Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 28

Chương
Hai Mươi Tám

Nguyễn Tuân, Nguyễn Đức Quỳnh

Trong thời gian ở Chợ Neo này, tôi được
gặp một nhà văn mà tôi ngưỡng mộ từ lâu. Đó là Nguyễn Tuân.

Từ khi còn là một học sinh, tôi đã bị
mê hoặc bởi những lời văn trong Một Chuyến Đi, Thiếu Quê Hương... rồi chính cái
ngông, cái phóng đãng, cái tinh thần phiêu lưu của anh đã giúp tôi bỏ nhà ra đi
một cách dễ dàng lúc tôi còn trẻ. Dù chỉ nhắc lại một câu nói của Paul Morant,
Nguyễn Tuân đã làm cho tôi mơ có ngày được người đời lấy da của mình để làm chiếc
va li. Lúc đó, tôi chưa coi va li là kẻ thù như bây giờ khi phải xách hành lí nặng
như cùm trong các chuyến đi hát tại nhiều nơi trên thế giới sau ngày bỏ nước ra
đi.

Nguyễn Tuân không chỉ đẩy tôi đi vào
kiếp giang hồ, anh còn kéo tôi về dĩ vãng với Vang Bóng Một Thời, Chiếc Lư Đồng
Mắt Cua, Tóc Chị Hoài... Nhất là với Chùa Đàn. Hơn nữa, khi tôi chưa có đầy đủ
sự trưởng thành để hiểu được André Gide thì Nguyễn Tuân dạy cho tôi sống cuộc
cách mạng của cảm giác như thế nào, dù rằng trong tác phẩm, nói đủ những chuyện
phóng túng hình hài nhưng anh chưa dám nói tới chuyện đồng tính luyến ái của
André Gide.

Tôi có trở thành một con người không
thích hành đạo mà chỉ thích hành lạc - một trong ba thứ mà Tú Xương đã nói -
thì cũng là vì tôi muốn được sống như những nhân vật trong trí tưởng tượng của
Nguyễn Tuân. Tôi cũng nhận thấy Nguyễn Tuân là người có lối sống của những nhân
vật mà nhà văn tạo ra. Không như những người viết chuyện phiêu lưu nhưng không
dám sống phiêu lưu - chẳng hạn Đái Đức Tuấn (bút danh TCHYA), Vũ Bằng hay Lê
Văn Trương - Nguyễn Tuân hòa lẫn văn chương và cuộc đời. Anh có lối sống mà người
đời có thể cho là lập dị (tôi thì cho là chân thật) và mới thật xứng đáng được
gọi là một lãng tử. Trước kháng chiến, đi ăn tại tiệm cơm Tàu Quảng Sinh Long ở
phố Hàng Buồm, gọi món chim bồ câu quay nhưng khi ăn thì Nguyễn Tuân chỉ ăn có
hai cái đùi chim mà thôi và bỏ không thèm ăn đĩa thịt chim còn lại. Trong kháng
chiến, đi theo bộ đội đánh trận, Nguyễn Tuân đòi cung cấp cho anh một cái trống
lớn và hai cái dùi để anh sẽ đánh trống thúc quân khi bộ đội xung phong đánh đồn
Pháp. Bố ai mà chiều anh được?

Bao nhiêu lâu nay, tôi rất mong được
chơi với tác giả của bài bút kí nhan đề Buổi Chiều Bô-Hê-Miêng đồng thời cũng
là một trong những tài tử xi-lê-ma đầu tiên của Việt Nam - anh có qua Hồng Kông
đóng phim Cánh Đồng Ma với Đàm Quang Thiện - và là nhà lãng tử thứ hai sau Tản
Đà... thì bây giờ gặp thần tượng của mình ở Thanh Hóa, tôi chỉ có một cái pipe
thuộc loại đắt tiền mà tôi mới mua được ở Chợ Đại để tặng ông anh.

