Một kiếp lênh đênh - Chương 04 - Phần 1
Chương 4
Chị Thanh quyết định
theo chồng đi Mỹ. Mấy bữa nay nhà buồn hẳn đi. Mẹ tất bật trong việc lo giấy tờ
cho chị. Tôi xin với mẹ cho tôi bắt đầu đi làm. Mẹ đồng ý liền.
Lần đầu tiên bước
chân tới bar của mẹ, tôi không khỏi ngỡ ngàng với thứ ánh sáng nhờ nhờ của những
ngọn đèn mờ buổi tối. Mẹ cầm tay tôi dắt đi một cách thông thạo. Qua một căn phòng
rộng có nhiều dãy bàn ghế kê sẵn, tôi chưa thấy rõ ai thì đã nghe tiếng xôn xao:
- Bà chủ tới!
- Hôm nay bả đẹp
quá chừng! Còn cô bé kia chắc là con bả, nghe nói ngoài Kim Thanh, bà chủ còn cô
gái út thường kêu điện thoại tới cho bà.
Chờ cho tôi quen
mắt với ánh sáng trong bar, mẹ dắt tôi tới công toa, kéo ghế cho tôi ngồi và biểu:
- Quan sát đi con,
thấy cách tổ chức của mẹ có hợp ý con không?
Tôi cười bá cổ mẹ
nói:
- Ghét mẹ ghê, cái
gì cũng nói con cả, mẹ làm là nhứt rồi!
Mẹ đỡ tôi ngồi vô
ghế. Lúc này bar chưa có khách, mới chỉ có mười mấy cô gái và ba bốn anh bồi đang
chụm nhau lại nói chuyện.
Mẹ để tôi ngồi nơi
công toa rồi đi lại phía mấy cô gái. Không biết mẹ nói gì mà thấy mấy cô đó ngó
tôi với vẻ rất mến. Tôi kéo hộc tủ ra, một anh bồi chạy lại nói với tôi:
- Thưa cô, cô cần
coi sổ sách?
Tôi ngó anh ta gật
đầu:
- Anh cho Liên coi
sổ bán để Liên biết khi bắt tay vô việc.
Anh ta mở ngăn tủ
ra lấy bông rượu cho gái và tất cả các loại bông bia, nước ngọt, bảng giá... đưa
cho tôi.
- Được rồi Liên đã
hiểu, xin lỗi anh tên chi cho Liên dễ kêu.
- Tôi tên Thành,
thưa cô.
- Anh Thành phụ gì
trong này?
- Dạ thưa cô, tôi
là người chạy bàn kêu thức uống và đưa bông, lấy tiền giao cho cô.
- Còn ai quản lý?
- Dạ, có hai quản
lý, một người quản lý chính và một cô tài pán giới thiệu gái.
- Anh kêu họ lại
cho tôi!
Anh Thành chạy đi.
Chừng năm phút sau, một người đàn ông lớn hơn Thành, khoảng ngoài ba mươi tuổi,
và một người đàn bà cũng cỡ tuổi ấy trở vô cùng với Thành. Tôi làm quen bằng một
nụ cười và nói:
- Từ nay Liên sẽ
phụ trách buổi tối, vì thế chú và thím giúp Liên đắc lực nghe!
Hai người cùng mỉm
cười. Bà tài pán trả lời:
- Dạ thưa, cô yên
tâm, chúng tôi ráng làm vui lòng cô và bà chủ.
Tôi nói chuyện với
họ một lát. Họ khen mẹ đủ thứ, họ kêu tôi là “tiểu thư”...
Khi mẹ trở lại thì
tôi đã làm quen với tất cả mọi người làm trong bar. Tôi được bà tài pán giới thiệu
kỹ từng cô gái và cho biết sức hút khách của từng cô. Ngó đồng hồ đã gần sáu giờ
chiều, tôi thưa với mẹ:
- Mẹ cần đi đâu không?
Mẹ đi một chút trở lại với con, tin chắc mẹ phải phục con cho coi khi con bắt tay
vô việc.
Mẹ cười hôn tôi nơi
trán và nói:
- Mẹ đi lo thủ tục
giấy tờ cho chị con nghe! Lại giờ này người ta mới có ở nhà. Mẹ sẽ trở lại với con
ngay.
Mẹ đi khỏi, tôi bắt
đầu cho nhạc nổi lên. Một tốp Mỹ sáu người mặc đồ sơ-vin bước vô. Các cô chạy lại
tíu tít mời chào. Bọn họ cũng bắt tay cô này, bẹo má cô kia, vỗ mông cô nọ...
