Ván bài lật ngửa - Phần VIII - Chương 07 phần 1
P8 - Chương 7
Ngày đêm 20 rạng ngày 21
tháng 8, tức đêm kế hoạch “Nước lũ” mở màn, đại sứ quán Mỹ mở một phiên họp đặc
biệt. Chủ trì phiên họp là Williams Porter, phó đại sứ. Tham dự, ngoài số nhân
viên tình báo đặc trách các vấn đề chính trị, còn có Jones Stepp.
- Tôi cho rằng sức ép của
chúng ta chưa đủ mạnh... - Porter mở đầu phiên họp khi đồng hồ điểm một tiếng -
Tôi xin nói rõ ý tôi: Sức ép thông qua phong trào Phật giáo coi như đến điểm
cao nhất, song rõ ràng chỉ với danh nghĩa Phật giáo, chúng ta khó khuất phục
ông Diệm và em của ông ta. Ngài Mac Cone nhắc nhở chúng ta: Dư luận thế giới,
dư luận Mỹ và bản thân Tổng thống chưa được kích động đúng mức, nếu không nói
phần nào phân vân vì cuộc khủng hoảng chính trị rốt lại chỉ là sự xung đột tôn
giáo. Ở châu Âu và châu Mỹ, các vị đều hiểu như tôi. Phật không được chấp nhận
như người ta chấp nhận Chúa...
- Tôi xin phép cắt lời Ngài
phó đại sứ. - Jones Stepp hắng giọng - Hiện nay toàn bộ tình hình đã được trình
bày dưới dạng “vi phạm nhân quyền,” nghĩa là vượt khỏi lằn ranh xung đột tôn giáo...
- Thưa tướng quân! - Porter
cười mỉm - Đó chỉ mới là ý nghĩ của chúng ta. Hẳn tướng quân theo dõi chặt chẽ
tin tức công bố khắp thế giới, danh từ “Phật giáo” chiếm gần hết tỉ lệ các bài,
các mẩu tin... Đúng, nếu chúng ta chuyển được tình hình hiện nay ra một chất
khác - một nhãn khác, tùy cách nhận thức của mỗi người - như nhân quyền, thì kế
hoạch “Cao áp” sẽ đạt hiệu quả như tướng quân mong muốn...
Tiếng interphone vang lên: “Một
nhà sư xin tị nạn, đang đứng bên ngoài vòng rào sứ quán...”
Jones Stepp không nhúc
nhích - ông ta đang suy nghĩ điều mà Porter vừa nêu. “Mac Cone có lí...”
- Nhà sư nào? - Một nhân
viên hỏi.
- Tôi biết! - Porter trả lời
- Tất nhiên, ta cần ông ấy. Nhưng, giữ bí mật đến độ có thể giữ được vì ông Diệm
có thể cột chúng ta vào điều khoản “can thiệp nội bộ một quốc gia có chủ quyền.”
Ngài đại sứ không thích trong lúc này lại phải phân trần với dư luận.
Jones Stepp hất hàm về một
người ngồi ở cuối bàn:
- Louis! Việc của ông đấy!...
Louis đứng lên, chiếc trán
hói bóng lộn như đánh xira, nhún vai:
- Sớm hơn tôi dự liệu!
- Dù sao, cũng phải tiếp
ông ta đàng hoàng. Con bài dự trữ... - Porter ra lệnh - Các ông không nên bao
giờ quên: khi Phật giáo thành lực lượng chính trị, tất yếu sẽ có phân hóa:
trong số các nhà sư tiêu biểu, có vẻ chúng ta chỉ nắm được các nhà sư mà đạo hạnh
không mấy sáng. Về phương diện này, ông Diệm cũng giống ta. Các sư được mọi người
tôn trọng chưa đồng tình với chúng ta lắm. Ngay hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh
Khiết, tôi đọc rất nhiều thông tri, cáo bạch của ông ta, ông ta tránh đả động đến
chính trị. Còn ông Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Tịnh... Hình như tướng quân Stepp
chưa thấy vị trí của họ. Họ là người miền Nam... Tiện đây, tôi nhắc ông Louis:
nên tốp nhỏ máy phát thanh Thích Đức Nghiệp, Thích Tâm Giác, cả Thích Tâm Châu.
