Én Liệng Truông Mây - Hồi 14 - Phần 1
HỒI THỨ MƯỜI BỐN
Trăng vằng vặc soi tấm lòng nhi nữ
Đả lôi đài hào kiệt trả thù sâu.
*
Mùa Trung Thu năm nay may mắn trời không
một áng mây nên màu trăng thật rực rỡ. Lúc chiều Bạch Mai đã dẫn Hiền Nhi đi dạo
khắp Giản Phố và sắm cho nàng đủ mọi vật dụng cần thiết của một thiếu nữ. Sau đó,
họ xem hai đoàn múa lân và múa rồng diễn qua các phố lớn rồi mới trở về. Tối đến,
Hữu Dụng mời mọi người đi uống rượu ngắm trăng nhưng Hồng Liệt và Bạch Mai bận ở
võ đường, Đại Bằng và Đại Kỳ đang say mê với việc huấn luyện bồ câu nên chỉ có Văn
Hiến và Hiền Nhi nhận lời. Ở Giản Phố có dịch vụ cho thuê thuyền du ngoạn trên sông
để khách ngắm trăng uống rượu. Ba người chọn một chiếc rồi cho thuyền bơi ngược
dòng, vòng theo sông Sa Hà thong thả ngắm cảnh trăng nước mênh mông. Hiền Nhi nhìn
ánh trăng trên sông chợt nhớ đến những đêm trăng trên cửa Hàn. Nàng nói:
- Anh hai, trăng ở đây tuy đẹp thật nhưng
em vẫn thích đêm trăng ở cửa Hàn của mình hơn.
Hữu Dụng hỏi:
- Vì sao?
- Dạ, cháu cảm thấy trăng ở đây như thiếu
sự ấm áp. Có lẽ vì màu của nó hơi nhạt.
- Không phải màu trăng ở đây nhạt đi mà là
do tình cảm cháu dành cho ánh trăng ở cửa Hàn nhiều hơn. Đó là sự khác biệt giữa
quê nhà và đất khách. Nếu cháu có dịp sang tận Xiêm La hay Nhật Bản, cháu sẽ thấy
màu trăng ở đó còn nhạt hơn trăng ở Giản Phố này rất nhiều.
- Như vậy sự đậm nhạt của màu trăng là do
tình cảm trong lòng mình dành cho khung cảnh nơi đang ngắm trăng nhiều hay ít hả
chú?
- Đúng vậy. Màu trăng ở đâu cũng như nhau,
chỉ có tâm tình con người là thay đổi tùy lúc, tùy nơi mà thôi. Cho nên Đức Phật
đã dạy: “Cảnh là do tâm động mà sinh ra”. Nếu cháu có thể yêu mọi cảnh, mọi người
bằng một tình cảm giống như nhau, với một cái tâm duy nhất thì trăng ở đâu cũng
chỉ là một, màu trăng không có sự đậm nhạt khác nhau.
Hiền Nhi nhìn lên mặt trăng im lặng như đang
tập trung để hiểu thấu đáo lời nói của Hữu Dụng. Một lúc sau nàng lên tiếng:
- Nếu mình yêu hết mọi người, mọi cảnh bằng
một tình cảm như nhau thì mình sẽ thấy được cái đẹp sơ nguyên của cảnh và người
hả chú?
Hữu Dụng mỉm cười ý nhị:
- Đúng rồi. Đó là hạnh phúc đích thực mà
chỉ người có một tâm hồn đẹp mới được hưởng. Tâm hồn như thế gọi là tâm từ bi, tâm
lành, giống như của cháu vậy.
Hiền Nhi thẹn thùng cúi đầu:
- Chú lại khen cháu quá lời nữa rồi. Chú
không thấy cháu yêu trăng cửa Hàn hơn trăng ở đây sao? Cũng như bao giờ cháu cũng
thấy thương đàn em của cháu hơn là những đứa trẻ khác.
- Nhưng cháu cũng yêu trăng ở đây và cũng
thương những đứa trẻ khác nữa, đúng không?
- Dạ.
- Đó là điều cốt yếu của một tâm hồn đẹp.
Sau này nếu sống trong một môi trường mới, một vùng đất khác thì chú tin cháu sẽ
yêu những đứa trẻ khác như yêu đàn em của cháu hiện giờ. Sự hơn kém trong tình cảm
cháu thấy bây giờ chỉ là do cuộc sống của cháu từ lâu bị gói gọn quanh vùng cửa
Hàn và trong trại nhỏ với đàn em của mình mà thôi.
