Ván bài lật ngửa - Phần VIII - Chương 12

P8 - Chương 12

Điện mật.

Theo thống kê, bình quân hằng
tháng có 4,97 binh sĩ Mỹ chết và 13,66 bị thương do chiến cuộc ở Nam Việt, tính
đến tháng 10 năm 1963.

Kí: Paul Harkins.

Điện mật và khẩn.

Gửi Cabot Lodge.

Thống kê thương vong của
binh sĩ Mỹ do tướng P. Harkins gửi về, cho thấy khả năng tổn thất của chúng ta
là có thể chịu đựng được. Cần xem xét lại giải pháp. Một sự xáo trộn nếu dẫn đến
kết quả bi quan hơn là nên cân nhắc. Tôi nghĩ vẫn đủ thì giờ thu xếp.

Kí: Kennedy.

Báo cáo khẩn.

Với nhóm cầm đầu mới, khả
năng thương vong của chúng ta sẽ còn thấp hơn. Không thể thay đổi giải pháp vì
những người bạn chúng ta sẽ mất lòng tin.

Kí: Cabot Lodge.

Điện khẩn.

Cho biết tình hình hiện nay
của ông Diệm.

Kí: Kennedy.

Điện khẩn.

Chúng tôi được tin ông Diệm
và em của ông lẩn tránh trong một nhà thờ Thiên Chúa giáo, đã xin đầu hàng.
Đang cho đón về và sẽ xử lí bằng cách nào có lợi nhất.

Bây giờ là bảy giờ
sáng, giờ địa phương. Trong một điện sau, tôi sẽ tường trình chi tiết với Tổng
thống.

Kí: Cabot Lodge.

Quân lịnh số một:

Kể từ hôm nay, 1-11-1963, Hội
đồng cách mạng ban hành lịnh giới nghiêm 24/24 giờ trên toàn lãnh thổ Việt Nam
Cộng hòa. Cấm tất cả các cuộc tập họp với bất cứ lí do gì, đóng cửa tất cả các
nơi giải trí. Công sở phải làm việc như thường, không một nhân viên nào vắng mặt.
Cơ sở bưu điện, điện nước, truyền thanh, báo chí, y tế làm việc không gián đoạn.
Hiệu buôn, chợ búa xưởng hãng hoạt động bình thường, nhưng không mở của trước bảy giờ
sáng và không được đóng cửa quá mười bảy giờ chiều, trừ những
phòng khám bệnh và chữa bệnh. Đóng cửa trường bay dân dụng trên toàn quốc.

Cấm trại tất cả đơn vị quân
đội thuộc tất cả quân binh chủng. Cảnh sát và quân cảnh hoạt động bình thường.
Báo chí phải thông qua kiểm duyệt quân sự. Tất cả tướng lĩnh, sĩ quan, nhân
viên của chế độ cũ bị truy nã (danh sách đính kèm) phải
trình diện với nhà chức trách nơi gần nhất. Niêm phong toàn bộ tài sản của gia
đình Ngô Đình Diệm và những người thân cận của gia đình này.

Hai mươi mốt giờ ngày 1-11-1963,

Hội đồng cách mạng

Tuyên cáo số một:

Để cứu nguy dân tộc, quân đội
đã đứng lên lật đổ chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Đây là một cuộc
cách mạng được toàn thể các giới đồng bào toàn quốc tham gia.

Một Hội đồng Quân
nhân Cách mạng đảm đương điều khiển công việc quốc gia. Hội đồng long trọng tuyên
cáo:

1) Hủy bỏ hiến pháp, giải
tán quốc hội và Chính phủ.

2) Hội đồng Quân
nhân Cách mạng đương nhiên là cơ quan quyền lực tối cao của Việt Nam Cộng hòa về
đối nội cũng như đối ngoại. Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách
mạng là Quốc trưởng kiêm tổng tư lệnh quân đội.

