Quan Và Lại Ở Miền Bắc Việt Nam - Chương 5 - Phần 1

Chương
5

BƯỚC
NGOẶT CỦA THẾ KỶ,

CẢI
CÁCH QUAN TRƯỜNG

Đổi từ chế độ quan trường thời chinh phục sang
chế độ quan trường thời quản lý. Các nhà cầm quyền Pháp và Việt đã
phải vượt qua thách thức đó như thế nào vào giữa những năm 1890?

Đa dạng
hóa nguồn tuyển dụng

Những quan tri phủ, tri huyện trong những năm
1884-1892 đến từ nhiều nguồn khác nhau: họ xuất thân từ những nhà khoa bảng đã
đỗ trong các khoa thi hương, những cựu quan võ cuối triều Tự Đức, những người
đã mộ quân đi theo các đạo quân “chiêu an tiễu giặc” gia nhập quan trường.
Trong thời kỳ này, các con đường làm quan cũng rất linh hoạt: trong một số địa
bàn chỉ có những quan thự (nghĩa là tạm quyền). Như vậy có nhiều thuyên chuyển
gần nhau. Ví dụ huyện Kim Anh trong hai năm từ tháng 6/1896 đến tháng 4/1898
thay sáu lần tri huyện[382].
Việc một quan tri huyện hay tri phủ tạm quyền không thể được coi là thực tập mà
những chuyện thuyên chuyển liên tục như vậy gắn với điều kiện tuyển dụng. Khi
khuyết một chân tri phủ, tri huyện, giáo thụ hay huấn đạo, công sứ và quan tổng
đốc, tuần phủ ở tỉnh trình ngay lên cấp trên để xin cử người thay thế. Quan
kinh lược liền đề nghị một hay hai ứng viên và các tổng đốc, tuần phủ và công
sứ phải đưa ra ý kiến của họ. Thường không biết rõ những người được đề nghị hay
chỉ biết tên nên các nhà cầm quyền Việt và Pháp khó mà bác bỏ. Nhiều khi chỉ
mới nhậm chức được vài tháng, các quan đó đã chứng tỏ bất tài. Thế là phải thay
đổi người khác. Thay đổi liên tục như thế khiến cho công việc hành chính không
thể vận hành thông suốt được. Không ai có trách nhiệm về công việc dở dang, kéo
dài. Chính quan kinh lược, một thời gian dài cũng không thể hiểu biết tính cách
và năng lực phẩm chất của những người chưa làm quan bao giờ nay lại được giữ
chức này chức khác trong ngạch cai trị.

Đa số các quan chưa từng đỗ đạt gì hoặc phẩm trật
thấy không thể đảm nhiệm chức tri phủ hay tri huyện trong những phủ huyện mà
các quan tiền nhiệm đều là những nhà khoa bảng xuất thân như các huyện Tiên Lữ,
Thạch Thất hay Phú Xuyên[383].
Trường hợp huyện Phú Xuyên, năm 1898 cũng như huyện Thạch Thất bảy năm về trước
(1891) chứng tỏ khó mà cai trị được một huyện có nhiều nhà khoa bảng đỗ đạt cao
hoặc làm quan to như tổng đốc Sơn Tây đã làm lưu ý:

[382] ANV-RST 18318,
hồ sơ hành trạng Nguyễn Hoàng Oanh. Ngày tháng ghi sau chức vụ tương ứng với
thời gian bước vào quan trường chứ không phải là việc giữ chức tri huyện.

[383] Huyện
Phú Xuyên có số đông các nhà khoa bảng. Dân huyện không chịu phục tùng quan
huyện mới không đỗ đạt gì. Xem Pasquyer P., L’Annam d’autrefois, sđd,
tr.110-111.

Huyện Thạch Thất nổi tiếng là vùng có nhiều nhà nho
đỗ đạt […] cần phải có một quan có đỗ đạt cao mới về trọng nhậm được đây… Vậy
Đinh Kỳ Thân mới từ chân ký lục không đỗ đạt gì, là đề lại (cửu phẩm) mà nay
được cử về đây làm tri huyện thì khó mà làm việc. Chỉ nên coi việc bổ nhiệm này
là tạm trong một thời gian ngắn. Nếu để lâu, dân trong huyện sẽ không chịu phục
tùng[384].

