Ván bài lật ngửa - Phần VII - Chương 04 phần 1
P7 - Chương 4
Buổi sáng ngày 11-6, theo kế
hoạch, các chùa trong đô thành tiếp tục lễ cầu siêu cho các nạn nhân ngày 8-5 ở
Huế.
Nhìn bên ngoài, tình hình
quan hệ Phật giáo và Chính phủ có vẻ được lắng dịu đôi chút sau khi Ủy ban liên
bộ Chính phủ và Ủy ban liên phái của Phật giáo tiếp xúc thường xuyên và đi đến
một vài thỏa thuận. Các cuộc tuyệt thực phản đối của tăng ni lan rộng khắp các
tỉnh miền Trung và ở đô thành lần lượt chấm dứt.
Tổng thống Việt Nam Cộng
hòa ra một số quyết định mà người ta có thể hiểu như là một mức nhượng bộ nào
đó: Trung tá Trần Ngọc, tỉnh trưởng Kiến Hòa được đề cử làm thị trưởng thành phố
Đà Nẵng thay thế Hà Thúc Luyện. Tuy nhiên, cái nút gây căng thẳng vẫn chưa được
tháo mở - cuộc bao vây chùa Từ Đàm ở Huế, nơi mà theo ý của Phan Quang Đông và
được Diệm tán thành, là cái “lò” tiêu biểu cho sự “cứng đầu” của Phật giáo, chừng
nào chưa buộc các nhà sư Từ Đàm quy hàng với bản nhận tội vô tình hay cố ý tiếp
tay Cộng sản thì chưa thể chấm dứt cái gọi là chiến dịch “củng cố quyền lực Chính
phủ.”
Một số khá đông tăng ni và
Phật tử tập trung từ sáng sớm tại chùa Phật Bửu trên đường Cao Thắng. Nha cảnh
sát đô thành được thông báo về lễ cầu siêu này và giám đốc nha nhìn thông báo ấy
ngang với hoặc thấp hơn những lễ cầu siêu ở các địa điểm khác, bởi Phật Bửu là
ngôi chùa quá nhỏ, nằm ở một vùng lao động - chợ Vườn Chuối. Chín giờ, lễ cầu
siêu chấm dứt không có xung đột - tăng ni và Phật tử đọc kinh cầu nguyện trong
trật tự còn nhân viên công lực, gồm một tiểu đội cảnh sát lặng lẽ theo dõi bên
ngoài chùa. Cũng chừng ấy mật vụ và công an chìm được bố trí chen lẫn với Phật
tử. Tất cả đều hiền lành và hẳn, cảnh sát cũng như mật vụ đều nghĩ rằng hôm nay
họ sẽ có được một ngày rảnh rỗi.
Từ Phật Bửu Tự, các tăng ni
rước bài vị nạn nhân ra đường Phan Đình Phùng. Số tín đồ không đông lắm và người
ta đoán các tăng ni sẽ đến bến xe Nguyễn Cư Trinh để lên đường ra Huế. Chín giờ
ba mươi, đoàn kéo đến ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt. Tại đây, một số
tăng ni đã tập hợp từ trước. Hai con đường giao thông quan trọng của đô thành bỗng
tắc nghẽn. Tăng ni và Phật tử, đông lối bảy trăm người, hình thành một
vòng tròn. Từ trên chiếc xe du lịch hiệu Austin mang số DBA 599, hai nhà sư bước
xuống.
Một trong hai nhà sư, tuổi
lối bảy
mươi, người dong dỏng cao, mặc áo đạo màu nâu, thanh thản ngồi
xếp bằng giữa ngã tư, một tay chấp trước ngực, một tay lần tràng hạt, còn nhà
sư kia thì lấy từ trong xe ra một can xăng loại 20 lít, tưới lên người nhà sư
đang ngồi. Xăng xối từ đầu, đẫm ướt toàn thân nhà sư. Một diêm quẹt lóe lửa, ngọn
đuốc bùng cháy, khói và lửa bốc cao. Bảy trăm tăng ni đồng loạt quỳ chung quanh
ngọn lửa đọc một đoạn kinh bằng tiếng Phạn.
