Ván bài lật ngửa - Phần II - Chương 12
P2 - Chương 12
Các sử
liệu sau này ghi rất vắn tắt về sự cố bắt đầu ngày 28-4-1955 và kéo dài đến ngày 10-5: quân đội Bình Xuyên
và quân đội của Ngô Đình Diệm đánh nhau tại đô thành Sài Gòn, hàng vạn nhà
cháy.
Con số
thống kê và tổn thất nhân mạng theo thời tiết chính trị mà tăng giảm. Khi chiến
sự đã lắng, Tổng trưởng Thông tin Trần Chánh Thành quyết giới thiệu vụ Bình
Xuyên như là một thứ ghẻ ngoài da, tổng số cả đôi bên chưa quá một trăm người
chết. Dĩ nhiên, cần phải nhân lên mười mấy lần hay hơn nữa con số đó mới gọi là
gần với chân lí. Trong tất cả những trận giao phong với các giáo phái, quân của
Ngô Đình Diệm nếu đụng phải một sức mạnh chống trả thì sức mạnh chống trả đó là
của phe Bình Xuyên – và sau nầy, của Ba Cụt.
Những
người chứng kiến tại chỗ biết rằng Bình Xuyên và quân của Ngô Đình Diệm nổ súng
đúng ra từ đêm 29-3. Từ đêm đó, trụ sở Tổng nha Cảnh sát quốc gia đường Catinat
vẫn duy trì như một đồn lũy, dù cho tổng giám đốc đã di chuyển nơi làm việc.
Đối lại, những khẩu pháo 57 li trên mấy chục chiếc xe bọc thép nép dưới vòm cây
dưới Dinh Độc Lập ngó châm bẩm vào các ụ cát ngay cửa Tổng nha. Mãi đến ngày
18-4, một số công chức công an lén vượt tường Trường Taberd xin đầu thú. Ở Gò
Vấp, Công an xung phong và quân dù bắn nhau đến hai mươi ngày, và sau cùng, Công an xung phong đầu hàng.
Nhưng, một đoàn xe chở lính Chính phủ lại bị lựu đạn trong Chợ Lớn, thương vong
nặng. Bộ Tổng tham mưu lại bị đạn cối.
Đô
thành ngộp thở. Tin tức đủ loại: Pháp cho Chính phủ Ngô Đình Diệm đo ván, giáo
phái đã sẵn sàng, Việt Minh phối hợp “đánh rốc” từ vĩ tuyến 17 vào; Mỹ đổ bộ
ủng hộ ông Diệm. Có thể xài bom nguyên tử, Trung Cộng sẽ “ra tay” chặn Mỹ… Giới
Hoa kiều Chợ Lớn chưa bao giờ chịu nhường cho ai cái quyền bào chế những tin
động trời nhất: Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch vốn “đánh cuội,” nay nghe
lộn xộn ở Chợ Lớn, sẽ “biểu” Ngô Đình Diệm với Bình Xuyên đụng đâu thì đụng chớ
đừng gây khó dễ cho Hoa kiều, nhược bằng cãi lại thì Lưu Bá Thừa và Hà Ứng
Khâm, một người xua quân bộ, một người xua quân thủy, ào một lượt “Ngô Đình Diệm
với Bảy Viễn nhất định xí lắt léo”…
Trong
khi đó, mỗi bên đều sửa soạn
thanh toán nhau đến mức tối đa, đồng thời tự chứng tỏ mình đã cố gắng đến mức
tối đa “vì lợi ích đoàn kết quốc gia.” Hội Alliance Française(1) mở cửa phòng
triển lãm tranh Van Gogh. Thủ tướng Ngô Đình Diệm kêu gọi Công an xung phong hạ
vũ khí, các lực lượng giáo phái thống nhất vào Quân đội quốc gia, hứa hẹn bầu
cử Quốc hội. Chính phủ tung ra một đòn: tổ chức hỏi ý kiến dân về các vấn đề
trọng yếu như dân chịu thống nhất quân đội không, chịu bài trừ nạn mất an ninh
trật tự không v.v…
(1) Hội
Pháp ngữ thân hữu.
