Én Liệng Truông Mây - Hồi 19 - Phần 1
HỒI THỨ MƯỜI CHÍN
Đất Tây Sơn một nhà sinh tam kiệt
Phú Lạc vương giết cọp gặp minh sư
*
Thằng nhỏ bị lũ chó dữ rượt chạy vắt cả giò
lên cổ mới thoát được. Ra tới ngoài cánh đồng trống nó mới yên chí đi chậm lại,
miệng không ngừng thở phì phò. Dưới ánh nắng như thiêu như đốt, nó vừa lầm lũi bước
những bước nặng trịch trên bờ ruộng vừa lầm bầm: “Xin ăn thì mấy lão nhà giàu không
chịu thí cho, còn chửi mắng. Cái lão đốc trưng cha thằng Đằng còn xua cả chó rượt
mình. Ăn cắp đem về mà mẹ biết được thì dù có chết đói cũng nhất định không chịu
ăn, bảo là đồ ăn cắp là đồ phi nghĩa gì gì đó, không tốt. Có gì mà không tốt chứ?
Mình thấy bọn nhà giàu chúng ăn thừa mứa, đem cho chó heo vẫn còn dư, mình lấy trộm
của chúng có một chút cho qua cơn đói mà mẹ bảo là đồ phi nghĩa ư? Chẳng lẽ những
con chó của chúng có thể sánh bằng con người như mình à? Thật vô lý! Mẹ không cho
tao cũng vẫn cứ lấy trộm, không ăn hết thì chia cho đám bạn nhỏ của tao ăn. Phải
phá cái đám nhà giàu không biết thương người đó cho chúng nghèo mạt đi thì Lía này
mới hả dạ. Phi nghĩa với không phi nghĩa cái gì chứ, cái lão đốc trưng đó dù đổ
đồ ăn cho chó chứ nhất định không cho mình là có chính nghĩa à? Cái bụng bự chứa
đầy cứt của lão thì chỉ có thể chứa toàn là điều phi nghĩa chứ nghĩa ngãi gì trong
đó. Mẹ thật là không sao hiểu nổi. Đang bệnh trong người, ăn đỡ một chút cho khỏe
đã, có sống được mới nói chuyện phi nghĩa, chính nghĩa chứ. Đói chết rồi còn nói
chuyện phi nghĩa với cái bọn nhà giàu kia được không? Thiệt là... là... nhưng giờ
biết tìm đâu chút gì đó cho Mẹ ăn nhỉ? Dù sao thì Mẹ bao giờ cũng đúng cả. Cả cái
chuyện đang sống ngon lành với những người... người gì nhỉ... à người Bana ở Vĩnh
Thạnh rồi tự dưng bỏ đi cũng vậy. Chú Y Mon thật là người tốt bụng hiếm thấy. Chú
không những giúp mẹ chữa hết vết bầm trên lưng mà còn lo cho hai mẹ con mình đủ
thứ. Những người Bana ở đó họ đều tốt bụng cả, vậy mà mẹ cứ nhất quyết bỏ đi, về
làm gì cái nơi quỉ quái này để rồi bây giờ phải ngã bệnh chẳng ai lo. Mà kể ra,
người trong xóm này cũng tốt đấy chứ, nhưng họ nghèo quá nên chẳng giúp được gì.
Họ lo cho thân họ còn chưa đủ nữa là... Còn cái bọn nhà giàu thì quẳng con mẹ nó
sang một bên đi, đừng nói tới hai chữ giúp đỡ với bọn đó...”
Lầm bầm đến đó, hai tay Lía liền vung những
cú đấm gió như muốn đấm vào mặt lão đốc trưng ác độc kia. Bỗng có tiếng gọi to từ
phía sau:
- Lía, Lía...
Nó giật mình quay lại. Thằng Bưu vừa thở
hổn hển vừa chạy đến gần. Lía hỏi:
- Gì vậy?
Thằng Bưu lấy hai tay ôm ngực cố đè hơi thở
xuống nói nhanh:
- Thằng Đằng nó đánh thằng Sứt tét môi rồi.
- Sao vậy? Ở đâu?
- Ngoài bờ sông. Tụi nó tắm rồi gây lộn.