Nhà sư tự thiêu, trong vùng
lửa đỏ, ngồi như tĩnh tọa, chỉ ngã xuống khi tắt thở. Thời gian diễn biến sự việc
kéo dài lối bốn
mươi lăm phút. Thi thể của vị sư hỏa thiêu được bọc trong một
tấm vải và toàn đoàn bước sau thi thể, tiếp tục đọc kinh, hướng về chùa Xá Lợi.
*
THÔNG BÁO CỦA NHA THÔNG
TIN:
Hồi 9 giờ 30 ngày 11-6, tại
góc đường Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, một người đã dùng xăng tự sát. Tên
ông ta là Nguyễn Văn Khiết, bảy mươi ba tuổi, quê ở Khánh Hoà.
Cuộc điều tra của Nha cảnh
sát đang được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân của vụ tự sát.
*
THÔNG BÁO CỦA GIÁO HỘI PHẬT
GIÁO:
Thượng tọa Thích Quảng Đức,
năm nay thọ bảy
mươi ba tuổi, xuất gia học đạo khi lên bảy tuổi
với hòa thượng Thích Hoàng Thân. Ngoài thế tục, thượng tọa tên là Lâm Văn Tức,
sau đổi là Nguyễn Văn Khiết, đạo hiệu Thích Quảng Đức, pháp danh Thụy Thủy,
pháp tự Hành Pháp. Ngài thụ sadi năm mười lăm tuổi, thọ cụ túc giới
lúc hai
mươi tuổi và phát nguyện tham thiền trên núi ba
năm liền. Sau hai năm vân du hóa đạo, Ngài về nhập thất ở Ninh Hòa
và Nha Trang, làm chứng minh đạo sư cho chi hội Ninh Hòa Việt Nam Phật học và
kiểm tăng tỉnh Khánh Hoà. Thượng tọa Thích Quảng Đức nghiên cứu giáo lí Phật ở
Nam Vang ba năm, kiến tạo và trùng tu cả thảy ba mươi mốt ngôi chùa. Ngôi
chùa cuối cùng Ngài trụ trì là Quan Thế Âm tự, số 66 đường Nguyễn Huệ, Phú Nhuận.
Thượng tọa người thôn Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà, Trung Việt.
Thượng tọa Thích Quảng Đức
tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của Chính phủ. Toàn thể tăng
ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam đang cầu nguyện cho Ngài.
*
THÔNG ĐIỆP CỦA TỔNG THỐNG GỬI
ĐỒNG BÀO THỦ ĐÔ:
Sài Gòn (VTX)
Sau đây là nguyên văn thông
điệp truyền thanh của Tổng thống gửi đồng bào thủ đô tối nay, 11-6-1963.
Đồng bào thân mến ở Thủ đô.
Sau cuộc tiếp xúc giữa Ủy
ban liên bộ với đại diện Tổng hội Phật giáo ngày 5-6-1963, về phía Chính phủ đã
thi hành mọi biện pháp thích nghi để ổn định tình thế tại cố đô Huế và đời sống
tại thành phố nay đã hoàn toàn trở lại bình thường. Ngày mai, 12-6-1963, một
phái đoàn Tổng hội Phật giáo sẽ tới Sài Gòn để tiếp tục cuộc thảo luận với Ủy
ban liên bộ về những vấn đề do Tổng hội đề ra.
Công việc đang tiến hành điều
hòa như vậy thì sớm nay, do sự tuyên truyền quá khích che giấu sự thật, gây sự
hoài nghi về thiện chí của Chính phủ, khiến một số người bị đầu độc gây một án
mạng oan uổng làm cho tôi rất đỗi đau lòng.
Tôi kêu gọi đồng bào hãy
bình tĩnh nhận định tình thế, sáng suốt xét mọi vấn đề trên căn bản lương tri
và ái quốc. Đồng bào hãy tin chắc rằng, tất cả mọi vấn đề dầu khó khăn đến mấy
cũng có thể giải quyết trên lẽ công bằng và trên tình đoàn kết huynh đệ của dân
tộc. Nếu trong hàng ngũ Phật giáo hãy còn phần tử nào vì nghe lời xuyên tạc mà
lầm tưởng rằng có âm mưu thủ đoạn nào để trì hoãn cuộc giải quyết, để đàn áp bất
công Phật giáo thì tôi long trọng tuyên bố cho đồng bào biết rằng, sau lưng Phật
giáo trong nước hãy còn có hiến pháp, nghĩa là có tôi.
