Ván Cờ Người - Phần V - Chương 2 - Phần 1
II. MỘT CON RỒNG
1
Tiểu Mãn thuê được nhà xưởng, suýt nữa anh không làm. Mùa
đông ấm áp khiến cho nhiều xưởng may gia công áo lông vũ bị hẫng, kiếm không ra
tiền chỉ còn nước đóng cửa. Các ông chủ xưởng may nhỏ không nói đóng cửa mà nói
sang năm làm nghề khác.
Trong tình hình đó, Tiểu Mãn mở xưởng chẳng khác nào nhảy
vào lửa, anh bàn với Vân Tài có mạo hiểm một phen hay không. Vân Tài bảo cứ
đánh cược, nếu không phải là mùa đông ấm áp mở xưởng may chắc chắn kiếm được,
cũng không phải năm nào mùa đông cũng ấm. “Người khác không làm, chúng ta làm,
cơ hội càng nhiều, coi như đi trên vai người khác”. Đó là lý do để Vân Tài kiên
trì.
Tiểu Mãn cắn răng, bảo theo ý vợ, cùng lắm lỗ vốn sẽ đi làm
công cho người khác.
Quyết định như vậy không phải không có ý kiến của Tiểu Mãn,
mà là nếm thử vị đắng. Mẹ Tiểu Mãn lấy tiền từ con gái con rể về, không mở xưởng
may, liệu có trả lại tiền cho họ không? Khó lòng lắm mới kêu gọi được họ giúp đỡ,
sợ không còn lần thứ hai. Nói thẳng ra là mở xưởng may, nếu dùng khoản tiền này
làm việc khác là không thích hợp. Đối với Tiểu Mãn, lập công ty là làm liều,
mũi tên bắn đi rồi không thể quay lại.
Lưu Giai Kì, Giám đốc công ty thời trang Hồng Vận là bạn của
Tiểu Mãn, anh ta bảo đừng vội mua thiết bị, để ra giêng hãy tính. Sang tháng
ba, tháng tư sang năm những ông chủ đóng cửa xưởng may sẽ bán thiết bị, máy
khâu còn tám mươi phần trăm, máy vắt sổ, máy thùa khuyết chỉ cần một phần ba
giá tiền là có thể mua được.
Lô hàng đầu tiên của Công ty thời trang Bạn Bè của Tiểu Mãn
là của công ty Hồng Vận chuyển cho, đơn hàng ba nghìn chiếc áo xuất khẩu, rất
may có chị họ của Vân Tài là Tố Trân nắm khâu chất lượng, quản lý công nhân, Tiểu
Mãn vất vả giao hàng đúng thời hạn. Anh nhẩm tính lãi không nhiều. Giai Kì nói
làm như thế là được rồi, coi như mở hàng gặp may. Anh ta nói trước, chỉ giúp một
lần, lần sau sẽ do Tiểu Mãn tự đi tìm nguồn hàng.
Kiếm gạo đổ vào nồi là chuyện đau đầu. Gạo của Tiểu Mãn ở những
công ty thời trang lớn, trong tay các công ty ngoại thương. Họ chỉ để hở kẽ
răng vậy là Tiểu Mãn đủ no. Tiểu Mãn vừa vào nghề, không có liên hệ nghề nghiệp
với họ, bản thân cũng không có kĩ thuật viên giỏi. Tố Trân giới thiệu một kĩ
thuật viên vốn là trưởng phòng nghiệp vụ của xưởng thời trang thành phố Tứ
Phương, lương hàng năm hai trăm nghìn, thuê kĩ thuật viên vừa vừa cũng phải bảy
tám chục nghìn, kĩ thuật viên đã từng làm ở các xưởng, muốn đưa về cũng phải trả
lương gấp bội. Tiểu Mãn nói mỗi năm kiếm được bảy tám chục nghìn là ơn trời lắm
rồi, không dám bỏ khoản tiền ấy để thuê kĩ thuật viên.
Vân Tài nảy ra ý định mượn gà đẻ trứng, chị nghe nói nhân
viên nghiệp vụ giấu các ông chủ tuồn đơn hàng ra ngoài, tìm được những người
này có thể mất chút ít tiền để có đơn hàng. Giai Kì không đồng ý cách làm đó,
anh nói làm chuyện khoét ngạch đào tường không bền, lại còn làm hư hỏng thanh
danh.
