Thẻ đọc tâm - Chương 03 - part 01 - 02 - 03
Chương 3: Mỗi tên cướp trẻ tuổi đều có một cuộc
sống khúc khuỷu
1 - Đôi lúc người ta cũng nói xuôi theo số phận
Tên cướp tóc dài mười tám tuổi, tên là Đơn Hải
Kinh.
Mười tám năm về trước, cậu ta được sinh ra tại
một bệnh viện ở thành phố ven biển.
Cũng trong phòng sản, trong ngày hôm đó, có một
bé trai khác ra đời, tên là Lục Hậu.
Một tuần sau, hai sản phụ đều được xuất viện.
Đơn Hải Kinh cùng đôi vợ chồng nông dân trở về
vùng ngoại ô thành phố.
Lục Hậu trở về trung tâm thành phố với đôi vợ
chồng làm quán ăn.
Ba tháng sau, Đơn Hải Kinh bị bệnh, đó là bệnh
về máu bẩm sinh, chức năng tạo máu có vấn đề. Còn Lục Hậu vẫn khỏe mạnh.
Sau đó, cứ cách một tháng, Đơn Hải Kinh lại phát
bệnh một lần, mỗi lần phát bệnh là mặt bỗng nhợt nhạt rồi ngã nhào xuống. Cậu
không được vận động mạnh, không thể để mình bị thương, cậu cần quý trọng mỗi
giọt máu của mình.
Mỗi lần đến bệnh viện, mẹ đều là người truyền
máu cho cậu, mãi đến năm mười lăm tuổi, máu trong huyết quản của cậu gần như
được thay đổi hoàn toàn, lượng máu được giữ lại đều là máu của mẹ cậu – Vệ Lam.
Nhưng nỗi khổ lớn nhất của cậu là không biết mình còn sống được bao lâu nữa.
Từ nhỏ, bác sĩ đã nói với Đơn Hải Kinh là căn
bệnh này có thể cướp đi sinh mạng của cậu bất cứ lúc nào.
Còn cậu bé Lục Hậu được sinh cùng ngày với cậu
lại rất hạnh phúc. Cậu ta được sống trong vòng tay yêu thương của cha – Lục
Thủy – và mẹ - Liêu Tiễn, vui vẻ hưởng thụ những năm tháng ấu thơ.
Nỗi phiền não lớn nhất của Lục Hậu là cô bé Ban
Hoa mà cậu thích nói cậu béo như lợn và không muốn trò chuyện cùng.
Đây là hai cậu thiếu niên hết sức bình thường,
có cuộc sống khác biệt nhau.
Vận mệnh là do Trời sinh, Đơn Hải Kinh từ nhỏ đã
không oán hận gì số mệnh của mình. Cậu nghĩ, tuy sinh ra trong gia đình nghèo
khó, tuy mắc chứng bệnh bẩm sinh, tuy không biết đến ngày nào ông Trời sẽ đón
mình lên thiên đường, nhưng cậu thấy may mắn vì có người mẹ vĩ đại. Bà Vệ Lam
chưa bao giờ bỏ rơi con mình, yêu thương cậu như một báu vật hoàn mỹ nhất.
Lục Hậu đương nhiên cũng không ca thán gì về số
phận tốt của mình. Ví như, thích chiếc điện thoại Iphone của cậu bạn cùng học,
cậu liền nói cha mua cho mình một chiếc, nhưng ông Lục Thủy nói trẻ con không
nên dùng điện thoại quá tốt, nếu không thì trên lớp con sẽ không chịu nghe
giảng. Bởi thế, lúc ở trước mặt cha mẹ, Lục Hậu làm rớt chiếc Nokia xuống nền
nhà vỡ tan.
Thậm chí, lúc Lục Hậu làm hỏng di động, cậu ta
còn nghĩ rằng – vì sao mẹ mình chỉ lái chiếc xe con màu đỏ bình thường đến đón
mình, còn mẹ của cậu bạn ngồi cùng bàn lại lái chiếc xe đua màu đỏ đến. Mà hơn
nữa màu đỏ của chiếc xe đua ấy lại vô cùng đáng yêu và bắt mắt, ngay cả Ban Hoa
cũng thích chiếc xe ấy.
…
Nếu Lục Hậu biết: mười chín năm về trước, mình
và Đơn Hải Kinh bị hoán đổi thì cậu có nghĩ như vậy nữa không?
