Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 8 - Phần 2
Ở Việt Nam chế độ ruộng đất đi theo hai quy luật: thứ nhất là quan hệ giữa Triều đình với làng xã, thứ hai là trong nội bộ mỗi làng. Nhà nước phong kiến tập quyền đề ra luật lệ bảo vệ ruộng đất công hữu là nền tảng của sự ổn định xã hội, và làng xã gắn bó với chế độ tự trị của mình, đã cho thuê hoặc bán cho tư nhân ruộng công, và như vậy là vi phạm quy định của Triều đình, quá trình tiến hóa của ruộng công từ thế kỷ XV đến thời kỳ thuộc địa phản ánh sự dao động thường xuyên giữa hai cực đó. Trong nội bộ mỗi làng có sự đối lập giữa ruộng đất công và ruộng đất tư. Việc nhắc lại quy định không được lấy ruộng đất công bán cho tư nhân qua các đạo dụ liên tiếp các năm 1803, 1840, 1844, 1855 và cuối cùng là năm 1894 đã nói lên chế độ ruộng công bị xói mòn mạnh bằng cách bán đứt hoặc có thể chuộc lại được (bán đợ). Trong suốt thời kỳ thuộc địa cũng như dưới triều Nguyễn ruộng công bị tiêu tán đã đe dọa sự gắn bó xã hội của làng xã. Các lý dịch trong làng thường dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt ruộng công và các cơ chế điều tiết ruộng công đã bị biến chất. Như vậy việc bắt buộc chia lại ruộng công theo định kỳ đã bị một nhóm cường hào điều hành chệch hướng có lợi cho chúng. Ruộng công được sử dụng theo nhiều cách khác nhau: ruộng chia đều, ruộng cầm cố, đất dành cho công việc hành chính trong xã. Loại thứ hai, ruộng cầm cố được làng bán tạm thời và đặc biệt cho tư nhân để lấy tiền mặt chi cho các công trình có tiếng là công ích, như khôi phục các công trình công cộng hay tu bổ đê điều. Loại thứ ba là do hội đồng kỳ mục cho dân làng lĩnh canh, cho các giáp hay cho chính các kỳ hào, hoa lợi được chi tiêu cho công việc hành chính hàng ngày như lễ lạt, trả lương cho lý trưởng, v.v…
Các quan sử dụng công cụ gì để ngăn chặn việc chiếm đoạt ruộng đất công? Thí dụ làng Trà Lũ là câu trả lời đầu tiên. Năm 1903 thôn Bắc của làng Trà Lũ có 793 nhân khẩu. Tri phủ Xuân Trường là Trần Các nhận được đơn khiếu nại của một người dân tên là Mai Viết Khải tố giác cử nhân Lê Văn Nhưng, tiên chỉ trong thôn, đã lấy số ruộng học điền và ruộng dùng vào việc thờ cúng để cày cấy cho mình, và không chia ruộng công cho các xuất đinh. Có lẽ ông ta đã ẩn lậu hoặc chiếm đoạt. Quan về làng điều tra mới thấy năm 1898, tức là trước khi Lê Văn Nhưng lên làm tiên chỉ, xóm đã tiến hành chia ruộng công và quyết định lấy ra 20 mẫu, tức 15% để dùng vào các việc khác. Như vậy không có chuyện tiên chỉ ẩn lậu hay chiếm đoạt công điền. Tuy nhiên quan cũng thấy phần công điền dành cho việc làng quá cao: đình chùa, các nhà thờ họ (các họ Bùi, Đỗ, Vũ, Nguyễn, Lê, Mai, Trần), học điền, tiền giấy bút, quà cáp mừng những người khai khoa. Quan cũng cho là việc chi tiêu tốn kém vì đã chiếm 15% công điền, trong khi dân làng vẫn phải nộp thuế. Vì vậy quan đề nghị giảm bớt gần một nửa diện tích đất công dành cho các công việc đó (8,5 ha thay vì 20 ha) và đề nghị trích 26 ha để trợ cấp cho gia đình có người đi lính. Số còn lại 99 ha ruộng đất công sẽ chia cho 793 nhân khẩu[699].
[699] ANV-RND 1641. Archives du village de Trà Lũ, canton de Trà Lũ, huyện de Giao Thủy phủ de Xuân Trường, province de Nam Định (1902-1906).
