Lại một câu chuyện tình yêu khác - Chương 10

Chương 10. And we live happily ever after

Các cô gái đều trở thành công chúa trong lễ cưới của mình.

Vì muốn tôi có được một lễ cưới hoàn hảo như ý, Bách cho tôi toàn quyền
quyết định mọi thứ, hắn chỉ làm chân xe ôm. Tuy nhiên, sau lần nhìn thấy
thành quả của việc tiết kiệm là căn chung cư chúng tôi sắp dọn về, tôi
đã biết tiết chế, tính toán hơn. Có một thực tế khó phủ nhận là phần
đông khách đi dự đám cưới chủ yếu chỉ vì quan hệ, vì trả nợ miệng, nói
chung là đủ lý do trừ việc thực sự quan tâm đến cô dâu chú rể. Cho nên,
thay vì đầu tư tổ chức một đám cưới lộng lẫy hoành tráng, tôi quyết định
làm đơn giản như tất cả mọi người. Cầm bảng kê chi tiết tham khảo từ
mấy đứa bạn, trán tôi nhăn tít, tay gạch lia lịa các hạng mục mà tôi
thấy không cần thiết.

- Em không trang trí nhà à? – Bách đứng bên nhìn bản kế hoạch gạch xóa nham nhở của tôi, lo lắng hỏi.

- Không, dán chữ Hỉ với làm cái phông nhung gắn chữ là đủ đẹp còn bàn
ghế, khăn phủ, bánh kẹo, pháo giấy em đặt trọn gói. Ăn hỏi cũng chỉ cần
bảy tráp, ít đồ thôi. Bố mẹ em về hưu rồi, chẳng mời nhiều khách đâu,
nhà anh mà mua nhiều, phát không hết là phải bỏ đi đấy.

- Ừ... mà sao lại gạch cả xe cưới thế này?

- Chị Thu, sếp cũ em hứa cho mình mượn xe rồi.

- Cái Mazda 3 cũ rích đấy á?

- Vâng, gắn hoa lên khắc đẹp, ai biết đấy là đâu.

Cuối cùng, ngoài tiền tiệc chiếm phần lớn chi phí ra, tôi chỉ đầu tư
thuê một chiếc váy cưới thật đẹp, người trang điểm xịn và một đôi Hugo
Boss cho Bách. Tôi làm đẹp cho bản thân vì muốn trong ngày trọng đại,
đánh dấu bước ngoặt lớn nhất đời, tôi có thể mỉm cười hài lòng với chính
mình trong gương.

Khi tôi bước lên sân khấu, Bách chìa tay đỡ rồi theo đà hôn nhẹ vào má
tôi, mặc cho bên dưới ồ lên. Trong một thoáng, nụ cười và ánh mắt ấm áp
của hắn bỗng làm tất cả không gian xung quanh biến mất, tôi thậm chí còn
không nghe được MC đang ra rả cái gì. Khoảnh khắc đó, tôi như thấy
trong mắt Bách những tháng năm chúng tôi bên nhau, tình yêu và sự quan
tâm hắn dành cho tôi. Hơn cả một lời hứa, nó là lời khẳng định, rằng
không chỉ trước đây, không chỉ hôm nay mà mãi mãi sau này hắn sẽ luôn ở
bên nắm tay tôi. Và tôi biết rằng, khi thời gian trôi đi, tôi sẽ quên
phòng tiệc giản dị, quên anh MC tốc độ nói hơn người, quên chiếc xe cưới
cũ kỹ nhưng cảm giác hạnh phúc chân thật lúc đó sẽ nằm lại trong ký ức
tôi vĩnh viễn.

………………

Kết thúc đám cưới, chúng tôi mệt mỏi về nhà. Tôi bắt đầu cho rằng những
nghi thức phức tạp, rườm rà của lễ cưới là nhằm làm cho các cặp vợ chồng
về sau có ý định ly dị hoặc tái hôn phải e ngại mà chùn bước. Toàn thân
tôi mỏi nhừ, cơ miệng cứng đơ, chân thì đau nhức do phải đi lại và cười
nói quá nhiều. Vì mệt nên vừa vào phòng là tôi mặc nguyên bộ váy cưới
lăn ra giường trong khi Bách đi tắm.