Cuộc sống đôi khi còn khoa trương hơn cả tiểu
thuyết.
Đúng thế, mười chín năm trước, Đơn Hải Kinh bị
cha mẹ ruột của mình là ông Lục Thủy và bà Liêu Tiễn vứt bỏ, đánh tráo với cậu
bé Lục Hậu. Bởi con cái họ sinh ra đều mắc bệnh bẩm sinh. Đơn Hải Kinh là con
trai thứ ba của nhà họ, họ sợ cơn ác mộng lại một lần nữa xuất hiện. Bởi thế,
ngày đầu tiên khi con trai ra đời, ông Lục Thủy đã nhân lúc mọi người không để
ý, hoán đổi hai đứa bé với nhau.
Từ đó, Lục Hậu trở thành tiểu thiếu gia được ăn
sung mặc sướng.
Đơn Hải Kinh thân mang trọng bệnh, trở thành con
cái của một gia đình nghèo khổ.
Nhưng điều may mắn là, họ không biết đối phương
để đem cuộc sống ra so sánh với nhau, không cảm thấy mình hạnh phúc hay bất
hạnh đến nhường nào.
Đến một ngày sự việc bị bại lộ, đó là năm Đơn
Hải Kinh mười tám tuổi.
Có một hôm, một người phụ nữ lạ mặt bỗng tìm đến
gõ cửa, đưa cậu đến bệnh viện xét nghiệm, sau đó hỏi cậu có thể hiến thận cho
Lục Hải – anh họ của cậu không.
Đơn Hải Kinh đã hiểu.
Người phụ nữ lạ mặt đó chính là Liêu Tiễn, bà
nước mắt giàn giụa nói với Hải Kinh sự thật: Bà mới là mẹ ruột của cậu.
Khóc thì có tác dụng gì? Khóc có thể ngăn chặn
được báo ứng sao? Lúc làm việc xấu, ngẩng lên trời xanh cười lớn thì phải dự
tính đến một ngày bản thân sẽ bưng mặt mà khóc lóc thảm thiết chứ?
Hóa ra, nhà ông Lục Thủy có lịch sử bệnh bẩm
sinh nối đời, gene di truyền không tốt, cơ thể luôn phát bệnh. Đến đời họ thì
bệnh tình đã vô cùng nguy kịch, toàn bộ người trong dòng tộc đều không sinh hạ
được những đứa con bình thường, trừ cháu trai của ông Lục Thủy – Lục Hải. Lục
Hải là cậu bé duy nhất trong nhà họ Lục được sống khỏe mạnh.
Tất cả mọi người đều coi Lục Hải là báu vật.
Đã là báu vật thì đều rất mỏng manh yếu đuối.
Năm mười tám tuổi, Lục Hải bị mắc chứng bệnh
nhiễm trùng đường tiểu.
Tóm lại, tất cả những chứng bệnh nan y trên thế
giới đều giáng xuống nhà họ Lục.
Họ không thiếu kinh phí để chạy chữa nhưng lại
thiếu phương thuốc cứu chữa. Lục Hải cần thay thận nhưng không thể tìm được
người có thận phù hợp.
Khi đó, từ trong thâm tâm họ nghĩ, tiền có thể
giải quyết được mọi việc. Vấn đề không phải là tiền, mà là không có cơ hội tiếp
tục sống.
Nhà họ Lục cả ngày khóc lóc nghĩ cách giải
quyết, kéo nhau rồng rắn đến bệnh viện làm xét nghiệm, xem có khả năng cứu được
mầm sống duy nhất của dòng tộc không. Nhưng, đáng tiếc, thận của ai cũng không
hợp với Lục Hải.
Suy đi tính lại, họ thử đi tìm đứa con bị hoán
đổi.
Họ đã tìm thấy. Người có tiền muốn tìm người
trong một thành phố nhỏ là chuyện vô cùng dễ dàng, chỉ cần họ có thật sự muốn
tìm không mà thôi.
Họ rất kinh ngạc khi biết đứa bé đó vẫn còn
sống. Hơn nữa năm nay nó đã mười tám tuổi và trở thành một người khỏe mạnh.