*
THÔNG BÁO VỀ VIỆC TĂNG NI
VÀ THIỆN TÍN ĐẾN CHÙA XÁ LỢI
Nha cảnh sát đô thành trân
trọng thông báo:
Do chỉ thị của ông Bộ trưởng
nội vụ, ngày 11-6-1963 hồi 20 giờ, Giám đốc Nha cảnh sát quốc gia đô thành có
tiếp xúc với ông Tổng thư kí Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo và đã thỏa thuận
về những điều sau đây nhằm mục đích để cho các sư sãi, tăng ni, thiện tín có thể
đến chùa Xá Lợi chiêm bái hay hành lễ cầu siêu cho giác linh Thượng tọa Thích
Quảng Đức tự thiêu ngày 11-6-1963:
1. Chương trình hành lễ cầu
siêu:
- Tất cả các sư sãi tăng
ni, thiện tín sẽ tập trung tại chùa Giác Minh, 578 đường Phan Thanh Giản để lần
lượt được ban tổ chức và nhà cầm quyền đô thành hướng dẫn bằng xe đến chùa Xá Lợi.
- Số sư sãi, tăng ni, thiện
tín tối đa cho mỗi phiên hành lễ là bốn trăm người.
- Thời gian hành lễ được ấn
định kể từ ngày 12-6-1963 đến ngày 15-6-1963 vào lúc 20 giờ và dành cho các
chùa kể dưới đây:
Ngày 12-6-1963
5 giờ 00: Chư tăng trụ chùa Xá Lợi, 10 giời 00: Chùa Giác Minh, 15 giờ 00: Chùa Từ Nghiêm, 20 giờ 00: Chùa Ấn Quang.
Ngày 13-6-1963
5 giờ 00: Chư tăng trụ chùa Xá Lợi, 8 giờ 00: Chùa Phật Bửu, 10 giờ 00: Chùa Kì Viên, 15 giờ 00: Chùa Chantareansey, 16g giờ 00: Chùa Ấn Quang, 20 giờ 00: Hội Phật học Nam Việt.
Ngày 14-6-1963
5 giờ 00: Chư tăng trụ chùa Xá Lợi, 8 giờ 30: Chùa Vạn Thọ, 10 giờ 00: Chùa Giác Nguyên và Chánh Giác, 15 giờ 00: các chùa Trung Hoa, 17 giờ 00: Chùa Từ Nghiêm, 20 giờ 00: Chùa Phước Hòa.
Ngày 15-6-1963
5 giờ 00: Chư tăng trụ chùa Xá Lợi, 8 giờ 00: Chùa Ấn Quang, 10 giờ 00: Chùa Chantareansey, 15 giờ 00: Chùa Kì Viên, 17 giờ 00:
Chùa Vạn Thọ, 20 giờ 00: Chùa Từ Nghiêm.
- Thiện tín muốn đến chùa
Xá Lợi bái hay hành lễ, dầu không có “chân” trong các chùa ghi trên đây được
phép tháp tùng theo các phái đoàn và muốn được như vậy, cũng phải tập trung tại
chùa Giác Minh.
2. Các xe của chùa Xá Lợi (Hội Phật học Nam Việt) được Nha Cảnh sát quốc gia đô thành cấp phù hiệu để
ra vào chùa hành sự thong thả, bất luận lúc nào.
3. Cấp giấy chứng nhận cấp
cho nhân viên chùa Xá Lợi sẽ được ông Giám đốc Nha Cảnh sát quốc gia đô thành kí
tên cho phép xuất nhập chùa Xá Lợi bất luận lúc nào.
Những điều thỏa thuận giữa
đôi bên kể trên đã bắt đầu áp dụng kể từ ngày 12-6-1963 vào hồi 12 giờ và đến hết
ngày 12-6-1963, hồi 19 giờ đã có một nghìn sáu trăm hai mươi
người được hướng dẫn đến chùa Xá Lợi để chiêm bái hoặc hành lễ cầu siêu. Những
người này đã ra về trong vòng trật tự và êm thắm.
Sài Gòn, ngày 12 tháng 6
năm 1963.
Giám đốc Nha cảnh sát quốc
gia đô thành Sài Gòn.