Tiểu Mãn thuê năm chục công nhân, lương mười nghìn, mười hai
nghìn mỗi năm, những công nhân này mỗi tháng được tạm ứng năm trăm đồng, chậm một
ngày bị kêu ca, chậm hai ngày họ nghĩ đến chuyện bỏ đi nơi khác, chậm ba ngày
những người này không chịu ở lại. Trong phân xưởng không có tiếng máy, Tiểu Mãn
như kiến ngồi trên chảo nóng, đến kì phát lương cuối năm mỗi ngày có cảm giác
dài như một năm, anh không có nhiều vốn lưu động, tiền gom góp ban đầu nay cũng
đã dùng gần hết.
Giai Kì chi viện cho Tiểu Mãn, bảo Vân Tài đến bãi đỗ xe của
Cát Hồng kiếm đơn hàng. Trong phòng chơi bài của bãi đỗ xe tụ tập các ông chủ lớn
nhỏ của Trung tâm thời trang, họ chơi mạt chược, trao đổi tin tức với nhau.
Vân Tài đến đấy phục vụ trà nước cho các ông chủ, kết giao với
nhiều người cùng nghề, Hữu Ngư là người Vân Tài làm quen rồi kéo anh ta đến trước
mặt Tiểu Mãn. Tiểu Mãn kiếm được ở anh ta hai đơn hàng nhỏ, tuy không kiếm lời
nhưng trong phân xưởng có tiếng máy chạy, công nhân có việc làm.
Tiểu Mãn muốn kiếm những đơn hàng lớn ở Hữu Ngư, Hữu Ngư đòi
anh nộp năm chục nghìn tiền bảo lãnh. Tiểu Mãn đang có khó khăn, Hữu Ngư khuyên
anh nên đi vay nặng lãi, vậy là có chuyện Tiểu Mãn vay tiền Hồ Bằng. Anh không
nói với Vân Tài mình vay tiền Hồ Bằng, anh cảm thấy xấu hổ, đến hạn phải tìm mọi
cách để có tiền trả cho Hồ Bằng.
Vân Tài như người đi làm, hàng ngày đến phòng chơi bài của
bãi đỗ xe, làm “cái bóng” xem người khác chơi mạt chược, bản thân cũng ngứa
tay. Người chơi bài có người đứng lên nghe điện thoại, vào nhà vệ sinh, Vân Tài
ngồi vào thế chỗ, không ngờ chơi giúp thấy phấn khởi. Có người phát hiện Vân
Tài chơi mạt chược rất giỏi, những lúc anh ta bận đều nhờ chị chơi thế chỗ. Tục
ngữ có câu: vận may đến dễ như đổi tay, Vân Tài không bị sức ép được hay thua
cho nên chị đánh rất xuất thần. Có lần chị ta thắng giúp người khác những hai
chục nghìn. Tất nhiên chị cũng có phần, được chia tiền.
Hồi Vân Tài yêu Tiểu Mãn, chị bảo không chơi mạt chược nữa,
lúc này chị chơi thay người khác, bất giác câu nói hồi xưa không còn. Lâu dần,
chị quên hẳn câu nói của mình.
Hôm phát lương tháng sáu, Tiểu Mãn nói anh không thể tìm ra
cách nào, bảo Vân Tài về vay nóng người nhà hoặc bạn bè ba chục nghìn đồng. Vân
Tài chỉ vay được hai chục nghìn, bỗng quyết tâm đưa số tiền đến bãi đỗ xe chơi
mạt chược. Rất may chị thắng hơn một chục nghìn, không những gom đủ tiền trả
lương cho công nhân, trong tay còn có một khoản hơn hai nghìn.
Tiểu Mãn phụ trách tài vụ của công ty, tiền ít khi đến tay
Vân Tài. Vân Tài từ sau ngày thắng bài, ngày nào cũng mong có tiền chơi vài
ván, chị cảm thấy kĩ năng chơi bài là điều khỏi phải nói, gần đây vận may đến,
chỉ cần ngồi vào chơi thể nào cũng thắng to. Những xưởng may nhỏ trong Trung
tâm thời trang ít có người quản lý giỏi, các ông chủ thích xài tiền mặt, trông
thấy tiền là sáng mắt, cảm thấy đấy mới là làm ăn. Tất nhiên, giao lưu tiền mặt
rất dễ trốn thuế. Tiểu Mãn nhận được một khoản tiền gia công, khoản tiền này
không phải qua ngân hàng và được tiêu hết ngay, anh bảo Vân Tài đưa hai chục
nghìn đến ban quản lý Trung tâm thời trang nộp tiền điện.