Xoay qua xoay lại vài vòng, đầu óc tôi bắt đầu suy nghĩ lung tung. Cho
đến tận giờ này, tôi vẫn chưa tin được mình đã kết hôn và cuộc sống từ
đây sẽ hoàn toàn thay đổi. Tôi không còn ở nhà của mình, không còn trong
vòng tay bảo vệ của bố mẹ nữa. Mắt tôi chợt rơm rớm, nghĩ tới những
giọt nước mắt của mẹ khi Bách qua đón dâu mà lòng chùng xuống. Mẹ nào
cũng vậy, ngoài miệng thì giục giã con gái lấy chồng nhưng con đi rồi
lại một mình lặng lẽ rơi nước mắt nhớ con.

Tôi bấm điện thoại gọi về, đây hẳn là lúc bà muốn nói chuyện với tôi hơn bao giờ hết.

- Alo? – Tiếng chị Sa lanh lảnh giữa bầu không khí vô cùng ồn ào.

- Em đây, chị đang ở nhà à? – Giọng tôi nghèn nghẹn, đột nhiên thấy nhớ
nhà vô cùng. – Mẹ còn buồn không? Tối nay chị ngủ lại với mẹ nhé.

- Ừ, tối nay chị ở đây. – Tôi nghe như Sa đang nén vào tiếng cười. – Mà mẹ không buồn lắm đâu, em đừng lo.

Nói rồi chị im lặng để tôi nghe rõ được những gì đang diễn ra trong nhà.
Tiếng mẹ sang sảng đúng chất giáo viên, kể về việc bà mừng thế nào khi
tôi lấy chồng, và con rể út của bà tuyệt vời ra sao. Hình như bố có chêm
vào là ngày xưa may không cố thêm thằng con trai bởi giờ tống tiễn tôi
đi xong là ông bà được tự do tha hồ du lịch, không phải lo nhà cho con
trai hay chung đụng với con dâu.

- Em muốn nói chuyện với bố mẹ không?

- Thôi, hình như bố mẹ đang bận. – Tôi tủi thân dỗi dằn.

- Ừ, đang tiếp chuyện họ hàng sôi nổi lắm, em nghe thì biết đấy. Em có nhắn gì không?

- Em không… – Nói tới đây thì tôi ấm ức nghiến răng. – Chị nhắn mẹ là
kiểm tiền xong nhớ cho em xin lại danh sách bạn bè em để sau em còn biết
đường đáp lễ.

Tôi thở dài tắt máy, thấm thía sâu sắc rằng con gái đúng là con người
ta, gả đi xong là hết. Biết thế tôi ở nhà “ăn hại” thêm vài năm nữa khéo
ông bà lại treo thưởng cả cái nhà cho anh hùng nào chịu “ôm bom cảm tử”
không biết chừng.

- Em định mặc váy cưới đi ngủ hả? – Bách nhìn tôi cười. Hắn vận quần
nỉ, áo phông, mái tóc còn ướt rũ xuống. Hơi nước từ nhà tắm bốc ra bao
quanh người khiến hắn trông có phần mờ ảo.

- Em mệt, chẳng thiết làm gì cả. – Tôi ôm gối, uể oải trả lời.

- Đi tắm đi, sẽ khỏe hơn. – Hắn ngồi xuống bên cạnh, quàng tay qua eo
tôi. Môi hắn miên man trên bờ vai trần của tôi. – Hay anh giúp em?

- Tránh ra. – Mặt tôi đỏ bừng, bật dậy như lò xo, đi thẳng vào nhà tắm.

Tắm gội tẩy trang sạch sẽ giúp tôi đỡ mệt rất nhiều. Nước nóng khiến đầu
óc tôi tỉnh táo hơn và cũng… căng thẳng hơn. Vì muốn đêm tân hôn được
trọn vẹn đúng ý nghĩa của nó, tôi đã yêu cầu Bách phải chờ tới đám cưới.
Vậy mà giờ tôi lại cảm thấy hồi hộp, lo lắng lạ thường.