[384] ANV-RST 15434,
hồ sơ hành trạng của Đinh Kỳ Thân.

Tình hình này còn kéo dài vì đến năm 1905, thống sứ
Bắc Kỳ trong một thông tư đã khẳng định rằng người ta đã “cảnh báo có sự bất
mãn trong dân chúng vì nhà nước bảo hộ hai ba năm nay đã cử người vào các chức
tri huyện, tri phủ về mà không kể gì đến trình độ học vấn của họ.” Viên thống
sứ Bắc Kỳ đã ám chỉ không phải những quan không có phẩm trật xứng đáng hay
không ở trường hậu bổ ra mà cả những quan chức không đọc và viết được chữ nho
nên khi nhận được đơn từ của dân thì không đọc được, không hiểu dân kêu xin
điều gì, cũng không trả lời và buộc phải qua trung gian để giải quyết[385].

[385] Thông
tri (15/6/1905) trong ANV-RHD 14. Textes
de principe régissant le personnel de l’administration indigène.

Các quan đó không thể khẳng định vai trò tri phủ,
tri huyện, ngay cả đối với các thuộc lại của mình. Các quan chức người Việt và
các nhà cầm quyền thuộc địa tỏ ra dè dặt về việc cử những người như Hoàng Đức
Phu không được chuẩn bị gì để làm việc cai trị dân[386].
Một trường hợp khác cũng đáng nói đến là trường hợp của Nguyễn Văn Thiêm, quyền
tri huyện Yên Dũng. Năm 1890 công sứ Bắc Ninh xin được trả Thiêm về phủ thống
sứ trong những lời lẽ như sau:

Nguyễn Văn Thiêm mới ở bậc thất phẩm từ 1884 và tôi
cũng tự hỏi làm sao ông ta đã leo lên được bậc đó vì ông ta không đọc được chữ
nho. Trước đây ông ta mới làm chức quản phu (tức là chỉ huy phu khiêng võng
kiệu) và với danh nghĩa này ông ta đi theo nhiều cuộc hành binh tiễu phạt. Ông
ta có thể làm được một việc phục dịch nhưng không hề biết gì đến công việc cai
trị (…). Ông ta không có học vấn gì, không biết đọc, không biết ký và luôn luôn
có bên mình một thầy nho để giúp ông đọc các văn thư giấy tờ. Vì vậy ông biến
mình làm trò cười của thiên hạ và không có chút ảnh hưởng gì trong dân chúng.
Các chánh tổng, lý trưởng cảm thấy họ còn hơn ông ta và phục tùng mệnh lệnh ông
đưa ra một cách khó khăn. Các quan khác cũng không ai coi trọng ông[387].

[386] Về
Hoàng Đức Phu xin xem chương trên.

[387] ANV-RST 34838,
hồ sơ hành trạng của Nguyễn Văn Thiêm.

Hai năm sau, quan kinh lược đã nhắc lại nhận xét này
của công sứ Bắc Ninh. Ông từ chối, không chấp nhận đề nghị của các quan tỉnh
Hưng Yên định bổ Trần Như Niên làm tri huyện Tiên Lữ. Niên mới là thí sai lại
mục, chưa có phẩm trật gì, làm sao mà buộc các chánh tổng, lý trưởng, đông đảo
các nho sĩ, chức dịch trong làng ở một huyện đồng bằng phục tùng mình được[388].

[388] ANV-RST 31528,
hồ sơ hành trạng của Trần Như Niên.

Những sự trục trặc đó cũng phức tạp thêm trong tình
hình bất ổn ở địa phương. Sự tiến hóa về chính trị trong vùng đòi hỏi có một
kiểu cai trị mới. Việc tuyển dụng quan chức lâu nay dựa vào kinh nghiệm “trấn
áp” ở những nơi đầy biến loạn, nhưng công cuộc trấn an càng tiến bộ thì càng
bộc lộ mặt bất cập của những quan chức đó. Các tri huyện Phạm Hữu Uyển, Phạm
Huy Bích, Phạm Văn Kỳ là những trường hợp điển hình. Viên công sứ Thái Bình đã
đánh giá công việc của Phạm Văn Kỳ như sau:

Ông ta là người chỉ huy dân binh đắc lực trong những
công việc “đánh đẹp”. Người ta đã phạm sai lầm đưa ông lên làm tri huyện vì
trong chức vụ này ông ta hoàn toàn không có chút năng lực nào mà tính nết lại
tham lam độc ác khiến người bản xứ ai cũng ghét. Tôi bắt buộc phải ngăn cản ông
ta hầu như không được làm gì trong việc cai trị.

