Hậu cung Chân Hoàn truyện (Tập 2) - Chương 17 - Phần 1
Chương 17
Thư ngân giao
Sáng sớm hôm sau, tôi vừa đến thỉnh an Hoàng hậu thì Hoàng
hậu đã tươi cười hạ lệnh cho cung nhân ngăn tôi lại, nói: “Hoàng thượng đã bảo
rồi, không để cho ngươi hành lễ nữa, cứ ngồi yên ở đó là được.” Tôi đành phải
vâng theo, Hoàng hậu lại nói tiếp: “Sáng nay, Hoàng thượng đích thân báo cho
Thái hậu tin ngươi mang thai, Thái hậu rất vui mừng, lát nữa ngươi hãy theo bản
cung đi thỉnh an Thái hậu.”
Tôi cúi đầu vâng dạ. Đến Di Ninh cung, Thái hậu rất vui vẻ,
đang đích thân cầm bình nước tưới cho hoa cỏ ngoài vườn, thấy tôi và Hoàng hậu
cùng đến thì càng vui mừng, rửa tay rồi cùng vào bên trong.
Tôi theo lễ đứng hầu trước mặt Thái hậu. Thái hậu nói: “Người
khác đứng đó còn được, ngươi đang mang thai, hãy ngồi xuống đi!”
Lúc ấy, tôi mới tạ ơn rồi ngồi xuống. Thái hậu hỏi Hoàng hậu:
“Ngày hôm sau là ngày sắc phong rồi phải không, đã chuẩn bị đến đâu rồi?” Nói
xong, bà liếc nhìn tôi rồi nói với Hoàng hậu: “Quý tần có thể tính là chủ tử
thực sự rồi, phải thi hành lễ sắc phong, chỉ có điều ngày quá cận kề, không
khỏi có phần vội vã.”
Tôi vội đứng dậy, thưa: “Thần thiếp không dám đòi hỏi gì quá
đáng, tất cả đều nghe theo ý chỉ của Thái hậu và Hoàng hậu.”
Thái hậu nói: “Ngươi cứ ngồi xuống đi, ai gia biết ngươi là
người hiểu chuyện, chỉ có điều, tuy thời gian cấp bách thật nhưng không thể làm
mất thể diện được.”
Hoàng hậu cười bồi. “Mẫu hậu an tâm. Thần thiếp đã chuẩn bị
đâu vào đó cả rồi. Chỉ có lễ phục và mũ miện cho lễ sắc phong Hoàn Quý tần là
không làm kịp, thần thiếp bèn lệnh cho Lễ bộ dùng tạm lễ phục và mũ miện của
Kính Phi lúc được tấn phong thục nghi, sửa lại một ít là xong.”
“Được!” Thái hậu gật đầu, nói: “Hoàng hậu làm vậy rất tốt,
việc gấp thì phải tòng quyền, lại không ảnh hưởng đến lễ nghi.” Nói xong, bà ra
hiệu cho cung nữ bưng ra chiếc mâm bạc có lót một tấm lụa đỏ rực, bên trên đặt
một chiếc trâm hợp hòa như ý bằng vàng ròng có khắc hoa văn hình hoa sen, chữ
song hỷ và hình dơi, ở đầu trâm có chạm hình Hợp hòa nhị tiên, nhìn kĩ thì
chính là cây trâm mà Thái hậu từng ban cho My Trang lúc tỷ ấy mang thai. Ngày
đó, Huyền Lăng trong cơn tức giận đã ném nó xuống đất khiến một góc trâm bị vỡ,
hiện giờ đã dùng ngọc bích chạm lại như cũ. Thái hậu vẫy tay gọi tôi bước tới
gần rồi tươi cười, nói: “Lúc Đỗ Lương viện mang thai, ai gia ban cho nàng ta
một đôi vòng hương châu ngọc bích, bây giờ thì ban cho ngươi chiếc trâm hợp hòa
như ý bằng vàng ròng này vậy.” Tim tôi chợt giật thót, lập tức nghĩ đến bao
nhiêu tai họa My Trang gặp phải khi tưởng là mình mang thai, chỉ cảm thấy cây
trâm này có chút không may mắn. Nhưng trong lúc tôi đang ngẩn người, Thái hậu
đã cài cây trâm lên mái tóc của tôi rồi cười, khen: “Đúng là đẹp thật!”