Vì sao thằng bé lại không bị bệnh di truyền? Vì
sao nó vẫn còn sống? Nó đã được chữa trị thế nào? Chắc chắn những câu hỏi “vì
sao” này luôn lẩn quất trong suy nghĩ của nhà họ Lục.
Kỳ thực là không có gì đáng kinh ngạc cả, từng
giây từng phút luôn có kỳ tích xuất hiện.
Yêu và hận, đều là nguồn động lực để phát sinh
kỳ tích trên thế giới. Chỉ là cuộc sống của phần lớn con người trên thế giới
đều không tràn ngập tình yêu và lòng hận thù như thế, bởi họ hoài nghi rằng kỳ
tích là chuyện bịa đặt. Thực ra, kỳ tích là điều mình sáng tạo, cuộc sống tầm
thường và vô vị cũng do chính bản thân mình tạo nên. Kỳ tích là giấy thông hành
của người kỳ tích, tầm thường chính là tấm bia mộ của kẻ tầm thường.
Bà Lục xoa lên má đứa con mình đứt ruột sinh ra,
nước mắt lưng tròng, nói: “Con của mẹ, con vẫn sống, mẹ không nỡ rời xa con.
Lần này chỉ có con mới cứu được gia đình ta...”, sau đó bà lại bình tĩnh, kể
lại việc hoán đổi con hồi nhỏ mà không hề hổ thẹn.
Đơn Hải Kinh suy sụp, sao cuộc sống lại có thể
bi thương đến thế?
Nhìn người mẹ lạ lẫm trước mặt, người phụ nữ đã
không hề do dự vứt bỏ mình, theo bản năng, Đơn Hải Kinh đã từ chối yêu cầu của
vợ chồng Lục Thủy. Cậu thậm chí còn vô cùng phản cảm với cha mẹ ruột trong bộ
quần áo sang trọng. Cậu liếc nhìn chiếc nhẫn có gắn viên ngọc quý lớn trên ngón
tay bà Lục, lại nắm chặt lấy bàn tay khô đen của mẹ nuôi Vệ Lam, vô duyên vô cớ
tức giận, cậu hận không thể dùng bàn tay của bà Vệ Lam cho mẹ đẻ một cái bạt
tai.
Đơn Hải Kinh kiên quyết nói: “Không được”.
Sau bao lần van nài khổ sở, người nhà họ Lục bắt
đầu hống hách lăng mạ Đơn Hải Kinh là người bất lương.
Thật nực cười.
Trên thế giới này, vốn không có nhiều người tâm
địa hiền từ như thế.
Nếu không thì đạo đức mẫu mực sao có thể biểu lộ
rõ được chứ? Những người làm xúc động cả Trung Quốc vì sao lại khiến chúng ta
rơi lệ?
Bởi thế, sao có thể tha thứ cho một người đã bỏ
rơi mình?
Sao có thể tha thứ cho người cha người mẹ mà
chưa một lần có trách nhiệm với mình?
Sao có thể dâng hiến sinh mệnh quý báu của mình,
cắt bỏ một quả thận cho một người mà mình chưa một lần gặp gỡ?
Sao có thể? Đơn Hải Kinh cũng chẳng phải là vị
Bồ Tát đại từ đại bi cứu nạn cứu khổ.
Vợ chồng Lục Thủy nài nỉ mãi, Đơn Hải Kinh liền
đẩy họ ra cửa.
Cậu nắm chặt tay người mẹ nuôi của mình là Vệ
Lam, nói: “Mẹ, đừng quan tâm đến họ! Con không quen họ. Con và họ chẳng có quan
hệ gì cả. Con chỉ có một người mẹ mà thôi”.
Hôm đó, sau khi ông bà Lục về, Đơn Hải Kinh đã
một mình chạy đến một cánh đồng cách nhà cậu rất xa, men theo những bờ ruộng
nhỏ, cứ thế đi, đi mãi. Nhưng cậu phát hiện, cứ đi như thế thì cũng chỉ vẽ ra
một hình chữ điền giống nhau mà thôi.
Cho dù đi như thế nào thì cuộc đời vẫn thế, cho
dù đến đâu thì đều có thể rơi vào vũng bùn lầy của khu ruộng ấy.
Đây chính là cuộc sống trăm sông đổ về một biển.
2 - Cuộc sống có thể ép tuổi đời mười tám đến
bước đường cùng
Ông Trời có lúc rất thích biểu dương chính
nghĩa, rõ ràng nhiều người đều tự cao tự đại về đạo đức của mình.
