Papillon - Người tù khổ sai - Chương 27 phần 1
Chương 27
Quần đảo Salut, Chiếc bè trong ngôi mộ
Trong vòng năm tháng, tôi đã dần
dần am hiểu tường tận từng góc ngách của Quần đảo. Kết luận hiện giờ của tôi là
khu vườn ở cạnh nghĩa địa mà Carbonieri bạn tôi làm việc trước đây - bây giờ
anh không ở đó nữa - là nơi chắc chắn nhất để đóng bè. Cho nên tôi yêu cầu
Carbonieri trở lại khu vườn ấy, không xin thêm người phụ việc. Anh ta bằng
lòng. Nhờ có Dega xin cho, Carbonieri được trở về khu vườn cũ.
Sáng hôm nay, khi đi qua nhà viên
chỉ huy trại mới đổi đến, tay cầm một xâu lớn cá hồng, tôi nghe thấy anh tù trẻ
làm gia đinh cho nhà này nói với một thiếu phụ:
- Thưa bà chỉ huy, anh này chính
là người trước đây vẫn hàng ngày đem cá về cho bà Barrot đấy ạ.
Rồi tôi nghe người kia, một thiếu
phụ tóc đen xinh đẹp, kiểu đàn bà Algérie, nước da màu đồng đỏ, nói với anh ta:
- Thế ra anh là Papillon à.
Đoạn quay ra phía tôi, người thiếu phụ nói:
- Tôi đã được ăn mấy con tôm he rất ngon của anh câu do bà Barrot biếu tôi.
Anh vào nhà đi. Anh phải uống ly rượu vang nhắm với ít pho-mát sữa dê tôi vừa
nhận được từ bên Pháp gửi sang.
- Cám ơn bà, thôi ạ, tôi không vào đâu.
- Sao thế? Anh vẫn vào với bà Barrot đấy thôi, sao anh lại không vào với
tôi?
- Vì chính ông Barrot cho phép tôi vào nhà ông ấy.
- Papillon ạ, chồng tôi chỉ huy trại, còn tôi, tôi chỉ huy ở nhà... Anh cứ
vào đi, đừng sợ.
Tôi cảm thấy cô thiếu phụ xinh đẹp này đã muốn gì là làm cho bằng được: một
người như thế có thể rất hữu ích hoặc rất nguy hiểm.
Trong phòng ăn, bà chỉ huy mới dọn ra bàn cho tôi một đĩa giăm-bông hun
khói và một lát pho-mát. Không chút kiểu cách, bà ta xuề xòa ngồi xuống trước
mặt tôi, rót rượu vang cho tôi, rồi sau đó lại rót cà- phê, và cuối cùng là một
ly rượu rhum Jamaique rất ngon. Bà nói:
- Papillon ạ, mặc dầu lúi húi vì phải sửa soạn ra đi và phải đón tiếp chúng
tôi khi mới về, bà Barrot đã có đủ thì giờ để cho tôi biết được ít nhiều về
anh. Tôi biết rằng bà ấy là người phụ nữ duy nhất trên Quần đảo được anh đem cá
về cho. Tôi hy vọng rằng tôi sẽ được kế chân bà ấy hưởng cái ân huệ này của
anh.
- Vì là bà ấy ốm, còn bà thì tôi thấy hình như rất khỏe mạnh.
- Tôi không biết nói dối, Papillon ạ. Đúng, tôi khỏe mạnh, nhưng tôi vốn
sinh trưởng ở hải cảng cho nên chỉ thích ăn cá thôi. Tôi là người Oran. Chỉ một
điều làm cho tôi thấy khó xử: tôi cũng được biết là anh không bao giờ bán cá
lấy tiền. Cái này thì phiền quá.
Nói qua nói lại một lúc, cuối cùng rồi cũng đi đến chỗ thỏa thuận là tôi sẽ
đem cá đến cho bà.
Một hôm tôi đem đến ba ki-lô cá hồng và sáu con tôm he, đang ngồi hút thuốc
thì ông chỉ huy về. Trông thấy tôi, ông nói:
- Juliette à, anh đã bảo với em là ngoài chú gia đinh ra không được cho một
phạm nhân nào vào nhà kia mà.