Lúc tôi xong xuôi bước ra, Bách đang nửa nằm nửa ngồi trên giường đọc
sách, thấy tôi thì quẳng quyển sách qua một bên. Tôi bối rối đến độ
không dám ngẩng lên, rụt rè ngồi xuống góc giường, cố gắng cách xa hắn
nhất có thể. Bách mở tủ đầu giường lấy máy sấy rồi vẫy tôi:

- Ra đây anh sấy tóc cho.

Tôi im lặng suốt thời gian hắn lau tóc và sấy cho tôi.

- Đỡ mệt chưa?

- …

- … – Tôi nghe tiếng Bách cười khẽ. – Đừng căng thẳng thế, anh có ăn thịt em đâu.

- Đâu có. – Tôi đỏ mặt, yếu ớt phản ứng.

Thấy tóc tôi gần khô, Bách cất máy sấy rồi xoa bóp vai cho tôi. Không
hiểu hắn học lúc nào mà làm rất điêu luyện, mọi mệt mỏi còn sót lại
trong người tôi bay biến hết.

- Nếu em chưa sẵn sàng thì anh có thể chờ, nên em cứ thoải mái đi,
không phải lo lắng gì cả. – Tiếng hắn thủ thỉ bên tai tôi tràn đầy tình
cảm.

- Em cũng không hiểu em làm sao nữa… – Tôi cúi đầu lí nhí, giọng biết lỗi.

Bách không trả lời, chỉ cười xoa đầu tôi rồi để tôi tựa lưng vào thành
giường, duỗi thẳng chân. Hắn tiếp tục massage hai chân tôi.

- Còn đau không?

- Anh thử đứng trên đôi giầy mười lăm phân cả ngày xem có đau không?

- Thì từ giờ đi giầy bệt thôi, hạn chế giầy cao đi. Với cả em có thấp lắm đâu mà cứ cố đi mấy đôi cà kheo như thế?

- Em không thấp nhưng có người quá cao.

- Em thật là… – Hắn bật cười. – Giầy cao chỉ là giải pháp tạm thời thôi
chứ có phải nghiến răng xỏ vào là em sẽ thực sự cao lên đâu.

- Nhưng đi giày cao dáng sẽ đẹp hơn.

- Nếu là vì công việc thì anh không can thiệp, – Bách nghiêm túc nhìn
tôi. – còn cá nhân anh thì thấy em trang điểm, đi giầy cao không hề đẹp
hơn, cũng không yêu em hơn được tý nào.

Tôi ngẩn người mấy giây. Đây có phải một cách nói khác của việc hắn yêu
chính con người tôi mà không phải vì những thứ bên ngoài không? Tuy tôi
không biết Bách yêu tôi từ bao giờ nhưng cách hắn đối xử với tôi chưa
từng thay đổi, từ khi còn là cô bé con đen nhẻm gầy nhẳng hay đứa con
gái dậy thì mặt chi chít mụn cho đến lúc tôi trưởng thành xinh đẹp.

- Bách… – Tôi nhẹ nhàng gọi. Tuy vẫn xưng hô anh em với hắn từ bé, tôi không gọi “anh Bách” mà chỉ kêu tên như vậy.

- Gì?

Tôi chủ động dịch lại, rúc vào lòng hắn, mọi căng thẳng từ tối hoàn toàn tan biến.

- Em yêu anh.

Chúng tôi đã có một đêm tân hôn mỹ mãn. Mặc kệ mọi trêu chọc, chế giễu,
chỉ riêng tôi biết được tất cả những chờ đợi trước kia đều thật đáng
giá. Sự dịu dàng, nâng niu mà không kém phần mãnh liệt của Bách đối với
tôi khiến tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất đời.

…………………

Bách thực hiện đúng lời cam kết với tôi trước đám cưới. Căn bếp nhà tôi
luôn sáng bóng, mới tinh vì… hầu như không được động vào. Mỗi ngày từ
công ty về, tôi với Bách sẽ tay trong tay ra quán ăn, nhờ đó mà độ hiểu
biết về ẩm thực Hà Nội của bọn tôi chắc chỉ kém Lozi hay Foody một chút.
Tôi thực sự mãn nguyện vì mỗi ngày đi làm về đều có thể thảnh thơi cùng
Bách lượn lờ quán xá thay vì sấp ngửa đi chợ nấu cơm. Trước khi lấy
chồng tôi cũng phải cùng mẹ lo việc nội trợ nhưng do không thích nên khả
năng nấu nướng của tôi chỉ dừng ở mức cơ bản.