Đơn Hải Kinh không đồng ý cho người anh họ của
mình một bên thận để cứu vớt gia tộc nhà họ Lục, cậu đã không thực hiện đạo đức
mẫu mực thì ông Trời sẽ phạt mẹ nuôi của cậu là bà Vệ Lam bị ung thư vú.
Đứng trước tình yêu thương thì mối hận trở nên
nhỏ bé!
Đơn Hải Kinh và người anh họ mắc bệnh nhiễm
trùng đường tiểu đó đã làm xét nghiệm. Cậu đồng ý cho người anh họ hống hách
của mình một bên thận. Nhưng yêu cầu của cậu là: Phải đưa cho cậu hai mươi vạn
tệ.
Một bên thận đã làm tăng thêm nỗi hận ở tuổi đời
mười tám, cả đời mang theo mình nỗi đau thương vì bị cha mẹ vứt bỏ, hai mươi
vạn tệ cũng chẳng có giá trị gì.
Đơn Hải Kinh cần hai mươi vạn tệ để lo tiền phẫu
thuật và chữa trị cho bà Vệ Lam.
Lục gia lập tức đồng ý và đưa trước cho Đơn Hải
Kinh năm vạn tệ.
Năm vạn tệ, lần đầu tiên Đơn Hải Kinh nhìn thấy
số tiền lớn đến thế. Cậu ôm tiền trước ngực, khóc khi nghĩ mẹ mình sẽ được cứu.
Sau đó cậu mang theo sự bi phẫn lẫn vui mừng đi đến phòng phẫu thuật.
Cuộc phẫu thuật rất thành công, cũng không có
phản ứng lạ nào.
Nhưng Đơn Hải Kinh vẫn chưa lấy được nốt mười
năm vạn tệ còn lại.
Thế giới này, có lẽ người vô sỉ không nhiều như
bạn nghĩ, nhưng họ luôn trơ tráo hơn những gì bạn tưởng tượng.
Lục gia đã lật mặt, nói rằng không quen biết
cậu.
Cha của người anh họ sống dở chết dở đó cũng
chính là bác trai của Đơn Hải Kinh đã nói với cậu khi cậu đến đòi tiền rằng:
“Mày còn dám đòi tiền nữa sao? Tao nói cho mày biết, mày làm như thế là buôn
bán nội tạng đấy! Buôn bán nội tạng, mày hiểu không? Đó là vi phạm pháp luật!
Mày mà không cút đi hả, mày có tin là tao sẽ tống mày vào tù không?”.
Đơn Hải Kinh vẫn là một thiếu niên, vẫn chưa thể
hiểu được rằng việc mình làm có phải là buôn bán nội tạng hay không, nhưng cậu
sợ ngồi tù. Nếu bị ngồi tù, cậu sẽ không được nhìn thấy mẹ Vệ Lam nữa.
Huống hồ, mẹ vẫn đang nằm ở bệnh viện trong
thành phố, đang rất cần tiền phẫu thuật.
Đơn Hải Kình đã hỏi bác sĩ, năm vạn tệ đủ cho
một lần phẫu thuật. Bác sĩ yêu cầu phải tiến hành phẫu thuật gấp rút vì bệnh
ung thư vú phát triển rất nhanh.
Đơn Hải Kinh đành ôm số tiền năm vạn tệ ngồi chờ
xe buýt đường dài suốt hai tiếng đồng hồ, đem số tiền đó từ nơi thôn dã đi đến
thành phố phồn hoa để trả tiền cứu tính mạng cho mẹ.
Nhưng, cậu đã quá mệt. Cả ngày không dám chợp
mắt, bây giờ thực sự cậu không thể chịu nổi nên đã ngủ quên năm phút.
Lúc tỉnh dậy, cậu phát hiện túi tiền đã bị mất.
Cậu nói xe dừng lại và yêu cầu mọi người không
được xuống xe, sau đó nói bác tài lái xe đến thẳng Cục Cảnh sát.
Yêu cầu của một người yếu đuối thật nực cười.
Hiện thực tàn khốc nói cho chúng ta biết rằng: Người yếu đuối nếu sống trong
thế giới này thì cần có sự phục tùng vô điều kiện, không nên có bất cứ yêu cầu
gì.