Đây là một nhiệm vụ nặng nề đối với các quan. Công việc bảo vệ công điền công thổ đã không được nhà cầm quyền thuộc địa chú ý đúng mức. Họ đã ý thức về việc này khá muộn.
Việc xây dựng đường xá, sửa chữa đê điều cũng là nhiệm vụ nặng nề vì các quan phải dàn xếp giữa chức dịch các làng có đê để chia nhau đóng góp số nhân lực cần thiết. Trường hợp Nguyễn Hữu Lộc, bang tá rồi sau đó quyền tri phủ là một thí dụ về phương diện này. Sau trận lụt gây thiệt hại cho huyện Giao Thủy, các cánh đồng ở giữa làng Hạ Miêu có nguy cơ bị úng ngập. Tình hình đáng lo ngại khiến tri phủ Xuân Trường buổi sáng ngày 3/8/1922 hợp bàn với các chánh tổng ở Cát Xuyên để tập hợp được 1800 dân công cùng dụng cụ hộ đê như cọc, tre để củng cố đê, sọt chở đất, quang gánh. Ông quan này đã giám sát tại chỗ công việc hộ đê, đắp một con trạch cao 50 cm, rộng 70 cm, dài 3000 mét để gia cố mặt đê, ông còn giám sát việc đóng cọc. Làm xong công việc ông cho mời các lý trưởng đến tập hợp ở đình Cát Xuyên và mời họ uống rượu để khen thưởng họ[700] cứu được 1080 ha ruộng khỏi bị ngập[701].
Những phẩm chất hòa giải của quan trị nhậm được đánh giá cao khi xảy ra tình huống phải sơ tán dân chúng. Ông ta phải có khả năng tổ chức nhanh chóng việc thực hiện không để xảy ra sự chống đối khi phải ra lệnh mở đê. Dân chúng thường do dự không muốn chuyển nhà lên các gò đồi để chống lụt vì họ sợ mất cắp đồ đạc, như trong trường hợp huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Yên[702].
[700] ANV-RND 1520. Archives du village de Hạ Miêu, canton de Cát Xuyên, huyện de Giao Thuỷ, phủ de Xuân Trường, province de NamĐịnh (1909-1927).
[701] ANV-RST 34752, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Hữu Lộc.
[702] ANV-RST 31104, hồ sơ hành trạng của Đàm Quang Phượng.
Việc hòa giải không tách rời việc sử dụng quyền uy mà quan huyện phải thể hiện đối với các chức dịch hàng xã hay tổng. Đó là lý do trừng phạt của tri huyện Võ Giàng Lê Mạnh Phan tháng 11/1913 khi nước lũ sông Cầu tràn về làm vỡ đê Đầu Hàn (tổng Châm Khê), phía thượng lưu cầu Đáp Cầu. Các chỗ vỡ đê đã tạm thời được hàn khẩu bằng các con trạch rộng hai mét, trong khi người chỉ huy công trường hộ đê nói phải đắp rộng ra sáu mét. Lê Mạnh Phan liền bị cách chức vì ông đã không đủ quyền uy để tác động đến chánh tổng và lý trưởng trong việc huy động dân phu[703].
[703] ANV-RST 31301, hồ sơ hành trạng của Lê Mạnh Phan.
Tại các huyện ven biển, quan huyện phải biết dung hòa quyền lợi giữa người làm muối và người trồng lúa. Chúng ta hãy lấy thí dụ ở xã Kiên Trung. Lý dịch làng này hàng năm trước mùa mưa phải làm một con đập trên con lạch đầu làng để bảo vệ cánh đồng khỏi bị ngập. Thế nhưng bắt đầu từ 1898, con lạch chạy về các con ngòi nhỏ của huyện này vẫn được người dân làm muối sử dụng để chở muối. Vì vậy năm đó các chức dịch trong làng không dám đóng hoàn toàn cửa cống trên con lạch vì sợ dân làm muối phản ứng. Nhưng việc đó lại có thể gây ra úng ngập và sẽ thiệt hại lớn đến thu hoạch lúa vì nước mưa và nước biển. Viên tri huyện phải tìm cách dung hòa lợi ích của dân trồng lúa và dân làm muối. Ông chủ trương xây một con đập có cánh cửa bằng ván mở ra đóng vào được để tạo thuận lợi cho việc chuyên chở muối. Ông bèn triệu tập chức dịch mỗi làng trong tổng đến họp, để huy động dân phu và tập kết vật liệu cần thiết. Tiếp sau đấy, quan tri huyện còn thân hành đến tận nơi giám sát việc xây đập và phối hợp các công việc.[704]
[704] ANV-RND 1660. Archives du village de Kiên Trung, canton de Kiên Trung, huyện de Hải Hậu, province de Nam Định (1897-1907).
