Én Liệng Truông Mây - Hồi 17 - Phần 1
HỒI THỨ MƯỜI BẢY
Lý Văn Quang ôm hận vào ngục tối
Tiệc khải hoàn hiệp sĩ luận Đường thi.
*
Văn Hiến và Đại Bằng dùng ngựa theo đường
nhỏ tìm ra quan lộ rồi phóng thẳng lên Bình Dương. Vết thương trên lưng của Đại
Bằng và trên tay của Văn Hiến đã được rịt thuốc Bách thảo đoạn tục cao của Cẩn Thành
hầu nên không còn ra máu nữa. Thị trấn Bình Dương hiện có hai vệ quân một ngàn lính
thường trực đóng ở đó. Tháng rồi phủ Chúa cho điều động thêm hai vệ quân từ Bình
Khang vào giúp để tiến lên vùng Tây Ninh chặn đường đội quân Cao Miên tiến xuống.
Văn Hiến và Đại Bằng đến nơi gặp viên phó vệ úy nói lại tình hình ở dinh Trấn Biên
và Giản Phố thì có tin thắng trận từ Tây Ninh báo về. Đội bộ binh của Cao Miên do
tên Hữu Đô đốc Chiêu Chùy Éch thống lãnh đã bị đánh tan phải rút về nước. Văn Hiến
nghe báo cả mừng nói với viên phó vệ úy:
- Như vậy chúng ta đỡ được mặt này. Việc
còn lại xin phó vệ úy cử một đạo binh xuống tấn công mặt tây Trấn Biên, mặt bắc
đã có đạo binh từ Mô Xoài đánh vào. Chỉ mong đạo thủy quân của Cao Miên cũng bị
đánh tan thì mặt nam Giản Phố sẽ có quân từ Phiên Trấn kéo lên.
Viên phó vệ úy nói:
- Chúng ta cứ chờ tin từ Long Hồ đưa về rồi
kết hợp hành động. Người của tôi đang liên lạc với dưới đó, chắc không lâu nữa sẽ
có phi vũ truyền thư hồi báo. Hai vị hiệp sĩ đã lao công nhọc sức suốt ngày rồi,
xin vào quán dịch nghỉ ngơi trước đã. Mai hãy tính.
Viên phó vệ úy vừa định đưa hai người ra
quán dịch bỗng thấy một con chim bồ câu đáp xuống trước cửa dinh. Ông ta cười nói:
- Vừa nói đã có tin. Để xem lành dữ thế nào?
Nói xong ông bước ra bắt con bồ câu, mở dây
lấy ống trúc nhỏ buộc trong chân nó ra rồi vuốt ve đầu nó:
- Giỏi lắm! Giờ ngươi đi ăn uống đi, ta sẽ
có việc cho ngươi làm tiếp đó.
Con bồ câu gụ gụ mấy tiếng, viên phó vệ úy
buông tay ra, nó đập cánh bay về chuồng. Ông mở nút ống trúc nhỏ lấy ra một mảnh
giấy đọc xong đưa cho Văn Hiến. Văn Hiến thấy có dòng chữ: “Đã phá tan hai mươi
chiến thuyền địch tại ngã ba Rạch Gầm...”. Chàng đưa cho Đại Bằng coi, nét mặt
không giấu được nỗi vui mừng. Viên phó vệ úy nói:
- Đợi tôi đưa tin về Gia Định và Mô Xoài,
hẹn nhau đồng bộ tấn công. Bọn nghịch đảng có bao nhiêu người?
Văn Hiến đáp:
- Khoảng từ ba đến năm trăm tên nhưng hầu
hết võ công đều rất cao cường. Có một số chủ chốt là cao thủ tuyệt đỉnh của võ lâm
Trung thổ.
- Giữa thiên binh vạn mã thì cao thủ võ lâm
cũng phải bó tay thôi.