Nhưng hàng quán đôi lúc không phải giải pháp toàn năng cho tất cả các vấn đề.

Một buổi sáng ngủ dậy tôi giật mình thấy người Bách nóng như hòn than.

- Anh sao thế? – Tôi lay lay hắn, lo lắng hỏi. Tôi không nhớ nổi lần cuối thấy hắn ốm là bao giờ.

- Anh hơi mệt. – Hắn khó nhọc nói. – Nhưng chắc không sao đâu. Lấy anh viên hạ sốt rồi em đi làm đi kẻo muộn.

Tất nhiên là tôi xin nghỉ ở nhà với hắn ngày hôm đó. Chị Sa qua khám cho
Bách, kết luận chỉ là sốt virus, không có gì đáng ngại nhưng tôi vẫn
bồn chồn đi ra đi vào.

- Liệu có sao không chị?

- Đã bảo chỉ là sốt virus thôi mà. – Chị cười, gõ nhẹ lên đầu tôi. –
Cho nó uống hạ sốt, nước cam, nếu mệt quá thì uống thêm bù nước.

- Có cần kiêng gì không ạ?

- Không, nhưng nên ăn đồ mềm. Tốt nhất em nấu cháo ức gà, ức gà nhiều kẽm, tốt lắm.

- Vâng…

Tôi chẳng dám ra ngoài mua đồ ăn, sợ thể trạng ốm yếu của Bách ăn uống
không vệ sinh bệnh càng nặng. Thế là mấy ngày hắn ốm, tôi đành chịu khó
đi chợ nấu nướng. Tự nếm thử thì tuy không đến nỗi bức tử vị giác nhưng
chẳng thể nào gọi là mỹ vị.

Vậy mà Bách lại ăn rất ngon lành, lần nào cũng hết sạch sẽ khiến tôi hơi lo lắng rằng trận ốm đã phá hỏng vị giác của hắn.

- Ngon thật à? – Sau mấy ngày, tôi không nhịn được tò mò hỏi khi hắn húp tới thìa nước dùng phở cuối cùng.

- Ừ, ngon lắm.

- Có phải anh chưa khỏi hẳn không? – Tôi sờ tay lên trán hắn, bất giác
nhớ ngày xưa bố tôi có duy nhất một lần hào phóng khen tôi nấu ngon sau
khi nhịn đói cả ngày. – Chị Trúc với mẹ anh nấu ngon thế, em sao so
được?

- Không rõ nhưng anh thấy ngon mà, rất vừa miệng.

Có lẽ trình độ phớt lờ mọi lời khen chê của tôi chưa đủ mạnh nên nghe
Bách khen tôi vẫn sung sướng đỏ mặt. Qua đợt ốm của Bách, tôi phát hiện
ăn tối ở nhà chính ra không phải điều gì quá tệ. Hai vợ chồng mặc đồ
ngủ, thoải mái gác chân lên ghế ăn uống trò chuyện trong không gian yên
tĩnh và ấm cúng. Nó làm tôi có cảm giác dễ chịu hơn việc chen chúc giữa
sự ồn ào, xô bồ của một quán ăn nổi tiếng.

Thế là kể cả khi Bách đã đi làm trở lại, tôi vẫn tiếp tục duy trì việc
đi chợ nấu cơm. Thời gian đầu là một, hai lần một tuần rồi dần dần thỉnh
thoảng vợ chồng tôi mới ra quán thay đổi không khí. Nhìn vẻ mặt vui vẻ
của Bách bên mâm cơm mỗi ngày tôi đều thấy thỏa mãn, thêm vào đó, từ
ngày tôi phụ trách việc bếp núc thì hắn chủ động ôm hết việc rửa bát,
dọn dẹp nhà cửa nên tính ra cũng không có gì thiệt thòi.