Nhiệm vụ chủ yếu của quan phủ, quan huyện là hàng ngày điều tiết những mối quan hệ xã hội. Trong nước Việt Nam xưa kia, đưa ra pháp luật là chuyện vạn bất đắc dĩ. Vì vậy khi đó các ông quan phải khuyến khích dân chúng tránh xung đột, kiện cáo và đừng để công lý trừng phạt[705]. Dưới thời thuộc địa, công lý còn chịu ảnh hưởng của quan niệm ấy. Trình tự tố tụng được tổ chức ra sao? Đa số các vụ tranh chấp như cãi nhau, chửi nhau, va chạm nhẹ, ăn cắp vặt đều được giải quyết thông qua hòa giải trước hội đồng kỳ mục trong xã, thôn theo hương ước. Khi hội đồng không làm cho hai bên nhất trí được với nhau, thì có thể đem vụ việc ra trước chánh tổng. Cuối cùng nếu chánh tổng hòa giải không có kết quả, thì vụ việc sẽ đưa lên quan xét xử. Đầu tiên quan huyện hay phủ cũng dùng biện pháp hòa giải trước đã: quan chỉ cho hai bên biết theo luật pháp thì ai phải ai trái. Hòa giải không thành, quan mới chuyển vụ việc từ dân sự sang hình sự.
[705] Như Nguyễn Bá Trác đã dựa vào tư tưởng nho giáo đề viết trên báo Nam Phong năm 1918. “社論行政論”, Nam Phong, 14 (1918/8), tr.57-64.
Tri huyện nhiều khi phải về tận làng làm trọng tài xét xử các vụ tranh chấp trong nội bộ gia đình như chia gia tài, các vụ việc về hôn nhân. Chúng tôi sẽ đề cập lĩnh vực này qua hai thí dụ dưới đây.
Nếu như phần lớn các vụ việc về hôn nhân gia đình đều được giải quyết qua hội đồng kỳ mục, nhưng xem xét kỹ nguồn tư liệu cho ta thấy các sắc thái khác nhau: vai trò của quan phủ hay huyện trong việc này không thể xem nhẹ. Ví dụ năm 1907, tri phủ Xuân Trường là Lê Văn Thực có nhận được đơn khiếu nại về hai đám cưới ở thôn Nam Ngũ Phúc làng Hành Thiện. Hai ông Tiển và Mậu là người trong cùng một họ muốn gả con cho nhau. Con gái ông Tiển mới lên bảy và con trai út ông Mậu mới lên mười. Nhưng đám cưới chưa kịp tổ chức thì quan tri phủ Lê Văn Thực không muốn để xảy ra hành vi trái pháp luật, đã ra lệnh cho họ không được làm đám cưới cho hai đứa trẻ vì tảo hôn là vi phạm luật hôn nhân[706]. Một viên quan cũng có thể đi đến bày tỏ ý kiến tán thành hay không tán thành một giải pháp thỏa hiệp giữa nhiều gia đình. Như năm 1914 Đặng Thị Cán, người làng Hành Thiện đã kiện việc con gái là Đặng Thị Đào, bị chồng là Đặng Vũ Mô hành hạ đánh đập và anh chồng này đã bỏ trốn. Tri phủ Xuân Trường lúc đó là Nguyễn Chức đã gửi trát đòi các đương sự ra xét xử. Mô cùng vợ đến công đường, nói rằng vợ anh ta đã không làm tròn phận sự nội trợ gia đình và trốn sang một làng khác. Khi tìm thấy vợ, anh chỉ muốn đưa vợ về nhà để cùng chung sống với nhau. Khi hỏi đến Thị Đào và mẹ là bà Cán thì cả hai người đều nói họ đồng ý với đề nghị của Mô. Quan huyện thuận theo sự dàn xếp này đã cho phép Mô đưa Đào trở về nhà[707].
