26. Con đang cần bố giúp đỡ
Con đang cần bố giúp
đỡ
Châu Châu, nữ, 17 tuổi, học sinh lớp 10
Tôi chưa từng nhìn thấy mẹ mình, mẹ trông ra sao tôi cũng
không biết, trong nhà không có lấy một tấm hình của mẹ. Nghe họ hàng trong gia
đình nói, bố mẹ tôi chưa từng làm đám cưới, tôi chẳng qua chỉ là một đứa con
hoang. Sau khi sinh ra tôi, mẹ liền đem tôi giao cho bố rồi chạy mất, không thấy
quay trở lại.
Giờ đây nghĩ lại, chắc chắn tôi đã chịu ảnh hưởng từ lời đàm
tiếu liên quan đến mẹ nên làm chuyện gì cũng cần phải có hứng thú, hơn nữa, tôi
không bao giờ chịu trách nhiệm đối với bất cứ chuyện gì hay với bất cứ ai. Ví dụ
điển hình là tôi không bao giờ giữ lời hứa với bố. Trường tôi yêu cầu học sinh
phải tự học vào buổi tối. Bố liền nói sẽ đi đón tôi. Nhưng đến lúc đó, tôi đột
nhiên nổi hứng đi một mạch về nhà, làm cho bố đợi tôi dài cổ ở trường, lại lo
không biết tôi có xảy ra chuyện gì không. Đối với bạn bè, tôi cũng rất hay thất
hẹn, thế nên tôi thường không được lòng mọi người, lại thêm gánh nặng về kinh tế
nên tôi cũng đã quen với ánh mắt khinh thường của cô giáo và các bạn.
Tôi trốn học lần đầu tiên là vào năm ngoái, chắc vào khoảng
tháng Mười. Tối đó, khoảng hơn bảy giờ, có một bạn tên Mị đến tìm tôi, bạn ấy
là con gái người hàng xóm của cô tôi trước đây, bằng tuổi tôi, hai đứa chơi với
nhau rất thân. Mị muốn tôi ngủ cùng với bạn ấy một tối, bởi vì bố bạn ấy có việc
phải ra ngoài, tối nay không về được. Tôi liền hỏi ý kiến của bố, bố đồng ý,
còn dặn tôi tối đến không được ra ngoài hóng gió, nhớ đóng chặt cửa và đi ngủ sớm.
Bố còn đưa cho tôi một ít tiền ăn sáng, bảo tôi sáng hôm sau nhớ dậy đúng giờ,
ăn sáng và đi học. Lúc đó, tôi và Mị đã lâu quá rồi không gặp, cả tôi và bố đều
không biết rằng bạn ấy đã thôi học từ lâu.
Tối đó đến nhà Mị, bạn ấy cho tôi xem rất nhiều quần áo đẹp.
Tôi rất ngưỡng mộ Mị, tôi nghĩ nếu mình mà có hai bộ mặc đến lớp thì các bạn
cùng lớp sẽ không dám khinh thường tôi nữa. Mị nói rất nhiều chuyện, đều là những
chuyện trước đây tôi chưa từng được nghe. Bạn ấy nói sau khi tốt nghiệp cấp
hai, bạn ấy không đi học nữa, bố mẹ nhất quyết bắt bạn ấy đi học lại lớp chín,
nhưng bạn ấy thà chết cũng không chịu. Về sau, Mị uống nửa lọ thuốc an thần,
suýt mất mạng, thế là bố mẹ bạn ấy đành không ép buộc nữa. Tôi hỏi bạn ấy tại
sao lại ghét đi học như vậy, Mị nói bạn ấy ghét nhất là đi học, căm thù nhất là
các thầy cô giáo và những đứa học sinh chỉ biết nịnh nọt thầy cô. Tôi nghe
xong, cảm thấy tôi và Mị dường như đồng bệnh tương lân. Mị có rất nhiều thay đổi
khiến cho tôi phải ngạc nhiên; bạn ấy biết hút thuốc và nhả khói hình tròn, cứ
như một người phụ nữ trưởng thành vậy. Tối đó, tôi cũng tập hút thuốc. Mặc dù bị
sặc nhưng tôi vẫn cảm thấy thuốc lá thật kỳ diệu.
Sáng hôm sau, tôi đang định đi học thì Mị bảo tôi: “Đừng đi
học, tớ dẫn cậu đi chơi!”. Tôi nghe thế rất phấn khởi, liền bỏ cặp sách xuống.