Tự động, mấy anh
bồi đem ra sáu hộp bia, vì đây là khách quen nên các anh bồi và gái đều đã biết
sở thích. Anh Thành chạy lại nói với tôi:
- Cô Liên ơi! Tụi
này nó sộp lắm, chúng nó là Mỹ Tàu đấy cô, cô ghi bông sáu hộp bia đi cô!
“Mỹ Tàu”? Có lẽ Thành
muốn nói tụi này là dân chơi cỡ bự, giàu có, chơi phóng tay như khách chơi người
Tàu ở Chợ Lớn... Tôi mỉm cười một mình khi ngó mấy chàng người Mỹ đang xoắn xuýt
bên các cô gái với những cặp mắt hau háu như muốn nuốt chửng lấy các cô.
Tôi ghi bông sáu
hộp bia đưa cho anh Thành mang ra. Liên tiếp, tụi Mỹ mua thêm mười hai ly “Sài Gòn
thi” cho các cô gái. “Sài Gòn thi” thực chất là một thứ rượu giả bắt buộc khách
phải mua khi ngồi với gái, các bar đã đặt ra như vậy để khách gián tiếp trả tiền
cho những cử chỉ âu yếm lúc trò chuyện. Thứ rượu này uống chỉ no bụng chớ không
say, nhưng các cô gái cô nào cũng chịu khó uống càng nhiều càng tốt. Tôi đã được
mẹ giải thích về thứ rượu này từ bữa còn ở nhà phụ mẹ cộng sổ chia tiền cho gái.
Tôi hiểu các cô gái không ham gì thứ nước trà đó, nhưng muốn được nhiều tiền nên
họ ra sức uống, thi nhau uống...
Đối với chủ, đây
cũng là một hình thức kiếm lời thêm.
Các cô gái dư biết
rằng, lẽ ra mình không bị chia sẻ với chủ số tiền đó, vì họ phải trực tiếp cung
phụng cho khách mới được giá. Số bông “Sài Gòn thi” nhiều hay ít là tuỳ thuộc ở
nghệ thuật mời chào của mỗi cô. Biết là bị chủ ăn hiếp rồi, nhưng các cô đâu dám
tỏ ý thắc mắc gì. Thà rằng cứ ngậm miệng đi còn hơn là bị mất việc làm. Mà có đi
tới đâu, khắp Sài Gòn này thì cũng vậy thôi.
Với lại, cũng phải
nói thêm rằng, các cô gái muốn được chắc chân ở với chủ, muốn được chủ yêu mến thì
phải tỏ ra hiền ngoan trước mặt chủ, làm được nhiều tiền cho chủ... có vậy mới mong
có dịp gặp hên qua mắt chủ, kiếm chác được một đôi ngàn do khách tặng riêng.
Tôi ngó xuống các
dãy bàn, lúc này từng cặp đang tán tỉnh nhau. Những anh chàng người Mỹ đặt các cô
trên đùi mà hôn hít, tay sờ soạng khắp người các cô. Có kẻ táo tợn tung bổng cô
gái lên rồi đỡ, cả bọn ngó theo cười hô hố.
Anh bồi hối tôi ghi
bông tiếp cho mười hai ly “Sài Gôn thi” thứ hai. Khách tiếp tục vô bar, chủ yếu
vẫn là người Mỹ. Họ đi từng tốp hai ba người, có khi lẻ loi một người vô. Những
tiếng khui nút bia 33, những tiếng khui hộp lát chát hoà lẫn với tiếng cười, tiếng
nói thành một thứ âm thanh hỗn loạn. Tôi không nhớ mình đã ghi bao nhiêu bông nữa,
chỉ biết khi anh bồi đưa tiền tới là tôi ghi và trao cho anh ta.
Gần mười một giờ
khuya, tiếng nhạc, tiếng cười nói như lắng xuống, tiếng khui bia thưa thớt dần,
không khí trong bar cũng bớt nhộn nhạo. Lúc này từng cặp đứng dậy dắt nhau lại chỗ
công toa. Các cô gái thi nhau hối tôi:
- Chị Liên ghi cho
em cái bông ba ngàn đi, em đi ngủ đêm với “bồ”!... Em số hai, em số ba...
Tôi cứ ghi bông,
nhận tiền và dặn các cô gái:
- Chị đi đâu? Phòng
ngủ hay về nhà riêng? Mẹ dặn cẩn thận lúc đi đường, coi chừng tụi cảnh sát nó làm
tiền nghe chị!
Các cô mặt mày tươi
tỉnh coi vẻ phấn khởi lắm. Có cô cười nói với tôi:
- Liên hên ghê, bữa
nay có Liên bar đông khách quá chừng, mấy chàng rủ đi ngủ đêm, không biết lựa chàng
nào.