Họ tỏ ra quá mẫn cán khi muốn kí biên nhận dollar của ông Louis bằng cách quảng
cáo chống Cộng, “Bắc tiến.” Trò trẻ con đó không “Best-seller”(1) hiện nay. Tôi
trở lại nhà sư tị nạn: sẽ có dịp dùng và dùng đúng dịp. Cứ coi như
chuyện ông ta chọn sứ quán Mỹ như vì bước đường cùng và không bao giờ - tôi nhấn
mạnh - không bao giờ để ông ấy tuyên bố chống Cộng.
(1) Bán chạy, ăn khách
Louis gật đầu, ra khỏi
phòng.
- Ta hãy suy tính xem... -
Porter buông thõng.
- Về các tướng lĩnh... -
James Casey nói. Porter ngăn James Casey và liếc một người đứng tuổi, dáng phục
phịch, luôn im lặng: Conein...
- Hôm nay, ta không bàn việc
đó.
- Tôi nghĩ là còn cái kho
trí thức và sinh viên Huế đi trước một bước. - Jones Stepp vừa nói vừa mở cặp.
- Mời tướng quân! - Porter
khuyến khích.
Jones Stepp đặt lên bàn xấp
giấy khá dày.
- Sau khi linh mục Cao Văn
Luận bị bãi chức Viện trưởng Viện Đại học Huế, các khoa trưởng
đồng loạt từ chức: Lê Khắc Quyến - khoa trưởng Y, Bùi Tường Huân - khoa trưởng
Luật, Tôn Thất Hạnh - khoa trưởng Khoa học, cùng ba mươi hai
người nữa gồm giáo sư, nhân viên, giảng huấn có tên tuổi như Cao Huy Thuần, Bùi
Nam, Lê Tuyên, Nguyễn Văn Tường...
- Và chỉ có bấy nhiêu! -
Porter gay gắt - Đã hơn hai tháng rồi! Vả lại, trong việc này, bóng của linh mục
Cao Văn Luận trùm lên quá rõ. Vị linh mục do Ngài Fishell nặn ra, luôn luôn tự
coi mình như trung tâm của vũ trụ, huênh hoang quá đáng. Ngài Mac Cone không
hài lòng.
Jones Stepp cụt hứng, nhét
xếp giấy vào cặp.
- Không phải những người
trí thức Huế từ chức đều tán thành chúng ta. Mỗi người có lí do riêng. Họ chống
ông Diệm, không có gì phải bàn cãi, song Cộng sản chống ông Diệm còn quyết liệt
hơn bất kì ai... Tôi nói rõ ý của tôi: Hãy đưa tình trạng Huế vào Sài Gòn và
hãy bấm nút: sinh viên! Các ông kiểm tra xong đã có gì trong tay, Nguyễn Hữu
Thái, Chủ tịch Tổng sinh viên là người thế nào?
Jones ngó một người - trẻ,
đẹp trai.
- Joseph, anh trả lời!
- Phải lật đổ tay này thì mới
nắm được Tổng hội Sinh viên. Thái là phần tử tự do...
- Anh ta
quan hệ với Việt Cộng? - Porter hỏi.
- Cho tới nay, chưa có bằng
chứng. Nhưng anh ta giao du rộng.
- Sinh viên trường nào? -
Porter có vẻ chú ý.
- Thưa, Kiến trúc.
- Cần lật đổ không?
- Theo tôi, phải lật đổ...
- Anh có chủ bài trong tay
chưa?
Joseph cười nhẹ, như gián
tiếp trả lời là đã có, khá dồi dào nữa.
- Tốt! - Porter nói xong,
xem đồng hồ. Hai giờ mười lăm phút.
Interphone lại vang lên:
- Xung đột dữ dội ở chùa Xá
Lợi...
- Có đổ máu không? - Porter
hỏi.
- Tất nhiên, có! - Tiếng
interphone trả lời.