Tôi vội đứng dậy, nhưng bà Juliette nói:
- Anh cứ ngồi yên. Phạm nhân này là người mà bà Barrot đã gửi gắm cho em
trước khi ra đi. Vậy thì anh đừng có ý kiến gì cả. Ngoài anh này ra sẽ không có
phạm nhân nào vào đây hết. Mặt khác, anh ta sẽ đưa cá cho em khi nào em cần.
- Thế thì được, - Ông chỉ huy nói. - Anh tên gì? Tôi toan đứng dậy trả lời
thì Juliette đặt bàn tay lên vai tôi bắt tôi ngồi xuống, nói:
- Đây là nhà của tôi. Ở đây ông chỉ huy không còn là ông chỉ huy nữa, mà là
chồng tôi, ông Prouillet.
- Cám ơn bà. Tên tôi là Papillon.
- À! Tôi có nghe nói về anh và về cuộc vượt ngục của anh cách đây hơn ba
năm từ bệnh viện Saint- Laurentdu-Maroni. Vả lại một trong hai viên giám thị bị
anh đánh ngất trong khi vượt ngục lại chính là cháu tôi và là cháu nhà tôi -
người đang bảo hộ cho anh.
Đến đây, Juliette cười phá lên, tiếng cười trẻ trung và tươi mát.
- Thế ra anh là kẻ đã phang vào đầu Gaston à? Không sao, việc này sẽ không
làm thay đổi tình hình đâu.
Ông chỉ huy vẫn chưa ngồi xuống, nói:
- Cái số án mạng xảy ra hàng năm trên Quần đảo thật khó tin nổi: nhiều hơn
ở Đất liền nhiều. Anh có hiểu tại sao không Papillon?
- Thưa ông, vì ở đây anh em không vượt ngục được thành ra bẳn tính. Họ sống
mãi với nhau hết năm này sang năm khác, cho nên lẽ tự nhiên là phải hình thành
những tình bạn và những mối thù không có gì tiêu hủy được. Mặt khác, chỉ có
không đầy năm phần trăm số thủ phạm bị phát hiện, cho nên kẻ giết người có thể
tin gần chắc là mình sẽ không bị trừng phạt.
- Cách giải thích của anh rất lô-gích. Anh câu cá từ bao lâu rồi, và anh
nhận loại lao công gì để có quyền đi câu như vậy?
- Tôi đổ thùng. Đến sáu giờ sáng tôi đã xong việc, sau đó tôi được đi câu.
- Suốt thời gian còn lại trong ngày à? - Juliette hỏi.
- Không, đến mười hai giờ trưa tôi phải về trại, ba giờ mới được ra cho đến
sáu giờ chiều. Như thế rất phiền, vì tùy theo giờ thuỷ triều lên xuống, tôi có
thể mất buổi câu.
- Anh cho Papillon một tờ giấy phép riêng, nghe anh? - Juliette quay về
phía chồng nói. - Từ sáu giờ sáng đến sáu giờ chiều, như thế anh ta sẽ tha hồ
câu cá.
- Xong ngay, - Ông chủ huy nói.
Tôi ra về, trong bụng mừng thầm, vì ba cái tiếng đồng hồ từ mười hai đến ba
giờ chiều rất quý giá. Đó là giờ ngủ trưa, bọn giám thị đều ngủ, cho nên việc
canh phòng có chiều lỏng lẻo.
Juliette đã chiếm lĩnh hoàn toàn cả việc đi câu của tôi lẫn bản thân tôi.
Đến mức bà ta còn sai anh gia đinh đi xem thử tôi đang câu ở đâu để lấy cá về.
Có những hôm anh ta đến, nói: “Bà chỉ huy bảo anh câu được gì đem hết về cho
bà, vì hôm nay bà có khách, muốn làm món xúp tôm cá”, hoặc đại loại như vậy.
Nói tóm lại, bà ta quản lý hết thu hoạch của tôi, thậm chí còn dặn tôi câu cá
này, cá nọ, hay phải lặn xuống biển bắt tôm càng. Điều đó có phương hại khá
nhiều đối với thực đơn của tổ tôi, nhưng mặt khác, tôi được che chở hơn hết
thảy mọi người. Bà ta còn có những kiểu quan tâm đặc biệt.
- Papillon, thủy triều lên lúc một giờ phải không?
- Thưa bà vâng.