3) Trong thời gian ngắn nhất,
Hội đồng sẽ cử một Chính phủ lâm thời điều hành công việc hành chính.

4) Trong thời gian ngắn nhất,
Hội đồng sẽ cử một hội đồng nhân sĩ để tư vấn cho Hội đồng Quân
nhân Cách mạng và Chính phủ.

5) Hội đồng Quân
nhân Cách mạng sẽ trao quyền cho quốc dân khi các định chế dân chủ được thực hiện.

Ngày 2 tháng 11 năm 1963.

Chủ tịch Hội đồng Quân
nhân Cách mạng:

Trung tướng Dương Văn Minh.

TIN CỦA ĐÀI PHÁT THANH SÀI
GÒN

Vào bảy giờ
sáng hôm nay, 2 tháng 11, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã tự sát.

TIN KHẨN CỦA U.P.I

Ngô Đình Diệm, Tổng thống bị
lật đổ, đã chết cùng với em trai của ông. Thi thể hai người đặt tại Bộ tổng
tham mưu, nơi nhóm quân nhân cấp tướng nổi loạn đóng đại bản doanh. Mặt mũi và
thân thể hai quân nhân vật khét tiếng bị nhiều vết đạn súng ngắn và lưỡi lê.
Nguyên nhân của cái chết chưa được người có trách nhiệm làm sáng tỏ. Xu hướng
giải thích của một số tướng có chân trong Hội đồng đảo chính yêu cầu không công
bố tên là có thể hai người bị các sĩ quan cấp thấp sát hại vì phẫn nộ. Dù sao,
tin chính thức của Đài phát thanh Sài Gòn do quân đảo chính kiểm soát cho hay
là ông Diệm và em ông tự sát là không thể chấp nhận được.

TIN KHẨN CẤP CỦA A.F.P

Người hùng của Nam Việt,
ông Ngô Đình Diệm và người em trai đầy quyền lực của ông đã chết trước bảy giờ
sáng ngày hôm nay khi họ bị bắt sau khi đã chống cự một cách yếu ớt với các tướng
nổi loạn do tướng Big Minh đứng đầu và rút vào một nhà thờ Thiên Chúa giáo tại
một khu vực dày đặc Hoa Kiều. Tin tức về lí do hai người chết trái ngược nhau,
phe đảo chính cho rằng họ tự sát, dư luận xã hội cho rằng họ bị giết trên một
chiếc xe bọc thép.

TIN CỦA A.P

Tin về cái chết của Ngô
Đình Diệm và em trai ông, ông Ngô Đình Nhu, đến thủ đô Washington khá đột ngột.
Phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối mọi bình luận. Văn phòng ngoại trưởng Dean
Rusk trả lời điện thoại cho báo chí bằng một câu: Ngoại trưởng được tin này
cùng lúc với dư luận, nên chưa thể có điều gì nói thêm.

Phóng viên A.P đã gặp bà
Nhu tại khách sạn New York. Trong chiếc khăn màu đen và đôi mắt sưng, mặt hốc
hác vì không trang điểm, bà Nhu trở nên dữ tợn trước ống kính của chúng tôi: Tổng
thống nước tôi và chồng tôi bị ám sát hèn hạ vì không chịu quỳ gối trước các
ông! Tổng thống Mỹ, cơ quan CIA Mỹ, tức là những cái gì bẩn thỉu nhất thế gian...
Các ông thích bọn phản bội, bọn đần độn. Lịch sử sẽ mở mắt các ông. Dư luận Mỹ
cần hiểu nước Mỹ đang bị những tay lưu manh điều khiển chính sách. Bà Nhu tuyên
bố như vậy.

BÁO CÁO MẬT

Nơi gửi: Phân cục tình báo
Mỹ ở Sài Gòn.

Nơi nhận: Giám đốc cục tình
báo trung ương (đồng đệ trình Tổng thống theo nhu cầu của bí thư
riêng của Tổng thống).