- Bao nhiêu người chết? -
Porter nôn nóng chờ trả lời.
- Hình như không ai chết...
- Tồi! Làm ăn tồi! - Porter
cáu gắt.
- Bí số K.4 xin được báo
cáo bằng điện thoại...
- Thông dây vào interphone,
chúng tôi cùng nghe.
- Ông ta nói tiếng Anh
không thạo lắm!
- Tại sao phải nói tiếng
Anh? Cứ nói tiếng mẹ đẻ của ông ta.
Interphone rè rè. Toàn cảnh
“Nước lũ” được phản ánh.
- Ông ta sẽ là hội chủ,
thay cho ông Tịnh Khiết trở thành nhân vật tượng trưng. - Jones Stepp bảo với mọi
người.
- Không thể tìm được một
người miền Nam sao? - Porter cau mày.
- Chúng tôi sẽ cố gắng,
song K.4 đi với chúng ta “cả xác thịt lẫn linh hồn,” nếu dùng một cách văn vẻ.
- Ông Nhu có khá nhiều tài
liệu về K.4 của tướng quân. Cả ảnh không mấy đẹp.
Jones Stepp đưa tay lên trời:
- Biết làm sao khi chúng ta
không thuyết phục ông ta về giáo lí và ông ta đi với chúng ta không bằng giáo lí!
- Tôi chỉ muốn cảnh cáo các
Ngài: ông Diệm thất bại một phần vì linh mục Hoàng Quỳnh. Phương ngôn Á Đông có
một câu rất hay: xe trước đổ, xe sau nên tránh!
Porter cười độ lượng.
- Vấn đề sau cùng: không một
ai được lộ với tướng Harkins những gì chúng ta bàn, dù một chi tiết vặt vãnh.
Cả Conein lẫn Jones Stepp đều
gật đầu.
Câu dặn dò rất nghiêm ấy của
Porter kết thúc cuộc họp.
*
Tổng thống Ngô Đình Diệm
triệu tập nội các bất thường trễ hơn sứ quán Mỹ: 5 giờ 30 sáng.
Nhu sửa soạn cho phiên họp
khá chu đáo. Song, anh ta không liên lạc được với Luân - nghe tin Luân kẹt ở
chùa Xá Lợi, Nhu hơi bực. Anh ta xẵng giọng với Dung và sau đó “quạt” Trần Văn
Tư một trận. Anh ta không nghe lời phân trần của Tư:
- Các anh thật ngu... Tôi
muốn cách chức tất cả! Đại tá có mặt có nghĩa là đại tá muốn điều chỉnh các hoạt
động của anh, lẽ ra các anh phải xin ý kiến của đại tá.
- Thưa, thiếu tướng Xuân
trông thấy đại tá, nhưng không dặn chúng tôi...
- Ai? Ai chỉ huy các anh?
Tôi! Nghe rõ không! Tôi có nghĩa là Đại tá Nguyễn Thành Luân.
Anh đem Mai Hữu Xuân dọa tôi à? Anh có mắt không? Có đầu không?
Cuộc họp nội các căng thẳng.
Tuy Nhu đã dặn trước nhưng Diệm vẫn bị bất ngờ. Sau khi Diệm thông báo chính thức
quyết định của Chính phủ, người ngơ ngác đầu tiên là Phó tổng thổng Nguyễn Ngọc
Thơ. Thái độ của Thơ rất bất lợi cho Diệm. Ông ta lúng túng trước các cặp mắt
thăm dò của thành viên nội các. Ngồi trong phòng riêng, qua máy truyền hình,
Nhu tự trách: Lẽ ra, nên cho lão Thơ hay trước và hôm nay, để lão chủ tọa phiên
họp, có lợi hơn.
Dù sao thì cũng không còn cứu
vãn kịp.