Lía trợn mắt chửi:
- Chết tiệt! Thằng Đằng nó ỷ giàu, ỷ lớn
làm tàng phỗng? Tổ mẹ thằng con lão đốc. Đi, tao không đánh nó một trận nhừ tử thì
tao không phải là Lía nữa.
Nói rồi Lía chạy nhanh ra bờ sông, thằng
Bưu lẽo đẽo chạy theo sau. Đám nhỏ còn tắm dưới sông la lối om sòm cả buổi trưa
nóng bức. Thằng Sứt ngồi khóc một mình bên gốc cây sung, thấy Lía tới nó đứng lên
chạy lại. Thằng Sứt bị dị tật bẩm sinh ở môi nên giọng nói ngọng nghịu khó nghe,
vì vậy mà bị tụi nhỏ chọc hoài. Lía thấy vậy nên thương nó lắm. Lía hỏi thằng Sứt:
- Sao nó đánh mày?
- Tao nói cha nó chơi ác thả chó rượt mày,
nó nói sao tao dám động tới cha nó nên đánh tao.
- Để tao!
Nói rồi, Lía quay nhìn về hướng sông gọi
lớn:
- Ê Đằng! Mày ngon thì lên đây.
Thằng Đằng đang tắm nghe gọi liền chạy lên.
Bọn nhỏ cũng chạy lên theo. Thằng Đằng hất hàm hỏi:
- Mày muốn gì? Bị chó rượt chưa sợ hả con?
Lía nghe mà sôi máu, lại nhớ đến chuyện bị
chó đuổi chạy thục mạng giữa trời nắng, cơn giận càng nổi lên dữ dội. Nó không nói
không rằng, lao tới đấm thẳng vào mặt thằng Đằng một cú trời giáng. Từ bé trời đã
ban cho Lía một sức mạnh lạ kỳ. Hôm trước, con trâu nhà thằng Nhạc bỗng dưng nổi
điên cứ gióng đuôi chạy càn, thằng Sứt lãnh nhiệm vụ chăn trâu không biết làm sao
đành bật khóc bù lu bù loa. Lía thấy vậy liền rượt theo con trâu, chụp cái đuôi
nó và ráng sức kéo lại. Con trâu kéo Lía lết xềnh xệch một đoạn thì đứng yên. Từ
đó, bọn nhỏ trong vùng xưng Lía là anh hùng đất Phú Lạc, không thằng nào dám gây
chuyện với nó, có chuyện đánh lộn thì nhờ tới nó hoặc can thiệp hoặc làm chủ tướng
lãnh đạo. Thằng Đằng vì bất ngờ nên lãnh trọn cú đấm của Lía, máu mũi chảy ra, mắt
nổ đom đóm. Chưa hết giận, Lía tiếp tục tống thêm hai phát vào bụng và ngực, khiến
thằng Đằng ngã ngửa ra sau. Lía liền nhào tới ngồi lên trên bụng thằng Đằng, một
tay đè lên ngực, còn một tay giơ cú đấm lên hỏi lớn:
- Chó của mày tao cóc sợ, giờ mày có sợ tao
không?
Thằng Đằng bị ba cú đấm tá hỏa, thấy Lía
giơ tay dứ dứ, nó vội vã đáp:
- Sợ, tao sợ mày!
- Từ nay tao cấm mày đụng tới bất cứ đứa
bạn nào của tao, mày nghe không?
- Nghe, tao hứa...
Thằng Nhạc tuy nhỏ nhất bọn nhưng lại tỏ
ra là đứa hiểu biết, nó nắm lấy cú đấm của thằng Lía can:
- Thôi tha cho nó đi Lía. Nó hứa rồi đó.
Lía đứng lên chỉ mặt thằng Đằng hăm:
- Mày nhớ đấy nhé. Đừng có ỷ lớn ăn hiếp
bọn nó.
Thằng Nhạc níu tay thằng Đằng đứng lên:
- Mày đừng ghẹo vào thằng Lía nữa. Không
biết nó là người trời sao?