Huống hồ, có bao nhiêu người sẽ đồng ý làm theo
yêu cầu của cậu thiếu niên mười tám tuổi chứ? Có bao nhiêu người đồng ý vì một
cậu thiếu niên mười tám tuổi mà lãng phí thời gian đây? Mọi người đều bận như
thế, bận đi du lịch, bận đi thăm người thân, bận về nhà, bận kiếm tiền, chút
thời gian ấy đối với họ là dài vô hạn.
Trong hỗn loạn, có người bực mình nhảy xuống xe,
sau đó mọi người lần lượt kêu ca và đi xuống.
Cậu thiếu niên này ngồi khóc trên chuyến xe buýt
đường dài cả ngày trời. Cậu không biết làm thế nào, không biết có còn biện pháp
nào để gom góp tiền phẫu thuật cho mẹ không.
Cuối cùng, cậu nghĩ đi nghĩ lại rồi quyết định
khiến cho những kẻ xấu xa ấy “nợ máu phải trả bằng máu”.
Đơn Hải Kinh cầm số tiền hai mươi tệ còn thừa
trên người, mua một con dao leo lên một chiếc xe khách.
Đơn Hải Kinh định cướp lại số tiền năm vạn tệ đã
bị mất trước. Sau đó cậu sẽ cầm dao đến tìm ba mẹ ruột, người bác cùng anh họ
của mình, nếu họ không trả nốt số tiền mười năm vạn tệ còn lại, cậu sẽ cầm dao
đâm chết họ.
Dù sao bản thân đã vô cùng xui xẻo rồi, dù sao
ông Trời cũng luôn ép cậu đến bước đường cùng rồi, thế thì chẳng bằng tranh đấu
lần cuối cùng để tìm thêm mấy người tuẫn táng với mình.
...
Không phải tất cả những người ở độ tuổi mười tám
đều được sống dưới ánh mặt trời.
Tuy tất cả những thiếu niên mười tám tuổi, trên
đầu đều có mặt trời chiếu rọi, nhưng nhất định sẽ có người mỉm cười vui vẻ
trong ánh mặt trời, có người lại khóc thê lương dưới những bóng râm.
Thế giới vốn là như thế. Có bao nhiêu ánh mặt
trời thì cũng có bấy nhiêu bóng râm được tạo nên bởi chính ánh mặt trời ấy.
Chúng ta đã tô son điểm phấn quá nhiều, đánh
bóng thế giới và làm bóng chính bản thân mình. Hãy đứng trước gương và nhìn
cuộc sống trên thế giới này. Thực ra, gương soi chỉ có thể phản chiếu lại hình
bóng hư vô mà thôi, nó đem đến cho chúng ta cảm giác không đủ ấm áp.
3 - Thiên đường và địa
ngục chỉ cách nhau trong gang tấc
Bạch Tiêu đọc được những tâm sự ấy nhờ Thẻ đọc
suy nghĩ, những giọt nước mắt rơi xuống làm ướt đôi má. Trước khi xông lên, cô
không ngừng lôi những người khác ra và nói: “Đừng đánh nữa, cậu ấy sẽ chết thật
đấy, đến khi đó thì mọi người không chịu nổi trách nhiệm đâu”.
“Trách nhiệm” là điều mà rất nhiều người sợ phải
hứng chịu. Vừa đề cập đến vấn đề “không chịu nổi trách nhiệm”, mọi người đều
thôi không đánh nữa.
Cuối cùng cảnh sát cũng đến.
Đúng vào giữa trưa, mặt trời chiếu rọi vào cậu
thiếu niên Đơn Hải Kinh đang trong hơi thở yếu ớt.
Trâu Bác là người đầu tiên ra mặt khống chế tên
cướp nên cũng phải đi tới Sở Cảnh sát.
Phạm Sam không muốn đi, nói rằng anh ta đã đặt
trước chuyến du lịch qua mạng rồi, nếu không đến thì số tiền đã thanh toán đó
sẽ không cánh mà bay.
Ngoài ra có mấy nữ sinh nữa cũng muốn đi du lịch
cùng Phạm Sam.
Còn Bạch Tiêu, cô biết được nội tình của toàn bộ
sự việc nên không hề do dự cùng Trâu Bác đi đến Sở Cảnh sát, mặc dù cô không
biết mình có thể giúp đỡ được người thiếu niên đó không.