Tôi vội định thần, nhún mình tạ ơn. Hoàng hậu cười, nói: “Mẫu
hậu đúng là thương Hoàn Quý tần quá. Năm xưa Cẩn Phi mang thai, mẫu hậu chỉ
thưởng cho nàng ta một miếng ngọc bội.”
Cứ như vậy trò chuyện hồi lâu, Thái hậu còn dặn dò tôi mấy
chuyện giữ thai, bồi bổ rồi mọi người mới chia tay, ai về cung người nấy.
Quay trở lại Oánh Tâm đường, tôi đang định thay bộ y phục
thường ngày thì phát hiện trên bàn trang điểm có rất nhiều chai lọ, nổi bật
nhất là một chiếc hộp nhỏ bằng ngọc đen, bề mặt nhẵn nhụi có vẽ hình hoa cúc
bằng bột phấn màu xanh biếc. Tôi mở ra xem thì hóa ra là một hộp thuốc mỡ trong
suốt, có mùi hương thơm mát, bất giác lên tiếng hỏi: “Đây là thứ gì?”
Cận Tịch mỉm cười, thưa: “Đây là Ngọc lộ quỳnh chi cao, Hoàng
thượng vừa sai người đưa đến, nghe nói dùng để trị sẹo rất tốt.” Lại chỉ sang
một chiếc hộp nhỏ màu hồng khác. “Đây là Phục nhan như ngọc sương, dùng để cầm
máu.” Nàng ta lần lượt mở từng chiếc lọ, giải thích cho tôi, đa phần đều là
thuốc để chữa vết thương trên mặt, tất cả đều do Huyền Lăng ban tặng.
Tôi ngồi xuống trước gương, vuốt ve vết thương trên mặt. Cũng
may hôm qua Tùng Tử không đâm thẳng vào người tôi, lực đạo giảm đi đôi chút nên
vết cào này cũng không sâu lắm. Chỉ có điều, hai vết thương đỏ sậm nằm ngang
bên dưới tai trái, nhìn thật đáng sợ, chẳng khác gì hai vết máu bẩn trên mặt
tuyết trắng trong.
Cận Tịch trầm lặng hồi lâu rồi thưa: “Chuyện hôm qua, đến giờ
nô tỳ nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Nương nương đã mang thai rồi, về sau chuyện gì
cũng phải cẩn thận mới được!”
Tôi “ừ” một tiếng rồi đưa mắt nhìn nàng ta, nàng ta hiểu ý,
đáp ngay: “Thức ăn nước uống của nương nương, nô tỳ sẽ đặc biệt để ý. Hôm qua
Hoàng thượng đã điều một tay đầu bếp từ Ngự thiện phòng sang đây, chuyên lo
liệu nấu nướng cho nương nương, tuyệt đối không qua tay bất cứ kẻ nào khác.
Thuốc mà nương nương dùng cũng do một tay Chương thái y chuẩn bị. Chương thái y
là người lão luyện, từng trải, hẳn là sẽ không sơ sót gì đâu.”
Nghe vậy tôi mới an tâm, thay chiếc áo ngắn tay bằng sa mỏng
màu khói lam nhạt, dưới vận chiếc váy lụa màu hồng đào thướt tha, dịu dàng.