“Vì Cộng sản xâm nhập các tỉnh
lị, thị trấn và ngoại vi Sài Gòn, cho nên tôi quyết định thiết quân luật.” Diệm
giải thích thêm. Toàn thể Chính phủ im lặng. Thật ra, hơn phân nửa đã được phổ
biến sự việc - một số tham dự hẳn vào kế hoạch “Nước lũ” như Nguyễn Đình Thuần,
Trương Công Cừu, một số nghe mang máng. Chẳng có gì phải quan tâm. Số còn lại
bây giờ mới rõ - họ nghe ồn ào nhưng chẳng hiểu lí do.
Người duy nhất nói trong buổi
họp là Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu. Ông nói khá tế nhị: “Nếu quả thật có sự đột nhập
của Việt Cộng vào ngoại ô Sài Gòn thì đã đủ lí do để giải thích sự việc...”
Diệm phật ý. “Nếu quả thật...”
Tay luật sư này quả là đáo để. Chẳng lẽ Tổng thống nói láo? Nhưng, không phải
là lúc thích hợp để dạy cho Vũ Văn Mẫu bài học ghi chú cẩn thận. Mẫu tự lái xe
và tiếp xúc với giới trí thức.
- Tại sao chú không cho bắt
Mẫu? - Diệm nói gần như quát.
- Tại sao lại bắt ông Mẫu?
- Nhu hỏi lại, giọng lạnh lùng - Ông ta không phải là Việt Cộng, không phải là
tình báo Mỹ, không phải Đại Việt, bắt ông ta là đánh vào số trí thức đứng giữa.
Em thích Vũ Quốc Thúc cạo đầu… Bắt kẻ như Thúc mới đập đúng đầu rắn. Bọn CIA
khôn ranh lắm. Anh tin Trần Quốc Bửu, em không tin. Chúng xem như đây là cơ hội
ngóc dậy. Những loại đó, hễ rục rịch, em tóm cổ ngay! Còn ông Mẫu, anh cứ cho
ông ta được nghỉ “vì lí do sức khoẻ.” Nghe đâu ông ta xin đi Ấn Độ hành hương,
cùng gia đình, anh cứ cho phép. CIA sẽ tịt ngòi.
Nước cờ của Nhu khá cao.
Thích Tâm Châu gọi điện báo với Jones Stepp và Jones Stepp chỉ khuyên nhà sư
mang mật danh K.4 nên tìm mục tiêu khác.
Thích Tâm Châu không cần tấn
công. Lệnh thiết quân luật kích động cả thành phố. Ngay chiều 21-8, sinh viên
Trung tâm kĩ thuật Phú Thọ bãi khóa được một số giáo sư đồng tình. Chiều 22-8, Giáo
sư Phạm Biểu Tâm Khoa trưởng Y khoa từ chức. Sáng hôm sau, ông bị Trần
Văn Tư bắt. Không khí náo động, trường Y đông nghẹt sinh viên các khoa.
Nhu nhận được tin vào giữa
trưa. Trần Văn Tư bị gọi vào Dinh Gia Long.
- Ai cho phép anh bắt bác
sĩ Tâm? - Nhu hỏi, mắt đổ lửa.
- Thưa, ông Thuần truyền lệnh
của Tổng thống...
- Không có ai được ra lệnh
trong lúc này, trừ tôi! Anh thả ngay bác sĩ Tâm...
Giáo sư Phạm Biểu Tâm được
thả. Ra khỏi Nha cảnh sát, ông rơi vào một cuộc bao vây khác. Lấy cớ mừng giáo
sư thoát nạn, một bộ phận sinh viên mời giáo sư đến trường đại học Y.
- Thưa giáo sư! - Một sinh
viên, đầu cạo trọc nhẵn, nói trước micro - Xin thầy cho biết lập trường của
sinh viên lúc này nên như thế nào?
- Tôi xem các anh như những
người lớn, các anh làm những gì các anh muốn làm, tuy nhiên cũng đừng quá
khích...
Cuộc họp mau chóng biến
thành một cuộc mít tinh và một số sinh viên viết ngay đoạn đầu trong câu nói của
giáo sư Tâm như khẩu hiệu: “Sinh viên là người lớn, muốn làm những gì sinh viên
muốn làm!”