Tại Khu IV này, tôi còn có cái may được
làm quen với Nguyễn Đức Quỳnh, người trở thành anh bạn tâm tình mà tôi tin cậy
nhất trong hai mươi năm sống ở miền Nam. Cũng như Nguyễn Tuân, anh Quỳnh và những
nhà văn khác trong nhóm Hàn Thuyên - Trương Tửu chẳng hạn - đã ảnh hưởng rất mạnh
mẽ vào tâm hồn tôi. Đọc cuốn Kinh Thi Việt Nam của Trương Tửu, tôi yêu tục ngữ,
ca dao của nước mình hơn lên và vững tin hơn để tạo ra loại dân ca mới. Đọc những
truyện Thằng Kình, Cu So của Nguyễn Đức Quỳnh, tôi biết thêm những mẫu người lí
tưởng khác với những nhân vật lí tưởng của nhóm Tự Lực Văn Đoàn mà tôi yêu mến
và kính phục.

Tôi đã có lần thầm phục Nguyễn Đức Quỳnh
khi thấy anh chàng theo đệ tứ này chống lại nhóm đệ tam trong ngày khai mạc Đại
Hội Văn Hóa tổ chức tại Hà Nội mấy năm trước. Thấy anh còn sống sót và đang ở
bên cạnh Nguyễn Sơn tại Khu IV này trong khi Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm bị thủ
tiêu, tôi lại càng phục anh hơn nữa. Sau này tôi còn thấy anh Quỳnh được Việt
Minh ở Khu IV cử vào Hà Nội để làm một công tác tình báo hay ngoại giao gì đó
thì tôi nhận ra rằng Nguyễn Đức Quỳnh là người có chí phiêu lưu, trong khi Nguyễn
Tuân là người có ý tưởng phiêu lưu. Chỉ phiêu lưu trong thành phố như Nguyễn Sỹ
Tế sẽ viết về Nguyễn Tuân. Viết như vậy là chưa nhìn thấy kháng chiến, bởi vì
trong lúc này, ở khắp mọi nơi, thiếu gì người đã chẳng tự lột da của mình ra để
làm chiếc ba lô? Kể cả Nguyễn Tuân.

Trong đời sống, Nguyễn Đức Quỳnh vốn
là người đã từng đầu quân vào đội Lê Dương của Pháp, đã sống lăn lộn ở nước
ngoài cho nên tính tình của anh rất là cởi mở. Hơn tôi đúng một con giáp nhưng
anh Quỳnh đến với tôi như một người bạn đồng tuế và tôi học hỏi được nhiều điều
nơi con người có cái hiểu biết rất sâu rộng trong các vấn đề chính trị, văn
hóa.

Tại vùng Quần Tín này, Nguyễn Đức Quỳnh
khởi sự vai trò đấm bóp văn nghệ để rồi về sau được tặng cho một biệt hiệu là
phù thủy văn nghệ. Trong kháng chiến, Việt Minh mở ra nhiều cuộc vận động, nào
là dân vận, địch vận... trong đó trí thức vận là công tác cũng quan trọng lắm.
Anh Quỳnh xung phong làm công việc vận động chúng tôi vì dù sao đi nữa chúng
tôi vẫn thấy anh ấy gần gũi với chúng tôi hơn là Nguyễn Sơn hay Đặng Thai Mai vốn
là những nhà lãnh đạo văn nghệ thực sự của Mặt Trận. Đây là điều càng làm sáng
tỏ vấn đề chính quyền coi văn nghệ là quan trọng. Biết văn nghệ sĩ là người rất
tự cao, không bao giờ cán bộ chính trị trực tiếp liên lạc với văn nghệ sĩ cả. Họ
toàn nhờ người trung gian là văn nghệ sĩ có thành tích và tên tuổi.

Nguyễn Đức Quỳnh là người đứng giữa
văn nghệ sĩ và chính quyền để giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới chúng tôi
và cuộc chiến đấu. Giải quyết cho gia đình văn nghệ sĩ có phương tiện vật chất
để trường kì kháng chiến thì rất dễ nhưng giải quyết những chuyện rắc rối giữa
văn nghệ sĩ mới là khó khăn. Giải quyết việc hôn phối giữa tôi và Thái Hằng thật
ra cũng không khó lắm nhưng làm sao có thể giải quyết được chuyện tình giữa
Hoàng Trọng Miên và Trúc Quỳnh đây? Hay là chuyện mâu thuẫn giữa Chu Ngọc và ủy
viên chính trị Trung Đoàn 304? Con người mảnh khảnh và tinh khôn Nguyễn Đức Quỳnh
đã rất khéo léo trong việc hòa giải những mâu thuẫn xẩy ra trong làng văn nghệ
này. Trong những buổi họp về văn hóa, nếu Trương Tửu lí luận hay hơn anh Quỳnh
thì chắc chắn là tác giả Kinh Thi Việt Nam không bao giờ nói hấp dẫn bằng tác
giả Thằng Cu So. Tiếng cười ròn rã cất lên từng tràng mỗi khi Nguyễn Đức Quỳnh
ngồi trên hàng ghế chủ tọa.