Đáng lẽ phải thải hồi những ông quan bất tài bất lực
như vậy, nhưng người ta lại đổi họ lên các huyện đang lộn xộn ở miền thượng du.
Phạm Huy Bích đổi từ huyện Phù Yên lên châu Trấn Yên tỉnh Yên Bái để ông ta
phát huy những phẩm chất “chiêu an” dân chúng của ông[389].

[389] ANV-RST 16294,
hồ sơ hành trạng của Phạm Hữu Uyển; ANV-RST 31425, hồ sơ hành trạng
của Phạm Văn Kỳ; ANV-RST 31405, hồ sơ hành trạng của Phạm Huy Bích.

Việc chuyển đổi trong quan trường từ chỗ dựa vào khả
năng quân sự sang kinh nghiệm cai trị cần phải đặt lại trong khuôn khổ lịch sử
rộng hơn nếu muốn nắm bắt tầm quan trọng của nó. Cần phải nhớ lại thời gian đầu
các triều vua nhà Lê và đầu triều Nguyễn. Năm 1428 cũng như năm 1802 giang sơn
đất nước quy vào một mối do người sáng lập triều đại là - Lê Lợi, sau này đến
Nguyễn Ánh - sau một thời gian chiến tranh liên miên, “những chiến tích quân sự
coi trọng hơn là quá trình đào tạo cổ điển[390].”
Việc giành quyền lực đã được xây dựng trên lòng trung thành của các họ lớn ở
Thanh Hóa đối với Lê Lợi cũng như những người ở miền Trung và
miền Nam đối với Nguyễn Ánh. Kết thúc giai đoạn này, Minh Mạng cũng
như Lê Thái Tổ và những triều vua kế tiếp tiến hành cải cách nền hành chính
quốc gia để tái lập lại chế độ quan lại dựa trên việc tổ chức đều các khoa thi.
Gắn với tình hình Trung Hoa đầu triều Minh cũng vậy. Sau thời gian lộn xộn cuối
đời Nguyên và do việc rút lui của một phân số quan lại, vị vua mới tất phải
giao các chức vụ quan trọng cho những người tỏ rõ lòng trung thành trong cuộc
chiến đấu khôi phục quyền lực mà không cần có học vấn cao. Đó là con đường làm
quan cần thiết trong những năm đầu của triều đại mới nhưng sau đó mờ nhạt dần[391].
Cho nên phải cần đến những thuộc lại để làm quan trong thời gian chinh chiến
cũng giống như thời kỳ đầu triều Minh: tình hình khẩn cấp, cai trị lộn xộn.

[390] Chúng
tôi đã tham khảo sự so sánh giữa hai triều đại do Ralph Smith phác thảo trong
Smith R. “Politics and Society in Vietnam…”, sđd, tr.155-156.

[391] Miribel
J. de, Administration provinciale
et fonctionnaires civils au temps des Ming, 1318-1644 (1995), t.1,
tr.163.

Đối với các nhà cầm quyền thuộc địa ở Bắc Kỳ cuối
thế kỷ XIX, việc quân sự hóa nền hành chính và đưa lại viên vào làm quan cai
trị là một thách thức.

Thời
điểm “Lanessan - Nguyễn Trọng Hợp”

Một chính sách mới

Sự phát triển của quan hệ vây cánh, việc hình thành
nhiều trung tâm quyền lực và những điều bất ngờ trong chính sách thuộc địa đã
tạo điều kiện cho sự hình thành một loại quan chức luồn lách từ các khe hở.
Việc một số quan chức cũ bị thải hồi hay tự nguyện xin nghỉ đã tạo cơ hội cho
những người chẳng đỗ đạt gì bước vào quan trường. Không ai đòi phải tuyển dụng
theo kiểu như công sứ Nam Định năm 1885 đã đề xuất:

Những người đã tỏ ra cảm tình với sự nghiệp của
chúng ta phải được đặc biệt ưu đãi mặc dù cho những ứng viên khác có chức danh
như thế nào […]. Cách tuyển dụng như thế hẳn sẽ đưa những người kém cỏi có tham
vọng vào bộ máy cai trị nhưng đó là khuyết tật đặc thù của các chế độ mới được
những người không có kinh nghiệm phục vụ, đối với chúng ta thì còn hơn những
người rất khôn khéo, còn giữ được ảnh hưởng xưa và đầy tiếc nuối đối với trật
tự cũ[392].