TRẦN VĂN TƯ
Tổng kiểm tra CSQG
*
Luân hoàn toàn bất ngờ đối
với vụ tự thiêu của vị cao tăng Thích Quảng Đức. Tổng nha Cảnh sát quốc gia
cũng như Sở Nghiên cứu chính trị của Trần Kim Tuyến sửng sốt trước cái tin chấn
động ấy. Thế nhưng nhà báo Mỹ Helen Fanfani lại có nhiều bức ảnh ghi lại hành động
tử vì đạo lần đầu tiên của giới Phật giáo Việt Nam trong thời kì gần đây.
Fanfani đến nhà Luân với một
xấp ảnh đã được phóng đại. Giữa lúc Dung và Fanfani trao đổi về những góc cạnh
thuộc tư thế của vị hòa thượng trước và trong cái chết, Luân bồi hồi như chạm
trán với một sự cố mà tầm vóc không chỉ đơn giản là một vụ tự thiêu để phản đối.
Trong vòng năm tuần lễ, kể từ lúc chính quyền Thừa Thiên nổ súng vào đám đông Phật tử ở
chân cầu Nguyễn Hoàng tại Huế, không khí chính trị của Việt Nam Cộng hòa đột ngột
căng thẳng. Chắc chắn rằng cái chết của Thích Quảng Đức mới đúng là phát đại
bác báo hiệu trận công đồn bước vào giai đoạn chót. Theo thuật ngữ quân sự mà
Luân có thói quen liên nghĩ để so sánh các tình huống, đột phá khẩu mở vào dinh
lũy của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đủ rộng để cho không phải một trung đoàn, một
quân đoàn mà để cho những đợt sóng thần nhấn chìm và quét sạch những
gì là chướng ngại - chướng ngại của cả hai phía: Mỹ cần qua xác Diệm để đạt ý đồ
làm chủ Nam Việt; quần chúng cần xóa một tên độc tài.
Thông điệp của Ngô Đình Diệm
vừa cho thấy ông cảm giác khá nhanh về mối nguy cơ mà vụ tự thiêu này sẽ dẫn tới,
đồng thời vẫn chưa bỏ kiểu cách nhìn tình hình theo lối kẻ cả, rõ ràng với tinh
thần hiếu thắng của một vị hoàng đế. “Tôi long trọng tuyên bố cho đồng bào biết
rằng, sau lưng Phật giáo vẫn còn có Hiến pháp, nghĩa là có tôi.” Diệm có lẽ đã
gắng hết sức mình để tự kềm chế, đáng lí ông không nên dùng chữ “sau lưng” mà
phải “đứng trên Phật giáo.” Vượt qua tất cả, Diệm sống với cái ảo giác ông là
người giữ quyền lực tối cao ở đất nước này. Ông xem vụ tự thiêu vì lí do chính
trị là một vụ “án mạng oan uổng!” Ông tưởng rằng bằng một thông điệp ngắn gọn,
với lời lẽ “có ân có uy,” tình hình sẽ ổn định ngay. Trong cơn tức giận và dĩ
nhiên là bấn loạn, ông quên rằng chính ông đã kêu gọi dân chúng Huế đừng xao
xuyến sau ngày 8-5 và kết quả là cảnh sát dã chiến Huế đã phải dùng bạo lực cao
hơn và nhiều hơn để xua sư sãi vào các ngôi chùa, đặc biệt biến chùa Từ Đàm
thành một nhà tù tệ hại vượt qua tất cả các nhà tù hiện có.
Giám đốc Cảnh sát đô thành
Trần Văn Tư, lập lại bài bản cũ: hạn chế lễ viếng hòa thượng Thích Quảng Đức.
Chế độ của Ngô Đình Diệm vẫn xét sự biến động Phật giáo một cách riêng lẻ: nếu
như khoanh vụ Huế vào giữa vòng rào chùa Từ Đàm thì sẽ xóa được trong chương
trình nghị sự của họ vấn đề Phật giáo; còn bây giờ nếu giảm đến mức tối thiểu số
người đi viếng hòa thượng Thích Quảng Đức, thì có vẻ sự thể chỉ còn là một cái
chết của một nhà sư, với các đoàn thể phúng điếu thông thường... Thậm chí Tổng
nha Thông tin đã nhanh nhảu đến nỗi gọi vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng
Đức là một vụ tự sát.