Đôi mắt của Hiền Nhi sáng lên dưới ánh trăng:
- Thật vậy không chú? Đôi khi cháu thấy mình
cũng hơi ích kỷ vì chỉ biết nghĩ đến những đứa em của mình thôi.
- Thật chứ! Rồi cháu sẽ thấy là chú khen
cháu không quá lời đâu.
Hiền Nhi rót rượu ra các chung.
- Cảm ơn chú. Anh hai, sao nãy giờ chỉ im
lặng uống rượu mà không nói gì hết vậy?
Văn Hiến mỉm cười đáp:
- Chú Dụng khen em đủ rồi, nếu anh khen thêm
nữa sẽ làm em hư đấy.
Hiền Nhi nũng nịu:
- Anh hai lúc nào cũng cho em là con nít
cả.
- Đâu có. Hôm qua nhìn em trong bộ y phục
mới anh cứ tưởng là cô tiểu thư đài các nào chứ.
Hiền Nhi vừa bẽn lẽn vừa vui mừng:
- Thôi anh hai đừng nhạo em nữa. Lúc đó em
xấu hổ muốn chết đi được. Bạch sư tỷ thật là ác, một hai bắt em phải mặc đồ rồi
trang điểm, son phấn lung tung cả lên.
Hữu Dụng nói:
- Cháu thấy đó, y phục cũng góp phần làm
nên con người. Hôm qua cháu đâu kém gì Bạch Mai tiểu thư.
Hiền Nhi mỉm cười xua tay nói:
- Thôi, thôi! Chú và anh hai đừng nhạo cháu
nữa. Cháu nhảy xuống sông bây giờ đó.
Hữu Dụng và Văn Hiến đồng cười lớn. Chợt
có tiếng hỏi vọng sang từ một chiếc thuyền gần đó:
- Có phải chú Dụng và Trương huynh bên đó
không?
Hữu Dụng nhận ra giọng nói đó vội đáp:
- Là tôi đây! Âu Dương huynh đệ phải không?
- Vâng, cháu đây! Đợi chút, cháu quay thuyền
lại nhé.
Hữu Dụng bảo người chủ thuyền dừng lại. Lát
sau đã thấy chiếc thuyền kia trở đầu và cập sát vào mạn thuyền của bọn Hữu Dụng.
Âu Dương Long đưa tay vịn vào be thuyền của họ, hai chiếc thuyền như chập lại thành
một khối. Văn Hiến lên tiếng:
- Chào Âu Dương huynh. Chào Thu Hồng cô nương.
Hai vị sức khỏe thế nào? Xin chào công chúa, chúng ta lại gặp nhau. Công chúa vẫn
an khang chứ?
Lý Dung Dung đang ngồi phía mũi thuyền lên
tiếng đáp:
- Xin chào chú Dụng, chào Trương huynh. Vâng,
chúng ta lại gặp nhau. Mời ba vị sang bên này cùng ngắm trăng với chúng tôi có được
không? Vị tiểu thư xinh đẹp này là...
Văn Hiến nói thay:
- Đây là Hiền Nhi, cô em gái của tôi vừa
từ Hội An vào.
Chàng giới thiệu mấy người cho Hiền Nhi biết.
Nàng vội đứng lên cúi đầu chào:
- Hiền Nhi xin chào công chúa. Chào Âu Dương
huynh, chào Thu Hồng tỷ tỷ.
Dung Dung cũng đứng lên đáp lễ:
- Chào Hiền Nhi, rất vui được biết nhau.
Mời mọi người sang bên này đi.
Hiền Nhi nói nhỏ với Văn Hiến:
- Anh hai sang bên đó nói chuyện với công
chúa đi. Em ngồi đây với chú Dụng cũng được.
Thu Hồng đề nghị:
- Đã vậy thì để tiểu tì sang nói chuyện với
Hiền Nhi tỷ tỷ cho vui.
Âu Dương Long tiếp lời:
- Vậy thì tôi cũng phải sang bên đó uống
rượu với chú Dụng, Trương huynh tiếp công chúa nhé.
Hai người nói xong bước sang bên này. Văn
Hiến đành phải qua bên thuyền của Dung Dung. Chàng nói với Hiền Nhi:
- Em nói chuyện với Thu Hồng cô nương. Anh
hai cũng có vài điều muốn nói với công chúa.
Hiền Nhi đưa tay đẩy Văn Hiến:
- Anh hai sang
bên đó đi.