Người sinh viên cạo trọc đầu
thét to một câu bằng tiếng Pháp: “Nous sommes dépourvus de tous”(2). Trong cảnh
gần như hỗn loạn ấy, một “Ủy ban chỉ đạo sinh viên Liên khoa” công bố thành lập,
gồm mười
chín người, do Tô Lai, khoa Luật, chủ tịch và Đường Thiệu Đồng,
Lâm Tường Vũ, Nguyễn Đông, Võ Như... trong ban chỉ đạo.
(2) Chúng tôi bị tước đoạt
tất cả
“Ủy ban chỉ đạo” đương
nhiên thay thế Tổng hội Sinh viên. Người ta nghĩ rằng “Ủy ban chỉ đạo” đã đập mạnh
Vũ Quốc Thúc, khoa trưởng Luật khoa, nhưng không; Vũ Quốc Thúc chỉ bị một số
sinh viên cảnh cáo.
Người được “Ủy ban chỉ đạo”
hoan hô dữ dội là Giáo sư Nguyễn Văn Bông - ông ta tham gia biểu tình
với sinh viên.
Ngô Đình Nhu ra lệnh: Bắt
ngay Nguyễn Văn Bông. Nhưng lệnh của Nhu không có hiệu lực. Porter chính thức
điện cho Nhu. Nhu ném chiếc gạt tàn vỡ tan tành. “Thằng Đại Việt đầu sỏ, thằng
CIA này mà không trị thì thật nguy...”
“Ủy ban chỉ đạo” huy động một
lực lượng hùng hậu, số sinh viên khoa học bãi thi APM và APD - bao vây văn
phòng Viện trưởng Viện đại học Sài Gòn, Giáo sư Lê Văn Thới. Giáo sư
Thới lánh mặt. Văn phòng bị đập phá.
- Tại sao các anh không làm
nhục được Lê Văn Thới?
Thích Đức Nghiệp xộc đến trụ
sở “Ủy ban chỉ đạo” chất vấn.
- Thằng ấy có anh đi theo Việt
Cộng!
Thích Đức Nghiệp không ngờ
câu hằn học của y ta phân hóa phong trào sinh viên - một số khá đông ghét Diệm
nhưng hoàn toàn không muốn gắn việc làm của họ với khẩu hiệu chống Cộng.
*
Tuyên ngôn.
Trong khi toàn dân, toàn quân
đang nỗ lực đẩy lui âm mưu thôn tính miền Nam của Cộng sản; trong khi
những người quốc gia yêu nước đang phải siết chặt hàng ngũ trước nguy vong của
đất nước, mọi hành động chà đạp lên tự do tín ngưỡng của chính quyền miền Nam bằng
cách khủng bố, hành hạ các tu sĩ tức là xâm phạm đến tín ngưỡng và công bình xã
hội, đều có lợi cho đối phương.
Trước tình trạng đó, nhân
dân không còn biết đâu là tự do, và vì thế cuộc chiến đấu chống Cộng sản bảo
toàn đất nước sẽ mất phần hữu hiệu.
Chúng tôi, toàn thể sinh viên,
học sinh Việt Nam.
- Không phân biệt tôn giáo.
- Không chịu sự chi phối của
bất cứ một đảng phái chính trị nào.
Nhận thức rằng: Cộng sản và độc tài là kẻ thù của
dân tộc, đồng thanh cương quyết thành lập Ủy ban chỉ đạo sinh viên học sinh
tranh đấu cho tự do để:
1) Yêu cầu Chính phủ thực sự
tôn trọng và bảo vệ tự do tín ngưỡng.
2) Yêu cầu Chính phủ trả tự
do cho những tăng ni, tín đồ Phật giáo, sinh viên, học sinh, giáo sư hiện bị
giam giữ. Họ không phải là Cộng sản và vô tội.
3) Yêu cầu Chính phủ chấm dứt
tình trạng khủng bố, bắt bớ, hành hạ tín đồ Phật giáo.
4) Yêu cầu Chính phủ giải tỏa
chùa chiền, ban bố tự do ngôn luận.