Vân Tài cầm số tiền ấy không đi trả tiền điện mà đến chỗ
chơi mạt chược, hôm ấy chị rất xui, hai chục nghìn thua sạch.
Hai hôm sau xưởng may bị cắt điện, Tiểu Mãn tìm nguyên nhân
mới biết chưa thanh toán tiền điện. Anh vội tìm Vân Tài, gọi di động không sao
gọi nổi.
Vân Tài không nhận điện chứng tỏ tình hình rất không hay, chị
như lửa đốt đít chạy đi vay tiền để lấp lỗ hổng, nhưng không vay nổi. Buổi tối
Tiểu Mãn về, chị đành nói thẳng với anh tiền chơi mạt chược bị thua sạch.
Tiểu Mãn giật mình hỏi chị: “Em đã thề không bao giờ chơi mạt
chược rồi cơ mà? Tại sao nói lời không giữ lời? Chết một nỗi lại thua nhiều như
thế!”.
Tiểu Mãn tức giận không còn cách nào, anh phải đi trình báo
công an. Vân Tài lôi áo anh cầu xin, chị bảo làm như thế từ nay về sau không
còn dám nhìn mặt ai trong Trung tâm thời trang này nữa. Chị đưa bàn tay quấn
băng giấu sau lưng cho anh thấy, nói chị đã hối hận, bóc hết móng tay của mình.
Tiểu Mãn sợ hãi cầm bàn tay Vân Tài, tưởng như sắp nhảy lên.
Vân Tài bảo vẫn chưa bóc hẳn, móng tay vẫn dính ở đấy. Tiểu Mãn lần lượt mở
băng tay của Vân Tài thấy đầu ngón tay của chị chỉ bị cứa chút ít. Anh lặng lẽ
chạy vào bếp, lấy dao ra, giữ tay chị: “Anh sẽ giúp em”.
Tiểu Mãn miệng nói, tay giơ cao con dao. Không ngờ Vân Tài
không xin tha, lạnh lùng nói: “Anh chém đi!”.
Tiểu Mãn ném con dao lên mặt bàn, ngồi xuống đất, ôm mặt,
không biết phải làm thế nào. Hôm sau, Vân Tài rất quyết tâm, nói: “Em còn chơi
mạt chược nữa nhất định sẽ lao đầu vào xe”.
Tiểu Mãn nói: “Làm như vậy anh chỉ còn đường chết”.
Tiểu Mãn cảm thấy nguồn gốc tai họa ở bãi đỗ xe, anh tìm Cát
Hồng nói mấy câu bực tức giận dữ, không trông mong gì ở chị, nhưng không ngờ
Cát Hồng đóng cửa phòng chơi bài.
2
Hơn một giờ chiều, Vân Tài trông thấy mẹ Hồ Bằng đi ngoài phố,
bà cầm cốc trà nóng, đi chơi mạt chược. Vân Tài thoáng xúc động, bốn giờ thằng
Hâm tan học, nó học lớp sáu, tan học đúng giờ, nhân lúc bà mẹ Hồ Bằng chơi mạt
chược, chị tranh thủ về thăm nhà cũ, thăm căn phòng của con, xem nó có bừa bãi
như ổ chó trước đây không. Chị rất muốn thu xếp gọn gàng cho con, muốn làm một
vài việc cụ thể.
Từ sau ngày thằng Hâm không ở với chị, cơ hội ấy đối với chị
không còn. Mỗi lần nhớ con, chị đành đến cửa trường học chờ rồi đưa nó đi ăn
KFC, đi siêu thị, hoặc đến những nơi nó thích đến. Những lúc đến với con Vân
Tài bất giác muốn biết tình hình của Hồ Bằng. Thằng nhỏ rất quái, nó đòi bán
chuyện. Lần trước nó ra giá hai trăm đồng, nó bảo nó biết nhiều chuyện quan
trong về bố, Vân Tài không dám cho nó nhiều tiền, sợ nó làm chuyện bậy bạ, chỉ
cho nó năm chục. Không đạt yêu cầu thằng nhỏ nhất quyết không nói ra chuyện
quan trọng về bố.