Các quan cũng hay can thiệp vào các tranh chấp thừa kế. Trường hợp của Nguyễn Duy Phúc rất tiêu biểu trong vô số chuyện bất đồng trong việc thừa kế gia sản ưu tiên cho dòng con trai trưởng, làm thiệt hại cho quyền lợi chung của dòng họ và những con thứ. Những xung đột loại này thường xảy ra trong những trường hợp con nuôi không bình thường.
[706] ANV-RND 1546. Archives du village de Hành Thiện, canton de Hành Thiện, huyện de Giao Thủy, phủ de Xuân Trường, province de NamĐịnh (1901-1908).
[707] ANV-RND 1547. Archives du village de Hành Thiện, canton de Hành Thiện, huyện de Giao Thủy, phủ de Xuân Trường, province de NamĐịnh (1909-1930).
Nguyễn Duy Phúc và Nguyễn Thị Nhàn người thôn Phương Lăng, làng Thần Lộc, không có con, đã nhận bé Úc làm con nuôi. Nguyễn Hữu Duệ cháu của Nguyễn Duy Phúc cũng có một con trai tên Riệu. Sau khi Nguyễn Duy Phúc chết thì người vợ cũng đang ốm, nói với em gái của Nguyễn Duy Phúc là Nguyễn Thị Tình rằng vì không có con nên toàn bộ của cải và quyền thừa kế sẽ dành cho Nguyễn Hữu Duệ. Đồng thời bà này cũng đề nghị Nguyễn Hữu Duệ nhận Úc làm con nuôi. Vậy mà tám năm sau khi Nguyễn Thị Nhàn qua đời, nảy sinh cuộc tranh chấp giữa Nguyễn Hữu Duệ và Úc về việc thừa kế gia sản. Nguyễn Hữu Duệ nói anh ta đã chi 250 quan tiền để làm tang cho cô và mua gỗ để xây dựng lại nhà cho Nguyễn Thị Nhàn hết 150 quan nữa. Ngoài ra ông còn cho biết đã chi tiếu tốn kém cho đám cưới của Úc khi đã nhận Úc làm con nuôi tám năm trước đó. Úc thì khai là anh ta là con đẻ của Nguyễn Duy Phúc và xin quan huyện cho phép cải táng cho cha. Tuy nhiên trong biên bản lập quyền thừa kế Nguyễn Thị Tình và các thành viên khác trong gia đình đã coi Riệu như thừa kế của Nguyễn Duy Phúc. Của cải được phân chia như sau: ngôi nhà 5 gian của Nguyễn Duy Phúc và Nguyễn Thi Nhàn sẽ cho để bàn thờ Nguyễn Hữu Duệ; cái ao rộng 1 sào 5 miếng sẽ dùng làm hương hỏa, đất 1 sào 5 miếng dùng vào việc cải tang cho Nguyễn Duy Phúc và đám tang của Nguyễn Thị Nhàn; 1 sào sẽ bán đi. Chỉ còn lại 3 sào 3 miếng tư điền và đất thổ cư sẽ để lại không chia. Nguyễn Hữu Duệ sẽ để cho Úc 1 sào đất thổ cư và một sào tư điền. Riệu chỉ còn lại 2 sào 3 miếng tư điền và 2 sào 1 miếng đất thổ cư và đồ đạc sẽ tạm thời để cho Nguyễn Hữu Duệ tùy ý sử dụng. Quan tri huyện được mời về xóm Phương Lăng để giải quyết cuộc tranh chấp giữa Nguyễn Hữu Duệ và Úc. Sau khi điều tra sự việc, hỏi chuyện cặn kẽ các thành viên trong gia đình, các bậc kỳ mục và hàng xóm láng giềng của Nguyễn Duy Phúc, quan thấy Úc có lý và ra lệnh cho Duệ phải giao cho Úc ngôi nhà 5 gian, 1 sào thổ cư, 1 sào tư điền (đã cho rồi), 1 sào tư điền để lo việc sang cát cho (bố nuôi) Nguyễn Duy Phúc và (mẹ nuôi) Nguyễn Thị Nhàn và cái ao 1 sào 5 miếng để dùng làm hương hỏa. Nguyễn Hữu Duệ cho quan xử như thế là bất công nên lại trình lên quan tỉnh. Quan tổng đốc Nam Định là Trần Lưu Huệ được tin bèn cho điều tra lại, xem xét lại biên bản lập thừa kế do các thành viên trong gia đình ký vào. Trái với ý kiến quan tri huyện, quan tổng đốc lại cho rằng văn bản lập thừa kế này là chính đáng và phản đối việc tri huyện xử cho Úc được ngôi nhà 5 gian và 1 sào 5 miếng ao (tài sản hương hỏa) và 1 sào ruộng để sang cát cho Nguyễn Duy Phúc và Nguyễn Thị Nhàn. Quan Tổng đốc thấy tất cả các bằng chứng cho biết Úc chỉ là con nuôi của ông bà Phúc-Nhàn cho nên ông đề nghị giữ nguyên phương án chia gia sản thừa kế đúng như các thành viên trong gia đình đã bàn bạc và quyết định trước đây và chỉ để cho Úc một sào đất thổ cư và 2 sào ruộng tư. Cuối cùng ông giao cho Riệu - người thừa kế (hợp pháp) của ông bà Phúc-Nhàn trách nhiệm cúng giỗ và duy trì tài sản hương hỏa đúng như hội đồng gia tộc quyết định trước đây.
