Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên - Chương 8 - Phần 1
Quyển thứ tám: Trùng phùng trên
biển
Bước lại gần thành phố này, có lẽ chỉ cần một khoảnh khắc; phân tích một
đoạn nhạc, cần thời gian bao lâu? Trong tim mỗi người đều có một bến Thượng Hải
thuộc về riêng mình, trong thành phố khí thế hào hùng, phong tình lãng mạn này,
chúng ta đều đang kiếm tìm một tình tiết liên quan đến văn hóa âm nhạc. Bởi vì,
trong giang hồ sâu không thể dò này, chúng ta đều là những con thuyền xa bến,
cần một khúc ca vượt sông, cần một chốn về cho tâm linh…
Ngọc sáng phương Đông
Đây chính là bến Thượng Hải. Một thành phố gió cuộn mây trào, một thành phố
trăm sông đổ về một biển, một thành phố hoa lệ tuyệt sắc. Thành phố này, đến
không khí cũng tràn đầy sự mê hoặc, từ trong cốt tủy đều toát lên sự cao ngạo,
nó thời thượng đi trước trào lưu, khí thế hào hùng mà phong tình lãng mạn. Nó chính
là “Thập Lý Dương Trường[113]” của ngày xưa và là viên
ngọc của phương Đông ngày nay. Thành phố này có tấm lòng rộng như biển cả, nó
dung nạp muôn vàn câu chuyện, sau cơn sóng to gió lớn, lại bị lung lay trước
những tình cảm yếu mềm dịu dàng. Rất nhiều người đến với thành phố này và đã
sáng tạo nên những cuộc đời phi thường của họ. Bởi thế, bản thân Thượng Hải
chính là một huyền thoại. Nhân dịp triển lãm thế giới tổ chức ở Thượng Hải,
chúng tôi đến Thượng Hải, bước vào cuộc sống tươi đẹp của người dân Thượng Hải,
thưởng thức một quãng thời gian gió mây trên biển nơi đây.
[113] “Thập Lý Dương Trường”: Là tô giới Thượng Hải xưa hoặc
là cảnh tượng phồn hoa ở tô giới, đây là biệt hiệu ô nhục khi giai cấp thống
trị cuối thời Mãn Thanh đền đất đền tiền cho các nước phương Tây.
Bến Thượng Hải vào buổi tinh mơ như mới vừa thức giấc. Những tòa nhà cao
tầng ẩn trong sương sớm đã làm mờ hết những đèn hoa rực rỡ trong đêm, khoác lên
mình màu sắc mông lung kì ảo. Bên bờ sông Hoàng Phố, tiếng còi tàu hú vang như
phá vỡ mặt nước phẳng lặng, biến cảnh tượng mặt trời ló dạng trên sông thành
một phong cảnh lay động lòng người, tất cả kí ức được mở tung trong khoảnh khắc
này. Những tấm ảnh đen trắng đó, còn có tháng ngày quá khứ, tất cả đều chưa bị
thành thị phồn hoa này lãng quên.
Tiếng chuông Đông Phương Hồng trên tòa nhà Hải Quan vang lên phía xa, cuộc
sống mới mẻ mỗi ngày của Thượng Hải đều bắt đầu từ tiếng chuông ngân vang. Tháp
truyền hình Đông Phương Minh Châu sừng sững bên bờ sông, đã bắt đầu viết tiếp
câu chuyện ngày hôm qua của Thượng Hải. Dòng người như thủy triều dâng, tỏa đi
đến những tòa nhà cao tầng khác nhau, họ đã quá quen thuộc với phương thức sinh
hoạt gấp gáp, vội vã này. Trong lúc vội vã, họ vung vãi nhiệt tình đến mọi ngóc
ngách của thành phố, và để lan truyền cảm xúc đến những người hối hả tới đây từ
những địa danh khác nhau.