Những bức ảnh mà Fanfani
ghi được - rồi đây nhất định sẽ được công bố rộng rãi trong và ngoài nước - có
một sức chứa kì lạ. Chỉ cần xét vấn đề ở một góc độ nhỏ thôi. Tổng thống Ngô
Đình Diệm đã trở thành một cái gì vô nghĩa lí trước một Thích Quảng Đức ung
dung, tự tin về hành động của mình. Ngọn lửa bốc cao, mảnh áo ngoài thành tro
cuốn theo làn gió nhẹ, da thịt của hòa thượng trở thành chất đốt và chỉ đến lúc
đó, đến lúc mà toàn bộ hệ thần kinh của hòa thượng cùng với toàn bộ tế bào đã
khô kiệt, hòa thượng mới từ từ ngã xuống. Làm sao một chế độ, dù đủ súng ống, lại
có thể đương đầu nổi với những cái chết tương tự? Không thể tán thành phương
pháp đấu tranh của hòa thượng Thích Quảng Đức - nó mang nhiều yếu tố tiêu cực -
Luân không giấu giếm sự khâm phục nhà sư. Anh hiểu rằng, nếu tách hành động của
nhà sư ra khỏi các loại chủ trương mà chắc chắn có tác động đến nhà sư, thì sự
hi sinh của Thích Quảng Đức, đã phản ảnh trên một khía cạnh nào đó tính cách của
con người Việt Nam chân chính...
- Tại sao cô có thể chứng
kiến được cảnh này? - Luân hỏi Fanfani.
Cô nhà báo Mỹ dường như
đoán trước Luân sẽ hỏi câu đó nên mỉm cười:
- Nếu tôi bảo rằng vì tình
cờ đi ngang mà tôi thu được ảnh của vụ tự thiêu thì đại tá sẽ nhún vai. Tôi “ngửi”
được sẽ có một quả bom nổ và tôi xông xáo. Không phải Fishell cho tin, đời nào
ông ta cho tôi những loại tin cỡ đó. Đại tá bằng lòng cách giải đáp đó của tôi
không?
Luân không tỏ ra một thái độ
nào. Fanfani trở nên tinh nghịch:
- Tôi mới nói với bà đại
tá: bà là nhân viên cấp khá cao trong ngành cảnh sát, kề cận Tổng giám đốc và
tiếp xúc hằng ngày với đủ loại báo cáo, thế mà bà đã không ngờ trước vụ Thích
Quảng Đức. Còn ông, đủ điều kiện hơn bà để nắm mọi ngóc ngách của tình hình,
ông cũng bàng hoàng nốt! Ông bàng hoàng nghĩa là ông Nhu cũng bàng hoàng.
- So với Victor,
cô đã gác một điểm quan trọng! Các bức ảnh của cô sẽ làm cho tờ báo của cô đi
đúng với tính chất tài chính của nó... - Luân cười nhẹ.
- Tôi báo cho đại tá một
tin: Tôi chỉ thu được một số ảnh trong khi một kí giả người châu Á - một người
châu Á thì là chắc chắn, còn có phải là kí giả hay không thì tôi chưa khẳng định
- quay cả một cuốn phim. Có thể ông ta quay nhiều cuốn phim. Đại tá có nghĩ rằng
John Hing liên can đến vụ tự thiêu này không?
- Có thể. Và, tuy tôi không
hân hạnh chứng kiến sự việc tại hiện trường như cô, nhưng tôi biết chắc chắn ít
nhất còn có một caméra nữa...
- Của ai?
- Theo tôi, ông Mai Hữu
Xuân không bàng quan.
Điện thoại reo. Nhu gọi
Luân vào Dinh Gia Long gấp.
- Với tôi, vụ tự thiêu cao
cả của hòa thượng Thích Quảng Đức sẽ bị khai thác. Thật lòng, tôi đau đớn trước
một cái chết mà tôi khâm phục cái chết đó.
Luân nói những lời chót với
Fanfani trước khi lên xe.
- Ông kĩ sư là một con người
kì quặc! - Fanfani nhận xét như vậy với Dung.
- Dù thế nào cái chết của
hòa thượng cũng là một thảm kịch. Anh Luân của tôi không thích các loại thảm kịch.
- Dung trả lời Fanfani.