Giáo dục, động viên, thúc đẩy xã hội hoạt động
Song song với chức năng trọng tài, tri huyện còn đóng vai trò như một nhà giáo dục, một người khuyến khích thúc đẩy xã hội hoạt động. Trong truyền thống nho giáo, quan là người thay mặt Hoàng đế có nhiệm vụ khai hóa dân, cải tổ phong tục tập quán được gói gọn trong từ giáo hóa[708]. Dưới thời thuộc địa các quan phủ huyện vẫn giữ vai trò như một nhà giáo dục như thời xưa. Hoạt động của các quan tiến hành trong bốn lĩnh vực: cải cách nông thôn, phát triển giáo dục, phổ biến quy tắc vệ sinh và tiết kiệm trong nông thôn.
[708] Nguyễn Bá Trác “ 社 論 行 政 論 ”, sđd.
Công cuộc cải lương hương tục ở Bắc Kỳ không thể tiến triển nếu không có sự tham gia tích cực của các quan tri phủ, tri huyện, là những người thường xuyên tiếp xúc với dân chúng. Thành công của chính sách này, phân tích đến cùng, tùy thuộc vào năng lực của các quan, có giải thích cho dân chúng hiểu được ý nghĩa của việc cải cách và tổ chức và theo dõi việc thực hiện. Đâu là những công cụ của công việc giáo dục ấy? Các quan đương chức hay đã nghỉ hưu phải đích thân soạn thảo những hương ước mẫu. Mặc dù khác nhau, nhưng có những nét chủ yếu như xây dựng ngân sách xã, phát triển giáo dục theo nghĩa rộng, lập sổ hộ tịch, cải cách tục lệ cổ hủ lạc hậu, thành lập các hội tương tế.
Việc lập ngân sách xã đã được đề ra một cách hệ thống trong những hương ước mẫu. Hãy lấy thí dụ trong một dự án của Hoàng Hữu Đôn, tri huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) đã được phổ biến rộng rãi trong huyện[709]. Ông đặc biệt nhấn mạnh tính công khai minh bạch trong việc thu chi ngân sách xã: triệu tập đều các cuộc họp của hội đồng kỳ mục - mỗi tháng hai lần - để ghi các khoản thu, chi. Thẩm định các khoản thanh toán, ký biên bản cuộc họp, công bố rộng rãi cho dân làng biết bằng cách dán thông cáo trên bảng. Để tiến tới lập ngân sách xã, không phải chỉ trông mong vào việc thay đổi tập quán trong xã, còn cần có các cuộc họp dân làng để đặt mục tiêu này. Nguyễn Đình Hoè, tri huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã nêu gương sáng về vấn đề này. Năm 1922 tổng đốc Bắc Ninh đã nhận xét ông: “Ở bất cứ nơi nào ông đã đi qua, ông đều làm dân biết lợi ích của việc cải lương hương tục và lập ngân sách xã”[710]. Hoặc như Vũ Thiện Đản, tri huyện Tam Nông, đã được công sứ tỉnh Phú Thọ nhận xét năm 1923, “đã tích cực thúc đẩy cải lương hương tục và đã đạt được kết quả (hai tư ngân sách trong tổng số ba tư làng)”[711]. Thành công của thiết chế mới đòi hỏi phải được theo dõi sự vận hành. Trường hợp của huyện Thanh Oai đã cho một thí dụ khá rõ: năm 1920 công sứ tỉnh Hà Đông nhắc lại rằng hai tư xã trong huyện Thanh Oai đã có ngân sách; nhưng để giám sát chặt chẽ hoạt động của ngân sách tại các xã đã lập và qua đó mở rộng sang các xã khác còn lại trong huyện, cần phải đưa về đây “một quan tri huyện trẻ tuổi, tích cực, nhạy cảm với những ý tưởng mới và thông thạo công việc hành chính”[712].
