khác, nhưng đã khiến người đề xướng cuộc thi là ông Tú-tài Nguyễn-Đỗ-Mục tự cảm thấy xấu hổ, tốp liền, đồng thời lái ngay cuộc thi đang « hào hứng » qua một bài thơ quảng cáo cho bản dịch bộ truyện « Tái sinh duyên » của mình để kết thúc vấn-đề :
Nghìn năm văn vật đất Thăng-long,
Bộ « Tái sinh duyên » có phải không ?
Năm nghìn tiền biên bán đã hết,
Năm nghìn hậu biên in vừa xong.
Hiếu trung tiết nghĩa gương Thù, Tứ,
Lễ nhạc y quan đất Nhị Nùng.
Mỗi quyển bán lẻ sáu hào rưỡi,
Mua nhiều có trừ tiền hoa hồng.
Ông Tú gượng gạo thật, bất đắc dĩ thật, tài đánh trống lảng thật ! Nhưng thế vẫn còn hơn, còn biết liêm sỉ, không phải người thuộc hạng « mặt chai mày đá » như lũ « văn hóa văn chương » bồi bếp trong hai chuyện trước kia :
Trống thúc mõ hồi đâu kể, bán đầu ăn, ai đói mặc ai ;
Chà quơ chổi đạp chi sờn, đua miệng cắn, thế nào thì thế.
Đáng khen sự biết lỗi lầm của ông Tú họ Nguyễn…
Kể chuyện văn chương thi cử còn nhiều trò trống lắm. Nhưng thiết nghĩ chỉ với mấy chuyện trên đây, chúng ta cũng đủ để cười ra nước mắt và đủ để suy nghĩ vậy.