“Trăm hay không bằng tay quen”, cuối cùng đến một ngày ông bố khó tính
của tôi tuyên bố rằng món bò kho chỉ có tôi nấu là ngon nhất, không ai
lại được.

………………

Sau lễ cưới mấy tháng, thấy tôi vẫn chưa “động tĩnh” gì, tứ thân phụ mẫu
bắt đầu ra chép vào chẹp, bóng gió xa xôi. Rồi tiếp theo là hàng xóm
láng giềng tới họ hàng, ai ai cũng sốt sắng với việc chửa đẻ của tôi như
thể chừng nào tôi chưa bầu, chừng đó họ ăn không ngon ngủ không yên.
Thậm chí có một bà bác không nhớ tên tôi vô tình gặp vào ngày giỗ cụ còn
nắm tay tôi rưng rưng:

- Bác rất thông cảm với con, thôi thì chịu khó chữa trị con ạ. Tốt nhất là để tinh thần thoải mái mới dễ cấn thai.

Ơ hay, từ bao giờ mà bệnh tật của chính tôi, tôi còn chưa biết mà người
ta lại biết rõ như vậy? May mà lâu nay, lời thiên hạ đối với tôi vốn chỉ
như gió thoảng qua tai, không chắc tôi đã phát điên.

- Trên trán em khắc chữ “Điếc” đúng không? Em được giới thiệu ít nhất
mười loại thuốc, năm bác sỹ nổi tiếng và ba ngôi chùa cực linh cho vụ
con cái này rồi. – Có lần tôi thắc mắc với Bách.

- Ha ha, không chỉ em đâu. – Hắn cười phá lên. – Anh mới được biếu mấy vò ba kích, tắc kè với Ama Kong[1] kia kìa.

- Em cấm đấy nhé. – Tôi lườm hắn. Chưa uống cái gì hắn đã hành tôi mỗi
đêm mệt rã rời rồi, giờ mà bồi bổ thêm chắc tôi sẽ ốm liệt giường.

May mắn cho tôi là trước khi bố mẹ chồng chính thức ra mặt giục giã thì
chị Trúc bất ngờ có bầu. Như tôi từng kể, chồng chị làm ngoài giàn
khoan, lâu lâu mới về nhà nên đây hẳn là kết quả của một trong những lần
gặp nhau “cuồng nhiệt” mất kiểm soát đó. Kinh tế ổn định nên cả nhà
động viên chị giữ lại đứa bé, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc đứa thứ
hai gần như được giao hoàn toàn cho ông bà. Bận tíu tít với một bé gái
hơn bốn tuổi và chuẩn bị cho đứa bé sắp chào đời khiến ông bà không còn
tâm trí nào nhắc nhở chuyện con cái của tôi. Hoặc giả là có nhớ cũng lờ
đi bởi lũ trẻ nhà chị Trúc đã làm sứt mẻ đáng kể sự nhiệt tình của ông
bà đối với chuyện chăm cháu.

- Sau này có con, anh sẽ lo hết cho chủ động, không bắt ông bà nội ngoại phải vất vả nữa.

- Anh đang trách chị Trúc đấy à?

- Không, anh không có ý đó, ba đứa con, chồng thường đi xa là quá vất
vả đối với bà ấy. Anh chỉ đang nói về bản thân mình. Nói chung anh không
thích nhờ vả ông bà nhiều.

- Ừ, em cũng nghĩ thế, con ai nấy lo. – Tôi nói rồi đăm chiêu nhìn chồng. – Mà em hỏi thật, anh có muốn có con không?

Đây là lần đầu tiên tôi chủ động đề cập chuyện này bởi trước giờ, mặc ai
nói gì, Bách chưa một lần nhắc tới. Tôi thậm chí có lúc còn nghĩ hắn
thờ ơ chuyện con cái hơn cả tôi.

- Có, tất nhiên là anh muốn chứ. – Hắn vuốt má tôi nhẹ nhàng nói.

- Sao anh chưa bao giờ…

- Vì anh đã hứa là chuyện đó do em quyết định. – Hắn mỉm cười. – Phụ nữ
có con sẽ rất vất vả, thiệt thòi đủ đường nên quyền quyết định thời
điểm có con hay thậm chí có con hay không là của em.