Về cái chết của Ngô Đình Diệm
và Ngô Đình Nhu, tin tức chưa phối kiểm. Tất nhiên, loại trừ khả năng hai người
tự sát vì họ không có điều kiện tự sát theo kiểu đó. Một nguồn tin là khi họ nộp
mình thì lập tức bị nhốt vào chiếc xe bọc thép M.113 và họ bị tra tấn đến chết
tại Tổng nha cảnh sát. Một nguồn tin là họ bị bắn trên xe, do họ xỉ vả các sĩ
quan áp giải khiến các sĩ quan này nổi nóng. Thân thể hai người đều bị thương
do tra tấn và đều bị nhiều vết đạn súng ngắn, kể cả lưỡi lê.

Hai tướng được lệnh đón Diệm
và Nhu là Mai Hữu Xuân và Dương Ngọc Lắm. Người trước, nguyên giám đốc trường
huấn luyện lục quân vừa nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia thay Đại
tá Nguyễn Văn Y. Người áp tải Diệm và Nhu là đại úy Nhung, cận vệ của tướng
Minh đang nắm quyền và thiếu tá Nghĩa, em của tướng Lắm.

Phân cục tình báo hoàn toàn
không hay biết gì về những triệu chứng dẫn đến cái chết này. Đại sứ Cabot Lodge,
Tướng Jones Stepp sẽ có báo cáo chính thức và đầy đủ, Phân cục tình báo
nghiêng về khả năng đây là hành động tự phát của các sĩ quan cấp thấp.

Kí: Conein (đã qua thẩm duyệt của W. Porter).

VÀ THẾ LÀ THẢM KỊCH...

(Bài của Helen Fanfani gửi
Financial Affairs)

Sài Gòn, 2 tháng 11.

Không phải đây là lần đầu một
nguyên thủ quốc gia bị lực lượng chống đối thanh toán – và, bao giờ cũng vậy, sự
thanh toán kiểu Nam Mỹ, châu Phi và châu Á giữa các tập đoàn bản xứ nhưng tiêm
nhiễm thói quen của nền văn minh nước Mỹ chúng ta đều theo một thứ luật: luật rừng
– cái chết của ông Ngô Đình Diệm và em ông lại mang nhiều câu hỏi hơn bất kì sự
thanh toán nào. Bức ảnh mà Financial Affairs công bố - hai thi thể bị trói gô
và gần như bị các hình cụ tra tấn, các lưỡi lê và đạn băm nát – đang khiến ngay
tác giả đích thực, tôi muốn nói ai đó gật đầu cho cuộc xóa sổ này, phải băn
khoăn.

Có lẽ sẽ phí thì giờ nếu
chúng ta lao vào cuộc tranh luận quái đản: hai người tự sát hay bị giết. Càng sẽ
phí thời giờ nếu chúng ta tìm hung thủ. Người tra khảo, người thọc nhát lê hay
bóp cò chẳng nghĩa lí gì và họ vô tội khi phải ra tòa án. Điều có ích là tìm hiểu
ai gật đầu. Bài báo của tôi nhất định không làm Đại sứ Henri Cabot
Lodge hài lòng. Tuy nhiên, người không hài lòng – thậm chí rất có thể đây là
bài báo cuối cùng của tôi với tư cách phái viên đặc biệt của Financial Affairs
tại Sài Gòn – đến phẫn nộ đôi khi là Tổng thống nước Mỹ chúng ta: Tổng thống một
mặt sẽ phẫn nộ về cái chết của ông Diệm và ông Nhu – một phẫn nộ cần thiết mà cả
ông Dean Rusk lẫn ông McCone đang bóp óc tìm công thức thể hiện sao cho Tổng thống
“đạt” trên màn ảnh – đồng thời, ông phẫn nộ không cần đạo diễn khi liếc qua bài
báo viết lại hiện tượng này. Tôi cố gắng một cách tuyệt vọng để chứng minh cái
khó chứng minh nhất: Vẫn còn có một nươc Mỹ lương tri. Lần đầu tôi nói về tôi
trong bài báo và tôi hi vọng Ngài Richard Blouse, giám đốc chính trị của
Financial Affairs tỏ ra dũng cảm lần chót, nếu không nói là lần duy nhất, đừng
cắt xén dù một chữ...