Collins
về Mỹ hôm trước, hôm sau Chính phủ Mỹ tuyên bố: trong hoàn cảnh tế nhị ở Nam
Việt Nam, Chính phủ Mỹ và cả thế giới tự do không còn có sự chọn lựa nào ngoài
sự ủng hộ Chính phủ do ông Ngô Đình Diệm đứng đầu. Bản tuyên ngôn cố tình quên Quốc trưởng Bảo Đại và người ta biết,
đó là sự dàn xếp giữa Mỹ và Pháp.
Bởi
vậy, khi báo chí đăng rộng rãi thái độ dứt khoát của Mỹ, Ngô Đình Diệm liền kí
một sắc lệnh mà ông đã để sẵn trên bàn viết từ ngày ông chấp chính: cách chức
Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia của đại tá Lại Văn Sang, loại Công an xung
phong ra ngoài vòng pháp luật, bổ nhậm đại tá Nguyễn Ngọc Lễ thay Sang, dời trụ sở Cảnh sát khỏi đường
Catinat – trung tâm thần kinh của đô thành. Ụ súng lại được đắp thêm. Quân Chính
phủ cắm trại. Quân Bình Xuyên dàn giá.
Ngày
28-4, văn phòng của Bảo Đại ở Cannes điện về cho Thủ tướng một loạt chỉ thị -
có lẽ Quốc trưởng kí khi còn ngái ngủ: Không được cắt chức Lại Văn Sang, không
được làm điều gì trái với chính sách đoàn kết quốc gia của Quốc trưởng, mọi
người phải tôn trọng kỉ luật, chỉ định thiếu tướng Nguyễn Văn Vĩ làm Tổng tham mưu trưởng, ra lịnh cho Thủ tướng
sang Pháp ngay báo cáo tình hình với Quốc trưởng v.v...
Có lẽ
Bình Xuyên nóng lòng chờ những chỉ thị như vậy. Vào một giờ trưa cùng ngày,
súng nổ. Trận đụng độ lớn nhất giữa Ngô Đình Diệm và các giáo phái bắt đầu...
*
Luân
vừa nghỉ trưa được mươi phút thì tiếng động dựng anh dậy.
- Đánh
lớn rồi! – Thạch và Lục đứng ngoài sân bảo nhau.
Chị Sáu
– người nấu ăn mà Luân vừa nhờ - niệm Phật liền miệng. Chị rất sợ súng: quê chị
trải chín năm trong tiếng súng, chồng chị - một nông dân bình
thường và đứa con trai duy nhất của anh chị lên tám chết vì đạn lạc. Không rõ đạn của Tây hay của du kích, nhưng chính từ
những tiếng nổ như hôm nay…
Điện
thoại reo. Nhu báo cho Luân tin tức sốt dẻo: Bình Xuyên đánh một lúc nhiều mục
tiêu – Bộ Tổng tham mưu, Nha
Cảnh sát Đô thành, Tổng ủy Di cư… Đạn súng cối rơi khá nhiều trong khuôn viên Dinh
Độc Lập...
“Một
quả súng cối nổ ngay chỗ tôi với anh thường ngồi uống cà phê, hai chiếc ghế mây
trúng mảnh, chậu hoa bên cạnh gãy hết mấy cành…”
Nhu ung
dung – và hóm hỉnh – giữa lúc nhiều đám cháy bốc cao, tàn lửa xoáy giữa trời
trưa những cột lấp lánh.
Nhu
không mời Luân vào Dinh Độc Lập ngay – nghĩa là theo Nhu, không có việc gì quá
khẩn trương cần trao đổi – nhưng lại hẹn Luân ăn cơm tối với y.
- Có
món cá trích ngoài Huế gửi vào, ướp lạnh nên còn tươi, tôi nhờ nấu đúng kiểu
Thuận An đãi anh…
Nhu
chưa bao giờ nói chuyện ăn uống – y thật sự ít quan tâm đến nó và Luân biết là
Nhu đang cực kì cao hứng.
Lục
trèo lên nóc nhà xe, trông ngóng.
- Anh
Lục! Coi chừng đạn! Xuống! – Luân thét to.
Lục tụt
xuống, nói với Luân, đầy lo lắng:
- Xóm
Chợ Quán cháy to... Cô Thùy Dung…
Luân
bây giờ mới sực nhớ. Anh vội vã quay dây nói lại nhà Dung. Chuông reo ở đầu dây
song chờ mãi, không thấy có người lên tiếng. Không rõ vì sao Luân bỗng bồn
chồn, anh cắt máy và quay lại. Chuông reo và vẫn không có người. Luân đổi số,
gọi lại Nha Cảnh sát - có thể giờ này Dung đã đi làm.