Mị đưa tôi mặc một chiếc váy dài và đi giày cao gót, còn làm cho tôi một kiểu
tóc rất kỳ lạ, sau đó còn vẽ lông mày, vẽ mắt cho tôi nữa. Nhìn mình trong
gương, tôi thấy thích thú vô cùng, cứ cười tít cả mắt. Mị dẫn tôi đi gặp mấy
người bạn của bạn ấy. Bạn của Mị đều rất sành điệu. Đầu tiên chúng tôi rủ nhau
đi đánh điện tử, sau đó lại chạy đến sân bowling chơi. Ở sân bowling, chính mắt
tôi nhìn thấy họ ăn trộm một chiếc ví dày cộm của một người đàn ông mặc vest.
Sau khi ra khỏi đó, chúng tôi đến một nhà hàng ăn uống một bữa no nê. Mị hỏi
tôi cuộc sống như thế này có thoải mái không. Tôi gật đầu nói là có, dù sao thì
nó cũng thú vị hơn nhiều so với việc đi học. Một anh tên là Tiêm Tiêm nói với
tôi: “Em đừng đi học nữa, đi với bọn anh, bọn anh sẽ cho em làm em thứ mười
ba”.
Tối đó, tôi về nhà đúng theo giờ tan học, cứ cho rằng có thể
lừa được bố, nào ngờ vừa đẩy cửa vào đã thấy bố nổi cơn thịnh nộ, đang cầm sẵn
một cái roi ngồi chờ tôi ở phòng khách. Thoáng nhìn đã biết tình hình không ổn,
tôi liền quay người bỏ chạy; nhưng bố còn nhanh hơn tôi, thò tay tóm chặt lấy
tôi, đánh cho tôi một trận. Bố tức điên lên rồi, vừa đánh vừa mắng tôi là chẳng
khác gì “con mẹ khốn nạn”, là con chó không thể huấn luyện được. Từ nhỏ tôi đã
quen bị ăn đòn, nhưng lần này bị bố đánh, tôi cảm thấy rất đau, chắc tôi đã bị
thương rồi. Bố đánh tôi một lúc mệt quá liền ngồi phịch xuống ghế thở. Tôi liền
quay người chạy vào phòng, đóng chặt cửa và đi ngủ, không thèm nghe những lời mắng
mỏ, quát nạt của bố nữa. Nhưng tôi không sao ngủ được. Bốn giờ sáng hôm đó, tôi
lén trộm hai trăm nhân dân tệ và bỏ đi. Tôi đi tìm Mị. Mị nói phải đưa tôi đi
chỗ khác, nếu không bố tôi biết sẽ tìm đến đây. Mị dẫn tôi đến nhà của Miêu, bạn
Mị, nhưng mẹ của Miêu dứt khoát không đồng ý cho tôi ở lại đó, thế là tôi đành
phải quay lại nhà Mị.
Sáng hôm sau, tôi ra ngoài dạo chơi. Vừa đi tôi vừa nghĩ đến
cảnh bố đến nhà Mị tìm mình, trong lòng cảm thấy rất hả hê. Tối đến, tôi vẫn
không muốn về nhà, nhưng lại ngại không muốn đến tìm Mị. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi
chẳng còn chỗ nào để đi cả, thế là đành phải quay về nhà; về đến nhà, tôi lại bị
thêm một trận đòn roi nữa! Bố nói, nếu sau này tôi mà còn trốn học, qua đêm ở
ngoài nữa thì bố sẽ đánh chết tôi!
Kể từ lần đó, tôi không còn ngủ đêm ở ngoài nữa, nhưng vẫn
thường xuyên giấu bố trốn học. Mỗi lần trốn học tôi đều chạy đi tìm Mị và đi
chơi cùng với bọn họ. Sau một thời gian chơi bời, tôi bắt đầu thấy chán, chủ yếu
là bởi vì tôi phát hiện ra họ không nghĩa khí như tôi tưởng, tôi dần dần thấy
thất vọng về họ, lại trở về với cuộc sống bình thường của mình: hằng ngày lên lớp,
tan học là về nhà. Cô giáo nói với bố tôi là tôi không trốn học như trước nữa.
Bố tôi vui lắm, trịnh trọng giáo huấn tôi cả buổi. Nhìn thấy những sợi tóc bạc
trắng trên đầu bố, tôi bỗng cảm thấy áy náy trong lòng. Tôi biết mình quá tùy
tiện và có phần hơi quá đáng. Bố nói tính tình của tôi rất giống mẹ, có thể là
do có gen di truyền.