Do một nguồn tin đặc biệt,
5 giờ 30 sáng tôi rời khách sạn cùng với chồng tôi, mặc kệ lịnh giới nghiêm,
phóng xe vào Chợ Lớn – Chinatown và đỗ trước một nhà thờ Thiên Chúa La Mã. Nhà
thờ nhỏ thôi, do một linh mục người Hoa nào đó xây cất và bây giờ thì do một
linh mục người Pháp điều khiển, linh mục Jean. Khi xe chúng tôi đỗ, đã có quân
đội chực sẵn. Sau này, tôi biết, chính thư kí của ông Diệm gọi điện cho tướng Đỗ
Mậu, chú ruột của viên thư kí, báo về việc ông Diệm và ông Nhu muốn liên lạc với
nhóm sĩ quan đảo chính. Tướng Trần Thiện Khiêm báo cáo với tướng Big Minh và tướng
Big Minh ra lịnh đón ông Diệm, ông Nhu về Bộ tham mưu. Người xung phong đi đón
là tướng Mai Hữu Xuân – vào giữa khuya ngày 1 sắp qua ngày 2 tháng 11 ông được
phong trung tướng vào giao chức Tổng giám đốc cảnh sát vốn là nghề thành thạo
nhất của ông. Cùng đi đón, có ông Dương Ngọc Lắm, cũng vừa nhận quân hàm thiếu
tướng. Trước khi họ ra đi, Hội đồng đảo chính họp một phiên họp cấp tốc. Tướng
Big Minh chủ trương đón ông Diệm, ông Nhu về Bộ tham mưu và sẽ cho phép họ rời
Việt Nam một cách an toàn và bí mật. Tướng Trần Thiện Khiêm ra lệnh sửa soạn
hai căn phòng bí mật ngay trong Bộ tham mưu làm nơi tạm nghỉ của anh em ông Diệm.
Trong cuộc trao đổi, có hai ý kiến quan trọng của ông Đỗ Mậu và ông Mai Hữu
Xuân. Một phương ngôn Việt Nam quen thuộc được thốt từ miệng ông Mậu và người gật
đầu là ông Xuân: Nhổ cỏ phải nhổ hết cả gốc. Hai ông vẫn sợ ông Diệm, ông Nhu –
ngoài cái sợ, còn cả nhiều ẩn ý mà chỉ có lịch sử mới đủ tư liệu chứng minh –
ông Mậu là người của Đảng Đại Việt và thuộc danh sách tướng lĩnh lương tháng của
ông Conein, McCone, còn ông Xuân vốn trùm mật thám Pháp, vẫn còn giữ quan hệ
thân thiết với Savani, một chỉ huy Phòng nhì Pháp có hạng; ông Mậu phải nhân
danh cho chiến hữu Đại Việt của ông đã chết thê thảm vì ông Diệm và phải thừa
hành lệnh của ông Conein, ông Xuân phải trả món nợ mà ông cho anh em ông Diệm
vay suốt chín năm và ông phải chứng minh với ông Conein rằng ông còn thính mũi gấp nghìn
lần ông Mậu. Đến đây, mẹo vặt của ông Mậu, ông Xuân hiệu nghiệm: họ đề nghị tướng
Minh cử người tin cậy nhất của ông ta theo họ để đảm bảo lệnh mang ông Diệm,
ông Nhu còn sống về đại bản doanh – tướng Big Minh cử liền đại úy Nhung.