- Thế thì trưa anh về đây ăn cơm nhé, khỏi về trại.
Thế là tôi ăn trưa ở nhà bà, hôm nào cũng ăn ở phòng ăn chứ không bao giờ
ăn dưới bếp. Bà ngồi đối diện với tôi, lấy thức ăn bỏ vào đĩa cho tôi và rót
rượu cho tôi. Bà không được kín đáo tế nhị như bà Barrot. Nhiều lần bà hỏi dò
tôi về dĩ vãng. Tôi luôn luôn phải tránh cái đề tài mà bà quan tâm hơn cả -
cuộc sống của tôi ở Montmartre, chỉ kể thời thiếu niên và thơ ấu của mình.
Trong khi đó ông chỉ huy nghỉ trưa trong phòng ngủ.
Một buổi sáng câu được nhiều tôm, tôi về sớm, cầm hơn sáu chục con tôm càng
ghé nhà bà. Bà mặc áo choàng tắm màu trắng, sau lưng có một cô đang cuốn tóc
cho bà. Tôi chào, rồi biếu bà một tá tôm. Bà nói ngay:
- Khng, anh cho tôi tất cơ. Có
mấy con?
- Sáu chục ạ.
- Hay quá, anh để cả đấy cho tôi.
Anh và các bạn anh cần bao nhiêu cá?
- Tám con ạ.
- Thế thì anh giữ lấy tám con,
còn bao nhiêu đưa cho cậu bé đem thả vào nước mát đi.
Tôi chẳng còn biết nói sao. Xưa
nay chưa bao giờ bà dùng đại từ “tu” nói với tôi, nhất là trước mặt một người
đàn bà khác, vì người này thế nào cũng đi nói lại. Tôi ngượng quá, toan ra về,
thì bà lại nói:
- Ngồi yên đấy, uống tí rượu hồi
đã. Chắc anh nóng lắm nhỉ?
Người đàn bà quyền uy này làm cho
tôi bàng hoàng đến nỗi tôi ngồi đực ra. Tôi vừa chậm rãi nhắp rượu hồi vừa hút
thuốc lá, chốc chốc lại liếc mắt về phía tôi. Bà chỉ huy nhìn vào cái gương
đang cầm ở tay, biết ngay cô kia nhìn trộm tôi, liền nói:
- Bồ tôi đẹp trai đây chứ, Simone
nhỉ? Các cô cô nào cũng ghen với tôi, đúng không nào?
Thế là cả hai cười khúc khích.
Tôi không còn biết độn thổ đi đường nào. Thế rồi tôi nói một cách ngu xuẩn:
- Cũng may là thằng bồ của bà,
như bà nói, không nguy hiểm lắm, vì trong tình cảnh của hắn, hắn không thể phải
lòng ai để mà có bồ được.
- Thôi đi, chẳng lẽ anh dám nói
anh không phải lòng tôi? - cô nàng Algérie nói - Chưa có ai thuần phục được con
sư tử như anh, thế mà tôi muốn gì anh làm tất. Phải có lý do chứ Simone nhỉ?
- Tôi không biết là lý do gì, -
Simone nói, - nhưng có một điều chắc chắn là đối với mọi người anh là một người
hoang dã, chỉ riêng đối với bà chỉ huy là không thôi, Papillon ạ. Đến nỗi, có
hôm anh vác dễ đến hơn mười lăm ki-lô cá, thế mà bà vợ ông giám thị trưởng van
nài anh bán cho hai con thôi anh cũng không chịu, bà ấy nói thế, hôm ấy bà ấy
thèm đến chết được, vì lò không có thịt.
- Chà Simone. Thế mà đến bây giờ
cô mới kể cho tôi nghe.
- Thế chị cô biết hôm nọ anh ta
nói cái gì với bà Kargueret không? Bà ta trông thấy anh cầm một mớ tôm và một
con cá ngừ lớn: “Anh bán tôi con cá đi Papillon, hay nửa con cũng được. Anh
cũng biết là dân Bretagne chúng tôi làm cá ngừ rất ngon mà?” Papillon nói: “Đâu
phải chỉ có người Bretagne mới biết giá trị của nó? Rất nhiều người, kể cả dân
Ardèche chúng tôi, mãi từ thời quân La-mã sang đã biết đây là món thượng đẳng.”