Một hôm, trên đường về nhà, tôi bị Mị và đám bạn chặn lại.
Do lâu không gặp họ nên tôi mừng ra mặt, hồ hởi chào hỏi bọn họ. Nào ngờ bọn họ
ai nấy mặt mày hung dữ, vây xung quanh tôi. Tôi chưa kịp định thần xem có chuyện
gì thì Mị đã tát tôi một cái, giọng nói đanh thép: “Quần áo của tao đâu?”. Tôi
nhớ ra rồi, Mị từng tặng cho tôi một cái váy liền, rõ ràng là bạn ấy nói tặng
cho tôi rồi mà! Vậy mà nay lại đòi là sao. Tôi nói với Mị rằng tôi để ở nhà,
tôi sẽ dẫn bạn ấy về lấy. Tiêm Tiêm nói, quần áo bị tôi mặc cũ cả rồi, Mị không
thèm nữa và bắt tôi phải đền cho Mị ba trăm nhân dân tệ. Tôi lấy đâu ra ngần đấy
tiền? Họ nói ngày mai họ sẽ đợi tôi ở chỗ này, nếu tôi muốn trốn họ sẽ không
thèm khách khí với tôi nữa. Trước khi đi, Mị còn giận dữ nói với tôi rằng: “Tao
ghét nhất là những đứa bỏ rơi tao!”.
Lúc này tôi mới hiểu ra, hóa ra họ giận tôi là vì tôi không
chơi với họ nữa. Mị từng gọi điện cho tôi mấy lần, rủ tôi đi chơi; nhưng tôi cảm
thấy không hứng thú, hơn nữa việc học hành ngày càng bận rộn, thế nên tôi đã từ
chối không đi; không ngờ mấy người này lại ghê gớm đến vậy!
Tôi thật sự hối hận khi đã kết giao với mấy người này. Họ đều
là những kẻ côn đồ, tôi không muốn trở thành những người như vậy; nhưng tôi
không thể không đếm xỉa gì đến họ, nếu họ đến tìm tôi gây chuyện thì sao? Hôm
đó, trên đường về, lúc tôi bị bọn họ chặn lại, các bạn trong lớp đều nhìn thấy.
Vì thế, sau này lúc nhà trường phê bình: “Có em học sinh giao du với cả bọn côn
đồ ở bên ngoài...”, tôi nghĩ là đang ám chỉ chính mình.
Bây giờ tôi cảm thấy rất phiền toái, giống như bị rơi vào một
cái hang sâu, tôi cố gào thật to: “Cứu tôi với!” nhưng chẳng ai chịu đến cứu
tôi cả. Tôi cảm thấy mình cô độc không có nơi nương tựa nữa!
Mặc dù hiện nay mọi người đều đang hiểu lầm Châu Châu,
nhưng tôi tin rằng, một khi bạn lên tiếng cầu cứu, chắc chắn họ sẽ giơ tay ra
giúp bạn. Cảm giác cô độc không nơi nương tựa là do xuất phát từ sự hiểu nhầm của
cô bé với môi trường xung quanh. Cô bé không biết rằng hiện nay, xã hội đang
ngày càng coi trọng vấn đề bảo vệ thanh thiếu niên. Các cơ quan ngôn luận như:
báo chí, ti vi, đài truyền hình đều rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ thanh thiếu
niên này. Trường học là nơi dạy kiến thức, cũng là nơi giáo dục con người; nếu
nhà trường bỏ mặc, không đếm xỉa gì đến lời cầu cứu của Châu Châu thì rõ ràng
nhà trường vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Còn bố của Châu Châu đã cố gắng
hết sức để bảo vệ con gái mình không bị kẻ khác làm tổn thương như biết bao ông
bố khác ở trên đời. Tôi phát hiện ra rất nhiều sự tổn thương của thanh thiếu
niên có thể tránh được; phần lớn nguyên nhân bi kịch xảy ra với họ là do bản
thân họ không phát tín hiệu cầu cứu với người lớn. Hy vọng Châu Châu sẽ đúc rút
được kinh nghiệm và bài học quý báu của những người này, học được cách hữu hiệu
để bảo vệ bản thân mình!
Tại sao lại yêu “cô ấy”?