Viên cảnh sát có khuôn mặt thanh tú, tướng mạo
ưa nhìn dẫn họ tới một phòng nhỏ để ghi chép về sự việc. Trong tưởng tượng của
rất nhiều người, anh hùng thì phải giống như Tiêu Phong[1]: nét mặt đau khổ ôm
mối thù lớn, nói năng hùng hồn, coi trọng chính nghĩa, dẹp tình cảm riêng tư
sang một bên.
[1] Tiêu Phong (Kiều Phong): là nhân vật chính bi
tráng, đầy hào khí trong Thiên long bát bộ của Kim Dung.
Nhưng anh hùng Trâu Bác này rõ ràng là nói năng
rất tùy tiện. Anh ta nói năng thì bắn đầy mưa xuân, chân tay khua khoắng, mặt
mày hớn hở, miêu tả cảnh mình khống chế tên cướp cho viên cảnh sát nghe mà cứ
sống động như thật.
Trâu Bác dùng tay minh họa, hí ha hí hửng nói:
“Này nhé, khi đó hắn cầm dao, tất cả những người trên xe đều không dám cử động,
tôi nghĩ Ta đây cuối cùng cũng đợi được cơ hội để ra tay hào hiệp rồi! Nhân lúc
hắn không chú ý, tôi nhảy lên đạp vào cánh tay hắn làm con dao rơi xuống...”.
Bạch Tiêu hỏi nhỏ Trâu Bác: “Lúc ấy anh có sợ
không?”.
Trâu Bác nhướn mày nói: “Không, đứng trước mặt
một cô gái, sao có thể nói mình sợ hãi gì chứ? Em mau mau gọi điện về trường
học, bảo thầy hiệu trưởng chuẩn bị trao cho anh huy chương đấu tranh vì chính
nghĩa đi! Mà phải huy chương to vào đấy, nếu không thì có khác gì giấy chứng
nhận kết hôn đâu”.
Bạch Tiêu gọi điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm
lớp kể về sự việc bất ngờ này.
Vừa gọi điện thoại xong thì có tiếng gõ cửa.
Viên cảnh sát mở cửa đi ra. Hai phút sau, anh ta
với vẻ mặt nghiêm nghị đi đến trước mặt Trâu Bác, nhìn Trâu Bác bằng ánh mắt
nặng nề, nói: “Tên cướp đó bỗng bị choáng và ngã vật ra đất, bây giờ đang phải
đưa đi bệnh viện cấp cứu”.
Dường như có một tia sét đánh thẳng xuống đầu
mọi người.
Trâu Bác trong phút chốc bỗng sững lại.
Bạch Tiêu cũng cúi đầu không dám nhìn nhân viên
cảnh sát.
“Cậu có khẳng định mình là người ra tay để làm
rơi con dao của hắn không?”, viên cảnh sát nghiêm túc hỏi.
“Vâng... Chắc chắn là thế”, Trâu Bác do dự một
lúc, nhưng vẫn quả quyết nói hai từ “chắc chắn”.
“Cậu có chắc rằng chính cậu là người đá vào cổ
tay của hắn không? Chắc chắn rằng cú đã đó không làm hắn bị thương và cũng
không ảnh hưởng đến các bộ phận khác không?”, viên cảnh sát tiếp tục hỏi.
“Chắc chắn, thật sự là tôi chỉ đá vào cổ tay của
hắn. Sao có thể sau một tiếng đồng hồ mà hắn bỗng bị ngất đi như thế chứ?”,
Trâu Bác rõ ràng ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề.
“Điều đó chẳng phải rất rõ rồi sao? Phải xem kết
quả kiểm tra của bác sĩ cũng như kết quả cấp cứu cuối cùng mới biết được.”
“Có phải tên cướp bị bệnh bẩm sinh nào khác
không?”, Bạch Tiêu cũng rất lo lắng.
“Không rõ nữa, phải đợi điện thoại của bệnh viện
đã”, viên cảnh sát thở dài.
Đồng hồ cứ tích tắc tích tắc kêu như dòng nước
chảy, giống như có một bàn tay ma quỷ bỗng làm cho nỗi bi thương và vui mừng
đan xen, đen trắng đảo lộn, chỉ có thời gian là không thể quay lại.