Vì ở trong ba miền Thanh-Nghệ-Tĩnh
này chưa hề có cuộc giao tranh nào giữa Việt Minh và quân đội Pháp cho nên văn
nghệ sĩ nào muốn có đề tài để sáng tác thì phải xung phong đi vào miền trong được
gọi là Bình-Trị-Thiên khói lửa. Lãnh đạo văn nghệ mới chỉ tung ra ý kiến đi ra
tiền tuyến chứ chưa có ai xung phong để thực hiện công tác đó cả. Tôi sẽ có
vinh dự là một trong những người đầu tiên làm công việc mà sau này người ta đặt
cho cái tên là tham quan chiến trường. Trong khi chờ đợi ngày ra tiền tuyến,
văn nghệ sĩ chúng tôi được học tập để tham gia những chiến dịch thông thường
như đời sống mới, truyền bá quốc ngữ, tăng gia sản xuất vân vân...

Đây cũng là lúc tướng Nguyễn Sơn bày
ra một chiến dịch mới mẻ gọi là Rèn Cán, Chỉnh Quân với mục đích rèn luyện cán
bộ và chỉnh đốn cơ quan. Các đơn vị quân đội ở khắp nơi trong Quân Khu kéo về
Đò Lèn để tham dự mấy ngày được gọi là Đại Hội Tập trong đó có những cuộc thi
điền kinh, thi bắn, đánh trận giả vân vân... Tôi thấy có sự hiện diện của một số
cố vấn Trung Cộng tại Đại Hội Tập này. Một phong trào thi đua được tung ra. Lẽ
tất nhiên, giới văn nghệ sĩ có nhiệm vụ vận động mọi người tham gia phong trào
này. Chiến sĩ thi đua lập chiến công, nông dân thi đua sản xuất... thì văn nghệ
sĩ cũng phải thi đua sáng tác. Nhiều tác phẩm lớn đã ra đời trong giai đoạn
này.

Về âm nhạc, Ngọc Bích viết những bài
như Anh Nghiện Súng và Say Chiến Công. Trong bài Say Chiến Công nó đưa ra chuyện
ba anh bộ đội thi đua lập chiến công và chia nhau mỗi người hát một đoạn. Tôi
phục Ngọc Bích vì nó dám đem một điệu nhạc Mỹ vào một bài hát kháng chiến. Đó
là điệu swing. Do đó bài hát có một hành điệu rất vui:

Hợp Ca - Hôm nay chúng tôi say

Say vì tiêu diệt một đồn tây

Hôm nay chúng tôi say

Say vì súng, say vì đạn, say vì chiến
công...

Đơn ca 1 - Anh bắt được một khẩu
Thompson và một đôi giầy...

Đơn ca 2 - Tôi năm lựu đạn và một
F.M...

Đơn ca 3 - Còn tôi đen quá, vớ được một
sơ mi rách vai...

Phạm Đình Chương bắt đầu soạn nhạc và
đưa ra những bản hợp ca rất cần thiết cho việc trình diễn của Đoàn Văn Nghệ,
như Hò Leo Núi, Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng...

Về phần tôi thì sau vài tháng hụt hẫng
trong sáng tác vì còn mải chơi ở Chợ Đại Cống Thần, bây giờ tôi hưởng ứng phong
trào thi đua và soạn ra bài Thi Đua Ái Quốc trong đó có câu:

Anh có cây súng kia

Thì tôi có bàn tay thợ.

Anh có cây cuốc này

Thì tôi có một cây đàn.

Anh giết bao thực dân

Thì tôi cướp bao súng đạn.

Anh có bông lúa vàng

Thì tôi có ngàn lời ca...