[709] Dự án đã đăng trên báo Nam Phong, Hoàng Hữu Đôn, “Giúp cho vấn đề cải lương hương tục. Một cái dự án cải lương”, Nam Phong, 37 (1920/6), tr.41-57.
[710] ANV-RST 34695, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Đình Hòe.
[711] ANV-RST 55102, hồ sơ hành trạng của Vũ Thiện Đản.
[712] ANV-RST 34866, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Cát Lợi.
Trong các hương ước mẫu, cải tiến công cuộc đào tạo có hai mặt: giáo dục theo đúng độ tuổi và giáo dục người lớn. Sau khi động viên khuyến khích cha mẹ cho con đi học thì phải lập dự án thành lập trường học cho con em trong xã, quy định rõ ràng các thể thức tài trợ cho việc xây dựng trường và trả lương cho thầy giáo làng. Các quan không phải chỉ lo cải cách phong tục mà còn khuyến khích dân làng lập trường. Như Nguyễn Hữu Lộc, tri huyện Kim Thành năm 1922 khuyến khích dân tổng Lai Vu, huyện Kim Thành mở lạc quyên ba ngàn bảy trăm đồng để xây một trường tiểu học[713] cho trẻ em. Một năm sau trường hợp của Nguyễn Hữu Bật cũng khá nổi tiếng. Là tri huyện Chí Linh, ông cho mở một trường Pháp-Việt ở Lạc Sơn, tổng Đông Đôi[714]. Những ông quan đã nghỉ hưu cũng không đứng ngoài phong trào mở trường học này. Nguyễn Hữu Đắc về hưu từ mười năm, năm 1923 đã tích cực tham gia vào cuộc cải cách nông thôn và khuyến khích làng Chính Kinh, là nguyên quán của ông, cùng với các làng quanh đó như Quan Nhân, Cự Lộc, Giáp Nhất mở trường Pháp-Việt. Hoàng Trọng Phu, tổng đốc Hà Đông, đã ban thưởng ông bằng cách đề nghị phong cho ông chức hiệp tá đại học sĩ[715]. Một thí dụ cuối cùng: Nguyễn Thiện Kế đỗ phó bảng, tri phủ Thuận Thành, rồi Từ Sơn (Bắc Ninh), vốn có nhiều bất đồng chính kiến với chính quyền thuộc địa nên bị quan trên trừng phạt bằng cách đổi đi làm giáo thụ trong tỉnh Yên Bái. Cuối đời làm quan ông về sống ẩn dật tại Tam Sơn, làng gốc của ông. Được bầu làm tiên chỉ, ông cùng với các nhà nho khác chịu ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục, tích cực hoạt động cho phong trào cải lương hương tục trong làng từ năm 1911 và khuyến khích dân làng quyên góp để xây dựng một trường tổng.
[713] ANV-RST 34752, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Hữu Lộc.
[714] ANV-RST 34616, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Quang Bật.
[715] ANV-RST 34674, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Hữu Đắc.
Mặt thứ hai của giáo dục trong các hương ước là công cuộc đào tạo người lớn theo hai cách: mở các lớp hành chính xã thôn, tổ chức các buổi diễn thuyết hàng tuần cho tất cả mọi người trong làng về văn chương, đạo đức, cách trí, vệ sinh, thương mại. Về điểm này, có nhiều thói quen cũ kỹ lâu ngày trở thành tập quán được thể chế hoá[716]. Một vị quan như Đặng Xuân Bảng đã hăng hái tham gia cuộc cải cách bằng cách mở trường dạy học tại quê nhà trong suốt ba mươi năm cuối đời.
[716] Xem đoạn trên.
