Những đứa con của nửa đêm - Phần II - Chương 15 - Phần 1
Chương
15: Ở quán café Pioneer
Không
có màu gì ngoại trừ màu xanh và đen tường màu xanh trời màu đen (không có mái
nhà) sao màu xanh mụ Góa phụ màu xanh nhưng tóc mụ thật đen. Mụ Góa phụ ngồi
trên một cái ghế cao thật cao cái ghế màu xanh mặt ghế màu đen tóc mụ rẽ ngôi
giữa bên trái thì xanh bên phải thì đen. Trời cao vòi vọi cái ghế thì xanh mặt
ghế thì đen cánh tay mụ Góa phụ dài như thần chết da tay màu xanh móng tay dài
và sắc và đen. Giữa bốn bức tường là lũ trẻ màu xanh tường màu xanh cánh tay mụ
Góa phụ vươn dài như rắn con rắn màu xanh lũ trẻ rú lên móng tay mụ thì đen
chúng cào cánh tay mụ Góa phụ đang lùa lũ trẻ chạy và rú lên bàn tay mụ Góa phụ
cuốn quanh chúng xanh và đen. Và giờ từng đứa một bị tiếng ú ớ bị bóp nghẹt tay
mụ Góa phụ nhấc lên từng đứa một lũ trẻ màu xanh máu chúng màu đen chảy ra dưới
những móng tay khía vào tung tóe màu đen lên tường (màu xanh) cứ từng đứa một
bàn tay cong cong nhấc lũ trẻ lên cao tít trên bầu trời đen kịt không có bóng
sao mụ Góa phụ cười lưỡi mụ màu xanh nhưng răng mụ đen. Và lũ trẻ bị xé thành
hai mảnh dưới hai bàn tay mụ Góa phụ chúng vo vo từng nửa đứa trẻ vo chúng
thành những quả bóng nhỏ bóng màu xanh đêm màu đen. Và từng quả bóng nhỏ bay
vào trời đêm giữa những bức tường lũ trẻ rú rít khi từng đứa một qua tay mụ Góa
phụ. Và trong một góc con Khỉ với tôi (tường màu xanh bóng tối màu đen) bò rúm
bò ró tường cao rộng xanh lẫn với đen không có mái nhà và bàn tay mụ Góa phụ
vươn ra từng đứa một bọn trẻ thét lên và ú ớ và những quả bóng và bàn tay la
thét và ú ớ và từng vũng đen bắn tung tóe. Giờ chỉ còn mụ và tôi không còn
tiếng thét bàn tay mụ Góa phụ vươn ra lùa bắt lùa bắt da mụ xanh móng tay mụ
đen xòe vào góc lùa bắt lùa bắt trong khi bọn tôi co rúm lại ở trong góc da bọn
tôi màu xanh nỗi sợ màu đen và giờ Bàn Tay vươn tới vươn tới và nó em gái tôi
đẩy tôi khỏi góc còn nó rúm ró ngó trân trân bàn tay móng tay cong cong la thét
và ú ớ và màu đen bắn tung tóe và cao tít lên trời và mụ Góa phụ cười vang xé
toang tôi đang vo thành những quả bóng bóng màu xanh và bay vào đêm đêm màu
đen...
Hôm
nay cơn sốt dứt. Suốt hai ngày (tôi nghe nói vậy) Padma ngồi thâu đêm bên tôi,
đắp khăn lạnh lên trán tôi, ôm tôi qua từng cơn co giật và giấc mơ về bàn tay
mụ Góa phụ; suốt hai ngày cô tự oán trách mình vì phương thuốc thảo dược vô
danh của cô. “Nhưng,” tôi trấn an cô, “lần này, không phải vì thế đâu.” Tôi
nhận ra cơn sốt này; nó xuất phát từ trong tôi chứ không phải đâu khác; giống
như một mùi hôi, nó bốc ra qua những kẽ nứt của tôi. Tôi lên cơn sốt đúng như
thế này vào ngày sinh nhật thứ mười, và nằm liệt giường hai ngày; giờ đây, khi
ký ức bắt đầu rỉ khỏi tôi, cơn sốt cũ này đã trở lại. “Đừng lo,” tôi nói, “tôi
nhiễm thứ vi khuẩn này từ gần hai mươi mốt năm trước.”