[392] Charles
Fourniau dẫn trong Les contacts
franco-vietnamiens, (1983), tr.615.

Tuy nhiên đầu những năm 1890, một cuộc vận động lớn
diễn ra trong các nhà cầm quyển thuộc địa và ngạch quan cao cấp người Việt để
khắc phục hậu quả của việc tuyển dụng dựa trên lòng trung thành và tận tâm. Lúc
này người ta thừa nhận thời kỳ đầu cuộc chinh phục là tạm thời cần thiết phải
làm như vậy để ứng phó với sự phản đối của một phân số các quan tại chức chống
lại cuộc chinh phục và cũng buộc phải từ bỏ quy định cũ về quá trình đào tạo và
thăng chức. Những điều cần thiết đã mau chóng trở thành thói quen và các nhà
cầm quyền không tôn trọng quy tắc nào mà không đòi hỏi các điều kiện để được bổ
nhiệm và thăng chức[393].
Nhà cầm quyền thuộc địa phải gánh chịu hậu quả, các sĩ phu bất mãn các quan mới
không quyền uy, không uy tín mà nền học vấn đem lại. Tóm lại những hạn chế của
việc tuyển dụng chỉ dựa vào năng lực quân sự đã bộc lộ rõ ràng.

[393] ANV-RST 46376.

Đối với Brière, thống sứ Bắc Kỳ, chỉ việc phục hồi
những quy định cũ là có thể sửa chữa những thiếu sót đó. Phải qua đào tạo, thực
tập để thử thách, không thăng chức nhanh, những chức vụ cao dành cho những
người chín chắn ít nhất bốn mươi-năm mươi tuổi và có kinh nghiệm. Những ưu điểm
trong việc tuyển dụng quan chức trong thời kỳ tiền thuộc địa đã không lọt qua
mắt của Brière? Lý tưởng hóa chúng? Có lẽ! Nhưng điều đó có ý nghĩa là những
quy định đó đã được chú ý vì cần thực hiện vào cuối thập kỷ thứ nhất của công
cuộc thực dân hóa.

Những đề nghị cải cách cụ thể của Brière là gì? Sau
khi đạt được thỏa thuận với quan kinh lược Hoàng Cao Khải, ông yêu cầu toàn
quyền Đông Dương đưa về đặt ở mỗi tỉnh các hậu bổ chọn trong số tiến sĩ, phó
bảng, cử nhân, ấm sinh và tú tài. Trước năm 1884, khi bổ một ấm sinh hay một người
đỗ khoa thi hương đi làm hậu bổ phải qua một kỳ sát hạch đặc biệt gọi là hạch tổ
chức tại kinh đô Huế. Đến đầu những năm 1890, vì số khoa bảng muốn đi làm quan
không nhiều, thống sứ Bắc Kỳ cho rằng ai áp dụng nguyên xi nguyên tắc phải qua
hạch để chọn hậu bổ thì không cần thiết. Vì vậy ông đề nghị với Triều đình chọn
hậu bổ ngay trong số cử nhân tuy không dự hạch tại Triều đình, nhưng có điểm
sát nút với những người đỗ hậu bổ thì vẫn được chọn. Còn với các ấm sinh và tú
tài thì thống sứ Bắc Kỳ đề nghị Triều đình tổ chức khảo hạch tại Hà Nội dưới sự
giám sát chặt chẽ của quan kinh lược Bắc Kỳ là đủ. Con số được chọn đi làm hậu
bổ có thể ấn định theo nguyên tắc là tám đối với nha môn kinh lược, bảy đối với
mỗi tỉnh Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương và bốn đối với các tỉnh
khác. Sau khi được chọn, các hậu bổ sẽ được sử dụng theo khả năng từng người và
nhu cầu công việc trong các ty, phòng ở quan tỉnh hoặc trong các phủ đường,
huyện đường và họ sẽ dần dần học làm quen với công việc hành chính ở mỗi tỉnh.
Sau thời gian thực tập tối thiểu một năm cho tiến sĩ và phó bảng, một năm rưỡi
cho các cử nhân cho đến khi nào các quan tỉnh và công sứ có thể đánh giá và
nhận định khả năng của họ, họ sẽ được bổ nhiệm: tiến sĩ làm tri phủ, phó bảng
sẽ làm tri huyện, cử nhân làm huấn đạo hay giáo thụ. Còn ấm sinh và tú tài sẽ
được bổ các chức lại bát hay cửu phẩm và chỉ được đưa lên chức vụ cao hơn nếu
có thành tích đặc biệt. Đồng thời trong thời gian đó nếu chỗ nào khuyết quan,
các hậu bổ sẽ được cử tạm quyền cho đến khi được lên chức thực thụ. Phù hợp với
các quy định cũ, các quan tỉnh sẽ chịu trách nhiệm về mọi hành vi của các hậu
bổ do họ xin việc cho và quan công sứ tỉnh cũng chịu trách nhiệm ngang với các
quan tuần phủ trước cấp trên. Về phương diện thăng quan, Brière chủ trương trở
lại quy định cũ.