Sinh viên, học sinh Việt
Nam nguyện đem mồ hôi, xương máu tranh đấu cho bốn nguyện vọng khẩn thiết trên.
Đồng bào hãy sát cánh cùng
chúng tôi sẵn sàng hi sinh cho tự do và đòi được quyền phụng sự Tổ quốc.
Làm tại Sài Gòn, ngày
23-8-1963.
Ủy ban chỉ đạo.
Sinh viên học sinh.
*
Ngô Đình Nhu phản ứng ngay
lập tức: đóng cửa các trường. Phản ứng của Nhu đúng ra là quá trễ. Học sinh, nhất
là học sinh các lớp trên cùng sinh viên không ai còn thiết đi học. Mọi người chờ
đợi một cái gì đó sẽ nổ ra. Và, ngòi pháo được châm lửa.
*
Báo cáo của Joseph Stainer,
Phân cục tình báo Mỹ.
Theo sự vận động của Ủy ban
chỉ đạo Sinh viên Liên khoa, học sinh, sinh viên Sài Gòn sẽ tập trung tại trường
Dược, đường Công Lý để tổ chức biểu tình vào sáng 25-8-1963. Nhưng khi
mọi người tới đây thì lực lượng cảnh sát đã chiếm đóng trường này và phong tỏa
tất cả các trường tại thủ đô từ chiều hôm trước.
Bởi vậy, học sinh, sinh
viên phải đổi địa điểm tập trung từ trường Dược qua chợ Bến Thành.
Tám giờ sáng ngày 25-8-63, học sinh, sinh viên từ tám
ngã kéo về Công trường Diên Hồng, người người chật nghẽn đường lối. Dân trong
chợ Bến Thành đổ ra hưởng ứng biểu tình cùng sự góp mặt của thanh niên, thanh nữ
trong gia đình Phật tử và các đoàn thể Phật giáo, đã biến nơi trung tâm đô
thành này thành một biển người.
Một vài biểu ngữ vừa được
trương lên thì lập tức lực lượng cảnh sát chiến đấu ào tới đàn áp và cuộc xung
đột diễn ra. Cảnh sát giơ cao dùi cui, đập túi bụi vào đám học sinh, sinh viên,
bất kể nam nữ. Để chống lại, nữ sinh tháo guốc đưa cho nam sinh nhắm đầu cảnh
sát quăng tới tấp...
Thình lình, súng nổ vang
lên. Tiếng súng từ bót cảnh sát Lê Văn Ken hướng vào toán nữ sinh đang xô với
nhân viên cảnh sát. Một nữ sinh gục xuống và nhiều người khác ngã theo. Học
sinh, sinh viên hoảng hốt chạy tán loạn. Lực lượng cảnh sát săn đuổi ráo riết,
thắt chặt vòng vây rồi tiếp tục khủng bố, đánh đập.
Trong cuộc biểu tình này,
ngoài những nữ sinh bị thương, riêng Quách Thị Trang, nữ sinh đệ nhị bị bắn một
viên đạn vào thái dương nên chết ngay sau khi đưa tới bệnh viện được ít phút.
Chính quyền Ngô Đình Diệm hết
sức che đậy cái chết này.
Cái chết của một nữ sinh tại
chợ Bến Thành chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ sau đã được loan truyền khắp thủ
đô, khiến không những học sinh, sinh viên mà cả công chúng đều căm phẫn. Người
ta không rõ nữ sinh đã bỏ mình là ai: là Quách Thị Trang, là Mỹ Hạnh hay Lê Thị
Hạnh nhưng người ta chỉ biết và biết rõ ràng máu của một nữ sinh thơ ngây, vô tội
đã đổ.
Sau cuộc biểu tình này, có
trên hai
nghìn nam nữ học sinh, sinh viên bị bắt đưa về nhốt tại Trung
tâm huấn luyện Quang Trung.
*
Điện khẩn:
Hàng nghìn sinh viên Việt
Nam ở các tỉnh Lion, Grenoble, Toulouse, Montpellier... kéo về Paris phản đối vụ
gọi là “tàn sát Quách Thị Trang.” Dư luận chung cực kì bất lợi cho ta. Xin cho
chỉ thị.