Ở
đây không chỉ có chúng tôi. Đang là buổi sáng tại nhà máy rau quả dầm; mọi
người đã đưa con trai tôi đến thăm tôi. Ai đó (là ai không quan trọng) đứng
cạnh Padma bên giường tôi, bế con tôi trên tay. “Baba, ơn Chúa là anh đã khỏe,
anh không hình dung nổi anh đã nói gì khi mê sảng đâu.” Ai đó lo lắng cất lời,
cố gắng chen chân vào câu chuyện của tôi trước thời điểm; nhưng không ăn
thua... ai đó, chủ nhân sáng lập nhà máy rau quả dầm này, cũng như công việc
phụ trợ của nó là đóng chai, người đã chăm sóc đứa con không ai hiểu được của
tôi, như đã từng... khoan đã! Chỉ một chút nữa là người này đã dụ được tôi nói
ra, nhưng may thay tôi hãy còn tỉnh táo, dù có sốt hay không! Ai đó sẽ phải lùi
lại và tiếp tục ẩn danh chờ đến lượt; và thế nghĩa là phải đợi đến phút chót.
Tôi đưa mắt từ người đó sang Padma. “Chớ có nghĩ,” tôi quở trách cô, “rằng vì
tôi sốt, mà những gì tôi kể không hoàn toàn chính xác. Mọi chuyện đã xảy ra
đúng như tôi miêu tả.”
“Trời
ơi, ông và những câu chuyện của ông,” cô kêu lên, “suốt ngày, suốt đêm – ông tự
làm mình đổ ốm! Nghỉ đi một tí, nào, có chết ai đâu?” Tôi mím môi lại đầy bướng
bỉnh; và giờ cô, đột nhiên đổi giọng: “Nào, nói em nghe: ông có thích món gì
không?”
“Chutney
xanh,” tôi đòi, “Xanh non – xanh như châu chấu.” Và một người tôi không thể
nhắc tên nhớ ra và bảo Padma, “Ta hiểu ý nó rồi.”
...
Tại sao, vào thời điểm quyết định này, khi đủ mọi thứ đang chờ để được tường
thuật – khi quán café Pioneer đã ở rất gần, rồi sự kình địch giữa đầu gối và
mũi nữa – tôi lại đưa một món gia vị vào cuộc đối thoại? (Tại sao tôi lại phí
thời gian, của câu chuyện này, vào một món rau quả dầm quê mùa, trong khi tôi
có thể miêu tả kỳ bầu cử năm 1957, khi cả Ấn Độ đang chờ đợi, hai mươi mốt năm
về trước, đã bỏ phiếu?). Bởi vì tôi đánh hơi; và nhận thấy, sau vẻ mặt lo âu
của những người đến thăm, một làn hơi sặc mùi nguy hiểm. Tôi quyết tâm tự vệ;
nhưng tôi cần sự trợ giúp của chutney…
Cho
đến bây giờ tôi vẫn chưa giới thiệu cho quý vị nhà máy lúc ban ngày. Đây là
những gì chưa được miêu tả: qua lớp cửa kính xanh nhạt, phòng tôi trông ra một
cầu treo bằng sắt rồi nhìn xuống tầng chế biến, nơi những vại đồng sôi lục bục,
nơi những phụ nữ tay khỏe đứng trên bậc gỗ, khuấy những cái muôi cán dài qua
làn hơi chua ngắt của dung dịch ngâm; trong khi (nhìn về phía kia, qua một ô
cửa xanh nhạt trông ra thế giới) đường ray tỏa ánh sáng đục dưới nắng sớm, nối
nhau cách quãng đều đặn ở trên là hàng cột tín hiệu rối bù của hệ thống điện
khí hóa. Vào ban ngày, nữ thần neon màu xanh-và-nghệ của chúng tôi không nhảy
múa bên trên cửa nhà máy; chúng tôi tắt nàng đi để tiết kiệm điện. Nhưng xe