Việc phục hồi chế độ quan lại cũng phải đi đôi với
việc cải tiến chế độ lương bổng. Từ 1887, Nguyễn Hữu Độ, đề nghị tăng lương của
các quan với tổng trú sứ (tức toàn quyền Đông Dương sau này). Mười năm sau các
công chức Pháp như Sombsthay và Muslier công sứ Hưng Hóa cũng đề xuất nhiều cải
cách về chế độ trả lương cho quan lại. Cả ba ông nêu lên các trường hợp tham
nhũng do lương bổng ít ỏi[394].
Biện pháp đầu tiên này chắc hẳn là khá rụt rè vì chỉ có lợi cho các quan lại
cao cấp được ban hành năm 1899, quy định chế độ phụ cấp chức vụ bằng 50% lương.

[394] ANV-RST 54843. Rapport (10/12/1897) de Muselier résident de
Hưng Hóa sur l’administration indigène, la justice indigène au Tonkin, leur
fonctionnement, leurs défauts et les réformes à adopter. ANV-RST57395. Augmentation de la solde du personnel de
l’administration indigène (1887-1931). ANV-RST 76128. Rapports sur les projets de réformes et les
réductions de personnel de l’administration indigène (1896-1900).

Các quan giữa “hành” và “tàng” (1885-1896)

Năm 1896, 55% các quan tỉnh tại chức ở Bắc Kỳ đã đi
vào quan trường từ trước cuộc chinh phục của người Pháp, tức là khoảng năm 1865
đến 1885. Số người bắt đầu đi làm quan trong những năm 1885 và 1895 chiếm 26%
các quan đang tại chức. Con số đi làm quan trong những năm 1890 và 1892 chỉ
chiếm 19%. Ngoài ra 72% số quan tại chức tại miền đồng bằng sông Hồng và trung
du đều đã đỗ trong các khoa thi hương hay thi đình. Nhưng số liệu đó chứng tỏ
tình trạng liên tục trong chế độ quan lại ở Bắc Kỳ. Đây có phải là do hoàn cảnh
đòi hỏi không? Nhìn lại quá khứ ở ViệtNam khiến chúng ta phải thận trọng
hơn. Nói thật ra giả thiết về tình trạng thường xuyên liên tục của chế độ quan
lại đã không bao giờ được xem xét vì nhiều công trình nghiên cứu về nền cai trị
bản xứ trong thời gian này dựa trên quan niệm rất hạn hẹp về các mối quan hệ
quyền lực, hoặc nói cho đúng hơn là dựa trên sự trung thành của các quan đối
với vua (lòng trung quân). Nhưng sự phân tích trên khó mà thoát ra khỏi khuynh
hướng giáo điều của nền sử học triều đình do giới cai trị viết cho giới cai
trị, được quan niệm như một công cụ để giáo hóa họ. Làm sao phải ngạc nhiên
trước các nhị thần đã thờ hai triều đại kế tiếp nhau đã bị
giới nghiên cứu sử truyền thống của Triều đình coi thường và phủ nhận[395].
Từ ngữ này cần phải làm rõ ràng. Nó không những chỉ những quan chức đã liên tục
phục vụ hai triều đại mà cả những người về nghỉ một thời gian ngắn rồi lại ra
làm quan dưới triều đại mới.