Thằng Đằng hất tay thằng Nhạc ra, đưa tay
quẹt máu mũi đang còn chảy. Nó bị đánh đau, lại thấy máu đỏ dính đầy tay nên giận
cá chém thớt. Nó dứ dứ cú đấm vào mặt thằng Nhạc nói lớn:
- Để mặc tao! Việc gì tới mày? Lúc nào cũng
can với gián, làm ra vẻ... mày có nghĩ là tao sẽ đấm vào cái bản mặt mày không?
Thằng Nhạc lui lại nói:
- Tao chỉ can tụi bay thôi mà. Mày mới hứa
với thằng Lía cái gì, sao còn đòi đấm tao?
- Tao chỉ hứa là không đụng tới bạn của thằng
Lía. Mày có phải là bạn nó không? Nó đâu có chơi với con nhà buôn trầu giàu có như
mày.
Thằng Nhạc chưng hửng. Nó cãi:
- Nó không coi tao là bạn, nhưng tao coi
nó là bạn.
Lía nói lớn:
- Tao không chơi với bọn con nhà giàu. Tụi
bay dư của, coi chó quí hơn bọn tao.
Nhạc gân cổ nói:
- Mày đừng nói bậy! Cha mẹ tao thường giúp
đỡ người khác, mày cũng thấy mà.
Thằng Đằng trề môi:
- Cha mẹ mày giúp đỡ người ta hả? Chỉ làm
bộ làm tịch ra vẻ ta đây người tốt.
Nhạc nổi cáu:
- Làm bộ cũng được nhưng còn giúp đỡ người
ta. Không như cha mày, đã không giúp người mà còn ỷ vào chức quyền ăn hiếp nữa.
Thằng Đằng nổi giận:
- Mày nói đụng tới cha tao thì coi chừng
cái mặt mày đó.
Nói xong nó nhào tới tính thoi vào mặt thằng
Nhạc. Nhạc gạt mạnh tay thằng Đằng rồi lùi lại thủ thế, nó học võ từ lúc năm sáu
tuổi nên bộ tịch coi rất gọn gàng:
- Mày ỷ to con hả? Tao sợ mày à?
Thằng Sứt nói với Lía:
- Mày can tụi nó đi Lía. Thằng Đằng lớn hơn
thằng Nhạc, không can nó đánh thằng Nhạc chết đó.
Lía nói:
- Tụi nó con nhà giàu cả, để tụi nó thanh
toán nhau. Tao mặc kệ!
Thằng Sứt năn nỉ:
- Thôi mà Lía. Thằng Nhạc lúc nãy cũng can
thằng Đằng giúp tao đó.
- Mày lo gì. Để coi, chưa chắc thằng Đằng
đánh lại thằng Nhạc đâu. Nó có võ đấy, đừng giỡn mặt.
Lía nói đúng. Bị thằng Nhạc gạt tay, thằng
Đằng quê mặt liền nhào tới đấm thêm cú nữa. Nó ỷ mình to cao bự que hơn thằng Nhạc
nên quyết đánh thằng nhỏ này một trận cho hả bớt cơn giận trong lòng. Thằng Nhạc
lại đưa tay trái gạt cú đấm của thằng Đằng, tiện đà nó dùng tay phải đấm vào bụng
đối thủ một cú. Thằng Đằng trúng cú đấm đó mặt đỏ phừng phừng, nó nhào vô hai tay
đấm túi bụi vào mặt thằng Nhạc. Nhạc rất bình tĩnh, nó lùi ra sau, hai tay liên
tục đỡ gạt. Tuy đỡ được những cú đấm đó khỏi trúng vào mặt nhưng hai cánh tay của
nó không khỏi bị đau điếng. Nó gan lì cắn răng chịu đựng và tiếp tục đỡ những cú
đấm chắc khỏe của thằng Đằng. Đoạn nó bất ngờ thụp người thấp xuống, áp sát người
thằng Đằng và vung tay phải đấm một cú thật mạnh vào bộ hạ của đối thủ. Thằng Đằng
bị trúng đòn la lớn một tiếng, hai tay ôm hạ bộ, mắt trợn trừng vì đau đớn. Nó cúi
gập người xuống rồi nằm sóng soài ra đất, cong cả hai chân lên trời lăn lộn qua
lại rên hừ hừ không ngớt. Bọn nhỏ sợ thằng Đằng chết nên đứa nào đứa nấy mặt tái
xanh. Lía vỗ tay, nó nhớ hai câu ca dao mẹ nó dạy lúc xưa nên đọc lớn:
- Hay quá, hay quá! “Nực cười châu chấu
đá xe. Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Mày giỏi lắm Nhạc! Cho thằng con
nhà ác ôn to xác này một trận như vậy nó mới ngán.