Nó lớn lên trong cái gia đình như thế nhất định tâm lý cũng
không lành mạnh, đó là tâm thái của những đứa trẻ có bố mẹ li dị. Cả hai cùng cảm
thấy nợ con, muốn tốt với con, cuối cùng dẫn đến kết quả ngược lại. Vân Tài biết
điều ấy, nhưng không biết phải làm thế nào. Thật tình Tiểu Mãn muốn đón thằng
Hâm về để nó sống chung, nhưng vì phải lập xưởng may nên phải hoãn lại. Vì chuyện
này mà Tiểu Mãn luôn cảm thấy có lỗi, Vân Tài tự đáy lòng rất cảm kích, cảm thấy
anh là người đàn ông rộng lượng, chị định mai kia xưởng may hoạt động ổn định,
có điều kiện sẽ đón con về.
Bốn giờ rưỡi, Vân Tài về chỗ ở cũ, thấy cửa khép hờ. Chị
nghĩ thằng Hâm đã tan học về nhà, chị gọi “Hâm” rồi đẩy cửa bước vào. Không ngờ
lại là Hồ Bằng, anh ngạc nhiên thấy Vân Tài.
Vân Tài lùi lại, đứng bên cửa, hỏi Hồ Bằng: “Tổ tông của anh
có nhà không?”. Chị hỏi tổ tông tức là mẹ Hồ Bằng, Hồ Bằng lắc đầu. Chị bảo muốn
vào thăm phòng riêng của thằng Hâm. Hồ Bằng ngập ngừng giây lát rồi nói: “Được
thôi! Cô còn có chút lòng tốt”. Vân Tài đang định nói gì đó thì Hồ Bằng đã lôi
chị vào nhà.
Vân Tài giật khỏi tay anh, chỉnh lại áo quần, cảnh cáo: “Anh
không được động đến người tôi, tôi cũng có chân đi”. Chị vào phòng thằng con,
quả nhiên căn phòng bừa bãi, lộn xộn. Chị cũng không phải là con người gọn
gàng, nhưng thế này thật không thuận mắt, chị bảo Hồ Bằng lấy tấm khăn trải giường
khác thay tấm khăn trải giường bẩn. Chị sắp xếp lại, để gọn bút mực, xếp sách vở
thật ngăn nắp. Hồ Bằng đứng tựa cửa nhìn, thấy chị làm đã gần xong, anh nói một
câu chọc tức: “Được người ta huấn luyện, làm cũng nhanh gọn đấy nhỉ”.
Vân Tài nhìn quanh, thấy có rất nhiều áo quần của Hồ Bằng
thay ra chưa giặt, chị như phát hiện vùng đất mới, hỏi Hồ Bằng có phải anh đã về
ở đây? Thấy anh không trả lời, chị nói: “Cái chị gái già của anh quấy rầy anh
à? Ha ha…”
Hồ Bằng nói: “Cô bận tâm làm gì? Tôi ở đâu mặc tôi”.
Vân Tài “hừm” một tiếng tỏ ra bất cần. Hai người bắt đầu đấu
khẩu, anh một câu chị một câu chĩa vào nhau.
Hồ Bằng nghiêm giọng: “Cô chơi mạt chược ít thôi, hãy giúp
anh Mãn làm tốt công việc ở xưởng may, đừng nghĩ muốn phát tài phải nghèo khổ
ba năm”.
Vân Tài bỏ những thứ cầm trên tay xuống, giận dữ nói: “Tôi
chơi mạt chược mặc tôi, tôi nghèo mặc tôi, không liên quan gì đến anh, tôi sống
theo cách của tôi. Tôi sẽ có trách nhiệm đối với tương lai thằng Hâm, tôi không
khoác lác với nó, đối với nó thế nào…”
Hồ Bằng ngắt lời Vân Tài: “Phải rồi, cô không có trách nhiệm
gì đối với con, tôi là người giám hộ, tôi nuôi dưỡng nó, điều này thì trong bản
thỏa thuận li hôn đã ghi rõ, con không có quan hệ gì với cô, đề nghị cô từ nay
về sau không đến đây nữa”.
Vân Tài cuống lên, chị biết Hồ Bằng nói được và làm được, chị
không thể không đến thăm con. Khẩu khí của chị mềm hẳn lại, nói dù Hồ Bằng đối
với chị thế nào thì chị vẫn tốt với thằng con, nó cũng là con của chị, chị nuôi
nấng nó, chị là mẹ của nó.