[395] Ngô
Thì Nhậm trong thư gửi Trần Bá Lãm đã thuyết phục ông về hàng Tây Sơn đã gọi sự
lựa chọn đó là “phục vụ hai họ” (sự
nhị tính). XemThư đáp Vân can
chế khoa Trần Bá Lãm trong Cao Xuân Huy, Thạch Can (xb), Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm (1978),
t.2, tr.211.

Sự tránh né của sử học đối với lòng trung thờ hai
vua lại càng khiến ta ngạc nhiên vì nguồn từ liệu Việt Nam cho ta rất
nhiều ví dụ. Đào Cam Mộc, được thiền sư Vạn Hạnh hỗ trợ, chẳng phải năm 1009
khi Lê Ngọa Triều, vị vua cuối cùng của triều Tiền Lê (980-1009) băng, đã
thuyết phục Lý Công Uẩn lên giữ ngai vàng và kêu gọi các đại thần hãy ủng hộ
người sáng lập triều đại mới đó sao[396]?
Tương tự như vậy cuối đời Hậu Lê (1533-1788) một số lớn quan lại triều Lê đã
quay sang phục vụ nhà Tây Sơn (1788-1802). Hai mươi năm sau, Phan Huy Chú đã
nêu một trường hợp duy nhất là Lý Trần Quán, quan dưới triều Lê đã tự vẫn để
giữ lòng trung thành với vua cuối cùng là Lê Chiêu Thống chứ không chịu về hàng
nhà Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm thì từ 1788 đã hàng phục nhà Tây Sơn, ông là hình ảnh
tiêu biểu nhất của tính thường xuyên liên tục của chế độ quan lại đứng ngoài sự
thay đổi triều đại. Ông đã góp phần quyết định vào thành công của Nguyễn Huệ
bằng cách thu phục được nhiều quan chức cũ của nhà Lê như Phan Huy Ích, Ninh
Tốn, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn và cả Đoàn Nguyên Tuấn.

Bộ máy quan lại vào bước ngoặt của thế kỷ XX tức là
giai đoạn quá độ từ độc lập sang thuộc địa có giống như các giai đoạn cũ của
lịch sử Việt Nam xưa kia không? Trả lời câu hỏi này giới nghiên cứu sử học
chống thực dân đã đưa ra thuyết “đứt đoạn” về sự hợp tác nhục nhã của thiểu số
chống lại cuộc kháng chiến của những người yêu nước của đa số sĩ phu và quan
lại Việt Nam. Cách giải thích máy móc như thế đã trở thành một tiền đề từ lâu
nay. Cách giải thích đó chỉ dựa trên một kiểu tư liệu mang chất luận chiến do
các giáo sĩ và các nhà sĩ phu tân học đưa ra với mục đích duy nhất là phi hợp
thức hóa bộ máy quan lại Việt Nam, nhằm hợp thức hóa công cuộc thực dân hóa của
người Pháp hoặc cuộc cách tân. Một cách nghịch lý là giới sử học chống thực dân
đã không hề kể đến những sáng kiến của Việt Nam, văn hóa chính trị của các quan
lại người Việt và lịch sử tiền thuộc địa của bộ máy cai trị. Quan điểm này phạm
ba lần sai lầm: hợp tác với chính quyền nước ngoài nhất thiết phải hiểu là phản
quốc, một ông quan chỉ được phục vụ một đấng quân vương, lòng trung thành và
hành động là không thể tách rời.

[396] Xem Việt sử lược, thế kỷ XIV, (1960),
tr.67-68; Nhiều tác giả, Thơ văn
Lý Trần, (1977), t.2, tr.211.