Ngắm hoa một hồi, tôi cảm thấy hơi mệt bèn ngả người xuống giường quý phi nghỉ
ngơi một lát. Trong lúc mơ màng, tôi cảm thấy trước mặt thấp thoáng có bóng
người đang ngồi, mở mắt nhìn kĩ, thân hình gầy guộc đó chính là Lăng Dung.
Nàng ta mỉm cười. “Thấy tỷ tỷ ngủ ngon quá, muội muội không
dám đánh thức tỷ dậy.”
Tiết trời mùa xuân se lạnh, Lăng Dung chỉ mặc chiếc áo màu
xanh sẫm đơn giản, nhìn kĩ mới thấy hoa văn chìm màu trắng xanh. Nàng ta búi
tóc thành hình xoắn ốc đơn giản nhất, trên có cài chiếc trâm bạc hình hoa phẳng
chạm mã não đỏ sậm và vài đóa châu hoa li ti màu trắng bạc, trông càng giống
liễu mềm đong đưa trong gió, yếu ớt đáng thương.
Nàng ta vừa dứt lời, tôi bất ngờ kinh hãi đến biến sắc mặt.
Lăng Dung vốn nhờ tiếng ca mà được sủng ái, giọng nói uyển chuyển tựa chim
hoàng oanh líu lo, không ngờ trận phong hàn này lại nặng đến mức khiến cổ họng
của nàng ta bị hỏng nặng, giọng khàn khàn khó nghe chẳng khác nào ống sáo bị
rè.
Lăng Dung tựa hồ cũng nhìn ra vẻ kinh ngạc của tôi, nét mặt
sa sầm như tự thương thân mình rồi chậm rãi lên tiếng: “Làm tỷ tỷ giật mình
rồi! Bộ dạng Lăng Dung thế này thực sự là không nên ra khỏi cửa.”
Tôi vội nắm lấy tay nàng ta, hỏi: “Sao chỉ bị bệnh phong hàn
thôi mà lại tệ như thế này chứ? Thái y cũng không chữa được sao?”
Nàng ta khẽ gật đầu, mắt hơi đỏ, miễn cưỡng mỉm cười, đáp:
“Thái y nói bị bệnh phong hàn dây dưa không dứt nên dùng thuốc nặng một chút,
kết quả là cổ họng thành ra thế này.”
Tôi tức giận nói: “Thái y gì mà hồ đồ như vậy! Muội vốn đã ốm
yếu, sao có thể sử dụng loại thuốc hổ lang đó chứ? Giờ biết phải làm sao đây?
Tỷ phải lập tức bẩm báo với Hoàng hậu, đuổi tay thái y đó đi!” Nói xong, tôi liền
xoay người ngồi dậy, tìm hài mang vào.
Lăng Dung vội cản tôi lại, khuyên: “Tỷ tỷ đừng đi mà, là do
muội sốt ruột muốn khỏi bệnh sớm nên mới nhờ thái y dùng thuốc nặng, không liên
quan đến thái y đâu.”
Tôi thở dài. “Nhưng giọng của muội thành ra thế này... Hoàng
thượng nói thế nào?”
Lăng Dung cười khổ, vuốt ve vạt áo rồi thờ ơ đáp: “Bệnh phong
hàn vừa khỏi được hai hôm, Hoàng thượng có triệu muội đến Nghi Nguyên điện ca
hát, chỉ tiếc là muội không cất tiếng hát được, Hoàng thượng liền lệnh cho muội
chịu khó nghỉ ngơi, cứ lặp lại hai lần như vậy, Hoàng thượng không triệu muội
đến nữa.” Giọng nói của nàng ta hết sức lãnh đạm, bình hòa, tựa hồ đang thao
thao kể chuyện của một người chẳng liên quan đến mình.
Tôi giật mình hỏi lại: “Chuyện xảy ra lúc nào? Thế mà tỷ
chẳng hay biết gì cả.”
Lăng Dung bình tĩnh đáp: “Chẳng phải chuyện tốt đẹp gì, sao
phải để mọi người biết chứ!”