Thế là anh ta đi thẳng chăng bán gì cho bà ta cả.
Hai người đàn bà cười ngặt nghẽo.
Tôi ra về, trong lòng rất cáu, và
đến tối tôi kể cho tổ nghe hết câu chuyện.
- Việc này rất nghiêm trọng, -
Carbonieri nói. - Mụ ấy đưa cậu vào một tình thế rất nguỵ Cậu nên đến đấy càng
ít càng tốt, và chỉ khi nào cậu biết là có ông chỉ huy ở nhà.
Cả tổ đều tán thành ý ấy. Tôi
nhất định phải làm theo ý Carbonieri.
Tôi vừa phát hiện ra được một anh
thợ mộc người Valence. Nơi đó gần như là một quê hương của tôi, anh này đã giết
một người kiểm lâm. Đó là một tay rất máu mê cờ bạc, lúc nào cũng nợ đìa ra:
ban ngày hì hục làm đồ thủ công kiếm được bao nhiêu thì đến đêm nướng vào sòng
bạc hết. Đã nhiều lần anh ta phải lấy đồ thủ công gán nợ. Thế là bị người ta
bắt bí, một cái hộp gỗ quý trị giá ba trăm francs mà người ta chỉ trừ cho có
trăm rưởi hay hai trăm bạc nợ. Tôi đã quyết định tấn công anh này.
Một hôm gặp ở chỗ giặt áo quần, tôi
nói với anh ta:
- Đêm nay tôi có chuyện muốn nói
với anh. Tôi đợi anh ở nhà xí. Tôi sẽ ra hiệu.
Đêm ấy chúng tôi gặp riêng nhau,
có thể nói chuyện không sợ ai quấy rầy. Tôi nói:
- Bourset này, chúng mình là đồng
hương đấy cậu ạ.
- Đâu có! Đồng hương thế nào?
- Cậu không phải quê ở Valence
sao?
- Đúng thế chứ.
- Tôi thì quê ở Ardèche, như vậy
chúng mình là đồng hương.
- Thế rồi sao nữa? Có gì quan
trọng đâu?
- Có cái quan trọng là tôi không
muốn cậu bị người ta bóc lột khi cậu mắc nợ, tôi không chịu được khi thấy họ
tính giá những đồ của cậu làm không được một nửa giá trị thật. Lần sau cậu đưa
cho tôi, tôi sẽ trả cậu đúng giá. Có thế thôi.
- Cám ơn cậu, - Bourset nói.
Tôi luôn luôn can thiệp để giúp
đỡ Bourset. Cậu ta thì luôn luôn cãi cọ với những tay cậu mắc nợ. Mọi sự đều
yên ổn cho đến hôm cậu ta có chuyện nợ nần với Vicioli một tay kẻ cướp rừng ở
đảo Corse, một trong những bạn tốt của tôi. Tôi biết chuyện là do Bourset đến
mách với tôi rằng Vicioli đang dọa nạt cậu ta nếu cậu ta không trả số tiền bảy trăm
francs đang mắc nợ. Bourset lại cho tôi biết là đang sắp sửa làm xong một cái
bàn giấy nhỏ có ngăn bí mật, nhưng không dám chắc bao giờ xong hẳn, vì phải làm
lén. Số là phạm nhân không được phép làm những thứ đồ quá lớn vì như vậy tốn
nhiều gỗ. Tôi trả lời là để tôi xem có cách nào giúp cậu ta được không. Rồi với
sự thỏa thuận của Vicioli tôi dựng lên một màn kịch nhỏ: Vicioli phải thúc giục
Bourset gắt vào, thậm chí dọa giẫm thật dữ. Tôi sẽ xông vào can thiệp như một
vị cứu tinh.
Mọi việc đều diễn ra đúng như đã
dàn dựng. Từ ngày ấy, cậu Bourset nhất nhất đều nghe tôi và tin tôi một cách
tuyệt đối. Lần đầu tiên trong cuộc đời phạm nhân, cậu ta mới được yên thân. Bây
giờ tôi mới quyết định thử thách số phận. Một hôm tôi nói với Bourset:
- Tôi có hai ngàn francs biếu cậu
nếu cậu làm cho tôi một cái bè chở được hai người, gồm từng mảng rời có thể lắp
nhanh được.