- …

Tôi không trả lời, chỉ có sống mũi cay cay, một cảm xúc khó tả nhen nhóm trong lòng.

…………………

Sau mấy tháng chờ đợi, chị Trúc đã hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Công
bằng mà nói đứa trẻ mới ra đời này xinh đẹp hơn mọi đứa trẻ sơ sinh tôi
từng thấy, kể cả so với hai đứa nhà chị Sa. Có lẽ vì thế nó đã thu hút
hết sự yêu thương của cả nhà. Ngay đến tôi vốn không thích trẻ con bé
cũng không ít lần phải xin ông bà được bế ẵm hít hà nó. Bách càng khỏi
nói, đi vắng thì thôi chứ cứ về thăm bố mẹ là giành chăm cháu bằng được.
Nhìn hắn thành thạo bế ẵm, cho ăn, thậm chí cả thay bỉm, tôi đâm nghi
ngờ chuyện hắn có con riêng.

- Ha ha… – Hắn cười phá lên khi nghe tôi nói. – Mấy cái này có gì khó đâu, để ý quan sát là làm được ngay.

- Ừ, trước chị cũng không nghĩ là nó làm được. – Chị Trúc ngồi bên cạnh xen vào. – Nhưng có vẻ Bách sẽ là ông bố tốt đấy.

Tôi nhìn hắn bĩu môi. Tôi vẫn chưa quên lần Bách mắng tôi vì dạy Hoàng
chơi ba cây cho nên sau này hắn sẽ là một ông bố quàu quạu khó tính thì
đúng hơn.

“Nếu hắn là một ông bố…” tôi chợt nghĩ.

Tôi lặng lẽ quan sát cách hắn bế thằng bé út, nựng con bé con và luôn
mồm trả lời đủ mọi thắc mắc của Hoàng, trong đó tràn đầy yêu thương, tự
nguyện chứ không mảy may miễn cưỡng. Bách nói quyết định ở tôi nhưng sự
khao khát của hắn đối với trẻ con là không thể che giấu.

Hôm ấy từ nhà chị Trúc về tôi đăm chiêu cả buổi tối.

- Đi ngủ thôi, lại âm mưu cái gì thế? – Bách leo lên giường, xoa đầu tôi.

- Này, nếu chúng ta có con, – Tôi nhìn hắn nghiêm túc. – anh có giúp em chăm con không?

- Tất nhiên rồi, em thấy đấy, anh làm đâu có tệ.

- …

Tôi do dự một chút rồi hít một hơi sâu, quyết tâm đứng dậy cầm vỉ thuốc
ném vào sọt rác. Tôi khẽ mỉm cười trước vẻ mặt sửng sốt của Bách:

- Vậy chúng ta thử xem…

………………

Kỷ niệm năm năm ngày cưới.

Tôi từ chối lời rủ rê đi du lịch của Bách, thay vào đó tự tay nấu một
bữa tiệc nhỏ, cả nhà quây quần ở nhà để đảm bảo tính riêng tư.

- Bố… bố về… – Con bé con đang ôm chân tôi nghe tiếng mở cửa thì lao ra.

Bách vào bếp, một tay bế con, một tay cầm bó hồng trắng đẹp tuyệt vời.

- Bố cho con. – Tuy mới hơn hai tuổi, nó nói đã tương đối sõi.

- Đây là hoa của mẹ. – Hắn dịu dàng nói với con. – Bố con mình tặng mẹ xong rồi ra chơi Lego nhé.

Chỉ cần có Bách ở nhà thì tôi liền biến thành dì ghẻ, con tôi cái gì
cũng chỉ bố, bố bế, bố cho ăn, bố tắm, bố ru ngủ. Nhờ đó nên dù con mọn,
tôi vẫn khá thảnh thơi, công việc lẫn các thú vui cá nhân không bị ảnh
hưởng nhiều.

Tôi đặt con gái tên Giang, khá gần với tên tôi và chị Sa. Tôi có hứa với
Bách là lần tới đẻ con trai sẽ đặt tên Tùng cho hắn đỡ ấm ức.