Phạm Khắc Hi, đại sứ.
*
Điện khẩn:
Phúc điện cho đại sứ, nên cố
gắng tổ chức phản biểu tình. Phân tích xem trong số sinh viên kéo về Paris gồm
những xu hướng nào? Thân Cộng bao nhiêu? Có Đại Việt không? Thái độ của Chính
phủ Pháp và đại sứ quán Mỹ. Thái độ của nhóm Vương Văn Đông, Trần Đình Lan?
Kí:
Ngô Đình Nhu.
*
Điện khẩn:
Trong số sinh viên, hầu như
đủ xu hướng, tất nhiên số thân Cộng nòng cốt. Đang tiếp xúc phản biểu tình
nhưng rất khó. Chính phủ Pháp tỏ ra trung lập, cảnh sát chỉ giữ trật tự mà
không can thiệp. Không ai thấy đại sứ quán Mỹ tiếp xúc với sinh viên. Vương Văn
Đông, Trần Đình Lan, Quách Sến gặp nhau luôn. Hội đoàn Việt kiều do Cộng sản nắm,
được Cộng sản Pháp hỗ trợ chống Chính phủ Việt Nam Cộng hòa như từ trước.
Kí:
Phạm Khắc Hi, đại sứ.
*
Báo cáo của Joseph Stainer:
Chất lượng của phong trào
sinh viên Sài Gòn bị pha loãng do sự xuất hiện đột ngột của học sinh. Nữ sinh
các trường Trưng Vương, Gia Long, Marie Curie, kêu gọi học sinh toàn quốc chống
ông Diệm. Thật ra, nếu không quy mô ở đây, với các trường nữ này, chưa phải là
điều chúng ta lưu ý, kể cả sự tham gia sau đó của trường Jean Jacques Rousseau.
Nói chung, với số đông trong họ thuộc gia đình quyền quý và mộ đạo Phật, chúng
ta thu lợi nhiều hơn. Nhưng, khi học sinh các trường Võ Trường Toản, Chu Văn
An, Lê Văn Duyệt, Hưng Đạo, Trường Sơn, Văn Lang, nhất là trường Kĩ
thuật Cao Thắng nhảy vào vòng chiến, tình thế phức tạp. Số này không làm như
nhóm sinh viên Đinh Quốc Ân (Y khoa), Nguyễn Trọng Nho (Nông lâm), Phạm Đức Khoan (Văn khoa) trích huyết viết
kiến nghị gửi ông Diệm cốt khoa trương và tạo tên tuổi, nhắc nhở chúng tôi rằng
họ đang có mặt và họ cũng xứng đáng được đối xử nhu Tô Lai, Võ Như... Học sinh
đông hàng mấy vạn không chịu sự kiểm soát của Ủy ban chỉ đạo và có vẻ muốn tự lập.
Không thể không nghi ngờ Việt Cộng len lỏi vào phong trào học sinh, nơi chúng
có điều kiện hơn trong sinh viên vì tuyệt đại đa số học sinh là con nhà lao động,
thân nhân dính líu với Việt Minh trước đây. Cứ xem các cuộc xung đột trên đường
phố thì ta có thể kết luận được rằng Ủy ban chỉ đạo lần lần để vuột khỏi tay
mình lực lượng đông nhất. Trong Ủy ban chỉ đạo lại phát sinh tranh chấp ngôi vị
lợi quyền. Tôi trực tiếp chứng kiến cuộc đụng độ ngày 9-9, cảnh sát dã chiến với
học sinh trường Cao Thắng - một trận đánh hẳn hoi mà tôi có thể minh họa bằng
hình ảnh Công xã Paris: chướng ngại vật, các loại vũ khí nào búa, gậy, dao cầm
cự suốt nửa ngày với lựu đạn cay, phi tiễn, dùi cui, vòi rồng... Tình hình trường
Chu Văn An rất gay go, tuy nhiên biểu thị tính cách Phật giáo rõ hơn. Học sinh
hạ cờ Việt Nam Cộng hòa, kéo cờ Phật giáo và đánh nhau với cảnh sát. Cuối cùng,
một nghìn
hai trăm học sinh bị áp giải... Tôi đề nghị Thiếu
tướng Jones Stepp nên cùng Tổng nha cảnh sát trao đổi. Yêu cầu của chúng ta là
không để phong trào học sinh vượt khỏi lằn ranh cho phép và nhất là không để
phong trào học sinh trở thành nòng cốt dẫn dắt trở lại phong trào sinh viên.