Ông Diệm, ông Nhu ra khỏi
nhà thờ. Tướng Dương Ngọc Lắm chào họ một cách kính cẩn. Tôi và Victor, chồng
tôi, đến gần và bị cái khoát tay của tướng Xuân xua lùi cách vài mươi bước. Tôi
hiểu ông Diệm, ông Nhu đinh ninh mình sẽ được đi một trong hai chiếc xe du lịch
sang trọng đỗ cạnh đó. Nhưng không. Thiếu tá Nghĩa, em của ông Lắm, trỏ một chiếc
M.113 và – không phải mời – bảo hai ông chui vào đó. Tổng thống Diệm không phản
ứng rõ rệt. Ông Nhu quát to:

- Các anh đón Tổng thống và
cố vấn của Tổng thống như thế a?

Và, ông giụi điếu thuốc
đang hút dở vào ngực viên thiếu tá.

- Bây giờ, chỉ có hai tên
phản động bị bắt, chẳng có ai là Tổng thống, cố vấn tại đây!

Victor đã chụp được ảnh cuộc
đôi co này và cả ảnh ông Diệm, ông Nhu bị còng. Tôi chỉ quan sát được cái hất
hàm ra lệnh của ông Xuân. Viên thư kí của ông Diệm và chiếc cặp da của ông Diệm
bị quẳng lên một chiếc xe Jeep.

Cửa M.113 khép lại, đại úy
Nhung và thiếu tá Nghĩa cùng vào xe. Xe lăn bánh. Tôi và Victor vội nổ máy xe,
tôi rất ngại tướng Xuân tịch thu máy ảnh của chúng tôi. Nhưng, xe chúng tôi
không được theo đoàn áp giải.

Tôi đã đoán lầm: giục
Victor tăng tốc độ về Bộ tổng tham mưu – không khí chờ đợi ở đây căng thẳng như
đầu óc chúng tôi. Trong đời làm báo của tôi, lần sai lầm này thật khó tha thứ.
Tôi quên tướng Xuân dễ dàng liên lạc vô tuyến điện với Conein, với Cabot Lodge
và ông ta dễ dàng trong vài từ thôi, chỉ thị cho nửa tá lính trong chiếc M.113
hành động. Sau này, tôi được tiết lộ: hai anh em Diệm, Nhu bị kết thúc trên đường
Hồng Thập Tự, trước một rạp hát tên Olimpic, nghĩa là gần Dinh Gia Long của họ.

Bàn tay đang được giấu kĩ.
Tướng Big Minh không thể chối bỏ trách nhiệm khi người tin cẩn của ông cùng ngồi
trong chiếc M.113 và khi ông là Quốc trưởng như tuyên cáo có mang chữ kí của
chính ông xác nhận.

Ông Diệm, ông Nhu không còn
nữa. Nhưng, chính sách của nước Mỹ thì chẳng trốn đằng nào được cả, Phibul
Songgram rời vị trí chóp bu Thái Lan, Lý Thừa Vãn rời Seoul... mức bi thảm
không đáng kể. Macsayasay chết vì “tai nạn” máy bay ghê rợn hơn một tí, cũng dễ
rơi vào lãng quên. Ông Diệm, ông Nhu chết, đến thi thể họ tan cùng với đất,
trách nhiệm Hoa Kỳ vẫn bị quật tới quật lui. Uy tín ông Diệm, ông Nhu vứt trên
nền, trừ mấy viên tướng đứng nghiêm chào với vẻ mặt xúc động – có xúc động thật
vì ân nghĩa như tôi nhận trên gương mặt tướng Khiêm, có xúc động vì quá khứ mà
họ hưởng từ vòng tay rộng của kẻ chết như tướng Đôn, có xúc động vì hoảng hốt
như tướng Đính, có xúc động vì chứng kiến một tai biến lớn như tướng Kim, có
xúc động để mọi người thấy mình xúc động tướng Xuân, tướng Mậu... tôi phải nói
rằng tuy dân chúng hỉ hả thật, song phong tục Việt Nam theo lối hỉ xả của đạo
Phật: Chết là hết – Cho nên khi hai nhà sư nổi tiếng Đức Nghiệp và Tâm Châu đòi
mang thi thể ông Diệm, ông Nhu đi diễu hành thì quả vấn đề hé ra
cái chiều sâu báo động. Tướng Minh dĩ nhiên không đồng ý.