Tôi không khỏi đau lòng. “Nhưng như vậy thì khổ cho muội
quá!”
Hai người chúng tôi ngồi đối diện nhau hồi lâu, ai cũng ôm
bầu tâm sự của riêng mình. Lăng Dung đột nhiên mỉm cười, nói: “Cứ mãi nói
chuyện của muội khiến cho tỷ tỷ đau lòng, suýt quên lý do muội ghé qua hôm
nay.” Nàng ta đứng dậy, nhún mình hành lễ: “Nghe nói tỷ tỷ đã mang thai, muội
muội trước tiên xin chúc mừng tỷ tỷ!”
Tôi cười, nói: “Tỷ muội ta mà còn khách sáo làm gì cơ chứ?”
Lăng Dung lại nói tiếp: “Hôm qua nghe nói tỷ tỷ bị thương,
muội sợ hết hồn, không biết nên làm sao mới phải. Muội vốn định lập tức chạy
đến thăm tỷ tỷ nhưng lại vừa uống thuốc nên không thể ra gió, đành nhẫn nhịn
đợi đến giờ mới sang được, tỷ tỷ đừng trách muội nhé! Tỷ tỷ đã đỡ hơn chút nào
chưa?”
Tôi đang soi gương chải mái tóc dài bồng bềnh như mây, nghe
nàng ta nhắc đến chuyện kinh hãi hôm qua, trong lòng hậm hực, gõ mạnh chiếc
lược “cộp” một tiếng xuống bàn trang điểm bằng gỗ hoa lê, dư âm dai dẳng. Lăng
Dung vội lên tiếng khuyên nhủ: “Tỷ tỷ đừng tức giận, con súc sinh Tùng Tử đó đã
bị đánh chết rồi, nghe nói Đỗ Lương viện bị sợ hãi một phen, để trả hận, nàng
ta lệnh cho người băm nát cả bốn móng vuốt của nó.”
Tôi đặt chiếc lược xuống, nói: “Tỷ không hận Tùng Tử, tỷ hận
là có kẻ sai khiến Tùng Tử đâm bổ vào người tỷ.”
Lăng Dung ngẫm nghĩ hồi lâu rồi lên tiếng: “Sau khi dò hỏi
đầu đuôi câu chuyện, muội muội suy nghĩ cả nửa ngày trời, nếu chuyện này không
phải là bất trắc ngoài ý muốn thì nhất định có người xúi giục. Chỉ là muội vẫn
không hiểu, các vị nương nương và tiểu chủ đều có mặt ở đó, vì sao Tùng Tử
trong tay Cẩn Phi chỉ nhào vào người Đỗ Lương viện, chẳng lẽ trên người Đỗ
Lương viện có gì khác thường hay sao?”
Tôi cúi đầu suy nghĩ hồi lâu rồi vỡ lẽ kêu lên: “Tỷ từng ngửi
thấy mùi hương trên người Đỗ Lương viện rất đặc biệt, nghe nói là Hoàng thượng
ban cho nàng ta hồi tháng trước, chỉ mỗi mình nàng ta là có mùi hương ấy mà
thôi.”
Lăng Dung đáp: “Thế thì đúng rồi. Cẩn Phi nương nương am hiểu
cách huấn luyện mèo, các nương nương, tiểu chủ khác nếu sinh được con trai thì
sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoàng trưởng tử. Cẩn Phi nương nương là mẹ ruột của
hoàng trưởng tử, đương nhiên sẽ không chịu ngồi yên. Đó chỉ là suy đoán của
muội muội mà thôi, nhưng sau này tỷ tỷ phải thật cẩn thận mới được. Hôm qua là
Đỗ Lương viện, về sau chỉ e bọn họ sẽ chăm chăm nhắm vào tỷ.”