Lục
chia sẻ nỗi thất vọng của Luân. Anh nhìn lom lom chiếc máy. Chợt mặt Luân rạng
rỡ:
- Có
phải Nha Cảnh sát đó không?
Nhưng,
Luân không rạng rỡ lâu:
- Xin
lỗi, tôi muốn gặp cô Thùy Dung… Thùy Dung, chỗ Đại tá Trần Vĩnh Đắt… - Luân gào to vì tạp âm đầy trong ống nghe – Phải,
Thùy Dung…
Đầu dây
kia vọng một tiếng thề tục tĩu, và hình như có cả tiếng của Dung.
Luân
thừ người rất lâu.
- Hay
là em đến Nha? – Lục nói khẽ.
- Không
được! Đang bắn nhau loạn xạ…
Trước
nhà Luân, dân chúng hớt hải kéo qua, họ tản khỏi vùng chiến sự.
Thạch
mở máy thu thanh, đài Bình Xuyên phát bản tin: quân của họ “làm chủ” khu trường
Pétrus Kí, chiếm Nha Cảnh sát, bao vây Bộ Tổng tham mưu. Thạch đổi làn sóng, đài Sài Gòn tường thuật trận đánh ngay Nha Cảnh
sát Đô thành và kêu gọi lính Bình Xuyên đầu hàng.
Luân đi
đi lại lại khắp phòng khách, căng thẳng.
Tình
hình này đã được A.07 dự kiến trong chỉ thị gửi Luân – do Dung mang vào. Tất
nhiên A.07 không thể đoán hết các tình huống, song những nét chính thì quả rất
chính xác: mâu thuẫn Mỹ - Pháp phát triển đến tận nóc. Diệm, thông qua cuộc
đánh dẹp này mà củng cố quyền lực và cuộc đánh dẹp sẽ để lại trong cơ thể chế
độ mới ở miền Nam những vết thương không bao giờ có thể thành sẹo. Về phía Cách
mạng, chưa phải lúc khai thác cơn xung đột đẫm máu này bằng vũ trang song cần
phải biết chỉ cho quần chúng cách nhìn kẻ thù. Đánh bại Bình Xuyên và các phe
nhóm thân Pháp, Ngô Đình Diệm tạm thời có thể bịp được một bộ phận quần chúng
thông qua sự sự lợi dụng ý thức dân tộc đang bừng dậy mãnh liệt sau chiến thắng
Điện Biên Phủ và lòng căm ghét Bình Xuyên, các giáo phái của quần chúng. Nhiệm
vụ của Luân là sửa soạn đón các đợt xung đột nhất thiết sẽ xảy ra sau này với
những nhân tố mới: từ bản thân Mỹ - Diệm. Riêng trong sự kiện này, Cách mạng cố
bảo tồn được một bộ phận yêu nước trong lực lượng Bình Xuyên và các giáo phái,
tạo điều kiện cho họ sống và hoạt động, dùng danh nghĩa đó mà từng bước xây
dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Việc sau không thuộc phạm vi chức trách của
Luân.
Lí thì
như vậy, song cảnh rối ren trước mắt gợi cho Luân nhiều ý định – phải chi Ngọc
chưa bị bắt, anh có người trao đổi và tin là có thể khơi thêm mâu thuẫn trong
nội bộ kẻ thù. Anh cảm thấy mình quá thảnh thơi, quá bàng quan. Cái cớ thứ hai
khiến anh đứng ngồi không yên là Dung.
Luân
lại gọi điện về nhà Dung. Gọi cầu may thôi. Song lần này có người nhấc ống nói.
Luân mừng rỡ, hỏi liền: Ai đó, Dung hả?... Nhưng là người giúp việc cho cô chú
Dung. Dung đến sở và không về. Xóm Bàu Sen cháy dữ dội, sắp lan ra đường lớn.
Cô chú Dung đều vắng nhà. Người giúp việc quá sợ: các toán lính Bình Xuyên và
Quốc gia thay nhau cướp, hãm hiếp, cửa nẻo dù đã đóng chặt vẫn bị phá…
Luân
gọi lại Nha. Im lặng. Anh suy tính một lúc, gọi Nhu. Nhu cho anh biết: Bình
Xuyên lọt vào Nha, nhưng đang bị bao vây.