Ông lấy giấy bút viết hai bức thư ngắn, hẹn
chiều mai tấn công Trấn Biên, bỏ vào hai ống trúc rồi cột vào chân hai con bồ câu
và thả chúng bay đi. Xong đâu đó, ông nói:
- Giờ thì hai vị có thể an tâm nghỉ ngơi.
Tôi đi điều động số nhân mã còn lại ở đây để chuẩn bị sớm mai lên đường.
Đoạn ông đưa hai người ra quán dịch nghỉ
rồi đi kiểm điểm binh mã. Sáng sớm hôm sau, phó vệ úy điểm ba trăm bộ binh và năm
mươi kỵ binh cùng Đại Bằng, Văn Hiến kéo xuống Trấn Biên.
Sau khi được thả đi, con bồ câu thứ nhất
chỉ mất chưa tới một khắc thời gian đã đến trung quân của đạo binh Mô Xoài vừa từ
Bà Rịa kéo lên đóng ở địa giới Long Thành và Biên Hòa. Tống Phước Đại lúc ấy đang
cùng viên phó chưởng vệ, quan lưu thủ Cường Oai hầu, Đại Kỳ, Đoàn Phong và Hồng
Liệt mới tới lúc chiều, bàn về việc ra quân lấy lại Trấn Biên. Bỗng có tên lính
canh mang một ống trúc nhỏ vào trình lên, Phước Đại cười nói:
- Có tin các nơi rồi đây!
Ông mở tờ giấy ra đọc, thư viết: “Tây
Ninh và Long Hồ đại thắng. Hẹn tướng quân giờ Mùi chiều mai tấn công thu hồi dinh
Trấn Biên. Phó vệ úy Trương”. Phước Đại đọc xong đưa cho mọi người xem rồi cười
ha hả nói với quan lưu thủ:
- Vậy là tối mai ông có thể ngồi yên lại
trong dinh Trấn Biên rồi.
Cường Oai hầu mừng rỡ cười theo. Những thớ
thịt núng nính trên gương mặt béo phì của ông ta không ngớt rung lên.
- Đa tạ ngài Cai cơ! Phải bắt hết, giết sạch
bọn nghịch đảng này mới được!
- Tôi sẽ thành toàn ý nguyện cho ông. Nhưng
về sau ông phải coi chừng bọn thương buôn bên Giản Phố kỹ hơn.
- Tất nhiên rồi! Tất nhiên rồi!
Trong khi đó, con bồ câu thứ hai cũng đã
đậu trước dinh Phiên Trấn ở Gia Định. Một tên lính canh mang ống trúc nhỏ vào trình
lên trong khi quan lưu thủ Phiên Trấn và viên thống lãnh đang họp bàn với bọn Ngô
Mãnh vừa mang tin từ Giản Phố xuống. Viên thống lãnh xem xong mảnh giấy bèn chuyền
cho mọi người cùng xem. Ông nói:
- Ngoại viện của bọn phản nghịch đã bị cắt
đứt. Sớm mai, chúng ta đem thủy quân lên Giản Phố để phối hợp với hai cánh quân
Bình Dương và Mô Xoài. Cứ để cho hai đạo binh kia đuổi bọn chúng về Giản Phố còn
chúng ta sẽ đổ bộ lên đánh một trận bắt trọn ổ.
Ngô Mãnh nói:
- Bọn phản loạn đa phần là cao thủ võ lâm
Trung Hoa, võ nghệ rất cao cường, chúng ta không nên xem thường. Tướng quân cần
tính kế hoạch đổ bộ và tấn công sao cho chu toàn, tránh tổn thất cho binh sĩ và
dân chúng trong thương cảng.
Viên Thống lãnh nói:
- Cảm ơn sự nhắc nhở của ngài hữu hộ vệ.
Tôi sẽ chu toàn việc này.
***
Nhắc lại bọn Hà Huy, sau khi gặp Lý Văn Quang
để cắt đặt việc phòng thủ dinh, hắn đã nở nụ cười rạng rỡ, nụ cười này chưa bao
giờ thấy trên gương mặt suốt ngày lầm lì của hắn.
- Xin chúc mừng đại vương nhất cử công thành.