Hồ Bằng được thể trách Vân Tài, anh nói chính chị đề xuất li
hôn, bỏ cả chồng con, không có trách nhiệm với con. Vân Tài không dám chọc giận
anh, chỉ im lặng nghe anh nói. Lúc anh không muốn nói gì nữa thì chị mới nhẹ
nhàng như cầu xin: “Chúng ta đừng lớn tiếng cãi cọ nữa có được không, phải cùng
nhau suy tính cho tương lai nó”.
Giọng Hồ Bằng cũng dịu lại: “Nói như vậy còn được. Tôi nói
cô là bởi cô vẫn đánh mạt chược, gia đình chúng ta tan nát vì mạt chược, cô đừng
nên đánh nữa”. Anh chỉ vào bàn tay Vân Tài đang băng bó tưởng như biết chuyện của
chị.
Vân Tài tỏ ra xấu hổ, nói từ nay về sau sẽ không chơi mạt
chược nữa, chị còn xin lỗi vì trước khi li hôn đã hiểu nhầm anh.
Trong trí nhớ của Hồ Bằng, Vân Tài chưa bao giờ có thái độ
như thế đối với sai lầm của mình, trước đây chị biết mình sai nhưng không bao
giờ tỏ ý hối hận, dù có thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chị cũng không có tác
dụng. Anh cho rằng Vân Tài đã biết hối hận, biết trước đây mình chơi mạt chược
là sai, li hôn với anh là việc làm vội vã.
Thật ra không phải thế.
Có những người ngoảnh lại nhìn việc mình làm, nghĩ rằng mình
tỉnh táo, thật ra vẫn chưa nhận rõ. Vân Tài tuyệt đối không chỉ vì chuyện Hồ Bằng
đi báo công an chị chơi mạt chược mà li hôn. Vì có sự hiểu nhầm ấy, sau khi li
hôn chị vô cùng ân hận, cảm thấy mình vội vã, nhưng sau khi Hồ Bằng lấy Oánh
Oánh thì chị cũng bình tĩnh lại. Chỉ sau khi lấy Tiểu Mãn một con người đức độ,
yêu chị, chăm sóc chị, khiến chị hiểu ra mình li hôn với Hồ Bằng là đúng. Chị
thấy thực chất sự việc. Thái độ của chị lúc bấy giờ không phục Hồ Bằng, mà là
vì thằng con. Vì chị xúc động và cần phải bảo vệ đối với sự việc làm chị mềm
lòng nhất.
Hồ Bằng ôm chị, chị để yên. Chị ý thức được nếu Hồ Bằng tiến
thêm một bước nữa chị sẽ đẩy anh ra.
Vân Tài thoáng chút rung động. Chị nói với Hồ Bằng chị xem
thường chuyện đó, mong anh đừng làm chuyện lộn xộn, phải là con người biết suy
nghĩ, biết kiếm tiền, để con được học hành, như vậy mới là người đàn ông.
Chị nói chị cũng đã tỉnh ngộ, cảm thấy mình ngu dốt đần độn.
Bất kể Hồ Bằng có tin hay không, chị sẽ không chơi mạt chược nữa.
Nghe trong nhà có tiếng nói, Vân Tài nghĩ thằng Hâm đã về,
chị ngó vào thì thấy mẹ Hồ Bằng, chị sợ, không nói gì nữa, bỏ đi.
Mẹ Hồ Bằng nghi ngờ nhìn theo bóng chị, chị chưa ra khỏi cửa
bà đã nói với Hồ Bằng: “Anh nhớ điều này nhé, ngựa tốt không quay lại ăn cỏ thừa”.
Hồ Bằng bực mình, nhìn mẹ, anh bực mình nói mẹ đừng để ý đến
những việc đó.
3
Ông Mâu lên làm Chủ tịch công đoàn Sở Tài nguyên, ông không
ngờ mình được vào vị trí ấy.
Không ngoài suy đoán của Oánh Oánh, ông phó phòng mới điều về
được lên chức chánh văn phòng, Hồ Bằng vẫn giẫm chân tại chỗ, vẫn chưa được vào
hạng thư kí hành chính trung cấp, các phòng ban khác trong sở rất nhiều người
được đề bạt, mỗi năm hai ba lần thông báo. Mỗi lần Hồ Bằng đi qua bảng thông
báo đều làm ngơ, không nhìn. Anh định vị lại cho mình, không muốn làm gì sất.