- Papillon ạ, tôi không đời nào
chịu nhận làm một việc như thế cho bất kỳ ai, nhưng riêng với cậu, tôi sẵn sàng
liều chịu hai năm cấm cố nếu bị lộ. Chỉ có điều là tôi không thể đưa những súc
gỗ hơi lớn ra khỏi công xưởng được.
- Tôi đã có người.
- Ai?
- Hai anh em Đẩy xe, Naric và
Quenier. Cậu định sao?
- Trước hết phải vẽ một đồ án
đúng tỷ lệ, rồi làm từng bộ phận một, có khớp để lắp vào nhau thật chắc. Cái
khó là tìm cho ra thứ gổ nổi thật nhẹ, vì gỗ ở đảo đều là loại gỗ cứng thả
xuống nước không nổi được.
- Bao giờ cậu sẽ trả lời cho tôi
biết?
- Ba hôm nữa.
- Cậu có muốn đi với tôi không?
- Không.
- Tại sao?
- Tại tôi sợ cá mập và sợ chết
đuối.
- Cậu hứa là sẽ giúp tôi hết mình
chứ?
- Tôi lấy mấy đứa con tôi ra mà
thề với anh như vậy. Chỉ có điều là phải làm lâu đấy.
- Cậu nghe kỹ đây: ngay từ bây
giờ tôi sẽ chuẩn bị bằng chứng bênh vực cho cậu phòng khi bị lộ. Tôi sẽ tự tay
chép lại đồ án đóng bè trên giấy học sinh. Phía dưới tôi sẽ viết: “Bourset, nếu
mày không muốn bị ám sát, mày phải đóng chiếc bè vẽ trên đây” sau đó tôi sẽ
viết cho cậu những mảnh giấy dặn dò cách đóng từng bộ phận. Cứ xong được bộ
phận nào, cậu sẽ đem ở nơi tôi sẽ dặn. Nó sẽ được đưa đi giấu ngaỵ Cậu đừng tìm
cách biết ai đến lấy và lấy vào lúc nào (ý này làm cho cậu ta thấy nhẹ bớt) như
vậy tránh cho cậu khỏi bị tra tấn nếu bị bắt và dù có sao cậu cũng chỉ phải
chịu hình phạt nhẹ nhất: chừng sáu tháng cấm cố thôi.
- Thế nếu chính cậu bị bắt thì
sao?
- Nếu thế thì sẽ ngược lại. Tôi
sẽ nhận tôi đã viết mấy mảnh giấy. Dĩ nhiên cậu phải giữ những mảnh giấy ấy.
Nhất trí chưa?
- Tôi hứa như vậy.
Cậu không sợ chứ?
- Không, bây giờ tôi không sợ
nữa. Tôi thấy vui được giúp cậu..
Tôi chưa nói gì với ai hết. Tôi
còn phải chờ Bourset trả lời về chuyện gỗ. Mãi đến một tuần sau, một tuần dài
dằng dặc tưởng không bao giờ hết, tôi mới có dịp nói chuyện riêng với Bourset ở
thư viện. Ngoài hai chúng tôi ra không có ai ở đấy. Đó là vào buổi sáng chủ
nhật. Ở ngoài sân đang có đám bạc lớn, gần tám mươi người đánh và ngần ấy người
đứng xem.
Lập tức Bourset làm cho tôi thấy
ấm lòng:
- Cái khó nhất là làm sao chắc có
được đủ gỗ nhẹ và khô. Tôi đã nghĩ được cách làm một cái khung bằng gỗ nẹp chặt
dừa khô, còn nguyên cả thớ vỏ, cố nhiên. Không có gì nhẹ bằng thớ vỏ dừa, mà
nước lại không thấm vào được. Khi bè đóng xong, chính anh phải lo kiếm cho đủ
dừa để nhét vào khung. Vậy thì mai tôi làm mảng đầu tiên. Mất độ ba ngày. Từ
thứ năm có cho một trong hai anh em Đẩy xe đến lấy. Tôi sẽ không bao giờ bắt
đầu làm thêm một mảng trước ra khỏi xưởng. Tôi đã vẽ đồ án rồi đây, cậu chép
lại đi rồi viết thêm mảnh giấy như cậu đã hẹn. Cậu đã nói chuyện với anh em nhà
ấy chưa?