Trước khi thanh toán ông Diệm,
ông Nhu cả hai thu hút mọi trọng lực về phía họ. Nay, không còn họ nữa, tất yếu
nhóm đảo chính nhìn nhau. Tôi bắt gặp những cái nhìn đó quanh thi thể ông Diệm,
ông Nhu.

Và, khi tôi viết một mạch
bài báo này, dân chúng đang hò reo ngoài đường. Dân chúng ảo tưởng và khi ảo tưởng
tan biến, khó mà đoán tiếng hò reo hoan hô đảo chính sẽ đổi thành thứ âm thanh
gì – không loại trừ tiếng súng. Đại sứ Cabot Lodge hoàn thành sứ mạng, nhưng
tôi tin ông đang đau đầu. Tổng thống Kennedy hẳn trầm ngâm trước bàn giấy. Vấn
đề ông Diệm không phải là vấn đề Việt Nam. Việt Cộng có lợi hơn hết – chắc
không lợi nhiều như họ mong, song họ vẫn thủ lợi. Đối thủ, mà với tính trung thực
của người Cộng sản, công nhận ông Diệm, ông Nhu. Hai người từ nay đi vào dĩ
vãng. Nghĩa là Việt Cộng mất đối thủ. Và, người Mỹ, tôi nghĩ như vậy, sẽ phải
chường mặt.

Tôi biết ông Nhu khá rõ.
Con người nhiều suy nghĩ, thông minh. Có lẽ, ông Nhu đang làm bảng quyết toán
dưới chân Chúa; ông mưu mô một và không ngờ còn có kẻ mưu mô mười.

Ai? Ai sẽ thay ngọn cờ ông
Diệm? Tướng Big Minh hạch lạc chăng? Tướng Đính láu cá láu tôm chăng? Tướng
Đôn tài tử chăng? Tướng Kim “hiền triết” chăng? Tướng Xuân lá mặt lá trái
chăng? Một nhà tình báo quân sự có cỡ của quân đội Mỹ, sau khi cho tôi biết tướng
Harkins nổi nóng đùng đùng về cái chết của ông Diệm, đã rỉ tai tôi về sự chọn lựa
mới: không phải cấp tướng.

Bàn cờ đang xếp quân. Bàn cờ
xếp quân trong thảm kịch. Nhưng, ông Diệm chết chưa phải là tấn thảm kịch đến
cao trào. Cao trào của vở kịch còn ở phía trước...

Tin ngắn của Reuter.

Sài Gòn đang hỗn loạn: Trụ
sở Việt tấn xã, chín tờ báo thân ông Diệm bị đập phá. Hai mươi sáu trụ sở các đoàn thể ủng hộ chế độ ông Diệm cũng bị đám đông đập phá. Tượng
hai phụ nữ anh hùng Việt Nam xa xưa, gọi là bà Trưng chị, bà Trưng em tạc giống
mẹ con bà Ngô Đình Nhu bị xô ngã và chặt đầu. Lịnh giới nghiêm thực tế không có
hiệu lực.

Tin chiến trường cho biết Việt
Cộng đẩy mạnh hoạt động nhằm vào Ấp chiến lược.