Văn Hiến bước
sang thuyền của Dung Dung. Âu Dương Long đẩy tay, hai chiếc thuyền lại tách ra.
Âu Dương Long ngồi vào bàn uống rượu cùng Hữu Dụng, Thu Hồng nắm tay Hiền Nhi hỏi:
- Tỷ tỷ mới từ Hội An vào à? Đi biển có mệt
không?
Hiền Nhi đáp nhỏ:
- Dạ, Hiền Nhi mới vào cùng chú Dụng. Cũng
không mệt lắm. Thu Hồng tỷ là người ở đây à?
- Không, nô tì theo công chúa từ Phúc Kiến
sang đây năm rồi. Vừa đúng một năm tròn đấy.
- Hồng tỷ đừng dùng hai tiếng “nô tì” khi
nói chuyện với Hiền Nhi. Hiền Nhi sẽ bị giảm thọ đấy.
- Hi hi... quen mất rồi. Mà Thu Hồng là phận
nô tì thật sự, có gì đâu mà giảm thọ với tăng thọ chứ?
Hiền Nhi cương quyết:
- Không! Nếu Hồng tỷ còn xưng nô tì thì Hiền
Nhi sẽ không nói chuyện với Hồng tỷ nữa.
- Thôi được. Vậy chúng ta xưng nhau là tỷ
muội nhé?
- Như thế có vui hơn không? Tỷ từ Phúc Kiến sang à? Xa nhỉ? Tỷ ở lại đây luôn hay sẽ trở
về Phúc Kiến?
- Lẽ ra đã trở
về vào mùa gió nồm vừa qua nhưng công chúa muốn đợi qua đêm Trung Thu này.
Hiền Nhi thắc
mắc:
- Mùa gió nồm
đi từ đây về Phúc Kiến mới là thuận gió chứ? Đợi sau mùa Trung Thu mới đi có thể
gặp bão to hay gió lớn. Nguy hiểm lắm.
Thu Hồng thở
dài kéo Hiền Nhi đứng lên, cả hai bước ra đứng ở mũi thuyền. Nàng nói thật khẽ vào
tai Hiền Nhi:
- Biết vậy nhưng
công chúa vẫn muốn đợi đến đêm trăng Trung Thu với hi vọng gặp lại Trương công tử.
Hiền Nhi ngạc
nhiên hỏi:
- Gặp lại anh
hai à? Họ quen nhau từ mùa trăng trước phải không?
- Họ đánh nhau
ở Hội An, cứu nhau ở Phan Rang rồi uống rượu với nhau ở đây đúng vào đêm Trung Thu
năm ngoái. Sau đó họ chia tay. Đúng một năm rồi.
Hiền Nhi chợt
nghe lòng mình chùng xuống. Một cảm giác thật lạ xâm chiếm tâm hồn nàng. Cảm giác
đó lạ lắm, nàng không thể nhận ra được là gì, chỉ biết mùi vị của nó đăng đắng,
nằng nặng và buồn buồn. Vô tình nàng dõi mắt nhìn theo chiếc thuyền bên kia nói
khẽ:
- Đó là chữ duyên
phải không Hồng tỷ?
- Ừ, nhưng chỉ
e là mối oan duyên.
Hiền Nhi tròn
xoe đôi mắt:
- Vì sao?
- Không biết
nữa. Tôi chỉ linh cảm như thế.
- Không đúng
như thế đâu. Họ thật là đôi trai tài gái sắc. Mong đó sẽ là mối lương duyên.
- Mong là vậy!
Hai chiếc thuyền
giờ đã cách nhau một quãng xa. Ánh trăng lóng lánh sóng nước trên sông Sa Hà tạo
cho cảnh đêm thêm phần lung linh, huyền ảo. Văn Hiến bước đến ngồi đối diện với
Dung Dung. Dưới ánh trăng trông nàng đẹp như một nàng tiên. Với khuôn mặt đượm chút
u buồn, nàng rót rượu ra hai chiếc chung mời:
- Mời Trương
huynh! Mừng tái ngộ!
- Mời Dung Dung!
Mừng tái ngộ!
- Hiền Nhi là
em gái của Trương huynh à?
- Có thể nói
như vậy. Hiền Nhi là đứa em gái lớn nhất trong số hai mươi đứa trẻ mồ côi mà Hồng
Liệt mang về chăm sóc.
Dung Dung nhìn
Văn Hiến nở nụ cười thật đẹp:
- Đinh huynh
và Trương huynh là những con người với những tấm lòng vàng.