Thằng Nhạc đang dùng bàn tay xoa cánh tay
đỏ rần của mình vì đỡ gạt những cú đấm ban nãy. Thấy thằng Đằng nằm rên nó cũng
hơi sợ nói:
- Tại nó đánh dữ quá tao mới phải làm liều.
Tao đâu có cố ý đánh nó đau như vậy.
Thằng Sứt đi lại bên cạnh nó khuyên:
- Thôi mày về nhà đi. Tao cũng lùa trâu về,
coi chừng thằng Đằng hết đau rồi trả thù đó.
Nhạc gật đầu. Nó chạy lại bờ sông lấy áo
mặc vào rồi lững thững đi về. Thằng Sứt cũng bỏ đi lùa mấy con trâu đang tìm cỏ
gặm trên cánh đồng khô gần bờ sông về chuồng nhà thằng Nhạc. Thằng Đằng đứng lên,
hai tay vẫn còn ôm hạ bộ, nó nói với theo sau lưng thằng Nhạc:
- Mày nhớ đó thằng Phúc con! (Nó chửi tên
cúng cơm của cha thằng Nhạc là Phúc). Tao sẽ nhớ mối thù này suốt đời.
Rồi nó trợn mắt trừng thằng Lía một cái nữa
mới bỏ đi. Bọn trẻ cũng bỏ về, chỉ còn thằng Bưu và Lía ở lại. Bưu hỏi:
- Mẹ mày đỡ chưa?
- Chưa. Không chịu ăn làm sao có sức mà đỡ?
- Hôm qua mày trộm được con gà nhà lão hương
chỉ mà. Sao không làm cho mẹ mày ăn?
- Có chứ! Nhưng mẹ tao khóc, nhất định không
chịu ăn. Mẹ nói thà chết đói chứ không ăn đồ của tao ăn cắp.
- Vậy à? Bây giờ mày tính sao?
- Hồi trưa tao phải trơ mặt vào nhà thằng
Đằng xin chút gì đó mang về cho mẹ tao ăn đỡ. Cái lão đốc trưng đã không cho, còn
nói rằng cơm dư để cho chó của lão ăn rồi suỵt chó rượt tao chạy muốn ná thở. Con
mẹ nó, cái lũ nhà giàu ác đức, có ngày tao sẽ cho bọn chúng biết tay. Chúng khinh
người quá sức, coi tao còn thua những con chó của chúng.
Thằng Bưu gãi gãi cái đầu bờm xờm của nó:
- Bây giờ làm sao nhỉ? Hay là lại đến nhà
thằng Nhạc xin đỡ đi. Mẹ thằng Nhạc tốt bụng nhất vùng này, lúc nào tụi tao đói
cứ tới xin là có ngay cái ăn. Mày đi với tao đi.
Lía ngần ngừ:
- Tao với thằng Nhạc không thân nhau. Tao
lại tuyên bố không chơi với nó, bây giờ vác mặt tới nhà nó xin, tao ngượng quá.
- Thì mày làm thân với nó đi. Không thấy
lúc nãy nó nói nó coi mày là bạn hay sao?
- Nó con nhà giàu, tao không muốn chơi. Bà
mẹ nó, nếu không có chuyện, nhà tao cũng đâu có thua gì chúng nó.
Đang lúc bực dọc nó quên mất lời mẹ dặn nên
buột miệng nói bừa. Thằng Bưu liền hỏi:
- Lúc trước nhà mày cũng giàu lắm hả?
Lía bối rối:
- Ơ... không. Nhà tao đâu có giàu. Tao là
con nhà nghèo từ mấy đời rồi.
- Bây giờ mày có tới nhà thằng Nhạc không?
- Mày đi đi. Tao mắc cỡ lắm.