Trong vụ Chu Văn An đã lọc được bảy mươi hai
tên tình nghi cảm tình Việt Cộng trong khi toàn bộ Cao Thắng có lẽ do Việt Cộng
chỉ huy.
*
Luân thay quần áo, mặc bộ
quân phục ra phòng khách. Hai sinh viên có vẻ sốt ruột.
- Xin lỗi, tôi vừa đi làm về...
Nào, ta cần gì nhau? - Luân bắt tay Tô Lai và Võ Như.
- Chúng tôi xin tự giới thiệu...
- Tô Lai nói.
- Khỏi! Tôi biết hai anh là
ai. Báo chí đăng khá nhiều hình các anh, đặc biệt anh Tô Lai... Một Vũ Văn Mẫu
hay một Đỗ Mậu? - Luân cười cười, ngó cái đầu cạo nhẵn của Tô Lai.
- Thế thì chúng ta có thể
vào đề ngay. Nhưng chúng tôi muốn biết chúng tôi phải xưng hô với ông thế nào
cho đúng?
Luân cười, ngó thẳng Tô
Lai:
- Tôi là Đại
tá Nguyễn Thành Luân...
- Nếu ông thích quân hàm đại
tá, chúng tôi sẽ xưng hô theo ý thích của ông.
- Ở đây, không có chuyện
theo ý thích. Hai anh là sinh viên, tôi gọi là anh. Còn chủ tịch Ủy ban chỉ đạo,
tôi không biết!
- Một đại tá thân cận với Tổng
thống Diệm mà không biết chủ tịch Ủy ban chỉ đạo sinh viên, học sinh?
- Có thể tôi không biết. Có
thể tôi không cần biết. Cái tôi cần biết là hai anh đến gặp tôi có chuyện gì?
Tôi đã quá tuổi sinh viên từ lâu, cho nên chức vị của hai anh không khiến tôi
phải mất thì giờ.
- Chúng tôi chống ông Diệm!
- Đó là quyền của các anh.
Tôi hiểu.
- Nhưng, chúng tôi muốn đại
tá tỏ thái độ...
- Tại sao tôi phải tỏ thái
độ? Và thái độ gì?
- Người ta nói với chúng
tôi rằng đại tá có uy tín với quân đội, với người Mỹ. Sinh viên muốn đại tá đứng
về phía chúng tôi...
- Quân nhân chúng tôi không
được quyền làm chính trị. Các anh biết luật lệ đó, nhất là anh, anh Tô Lai,
sinh viên khoa Luật! - Luân châm biếm.
Luân đang cố phân tích xem
hai người gặp anh thực chất nhằm mục đích gì.
- Tôi xin hỏi thẳng hai
anh: Phong trào mà hai anh đứng đầu chống ông Diệm đàn áp Phật giáo, đúng
không?
- Đúng...
- Đã đến lúc tình thế phải
ngã ngũ. Ngã ngũ không có nghĩa là nếu ông Diệm thôi đàn áp Phật giáp thì đâu sẽ
vô đó... Đúng không?
Hai người hơi lúng túng,
ngó nhau, chưa tìm ra câu trả lời.
- Giả tỉ ông Diệm thôi đàn
áp Phật giáo, các anh sẽ thất vọng, đúng không?
Vẫn không có câu trả lời.
- Nhiệm vụ của các anh là
làm thế nào để cho ông Diệm không thể thôi đàn áp Phật giáo - bây giờ, thì đàn
áp cả sinh viên, học sinh, trí thức... Đúng không?