điện vẫn đang tiêu thụ năng lượng: từng đoàn tàu nội hạt màu vàng-và-nâu xình
xịch chạy về phía Nam đến Ga Churchgate từ Dadar đến Borivli, từ Kurla và đường
Bassein. Hàng đàn ruồi người đậu dày thành từng lớp áo choàng quần trắng quanh
tàu; và tôi không phủ nhận rằng, bên trong nhà máy, quý vị cũng có thể thấy
ruồi. Nhưng để bù lại thì cũng có thạch sùng, nằm ngửa bất động trên trần nhà,
má của chúng gợi nhớ đến bán đảo Kathiawar... cả các âm thanh cũng đang chờ
được nghe thấy: tiếng vại rau quả dầm sôi sục, tiếng hò hát vang trời, tiếng
chửi rủa thô tục, những câu đùa tục tĩu của đám phụ nữ tay lông lá; tiếng nhắc
nhở thính mũi mỏng môi của đốc công; tiếng lanh canh lan khắp nơi của dây
chuyền đóng chai nằm kế bên; và tiếng tàu hỏa rầm rập, và tiếng vo ve (không
thường xuyên, song không tránh khỏi) của lũ ruồi... trong khi chutney màu xanh
châu chấu đang được chiết từ vại ra, được đem lên trên một cái đĩa vừa được lau
sạch, có những vạch màu nghệ và xanh ở viền, cùng với một đĩa bánh đầy tú hụ
bánh trái từ cửa hàng Iran gần đó; trong khi
những-gì-bây-giờ-đã-được-giới-thiệu diễn ra như thường lệ, và những gì
bây-giờ-có-thể-nghe-thấy tràn ngập trong không khí (chưa kể những thứ có thể
ngửi thấy), tôi, một mình trên giường, trong văn phòng, giật mình nhận ra rằng
việc đi dã ngoại đang được đề xuất. “... Khi anh khỏe hơn,” một người không thể
nhắc tên đang nói, “một ngày ở Elephanta, sao lại không, làm một chuyến xuồng
máy, trong động phù điêu đẹp tuyệt vời; hay là Bãi Juhu, đi bơi, uống nước dừa
và xem đua lạc đà; thậm chí Aarey Milk Colony nữa!...”[1] Và Padma,
“Không khí trong lành, phải rồi, và cậu bé sẽ thích đi cùng bố.” Và người nọ,
vỗ vỗ đầu con trai tôi: “Rồi, tất nhiên rồi, cả nhà ta sẽ đi. Đi Picnic; đi dã
ngoại. Baba, như vậy sẽ tốt cho anh...”
[1]
Đây là những địa danh du lịch nổi tiếng ở Bombay. Elephanta là một hòn đảo
ngoài khơi Bombay, có một hệ thống các hang động được điêu khắc công phu trong
giai đoạn từ thế kỷ 5 đến 8.
Khi
chutney vào, do người hầu bưng, tới phòng tôi, tôi vội vàng đặt dấu chấm hết
cho những đề xuất ấy. “Không,” tôi từ chối. “Tôi còn phải làm việc.” Và tôi
thấy ánh mắt trao đổi giữa Padma và người kia; và tôi hiểu mình đã nghi ngờ
đúng. Bởi vì tôi đã từng bị lừa đi dã ngoại một lần rồi! Đã một lần, những nụ
cười và gợi ý giả tạo về Aarey Milk Colony đã đánh lừa tôi ra khỏi nhà và leo
lên một chiếc xe; và rồi đột nhiên có những bàn tay tóm lấy tôi, có những hành
lang bệnh viện và bác sĩ và y tá giữ chặt tôi trong khi một chiếc mặt nạ ụp
thuốc tê xuống mũi tôi và một giọng nói vang lên, Đếm đi, đếm đến mười... Tôi
biết họ đang mưu tính gì. “Nghe này,” tôi nói, “tôi không cần bác sĩ.”
