Biểu Tượng Một Dòng Họ - Chương 10

X

Loan trở lại phòng, cũng uể oải như lúc nãy lên nhà
tế xem bói, nhưng tâm trạng không còn nặng trĩu nữa. Giọng nói nàng vừa được
nghe vẫn đang khơi động mạnh ký ức. Rõ ràng nàng đã nghe từ một ai khác, vậy mà
vẫn không sao nhớ ra. Nhưng hình ảnh về cái chết oan nghiệt của bà tổ cô, nàng
thấy như của chính mình, như đang cào xé tâm can. Hồng nhan bạc mệnh xưa có
Thúy Kiều, sau đến bà tổ Hương, còn mình cũng chẳng thấy may mắn hơn. Thôi thì
nên nghe thầy cứ đi kêu cầu bà ra tay cứu độ.

Khi Loan mới được 15 tuổi, trông đã ra dáng một thiếu
nữ thực thụ và lác đác dăm ba nhà đánh tiếng, bắn tin xí chỗ trồng cây chung với
ông bà Bá. Đến tuổi 19, nàng thành mục tiêu của rất nhiều nhà quyền quý, danh
giá: ông bá Đại, ông bà tham Lĩnh, ông phán Tạo, ông đốc Thuần... Nhưng khi tiếp
chuyện các chàng công tử ấy, nàng không thấy một chút rung động nào. Cha nàng
xem xét, cân nhắc kĩ đi đến chốt lại con ông chánh án Tỉnh và con quan tri phủ
Kiến Thụy. Nàng thưa:

- Con vẫn hiểu phận làm con là phải tại gia tòng phụ,
nhất là chuyện nhân duyên, theo lời dạy của thánh hiền. Nhưng nhân duyên là
chuyện hệ trọng, nhất là với phận gái. Nếu lấy nhau chỉ để cho có vợ có chồng
hoặc chỉ để vinh gia hai bên, thì chả cần tốn công cân nhắc, lấy một ông già hoặc
thằng bé có khác gì nhau, hoặc dù có lấy một chàng trai thì cũng không tránh khỏi
“đồng sàng dị mộng” như thầy vẫn nói. Khi hai bên chấp nhận hôn nhân không được
bắt đầu bằng tình yêu cũng là khởi điểm của một thảm họa. Anh Hân và chị Tung
trước kia, nay là chị Mười, là bài học đắt giá cho con và em Phượng. Nếu duyên
phận của con xéo lên vết đó thì dù thầy có thương con đến mấy cũng không thể cứu.
Chị Mười như một cái cây mơn mởn đang dần cỗi đi, cứu chị chỉ có mỗi cách giải
thoát cho chị ấy đi bước khác, nhưng đó là việc vô đạo, không ai dám làm. Riêng
chị Tung can đảm tự giải thoát lại bị đời lên án.

Nghe vậy, cha nàng phải thầm cảm phục con mình khôn
hơn ông vẫn tưởng rất nhiều, nên không thể phản đối một lập luận thuận cả tình
lẫn lý. Ông tin vào số mệnh. Thôi cứ để cho năm tháng trôi, mệnh của nó thế nào
ắt tới. Nó mới gần 20, còn rất trẻ mà. Nhưng đến khi vụ kép Tân xảy ra thì ông
thấy bất mãn đến tột độ với con, sự việc ập đến quá bất ngờ và dữ dội như có một
quả trái phá chớp nổ trong tâm trí. Từ tâm trạng thấy mình bất lực: định đoạt
chỗ cho con không xong, để con tự chọn, lại hỏng, đến chỗ cực đoan: lên án mình
đã bày ra hội hè nên con mới vướng phải lỗi lầm, dẫn đến thân tàn ma dại bấy
nay. Tình trạng này nếu kéo dài thêm sẽ không tránh khỏi vết cô Quỳnh nó. Trời
hỡi! Nếu cảnh ấy thành sự thật thì quả là một thảm họa tày đình cho ta, nhà ta,
và cả họ Đào này! Ông nhiều tháng nay vẫn không thoát được tâm trạng như gà mắc
tóc, lúc bải hoải tưởng như thân thể vụn rời thành trăm mảnh, lúc sinh hoang
mang, nơm nớp một bất hạnh đang treo lơ lửng, có thể ụp xuống bất cứ lúc nào...