*
Có mặt ở phòng làm việc của
Diệm gần đủ mặt: Nhu, Luyện, Trần Lệ Xuân, Đức cha Ngô Đình Thục, Bác sĩ Trần
Kim Tuyến, Đại tá Tổng giám đốc cảnh sát Nguyễn Văn Y, Đại tá Đặng Văn Quang
- sắp rời tham mưu biệt bộ sang phụ trách trung tâm tình báo - Đại
tá Nguyễn Thành Luân và bí thư của Tổng thống Võ Văn Hải.
Nhìn qua thành phần, Luân
hiểu rằng Diệm muốn nghe ý kiến của những người thân cận nhất để đi đến một ý
kiến cực kì quan trọng. Đô thành và khắp các tỉnh giống như cơn dầu sôi. Vụ tự
thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức khơi dậy những tiềm lực mà bấy lâu chế độ
Diệm tạm thời nén ém được. Hết sức phũ phàng đối với Diệm - ông vẫn ngồi trên
chiếc ghế bành quen thuộc nhưng vắng hẳn nụ cười thỏa mãn thường lệ mỗi khi có
cuộc tập họp mang tính chất gần như gia đình này - thiên huyền thoại “không thể
nào lật đổ nổi chế độ Ngô Đình Diệm” bỗng phá sản và hơn nữa, đảo ngược một
cách tàn nhẫn: không một chế độ nào dễ lật đổ hơn chế độ Ngô Đình Diệm!
Diệm mở đầu cuộc họp, quên
cả chọn giọng nói: ông có biệt tài nói giọng Bắc với người di cư, giọng Bắc
Trung Bộ với những người đồng hương và giọng Nam với các đối tượng còn lại - bữa
nay ông nói giọng lai tạp:
- Tình hình thì ai cũng đã
rõ, hết sức vô lí. Giữa lúc toàn dân nỗ lực tối đa để chiến thắng Cộng sản và
ngày chiến thắng gần kề thì các lão thầy chùa gây rối. Phải dập tắt tất cả các
hành động đâm sau lưng chiến sĩ của bọn giả danh tu hành!
Diệm liếc về phía đại tá Tổng
giám đốc cảnh sát và Bác sĩ Trần Kim Tuyến.
- Sao lạ rứa? Vụ tự tử để
gây kích động giữa một ngã tư lớn của đô thành mà các cơ quan cảnh sát, tình
báo của Chính phủ hoàn toàn không hay biết. Các ông ngủ cả à? Đã thế, còn để
cho phóng viên nước ngoài chụp ảnh, quay phim. Phóng viên nước ngoài dò được
tin tức trong khi ông Y, ông Tuyến chỉ báo cáo với tôi khi bọn chúng đã khiêng
xác chết về chùa Xá Lợi...
Diệm lại liếc về phía Nhu -
Luân ngồi cạnh Nhu:
- Nhượng bộ! Chính trị! Chú
Nhu thấy rồi đó. Phải chi ngay đầu tháng năm ta tóm cổ tất cả bọn sư
sãi ở Huế, tống chúng vào lao Phủ Thừa, thì tình hình đâu có rối như hiện giờ.
Diệm nói như quát, mặt lúc
tái, lúc đỏ. Những người dự họp im lặng. Nhu cau mày, rít thuốc liên hồi. Ngô
Đình Thục ngó đăm đăm bộ ba Trần Kim Tuyến, Nguyễn Văn Y, Đặng Văn Quang - cả
ba khoanh tay ngồi thu lu. Chân mày của Trần Lệ Xuân xếch ngược, môi mím chặt.
Ngô Đình Luyện, khác với tất cả, ngó sang Dinh Độc Lập, hình như thích thú khu
vườn rợp mát đầy cổ thụ hơn là vấy vào cái không khí oi ả của gian phòng, Võ
Văn Hải nép hẳn ở hàng ghế sau, với cuốn sổ và cây bút lúc nào cũng sẵn trên
tay, Luân chọn một thái độ mà anh cho là thích hợp: bình tĩnh lắng nghe Tổng thống
quở, thỉnh thoảng ra chiều suy nghĩ, thong thả từng lọn khói thuốc.
- Đúng như Tổng thống nói,
thật vô lí! - Ngô Đình Thục hậm hực.
Đức cha Ngô Đình Thục vừa
được phong chức Tổng giám mục địa phận Huế. Với ông, chức vụ đến hơi muộn. Và
điều mà ông bận tâm chính là những sự cố từ năm 1960 đã trở thành những chướng
ngại vật trên con đường tiến đến tước vị Hồng y mà ông thèm muốn đến độ điên cuồng.