- Là Hồng Liệt
hảo tâm. Tôi chỉ giúp bọn trẻ học hành thôi. Tôi cứ ngỡ Dung Dung đã trở về Phúc
Kiến rồi chứ.
- Trương huynh
mong là như vậy phải không?
Chàng rót rượu
ra chung:
- Mời Dung Dung!
- Trương huynh
vẫn chưa trả lời.
Văn Hiến uống
cạn chung rượu rồi thở dài nói:
- Tôi quả có
mong như vậy.
Dung Dung nhìn
Văn Hiến bằng ánh mắt trìu mến pha lẫn trách móc:
- Trương huynh
thật không muốn gặp lại tôi ư?
Văn Hiến nhìn
xuống li rượu, tránh ánh mắt đó của nàng.
- Tôi chỉ muốn
giữ một kỷ niệm đẹp về Dung Dung.
- Kỷ niệm đẹp
sao bằng thực tại đẹp?
- Thực tại thường
rất phũ phàng. Trường hợp của chúng ta là như vậy.
- Trương huynh
nói rõ hơn được không?
Văn Hiến hít
vào một hơi dài rồi nhìn vào mắt Dung Dung chậm rãi nói:
- Toàn gia của
hai người bạn thân thiết với chúng tôi ở Quy Nhơn vừa bị thảm sát. Có đến gần bốn
mươi nhân mạng, già, trẻ, lớn bé, tất cả đều bị vùi chôn dưới đống tro tàn.
Dung Dung tròn
xoe mắt, kinh ngạc hỏi dồn:
- Thật ư? Vì
sao vậy? Ai đã nhẫn tâm giết họ một cách tàn nhẫn như thế? Chuyện xảy ra lúc nào?
Vụ thảm sát ấy có liên quan gì đến chúng ta?
Văn Hiến uống
cạn chung rượu, cố gắng đè nén mối thương tâm đang trào dâng trong lòng. Chàng chậm
rãi đáp:
- Tháng rồi.
Chưa biết chắc là ai, chỉ biết một trong các hung thủ đã sử dụng thanh Ỷ Thiên trường
kiếm.
- Ỷ Thiên trường
kiếm ư? Đó là thanh kiếm mà gia phụ vẫn giữ bên mình như bảo bối tùy thân. Nhưng
người ở đây với Dung Dung suốt mấy tháng qua mà? Trương huynh có nhầm lẫn gì không?
- Không thể nhầm
lẫn được vì Hồng Liệt đã từng chứng kiến cảnh giao đấu giữa người sử dụng thanh
Ỷ Thiên kiếm cùng với người bạn của tôi vào mùa hè năm trước.
- Người sử dụng
kiếm đó tên gì?
- Lãnh Diện Truy
Hồn. Người đứng đầu trong Dương Tử Tam Kiếm.
Dung Dung lắc
đầu nói:
- Chịu! Việc
làm của gia phụ, tôi biết được rất ít. Cả những bộ hạ chung quanh người cũng thế,
họ rất đông, tôi không biết hết được, chỉ nghe Âu Dương Long nói đa số bọn họ thuộc
hàng cao thủ hắc bạch đạo Trung Nguyên. Tôi sẽ hỏi lại xem sự thể thế nào. Mà Trương
huynh cho rằng gia phụ có liên quan đến hai vụ huyết án đó phải không?
Văn Hiến thở
hắt ra, buồn bã đáp:
- Theo suy luận
là như thế. Tôi chỉ hi vọng sự thật sẽ khác đi.
- Cảm ơn Trương
huynh. Đó là lý do Trương huynh không muốn gặp tôi? Trương huynh muốn tôi về Phúc
Kiến để khỏi vướng bận việc trả thù phải không?
Văn Hiến không
trả lời, chàng hỏi lại:
- Dung Dung có
biết trận so tài sắp tới giữa Kim Cương Môn và Thần Quyền Môn không?
- Có nghe Âu
Dương Long nói qua.
- Diệp Sanh Ký
đang muốn làm chủ toàn bộ khu Giản Phố này. Cục diện hôm nay cũng giống như năm
xưa vương gia đã thực hiện ở Phúc Kiến vậy, nhưng có lẽ còn hơn thế một bậc. Cuộc
so tài sắp tới chắc là sẽ có đổ máu. Dung Dung tốt nhất nên về Phúc Kiến trước hôm
đó. Một vị công chúa thanh khiết như Dung Dung không nên để vướng mắc vào những
cuộc tranh đấu đầy máu tanh thế này.