Thì giờ đây sự xuất hiện của kép Tân như một luồng sinh
khí thổi vào đời ông, vào trang viên. Năm ngoái kép Tân Trịnh Giang bỏ lại
trang viên vụ bê bối mà di hại kéo mãi đến hôm nay. Năm nay, lại chính kép Tân,
nhưng là kép Tân thầy bói đưa ra giải pháp gỡ bí cho ông và con gái rượu của
mình.

Hai ngày sau, ông từ Hải Phòng về, được bà ba kể lại
lời phán của thầy về đường nhân duyên của Loan.

- Bà nói thật đấy chứ?

- Khổ! Ông không tin thì cứ hỏi các bà ấy, hỏi con
Phượng xem. Ông thầy còn bảo nếu quanh đây không có tử khí ám quẻ thì trí ông
còn sáng hơn, ý nói phán còn đầy đủ hơn.

- Thế à? Lại biết có tử khí, thầy này cao tay nghề đấy.
Thôi mình phải tin cái mệnh của con là thế. Nhưng tôi cứ ngại thằng kia làm nghề
xướng ca vô loài mạt hạng.

- Chuyện ấy bàn sau. Ngày mai ông bảo anh Cuộc sửa
soạn xe tay để tôi đưa nó đi Đồ Sơn, kêu cầu bà tổ họ. Con cháu gặp nạn, hẳn được
bà ra tay độ trì. Ai mà chả thế, có bệnh phải vái tứ phương!

- Nhớ xin quẻ thẻ xem Người dạy gì nhé.

Vì không phải đang kì trảy hội nên ở đền thờ Đế Bà
ngoài mẹ con Loan, không thấy có đệ tử nào đến lễ. Và cũng trong những ngày
không phải rộ hội, thường không có thầy dịch thẻ tại cửa đền. Nhưng không hiểu
sao mấy hôm nay xuất hiện duy nhất một thầy, ngồi trọn ngày vẫn không có ai đến
dịch. Mãi đến hôm nay mới được một cô đệ tử họ Đào, thầy nói giọng rất chân
thành:

- Dù mấy hôm nay ngồi không nghe sóng vỗ cho vui
tai, tôi cũng chẳng ngần ngại dịch hộ, vì tôi vốn người cùng dòng họ, mong Đế
Bà tổ hiểu lòng tôi vẫn không quên gốc gác xuất thân, là tôi được an ủi rồi.

Đó là kép Hào, cùng gánh với kép Tân, ít ngày trước
đã hiến Tân “độc kế”: đóng vai thầy bói xâm nhập trang viên. Và mấy hôm nay anh
sắm vai ông đồ. Vào lúc này trong tay “ông đồ” có một lá số được chuẩn bị kĩ từ
nhà, nội dung nêu những triển vọng sáng sủa của cuộc tình duyên giữa hai người,
đem tráo vào lá số Loan đã xóc được, rồi dịch cho nàng nghe. Sau đó, “ông đồ” bảo:

- Tiểu thư đưa tay phải tôi xem đường nhân duyên
trên tay có khớp với lời thánh dạy không.

Chọn được thời khắc mẹ nàng không tập trung, kép Hào
ấn vào tay nàng một mẩu giấy. Linh tính mách bảo nàng mảnh giấy ấy là của Tân,
vì đã có lần nàng được trao thư y hệt cách vừa rồi. Nàng mím chặt môi, nắm chặt
lấy nó, ngước nhanh ánh mắt biết ơn nhìn “ông đồ”. Rồi nàng lấy cớ riêng để rời
mẹ, lần tìm chỗ nấp sau tảng đá lớn, mở ra đọc.