Em ông, vị Tổng thống khai sáng nền Cộng hòa ở Nam Việt, còn gì hợp lí hơn là
chính ông nhận chiếc mũ Hồng y đầu tiên ở Việt Nam? Năm nay, kỉ niệm hai mươi lăm năm ông thụ phong Giám mục. Lễ Ngân khánh được sửa soạn từ lâu. Một ủy ban
tổ chức đã thành lập và hoạt động vào tháng ba năm nay, gồm một danh sách
rôm rả. Trưởng ban tổ chức là Chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ, phó trưởng ban
là Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Quang Trình, Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu,
Viện trưởng Viện Đại học Huế, linh mục Cao Văn Luận. Đó là tổ chức cấp
Trung ương, còn cấp tỉnh thì trưởng ban là tỉnh trưởng. Thông báo của ban tổ chức
Trung ương cho biết lễ Ngân khánh của vị Giám mục niên trưởng Việt Nam sẽ được
tổ chức vào ngày 29-6-1963 và tuy không nằm trong diện những ngày lễ của Nhà nước,
nhưng vì công lao của Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, dân chúng hãy xem đó như là
ngày quốc lễ. Công cuộc lạc quyên được Bộ Công dân vụ xúc tiến mạnh mẽ kết hợp
với các cấp hành chính, quân sự, cảnh sát và đoàn thể. Chỉ trong vòng có một
tháng, trưởng ban tổ chức Trương Vĩnh Lễ đã báo cáo với Đức cha số tiền do các
nhà hảo tâm và dân chúng đóng góp đã lên đến trên 20 triệu đồng. Riêng chuyến
đi của Đức Tổng giám mục ra La Vang, quỹ mừng lễ Ngân khánh của địa phận Quảng
Trị đã hơn nửa triệu đồng.
Cũng chính chuyến đi từ La
Vang trở về Huế đã làm cho Đức Tổng giám mục bất bình. Dọc theo quốc lộ, cờ Phật
tung bay, lấn át cả cờ đạo Thiên Chúa. Về đến Phú Cam chiều ngày 7-5, Ngài gọi
tỉnh trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đẳng, phó tỉnh trưởng phụ trách nội an Thiếu
tá Đặng Sĩ và đại diện Chính phủ ở Bắc Trung nguyên Trung phần Hồ Đắc Khương đến
quạt cho một trận ra trò. Sau đó, ông hấp tấp bay vào Sài Gòn.
- Rứa! Những cái mà tôi lo
xa thì bây giờ đã rõ. - Tổng giám mục mất hẳn vẻ ôn tồn của vị chủ chăn - Đáng lí
dẹp Phật giáo thì Chính phủ lại kỉ luật tỉnh trưởng và phó tỉnh trưởng Thừa
Thiên. Linh mục Hoàng biên cho tôi một thơ dài, ông ta bất mãn chú Nhu. Chính
phủ không dựa vào người theo đạo Chúa mà lại mơn trớn đạo Phật, thật lạ lùng...
Cái trò tự thiêu nguy hiểm lắm!
Trần Lệ Xuân bây giờ mới cất
tiếng:
- Thưa Đức cha, chẳng có gì
nguy hiểm. Con cho đó là một vụ “rôti.” Còn những kẻ nhúng tay vào các vụ “rôti”
thì phải truy tố trước pháp luật về tội sát nhân. Tôi đề nghị Chính phủ ra ngay
một sắc lệnh cấm chỉ những hành động tương tự với những điều khoản gắt gao. - Lệ
Xuân ném giữa cuộc họp những từ ngữ dữ dội.
Ngô Đình Nhu, nếp nhăn như
thêm sâu trên vầng trán thông minh, hỏi vợ:
- Em đã nói những câu vừa rồi
với ai chưa?
- Nói rồi! - Môi của Lệ
Xuân cong lên - Em nói với phóng viên tờ Washinggon Post ngày hôm qua. Em nói
rõ, bằng tiếng Pháp, tự thiêu là rotissage và kẻ tổ chức tự thiêu là assasin.
Em nói như vậy đó. Những tên thầy chùa muốn tự “quay” thì cứ để cho chúng tự “quay.”
Chúng bảo sẽ về đất Phật. Mặc kệ Phật tổ với cái món “rôti” thịt người khét lẹt,
buồn nôn...