Một người chồng yêu thương, một cô con gái đáng yêu, một công việc tốt, có lẽ cuộc đời này tôi chẳng còn đòi hỏi gì hơn nữa.

Chỉ có sâu xa trong lòng tôi đôi khi vẫn phảng phất những nghi ngờ mơ hồ.

- Chị rất nể em, – Một ngày tôi đứng trên nhà nghe thấy tiếng chị Sa
trò chuyện với Bách, hẳn cả hai nghĩ là tôi vẫn đang ngủ trưa trong
phòng. – chỉ mình em mới thuần hóa được con bé nhà chị. Chị còn tưởng nó
sẽ ở vậy cả đời để đấu tranh nữ quyền cơ.

- Không phải vậy đâu chị. – Bách cười khẽ. – Thật ra thì Thủy chẳng
quan tâm gì tới nữ quyền đâu, cô ấy cũng chẳng gai góc như cách vẫn thể
hiện ra bên ngoài.

- Chỉ có mình em nói thế.

- Nếu chị cho phép em nói thẳng, – Giọng hắn đều đều. – chị cũng biết
là Thủy rất thông minh, cô ấy trở nên như vậy vì đã bị đẩy đi sai đường.

- Ý em là…

- Bố mẹ tuy là giáo viên nhưng lại quên mất mỗi đứa trẻ là một cá thể
độc lập. Cô ấy bị áp lực từ tượng đài là chị nên mới cố tình làm ngược
lại mọi thứ. Chị dịu dàng thì Thủy phải đanh đá, chị có hoài bão thì
Thủy phải “sống sao cho sướng”, lâu dần cô ấy quên hẳn đi mình là ai mà
chỉ nhăm nhăm nhìn chị để điều chỉnh lại bản thân.

- … – Tuy không nghe tiếng Sa trả lời, tôi có thể mường tượng ra khuôn mặt thất thần của chị.

- Em chỉ cố gắng giúp Thủy nhận ra cô ấy thực sự muốn gì thôi.

- Ngày xưa, chị nhớ có thời gian nó khá áp lực khi bên cạnh em, có phải em…?

- Có một số chuyện nếu Thủy không tự nhận ra sẽ chẳng ai nói được. Em
không quan trọng cô ấy làm gì, kiếm được tiền nhiều hay ít, em chỉ không
muốn cô ấy lãng phí năng lực vào những công việc không xứng đáng. Thế
giới bên ngoài nhiều sắc màu hơn mấy câu chuyện ngồi lê đôi mách của các
chị chán chồng.

- Còn…

Chị Sa chưa nói hết câu thì Giang chạy ra đòi bố dạy tô màu nên câu
chuyện dừng ở đó. Những gì nghe lỏm được càng khiến nghi ngờ của tôi
trước giờ rõ nét hơn, sự tự tin về tính tự chủ của bản thân bắt đầu lung
lay.

- Anh này, – Đến một ngày không nhịn được, tôi lên tiếng chất vấn Bách.
– có thật là anh luôn tôn trọng quyết định của em không? Tại sao cuối
cùng mọi việc lại khác xa dự định ban đầu của em như thế?

- Em tự ngẫm xem, đã bao giờ anh phản đối em cái gì chưa? Còn em thay
đổi thì làm sao anh biết được? – Hắn nhún vai vẻ vô tội. – Con người ta
thay đổi cũng là bình thường mà.

- Không đúng… – Tôi lầm bầm.

- Nhưng em có hạnh phúc không? – Bách vòng tay ôm lấy tôi, siết thật chặt.

- Có… – Tôi khẽ dụi đầu vào ngực hắn.

- Anh cũng vậy…

Nói rồi hắn cúi xuống hôn tôi, xóa sạch đi những thắc mắc vẫn chưa có lời giải kia.

Mà dù đáp án có thế nào cũng chẳng còn quan trọng nữa.

HOÀN THÀNH

................................

Chú thích:

[1] Rượu ngâm rễ cây ba kích, tắc kè hay rượu Ama Kong là các loại rượu bổ thận tráng dương.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3