Hai bên bờ sông Hoàng Phố, tiếng sóng vẫn rì rào như xưa, hàng ngày đều có
vô số thuyền bè đến đi trên sông. Mặt nước thênh thang, mở rộng tấm lòng, lặng
lẽ lắng nghe mọi người kể lại câu chuyện đời mình. Ở nơi này, họ đang trục vớt
những câu chuyện, thu nhặt tâm tình và giải phóng những mơ ước. Những chìm nổi
thăng trầm trong ngọn sóng, có biết bao người bên bờ sông Mẹ, vứt bỏ hết buồn
vui li hợp. Nhưng thời gian không lưu lại chút thương tích nào cho con người,
cũng không mang đến cho con người bất cứ lí do nào để thất vọng và lười biếng,
lười nhác và quẩn quanh.
Thượng Hải có một ưu thế bẩm sinh. Quần thể kiến trúc Vạn Quốc ở bến Thượng
Hải mang phong cách khác biệt độc đáo, đã khiến đô thị quốc tế này luôn đi phía
trước, dẫn đầu thời đại. Thành thị rực rỡ này tựa như chỉ trong chớp mắt là có
thể tao nhã đổi sang một chiếc áo mới. Một khi đã bước vào đô thị muôn hình vạn
trạng này, không ai muốn quay đầu trở lại. Lịch sử của Thượng Hải đã hòa tan
vào dòng nước của sông Tô Châu, êm đềm chảy xuôi. Cũng đã từng sóng biếc xôn
xao, hết lần này đến lần khác thanh tẩy linh hồn con người, mài sáng kí ức cổ
xưa, khiến chúng ta càng thấu hiểu một cách tỉnh táo rằng, Thượng Hải - thành
phố chịu trách nhiệm lãnh đạo dẫn dắt nặng nề này, đã dùng bộ xương sống dẻo
dai, cứng cỏi của nó để gánh đỡ sự trông mong kì vọng của biết bao người khác.
Sự phồn hoa của thành phố này, đã trở thành phong cách ăn sâu vào gốc rễ, không
thể thay đổi được. Văn hóa Hải phái[114] nồng hậu mà độc đáo, đã
lây lan đến từng ngóc ngách nhỏ, từng kẽ hở của thành phố. Những sự vật mới mẻ
có thể làm phong phú tư tưởng, cũng có thể khiến quá khứ tỏa ra một thứ mùi vị
đượm hương hơn nữa. Mỗi ngày của Thượng Hải đều được trân trọng lưu giữ trong
hồi ức; mỗi ngày của Thượng Hải, đều tiếp tục truyền kì của ngày hôm qua.
[114] Hải phái: Chỉ chung trường phái mang phong cách Thượng
Hải.
Nghe một đoạn trong chiếc đĩa hát cũ, tựa hồ giai điệu nhạc Jazz cũ của
Thượng Hải đã dẫn chúng ta trở về Thượng Hải năm nào. Đoạn nhạc Jazz mang đầy
âm hưởng phương Đông đó đã khiến những kí ức đen trắng bị lãng quên được phủ
lên một màu sắc tình cảm tuyệt đẹp. Dưới chiếc máy phát cũ kĩ, chiếc đĩa màu
đen kẽo kẹt phát ra âm thanh đều đều như tiếng cửa mở ra đóng vào. Chìm đắm
trong tiếng nhạc du dương uyển chuyển, trong sâu thẳm đáy lòng ấp ủ một tình
yêu vô hạn đối với thành phố này. Những âm điệu vụn vặt vừa xa xôi vừa mênh
mang, lặn sâu vào linh hồn, những âm điệu ấy luôn luôn vô tình làm ướt đẫm đôi
mắt.