Tôi thấy nàng ta nói cũng có lý, không khỏi cảm thán Lăng
Dung ngây thơ thuở trước nay tư duy đã sắc bén hơn rồi. Tôi bất giác chăm chú
nhìn nàng ta một hồi rồi gật đầu đồng ý.
Lăng Dung thấy tôi nhìn như vậy thì có chút ngượng ngùng, bối
rối thưa: “Lời của muội muội chỉ là suy nghĩ hồ đồ của bản thân, tỷ tỷ có gì mà
không biết cơ chứ? Muội muội chẳng khác gì giở trò múa búa trước cửa Lỗ Ban[35].”
[35] Có nghĩa là
múa rìu qua mắt thợ.
Tôi chậm rãi thốt lên: “Nếu không phải muội gần gũi với tỷ
thì đương nhiên đã chẳng nói những lời này rồi, sao lại hồ đồ cơ chứ!”
Nghe vậy, Lăng Dung hơi cúi thấp đầu, lúc ngẩng lên thì trên
môi đã nở một nụ cười bình đạm. Nàng ta nhích người lại gần, quan sát vết
thương của tôi rồi nói: “Đã bắt đầu lên da non rồi, chỉ cần không lưu lại sẹo
thì tốt!”
Tôi sờ vào vết thương trên mặt, nói: “Không có gì đáng lo
đâu, thái y đã xem qua rồi, Hoàng thượng cũng ban thuốc mỡ cho tỷ, chắc chỉ cần
bôi vài ba hôm là lành lại thôi.”
Lăng Dung hơi ngẩn người, nhìn qua đám thuốc mỡ Huyền Lăng
ban thưởng cho tôi rồi nói: “Thuốc do Hoàng thượng ban thưởng thì hẳn là thứ
tốt rồi, chỉ có điều một là tỷ tỷ đang mang thai, không phải loại thuốc nào
cũng có thể tùy ý sử dụng, hai là thuốc của Hoàng thượng có vài loại là do
phiên bang tiến cống, chưa hẳn đã hợp với thể chất của chúng ta, tỷ tỷ nói như
vậy có đúng không?”
Tôi nghĩ một lát, thấy cũng có lý, bèn gật đầu, nói: “Muội
nói vậy cũng đúng!”
Nàng ta lấy một chiếc hộp sứ tròn nhỏ bằng men có vẽ hoa tinh
xảo từ trong tay áo ra, nói: “Hộp Thư ngân giao này là loại thuốc gia truyền
của nhà Lăng Dung. Nghe đồn năm xưa ái phi Đặng phu nhân của Ngô chủ Tôn Hòa bị
ngọc như ý làm bị thương ở mặt, cũng nhờ vào loại thuốc này mà giữ được nhan
sắc. Theo phương thuốc cổ thì lấy keo xương cá, hổ phách, bột trân châu, tủy
rái cá, ngọc vụn và mật ong tán nhỏ, trộn với nhau, thêm vào nước hoa đào để
lắng rồi chế thành.” Nàng ta kể vanh vách từng thứ một. “Hoa đào và bột trân
châu làm sáng và ẩm da, giúp làn da thêm đẹp, keo xương cá, mật ong giúp da
bóng láng, ngọc vụn và hổ phách làm liền vết thương, phẳng vết sẹo, trong đó
thì tủy rái cá là quý giá nhất, có tác dụng làm mờ sẹo.”
Nắp hộp sứ được vẽ hình hoa nở bốn mùa bằng mực vàng, nét vẽ
hết sức tinh xảo. Bên trong hộp là thuốc mỡ màu trắng muốt gần như trong suốt,
mùi hương thơm mát. Chạm tay vào thì thấy mát lạnh. Tôi không khỏi kinh ngạc.
