32. Không Cười Có Ông Thánh...
KHÔNG CƯỜI CÓ ÔNG THÁNH…
Nói đến cờ tướng, đa số người đều thích và cho là một thú chơi thanh nhã. Nhưng đến thơ văn tả cảnh chơi cờ thì thật ít ai làm.
Người ta bảo lý do đó tại bài thơ của nữ sĩ Hồ-Xuân-Hương nói về đánh cờ là một bài thơ hay và trào lộng hết chỗ nói rồi nên không ai làm nữa, cũng như thi sĩ Lý-Bạch đời Đường xưa khi lên lầu Hoàng-hạc muốn đề thơ, nhưng thấy bài thơ của Thôi-Hiệu là tuyệt tác thì thôi không vịnh nữa.
Bài thơ của Hồ-Xuân-Hương tả về cảnh đánh cờ người, nguyên văn như sau :
Chàng với thiếp năm canh trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi,
Cấm ngoại thủy không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,
Để đôi ta quyết chí một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen.
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.
Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tượng lên.
Hai xe hà chàng gác hai bên,
Thiếp sợ bí thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu mà dú dí vô cung
Thiếp đương mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu.
Thua thì thua cố níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.
Các bạn hãy đọc lên và suy nghĩ xem có hay và cười không ?
Nhất định là cười và hay vậy. Cái lối « thi trung hữu quỷ » ấy thật ít ai làm hơn. Nhưng theo tôi, tánh chất cười trong đó phải so sánh lại với bài của ông Xứ Trìu ở Sơn-tây cũng một nhà nho trào phúng mới cách đây độ gần nửa thế kỷ.
Ông Xứ có người bạn là Khôi, người Quảng-oai (cùng tỉnh) đỗ tú-tài, đi ngồi gõ đầu trẻ ở một làng nọ. Hai người là tri kỷ với nhau, nhưng ông Xứ ngông bao nhiêu trái lại ông Tú nghiêm bấy nhiêu. Vì thế ông Xứ muốn chơi một đòn cho ông Tú phải bỏ cái tánh « cụ già » đi để nhộn theo với mình.
Ông Tú có tánh thích chơi cờ, và thường nghiêm khắc đối với học trò. Biết vậy, ông Xứ mới bịa ra một bài phú đánh cờ nội dung nói một hôm ông Tú đi vắng, học trò ở nhà đánh cờ. Trong lúc cao hứng, có cô con gái chủ nhà ngồi xem. Thế rồi không biết học trò nghĩ sao, sáng sau tới trường cứ khúc khích mà cười. Thầy đồ (tức ông Tú) liền nổi giận bắt nọc cả ra đánh. Học trò sợ quá, tới giờ phút nghiêm trọng ấy mới cung khai gốc ngọn. Khai xong, thầy bật cười, liệng roi đi, và tấm tắc than cho số phận mình, tại sao không có ở nhà, lại đi vắng để mất một dịp may hiếm có.
Dưới đây là bài phú đánh cờ của ông Xứ :
Tiên sinh bệ vệ,
Đệ tử tể tể
Quái sao lũ trẻ,
Nó cười như thế ?
Nhi khúc khúc yên,
Nhi khích khích yên !
Nhược phó tiên-sinh nhi mặc kệ !
Tiên sinh
Nãi mông kỳ roi,
Nãi đốp kỳ đùi.
Nãi há kỳ mồm
Nhi quát chi viết : vô lễ !
Đệ tử
Nãi ruỗi kỳ chân,
Nãi cúi kỳ đầu,
Nãi bẩm chi viết,
Thưa thầy khoan khoan.
Chúng con xin kể :
Nguyên hôm qua
Thầy đi chơi xa,
Chúng con ở nhà.
Tụm năm tụm ba,
Nãi bút nghiên chi xếp lại,
Tức bàn cờ chi giở ra.
Bất ý
Cô ấy nhà ta,
Diện như mỹ ngọc.
Nhan như Thuấn-Hoa.
Ngồi lê ngồi la,
Mảng xem cuộc nước,
Quên để của nhà.
Soẵn soẵn như đùi ếch,
Chuôn chuốt như mỏ gà.
Hênh hếch như hang cua ở,
Bềnh bềnh như cánh chim sa,
Lũ chúng con kiến kỳ,
Pháo chưa long ngòi,
Sĩ toan lách cạnh.
Thao túng Ngũ lăng chi mã, ngựa mới trơn lông ;
Khi khu Tam cố chi xa, xe vừa tròn bánh.
Tượng sổ lồng ư tư thời hề ;
Thế mà không cười có ông Thánh ?
Huống hồ nhất quỷ nhì ma !…
Tiên sinh
Nãi quăng kỳ roi,
Nãi mỉm kỳ môi.
Nãi đốp kỳ đùi,
Nhi thán chi viết :
Ối trời đất ôi !
Thế mà hôm qua tao không có ở nhà !
Ông Xứ làm xong, đem phổ biến cho đám học trò. Ông Tú nghe thấu đến tai, bực mình lắm, nhưng biết nói sao bây giờ với ông Xứ.
Câu chuyện trong bài phú tuy hoàn toàn là bịa, nhưng bịa mà có lẽ cũng đúng với sự thật ở đời với cái tâm lý của những con người đạo đức giả xưa nay. Phải phục cái tài trào phúng của ông Xứ.
Bài thơ của Hồ-Xuân-Hương hay thật và cười thật nhưng chỉ có một khía cạnh thôi và cái bối cảnh ban đêm để đóng khung lại chỉ vỏn vẹn có 2 người trong cuộc cấm nội bất xuất ngoại bất nhập. Còn bài của ông Xứ chẳng những đã không thua về tánh chất dí dỏm trào lộng mà còn tả ra được cái cảnh nhộn nhịp của một bàn cờ tự do chơi giữa lúc thanh thiên bạch nhật với bao nhiêu khía cạnh khác nữa.
Quý bạn đọc hãy thử xét kỹ lại mà xem, và đây cũng là một bài để tặng các ông chơi cờ và những ông làm bộ ra vẻ nghiêm trang đạo đức đấy !