- Chưa, tôi còn chờ cậu trả lời
đã chứ.
- Thế thì tôi trả lời rồi đấy:
được.
- Cám ơn Bourset, tôi không biết
lấy gì cảm ơn cậu. Thôi, năm trăm francs đây, cậu cầm lấy.
Bourset nhìn thẳng vào mắt tôi
nói:
- Không, cậu giữ lấy tiền. Đến
đất liền cậu sẽ cần đến để vượt tiếp. Từ hôm nay tôi sẽ không đánh bạc cho đến
khi nào cậu ra đi. Làm một ít đồ thủ công, tôi sẽ có đủ tiền mua thuốc lá và
bít-tết.
- Tại sao cậu không chịu cầm?
- Vì việc này dù có trả một vạn
francs tôi cũng không làm đâu. Việc quá nguy hiểm cho tôi, dù đã có đề phòng
bất trắc. Chỉ có làm không công mới làm được. Cậu đã cứu tôi, cậu là người duy
nhất đã dang tay ra giúp đỡ tôi. Tôi có sợ thật, nhưng tôi rất sung sướng được
giúp cậu trở lại cuộc sống tự do.
Trong khi ngồi chép lại đồ án,
tôi thấy hổ thẹn trước sự cao thượng lớn lao mà ngây thơ của Bourset. Cậu ta
không chút hồ nghi rằng những cử chỉ tốt đẹp của tôi đối với cậu là có tính
toán vụ lợi. Để khỏi khinh rẻ bản thân, tôi buộc lòng phải tự nhủ rằng tôi phải
vượt ngục bằng bất cứ giá nào, dù cái giá đó là tính thế éo le và không phải
bao giờ cũng tốt đẹp. Đêm hôm ấy tôi nói chuyện với Naric, biệt hiệu Xúp Nhừ,
để sau đó cậu ta nói lại với ông em rể. Naric nói, không chút phân vân:
- Cậu cứ để tôi lo việc đưa các
mảng bè ra khỏi công xưởng. Chỉ có điều là cậu đừng sốt ruột, vì chỉ khi nào có
dịp đưa vật liệu cồng kềnh ra khỏi xưởng để làm công trình xây cất trên đảo mới
nhân thể đưa luôn đồ của cậu ra. Dù sao tôi cũng hứa với cậu là sẽ không bao
giờ để lỡ một dịp nào.
Thế là ổn rồi. Chỉ còn phải nói
chuyện với Matthieu Carbonieri, vì tôi muốn cùng vượt ngục với chính anh ta.
Anh ta đồng ý trăm phần trăm.
- Matthieu à, tôi đã tìm được
người làm bè, đã tìm được người đưa từng mảng bè ra khỏi công xưởng. Phần cậu
là tìm xem trong khu vườn có chỗ nào giấu được bè không.
- Không được đâu. Đây là vườn
rau, nguy hiểm lắm, vì ban đêm có những thằng gác mò vào ăn trộm rau quả. Nếu
chúng nó đi đúng vào chỗ giấu, cảm thấy dưới đất rỗng thì hỏng hết. Tôi sẽ làm
một cái hốc trong bức tường bằng cách lấy ra một phiến đá lớn rồi khoét sâu vào
trong. Mỗi khi nhận một mảng bè, tôi sẽ giở hòn đá ra, giấu vào hốc rồi đặt lại
hòn đá như cũ.
- Đưa thẳng các mảng đến vườn cậu
được không?
- Không được. Làm như vậy quá
nguy hiểm. Hai anh em Đẩy Xe không có lý do gì vào vườn của tôi. Tốt hơn cả là
thu xếp cho họ mỗi lần đem đến một nơi khác không quá xa vườn của tôi.
- Nhất trí.
Mọi việc đều có vẻ ổn. Còn mấy
quả dừa khộ Tôi nghĩ xem có cách nào chuẩn bị một số dừa đủ dùng mà không lộ
liễu quá.
Tôi cảm thấy mình đang sống lại.