Dung Dung tỏ
vẻ cương quyết:
- Không! Tôi
muốn biết những gì xảy ra quanh tôi!
- Dung Dung càng
biết nhiều chỉ càng thêm khổ mà thôi.
- Nhưng sống
mà mù mịt không biết chuyện gì xảy ra quanh mình lại càng khổ hơn.
Văn Hiến im lặng.
Chàng rót rượu rồi tự uống một mình một lúc ba, bốn chung. Dung Dung nhìn chàng
đăm đăm, chợt nàng buông tiếng thở dài:
- Xin lỗi đã
làm cho Trương huynh khó xử nhưng tình hình này tôi lại càng không thể bỏ đi được.
- Vì sao?
Nàng không trả
lời, chỉ chậm rãi nâng chung rượu lên uống cạn rồi với tay lấy bình rượu trước mặt
Văn Hiến định rót tiếp. Văn Hiến đưa tay giữ bình rượu lại nhưng động tác của chàng
chậm hơn một chút nên bàn tay chàng đã chụp gọn bàn tay xinh xắn như ngọc của Dung
Dung. Chàng giật mình vội rút nhanh tay về, giọng lí nhí:
- Xin lỗi!
Sự va chạm chỉ
trong chớp mắt nhưng cả hai đều nhận ra cái cảm giác kỳ lạ chạy rần rần theo các
mạch máu về tim. Họ im lặng nhìn nhau. Dưới ánh trăng huyền ảo, bốn ánh mắt đã nói
cho nhau nghe tất cả những chân tình mà mình muốn dành cho người kia. Dù xua đuổi
hay cương quyết ở lại thì cũng đều vì một lý do duy nhất là họ thực sự lo lắng cho
nhau. Cả hai hiểu rất rõ tâm tình của nhau, nhưng càng hiểu rõ, lòng họ càng nặng
trĩu. Cuối cùng, Văn Hiến lên tiếng phá tan bầu không khí nặng nề đó.
- Con người dù
cố gắng đến đâu cũng không chạy thoát khỏi bàn tay của số mệnh. Thôi thì cứ thuận
theo tự nhiên rồi hậu quả ra sao cũng đành gánh chịu vậy.
- Không có cách
nào khác ư?
- Theo tôi biết
thì không!
Dung Dung suy
nghĩ một hồi, cuối cùng phải nhượng bộ:
- Thôi được,
tôi sẽ trở về Phúc Kiến, nhưng phải sau trận so tài sắp tới này.
Văn Hiến nhìn
nàng với ánh mắt biết ơn:
- Đa tạ Dung
Dung.
Vầng trăng đã
chếch bóng về tây. Hai chiếc thuyền lại cặp sát vào nhau ở ngã ba Sa Hà và Đồng
Nai. Văn Hiến rót hai chung rượu nói:
- Ngày Dung Dung
lên đường trở về Phúc Kiến tôi xin được rót chén tiễn đưa.
Dung Dung uống
xong chung rượu, giọng nàng nghe thật buồn:
- Bảo trọng!
- Bảo trọng!
Mọi người chia
tay trở lại thuyền của mình. Hiền Nhi nói lớn:
- Chào công chúa,
chúc công chúa ngủ ngon! Chào Hồng tỷ! Hôm nào chúng ta sẽ gặp lại chứ?
Thu Hồng vui
vẻ:
- Nhất định rồi!
Tôi sẽ đến tìm Hiền Nhi.
Hai chiếc thuyền
lại tách nhau trở về bến. Hiền Nhi nhìn theo nói với Văn Hiến:
- Công chúa thật
là xinh đẹp, chẳng khác gì tiên nữ giáng trần. Hiền Nhi chúc mừng anh hai.
Văn Hiến mỉm
cười buồn bã:
- Tiên nữ sẽ
trở về trời. Anh hai là người phàm nên phải mãi mãi ở lại phàm trần, có gì vui mà
em chúc mừng?
Nghe câu nói
đó Hiền Nhi chợt cảm thấy có một niềm vui nho nhỏ len lén chạy vào tim. Nhưng sau
đó nàng giật mình thầm trách bản thân: “Đồ xấu xa, ngươi học thói xấu này từ lúc
nào vậy?”. Nàng là cô gái chớm lớn, chưa hiểu tình trường, lại có một tâm hồn cao
thượng nên lương tâm mới có đôi chút cắn rứt vì niềm vui ích kỷ của mình. Sau những
cảm xúc bộc phát lộn xộn trong lòng, nàng lại mỉm cười tự nhủ: “Rõ vớ vẩn!”.