Công cuộc cải lương hương tục nối tiếp những suy nghĩ và cách làm của Đông Kinh nghĩa thục, nhưng cũng áp dụng những hình thức cũ. Trong thế kỷ XVIII và XIX ở nước Đại Nam xưa, các quan đã được giao chấn hưng đạo đức do các hoàng đế đề ra. Cuộc cải cách quan trường ở bắc Việt Nam tiến hành vào đầu thế kỷ XX không đi ngược với chức năng chấn hưng đạo đức của các quan tri huyện. Như Hoàng Hữu Đôn trong dự án của mình đã coi trọng việc đổi mới phong tục tập quán. Ông tố cáo những tác hại của nạn tảo hôn, đề ra việc xóa bỏ khao vọng tiệc tùng dịp tân khoa vinh quy bái tổ, hay các quan được thăng chức, giảm bớt cỗ bàn trong gia đình khi ma chay, cưới xin và khuyên mỗi lần như thế chỉ đóng một số tiền khoán trước vào công quỹ của làng. Tương tự việc giết trâu lúc tế lễ thành hoàng nên thay bằng cúng chay, thức ăn làm bằng thực vật, bài trừ mê tín dị đoan, lễ thức được đơn giản hóa trong Thượng Cổ xã Tam Sơn đồng dân công ước chí, một hương ước mới của xã Tam Sơn do Nguyễn Thiện Kế soạn năm 1911[717]. Cùng năm đó làng ông đã tổ chức tế lễ theo tinh thần cuộc cải cách đó.
[717] Ngô Gia Tân, tú tài, và Ngô Sách, Hứa ấm sinh, cựu tham tán ở tòa thượng thẩm đã tham gia biên soạn. Xem Bùi Xuân Đính, “Hội chùa Tam Sơn”, Văn hoá dân gian, 3 (43), 1993, tr.19-25.
Việc phổ biến các hạt giống có năng suất cao, việc hiện đại hóa kỹ thuật nông nghiệp cũng thuộc chức năng giáo hóa của các quan. Ở thế kỷ XVII, tri huyện đã phải chăm lo khuyến khích dân chúng phát triển canh nông và tằm tang[718]. Ngoài ra năm 1725 các quan khuyến nông sứ chia nhau đi tuần hành bốn đạo, tìm hiểu tình hình đất đai để đắp đê đào kênh, điều tra nỗi khổ của nhân dân để tìm cách khắc phục[719]. Thế kỷ XVIII, Triều đình còn cử quan đi đến các đạo làm xé tát nước để tưới cho ruộng cấy lúa[720]. Không hề có đứt đoạn giữa nước Việt Nam thời phong kiến với Việt Nam thời thuộc địa. Phạm Đình Quỳnh lãnh tri huyện Thanh Hà, Hải Dương giữa những năm 1898-1903 đã phổ biến cách trồng đay cho dân trong huyện[721]. Cũng vào thời điểm này, Nguyễn Giao, tri huyện Bất Bạt, khuyến khích nông dân trồng xả và hương bài[722]. Trần Văn Lợi, bang tá rồi tri huyện Phổ Yên, nguyên là kỹ thuật viên trồng trọt ở vườn bách thảo và thuần hóa cây trồng Hà Nội, đã mường tượng đến việc thành lập một vườn ươm các giống cây có giá trị nhằm phủ kín các đồi trọc trong huyện. Nhằm mục đích ấy, ông đã đi khắp nơi để tìm những giống cây có giá trị cao[723]. Cuối cùng, một bài báo của tác giả vô danh đã nói về cải cách quan trường đăng trên báo Nam Phong ấn hành năm 1918, đề cao một viên tri huyện ở Thanh Hóa, nhân nhà cầm quyền phát động phong trào trồng cây có dầu đã khuyến khích dân trong huyện trồng các loại cây này và phái các chuyên gia về các xã thích hợp nhất để chỉ dẫn cách trồng[724].
[718] Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp ký, sđd, tr.41. Nguyễn Bá Trác, “ 社論 行 政 論 ”, sđd.
[719] CM, chb., XXXVI, 22-23.
[720] CM, chb., XXXIV, 19.
[721] ANV-RST 31436, hồ sơ hành trạng của Phạm Đình Quỳnh.
[722] ANV-RST 34685, hồ sơ hành trạng của Nguyễn Giao.
[723] ANV-RST 54244, hồ sơ hành trạng của Trần Văn Lợi.
[724] Nguyễn Bá Trác, “ 社 論 行 政 論 ”, sđd.