Chỉ còn một việc là nói chuyện với Galgani và Grandet. Tôi không có quyền giấu
họ, vì họ có thể bị buộc tội là đồng lõa với tôi. Bình thường ra, tôi phải
chính thức ra khỏi tổ của họ để sống một mình. Khi tôi nói cho họ biết là tôi
đang chuẩn bị một cuộc vượt ngục cho nên phải tách ra khỏi tổ, họ mắng cho tôi
một trận và dứt khoát không chịu.
- Cậu hãy lên đường càng sớm càng
tốt. Còn chúng tớ thì khỏi lo, sẽ có cách. Trong khi chờ đợi cậu cứ ở với chúng
tớ, chúng tớ có còn non dại gì đâu.
Cuộc chuẩn bị đã tiến hành được
hơn một tháng. Tôi đã nhận được bảy mảng bè, trong đó có hai mảng lớn. Tôi đã
đến xem bức tường của Matthieu có khoét hốc để giấu bè. Không thể nhận thấy
phiến đá đã bị tháo ra, vì cậu ta đã cẩn thận lấy rêu trát vào các khe hở.
Chỗ giấu thật hoàn hảo, nhưng tôi
thấy cái hốc hơi chật chưa chắc chứa hết được tất cả. Tuy vậy, cứ như hiện nay
thì vẫn còn đủ chỗ.
Cái ý thức là mình đang chuẩn bị
vượt ngục khích lệ tinh thần tôi dữ dội. Tôi chưa bao giờ ăn nhiều và ngon
miệng như thế, và chế độ ăn cá giữ cho cơ thể tôi hoàn hảo. Thêm vào đấy, mỗi
buổi sáng tôi tập thể dục hai tiếng đồng hồ trên các mỏm đá. Tôi tập chân nhiều
hơn, và khi câu cá tay đã hoạt động nhiều. Tôi nghĩ ra cách tập chân như sau:
Tôi đi ra biển xa hơn khi tôi đứng câu, dể cho sóng xô vào đùi. Để đón sóng và
giữ thăng bằng, tôi gồng các cơ bắp chân và đùi. Kết quả rất tốt.
Juliette, tức bà chỉ huy, vẫn rất
niềm nở đối với tôi. Nhưng bà đã để ý thấy rằng chỉ khi nào có chồng bà ở nhà
tôi mới vào. Bà đã nói thẳng với tôi là bà nhận thấy thế, và để cho tôi khỏi ngượng
ngập, bà phân trần với tôi rằng cái hôm có cô Simone đến quấn tóc cho bà là bà
nói đùa cho vui thôi. Tuy vậy, cô Simone vẫn hay ra đứng trên con đường tôi đi
câu về, và mỗi lần gặp tôi cô đều có đôi lời thăm hỏi thân ái về sức khỏe và
tinh thần của tôi. Vậy là mọi sự đều tốt lành. Bourset tận dụng mọi cơ hội để
làm bè cho tôi. Công việc bắt đầu thế là đã được hai tháng rưỡi.
Chỗ giữ bè đã chật ních, như tôi
đã dự kiến trước đây. Chỉ còn thiếu hai mảng dài nhất, một mảng dài hai mét,
mảng kia dài mét rưỡi. Hai mảng này không lọt được vào hốc.
Nhìn về phía nghĩa trang, tôi
trông thấy một ngôi mộ mới. Đó là mộ của vợ một cảnh binh, mới chết tuần trước.
Trên mộ có đặt một bó hoa héo tồi tàn. Người giữ nghĩa trang là một phạm nhân
già mù lòa có biệt hiệu là Bố già. Suốt ngày ông già ngồi dưới bóng một cây dừa
mọc ở góc đối diện của nghĩa trang; ngồi đấy ông ta không thể nhìn thấy ngôi mộ
ấy, mà nếu có ai đến gần ngôi mộ Ông ta cũng không nhìn thấy được.
Tôi nảy ra cái ý dùng ngôi mộ này
để lắp bè và nhét thật nhiều dừa vào cái thứ khung gỗ mà anh thợ mộc đã đóng.
Hết khoảng ba mươi đến ba mươi bốn quả: so với số dừa đã dự kiến thì ít hơn
nhiều. Tôi đã kiếm được hơn năm mươi quả, đặt rải rác ở nhiều nơi, mỗi nơi một
ít. Chỉ riêng trong sân nhà Juliette đã được một tá rồi. Anh tù gia đình tưởng
tôi gửi tạm đấy để sau này ép dầu.