***
Cuối tháng tám,
ban ngày trời nóng bức nên chiều xuống thường có nhiều đám mây tụ ở vùng trời đông.
Khoảng đầu giờ tuất, bầu trời Giản Phố mây giăng đen kịt, khu phố cảng chìm trong
bóng đen dày đặc. Chẳng bao lâu sau, mưa bắt đầu nặng hạt rồi ào ạt lớn dần. Trong
màn đêm dày kịt cùng với tiếng mưa gió rào rào có hai bóng đen thân ảnh như hai
con dơi từ bên ngoài vượt bức tường cao bao bọc khu trang viện của Kim Cương Môn
rồi chia ra hai hướng lao vút lên mái nhà. Trang viện Kim Cương Môn rất rộng lớn,
chia làm nhiều gian. Ở cuối đại sảnh lớn có lẽ là võ đường nên tiếng người tập luyện
hò hét rất đông xen lẫn tiếng binh khí chạm nhau chan chát. Dưới một mái nhà ở phía
tây giáp khu vườn hoa có ánh sáng tỏa ra bên ngoài nên bóng đen thứ nhất vội phóng
người về phía đó rồi dùng thế Đảo quyển châu liêm móc ngược chân lên mái nhà, thòng
người xuống nhìn vào bên trong. Bóng đen ấy giật mình nghĩ thầm: “Là chỗ
ở của nàng ư?”. Bên trong gian phòng bày biện như một phòng đọc sách hết sức trang
nhã, có cửa sổ nhìn ra vườn hoa. Dung Dung đang ngồi đối diện với một người đàn
ông mặc vương phục nơi bàn sách. Người đàn ông đó không ai khác chính là Lý đại
vương Lý Văn Quang. Chợt nghe Dung Dung nức nở:
- Cha giàu có
đến mức độ này còn chưa đủ ư? Cha cần gì phải mở rộng thế lực chiếm trọn các thương
hiệu ở khu Giản Phố này nữa?
Lý đại vương
nói:
- Con là con
gái, con không hiểu hết những gì một người đàn ông muốn đâu. Cha đã bảo con trở
về Phúc Kiến sống an lành sung sướng mà con không chịu nghe, lại cứ muốn lưu lại
đây. Bây giờ con còn chất vấn cả cha nữa à?
Dung Dung nhìn
cha nàng bằng ánh mắt van lơn:
- Nhưng ham muốn
gì cũng phải có giới hạn chứ? Cha đã thống trị gần như cả thương cảng Hạ Môn, mọi
người đều xem cha như một ông vua, cha còn chưa vừa lòng ư?
- Con đừng quên
rằng con là con cháu của Sấm Vương. Sấm Vương Lý Tự Thành, con biết chưa? Cha muốn
nối chí tổ tiên để trở thành một ông vua có ngai vàng thật sự chứ không phải là
một ông vua không ngai thế này.
Dung Dung sửng sốt hỏi:
- Cha định chiếm cứ vùng Giản Phố làm của
riêng ư?
Lý Văn Quang im lặng không nói gì. Im lặng
tức là thừa nhận. Dung Dung lo sợ nói tiếp:
- Dân Đại Việt không phải là những người
cha có thể xem thường được đâu. Con khuyên cha hãy dẹp bỏ ý định đó đi.
Lý Văn Quang bật cười cao ngạo pha lẫn khinh
bỉ:
- Không thể xem thường! Ha ha... Con dựa
vào cái gì mà nói như thế?
- Con dựa vào lịch sử. Cha xem, cả một nước
Trung Hoa của người Hán ta bao nhiêu lần xâm lăng họ nhưng rồi cuối cùng thì sao?
Cũng đành phải thảm bại rút về. Cha có bao nhiêu nhân tài, vật lực mà lại nghĩ đến
chuyện chiếm lấy đất đai của họ làm của riêng?
Lý Văn Quang nghe Dung Dung lý luận ông cảm
thấy đuối lý nên nổi giận nạt lớn:
- Con im đi! Từ nay đừng nói chuyện này với
cha nữa. Thu xếp trở về Phúc Kiến ngay đi!
Dung Dung bị cha lớn tiếng nạt nộ nên nàng
bật khóc to:
- Con lo cho
sự an nguy của cha, cha lại la con. Cha quên cha đã hứa với mẹ con những gì hay
sao?