Kim đọc của máy quay đĩa xoay vòng, tựa như thời gian lưu chuyển, trong
tình cảm sâu nặng lại mang theo sự phóng khoáng tự do. Mà cuộc sống sắc màu rực
rỡ của Thượng Hải, vẫn tiếp diễn trong dòng chảy này. Thời gian tựa như một
lưỡi dao sáng loáng và sắc nhọn, luôn cắt bỏ những chi tiết phức tạp, chỉ giữ
lại những khoảnh khắc giản đơn. Miên man suy nghĩ hoài niệm, lại khó tránh khỏi
bị thời gian thôi thúc, sợ rằng chỉ trong chớp mắt, sẽ không nắm giữ được bóng
dáng thoáng qua của thành phố này.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Thượng Hải đẹp nhất khi vào đêm. Dưới những ánh đèn màu sặc sỡ, đường Nam
Kinh hóa thân thành một cô gái ăn vận thời trang trẻ trung, yểu điệu để mời
chào khách qua đường. Những ngọn đèn sáng rực bao quanh, chạm vào nhau lóe ra
những đốm lửa đẹp tuyệt. Biết bao tối tăm đều trở nên thu hút mọi ánh nhìn chỉ
trong khoảnh khắc. Những chiếc xe chở khách tham quan đi qua đi lại, dòng người
chuyển động như tuôn trào, những cửa hàng san sát, những bảng hiệu hộp đèn dao
động, đã phô bày hết cuộc sống tiểu tư sản ở Thượng Hải và sự lãng mạn thời
thượng của đô thị lớn. Trên tòa nhà Công ty Bách hóa Vĩnh An, có người đang
biểu diễn kèn saxophone. Những âm điệu tuôn trào như một chén rượu vang thơm
nồng, khiến chúng ta phải thưởng thức một cách dịu dàng nhất. Cơn say ngắn ngủi
trong chốc lát rồi trở lại hiện thực, Thượng Hải vào đêm vẫn như xưa, vẫn
khuynh thành như thế.
Ở Thượng Hải, biển biếc nương dâu có lẽ chỉ là một quá trình ngắn ngủi. Thế
nhưng cái mới mẻ chưa bao giờ có thể thay thế hoàn toàn cái cũ, một nền văn hóa
sâu đậm sẽ không thể bị trào lưu mới vùi lấp. Thượng Hải là một li cà phê cần
người ta phải chuyên tâm xay mịn, điều chế, tỉ mỉ pha và thưởng thức, hương
thơm nồng ấm lan tỏa và bao trùm toàn bộ thành phố này, thời gian đã đi thật
xa, nhưng dư hương vẫn còn đọng lại, xua mãi chẳng tan. Khi người ta đang hưởng
thụ sự phồn hoa và dẫn đầu của Thượng Hải mới, đồng thời cũng sẽ ôn lại sự xinh
đẹp và phong tình của Thượng Hải cũ.
Ngõ nhỏ ở Thạch Khố Môn như một con đường kí ức xa xăm, ngắm nhìn phong
cảnh phía xa, kéo theo những rung động, cảm xúc về khói lửa Thượng Hải xưa. Một
bầu không khí nên thơ lãng mạn của Thượng Hải xưa bồng bềnh trôi nổi bên trong
Thạch Khố Môn, không có những khoảng sân trang hoàng hoa lệ, không có những
phong cảnh muôn hồng nghìn tía. Thế nhưng, đàn tế cổ trăm năm ẩn sâu trong ngõ
nhỏ, đã chuốc cho cả con ngõ chếnh choáng say. Mấy cụm hoa vàng và rêu xanh
đang tô điểm cho cuộc đời. Ngõ hẻm thực ra không sâu, không dài là bao, ánh
nắng vụn vỡ lại như đang khắc vào lòng người, mở bung những tình cảm đã bị giấu
kín bao lâu nay.
Một đóa hoa bìm bìm leo tường nhìn bao quát hết thảy cảnh xuân trong sân,
ngắm đến tận cùng những hồi ức phù hoa. Cánh cửa sổ nửa đóng nửa khép, sào phơi
áo trên lan can, cầu thang gỗ cũ mèm đều là những vai diễn chính của khung cảnh
nơi đây. Những giọng Ngô mềm mại thỏ thẻ ấy đang hát vang trên chốn lầu gác nhỏ
hẹp. Trong ngõ hẻm, một tiếng gọi khẽ Hoa Dành Dành, Hoa Bạch Lan, gợi nhớ quá
khứ, mát mẻ nhàn nhạt.