“Những thứ khác không nói đến, tủy rái cá vốn rất hiếm có, chỉ e trong cung
cũng chẳng tìm được. Rái cá chỉ sinh sống ở sông Phú Xuân, bản tính nhút nhát,
thấy có người đến là nhảy ngay xuống hốc đá dưới đáy nước, rất khó bắt. Chỉ vào
dịp tế cá hằng năm, đám rái cá vì tranh đoạt bạn tình nên thường đấu đá nhau,
có con vì thế mà chết, xương vụn nằm lại trong hốc đá, lúc đó mới lấy được một
ít tủy xương. Còn phải chọn đúng thời điểm, nếu không thì chỉ còn lại bụi xương
mà thôi, tuy cũng có tác dụng nhưng dược lực kém tủy xương rất nhiều.”
Nghe tôi nói xong, Lăng Dung tủm tỉm cười, khen: “Tỷ tỷ biết
nhiều hiểu rộng, nói đâu đúng đó. Muội vốn còn định thêm vào chút hương liệu để
mùi hương ngọt ngào hơn, nhưng nghĩ tới chuyện tỷ tỷ đang mang thai, không tiện
dùng hương liệu nên dùng hoa tươi để điều chỉnh mùi hương, như thế thì tỷ tỷ sẽ
không ngửi thấy mùi thuốc nữa.” Nói xong nàng ta đưa chiếc hộp sứ đến sát mũi
tôi. “Tỷ tỷ ngửi thử xem có thích không?”
Tôi khẽ hít một hơi, quả nhiên mùi hương rất nồng nàn, tựa
như đang đứng giữa biển hoa trong Thượng Lâm uyển ngày xuân. Tôi hài lòng mỉm
cười. “Thích thì thích lắm đấy, chỉ là quý giá quá, tỷ sao dám nhận cơ chứ?”
Lăng Dung đặt tay lên tay tôi, tha thiết nói: “Thứ gì của
Lăng Dung cũng là của tỷ tỷ, chỉ cần vết sẹo của tỷ tỷ lành lại thì muội đã an
tâm lắm rồi. Chẳng lẽ tỷ tỷ muốn thấy muội lúc nào cũng phập phồng lo lắng hay
sao?” Lăng Dung sốt ruột, giọng nói càng thêm khàn khàn.
Tôi nghe mà đau lòng, lại thấy nàng ta thiết tha như vậy,
đành nhận lấy cho nàng ta vui lòng.
Lăng Dung lại dặn dò thêm: “Mặt tỷ tỷ đang bị thương, hiện
giờ đang độ xuân sang, phấn hoa dính nhiều tro bụi, bệnh dịch chưa hết hẳn,
trong cung chỗ nào cũng đốt lá ngải, bụi bặm bay khắp nơi, nếu không cẩn thận
dính phải thì sẽ ảnh hưởng đến vết thương đang lên da non. Hơn nữa, loại Thư
ngân giao này sau khi thoa lên mặt thì kỵ ra gió, tỷ tỷ nhớ che mặt lại thì tốt
hơn.”
Tôi vô cùng cảm kích tấm chân tình của nàng ta, mỉm cười,
nói: “Muội đúng là chu đáo thật, thái y cũng nói vết thương trên mặt tỷ kỵ bụi
bặm và phấn hoa.”
Ánh mắt của Lăng Dung chợt buông lơi một thoáng, tựa như từng
tầng mây mù được vén lên, trong sáng ung dung. Nàng ta cười, nói: “Như thế thì
tốt quá. Tỷ tỷ nghỉ ngơi cho khỏe, muội muội xin cáo từ trước!”
Ăn xong bữa tối, rảnh rỗi chẳng biết làm gì, tôi vừa cầm kim
lên thêu được mấy mũi Xuân sơn đồ thì Bội Nhi chạy lại châm trà rồi thưa:
“Nương nương giờ vẫn còn thêu món này sao? Vừa ảnh hưởng đến mắt lại vất vả
nữa, cứ giao cho nô tỳ làm là được.”