Riêng bà tài pán
cười rất kín đáo và nói xen vô:
- Hôm nay có Liên,
cô nào cũng uống được rượu, không bị phèo.
Họ tâng bốc quá khiến
tôi thấy tức cười. Thực ra tôi có làm gì đâu. Tuy vậy những lời tán thưởng của họ
cũng làm cho tôi vui lòng. Tôi tự thấy hãnh diện được làm con của mẹ, làm chủ những
con người kia...
Khách và gái đã ra
hết, trong bar chỉ còn lại mấy anh bồi đang thu dọn bàn ghế. Dư âm của buổi tối
đầu tiên đi làm, nói đúng hơn là làm bà chủ, đang làm tôi xốn xang. Thế là rốt cuộc
tôi đã làm được như ý mẹ, chắc mẹ sẽ vui lắm khi hiểu được điều này.
Mười một giờ hơn
mẹ trở lại. Hôm nay mười sáu cô gái của mẹ đều có khách đi ngủ đêm. Hai mẹ con cộng
sổ và đếm tiền, tất cả tiền bia, rượu, nước ngọt và tiền gái đi ngủ đêm thâu tới
trên một trăm ngàn. Tôi phụ mẹ thu tiền vô bóp. Mẹ dặn bồi đóng cửa, quét dọn rồi
hai mẹ con ra về.
Ngồi lên xe rồi mẹ
hỏi tôi với giọng ái ngại:
- Liên có giận mẹ
khi con bắt đầu bước vô cuộc sống này không?
Một tay cầm lái,
một tay mẹ ôm lấy tôi và nói tiếp:
- Con ơi, ráng đi
học buổi sáng, chiều tối tới bar; việc thâu tiền mình không giao cho ai được vì
không thể tin cậy họ được đâu con!
Tôi ngó ánh đèn đêm
toả sáng hai bên đường, lòng đầy xúc động. Tôi nói với mẹ:
- Mẹ đừng buồn, con
không bỏ học đâu, con sẽ ráng học để khỏi phụ lòng mẹ. Còn buổi tối tới bar ngồi
thâu tiền giúp mẹ có gì là mệt đâu. Mẹ cứ lo xa, chị Thanh đi thì còn con và mẹ,
bao giờ chị ấy nhớ nhà lại về thăm mẹ con mình.
Mẹ im lặng. Tôi biết
mình lỡ lời liền nói:
- Mẹ thấy hôm nay
con bán mắc không? Mấy cô gái khoái con lắm, hỏi: mai mấy giờ Liên tới?...
Tự dưng tôi thấy
mẹ khóc. Chiếc xe ngừng giữa đường, may mà đêm khuya rất vắng xe. Rồi tôi cũng khóc
trong vòng tay của mẹ. Tôi ngước lên bắt gặp đôi mắt mẹ đỏ hoe. Mẹ ngó tôi lắc đầu
không nói được lời nào. Tôi đoán chắc mẹ nghĩ về cuộc chia ly sắp tới giữa ba mẹ
con, còn vài bữa nữa, chị Thanh sẽ theo chồng đi Mỹ.
Đường phố vắng tanh.
Tôi ngó đồng hồ giật mình, còn hai phút nữa tới giờ giới nghiêm. Tôi hối mẹ lái
xe về mau kẻo trễ sẽ bị phạt. Chiếc xe vun vút lao nhanh qua các vọng gác, gió đêm
lùa vô lành lạnh. Mẹ đã bình tĩnh trở lại nên tay lái rất chính xác.
Về tới nhà đã quá
giờ giới nghiêm mười phút. Chị Thanh và chồng chị đứng đợi ở cổng. Thấy xe về chị
hớt hải chạy lại hỏi:
- Sao mẹ và em về
trễ vậy? Con lo quá, chồng con cũng cuống lên. Con phôn lại bar, chú Thành nói mẹ
và em về lâu rồi.
Tôi bước xuống xe
và nói với chị:
- Mẹ chở em đi dạo
phố. Đêm đẹp ghê chị! Em và mẹ đói bụng chưa ăn gì, chị lo cho em nghe, em lên thay
quần áo.
*
Vài bữa sau, vợ chồng
chị Thanh đi Mỹ. Tôi và mẹ tiễn chị ra tận phi trường Tân Sơn Nhứt. Một cuộc chia
ly thiệt buồn giữa người ra đi và người ở lại. Những lời tạm biệt, những cái vẫy
tay... còn đọng hoài trong tim mỗi người. Riêng chỉ có nước mắt là không ai dè sẻn
được. Mẹ và tôi đã khóc rất nhiều, cho tới khi máy bay cất cánh đi xa rồi, hai mẹ
con mới buồn bã ra về.
