27. Binh Bình Tê Ư Tư Sắc Tứ Quy Quý Hát Ô Hô Huyền Hồ

BINH BÌNH TÊ Ư TƯ SẮC TỨ-QUY QUÝ HÁT Ô HÔ HUYỀN HỒ

Cụ Tam-Nguyên Nguyễn-Khuyến, người làng Yên-đổ, huyện Bình-lục, tỉnh Hà-nam, tục gọi cụ Yên-Đổ bình sinh nổi tiếng về văn Nôm và nhất là trào phúng.

Tất cả các nho-gia và các người khoa mục đương thời không ai là không phải phục về tài làm câu đối của cụ.

Cụ tuy trào phúng, nhưng sát với từng người, từng cảnh và rất là bình dân, bình dân mà sâu sắc, chớ không phải khơi như mấy ông văn sĩ thi sĩ nằm trên tháp ngà để tưởng tượng thế-gian.

Về các câu đối của cụ, có người bảo câu cụ làm cho vợ anh thợ nhuộm khóc chồng là tuyệt sắc :

Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ.

Chàng ở dưới suối vàng có biết, mẹ má hồng, con răng trắng, tím gan, tím ruột với trời xanh.

Có người khen câu cụ làm cho anh hàng thịt lợn dán tết là hay :

Tứ thời « bát tiết canh » chung thủy,

Ngạn liễu « đôi bù dục » điểm trang.

Có người cho câu cụ làm cho cô Tư-Hồng thờ sắc khi ông thân sinh cô được vinh phong Thị-Độc, và cô được tứ phẩm phu nhân là mỉa mai :

Đôi chữ sắc phong hàm cụ lớn,

Nghìn năm công đức của bà to.

Và câu đối cho cô dán cổng chào để rước sắc vua ban :

Cửa kiền-khôn đôi mảnh chia ra, khi khép lại khìn khin khít khịt,

Tay tạo-hóa một then đưa đẩy, lúc mở ra toác toạc toàng toang.

Theo tôi, những câu trên đây tuy là hay, là xỏ, là mỉa mai là tuyệt sắc thật. Song tất cả cũng chưa lấy gì làm lạ, làm xuất chúng và lịch-sử bằng câu :

Binh bình tê ư tư sắc tứ,

Quy quý hát ô hô huyền hồ.

兵平西於玆勅賜

歸貴喝嗚呼懸孤

Hai câu này cụ làm cho một anh chàng nọ đi lính thuê cho nhà nước bảo hộ Phú Lang Sa.

Anh ta vốn xuất thân làm người một chữ nhất bẻ làm đôi không biết. Nhưng « xui xẻo » gặp thời người Pháp sang cướp nước Nam. Anh ta nghe theo tiếng gọi của « mẫu quốc » ra đi vác súng xông pha trận mạc để đánh dẹp người Việt. Khi xong việc nhà nước Đại Pháp nghĩ anh có công đã bắn giết đồng bào, nên xin triều-đình sắc phong cho anh hàm cửu phẩm tinh binh.

Thật còn gì sung sướng và vinh dự cho bằng. Phải mồ mả nhà anh không « táng hàm rồng » thì đâu được như vậy. Đã thế, khi anh về, anh lại còn biết xì xồ nói được vài ba câu tiếng Pháp :

Lơ cồc là con gà.

Lơ xiêng là con chó.

Thắng cẳng tiên 17 là bốn mốt.

Cát tò ván tiên 18 là 1421.

Lèo tèo me-dồng lô bố cu tết bớp 19 là học trò nhà nước đầu bò lắm.

Và anh lại viết được năm bảy chữ quốc ngữ, một thứ chữ mà trong thời đại đó, các cụ nhà ta rất có thành kiến vì đầu óc bài ngoại. Sẵn ghét người Tây, các cụ không hiểu, nên cho là một thứ chữ cũng ngoại lai và xâm lăng như Pháp, không phải của Thánh Hiền để lại.

Vì thế, khi tên này làm lễ ăn khao sắc nhà vua ban và công Đại Pháp thưởng, cụ Yên-Đổ mới viết mừng hắn đôi câu đối.

Binh bình tê ư tư sắc tứ,

Quy quý hát ô hô huyền hồ.

Mới đọc ai cũng cho là giọng trẻ con đánh vần chữ quốc ngữ thật, nhưng lại là chữ Nho, ấy thế mới lạ và tài tình.

Binh bình tê 20 ư tư sắc tứ, nghĩa là việc binh đã bình rồi thằng Tây ở đây nó cho mày sắc đó. Còn quy quý hát ô hô huyền hồ, nghĩa là giàu sang về làng, thì thôi cái cung đem treo nó lên. Ngụ ý cụ nói anh này chẳng ra gì, nếu không nhờ được Tây cho thì đố mày làm nên.

Thoạt tiên, mọi người cũng nghĩ là cụ chơi đùa, chế anh mới võ vẽ quốc-ngữ. Nhưng sau nghiền ngẫm ra mới hiểu là sâu cay.

Câu này của cụ tuy làm đã lâu, ngày nay đã thành một câu cổ. Song nội dung thiết tưởng vẫn còn giá-trị cho những kẻ nào còn nô lệ và vong bản ; mà chưa thấy đó làm nhục cho phẩm giá con người của một quốc-gia văn-minh và độc-lập.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3