Bưu thấy tội cho thằng bạn nên đề nghị:
- Thôi mày chờ ở ngoài này nhé. Để tao đi
xin cho. Phải có cái gì cho mẹ mày ăn đỡ mới khỏi bệnh được chứ. Nhà tao cũng chẳng
có gì để cho mày cả.
Lía nhìn thằng bạn thân bằng ánh mắt biết
ơn:
- Ừ. Mày giúp tao đi.
Thằng Bưu cười toe rồi vụt chạy đi. Không
lâu sau nó trở lại với một gói lớn trên tay. Nó toét miệng khoe:
- Mày thấy không, tao nói mà, mẹ thằng Nhạc
tốt bụng lắm. Tao với thằng Sứt vào kể chuyện mẹ mày bệnh cho bà ấy nghe, bả liền
gói cho một đống đồ ăn nè. Tha hồ cho mẹ mày ăn luôn mấy ngày liền nhé.
Nói xong nó trao gói đồ ăn cho Lía. Lía ôm
gói đồ trên tay nói giọng rầu rầu:
- Tao cảm ơn mày với thằng Sứt. Cả mẹ thằng
Nhạc nữa. Tao thật vô dụng, chẳng biết làm gì để đem về cho mẹ mình một miếng ăn.
Chán thật!
- Mày đừng buồn. Mẹ tao nói mấy năm nay hạn
hán mất mùa liên tục, nhiều nhà đói lắm chứ không phải chỉ ở thôn mình không đâu.
Thôi mình về đi, sắp tối rồi.
Căn nhà lá của mẹ con Lía nằm sát chân hòn
Trưng Sơn, bọn nhỏ chăn bò thường gọi là hòn Sưng vì lưng núi nổi lên những cục
u giống như bị đánh sưng lên vậy. Từ lúc bỏ làng Thượng Bana đi, mẹ Lía tìm về Phú
Lạc vì đây là quê cũ của bà. Tuy nhiên bà buộc Lía phải giấu kín chuyện này. Chuyến
ra đi từ Vĩnh Thạnh về Phú Lạc không may bị một bọn cướp chặn đường giật mất con
bạch mã mà nhờ nó hai mẹ con Lía mới chạy thoát khỏi nạn thảm sát năm xưa. Cả số
vàng còn lại cũng bị lột sạch, hên là mấy tên cướp tha mạng cho hai mẹ con bà và
chúng cũng còn chút lương tâm, cho lại bà một ít vàng. Nhờ vậy khi về đến hòn Sưng,
hai mẹ con bà mới có chút tiền xoay xở mấy năm qua.
Ngôi nhà cũ ngày xưa bên ngoại đã bán cho
người ta. Có lần Lía hỏi, bà chỉ lắc đầu, bà muốn giấu tung tích nên không bao giờ
nhắc đến một thứ gì liên quan vì sợ kẻ thù tìm tới nhổ cỏ tận gốc. Ngay cái tên
Võ Văn Doan của nó, bà cũng đổi thành Nguyễn Văn Doãn, dặn lỡ nếu có ai hỏi thì
cứ nói thế, còn bình thường thì gọi là Lía riết rồi chết tên luôn. Bởi vậy, trong
trí nhớ mơ hồ của nó về cha mình và ngôi nhà năm xưa chỉ là những hình ảnh của một
trại ngựa, một người anh tên là Trọng Hào vẫn thường chơi đùa với nó, một đêm mưa
gió bão bùng có nhiều người lạ xông vào nhà nó đánh nhau với cha nó và mấy người
trong nhà. Mẹ ẵm nó trốn ra chuồng ngựa rồi vội vã cùng con bạch mã phóng đi trong
đêm mưa cho tới lúc gặp được chú Y Mon cứu đem về. Chú ấy sống một mình, lại rất
tốt, lo cho hai mẹ con nó đủ thứ. Mẹ nó được chú chữa khỏi vết bầm ở sau lưng, nghe
nói là do người ta đấm trúng. Mấy năm sau đó mẹ nó bỗng dưng dẫn nó bỏ đi không
nói cho chú Y Mon biết. Nó hỏi lí do thì mẹ chỉ ậm ừ rồi bảo sau này lớn lên nó
sẽ hiểu.