Mẹ nghỉ làm ở bar
tới hai, ba ngày liền. Tối ngày mẹ ở trong phòng ngủ, không tiếp khách, cũng chẳng
thiết ăn uống nữa. Công việc mẹ giao hết cho tôi giải quyết. Tôi đâm lo cho mẹ,
nài nỉ hoài mẹ mới chịu ăn một chút xúp và uống một ly sữa nhỏ. Vắng có mình chị
Thanh mà căn nhà buồn đến trống lạnh. Hai mẹ con không muốn làm gì. Tôi cố làm cho
mẹ bớt buồn nhưng vô hiệu. Một buổi trưa khi tôi ngủ dậy tính đi pha sữa cho mẹ
uống, mẹ không cho đi, giữ tôi ở lại với mẹ. Rồi mẹ cầm tay tôi nói:
- Mẹ thiết nghĩ từ
đây mẹ đã xa Thanh vĩnh viễn vì linh tính báo cho mẹ biết sắp có một chuyện gì khủng
khiếp đến với cuộc đời mẹ.
Tôi lay vai mẹ an
ủi:
- Còn con, mẹ không
biết lúc nào sức khoẻ của mẹ cũng là một sự lo lắng của con sao? Mẹ cứ tin đi, chị
Thanh con sẽ về vì con biết tánh chị ưa thay đổi.
Mẹ im lặng. Tôi ngó
thấy mắt mẹ đỏ, hai bên mí mắt mòng mọng nước. Tôi không dám nói gì thêm vì sợ phải
chứng kiến những giọt lệ lăn trên gò má mẹ.
Đáng lý tôi dọn qua
phòng chị Thanh, nhưng mẹ biểu:
- Ngủ với Liên quen
rồi, giờ con qua bên đó mẹ buồn.
Thế là phòng chị
Thanh bỏ trống, nhưng ngày nào cũng phải quét dọn như hồi chị còn ở nhà.
Nỗi buồn nhớ dần
dần lắng xuống. Cuộc sống của hai mẹ con tôi trở lại bình thường. Tôi vẫn đi học
và tới bar giúp mẹ vô các buổi tối. Lúc này bar đông khách lắm, số tiền thâu được
hàng ngày có khá hơn. Mẹ cũng vui vẻ, không ủ dột như trước nữa. Điều đó khiến tôi
rất mừng. Tôi chỉ ước muốn cuộc sống thiệt êm ấm, vô tư trong gia đình.
Thoắt cái mà đã gần
ba tháng trời, kể từ bữa chị Thanh đi. Chị cũng đã gởi về hai lá thơ cho hai mẹ
con. Riêng mẹ có thêm thơ của ông Ros, ổng nói bận công việc rất nhiều, khi nào
xong ổng sẽ qua với mẹ.
Đêm đó đang ngủ tự
dưng mẹ kêu đau và rên la. Tôi thức dậy ôm lấy mẹ. Cặp ngực của mẹ sưng tấy lên
và có chỗ thòng xuống. Tôi hiểu ngay căn bệnh của mẹ. Tôi có nghe chị Thanh nói
lại, từ khi tôi chưa về làm con của mẹ, thỉnh thoảng mẹ vẫn kêu đau, nhưng mẹ uống
thuốc rồi một lúc lại hết đau. Còn đêm đó mẹ đau quá, càng uống thuốc vô mẹ càng
đau dữ. Tôi lo quá, cuống quýt kêu điện thoại cho bác sĩ Hải nhờ đưa mẹ tới bệnh
viện Triều Châu. Rất nhiều bác sĩ nhiệt tình đã ở lại để lo cho mẹ nhưng đều vô
hiệu, vì lúc đó ngành y học sắc đẹp Việt Nam chưa có đủ dụng cụ giải phẫu, mà mẹ
lại bơm ngực ở bên Nhật. Chất nhựa làm độc ở ngực đã ăn vô máu và mẹ đã kiệt sức.
Một tuần sau mẹ tôi qua đời. Tôi vừa thương mẹ vừa lo sợ như người mất hồn vậy.
Mới hơn mười lăm tuổi đầu mà một mình trước sự thể này biết làm sao? Nhớ tới ông
Ros và chị Thanh, tôi liền đi điện cho hai người về lo chôn cất mẹ. Nhưng chỉ có
ông Ros qua, còn chị Thanh có bầu yếu quá không về được.