Phong Nhi, nữ, 16 tuổi, học sinh lớp 10
Khi tôi chuẩn bị bước vào tuổi mười sáu, bạn bè tôi bắt đầu
thảo luận nhiều đến vấn đề yêu sớm; thế nhưng cái chuyện đáng ghét đó lại rơi
trúng vào tôi. Chuyện này, có gì đó rất giống với tình yêu đầu, nhưng cũng có
cái gì đó không giống cho lắm. Tóm lại là ngay chính bản thân tôi cũng cảm thấy
rất kỳ quái và vì chuyện này mà cảm thấy vô cùng đau khổ.
Lớp tôi có mấy bạn nam đều rất thích tôi. Các bạn nam khác
sau khi biết chuyện này đều tìm mọi cách trêu chọc tôi; các bạn nữ còn gọi đùa
tôi là “đào hoa”. Thế nhưng tôi hoàn toàn không thích các bạn ấy. Nói ra bạn đừng
cười, người mà tôi thích lại chính là “cô ấy”! Đối với những học sinh cấp hai
như chúng tôi, thích một người là chuyện hết sức bình thường, nhưng người mà
tôi thích lại là “cô ấy”, một người con gái! Có thể là vì cô ấy trông rất giống
con trai: tóc cắt ngắn gọn gàng, mặc bộ quần áo bò, giọng điệu, cử chỉ đều
không giống con gái.
“Cô ấy” chính là người bạn thời tiểu học của tôi. Hồi đó, bạn
ấy từng viết cho tôi vài lá thư, nói cho tôi biết vị trí của tôi và ấn tượng về
tôi trong trái tim bạn ấy, còn chỉ ra ưu điểm và nhược điểm của tôi, ngoài ra
còn đặc biệt thêm vào một câu khiến cho tôi vô cùng sửng sốt: “I love you!”. Kể
từ hôm đó, tâm trạng tôi không sao yên ổn được. Mãi cho đến hôm liên hoan tốt
nghiệp cấp một, tôi nhận được rất nhiều quà kỉ niệm của các bạn cùng lớp, nhưng
tôi trân trọng nhất vẫn là món quà của bạn ấy.
Sau khi lên cấp hai, chúng tôi mất liên lạc của nhau. Cùng với
sự chuyển dịch của thời gian, tình cảm của tôi dành cho bạn ấy phai mờ đi ít
nhiều. Có thể là do có duyên nên lên cấp ba, chúng tôi lại học cùng một trường.
Nhưng tôi phát hiện ra rằng bạn ấy đã thay đổi rồi, trở nên ngây thơ và đơn giản
hơn. Cả hai lần thi giữa kì, bạn ấy đều thi không đạt, còn thường xuyên giao
lưu, kết bạn với các bạn ở lớp dưới, lại còn giao du với cả những phần tử không
ra gì.
Điều làm tôi bực mình nhất là Noel năm ngoái, tôi tặng bạn ấy
một tấm thiệp chúc mừng; nào ngờ, bạn ấy lại bận đến mức phải nhờ người khác gửi
lại tôi một tấm thiệp khác với vỏn vẹn bốn chữ: “Giáng sinh vui vẻ!”. Sự lạnh
nhạt của bạn ấy đã làm tôi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc, tôi quyết định sẽ
tuyệt giao với bạn ấy. Nhìn thấy bạn ấy, tôi quay mặt đi qua, bạn ấy liền gọi
tôi: “Này, bạn sao thế?”, tôi giả vờ như không nghe thấy gì, ai bảo bạn ấy đối
xử với tôi như vậy!
Bạn ấy hỏi mấy người bạn của tôi là vì sao tôi không thèm đếm
xỉa gì đến bạn ấy. Bạn tôi liền chạy đến hỏi tôi, tôi không muốn nói nhiều, thế
nên chỉ nói nhìn bạn ấy kiêu ngạo quá nên thấy ghét mà thôi. Bạn tôi khuyên tôi
rằng nể tình học chung suốt mấy năm tiểu học, cho bạn ấy một cơ hội và làm hòa
với bạn ấy đi! Cũng đúng, dù sao thì chúng tôi đã học chung với nhau những sáu
năm trời, hơn nữa, tình cảm mà tôi dành cho bạn ấy cũng khá sâu sắc, điểm này
tôi là người biết rõ hơn ai hết. Thế là tôi liền nghe theo lời khuyên của mọi
người. Vào hôm sinh nhật bạn ấy, tôi viết gửi bạn ấy một bức thư. Trong thư tôi
viết những lời lẽ rất thân thiện, sau đó còn gửi quà sinh nhật cho bạn ấy. Nào
ngờ, bạn ấy không những không thèm hồi âm, thậm chí còn cố tình xa cách tôi. Có
lúc vô tình chạm mặt nhau, bạn ấy còn làm ra vẻ như không quen biết tôi vậy.