“Em ơi, không lấy được em, anh sẽ chết mất thôi. Hơn
năm qua, anh nghĩ cách gặp em, lận đận mãi, hôm nọ mới vào được nhà em. Không
biết em có nhận ra anh không. Dù có bị trừng phạt, anh cũng lấy em bằng được.

Em ơi, hãy nhớ lại đi, trên đời này có ai biểu lộ
tình yêu như anh trên sân khấu hồi ấy? Như thế chưa đủ để thầy bu em tin vào
lòng chân thành của anh ư? Vài hôm nữa mẹ anh sẽ đến thưa chuyện với thầy bu em
về chuyện chúng mình. Việc làm ấy anh nghĩ là thiện chí. Đã là việc thiện chí
thì không ngại ai chê cười, phản đối.

Em có nghĩ như anh không?

Anh Tân, người chồng tương lai của em.”

Mắt nàng mở to nhìn trân trân vào tờ giấy, nhưng lại
không thấy một dòng chữ cụ thể nào, chỉ có một vầng sáng lóa trùm lên, và đôi
chân như đang đứng trên con thuyền tròng trành lướt băng băng trên biển sóng,
trong lúc tim đang đập mỗi lúc một dồn dập. Trong niềm đê mê đến lịm người,
nàng mường tượng một sự kiện trọng đại của đời mình đang đến gần, và nếu tiếp
nhận nổi nàng sẽ thoát khỏi những tháng ngày dài sầu muộn, bi lụy, để sang một
cõi tràn đầy cực lạc. Gấp mẩu thư tình lại, ấn sâu nơi đáy túi, cài kim băng cẩn
thận, Loan trở lại với mẹ mà vẫn chưa hết cảm giác rung rinh dưới chân và bước
chân hơi chuệch choạc.

- Con có làm sao không?

Nghe tiếng mẹ, nàng mới bừng tỉnh:

- Bu ơi, con vui lắm. Con chả sao cả bu ạ. Con chỉ
vui vui như người trúng số độc đắc ấy. Không, người ấy cũng chẳng thể vui bằng
con lúc này.

- Sao đang ủ rũ lại thành vui nhanh thế?

- Con vừa nghĩ ra cách gột hết buồn phiền, ủ rũ rồi.

- Nhìn mặt con, bu tin điều con nói. Nếu không thì
sao mặt mày con như thế được!

- Vâng, mặt mày con vui như người đang đi hội à?
Vâng, lòng con cũng không kém.

Lời nàng tuôn chảy, hăm hở, gấp gáp vừa giống như
người đang ở tột độ hạnh phúc, lại như từ miệng một người say rượu.

- Bu ơi! Ái tình là dây oan, làm con cả năm hãi
hùng, suy sụp. Con muốn cắt tóc đi tu, vì tu là cõi phúc, bu ạ.

- Đi tu? - Bà bàng hoàng cả người. - Đừng có nói dại,
con. Đang tuổi xuân hơ hớ, nhan sắc chim sa cá lặn thế này lại nghĩ đến việc tự
hành hạ mình bằng khổ hạnh là sao?