Trong một đơn vị hành chính nếu ai không vươn lên sẽ chìm xuống,
sẽ không còn ai để ý đến anh, bỏ mặc anh. Nếu người ấy làm việc được, trở thành
gai nhọn, dù có nổi lên thì cũng không ai dám đụng đến. Anh ta không chỉ sống với
mình mà còn chiếm phần hơn cho mình. Lý lẽ thật đơn giản, người cầu tiến là sứ
Cảnh Đức, người không cầu tiến là gạch vỡ, không ai đụng đến.
Hồ Bằng làm viên gạch vỡ, nhưng anh bọc mình trong tờ giấy
bóng kính đẹp đẽ. Anh làm hai việc ác độc nhẹ nhàng.
Việc thứ nhất, Hồ Bằng biết Sở tổ chức chiêu đãi một số người
từ tỉnh về tại một khách sạn sang. Trước lúc tan tiệc anh vội đến bên quầy
thanh toán kí hóa đơn giúp ông chánh văn phòng, hai bàn tiệc mất mười tám
nghìn. Mấy hôm sau anh viết một bài đăng trên “Bản tin kiểm tra - kỉ luật”, phản
ánh Sở Tài nguyên tăng cường công tác cần kiệm liêm chính, nghiêm cấm nhậu nhẹt
chè chén, giảm bớt chi phí văn phòng. Ông Thai, Giám đốc sở liên hệ sự việc, tất
nhiên biết Hồ Bằng định nói gì rồi. Ông chỉ còn biết tìm chánh văn phòng yêu cầu
tăng cường quản lý giám sát, không để con dấu của sở đóng lung tung lên bản tin
Việc thứ hai là, không biết bằng cách nào Hồ Bằng quen thân
với ông chủ cửa hàng ngay trước cửa nhà ông Giám đốc sở, cứ ba ngày hai lần đến
đánh cờ với ông chủ cửa hàng, người nhà ông Giám đốc sở ra vào anh đều để ý. Một
hôm, người của đơn vị dùng đất đến hỏi thăm nhà ông Giám đốc sở, Hồ Bằng dẫn
anh ta đến tận nơi.
Ông Giám đốc tìm Hồ Bằng để nói chuyện, không nói gì khác, bảo
anh suốt ngày chơi cờ không chịu phấn đấu vươn lên. Hồ Bằng nói, ở trong sở
không còn vươn lên được nữa, ông là Giám đốc sở không chịu đề bạt tôi. Chuyện
này không thể một mình ông nói là được. Hồ Bằng bảo, anh rất cố gắng, nhưng vì
thi luật, nên không có thì giờ phấn đấu. Ông Giám đốc nói, chuyện này thì ông ủng
hộ, trong sở đúng là còn thiếu người làm công tác luật pháp, nếu Hồ Bằng thi được
bằng luật sư, sẽ điều anh lên phòng pháp chế của sở. Ông suy tính chu đáo cho Hồ
Bằng, trước hết phải làm việc với ông Mâu, thủ trưởng cũ, nay là Chủ tịch công
đoàn, để so sánh, công tác công đoàn có phần nhàn rỗi, tiện cho việc học tập.
Hồ Bằng suy nghĩ, đấy cũng là một cách. Ông Mâu hoan nghênh
Hồ Bằng lên văn phòng công đoàn làm việc, như vậy coi như chuyển đổi văn phòng,
thay đổi chức năng. Ông dặn dò Hồ Bằng, đừng gọi ông là Mâu chủ tịch, ba tiếng ấy
gần với tên gọi Mao Chủ tịch lãnh tụ vĩ đại, sau này cứ gọi là bác Mâu.
Hồ Bằng khen ông Mâu tốt, sâu sắc. Ông Mâu lên làm công tác
công đoàn cảm thấy lạnh lẽo, có người đến nói chuyện ông rất phấn khởi.
Điều làm Hồ Bằng bất ngờ đó là, ông Mâu nghiện nghiên cứu mạt
chược. Hồ Bằng lên làm việc ở văn phòng công đoàn cứ ba ngày đánh cá thì hai ngày
phơi lưới. Ông Mâu không khắt khe với anh, nhưng anh phải đến điểm danh, ông
lôi anh vào nói chuyện mạt chược, khi cái hộp chuyện mở ra thì không thể nào
đóng lại nổi, Hồ Bằng không thể nào thoát khỏi.
Một hôm, ông Mâu hỏi Hồ Bằng, tại sao người ta thích đánh mạt
chược đến vậy?