Và
Padma, “ Bác sĩ? Ai bảo cần b...” Nhưng cô chẳng lừa được ai hết; và tôi mỉm
cười nói, “Nào, cả nhà, ăn chutney đi. Tôi có vài chuyện quan trọng muốn kể cho
mọi người.”
Và
trong khi chutney – chính thứ chutney mà, hồi năm 1957, người Ayah Mary Pereira
của tôi đã làm thật tuyệt hảo; thứ chutney màu xanh châu chấu sẽ vĩnh viễn gắn
liền với những ngày tháng ấy – đem họ quay lại thế giới quá khứ của tôi, trong
khi chutney làm họ mềm môi và dễ tiếp nhận, tôi nói chuyện với họ, dịu dàng,
đầy thuyết phục, và nhờ vào một hỗn hợp của gia vị và thuật hùng biện, giữ mình
thoát khỏi bàn tay đám lang băm nguy hiểm. Tôi bảo: “Con trai tôi sẽ hiểu. Tôi
kể chuyện đời mình cho nó, cũng là cho mọi sinh linh khác, cốt để sau này, khi
tôi đã bại trong cuộc chiến với những vết nứt, nó sẽ biết. Đạo đức, nhận định,
tính cách... tất cả đều bắt đầu với ký ức... và tôi đang sao lưu.”
Chutney
xanh trên pakora cay, trôi xuống dạ dày ai đó; màu xanh châu chấu trên chapati
nhạt, biến mất sau đôi môi Padma. Tôi thấy họ yếu dần, bèn ép tới. “Tôi chỉ kể
sự thật,” tôi nói lại lần nữa. “Sự thật của ký ức, bởi vì ký ức có sự thật
riêng của nó. Nó lựa chọn, xóa bỏ, sửa đổi, phóng đại, giảm thiểu, tôn vinh, và
bôi nhọ nữa; nhưng cuối cũng nó tại ra hiện thực của riêng nó, một phiên bản đa
dạng nhưng thường khá nhất quán của các sự kiện; và không một người tỉnh táo
nào lại tin phiên bản của người khác hơn của chính mình.”
Phải:
tôi nói “tỉnh táo”. Tôi biết họ nghĩ gì: “Nhiều đứa trẻ chế ra bạn bè tưởng
tượng; nhưng một ngàn lẻ một đứa! Thế thì điên quá!” Những đứa trẻ nửa đêm đã
lay chuyển niềm tin của Padma đối với câu chuyện của tôi; nhưng tôi đã đưa cô
về nẻo chính, và giờ không ai nhắc đến chuyện dã ngoại nữa.
Tôi
đã thuyết phục họ ra sao: bằng cách nói về con trai tôi, người cần phải biết
câu chuyện của tôi; bằng cách giải thích quá trình vận động của ký ức; và bằng
các phương tiện khác, cái thành thật đến ngây thơ, cái ranh ma như chồn cáo.
“Ngay cả Muhammad,” tôi nói, “lúc đầu cũng cho rằng mình bị điên: hai người
tưởng ý nghĩ ấy chưa từng nảy ra trong óc tôi? Nhưng Đấng Tiên tri có Khadija,
có Abu-Bakr để bảo chứng cho ông về sự chân thực của Tiếng gọi; không ai phản
bội ông khiến ông vào tay lũ bác sĩ tâm thần.” Lúc này, chutney xanh đã lấp đầy
tâm trí họ những suy tưởng của nhiều năm về trước; tôi thấy khuôn mặt họ xuất
hiện vẻ tội lỗi, và hổ thẹn. “Sự thật là gì?” Tôi hỏi tu từ, “Thế nào là tỉnh
trí? Liệu Jesus có sống dậy từ dưới mồ? Người Hindu có không thừa nhận – Padma
– thế giới là một thứ giấc mơ; rằng Brahma đã mơ, và đang mơ thành vũ trụ; rằng
chúng ta chỉ thấy lờ mờ qua lưới-mộng, nghĩa là Maya. Maya,” tôi lấy giọng
giảng giải, cao đạo, “có thể được định nghĩa là tất cả những gì hư ảo; là lừa
gạt, giả tạo và trá ngụy. Quỷ hồn, u linh, ảo tượng, xảo thuật, hình thái bề
ngoài của sự vật: tất cả đều là thành phần của Maya. Nếu tôi nói có những
chuyện xảy ra, những chuyện mà mọi người, lạc lối trong giấc mơ của Brahma,
thấy khó tin, thì trong chúng ta ai đúng ai sai? Ăn chutney nữa đi,” tôi duyên
dáng thêm, và tự mình lấy thêm kha khá. “Rất là ngon đấy.”