Giờ chỉ còn chờ tin hai lộ binh mã của Cao Miên đánh xuống Tây Ninh và Long Hồ nữa
thì vùng Thủy Chân Lạp này coi như nằm gọn trong tay đại vương rồi.
Mọi người ai nấy đều hớn hở nói lời chúc
tụng. Lý Văn Quang đắc ý cười ha hả:
- Cũng nhờ các ngươi ra sức và quân sư mưu
việc như thần. Hơn ba trăm bộ hạ của ta đột nhập vào Giản Phố và Trấn Biên mà thần
không hay, quỉ không biết, khiến bọn Nguyễn Cư Cẩn cứ nhởn nhơ ăn tết chẳng chút
phòng bị. Hà hà... bây giờ bọn chúng có hối cũng muộn rồi.
- Tuy vậy phía đông vẫn còn đạo binh chủ
lực ở Mô Xoài của Tống Phước Đại, đó là mối lo lớn nhất của thuộc hạ. Chúng ta cần
phải cho người thám thính xem chúng đang mưu tính thế nào để còn có kế hoạch ứng
chiến.
- Ta đã cho hai tên thủ hạ đi rồi. Bọn Thần
Quyền Môn bên Giản Phố cùng mấy tên giang hồ Đại Việt và trại lính ở cầu ván thế
nào rồi?
- Bẩm đại vương, chúng ta đã tiêu diệt sạch
đội quân ở cầu ván. Còn bọn Thần Quyền Môn thì với sự chỉ huy của Phùng chưởng môn
chắc chắn sẽ làm gọn gàng thôi. Đại vương an tâm mà chờ tin chiến thắng.
Đang bàn tán thì có tên thuộc hạ từ ngoài
chạy vào báo cáo:
- Tâu đại vương, thấy có lửa cháy ở Giản
Phố bên phía bờ sông Đồng Nai, có lẽ cơ sở Thần Quyền Môn đã bị đốt phá rồi.
Tạ Tam cười đắc ý nói:
- Điều đó hẳn rồi. Có sư phụ đích thân xuất
chinh thì bọn cắc ké kia làm sao chịu nổi. Xin chúc mừng đại vương!
Mọi người đều lớn tiếng hô to:
- Chúc mừng Giản Phố đại vương nhất cử công
thành!
Lý Văn Quang cười ha hả nói:
- Tốt lắm, tốt lắm! Ha ha... Rồi đây tất
cả những người có công trong lần ra quân này đều sẽ được ban thưởng trọng hậu. Các
ngươi cố gắng lên, trước mắt hãy còn nhiều việc phải làm nữa đấy.
Tất cả mọi người đồng thanh nói:
- Bọn thuộc hạ sẽ hết lòng! Mong đại vương
sớm được lên ngai vàng chính thức ở miền đất Chân Lạp này!
Bọn Lý Văn Quang cùng thuộc hạ vừa ra tay
đã giết được Cẩn Thành hầu nổi danh là anh hùng của miền Nam này và chiếm được dinh
Trấn Biên một cách dễ dàng chỉ trong buổi sáng nên ai ai cũng khấp khởi trong lòng.
Một viễn cảnh tương lai huy hoàng mở ra trước mắt, Lý Văn Quang ngồi nơi chiếc ghế
của quan lưu thủ mà cứ tưởng tượng như mình đang ngồi trên chiếc ngai vàng đã ấp
ủ từ lâu. Hình ảnh kiêu hùng của Sấm vương nội tổ chợt hiện ra trong tâm trí, hắn
cất tiếng cười ha hả:
- Ta sẽ thực hiện giấc mộng ngày xưa của
Sấm vương và ta sẽ làm tốt hơn thế nữa. Miền Nam này
là của ta! Là của họ Lý ta! Ha ha...
Hắn vừa dứt tiếng
cười thì bên ngoài có tiếng vó ngựa dồn dập phóng đến rồi dừng lại trước cửa dinh,
Triệu Phi Yến nhảy xuống đất đi nhanh vào trong, nét mặt vừa tức giận vừa đau khổ.