Về Phú Lạc được vài năm, bệnh cũ của mẹ nó
lại tái phát, ngày một yếu đi. Hai năm nay trời nắng dữ dội, ruộng lúa khô cằn,
nó thấy người ta đắp sông Côn dẫn nước vào mà cũng không cứu được lúa. Nhiều người
bị đói, cả nó và mẹ nó cũng bị đói. Tuy bệnh hoạn, đói kém nhưng mẹ nó vẫn thường
xuyên dạy nó không được làm bậy và còn bắt nó học chữ nữa. Nó ghét chữ như ghét
mấy con chó nhà thằng Đằng. Tuy vậy, năm sáu năm nay, nhờ kiên trì mẹ nó cũng nhét
vào đầu nó không ít chữ nghĩa, đủ để cho nó đọc trọn cuốn sách mà trước kia mẹ nó
đã nhờ chú Y Mon tìm về.
Trời hãy còn sáng. Nó rón rén bước vào căn
nhà lụp xụp của mình, gọi nhỏ:
- Mẹ, mẹ còn thức không? Con mang thức ăn
về cho mẹ nè.
Tiếng Nguyễn thị yếu ớt từ chiếc giường tre
đặt sát vách vọng ra:
- Ở đâu con có thức ăn mà mang về? Lại đi
ăn cắp nữa phải không?
Nó đáp nhanh:
- Dạ không có! Thằng Bưu và thằng Sứt xin
ở nhà thằng Nhạc đó. Con không nói dối mẹ đâu. Mẹ dậy ăn chút đi cho khỏe.
Bà hỏi vặn:
- Con nói thật không? Đồ ăn cắp thì mẹ thà
chết cũng không ăn đâu.
- Con nói thật mà, mẹ tin con đi.
Rồi nó thuật lại chuyện mình đi xin nhà ông
đốc trưng bị chó rượt thế nào, thằng Bưu thấy tội nên đến nhà thằng Nhạc xin hộ
cho đồ ăn ra sao cho mẹ nghe. Chỉ riêng chuyện nó đánh thằng Đằng xịt máu mũi là
giấu nhẹm. Xong nó nói:
- Cái lão đốc trưng thật ác độc. Không cho
thì thôi lại còn xua chó rượt con. Lão này không bị sét đánh chết thì thật là ông
trời không có mắt.
Nguyễn thị thều thào:
- Con không nên có ý nghĩ ác như vậy. Đừng
trách người ta, hãy tự trách mình không làm nên việc gì để tự nuôi thân.
Nó mở gói đồ ăn ra, trong đó có cơm, cá khô,
khoai lang luộc và mấy trái chuối. Nó chạy đi lấy cái tô và cái nĩa sành, xới ít
cơm vào tô, bỏ thêm con khô rồi hai tay bưng lên đưa cho mẹ:
- Mẹ ăn đi. Mẹ thằng Nhạc thật tốt bụng,
cho nhiều đồ ăn quá.
Nguyễn thị đỡ lấy tô cơm:
- Con cũng ăn đi. Đói lắm rồi phải không?
- Con gà nướng bắt trộm hôm qua mẹ không
chịu ăn, con sợ bỏ uổng nên ăn hết, tới giờ vẫn còn no nè.
Nguyễn thị rơi nước mắt thở dài:
- Trong bụng con chứa toàn là những đồ phi
nghĩa, rồi những thứ phi nghĩa đó tan vào trong máu, mai sau con làm sao mà thành
người tốt được? Con phải biết, cha con ngày xưa một đời ngay thẳng, chưa hề gian
dối với ai một tơ hào nào. Suốt đời cha con chỉ biết cho người chứ chưa hề lấy của
ai một thứ gì.
Lía nghe mẹ trách, nó hổ thẹn cúi đầu nói
nhỏ:
- Con xin lỗi mẹ. Con hứa với mẹ sẽ trở thành
người tốt như cha. Mà cha con là ai, cha làm gì? Ngày xưa nhà mình ở đâu hả mẹ?
Mà thôi, mẹ ăn no đi đã rồi hãy nói.