Khi nghe bài này, Nguyễn Sơn nheo mắt
bảo tôi: “Cậu phải giữ cho đúng lời hứa đó nhé... Phải soạn đủ một ngàn bài ca
nghe... Lời hứa đã được giữ đúng. Sau đúng bốn mươi năm, tại Thị Trấn Giữa Đàng
(Midway City) ở tiểu bang California (Hoa Kỳ) tôi có cơ hội in ra một cuốn sách
nhan đề Ngàn Lời Ca, bao gồm gần như hầu hết sáng tác của tôi. Chỉ tiếc rằng
không có Nguyễn Sơn ở đây để tôi kí tặng ông một cuốn sách. Ngoài sự hưởng ứng
phong trào thi đua, tôi cũng soạn thêm những bài vận động phụ nữ cứu quốc như
bài Bà Mẹ Chiến Sĩ:

Vườn rau, vườn rau xanh ngát một mầu

Có bà mẹ nuôi chiến sĩ...

Hình ảnh bà mẹ miền quê mới chỉ được
tôi vẽ mỏng trong một vài bài dân ca trước đây như Nhớ Người Ra Đi, Dặn Dò...
Bây giờ, hình ảnh tuyệt vời của bà mẹ chiến sĩ được tôi tô cho đậm nét hơn:

Trời mưa ướt áo mẹ già

Mưa nhiều càng tươi bông lúa...

...

Miệng khô nhớ bát nước đầy

Nhớ bà mẹ quê năm ấy...

Bài này sẽ dắt tới một bài hát còn lồng
lộng hơn nhiều là bài Bà Mẹ Gio Linh. Huyền thoại về người mẹ Việt Nam khởi sự
có mặt trong ca nhạc kể từ những ngày này. Ngoài những bài có tính chất dân ca
ra, trong lúc này, tôi còn soạn hành khúc như bài Văn Nghệ Sĩ Ra Tiền Tuyến để
hỗ trợ cho việc vận động văn nghệ sĩ đi vào Bình-Trị-Thiên, nhưng trong bài hát
có một câu bị phê bình là tiêu cực:

Em ơi. Mai về

Chắc rằng có người nhớ...

Các nhà lãnh đạo văn hóa bảo tôi rằng:
“Cậu nói tới ngày về của chiến sĩ là làm cho chiến sĩ nản lòng đó...” Thế à?
Vâng, có gì khó đâu? Nếu các “vu” không muốn có một câu hát hi vọng thì, dễ lắm,
“moa” đổi ngay thành câu hát tuyệt vọng:

Người đi không về

Chắc rằng có người nhớ

Hương khói chiêu hồn

Hiu hắt những chiều trận vong...

Vì quá yêu lãnh đạo cho nên lúc đó
tôi rất dễ tính. Sau này tôi sẽ khó tính hơn nhiều. Nhưng phải công nhận rằng
lúc bấy giờ, tướng Nguyễn Sơn là người đã cho chúng tôi khá nhiều kinh nghiệm
trong công tác văn nghệ. Tôi còn nhớ những buổi tập diễn, các kịch sĩ phải đi
ra bờ ao, người đứng ở bờ ao bên này, kẻ đứng ở bờ ao bên kia, và... đóng kịch.
Trong đối thoại, hai bên đâu có thể nói nhỏ với nhau được? Phải nói cho thật lớn
thì đôi bên mới nghe được tiếng nói của nhau. Tập hát cũng thế, phải ra bờ ao,
người hát, người nghe đứng ở hai bên bờ ao, ca sĩ phải hát cho thật lớn, bởi vì
trong kháng chiến làm gì có micro-ampli và loa hát?

Sau khi tập dượt và có đầy đủ vốn liếng
rồi, đoàn văn nghệ của chúng tôi đi trình diễn tại các nơi lân cận trong vùng
Thanh Hóa, trước khi sẽ đi vào Nghệ An và Hà Tĩnh. Riêng tôi và một số anh em
còn phải đi xa hơn nữa, đi tuốt vào tận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên.

Chương trình văn nghệ trình diễn nhắm
vào đối tượng Vệ Quốc Quân nhiều hơn cho nên tôi đã thành công rất lớn với những
bài thơ Đêm Liên Hoan, Tâm Sự Đêm Giao Thừa của Hoàng Cầm tôi đã từng diễn ngâm
với tác giả nhiều lần ở vùng Cao-Bắc-Lạng.