Padma
bắt đầu khóc. “Em chưa bao giờ nói rằng em không tin,” cô sùi sụt. “Dĩ nhiên,
ai cũng có cách kể chuyện của riêng mình; nhưng...”
“Nhưng,”
tôi cắt ngang đầy quả quyết, “cô cũng muốn - phải không – biết điều gì sẽ xảy
ra? Về những bàn tay nhảy múa mà không chạm, và đầu gối? Và sau đó, cây ba
toong kỳ lạ của Trung tá Sabarmati, và dĩ nhiên về mụ Góa phụ? Và lũ trẻ -
chúng sẽ ra sao?”
Và
Padma gật đầu. Phát mệt với bác sĩ với viện tâm thần; mọi người đã để yên cho
tôi viết (một mình, trừ có Padma dưới chân tôi). Chutney và tài hùng biện, thần
học và sự tò mò: đây là những thứ đã giải cứu tôi. Còn một thứ nữa – gọi nó là
giáo dục, hay đẳng cấp xuất thân; Mary Pereira hẳn sẽ bảo đó là nết “con nhà
nòi”. Bằng cách phô trương học vấn và bằng sự thuần khiết trong khẩu ấm, tôi
làm họ hổ thẹn tới chỗ cảm thấy không đủ tư cách phán xét tôi; một hành động
không đàng hoàng cho lắm, nhưng khi xe cấp cứu đang phục sau góc phố, thì cách
nào cũng hợp lệ. (Nó ở đấy thật: tôi ngửi thấy.) Gì thì gì, tôi đã có một lời
cảnh báo quý giá. Cố gắng áp đặt cách nhìn sự vật của mình lên người khác là
một điều nguy hiểm.
Padma:
nếu cô có chút nghi ngờ độ khả tín của tôi, ờ, nghi ngờ đôi chút không có gì
sai. Đàn ông ngạo mạn thường mắc những sai lầm ghê gớm. Đàn bà cũng vậy.
Trong
khi đó, tôi mười tuổi, và đang tìm cách trốn vào cốp xe của mẹ tôi.
Đó
chính là tháng khi Purushottam vị sadhu (người tôi chưa hề thổ lộ về cuộc sống
bên trong của tôi) cuối cùng đã tuyệt vọng về sự tồn tại bất động của mình, và
mắc chứng nấc trí mạng đã hành hạ ông cả một năm, thường xuyên giật người ông
lên khỏi mặt đất mấy tấc làm cái đầu nước xói trọc lốc của ông đập một cách
đáng ngại vào cái vòi nước, và cuối cùng giết chết ông, khiến một tối nọ vào
giờ cocktail, ông gục sang một bên khi chân vẫn xếp bằng tròn, bỏ lại đám mụn
cóc của mẹ tôi vô phương cứu chữa; khi tôi thường đứng ngoài vườn của Biệt thự
Buckingham về tối, ngắm từng vệ tinh Sputnik bay ngang trời, và cảm thấy vừa
hoan hỉ vừa cô đơn như Laika bé bỏng, con chó đầu tiên và vẫn là duy nhất được
phóng vào vũ trụ (nữ nam tước Simki von der Heiden, sắp mắc chứng giang mai,
đứng cạnh tôi, dõi theo đốm sáng của Sputnik II bằng đôi mắt Alasce – đó là một
thời kỳ loài chó đặc biệt quan tâm tới cuộc đua vào không gian; khi Evie Burns
và băng của nàng chiếm cứ tháp đồng hồ của tôi, còn tủ giặt đã bị cấm và trở
nên quá nhỏ, thế nên để đảm bảo bí mật và tỉnh táo, tôi buộc phải giới hạn việc