Hồ Bằng nói, mạt chược rất vui, rất kích thích, khiến mọi
người ngứa tay, ngứa lòng. Ông Mâu bảo anh nói cụ thể hơn. Hồ Bằng nói, chơi mạt
chược giống như đánh đố, chưa biết câu đố cho nên rất hấp dẫn.
Chơi mạt chược có bốn người, trong tay mỗi người có mười ba
quân bài, chỉ cần biết một phần ba, còn hai phần ba số quân bài chưa biết, người
chơi bài đều chưa biết phúc hay họa, chỉ đoán mò, những nhân tố chưa biết sẽ giảm
dần, nhưng dù người đó ù, số quân bài chưa công khai chứa đựng rất nhiều bí mật.
Mỗi khi cầm bài, luôn luôn có người muốn biết bí mật quân bài trên tay người
khác, nghiệm chứng phán đoán của mình, hoặc thản nhiên, hoặc thở dài, hoặc oán
hận…
Người Trung Quốc thích đánh mạt chược có thể vì muốn tìm sự ổn
định, yên bình trong cuộc sống, trong vui chơi truy tìm sự chuyển động để thỏa
mãn sóng gió trong lòng.
Ông Mâu nói, phân tích mạt chược có liên quan đến hiên tình
của loài người, chín mươi phần trăm lịch sử nhân loại là săn bắn và hái lượm.
Chơi mạt chược có cái kích thích của săn bắn. Ông nói, tuy có nhiều người thích
chơi mạt chược, nên có một người viết một cuốn sách bàn về mạt chược, ông bảo
ông về hưu sẽ viết.
Hồ Bằng nói, bây giờ bác có thể bắt đầu được rồi, công đoàn
không có việc gì bận, tên sách có thể là “Bàn về tính vô hạn và khả năng thao
tác của mạt chược”, ông Mâu khen cái tên sách rất hay. Ông không biết rằng đấy
là tên một bài viết của nhà văn Vương Cán, bài viết này rất phổ biến, ông càng
không biết những điều Hồ Bằng nói với ông đều rút tỉa từ trong bài viết đó ra.
Nói về mạt chược ông Mâu rất say sưa, ông nảy ra ý nghĩ độc
đáo tổ chức một cuộc thi mạt chược với danh nghĩa công đoàn, làm phong phú sinh
hoạt ngoài giờ của cán bộ, công chức, đồng thời lấy ra ít tiền trong quĩ công
đoàn để làm tiền thưởng. Hồ Bằng nói hoạt động này không ổn, ông Giám đốc sẽ
không đồng ý, dù có tổ chức thì cũng không có người tham gia.
Ông Mâu vỗ đầu suy nghĩ, nói sở có lệnh cấm mạt chược, lệnh
này hồi xưa do chính tay ông dự thảo. Chơi mạt chược không phải là chuyện tài
năng, bản lĩnh, có giỏi đến đâu đi nữa thì cũng chẳng vẻ vang gì. Trước đây ông
nghĩ chơi mạt chược sẽ tránh được những việc làm xấu, nhưng xem ra người chơi mạt
chược phần đông theo phong trào, mất cả lập trường.
Chợt ông hào hứng nghĩ sang chuyện khác, ông bảo Hồ Bằng khó
tiến bộ là vì ngoài cái biệt danh “Ma vương hỗn thế” còn vì anh giỏi mạt chược,
có liên quan đến biệt danh ‘Vua mạt chược” của Sở tài nguyên.
Hồ Bằng không vui vì bị vạch trần điểm yếu, ngược lại anh
nói ông Mâu lên làm công đoàn là vì không có chuyên môn, gần gũi với những người
chơi mạt chược trong sở, anh làm như thật bảo Giám đốc sở khen ông là người
“tinh thông mạt chược”.
Ông Mâu vội hỏi, Giám đốc còn phê bình gì ông nữa không.
Hồ Bằng nói: “Không, về mặt mạt chược cháu với bác phải là
những người đồng bệnh tương liên mới phải”.
Ông Mâu nói: “Vậy là chúng ta phải xa mạt chược ra, trước mặt
người khác anh không được nói việc tôi nghiên cứu mạt chược, mà tôi cũng không
làm cái việc ấy nữa”.
Hồ Bằng nói: “Đúng vậy! Chúng ta cũng đừng đụng đến danh
nghĩa công đoàn nữa, công đoàn là nhà của cán bộ, công nhân viên”.