- Chắc
không có khả năng xấu đối với cô Dung đâu… Tôi sẽ chỉ thị cho thiếu tá Cao Văn
Viên tìm cô Dung cho anh. Anh yên tâm!
Nhu an
ủi Luân
Điện
thoại lại reo. Luân nhấc máy.
*
Dung ăn
trưa xong – hôm nay, cô ăn tại nơi làm việc – tựa người vào ghế nghỉ một chút
thì Trần Vĩnh Đắt hớt hải bước vào.
- Bình
Xuyên sắp tấn công!
Lão kêu
lên tuyệt vọng và sau đó, gọi điện cấp báo với Nguyễn Ngọc Lễ.
- Cố
thủ chờ tiếp viện!
Lệnh
của Nguyễn Ngọc Lễ gọn như vậy.
Nha
Cảnh sát Nam phần vừa đổi chủ. Đắt thay Nguyễn Văn Tôn, chưa kịp xếp đặt lính
tráng, mà dẫu có xếp đặt, bất quá Đắt có vài chục tay lính trang bị súng ngắn,
đánh chắc gì được.
Chỉ vài
giây sau, Đắt lên xe, giao quyền chỉ huy bảo vệ Nha lại cho một thiếu tá. Lão
vẫn chưa bỏ ý định xấu đối
với Dung, gọi đến lạc giọng, bảo Dung cùng chuồn với lão. Cơ hội khói lửa này,
Dung khó mà thoát khỏi tay lão. Nhưng Dung từ chối.
Xe Đắt
vừa ra khỏi cổng Nha vài phút, viên thiếu tá chưa biết phải làm gì, thì các
toán Bình Xuyên thấp thoáng nơi đầu đường.
Dung
nhìn qua cửa sổ, thấy nhân viên Nha vẫn nhởn nhơ. Cô hiểu liền: hầu hết là
người của Sang. Quả đúng như vậy, cửa Nha mở rộng, Công an xung phong đường
hoàng kéo vào sân, thân mật bắt tay đám cảnh sát. Viên thiếu tá và mười người, sau cùng chạy trốn vào phòng Dung.
- Làm
sao, hở cô? – Viên thiếu tá mặt cắt không còn hột máu.
Dung
không biết mình phải làm gì. Giá mà “anh ấy” có mặt tại đây! – Dung nhớ liền
Luân, cô với tay quay điện thoại. Nhưng vừa quay được hai số, toán Công an xung
phong lăm lăm chĩa súng vào cô. Một tên – chắc là chỉ huy, ra lệnh:
- Bỏ
máy xuống!
Dung
đành bỏ máy.
- Thằng
Đắt đâu rồi? - Tên đó hỏi.
- Ông
Đắt vừa ra khỏi Nha. - Dung trả lời, bình tĩnh.
Tên chỉ
huy Công an xung phong, súng lục trên tay, bê rê đội lệch, ống tay áo lộ vết chàm
xanh lè, ngó Dung một hồi, liếm mép:
- Mày
là ai?
- Tôi
là nhân viên Nha…
- A,
con này người Bắc… - Một tên khác reo.
- Sao
răng mày trắng và đều dữ vậy?
Tên chỉ
huy hỏi.
Dung
thấy tình thế xấu rồi. Cô mân mê ngăn kéo. Khẩu súng ngắn trong đó.
- Mày
là vợ bé của thằng Đắt, phải không?
Tên chỉ
huy bước hẳn vào phòng.
- Ai
cho phép anh nói hỗn láo như thế?
Dung
quắc mắt.
Viên
thiếu tá – hắn lột cấp hiệu lúc nào, không ai rõ, chắp tay:
- Dạ,
cô đây là bí thư của ông Đắt..
- Bí
thư?... Bí thư với vợ bé khác gì nhau…
Tên chỉ
huy vừa nói vừa liếc quanh.
- Bên
kia là phòng trống, phải không? – Gã hỏi viên thiếu tá.
- Dạ!
Chuyện
sẽ phải diễn ra như vậy đó. Dung hiểu.