viếng thăm bọn trẻ nửa đêm vào thời điểm riêng tư, lặng lẽ của riêng chúng tôi
– tôi giao tiếp với chúng mỗi nửa đêm và chỉ vào nửa đêm, múi giờ dành riêng
cho những điều kỳ diệu, và vì lý do nào đấy nằm ngoài thời gian; và khi – để đi
vào vấn đề - tôi đã quyết tâm chứng minh, bằng cách tai nghe mắt thấy, điều
khủng khiếp tôi thoáng thấy khi ngồi đằng trước trong tâm trí mẹ tôi. Kể từ khi
tôi trốn trong tủ giặt và nghe được hai âm tiết tai tiếng này, tôi đã nghi ngờ
người mẹ đầy bí mật của mình; những lần đột nhập dòng suy nghĩ của bà đã khẳng
định những nghi ngờ ấy; vậy là với một ánh mắt kiêng định, và một quyết tâm sắt
đá, tôi viếng thăm Sonny Ibrahim vào một buổi chiều sau giờ học, với một ý định
cầu viện sự giúp đỡ của nó.
Tôi
tìm thấy Sonny trong phòng nó, tứ bề treo đầy poster võ sĩ đấu bò Tây Ban Nha,
đương rầu rĩ chơi Cricket Trong Nhà một mình. Thấy tôi, nó buồn bã thốt lên, “Ê
mày tao rất xin lỗi về vụ Evie con nhỏ không chịu nghe ai cả mà rốt cuộc mày
làm cái quái gì nó thể hở?”... Nhưng tôi oai vệ giơ một tay lên, ra lệnh và
nhận được sự im lặng.
“Bây
giờ không phải lúc,” tôi nói. “Vấn đề là, tao cần biết cách mở khóa không cần
chìa.”
Một
sự thật về Sonny Ibrahim: bất chấp mọi giấc mơ võ sĩ đấu bò, thiên tài của nó
nằm ở vương quốc của đồ cơ khí. Lâu nay, nó đảm nhiệm việc bảo dưỡng tất cả xe
đạp ở Điền trang Methwold đổi lấy truyện tranh và nguồn cung cấp nước ngọt có
ga miễn phí. Ngay cả Evelyn Lilith Burns cũng gửi gắm chiếc Indiabike yêu quý
cho nó chăm sóc. Dường như mọi thứ máy móc đều bị chinh phục bởi niềm hoan hỉ
hồn nhiên của nó khi nâng niu mỗi bộ phận chuyển động của chúng; không thiết bị
nào cưỡng nổi sự săn sóc của nó. Nói cách khác: Sonny Ibrahim đã trở thành
(thuần túy bắt nguồn từ khát khao khám phá) một tay mở khóa thiện nghệ.
Giờ
đây khi có cơ hội chứng tỏ lòng trung thành với tôi, mắt nó sang lên. “Mày cứ
để đấy tao! Dẫn tao đến đó!”
Khi
chắc chắn không bị ai chú ý, bọn tôi bò dọc lối đi giữa Biệt thự Buckingham và
Sans Souci của nhà Sonny; bọn tôi đứng sau chiếc Rover cũ của nhà tôi; và tôi
trỏ cái cốp xe. “Đây này,” tôi bảo, “tao cần mở được từ bên ngoài, và cả bên
trong nữa.”
Mắt
Sonny mở to. “Ê, mày đang mưu tính gì thế? Định bí mật bỏ nhà ra đi hả?”
Để
ngón tay lên môi, tôi làm bộ bí hiểm. “Không nói được, Sonny,” tôi nghiêm trang
đáp, “thông tin tuyệt đối bí mật.”
“Trời
ơi,” Sonny nói, và trong ba mươi giây nó chỉ cho tôi cách mở cốp xe bằng một
mẩu nhựa mảnh màu hồng. “Mày giữ lấy,” Sonny Ibrahim bảo, “Mày cần nó hơn tao.”