Người ta đôi khi được đột ngột thay đổi tâm trạng từ
đau khổ sang hạnh phúc thường có biểu hiện bất thường. Ví như một bà mẹ đang sống
trong tuyệt vọng do trông đợi mãi đứa con, thì nó xuất hiện. Thay cho vui cười,
bà lại mếu máo rồi khóc lên ồ ồ. Bề ngoài là khóc, còn trong lòng là cả một trời
vui sướng. Hoặc như ta bắt gặp ai đó gân cổ xướng lên: “Bà con làng nước ơi!
Tôi đang phát điên lên đây này!”, thì chẳng ai tin là anh ta điên thật, vì nếu
điên thật sẽ chẳng nói vậy, mà nói khác. Họ vừa nói một trạng thái khác đang bốc
dậy mãnh liệt: niềm sung sướng quá mức chứa của lòng mình. Cũng tương tự, Loan
đang từ tâm trạng u ám thất tình, đột ngột chuyển sang chứa chan hi vọng, tỏ ý
muốn đi tu, muốn tự hủy hoại mình bằng cuộc sống khổ hạnh, chính là nói niềm hạnh
phúc đang ào ạt trong lòng. Bà mẹ vốn chất phác, suy nghĩ rất đơn giản, tưởng
con nói thật, đâm lo, giờ về đến nhà thành hoảng sợ. Với vẻ mặt nghiêm trang,
bà cho chồng hay:

- Lễ xong, nghe thấy dịch lá số xong, con mình vui
ra mặt. Tôi đang mừng rơi nước mắt, thì nó bảo sẽ cắt tóc đi tu. Ông nghĩ cách
gì khuyên can con đi. Nếu nó cứ liều thì tôi đâm đầu xuống sông mà chết còn hơn
sống để nhìn nó chết mỏi chết mòn do tu nghiệp.

Ông Bá định hỏi về lá số, nhưng mới nghe đến đấy đã
choáng váng, không sao cất được lời. Trước mắt ông như có những chùm tia lửa
tung tóe, có lẽ vì tâm trí đang bị choáng nặng. Ông ngồi bất động trên sập gụ,
cạnh chai rượu thuốc “kích hoa” và con chim câu tần hạt sen do bà Thư sai chị
Chiểu mới bưng lên. Có dễ nửa tiếng trôi qua, ông vẫn ngồi như thế, nỗi lo bộc
lộ rõ nét đến nỗi Phượng là người không hay xét đoán cũng nhận ra. Nàng thì thầm
hỏi mẹ:

- Thầy con sao mặt đờ ra thế?

Bà không đáp vì cũng đang lo như chồng. Những việc đại
sự như hạ quan Tây, quyết tử với đảng cướp cũng không vẽ nổi nỗi lo trên khuôn
mặt ông. Còn bây giờ... Việc tu hành chỉ dành cho những người mà số trời đã định
không được hưởng thú vui của đời. Còn con mình, mệnh nó đâu phải vậy! Nếu điều
này thành sự thật thì nó chẳng khác gì cô nó, nghĩa là mất hẳn cả đời người con
gái, thành một bà cô khổ hạnh vùi đầu trong kinh kệ, triền miên trong chuông
mõ, niệm Phật, ăn chay...

Bà Thư hình như đang có gì vui, bước vào, định hỏi
thăm bà ba về chuyến đi lễ, thấy chồng ngồi im như phỗng đá, giật mình, quay
sang nhìn bà ba và Phượng. Tưởng mọi người buồn về cái lá số của Loan, bà định
kéo chồng trở lại không khí bình thường:

- Món ăn nguội ngắt rồi này. Anh ơi, ăn xong đã. Hay
để em hâm lại nhé.

- Khổ quá, tôi đã bảo bà bao nhiêu lần là phải xưng
hô sao cho vừa tai mọi người. “Anh anh, em em”, lúc nào cũng “anh anh, em em”!

- Thôi, cho em, à tôi xin lỗi. Dạo này đến là hay
quên! Tôi mang hâm lại chim đây. Ông đợi tí nhá, chim nóng ngay thôi mà. Ngon
phải biết! Bổ thận không kém diếc răm...

Ông đã trấn tĩnh phần nào:

- Bà đưa cái lá số tôi xem... Người dạy toàn điều
hay cả đây, mệnh nó là phải tác thành với người đang hẹn ước, cũng giống quẻ
ông thầy bói gieo tuần trước.