Lòng trung quân, ngược lại với quan niệm khá phổ
biến của nhiều nhà sử học về Việt Nam, không phải là vô điều kiện. Nếu thi cử
là cơ sở để tuyển dụng quan lại, thì một người thi đỗ không nhất thiết làm quan
phục vụ bộ máy nhà nước. Một khi bước vào quan trường, quan chức có thể tự ý
rút lui tạm thời, hay vĩnh viễn. Tâm trạng tiến thoái lưỡng nan giữa hành (cam
kết phục vụ triều đại) và tàng (cáo quan về sống ẩn dật) chỉ
có thể giải quyết bằng điều kiện duy nhất là yếu tố thời, chắc chắn
không phải là đạo lý riêng của Khổng Tử. Nhưng nho sĩ suốt đời phải đối mặt gay
gắt với tâm trạng này. Các quan về nhà vào lúc thích hợp không phải là bỏ trốn
nhiệm vụ. Trong quẻ thứ ba mươi ba củaKinh Dịch, cuốn sách cơ bản về văn
hóa chính trị của nho sĩ quan liêu Trung Hoa và Việt Nam[397],
đã thể hiện sự bù lại việc cáo quan về nghỉ bằng việc tham gia việc công cộng:
như cáo quan cho phép dành toàn bộ sức lực vào sự nghiệp đạo đức. “Cáo quan
đúng lúc (người quân tử) chuẩn bị khả năng quay lại quan trường một cách quyết
liệt và thậm chí, ngay lúc đó đã bắt đầu hành động này”[398].
Được đặt ở vị trí bản lề giữa nhân dân và vua, các quan coi việc giữ gìn phẩm
hạnh về việc thừa nhận tài năng của họ như là những giá trị cao cả nhất, nếu
vua mất phẩm hạnh của một ông vua hiền, hay nếu nhà vua không biết đến tài năng
của quan, quan có quyền cáo quan về nhà. Ngược lại, các vị đó có thể trở lại
làm việc phục vụ triều đại mới. Đó là qua các nhị thần nên đã duy trì được tính
thường xuyên liên tục của bộ máy cai trị.

[397] Ngô
Thì Nhậm luôn luôn trích dẫn Kinh
Dịch trong các thư từ gửi các quan triều Lê để thuyết phục họ về
hàng Tây Sơn.

[398] Jullien,
F., Du “temps”. Éléments d’une
philosophie de vivre, (2001), tr.142-143.

Cuộc đời làm quan của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bình
Khiêm, và Ngô Thì Nhậm là có nhiều ý nghĩa về sự cân bằng giữa rút lui và tham
dự vào quốc gia đại sự. Chúng ta hãy nhớ lại những nét nổi bật trong cuộc đời
làm quan của hai người đầu.

Nguyễn Trãi (1380-1442) là con trai Nguyễn Ứng Long
và Trần Thị Thái, con gái xuất thân hoàng tộc nhà Trần. Năm 1400 Hồ Quý Ly lật
đổ triều Trần lập ra nhà Hồ. Nguyễn Ứng Long đã quay sang phục vụ triều đại mới
và Nguyễn Trãi đỗ thái học sinh và làm quan đến chức ngự sử đài chánh trưởng.
Triều Hồ sụp đổ trước quân xâm lược Minh. Năm 1407 rất nhiều quan đại thần
trung thành với nhà Hồ như Nguyễn Ứng Long đều bị bắt và đưa sang Trung Quốc.
Mười một năm sau Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn trở thành quân sư cận
thần của Lê Lợi. Sau chiến thắng quân Minh, và lập nên nhà Lê, Lê Lợi trở thành
Đại Việt hoàng đế năm 1428. Nguyễn Trãi được phong làm triều liệt đại phu, nhập
nội hành khiển, lại bộ thượng thư kiêm hành khu mật viện sự. Nhưng dưới triều
vua Lê Thái Tổ rồi Lê Thái Tông, Triều đình chia rẽ gây ra những vụ xung đột
đẫm máu liên miên. Vì vậy năm 1437 Nguyễn Trãi xin cáo quan về ẩn dật tại Côn
Sơn để rồi hai năm sau lại được vua Lê Thái Tông vời ra. Bị kết án oan năm 1442
vì bị buộc tội đã gây ra cái chết bất ngờ của vua, Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn
Thị Lộ cùng các con đều bị xử trảm.

Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã trưởng thành
trong lúc các vua Lê Uy Mục rồi Lê Tương Dục hoang dâm vô độ. Năm 1535 ở tuổi bốn
mươi lăm ông mới đi thi. Đỗ trạng nguyên, Nguyễn Bỉnh Khiêm ra làm quan phục vụ
triều Mạc. Nhưng đến năm 1542 khi ông dâng sớ đàn hặc và xin chém mười tám lộng
thần, vua không nghe nên ông cáo quan về nghỉ tại Bạch Vân am.

