10. Phiền não vì một thế giới hư cấu

Phiền não vì một thế
giới hư cấu

Tiểu Hà, nữ, 14 tuổi, học sinh cấp hai

Tôi luôn cảm thấy tự ti và buồn phiền vì vẻ bề ngoài của
mình. Khi còn nhỏ, do hồn nhiên, ngây thơ nên tôi chẳng bao giờ để ý xem là
mình có xinh xắn hay không, vì thế mà tôi chẳng bao giờ cảm thấy buồn phiền cả.
Còn nhớ năm tôi lên lớp bốn, khi mấy đứa con gái chúng tôi đang tụ tập nói chuyện
vui vẻ thì có một bạn nữ quay sang nói với một bạn khác có dáng khá cao rằng:
“Chân của bạn dài thật đấy!”. Bạn nữ có dáng cao kia nói: “Thật á? Chân bạn
cũng rất dài mà!”. Sau đó, ai cũng cúi xuống nhìn chân của mình rồi thi nhau
bàn luận xem chân ai dài. Tôi cũng không nén được liền nói: “Nhìn này, chân của
tớ cũng dài phết đấy!”. Nào ngờ các bạn ấy không chỉ không đồng tình mà còn xúm
vào cười tôi: “Ai bảo thế, ngược lại thì có, chân cậu ngắn bỏ xừ, lại còn thô nữa!”.
Nói xong, họ lại tiếp tục nói sang chuyện khác. Mặc dù các bạn ấy không để ý,
nhưng kể từ giờ phút đó, tôi bắt đầu đặc biệt chú ý đến chân mình.

Mùa hè, tôi không dám mặc váy nữa. Vì sau cuộc nói chuyện lần
đó, tôi mới biết đôi chân của mình ngày càng khó coi. Trời có nóng nực thế nào
đi chăng nữa tôi cũng nhất quyết không mặc quần ngắn. Không biết mẹ tôi đã nói
bao nhiêu lần về chuyện này. Có một lần, tôi nói với mẹ: “Chân của con xấu
quá!”. Mẹ liền bảo: “Nói lăng nhăng gì vậy, ai bảo con thế? Chân của con đẹp thế
kia cơ mà!”, thế nhưng tôi không tin vào những gì mà mẹ nói, nghĩ rằng chẳng
qua là mẹ đang dỗ dành để cho tôi mặc váy thôi. Về sau, nói mãi không được, nên
mẹ cũng không mua váy cho tôi nữa. Mãi cho đến hai năm trước, váy dài thịnh
hành, tôi mới dám mặc váy trở lại.

Một chủ đề chính trong các câu chuyện của bọn con gái là bàn
luận về vẻ bề ngoài của người khác. Một hôm, bạn ngồi cùng bàn bỗng nhìn tôi
chăm chăm rồi chỉ vào trán tôi nói: “Ái dà, sao trán của bạn lại có nếp nhăn thế?”.
Tôi vô cùng hoảng hốt: “Làm gì có chuyện đó!”. Các bạn ngồi xung quanh nghe thấy
tiếng la lớn của bạn ấy liền hào hứng vây quanh tôi quan sát. Bọn họ la lên:
“Đúng rồi, có đến mấy nếp nhăn đây này!”. Tôi cảm thấy rất buồn, con gái mới lớn
mà đã có nếp nhăn, thật khó coi! Hơn nữa, tôi vốn đã chẳng xinh đẹp gì cho cam!
Các bạn ấy liền nhắc tôi: “Bạn phải để mái đi, để mái che đi nếp nhăn trên trán
là được mà! Như vậy sẽ không khó coi nữa!”. Nhưng cũng có người phản đối: “Ấy,
mặt của Tiểu Hà hơi ngắn, để mái nhìn xấu lắm!”.

Về nhà, tôi soi gương thật kĩ, quả nhiên trên trán tôi có mấy
nếp nhăn thật. Tôi cảm thấy buồn bã, chán nản vô cùng; vội vàng chạy đi hỏi mẹ:
“Mẹ ơi, tại sao con còn nhỏ mà đã có nếp nhăn rồi?”. Mẹ tôi nghe xong, cười xòa
và bảo: “Không sao đâu, không nhìn kỹ thì chẳng ai thấy đâu!”. Tôi không tin,
lúc nãy khi soi gương, tôi nhìn thấy những nếp nhăn này rất rõ, mẹ muốn an ủi
tôi nên mới nói như vậy thôi. Mẹ từ phòng trong đi ra, thấy tôi đang chăm chú
soi gương, liền bảo: “Mẹ dẫn con đi cắt tóc nhé, để tóc mái che đi cái trán là
được mà!”. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, cảm thấy mình có cắt tóc thì chưa chắc đã đẹp
mắt. Nhưng để che đi mấy nếp nhăn trên trán, tôi đành phải làm như vậy thôi.

Ngày hôm sau, tôi mang “đầu mới” đi học. Các bạn cùng lớp lại
hùa vào bàn tán này nọ; đa số nói rằng tôi cắt kiểu tóc này không đẹp, khiến
cho đầu tôi trông to ra. Tôi cảm thấy rất buồn phiền, ai bảo trán tôi không nhẵn
bóng được như các bạn chứ!

