29. Chày Đúng Nghĩa Là Gì

CHÀY ĐỨNG NGHĨA LÀ GÌ ?

Nhắc đến cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ, ở những trang trước, chúng tôi đã kể đến một vài giai thoại để chứng tỏ sinh thời cụ chẳng những hơn đời về Chữ và còn cả về Nôm. Song đó là cụ còn dùng bằng Nôm hay bằng Chữ, chí như câu chuyện sau đây của cụ mới đặc biệt vì nó là chữ mà không phải là chữ, là nôm mà không phải là nôm, không phải là nôm là chữ mà còn thú vị hơn là Chữ và Nôm.

Tục truyền, một làng nọ cứ mỗi năm bị hỏa tai một lần, đề phòng thế nào cũng không thoát. Nhân có thầy địa-lý đi qua, ghé vào ngôi đình đầu làng nghỉ. Kỳ mục trong làng đem chuyện hỏi. Thầy cho biết tại nơi hướng đình làng, muốn khỏi cháy, phải nhờ một vị đại khoa nào viết cho mấy chữ yểm thì tự khắc sẽ yên.

Các tay kỳ mục nghe thầy cắt nghĩa phương nọ quẻ kia, ngũ hành bát quái, thao thao bất tuyệt, cho là phải, mới xuất quỹ làng mua một tấm vóc điều thật lớn, rồi đem lễ vật đi xin cụ Tam-Nguyên.

Nghe kể đầu đuôi sự tình, cụ bảo căng tấm vóc ra, rồi cầm bút đại tự, cụ thấm vào tô mực, sổ cho một nét thật lớn. Sổ xong, cụ bảo : Khỏi cắt nghĩa, thôi, các thầy cứ đem về treo lên, từ nay không còn cháy nữa đâu.

Thế là tấm vóc ấy được ngạo nghễ bay phất phới hàng ngày ở trước hương án đình. Làng ấy quả nhiên từ đó hết hỏa hoạn. Ai ai cũng phục tài cụ, uy tín cụ, nhưng có điều thắc mắc, không ai biết cụ sổ cho một nét như thế nghĩa là gì. Cả đến các ông cử ông nghè qua lại trông thấy cũng không thể đoán được. Sao chỉ có một nét trơ trọi mà linh đến như vậy ?

- Thật cụ đỗ Tam-Nguyên có khác, chớ như mình đây đâu hiểu nổi được những uyên thâm của cụ !

Người ta tấm tắc phục cụ hoài. Một thời gian khá lâu sau, có người được dịp yết kiến cụ, đem chuyện ra hỏi… Cụ giảng dạy :

- Có chữ nghĩa gì đâu. Làng họ hay cháy, họ đến nhờ ta yểm, và bảo thần làng ấy không biết chữ, nên ta cho họ thế ; không phải là chữ như các thầy tưởng đâu, mà nó là cái « chày đứng », chày đứng đọc lái là « đừng cháy », ta phải làm thế để ra hiệu cho ông thần làng họ hiểu, ông ấy nể lời sẽ thôi không còn làm cháy nữa. Cái nghĩa nó dễ như vậy, mà không ai hiểu à ?…

Câu chuyện này đồn đi, mọi người đều cùng nhau tưng hửng, nhất là những ông mang danh là khoa mục triều đình đã nhiều lần lui tới làng kia.

Ấy cái tài chơi chữ và nói lái của cụ thế đó, hỏi có vui không ? Đâu có thua gì chuyện Cống-Quỳnh xưa viết « Thiện đức » cho nhà quan thị (Thiện đức không phải là đức tốt mà đọc lái ra là đực thiến) và đề vào hũ mắm hai chữ « đại phong » để chơi lỡm Chúa Trịnh (đại phong là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương).

Chúng tôi thuật chuyện này là kể lại một giai thoại thôi. Còn việc tin cái chày đứng ấy có sức mạnh trấn áp được quỷ thần và làm cho khỏi được hỏa hoạn hay không, thì tưởng không cần bàn đến nữa, vì đời nay là đời của khoa học, chớ không còn phải là đời của mê tín dị đoan…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3