Ông Ros đứng ra lo
hết mọi phương tiện chôn cất. Một đám tang buồn bã và đơn độc. Các cô gái làm cho
mẹ tới chia buồn với tôi. Mấy bà bạn của mẹ cũng tới khuyên nhủ cho tôi bớt buồn.
Riêng dì Lin-da ngày nào cũng tới, có khi một mình, có khi dẫn thêm một ông bạn
của dì mà tôi không quen. Dì khuyên tôi:
- Ráng mà ăn ngủ
cho lại sức Liên à, khóc hoài có làm mẹ sống lại được đâu!
Rồi dì lấy từ trong
túi ra một bọc nhỏ đưa cho tôi:
- Đây dì vừa ghé
chợ Bến Thành mua cho con ít trái cây ăn cho mát ruột, có cả giò lụa nữa đó, ăn
đi Liên!
Dì day qua người
bạn, không biết hai người làm hiệu cho nhau sao mà ông ta gật gật và ngó tôi chăm
chăm. Vì đang buồn chán, thương tiếc mẹ nên tôi chẳng thèm để ý hai người đã nói
với nhau những gì. Mấy thứ dì Lin-da bày ra trước mặt tôi cũng chẳng thiết. Tôi
định trả cho dì nhưng sợ dì buồn nên lại thôi. Tôi cứ ngồi ngây ra và ngó bâng quơ
mọi thứ trong nhà. Tới khi dì Lin-da và người kia chào ra về tôi mới sực tỉnh. Dì
Lin-da nói:
- Thôi dì về nghe
Liên! Con ăn đi chớ, hay chê của dì đó? Ăn đi cho dì vui lòng. Nếu mai dì lại mà
vẫn còn nguyên, là dì giận cho đấy.
Tôi cảm động nói
trong cuống họng:
- Vâng, con xin cám
ơn dì!
Ông bạn của dì nói:
- Thôi chào cô...
chào bé nghe!
- Vâng, chào ông!
*
Ba ngày sau khi lo
đám tang mẹ xong, các cô gái tới đòi chia tiền, tôi phải thay mẹ thanh toán với
họ. Có cô mau miệng hỏi:
- Liên có tiếp tục
mở bar nữa không cho tụi này nhờ với?
Tôi không biết sao
đành trả lời:
- Lúc này Liên rối
trí quá, thôi các chị nghỉ chừng tháng nữa trở lại Liên trả lời nghe!
Thừa lúc tang gia
bối rối, các cô đòi tôi đủ các thứ tiền. Họ nói ngày xưa mẹ còn thiếu món này, món
nọ...
Tôi không muốn bị
quấy rầy nên trả hết theo yêu cầu của từng người. Rồi tôi trả luôn cả bar cho chủ.
Còn lại chiếc xe của mẹ tôi nghĩ để đó lấy phương tiện đi lại sau này.
Làm xong mọi việc,
các cô gái cũng đi hết, tôi còn lại một mình trong nỗi buồn sâu thẳm. Bao nhiêu
kỷ niệm lại trở về trong ký ức tôi. Những ngày sống với mẹ và chị Thanh thiệt là
sung sướng. Bao nhiêu hy vọng, ước mơ về cuộc sống tương lai mẹ và chị đặt nơi tôi.
Dù sao tôi cũng được sống một cuộc sống đầy đủ, và như một con chim có tổ ấm...
Bây giờ thì mẹ đã
chết, chị đi sang Mỹ, tôi một mình bơ vơ giữa cuộc đời này. Tôi rùng mình khi tự
liên tưởng mình như bọt nước đang chơi vơi giữa biển cả mênh mông. Tôi tự hỏi mình
sẽ tiếp tục cuộc sống như thế nào? Tự dưng tôi thấy nhớ nhà, nhớ ngoại, nhớ má và
các em. Tôi muốn trở về bên má ngay để má hiểu tôi đang ở trong tình cảnh nào. Nhưng
rồi hình ảnh người dượng ghẻ cùng những việc làm ghê tởm của ổng lại bắt tôi phải
suy nghĩ khác: không thể quay về được. Tôi biết má và ngoại rất thương tôi. Ngày
tôi bỏ nhà ra đi được ít bữa, chị Thanh gởi thơ cho biết tôi ở với mẹ và chị, má
có nhờ cậu út tới thăm tôi, vì má yếu không đi được. Cậu út cho tôi hay bữa tôi
đi không về, má tôi đã khóc rất nhiều. Má thương và lo tôi sẽ khổ, má giận mình
đã không biết nghĩ rộng trông xa. Còn bà ngoại tôi thì cầu Trời khấn Phật cho tôi
được mọi sự may mắn.