Tạ Tam hỏi:
- Tứ muội, tình
hình bên đó thế nào?
Phi Yến đáp,
giọng nặng như chì:
- Bọn Thần Quyền
Môn đã bỏ chạy, nhị ca đã cho đốt sạch cơ sở của chúng nhưng bên ta thiệt hại rất
nặng.
Lý Văn Quang
sửng sốt hỏi:
- Có Phùng chưởng
môn chỉ huy mà vẫn bị thiệt hại rất nặng à? Nói rõ cho ta nghe xem nào.
- Dạ, bọn tiểu
nữ theo quân sư phá tan trại lính xong trở lại tiếp viện cho sư phụ thì nơi đó cuộc
giao tranh đã đến hồi kết thúc. Kết quả là...
Tạ Tam nôn nóng
hỏi:
- Kết quả thế
nào? Tứ muội nói nhanh đi!
Phi Yến rầu rĩ
nói:
- Sư phụ bị thương
ở bàn tay phải, suốt đời trở thành tàn phế. Ngũ sát thủ đều bị thảm tử. Thiên Sơn
Nhất Đao cũng hi sinh. Nhị ca bị thương rất nặng. Bọn đệ tử chết ba tên, bị thương
sáu tên.
Tất cả mọi người
đều sửng sốt trước con số thương vong Phi Yến vừa nêu ra. Trong thâm tâm bọn họ,
với sự có mặt của Phùng Đạo Đức, một tôn sư võ học Trung Nguyên, một bậc thầy của
Nam Thiếu Lâm tự cùng những sát thủ lừng danh Trung thổ như thế thì chắc chắn lần
ra quân này bọn hiệp sĩ Đại Việt gì gì đó nhất định sẽ bị nghiền nát như cám. Vậy
mà kết quả lại hoàn toàn trái ngược, nó như giáng một cú đấm mạnh thẳng vào mặt
mọi người khiến cho từ Lý Văn Quang đến các đồ đệ của Phùng Đạo Đức đều choáng váng.
Tạ Tam gầm lên:
- Không thể nào!
Sư phụ mà lại bị thương đến độ phải tàn phế ư? Tứ muội, muội có nói lộn không?
Từ lúc dẫn toán
người đến tiếp viện và nhìn thấy cái chết của đồng bọn, sự thất vọng của sư phụ
cùng mọi người, Triệu Phi Yến đã vô cùng buồn bực, chán nản trong lòng, giờ nghe
Tạ Tam hỏi đi hỏi lại nên khiến nàng nổi đóa gắt lên:
- Đại sư huynh
không tin thì chạy về bên đó mà coi cho tận mắt!
Tạ Tam vốn yêu
quí cô sư muội này lắm nên dịu giọng nói:
- Xin lỗi muội,
tại huynh nóng lòng cho sư phụ mà thôi.
Hà Huy lim dim
mắt thở dài nói:
- Ta thật không
ngờ. Lần này chúng ta lại đánh giá sai bọn võ sĩ An Nam nữa rồi. Hà!!! Thực lực
của chúng quả là vô cùng vô tận, không biết đâu mà lường.
Bầu không khí
tưng bừng vừa nãy đã nhanh chóng trở nên ảm đạm, ỉu xìu. Lý Văn Quang vội trấn an
đám thuộc hạ:
- Tất cả đừng
buồn nữa. Lực lượng của chúng ta còn rất mạnh. Hầu hết những người ta mang sang
lần này đều là cao thủ Trung Nguyên. Mọi người phải hăng hái lên, phải diệt sạch
bọn võ sĩ An Nam chết tiệt kia mới hả được giận trong lòng.
Hà Huy nói:
- Lời đại vương
nói rất đúng. Tất cả chúng ta phải hăng hái lên để chuẩn bị cho trận chiến sắp tới.