Đúng lúc đó, Hoán Bích bước vào đổi hoa tươi cắm trên án,
nàng ta vội chạy tới, dặn dò: “Tiểu thư uống ít trà thôi, Cận Tịch cô cô đã dặn
rồi, nước trà không tốt cho thai nhi, đừng uống là tốt nhất.” Lại đề nghị: “Hay
là làm vài thứ thức uống bổ dưỡng? Tổ yến, mật ong hay là nước sương?”
Bội Nhi đỏ bừng mặt, lầu bầu vỗ vào đầu mình. “Xem nô tỳ hồ
đồ quá nên quên mất, cô cô đã dặn dò hết rồi. Cô cô còn dặn phòng bếp khi nấu
ăn không được cho các loại hương liệu như hồi, hạt tiêu, vỏ quýt, ớt, ngũ vị
hương, rượu cũng không được dùng nhiều, tránh xối mỡ.”
Tôi mỉm cười, nói: “Cận Tịch có phần quá cẩn thận rồi, dùng
một chút thì hẳn chẳng sao đâu.”
Hoán Bích đổi nước mật ong cho tôi, đợi đến khi ấm ấm rồi mới
dâng lên. “Tiểu thư được sủng ái cả một năm trời mới mang thai, chẳng những
Hoàng thượng và Thái hậu hết sức trân trọng, mọi người trong cung chúng ta cũng
hầu hạ cẩn thận, chỉ mong tiểu thư có thể bình an sinh hạ tiểu hoàng tử. Tiểu
thư nên nghỉ ngơi dưỡng sức thì hơn, tay trái bị thương rồi, mấy việc khâu vá
này cứ giao cho đám cung nhân làm là được. Huống hồ thêu thứ này cũng chẳng hợp
thời chút nào.” Tôi nghe nàng ta khuyên răn tha thiết, nghĩ đến chuyện từ khi
bị tôi răn dạy xong, nàng ta quả nhiên không còn xử sự hai lòng nữa. Tiểu Liên
Tử ngầm để ý lâu nay cũng chưa phát hiện ra điểm gì không ổn, cho nên tôi cũng
dần an tâm giao một số việc cho nàng ta làm, không còn chú ý đề phòng nữa.
Thêu Xuân sơn đồ vốn là để rèn luyện tâm tính, giữ cho tâm
bình khí hòa, hiện giờ thì chẳng cần làm thế nữa, tôi bèn chiều theo ý nàng ta.
“Không thêu thứ này cũng được, chỉ là cứ nằm dài mãi thì bực bội, khó chịu
quá!”
Hoán Bích mím môi cười, nói: “Tiểu thư nếu cảm thấy buồn chán
thì chẳng bằng cắt may vài ba bộ quần áo cho trẻ con, thêu thùa cẩn thận, tiểu
hoàng tử ra đời là có thể mặc ngay.”
Lưu Chu đứng bên cũng nói góp vào: “Đúng vậy, bây giờ là phải
bắt đầu khâu vá rồi, đợi đến khi bụng của tiểu thư được sáu, bảy tháng, thân
thể nặng nề thì làm gì cũng không tiện.”
Tôi bị bọn họ thuyết phục, lập tức sai người xuống kho chọn
vài tấm vải mềm mại, rồi mấy người chúng tôi ngồi quanh đèn, bắt đầu cắt may y
phục.
Thức dậy sớm, tôi nghe thấy tiếng chim oanh líu lo bên ngoài
cửa sổ. Thuần Nhi lại ghé sang thăm tôi, tôi cùng nàng ta ăn sáng xong bèn ngồi
xuống nói chuyện phiếm.
Thuần Nhi nói: “Nghe nói lúc tỷ tỷ lâm bồn thì mẹ đẻ có thể
vào cung bồi bạn với tỷ tỷ, có thật vậy không?”
Tôi đáp: “Đúng thế! Đến tháng cuối thì Hoàng thượng sẽ ban ân
chỉ xuống.”