Tường bao bên ngoài Bách Lạc Môn đã bị đổi thành những ô cửa sổ sát đất
quây tròn. Trong cảnh đêm rực rỡ sắc màu, nó như chiếc áo sườn xám hoa mĩ, tư
thế yểu điệu xinh đẹp đang đánh thức giấc mộng xưa Thượng Hải đã ngủ say suốt
nửa thế kỉ. Những ca kĩ phiêu dạt hát bài “Dạ Lai Hương” đó đã mang đến một dấu
tích thời gian cho Thượng Hải về đêm ngày nay. Thời thế chuyển dời, biết bao sự
vật cùng chìm nổi thăng trầm vì Thượng Hải và cũng tái sinh vì Thượng Hải. Ở
Thượng Hải, sườn xám là một biểu tượng cổ điển trang nhã, vẻ đẹp đậm chất Á
Đông mà gợi cảm luôn khiến người ta nảy sinh những tưởng tượng vô cùng vô tận.
Cho dù nó có cổ điển đến đâu, thì nó vẫn luôn có năm tháng tươi trẻ nhất. Sự tinh
tế của sườn xám đã làm tôn thêm vóc dáng mềm mại, thanh tú, khí chất tao nhã
của những cô gái Thượng Hải, đã xinh đẹp lại càng thêm yểu điệu thanh tân. Họ
vận lên người những chiếc sườn xám, miệng xinh chúm chím cười, thần thái trên
khuôn mặt, giữa nét mày càng khiến người ta nhớ đến những người con gái xinh
đẹp khuynh thành của Thượng Hải xưa. Sườn xám tựa như luôn chứa đựng một thứ
tình cảm bẩm sinh đối với họ, và cũng mang một duyên phận không thể chia cắt
với thành phố này.
Thượng Hải khi trút bỏ chiếc sườn xám, lại mang một vẻ đẹp kinh hãi thế
tục. Sự rạng ngời hào hoa của nó, thiên nhiên không thể đẽo gọt nên, xưa nay
đều cất giấu trong từng cái chau mày, từng nét cười. Chúng ta đổi những góc độ
quan sát khác nhau, thì thành phố này vẫn phong cách và tươi đẹp y như vậy, kèm
theo cả niềm hạnh phúc rạng rỡ như hoa phô bày khắp thành phố này.
Sông Hoàng Phố lúc này, vẫn lăn tăn gợn sóng như xưa. Những con sóng dập
dềnh xô về phía trước, từ không đến có, từ chậm đến mau. Còn chúng ta, không
cần lặn xuống tận đáy sông để vớt những khói bụi của quá khứ. Chúng ta chỉ cần
ung dung cất giấu những kí ức về sông Hoàng Phố, những truyền kì về Thượng Hải
vào trong tay nải hành lí.
Nhớ mãi thành phố này, nó tên là Bến Thượng Hải.
Mùa xuân Thượng Hải
Vẫn luôn cho rằng, những gì tình cảm nhất, có thể an ủi linh hồn nhất trên
thế gian này đều thuộc về âm nhạc. Thứ âm điệu du dương uyển chuyển, sâu xa
trong vắt ấy bồng bềnh trên bến bờ của thời gian, đẹp không sao tả xiết. Nó có
thể khiến tâm tình hỗn loạn trở nên trầm lắng trong chớp mắt, cũng có thể khiến
những mặt hồ phẳng lặng trong trái tim nổi sóng lao xao. Con người và âm nhạc
là nhã khách tương phùng. Rất nhiều ca khúc quen thuộc luôn xuyên qua phong
cảnh phồn hoa hỗn tạp, lướt đến bên chúng ta chỉ trong một sát na vô tình.