Mấy phút trước thôi, Trâu Bác còn gọi điện về
thông báo với cha mẹ và các bạn học là mình vừa làm một việc anh hùng, ra tay
vì điều nghĩa, anh minh thần vũ, đánh gục được tên du côn, vô cùng anh dũng!
Những phần thưởng đang đợi cậu chính là hoa tươi, sự vinh dự, ngưỡng mộ và
những tràng pháo tay.
Mấy phút sau, Trâu Bác lại lặng lẽ ngồi trên
chiếc ghế gỗ lạnh lẽo, trong lòng đầy nỗi phiền não.
Tại sao mình lại ra tay? Tại sao mình lại muốn
làm anh hùng? Thà cứ tát nước theo mưa, cứ đưa cho hắn hai trăm tệ thì chẳng
phải mọi chuyện đã yên ổn rồi sao? Thậm chí anh còn oán trách tên cướp: Hắn ta
sức khỏe yếu ớt mà cũng đòi đi cướp, đi cướp mà lại không quan tâm đến điều
kiện bắt buộc là sức khỏe, hằng ngày cũng chẳng tập thể dục, cơ thể đã như cây
giá đỗ ấy mà còn bày đặt hành nghề nguy hiểm! Mình chỉ đá cho có hai cái thôi
mà đã bất tỉnh nhân sự rồi!
Bỗng chốc đấng anh hùng lại có thể bị biến thành
kẻ sát nhân.
Điều gì đang đợi mình? Là tai họa ngục tù sao?
Nghĩ thế, Trâu Bác ôm chặt lấy đầu.
Bạch Tiêu không dùng Thẻ đọc suy nghĩ. Cô nhìn
Trâu Bác đau khổ mà tinh thần bất an, cũng đoán ra được tâm sự của anh: thiên
đường và địa ngục chỉ cách nhau trong gang tấc.
Bạch Tiêu không ngừng nói đi nói lại với viên
cảnh sát:
“Thực sự là Trâu Bác chỉ đã vào cổ tay của hắn
thôi, nhưng có rất nhiều hành khách trên xe cũng giận dữ xông vào đấm đá cho
tên cướp đó một trận.”
Viên cảnh sát mặt mày thanh tú nhún vai: “Ai có
thể chứng minh được rằng không phải Trâu Bác mà là người khác đá tên cướp một
cước chí mạng chứ? Ai có thể thừa nhận rằng anh ta làm việc anh hùng, sau khi
tên cướp ngã vật ra đất thì lại đá cho hắn một cú thừa sống thiếu chết chứ?”.
Bây giờ chỉ có thể cầu cho tên cướp ấy phúc to
mạng lớn, nhất định không được chết vì mấy cú đạp ấy.
Ba tiếng sau, tên cướp Đơn Hải Kinh mười tám
tuổi đó cuối cùng cũng tỉnh lại. May mà cậu ta chỉ sợ quá đến mức ngất đi thôi,
chứ không phải bị đám người xung quanh tức giận và tràn đầy chính nghĩa kia
đánh đập cho trở thành người thực vật.
Nhưng sau khi tên cướp tỉnh dậy, đối với cậu ta
mà nói, kết quả tốt nhất chính là bị vấn đề về thần kinh, ở một mức độ nào đó
sẽ tránh được xử phạt hình sự, nhưng chắc chắn rằng cậu ta không thể có được tờ
giấy giám định ấy.
Đang lúc quan trọng, không phải ai cũng có khả
năng chứng minh được rằng mình mắc bệnh tâm thần.
Một tháng sau, bà Vệ Lam qua đời vì bệnh nặng.
Đơn Hải Kinh ở trong tù, cậu mơ thấy mình chết.
Kết quả đúng như thế!
Thực ra, rời xa thế giới này, đối với Đơn Hải
Kinh mà nói, điều đó không phải là một chuyện buồn. Cuộc đời tàn khốc và thực
tế như thế cũng không có gì đáng để Đơn Hải Kinh phải luyến tiếc.
Chết đi, lên thiên đường cũng rất tốt. Nơi đó
không có chuyện ỷ mạnh hiếp yếu, không có chuyện bỏ rơi, phản bội, không có
bệnh tật, đau khổ, không có gì là không tốt đẹp. Nơi đó không có sự tàn nhẫn
như ở thế giới này.