Hãy nhìn thắng lợi vang dội của đại vương trong ngày ra quân đầu tiên, sự thiệt
hại của quân địch còn lớn gấp trăm lần bọn ta mà. Hữu đô đốc trở về bên Giản Phố
trấn an lòng anh em, đừng làm giảm nhuệ khí đang lên của quân ta.
Tạ Tam nói:
- Quân sư nói
đúng. Tôi đi ngay đây!
Hắn cúi chào
Lý Văn Quang lên ngựa trở về Giản Phố. Suốt đêm hôm đó mọi việc trở lại yên ắng
trên cả hai vùng Trấn Biên và Giản Phố. Tuy nhiên mọi người đều dự cảm có chuyện
chẳng lành sắp nổ ra nhưng không biết lúc nào.
Giờ Tị hôm sau,
những tin tức xấu dồn dập đưa về dinh Trấn Biên. Tin hai đạo binh thủy và bộ của
Cao Miên đã tan tành tháo chạy về nước khiến cho Lý Văn Quang và Hà Huy thất kinh
hồn vía. Chúng biết nếu không có viện binh thì việc chiếm giữ Trấn Biên là vô cùng
mong manh. Tiếp sau đó lại có tin thám báo về nói rằng hai đạo binh của Mô Xoài
và Bình Dương đang kéo đến gần Trấn Biên. Đạo Mô Xoài chỉ còn cách dinh Trấn Biên
chừng mười dặm, đạo Bình Dương thì đóng bên kia bến Bửu Long đang chuẩn bị sang
sông. Lý Văn Quang nghe tin hoảng sợ, Hà Huy liền hiến kế:
- Chúng ta đang
rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch mà lực lượng lại ít, nếu chia ra để chống cự thì
rất yếu. Chi bằng dồn hết lực lượng lại một chỗ, phá tan từng đạo quân một của địch
thì mới có cơ may chiến thắng.
Lý Văn Quang
hỏi:
- Theo ý quân
sư, chúng ta nên đánh về hướng nào trước?
- Tâu đại vương,
đạo quân Mô Xoài của Tống Phước Đại rất hùng mạnh, hạ chức nghĩ rằng chúng ta nên
đánh phá đạo binh Bình Dương trước. Đạo Bình Dương phải chia ra giao chiến với bộ
binh Cao Miên nên lực lượng còn lại sẽ rất ít, chúng ta đánh tan đạo quân này rồi
kéo lên Tây Ninh phá nốt đạo quân nơi đó. Xong chúng ta chạy luôn sang Cao Miên,
hội quân với Cao Miên, quay trở lại đánh lấy Trấn Biên sau.
- Bỏ Giản Phố
à?
- Tình hình hôm
nay đành phải chấp nhận vậy thôi, sau này chúng ta trở lại thu hồi cũng không muộn.
- Như thế cũng
được. Lệnh cho tất cả gom hết vật dụng bên Giản Phố, mang mười chiếc thuyền tập
hợp lại ở đầu cầu ván cho ta.
Hà Huy và các
thuộc hạ “dạ” vang một tiếng rồi chia nhau tức tốc thi hành.
Nói về đạo binh
của Bình Dương do phó vệ úy Trương Đồ thống lĩnh, giờ Mùi hôm đó đã có mặt tại bến
Bửu Long, chọn khúc sông hẹp nhất chuẩn bị vượt sông Đồng Nai. Văn Hiến hỏi:
- Chúng ta chỉ
có ba trăm bộ binh và năm mươi kỵ binh, như vậy có đủ sức chống cự với bọn chúng
không?
Trương Đồ đáp:
- Tuy quân ta
có ít nhưng còn có đạo quân Mô Xoài rất mạnh hỗ trợ thì còn sợ gì nữa.
- Trường hợp
chúng ta đã sang được bờ bên kia rồi, bọn chúng gom tất cả lực lượng với gần năm
trăm tên võ nghệ cao cường tấn công chúng ta, lúc bấy giờ trước mặt là địch mạnh,
sau lưng là sông lớn, tướng quân làm thế nào chống cự?