Tuyên cáo số hai:

Hội đồng Quân
nhân Cách mạng long trọng tuyên cáo:

Lập trường của chế độ:

a) Áp dụng hình thức dân chủ
trong tinh thần kỉ luật, không độc tài và cũng không phóng túng quá trớn.

b) Chống Cộng triệt để và hữu
hiệu.

c) Đứng trong thế giới tự
do.

d) Tôn trọng các cam kết
trước đây với các đồng minh, tôn trọng tính mạng và tài sản của ngoại kiều.

e) Đoàn kết toàn dân, sẽ
cho các đảng phái quốc gia (trừ Cộng sản và thân Cộng)
tự do hoạt động, sửa soạn định chế dân chủ, tập trung nỗ lực trên các lĩnh vực
ngõ hầu đáp ứng yêu cầu quốc gia, thực hiện bình đẳng triệt để giữa các tôn
giáo, trả tự do cho tất cả chính trị phạm không Cộng sản, ban hành tự do báo
chí
(trừ xu hướng Cộng sản), tiếp tục các công trình lợi ích
cho toàn dân.

Hiến ước tạm thời số một:

Nay ban hành Hiến ước tạm
thời số một thay cho Hiến pháp được áp dụng từ ngày 26-10-1956.

1) Việt Nam là một nước Cộng
hòa.

2) Quyền lập pháp và hành
pháp thuộc Hội đồng Quân nhân Cách mạng.

3) Quyền hành quốc trưởng
thuộc chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng.

4) Quyền hành pháp ủy cho Chính
phủ lâm thời do Hội đồng Quân nhân Cách mạng chỉ định.

5) Quyền lập pháp ủy cho Chính
phủ, trừ về ngân sách, thuế, an ninh, quốc phòng.

6) Luật lệ hiện hành vẫn tạm
thời áp dụng.

Quyết định về việc thành lập
Chính phủ tạm thời

Chiếu Hiến ước tạm thời số một,
nay chỉ định Chính phủ lâm thời:

Thủ tướng kiêm Tổng
trưởng Kinh tế - Tài chính: Nguyễn Ngọc Thơ.

Tổng trưởng Quốc
phòng: Trung tướng Trần Văn Đôn.

Tổng trưởng An
ninh: Trung tướng Tôn Thất Đính

Tổng trưởng Ngoại
giao: Phạm Đăng Lâm

Tổng tưởng Tư
pháp: Nguyễn Văn Mầu

Tổng trưởng Giáo
dục: Phạm Hoàng Hộ

Tổng trưởng Cải
tiến Nông thôn: Trần Lê Quang

Tổng trưởng Thông
tin: Thiếu tướng Trần Tử Oai

Tổng trưởng Công
chính: Trần Ngọc Oành

Tổng trưởng Y tế:
Bác sĩ Vương Quang Trường

Tổng trưởng Lao
động: Nguyễn Lê Giang

Tổng trưởng Thanh
niên: Nguyễn Hữu Phi

Bộ trưởng tại Phủ Thủ tướng:
Nguyễn Thành Cang

Bộ trưởng Tài
chính: Lưu Văn Tình

Bộ trưởng Kinh
tế: Âu Trường Thanh

Bộ trưởng Tổng trấn Sài
Gòn: Trung tướng Mai Hữu Xuân

Báo cáo mật.

Nơi gửi: Phân cục tình báo
Sài Gòn.

Nơi nhận: Trung tâm
Washington.

Phúc điện về Chính phủ mới:
Đa số thành phần chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, dễ ngả về hướng trung lập. Trong
số tổng, bộ trưởng, nhiều người liên hệ mức này hay mức khác với Việt Minh hoặc
Việt Cộng...

Tin AFP:

Con gái ông Ngô Đình Nhu được
đưa sang châu Âu đoàn tụ với mẹ.

Tin AP:

Nhà đương cục Huế đang sai
áp tài sản của Ngô Đình Cẩn và giam giữ ông này.

Tin UPI:

Sài Gòn ồn ào bề ngoài. Chính
phủ chưa có hành động gì rõ rệt.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3