- Con này không lấy được thằng Tân là nó đi tu thật
đấy. Ông lựa nhời khuyên giải nó đi, đừng để hối thì đã muộn. Đời nó khổ là một
chuyện, người đời còn bảo chắc cha mẹ khắc nghiệt quá nên mới đẩy con vào vòng
oan trái, phẫn chí.

Ông im lặng. Ở những tình huống tương tự thế này, nếu
ông im lặng là thuận lòng. Năm bà, bà nào cũng biết tính ấy của chồng.

Loan đến. Ông sửng sốt khi thấy vẻ mặt con tươi rói,
như vẫn thế từ kì hội họ về trước.

- Đi lễ về, hẳn bà tổ họ đã độ cho con. - Ông khéo
léo vào đề bằng một lời gợi.

- Vâng, con cũng cảm thấy Người độ. Con vui lắm thầy
ạ.

Ông lịm người nghe chất giọng thiên phú từ miệng con
mà hơn năm qua bị ngăn nơi cổ nó. Cha mẹ sinh con, trời sinh giọng. Nó đã từng
trấn an cơn thịnh nộ của ông, tưới mát những phiền muộn giày vò ông. Giờ đây,
tim ông như thành mềm nhũn, một cảm giác bao dung và độ lượng đang đầy ắp bên
trong.

- Nhìn con vui trở lại, thấy cảm thấy quá hạnh phúc,
không sao diễn tả để con thấy hết được.

- Con biết ơn thầy.

- Thế nhưng bu con bảo con có ý định thành nhà sư? –
ông quay sang nhìn bà ba, đợi từ ánh mắt khích lệ con.

- Vâng. Con mới chợt nghĩ đến khi đi lễ, khi ấy chỉ
là ý tưởng bột phát - Loan cười - Hình như thành sư rồi thì mãi mãi không bị khổ
vì nỗi này niềm kia.

- Sau lúc bước chân vào nhà chùa, làm sao con được
phép có vẻ mặt hân hoan như thế này?

- Vâng. Nhưng con tin cửa Phật không đem lại nỗi khổ
cho người tu hành. “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”, thầy có tin không?

Khuôn mặt của bà mẹ lúc Loan mới vào chuyện với cha,
lóe lên một ánh hi vọng, giờ biến mất rồi và thành tối sầm vì lo lắng.

- Đành rằng thế. Nhưng tìm được niềm vui ngoài đời
thường vẫn là tự nhiên và có ý nghĩa hơn rất nhiều, phải không con?

- Thưa thầy vâng ạ.

- Con nghĩ thế nào về số mệnh do bà tổ chỉ cho con?

- Mình con thì không làm nổi ạ.

- Được thầy bu giúp thì thầy tin con làm được...

Lời ấy từ miệng cha, nàng chưa hề trông đợi, ít nhất
từ kỳ hội họ. Nên nàng khựng lại, hơi ngờ vực. Khuôn mặt nàng đang nở nang,
tươi tắn, bỗng thu lại, hơi ngơ ngác, ánh mắt dán vào cha vừa lo ngại vừa tin
tưởng, chờ đợi một điều cụ thể hơn. Ông tiếp:

- Nếu con từ bỏ ý định tu hành, thầy sẽ tuân chỉ lời
dạy của bà tổ họ.

Loan chưa kịp trả lời thì chó đã sủa rộ. Hình như
nhà có khách. Từ sáng, chốc chốc một con quẹt khách lại đáo qua tán cau sau cây
hương, kêu toáng cả vườn lời thông báo nhà sắp có khách xa tới. Loan lui gót để
thầy tiếp khách.

Chiếc xe hơi Renault êm ái lọt qua cổng, rồi xịch đỗ
đầu sân. Xuống xe là một bà trạc sáu mươi, khăn nhung vấn, áo dài gấm màu nâu
tây, quần trắng và guốc cao gót. Vẻ tự tin, bà đi thẳng tới nhà tế, dừng lại
trước thềm:

- Xin kính chào quý ông, quý bà. Xin các vị cho phép
tôi vào, tôi sẽ tự giới thiệu.