Chuông
điện thoại reo. Tên chỉ huy nhấc ống. Dung nghe rõ tiếng Luân trong máy. Cô
toan giằng ống nói, nhưng tên chỉ huy gạt cô thật mạnh:
- Nha
bị tụi tao chiếm rồi… Mầy là ai… Thùy Dung là con nào… Đ.m, nói dai nhách!
- Anh
Luân! Em… - Dung cố thét to. Tên chỉ huy gác máy.
- Mầy
là Thùy Dung hả? Tính kêu cứu hả? Theo tao…
Gã nắm
tay Dung, bảo số công an lố nhố ở cửa.
- Tụi
bây còng hết mấy thằng trong phòng nầy, đứa nào ngo ngoe, bắn bỏ! Tao phải thay
thằng Đắt với con nhỏ nầy… Theo qua, cưng!
Dung
kéo ngăn tủ. Cô quyết định xả vào thằng khốn kiếp nầy mấy viên Walter và dành
cho cô viên cuối cùng.
Một
chiếc xe Jeep phóng vào sân. Lũ Công an xung phong kháo nhau:
- Đại
tá tới!
Một sĩ
quan nhảy khỏi xe. Tên chỉ huy Công an xung phong buông tay Dung, bước ra đón.
- Sao
chùm nhum vô đây? Lo bố trí chống tụi Dù, tụi nó tới bây giờ.
Người
sĩ quan quát to. Ông ta chợt thấy Dung.
- Cô là
ai?
Dung
đoán ông ta là Lại Văn Sang.
- Tôi
là vợ của Kĩ sư Nguyễn Thành Luân!
- Ồ! –
Sang kinh ngạc – Bà làm ở Nha Cảnh sát?
Dung
không trả lời, liếc về tên chỉ huy Công an xung phong.
- Mầy
muốn làm ẩu hả? – Sang tát tên chỉ huy một tát nẩy lửa – Bình Xuyên sạt nghiệp
cũng vì lũ mầy!
- Ở đây
sắp xảy ra chiến trận, bà không nên nấn ná... – Sang bảo Dung – Bà muốn đi đâu?
Trước
Nha, nhiều tốp dân chạy đùa ra phía chợ Bến Thành.
- Bà
nên theo những người chạy loạn… Bà cần nói chuyện với ông Luân không?
Dung
quay số.
- Anh
đó hả? Em đây! Đại tá Lại Văn Sang có mặt chỗ em… Em sẽ theo đường Trần Hưng
Đạo… Dạ… Bình yên… Anh muốn nói chuyện với đại tá…
Sang
cầm ống nghe. Luân nói gì, không ai rõ, song sau đó, Sang đích thân đưa Dung ra
cổng, rồi phóng xe Jeep về hướng cầu chữ Y.
… Luân
đón Dung tại trường Cầu Kho. Gặp Luân, Dung vụt khóc òa…
*
Sài Gòn
trải qua một đêm kinh động. Từ bót Central đến đường Tổng đốc Phương, súng nổ
liên hồi. Súng cũng nổ ở Đa Kao, Gò Vấp, Phú Lâm, Khánh Hội. Các đám cháy rực
cả thành phố.
Nhu đãi
cơm Luân và Dung. Trần Lệ Xuân đi Đà Lạt vắng, Nhu giao hẹn với Luân chỉ ăn
cơm, nói chuyện phiếm, còn tình hình thì đợi sáng mai. Tuy vậy, Luân cũng thuật
lại cho Nhu nghe trường hợp của Dung.
- Thằng
cha Sang, đúng như anh nói, còn đôi chút nhân phẩm. Tôi không xếp gã vào lũ đần
độn trong Bình Xuyên. Nhưng, gã lưu ân tình với anh không phải là không có
duyên cớ, gã hiểu rằng gã sẽ thua.
Giữa
tiếng súng các cỡ thi nhau – trước Dinh Độc Lập, quân Bình Xuyên vẫn chưa rời
bót Catinat – Nhu ung dung nếm món cá trích và hỏi luôn miệng cảm giác của Luân
và Dung về món ăn nầy.
- Nhu
rất cứng! – Luân nhận xét với Dung khi họ từ giã Nhu, trên đường về.
Dung
liên lạc được với người cô: Bình Xuyên rút khỏi Chợ Quán. Và Trần Vĩnh Đắt oang
oang trong máy:
- Cô
Dung bình yên chứ? Tôi đã quét cong bọn nó, sáng mai cô đến Nha làm việc bình
thường…