Có lẽ trong những trường hợp
như thế này, Lệ Xuân bộc lộ chân thật nhất con người của mụ ta. Luân cố nén cái
cười mỉm, nhưng anh nghe rõ tiếng thở dài sườn sượt của Nhu.
- Tôi nghĩ là chị đã quá giận.
- Ngô Đình Luyện nói: nếu vấn đề không gay cấn đến mức thì Luyện rất
ít tỏ rõ ý kiến trong các cuộc họp - Những từ của chị dùng sẽ là vũ khí mà những
kẻ chống chúng ta trong cũng như ngoài nước, nhất định vồ lấy để đập lại chúng
ta. Ở nhà, các anh chị khó hiểu tâm lí của thế giới đối với Việt Nam Cộng hòa chúng
ta. Tôi tin là anh Luân nhạy cảm trước những bất lợi mà gia đình chúng ta, chế
độ chúng ta phải đối phó...
- Cũng có đến ba bảy đường
dư luận. - Trần Lệ Xuân tiếp tục lồng lộn, không thèm ngó mặt Luyện - Dư luận bị
đầu độc, chúng ta phải giải độc. Chẳng lẽ chúng ta xin lỗi những kẻ tự đổ xăng
vào mình, tự châm lửa. Họ thích tự sát, họ thích tự đốt chùa của họ, chúng ta
phải làm gì? Chúng ta có trói gô họ lại đâu, có đổ xăng vào người họ đâu? Mấy
năm trước, Hoàng Văn Đáp cũng đã tự thiêu trước tòa đô chính, vài dư luận xấu
muốn nhân đó bôi lọ chúng ta, nhưng chân lí vẫn là chân lí. Hoàng Văn Đáp chết,
một oan án, thế thôi. Thằng cha Nguyễn Văn Khiết vừa tự sát, hoặc hắn bị những
người khác giết giữa ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, thêm một oan án nữa.
Thế thôi. Đó là công việc của ngành cảnh sát hình sự: truy tầm thủ phạm, tống
giam, đưa ra tòa, bỏ tù... Bấy nhiêu việc mà cả một bộ máy quốc gia không giải
quyết được, lại phiền lòng đến Tổng thống, Đức Tổng giám mục. Người Mỹ nhìn vụ
tự thiêu của Thích Quảng Đức như thế nào? Bà Lindsay Nolting nói với tôi: “Cảnh
sát Nam Việt tồi quá...”
Ngô Đình Nhu đưa tay ra hiệu
ngăn vợ:
- Đại sứ Nolting lại nói
khác với tôi.
- Ông Nolting nói cái gì? -
Lệ Xuân hỏi chồng một cách gay gắt.
- Ông ta bảo rằng đây là một
vụ chính trị nghiêm trọng. Ông ta không chê trách cảnh sát mà lo ngại về những
điều kiện dẫn đến vụ tự thiêu, nhất là hậu quả của nó...
- Thưa Tổng thống, thưa Đức
Tổng giám mục, thưa ông cố vấn - Đại tá Đặng Văn Quang đứng
lên. Từ nãy giờ Quang là người duy nhất đứng lên rồi mới dám nói - Cơ quan tình
báo Mỹ hình như biết trước vụ tự thiêu, bởi vì 9 giờ 30 phút hơn một chút, ông
Fishell gọi điện cho tôi, nói rõ tên tuổi và pháp danh của người tự thiêu. Sau
đó, ông mời tôi lại cơ quan của ông và cho xem một cuốn phim dài hai mươi lăm phút ghi toàn bộ hình ảnh từ buổi lễ cầu nguyện ở ngôi chùa nhỏ đường Cao
Thắng về chùa Xá Lợi. Ông ta còn cho biết một cuốn phim khác, đang in tráng
quay cảnh cầu siêu ở chùa Xá Lợi. Tôi muốn trình với Tổng thống và quý vị khía
cạnh đó...
Nói xong, Đặng Văn Quang ngồi
xuống, lấm lét ngó quanh.
Nhu bỗng ngó thẳng Trần Kim
Tuyến:
- Bác sĩ Tuyến có nhận được
một nguồn tin nào báo trước không?
Tuyến tái mặt, lắc đầu lia
lịa.
- Còn ông Y? - Nhu hỏi rà.
Y nhổm lên:
- Thưa không.