Bố mẹ tôi thường cười tôi vì tôi quá bận tâm về ngoại hình.
Tôi cho rằng chân mình thô và ngắn nên không chịu mặc váy; rồi để che đi mấy nếp
nhăn trên trán nên đã thay đổi kiểu tóc. Những chuyện này trở thành đề tài tán
gẫu của bố mẹ và được truyền tai khắp họ hàng trong nhà. Bố mẹ hoàn toàn không
hiểu trong lòng tôi thấy buồn phiền đến mức độ nào. Tôi phát hiện ra bạn bè
cùng lớp với tôi ngày càng ăn mặc rất thời trang, ngày càng trở nên xinh đẹp;
còn tôi thì chỉ biết hết năm này qua năm khác mang trên đầu cái kiểu tóc cũ xì,
lỗi mốt đó; lại còn không thể mặc được những chiếc váy thời trang giúp khoe
thân hình thon thả nữa. Trông tôi chẳng khác gì một con bé quê mùa! Thỉnh thoảng
mẹ cũng an ủi tôi: “Tiểu Hà à, con không nên tự ti về vẻ bề ngoài của mình. Thực
ra thì con cũng đâu có xấu xí!”. Tôi cố gắng nghe theo những lời an ủi của mẹ.
Nhưng cứ mỗi lần nhìn vào gương, niềm tin nhỏ nhoi trong tôi lại vỡ vụn.

Bố thường nói với tôi rằng, con gái chỉ xinh đẹp không thôi
thì có tác dụng gì, quan trọng là có thi đỗ vào đại học hay không. Điều này tôi
cũng biết, nhưng tôi vẫn khó mà thoát khỏi tâm trạng ngưỡng mộ và đố kị với những
bạn gái xinh xắn khác. Một hôm, tan học, tôi cùng với Hồng, một bạn nữ rất xinh
xắn cùng nhau về nhà. Những người qua đường đều quay đầu lại nhìn chúng tôi.
Tôi để ý xem họ đang nhìn ai. Ánh mắt của những người đi đường đó đều tập trung
vào Hồng, chẳng ai thèm nhìn tôi cả. Tôi cảm thấy rất buồn, rất tủi thân!

Về lý mà nói, những đứa con gái không xinh đẹp thường có nhiều
thời gian dành cho việc học hành, và vì thế đương nhiên kết quả học tập sẽ tốt.
Thế nhưng lớp tôi thì không như thế; mấy bạn nữ học giỏi nhất lớp cũng đều thuộc
tốp “hoa khôi” trong lớp. Thành tích học tập của tôi cũng không mấy xuất sắc,
chỉ được xếp hạng trung bình mà thôi. Tôi tin rằng, mấy bạn nữ kia học giỏi là
vì họ tự tin hơn tôi. Nếu như nhận được những ánh mắt yêu thích của người khác
như các bạn ấy thì tôi cũng có thể tự tin hơn trong học tập, tinh thần của tôi
cũng vui vẻ và thoải mái hơn. Cả ngày tôi luôn nghĩ mình là một con vịt xấu xí,
tâm trạng lúc nào cũng u sầu. Người khác cứ bàn luận về vẻ bề ngoài, về cách ăn
mặc, về kiểu tóc của tôi là y như rằng tôi trở nên đặc biệt nhạy cảm, nhất định
phải bắt người đó nói ra cho rõ ràng. Có khi các bạn khác đang nói xấu rằng ai
đó ăn mặc quê mùa, mũi quá to... tôi lại nghi ngờ không biết người mà các bạn ấy
nói đến có phải là tôi hay không; chắc chắn các bạn ấy phải nói xấu tôi nhiều lắm!

Thậm chí tôi còn nghĩ, với một đứa con gái có dung mạo bình
thường như tôi thì liệu sau này có người con trai nào chịu yêu hay không nữa?
Trong lớp tôi có rất nhiều bạn nữ đã nhận được thư tình của các bạn nam. Có bạn
nữ nhận được những bức thư này liền cười nhạt rồi xé tan bức thư... Tôi nghĩ, nếu
như có một bạn nam nào đó viết thư cho tôi, tôi nhất định sẽ không làm như vậy,
tôi sẽ trân trọng nó. Mặc dù tôi sẽ không nhận lời người đó, nhưng tôi nhất định
sẽ ghi nhớ tên cậu ấy suốt cả cuộc đời này. Chỉ có điều, đến tận bây giờ, vẫn
không có một boy nào chịu để ý đến tôi cả. Ôi... tôi cảm thấy thế giới của mình
ngày càng trở nên ảm đạm; tôi ngày càng cảm thấy mình không còn có đủ dũng khí
để đối mặt với tất cả mọi người trên đời này nữa!

Trong ý thức của Tiểu Hà, nhất định đang có sự tồn tại của
một thế giới “tự hư cấu” nào đó; trong cái thế giới hư cấu này, lại có một đám
những “khán giả hư cấu”. Tất cả những khán giả hư cấu này đều do Tiểu Hà tưởng
tượng ra, một đám người suốt ngày nhìn chăm chăm vào vẻ bề ngoài, thân hình, quần
áo của cô bé, khiến cho Tiểu Hà luôn cảm thấy bất an. Trong ý thức của con trai
và con gái ở độ tuổi dậy thì, thường xuất hiện một thế giới hư cấu như vậy. Những
cô cậu bé mới lớn này thường không phân biệt được sự khác nhau và dễ lẫn lộn giữa
hai thế giới thực và ảo.

Thực ra, sự để ý của người khác với Tiểu Hà không đến nỗi
nghiêm trọng như cô bé đang tưởng tượng. Những điểm mà Tiểu Hà chú ý đến thì
chưa chắc người khác đã để ý đến. Sự sai lầm về mặt cảm nhận là nguyên nhân gây
ra sự phiền muộn trong lòng Tiểu Hà.

Tiểu Hà sẽ dần dần trưởng thành, trở nên cởi mở và lạc
quan hơn cùng với sự tích lũy kinh nghiệm cuộc sống của mình. Tôi dám đánh cược,
đến lúc đó, Tiểu Hà sẽ biến thành một nàng thiên nga xinh đẹp!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3