Trương Đồ nghe
hỏi toát mồ hôi hột, ông ngập ngừng:
- Trường hợp
như thế thì... theo ý Trương huynh ta phải làm sao?
Văn Hiến không
muốn làm giảm uy phong của một vị tướng đang cầm quân nên giả bộ suy nghĩ một lúc
rồi đáp:
- Theo thiển
ý của tôi, chúng ta nên cho người sang do thám tình hình bên Trấn Biên trước, khi
nào thấy đạo quân Mô Xoài bắt đầu tấn công địch thì phóng pháo hiệu báo tin. Chừng
đó chúng ta vượt sông, hai đầu cùng đánh úp như thế mới bắt được bọn chúng, hoặc
ít ra cũng buộc chúng phải chạy về Giản Phố.
Đang bàn luận
chợt có tên đệ tử Thần Quyền Môn giữ nhiệm vụ do thám bên Trấn Biên chạy đến xin
gặp Văn Hiến. Chàng cả mừng liền cho gọi đến hỏi:
- Tin tức bên
đó thế nào?
Tên đệ tử đáp:
- Thưa sư thúc,
bọn Kim Cương Môn đang tập trung tất cả lực lượng ở bên này cầu ván và chờ đạo quân
Bình Dương sang sông sẽ đánh úp.
Trương Đồ nghe
báo kinh sợ nói:
- Trương huynh
đúng là liệu việc như thần! Giờ chúng ta làm thế nào?
Văn Hiến đáp:
- Như vậy là
chúng né lực lượng hùng mạnh của Mô Xoài và muốn phá tan chúng ta trước rồi kéo
nhau lên Tây Ninh liên lạc với Cao Miên. Đã thế chúng ta cứ phục binh bên này, chờ
lúc bọn chúng sang sông để tiêu diệt từng nhóm nhỏ.
Tên đệ tử nói:
- Đệ tử thấy
chúng tập trung nhiều thuyền buôn lại. Có thể chúng sẽ dùng thuyền mà sang bờ hay
lên thượng nguồn rồi mới qua sông cũng không chừng.
Văn Hiến khen:
- Ngươi giỏi
lắm! Làm thám báo phải tinh nhạy như thế mới được.
Trương Đồ hỏi:
- Trương huynh
tính thế nào?
- Nếu chúng đổ
bộ sang thì ta phục binh bất ngờ đánh úp. Nếu chúng dùng thuyền đi thẳng lên mạn
trên mới sang sông thì cứ chờ cho thuyền của bọn chúng đến nơi khúc ngoặt của dòng
sông dưới bến Bửu Long rồi chúng ta kết bè lửa lại thả xuống. Như vậy thuyền của
chúng ắt sẽ làm mồi cho thần hỏa, chừng đó chúng ta cứ từ từ mà bắt từng con cá
một.
Đại Bằng hỏi:
- Trường hợp
chúng dùng thuyền theo sông lớn chạy trốn ra biển Đông thì sao?
- Giờ này chắc
đội thủy quân của Phiên Trấn đã lên gần đến Giản Phố rồi. Chúng có muốn chạy trốn
cũng không thoát hết được đâu.
Trương Đồ vỗ
tay khen:
- Trương huynh
thật là mưu kế như thần! Tôi thân làm tướng mà không có được tài ứng biến với tình
hình mau lẹ như thế được, thật hổ thẹn. Những kinh nghiệm này tôi nhất định sẽ ghi
nhớ kỹ trong lòng. Kính phục, kính phục!
Trương Đồ quả
nhiên là người hào sảng, bụng dạ rộng rãi. Ông ta thấy mưu kế hay thì buột miệng
khen thật lòng, không có chút gì là tự ái hay đố kỵ với Văn Hiến. Đại Bằng khen:
- Trương tướng
quân quả nhiên là người khoáng đạt. Sẵn bụng dung người không chút tị hiềm. Chẳng
trách tuổi còn trẻ mà đã làm đến phó vệ úy.