- Vâng, xin kính mời bà. - Ông Bá trịnh trọng. - Tôi
hỏi khí không phải, bà đến lấy thuốc cho...

- Dạ, không ạ. Tôi là em mẹ ruột cháu Tân. Bà chị
tôi định đến đây lần này, nhưng tôi khuyên để lần sau. Thưa quý ông, bà, tôi là
dì cháu Tân, cũng không khác mẹ cháu là mấy, như các cụ ta dạy: “Sảy cha còn
chú, sảy mẹ ấp vú dì” ạ. Nên hôm nay tôi đến, trước nhất xin thay mặt mẹ cháu
xin lỗi ông bà, xin lỗi cả họ về việc dại dột của cháu năm ngoái.

- Thưa bà - Thường thì để ông trả lời sẽ lợi hơn,
nhưng lần này bà phải vội đáp vì sợ ông còn phẫn uất sẽ gây chuyện đáng tiếc -
Chuyện qua lâu rồi bà ạ, chúng tôi quên cả rồi. Vả lại các cháu trẻ người non dạ.

Ông Bá quay sang vợ lườm nhanh hàm ý: “Bà không im
ngay đi, sẽ mất thể diện con mình!”

- Dạ thưa bà, chẳng qua quý bà chị bận việc lắm, nên
không đi chuyến này? - Ông thăm dò lí lịch.

- Dạ thưa quý ông. Mẹ cháu phải điều khiển đội xe
Renault chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Nếu quý ông bà cho phép mẹ cháu đến hầu
chuyện ông bà thì tôi sẽ thay trông nom giúp mẹ cháu ít hôm.

- Dạ thưa quý bà, cháu Tân vẫn giữ nghề diễn ca?

- Ối giời, quý ông gọi đấy là nghề thì đó là nghề
thôi, chứ nhà tôi có thiếu thốn gì mà phải cho nó đi làm cái việc ấy. Nói ông bỏ
ngoài tai cho: cháu Tân cần ô tô lái chơi, mẹ cháu cũng có thể sắm cho nó vài
ba cái một lúc. Cháu nó thích ca thích diễn, chúng tôi phải chiều thôi. Chả là
mẹ cháu hiếm hoi, được mỗi quý tử ấy thôi ạ. Dạ, dạo này cháu xin nghỉ diễn để
chuyên lo việc viết kịch cho đoàn “Chuông Vàng”. Cả việc này, chúng tôi vẫn coi
là thú vui của cháu thôi, nào có để ý gì đến cháu được trả nhuận bút bao nhiêu.

- Thưa quý bà. Chúng tôi cũng nhờ quý bà nói lại với
bà chị và cả cháu Tân: chuyện qua lâu rồi thì có lẽ ta cho qua hẳn, mà đó chỉ
là chuyện bồng bột của tuổi trẻ. Chúng tôi muốn được tiếp kiến thân mẫu cháu
Tân vào một ngày gần đây.

Hai hôm sau, mẹ Tân đến cũng bằng chiếc Renault bóng
lộn màu trắng nhũ, tháp tùng có chị và em gái Tân, cùng đồ lễ được coi là lễ chạm
ngõ. Sau vài câu xã giao cần thiết, mẹ Tân vào đề:

- Thưa quý ông bà Bá. Xin cho phép tôi dâng lễ tổ
tiên để xin phép các ngài đáo gia...

Xem trang phục, phong cách xử sự và vẻ cung kính, có
thể biết ngay bà sinh ra từ một gia đình lễ giáo, vừa là người của cổ truyền, vừa
là một phu nhân tân thời.