Nguyễn thị và miếng cơm vào miệng nhai trệu
trạo rồi nuốt xuống như cố nuốt đi cái dĩ vãng đau thương của mình. Bà nói nhỏ:
- Vẫn chưa đến lúc. Khi nào con trở thành
người tốt thì mẹ sẽ nói cho con biết. Giờ con chỉ cần biết cha con là một anh hùng,
suốt đời ngay thẳng trong sạch và đã chết vì sự trong sạch, ngay thẳng đó.
- Con hứa với mẹ từ nay trở đi con sẽ làm
người tốt, không ăn cắp, không đánh lộn và sẽ lo kiếm việc làm để nuôi mẹ, nuôi
thân mình mà không cần nhờ vả ai cả.
Nguyễn thị đưa bàn tay gầy gò nhẹ nhàng vuốt
tóc nó, giọng âu yếm:
- Giỏi lắm! Mẹ biết con sẽ làm được và sẽ
làm tốt hơn cha con nữa.
- Nhưng mẹ phải cho con biết cha con đã làm
gì tốt thì con mới có thể noi gương mà học theo và làm tốt hơn cha chứ.
- Mày lại giở cái tật lém lía ra rồi. Được,
hôm nay mẹ sẽ kể cho con nghe tất cả.
Lía mừng rỡ nói:
- Khoan, khoan! Để con lấy nước cho mẹ uống
đã. Mẹ ăn no chưa?
- Rồi. Con đi lấy nước rồi ngồi xuống đây.
Nó sắp được nghe sự tích anh hùng của cha
nên trong lòng mừng lắm. Nó chạy đi rót một bát nước đầy đem lại hai tay dâng lên
cho mẹ. Nó bóc thêm trái chuối nói:
- Mẹ ăn thêm trái chuối nữa đi rồi hãy kể.
Nguyễn thị bẻ một nửa, còn nửa kia đưa lại
cho nó:
- Con ăn đi. Hồi đó cha con là một cai đội
lính thủy, chỉ huy cả trăm lính với năm chiến thuyền. Cha đã cùng cai đội Long ở
cửa biển Đại Chiêm ngoài Hội An tiêu diệt gọn một bọn cướp biển hung dữ người Hoa
có sào huyệt ở ngoài đảo Hoàng Sa...
- Cha giỏi võ lắm hả mẹ?
- Tất nhiên rồi! Đừng có chen vào, để mẹ
kể hết cho nghe, dài lắm.
Rồi bà đem mọi chuyện kể lại cho Lía nghe.
Đến đoạn cả nhà đêm đó bị một bọn người bịt mặt tấn công, bà vẫn còn hoảng sợ vì
ám ảnh, giọng nói cứ run run. Lía hỏi:
- Bọn chúng là ai vậy mẹ? Tại sao chúng lại
xông vào nhà mình chém giết chứ?
- Mẹ không biết. Chỉ biết trước đó cha con
có kể cho mẹ nghe là có lần cha chém cụt một cánh tay của một tên cướp người Hoa
khi chúng toan giết cả nhà họ Trần ở Mộ Hoa - Quảng Ngãi để cướp đoạt thanh bảo
đao của nước mình. Sau đó, cha lại than phiền về vụ tranh giành quyền quản lý mỏ
vàng ở Kim Sơn mà cha đã được Võ vương chỉ định.
- Rồi đêm đó cha có giết được bọn lạ mặt
ấy không mẹ?
- Mẹ không biết, chúng đông lắm, lại giỏi
võ nữa. Cha vì sợ con bị chúng giết nên cùng mấy sư huynh con liều mạng che chở
cho mẹ ẵm con lên ngựa chạy đi. Tuy vậy, mẹ vẫn bị đánh trúng một chưởng sau lưng,
may mà nhẹ nếu không thì đã chết trên lưng ngựa nơi núi rừng hoang dã rồi. Con còn
nhớ dấu bầm hình cú đấm sau lưng mẹ không? Nó là một đầu mối để con truy tìm hung
thủ đấy.
- Dạ nhớ, con sẽ tìm cho được tên hung thủ
có cú đấm đó. Sau đó, chú Y Mon cứu mẹ và con phải không?
- Ừ.
- Còn cha và
các sư huynh thì sao?