Trương Đồ cười
nói:
- Tự lừa dối
mình là điều ngu xuẩn nhất thiên hạ. Tôi lúc nào cũng sẵn sàng học hỏi nơi cao nhân.
Trương huynh đây xứng đáng làm thầy của tôi. Tôi thật sự kính phục chứ không nói
lời đãi bôi đâu.
Văn Hiến nói:
- Cảm ơn Trương
tướng quân. Giờ chúng ta hãy mau chuẩn bị mọi sự cho kịp.
Quay sang tên
đệ tử, chàng dặn:
- Ngươi trở về
lại bên đó, tìm cách gặp cho được Đinh sư thúc và Phong sư thúc, chuyển lời ta như
vầy... như vầy... Ta giao cho ngươi ba viên pháo màu, màu đỏ là dấu hiệu bọn Kim
Cương Môn giao đấu với Mô Xoài, màu vàng là chúng kéo nhau theo đường bộ lên, màu
xanh là chúng dùng thuyền. Cẩn thận đừng để bị chúng bắt được.
Tên đệ tử vâng
dạ rồi đi ngay. Trương Đồ lập tức ra lệnh cho thuộc hạ làm bè dẫn hỏa và chia nhau
thám thính dọc bờ sông. Sau đó ông lại sai lính chặt tre đan thúng, mỗi thúng có
thể chở năm tên lính sang sông và trưng dụng những chiếc đò trên bến Bửu Long để
chở ngựa. Cắt đặt xong đâu đó bèn đóng quân bên bờ nam chờ đợi.
Nhắc lại bọn
Lý Văn Quang, khi đã tập trung đủ lực lượng tại đầu cầu ván để chuẩn bị tiến đánh
đạo quân Bình Dương thì có tin thám báo nói rằng quân Mô Xoài đã tiến đến gần dinh
Trấn Biên. Còn đang trong cơn hoảng hốt lại có quân chạy về báo đạo Bình Dương đóng
quân bên kia bờ sông từ đầu giờ Tị mà vẫn không chịu sang. Hà Huy nghe quân báo
than:
- Bên địch tất
có người tài hiến kế. Chúng sợ ít quân sang sông sẽ bị bọn ta dồn sức tiêu diệt
nên chúng đóng quân bên kia sông là có ý chờ đạo quân Mô Xoài hùng mạnh hơn tiến
đánh trước rồi mới sang sông đánh giáp công.
Văn Quang tỏ
vẻ lo lắng hỏi:
- Theo ý quân
sư thì ta nên làm sao? Hay chúng ta cứ dùng thuyền đi ngược sông lên mạn trên rồi
đổ bộ kéo sang Tây Ninh?
- Họ đã không
chịu sang sông tất sẽ có kế hoạch ngăn chặn không cho chúng ta theo thủy lộ vượt
lên mạn trên. Nếu dùng thuyền, e rằng không tránh khỏi bị chúng kết bè hỏa, chọn
khúc sông hẹp và hiểm yếu thả xuống đốt sạch. Chừng đó chúng ta chỉ còn cách mạnh
ai nấy nhảy xuống sông để lo cho mạng sống của mình. Nếu rơi vào tình huống đó thì
không phải chúng ta sẽ bị chúng bắt gọn từng người một sao?
Lý Văn Quang
nóng nảy:
- Cách này không
được, cách kia không xong. Quân sư quyết định đi!
Hà Huy ngẫm nghĩ
một lúc rồi đáp:
- Chúng ta đã
có thuyền, chi bằng cứ đánh nhau với bọn Mô Xoài một trận, thắng thì từ đó khởi
sự, thua thì xuống thuyền theo sông lớn ra biển Đông về lại Trung Quốc.
Tạ Tam hỏi:
- Trường hợp
chúng cho thủy quân từ Nhà Bè tiến lên chặn đánh thì sao?
- Thì chúng ta rút lên Giản Phố, phá bỏ cầu ván cố thủ
chờ cơ hội. Càng có nhiều thời gian bao nhiêu, cơ hội càng dễ nảy sinh bấy nhiêu.