- ... Nếu em tôi lần trước đã nói, thì tôi cũng xin
phép nói lại: một lần nữa xin ông bà tha thứ. Dạ, con dại cái mang đấy ạ. Chúng
tôi và bạn bè của cháu giới thiệu nhiều đám lắm, nhưng chỉ thấy cậu lắc đầu. Cậu
ấy bảo: “Con không lấy được cô Loan thôn Mây thì con cắt tóc đi tu!”

Ông Bá không nín được, phì cười xởi lởi rồi tiếp lời
bà:

- Cháu Loan cũng cùng giuộc, mấy hôm trước cũng dọa
gọt đầu đi vào chùa hầu Phật.

- Dạ cứ như cô cậu mớm lời nhau không bằng. Thôi như
vậy coi như cái duyên, cái phận, cái số rồi, nên mới có đoạn chờ đợi nhau như
thế, dạ ai biết chuyện đều phải động tâm ạ. Chúng tôi cầu mong quý ông bà Bá
thương con thì ngon nhau, cho hai trẻ toại nguyện ạ...

Bà ba trở lại nhà tế dẫn Loan lên cùng. Đợi con chắp
tay chào khách, rồi giới thiệu:

- Thưa bà, đây là cháu Loan, trưởng nữ của chúng tôi
ạ.

- Ôi giời, hôm nay trời Phật ban phước lớn cho tôi
được chiêm ngưỡng ái nữ sắc nước hương trời như thế này, tôi thật lòng cảm ơn
bà, cảm ơn cháu.

- Dạ thưa... Cháu đâu được như vậy, cháu quê mùa…

Ông tiếp lời con:

- Đây là thân mẫu của anh Tân. Bà tới thăm thầy bu
và con xin phép cho anh Tân đi lại nhà mình.

- Dạ...

- Ý con thế nào?

- Thưa thầy, con e rằng có thể lâu ngày anh ấy đã
quên con rồi.

Ông thầm khen con vừa khéo léo, tế nhị, vừa kín kẽ.
Song nếu ông biết được nội dung mẩu thư còn đang nằm trong túi áo con thì còn
phải cảm phục sự tinh khôn của nó nữa.

Bà khách kịp chen vào:

- Ấy, không thể nào có chuyện ấy đâu. Anh ấy dọa cô
nếu không được thành gia thất với cháu thì gọt đầu đi tu, sao có thể quên nhân
tình chung thủy - Loan suýt mỉm cười, may kịp nín được, một lần nữa tỏ rõ sự
khôn ngoan trong ứng xử.

- Dạ, chuyện hôn nhân của cháu xin để thầy bu định
đoạt.

- Nghe cháu nói, cô thấy không còn gì băn khoăn với
sự lựa chọn của con trai cô nữa. Đẹp nết đã là rất quý, lại còn đẹp người nữa!
Con gái hiếm khi được song toàn, riêng cô nhận thấy thế.

- Con cảm ơn lời khen của cô ạ. Con xin phép ạ...

Lần thứ hai ông thầm khen con biết đổi cách xưng hô
đúng lúc và đúng mức: “Con... cô”.

Nàng về phòng riêng lên giường nằm ngay, cảm nhận rõ
rệt mình đang đắm chìm trong hoan lạc, ngây ngất như được ngấm khói phù dung và
cũng chếnh choáng như say. Hôm ấy ở Đồ Sơn, nhận được mẩu thư tình, nàng say
như đứng trên thuyền tròng trành. Bây giờ cũng say, nhưng cảm giác nhẹ bẫng như
đang bay. Tuy vậy nàng vẫn đủ tỉnh táo biết rằng từ giây phút này đường đời đã
quặt vào một hướng khác, bỏ lại sau lưng một quãng chỉ thấy toàn bóng đen của
ngậm ngùi, u uất và tuyệt vọng, sang một nẻo phẳng phiu, thẳng tắp, đầy nắng
gió, đôi bờ ngập cỏ lạ hoa thơm muôn sắc rộn ràng trên mỗi bước đi đón rước
nàng vào cõi bồng lai, cực lạc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3