Cả hai ông Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm đều tin
rằng trung quân mù quáng chỉ đi đến bế tắc. Nguyễn Trãi mặc dù có quan hệ họ
hàng bên ngoại với quý tộc nhà Trần (1225 -1240) đã đi ngay vào con đường phục
vụ triều đại mới của nhà Hồ (1400-1407). Ngoài ra ông còn tỏ thái độ coi thường
đám nhà nho “ngu nho tục sĩ” không biết tùy thời mà chọn con đường mới[399].
Nguyễn Bỉnh Khiêm chán ghét những hành vi ô nhục của các vua cuối đời Lê đã
khước từ không ra làm quan với vua Lê và đem tài năng phục vụ nhà Mạc lúc đó
được coi như những kẻ thoán đoạt ngôi vua. Cả hai ông Nguyễn Trãi và Nguyễn
Bỉnh Khiêm đều tin ở những chính sách cải cách của nhà Hồ và nhà Mạc[400].
Được đặt trong cùng một tình thế tiến thoái lưỡng nan này, bộ máy quan lại cuối
đời Lê đã khắc phục bằng theo gương Ngô Thì Nhậm một cách dễ dàng, khiến Phan
Huy Chú không mảy may phật ý. Ông không cho thái độ tùy thời của Ngô Thì Nhậm
cũng như đa số các quan chức triều Lê về hàng Tây Sơn là vô đạo. Vì lòng trung
thành đối với ông là có điều kiện. Ông vua cuối cùng triều đại nhà Lê suy yếu
không đủ bảo đảm trật tự xã hội nên không thể đòi hỏi triều thần phải tận tâm
với mình[401].
Ngoài ra Phan Huy Chú còn cung cấp chìa khoá để giải thích phần lớn các trường
hợp rút lui rồi lại trở lại làm việc của các nho sĩ Việt Nam từ thế kỷ XI đến
thế kỷ XIX. Cuối thế kỷ XIV khi nhà Trần suy vong và mất ngôi về tay họ Hồ,
cũng như đầu thế kỷ XVI và cuối thế kỷ XVIII Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng
kinh tế xã hội trầm trọng. Lòng trung quân đã được thử thách và việc cáo quan
là có lợi cho tư tưởng canh tân mở đầu cho việc trở lại làm quan với triều đại
mới. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Ngô Thì Nhậm đã đặt niềm hy vọng của họ vào
những đấng quân vương mới để khắc phục cuộc khủng hoảng[402].
Nguyễn Trãi đã tin vào Hồ Quý Ly, Nguyễn Bỉnh Khiêm tin vào Mạc Đăng Doanh[403]
Ngô Thì Nhậm tin vào Nguyễn Huệ[404].
Sự biện minh cho thái độ của Ngô Thì Nhậm là khá rõ ràng:

Biết cái gì đang tiến hóa, giúp vào công cuộc tiến
hóa ấy đó là tỏ ra sự thông minh thế thời. Biết thừa nhận điều gì đang tàn lụi
và giúp cho sự tàn lụi ấy, đó là mục tiêu của những kẻ cho mình là nắm được văn
chương. Thúc đẩy điều đang tiến hóa, đẩy nhanh sự tan biến cái gì phải chết,
đường chính đạo là ở đó[405].

[399] Nguyễn
Văn Nguyên. Những vấn đề văn bản
học Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi, (1999), tr.392-393.

[400] Đinh
Gia Khánh, Thơ văn Nguyễn Bỉnh
Khiêm (1997), tr.9-10.

[401] HC, nhân vật chí, t.1, tr.413-414.

[402] Trường
hợp của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đáng được nêu lên. Ông từ bỏ cuộc sống ẩn
dật để đem tài năng cải cách phục vụ Nguyễn Huệ, xem Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, (1952).

[403] Phan
Huy Lê, “Nguyễn Bỉnh Khiêm và thời đại của ông”, trong Tìm về cội nguồn, sđd, t.2, tr.623.

[404] Đinh
Gia Khánh, Thơ văn Nguyễn Bỉnh
Khiêm, sđd,
tr.9-10.

[405] Trích
thư của Ngô Thì Nhậm gửi Đoàn Nguyễn Tuấn, dẫn trong “Les lettrés devant
l’histoire”, Études vietnamiennes,
56, (1979), tr.17.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3