Thái Hằng là nhân viên quan trọng của
đoàn văn nghệ vì nàng vừa đóng kịch, vừa hát đơn ca, hợp ca. Lúc đó đại đa số Vệ
Quốc Quân là những thanh niên gốc tiểu tư sản thị thành chạy ra vùng kháng chiến
- chúng tôi gọi là lính cậu - cho nên trong phần hát đơn ca, họ yêu cầu Thái Hằng
hát những bài hát cổ điển Tây Phương do tôi đặt lời Việt như Ave Maria của
Schubert, Les Millions D”Arlequin...

Nếu phải hát nhạc Việt thì hát toàn
là những bài rất cao sang của Dương Thiệu Tước như Vầng Trăng Sáng, Trời Xanh
Thẳm hay là bài Hồn Xuân rất hiền hòa của Nguyễn Xuân Khoát. Nhờ có tôi ở Việt
Bắc về cho nên bây giờ ban hát có thêm một số bài hát mới và hùng hồn hơn như
Khúc Hát Sông Thao, Bến Bình Ca, Tiếng Hát Trên Sông Lô...

Thái Hằng còn là vai chính của vở kịch
nói Cái Võng của Chu Ngọc. Trong vở này, tác giả đưa ra chuyện hai vợ chồng trẻ
ở tỉnh thành phải tản cư ra vùng quê và tới ở nhờ nhà đồng bào. Chủ nhà kiêng
không muốn cho hai vợ chồng nằm chung cho nên đêm đêm mắc một cái võng nằm ngay
cạnh giường ngủ để canh chừng đôi vợ chồng trẻ.

Ngoài vở kịch có tính chất phê bình
xã hội đó, còn có thêm vở kịch nói tới người Công Giáo trong kháng chiến. Đó là
vở Dưới Bóng Thánh Giá của Hoàng Trọng Miên. Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung sau
này) đóng vai một ông cha và với giọng hát rất khỏe, anh ta đã làm cho vở kịch
kháng chiến này có thêm giá trị qua bài Tiếng Chuông Nhà Thờ của Nguyễn Xuân
Khoát:

Thánh đường tôn nghiêm

Giặc phàm tới chiếm

Gác cao tòa thánh

Đặt súng thay chuông...

Từ Thanh Hóa, chúng tôi đi dần vào
Nghệ An. Đi qua những làng đạo, tôi thấy thiếu nữ ở đây cao lớn đẹp đẽ như những
cô đầm lai. Tại thành phố Vinh bây giờ chỉ còn là một đống gạch vụn, chúng tôi
gặp một đoàn kịch nhi đồng trong đó có Trần Hoàn, Hoàng Thi Thơ...

Rồi cũng ở thủ đô của xứ Nghệ này
chúng tôi gặp lại một anh cán bộ quen biết tên là Nguyễn Văn Tý. Anh chàng này
muốn trở thành nhạc sĩ và đã ra Chợ Neo ở chơi với chúng tôi trong một thời
gian để học hỏi. Rồi anh mê luôn một cô con gái không biết từ đâu tản cư tới
đây và đang hoạt động trong ban văn nghệ của phường khóm. Cô này lấy tên là
Thùy Dương và có đôi mắt rất lờ đờ cho nên chúng tôi tặng cho một biệt danh là
Dương say thuốc lào... Nguyễn Văn Tý soạn ra một bài hát nhan đề Dư Âm để tặng
cô gái. Tên bài hát cũng ở cái tên “Dư-ơng” của cô gái mà ra.

Vào tới Hà Tĩnh, khi tới hát tại một
làng chài, Phạm Văn Chừng có nhiều cảm hứng để soạn ra một bài hát có tầm vóc lớn
giống như bài Trường Ca Sông Lô của Văn Cao. Đó là bài Cảnh Dương:

Cảnh Dương

Đây xóm làng dân trù phú

Sống yên lành bên bờ biển rộng mênh
mông...

(Tranh do Phạm Văn Đôn vẽ)

Chiều qua gánh nước cho Vệ Quốc Quân

Nghe tiếng o nghèo kể rằng:

Quân thù về đây đốt làng...

BAO GIỜ ANH LẤY ĐƯỢC ĐÔN TÂY?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3