Thái độ của bạn ấy khiến cho tôi cảm thấy rất tức giận và cũng rất nản lòng,
nhưng tôi biết phải làm sao đây? Mặc dù tôi cũng làm ra vẻ rất lạnh lùng, nhưng
cũng không kìm nén được bản thân mình liếc nhìn bạn ấy.
Bạn ấy càng xa cách tôi thì tôi càng cảm thấy nhớ bạn ấy. Nhất
là những lúc nhàn rỗi hoặc trước lúc đi ngủ. Mặc dù những hành động của bạn ấy
làm tôi cảm thấy rất khó chịu, nhưng tôi vẫn cứ nhớ, vẫn yêu bạn ấy. Chuyện này
khiến cho kết quả học tập của tôi cũng bị ảnh hưởng, từ vị trí thứ hai mươi
trong lớp tôi tụt xuống xếp thứ ba mươi.
Tình cảm mà tôi dành cho bạn ấy chắc chắn là không bình thường,
lẽ nào tôi bị “đồng tính luyến ái”? Tôi không biết làm thế nào để đối mặt với bạn
ấy nữa, phải nhìn nhận “tình bạn” của chúng tôi như thế nào. Cho dù tôi có nghĩ
ra hết cách này đến cách khác để tự giải thoát mình nhưng lần nào cũng thất bại.
Mặt trăng đêm nay thật là tròn; ngắm trăng tôi lại nhớ đến một
bài thơ của Tô Đông Pha: “Người có vui, buồn, tan, hợp. Trăng có khi méo khi tròn.
Chuyện này trước nay khó toàn vẹn. Chỉ mong tình cảm con người được lâu bền”.
Phong Nhi là một người rất trọng tình cũ, khao khát có thể
giao lưu và hiểu nhau về mặt tình cảm. Bởi vì người có ngoại hình giống hệt con
trai là “cô ấy” đã vô tình chỉ ra cho bạn những ưu điểm và nhược điểm, thế nên
đã được Phong Nhi coi là người bạn tri kỉ. Đến tuổi chớm biết yêu, những cậu
con trai xung quanh đều không lọt vào mắt Phong Nhi. Khi mà chưa có một người
con trai lý tưởng xuất hiện, thì “tình cảm” này của Phong Nhi sẽ được gửi gắm
vào “cô ấy” mà thôi. Nghe thì có vẻ có sự sai lệch về giới tính, nhưng đó không
hẳn là bệnh “đồng tính luyến ái”.
Hơn nữa, các nhà khoa học cho rằng, các cô bé bước vào
giai đoạn thiếu niên và trước khi bước sang giai đoạn dậy thì thường có tâm lý
loại trừ tình cảm với người khác phái cùng lứa tuổi, dễ dàng nảy sinh tình cảm
thân thiết với các bạn cùng giới, thậm chí vì yêu mà còn cảm thấy đố kị, ghen tức;
vì tình bạn mà cảm thấy vui vẻ và đau khổ... Tất cả những điều này đều là hiện
tượng rất bình thường, không cần thiết phải quá lo lắng, bởi vì trạng thái tâm
lý này sẽ có sự thay đổi khi bạn dần bước vào tuổi dậy thì. Còn nếu như trạng
thái tâm lý này vẫn không có sự chuyển biến, bạn nên đi khám bác sĩ tâm lý xem
sao!
Phong Nhi không cần quá lo lắng về vấn đề tâm lý của mình
có lành mạnh hay không, tuy nhiên bạn cũng không được phép coi nhẹ vấn đề này.
Phong Nhi có thể kết bạn với một số bạn nam xem sao, tất nhiên chỉ là kết giao
kiểu bạn bè đơn thuần mà thôi. Như vậy bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra được những
ưu điểm của con trai, thậm chí có thể tránh được những thứ tình cảm không phù hợp.
Nếu như Phong Nhi mạnh dạn và chân thành đối mặt với các bạn nam, tôi nghĩ chắc
chắn bạn sẽ được họ chấp nhận; bởi vì con trai thường có tấm lòng rộng mở, lại
rất trọng nghĩa khí, rất đáng mặt bạn bè, và thường chủ động muốn giao lưu với
con gái.