- Sau này mẹ
tìm cách dò hỏi mới biết cả nhà mình đã bị chúng giết sạch không còn một ai sống
sót ngay trong đêm đó.
Nói đến đây,
giọng bà bỗng nghẹn lại, nước mắt chảy dài xuống hai gò má. Hai bàn tay của Lía
đã nắm chặt lại lúc nào không hay. Bỗng nó đấm mạnh tay xuống đất hét lớn:
- Bọn giết người
đó con thề sẽ tìm ra và giết hết không chừa một đứa!
Nguyễn thị nghe
nó nói giật mình sợ hãi. Bà biết hung tính trong người con mình đã nổi lên, bà vội
nói:
- Con phải thật
bình tĩnh và nhẫn nại. Kẻ thù giết cả nhà mình nhất định sẽ tìm và giết hai mẹ con
mình cho bằng được, chúng sẽ nhổ cỏ tận gốc để trừ hậu hoạn. Đó là lý do tại sao
bao nhiêu năm nay mẹ vẫn giấu không nói cho con biết sự tình, ngay cả tên họ của
con cũng buộc phải thay đi. Con hiểu điều này không?
Lía đưa tay quẹt
nước mắt đáp:
- Con hiểu! Con
sẽ cẩn thận giữ mình để lớn lên trả thù cho cha và mấy anh. Nhưng bọn chúng là ai
vậy mẹ?
- Mẹ không biết.
Bấy lâu nay mẹ cố gắng giấu kín thân phận của hai mẹ con mình nên không dám đi đâu,
cũng không dám hỏi han ai điều gì. Mai này con phải tìm cho ra hung thủ.
- Con thề sẽ
tìm ra bọn chúng. Con phải giết sạch những tên cướp đó mới hả dạ.
- Thù cha tất
nhiên phải trả. Nhưng mẹ mong con nhớ kỹ điều này, ai làm người nấy chịu, con tuyệt
đối không được giết hại người vô tội. Con hứa với mẹ đi.
Lía cúi đầu nói:
- Dạ! Con hứa
với mẹ.
- Hồi đó cha
con có hai người bạn thân mà ông rất ngưỡng mộ. Một là cai đội Long ở cửa Đại Chiêm,
một người nữa là Đoàn Phong, giữ chức tả hộ vệ của Hình bộ phủ Chúa đương triều.
Mai sau con nên tìm hai người này để dò hỏi tung tích kẻ thù. Mẹ tin rằng khi nghe
tin nhà mình bị thảm sát, họ thế nào cũng sẽ điều tra hung phạm. À, còn một người
nữa có biệt hiệu Vô Ảnh Thần Thâu gì đó. Người đó và mấy người bạn nữa cũng được
cha con nhắc đến luôn.
- A, con nhớ
rồi! Có phải chú Phong hứa cho con cây kiếm không? Con nhất định sẽ tìm ra chú ấy.
À, còn sư tổ đâu hả mẹ?
- Mẹ cũng không
biết. Trước ngày xảy ra chuyện, sư tổ có đi Phú Xuân để dự đại lễ Vu Lan nhưng mãi
không thấy về. Mẹ ước gì con gặp được sư tổ để người dạy dỗ cho thì hay biết mấy.
Sư tổ vốn là đệ tử của tổ Nguyên Thiều, sau này con nên đến Thập Tháp Di Đà tự dò
hỏi xem sao.
- Mẹ đừng lo,
con sẽ học võ thật giỏi. Con sẽ đi tìm sư tổ.
- Chúng ta lúc
này đang cơn nghèo đói, lấy tiền đâu cho con học võ mà con nói sẽ học cho giỏi?
- Không có tiền
thì học lén. Con nhìn trộm ông thầy võ dạy thằng Nhạc cũng tập được mấy đường rồi
đó mẹ.
- Con hì hục
đào lỗ rồi nhảy lên, nhảy xuống là tập theo kiểu học lén đó phải không?
- Ồ không! Đó
là con bắt chước con cá lóc. Hôm trước con bắt nó, nó búng mình lên cao qua khỏi
bờ ruộng rồi thoát mất, con thích quá nên tập nhảy như nó. Mẹ có tin bây giờ con
có thể nhảy qua khỏi hàng rào thật cao rồi không?