Vô tình gặp gỡ một tòa thành, là duyên phận; tương ngộ với văn hóa âm nhạc
của một thành phố, cũng là duyên phận. Lễ hội âm nhạc quốc tế mùa xuân Thượng
Hải lần thứ hai mươi tám, đã mở màn một cách thi ý, tao nhã dưới ánh xuân muôn
nghìn hồng tía. Đây là lễ hội âm nhạc kéo dài nhất trong lịch sử Trung Quốc, nó
diễn ra vào tháng năm, mùa hoa ngọc lan nở, để xướng lên muôn hình vạn trạng
những giai điệu của nửa thế kỉ. Từng âm điệu linh động, réo rắt bừng nở một
cách yên tĩnh lại nhẹ nhàng, xúc động lại miên man giữa Thượng Hải - đại đô thị
quốc tế này.
Trong Lễ hội âm nhạc kéo dài ba tuần, ba mươi lăm buổi hòa nhạc kinh điển
đến từ hơn mười quốc gia như Trung Quốc, Nga, Italia… đã lần lượt ra mắt một
cách đặc sắc. Đó là nhân duyên định mệnh, khiến những người khách qua đường như
tôi và bạn đều ở lại đô thị Thượng Hải phồn hoa này, khiên chúng tôi tụ hội với
nhau giữa mùa xuân, trao cho nhau những chén nồng ngày Tết, lắng nghe những âm
điệu thiên nhiên tuyệt vời. Đây là một vũ đài hoa lê, nó có đủ khí thế và hoài
bão để trình diễn một cách hoàn hảo. Lễ hội âm nhạc quốc tế “Mùa xuân Thượng
Hải.”
Cái gọi là “kiến trúc là âm nhạc hóa đá[115]”, phòng hòa nhạc Thượng
Hải được mệnh danh là “Nhà hát Opera Paris của Thượng Hải.” Kiến trúc của nó
mang phong cách châu Âu cổ điển, những đồ trang trí hoa lệ tuyệt mĩ, đã trang
hoàng cho Lễ hội âm nhạc trở nên thi ý mà tao nhã gấp bội. Chính nhờ công trình
nhà hát rực rỡ chói mắt này, đã khiến rất nhiều sự vật vốn xa lạ không hẹn mà
cùng tới, giao hòa với nhau, rúng động linh hồn. Đây hẳn là một bữa tiệc thịnh
soạn bậc nhất, diễn ra khi sắc xuân nồng đượm đang vào độ chín, sẽ khép lại
trong tiếng vỗ tay và hoa tươi khoe sắc. Vẻ đẹp cảm động đó, không phải dáng vẻ
yểu điệu lả lướt, mà nó sẽ hóa thành những ngọn sóng dạt dào không dứt, chảy
mãi không tan trên sông Hoàng Phố.
[115] Một câu nói của thi hào Goethe.
Hết thảy đến đi đều có nguyên do. Mùa xuân Thượng Hải phải nở bừng diễm lệ
như thế, là vì nền văn hóa sâu sắc vững bền của Thượng Hải và thổ nhưỡng đặc
biệt của đô thị này, cùng với những truyền kì đâu đâu cũng thấy ở nơi đây. Cho
nên, cho dù chìm sâu trong lòng sông Hoàng Phố, hay là chảy trôi trên dòng Tô
Châu, hoặc là xuyên qua ngõ hẻm cổ kính Thạch Khố Môn, thì vẫn luôn có thể tìm
thấy phong thái đa dạng và mùi thơm lừng của đô thị này. Đây là thành phố nơi
trăm sông đổ về một biển, từng câu thơ từ đều hàm chứa cả một câu chuyện hoa mĩ,
mỗi một âm điệu lại có thể nảy sinh một mối tình tráng lệ. Mà cảnh trí của
thành phố và vạn vật có linh tính, đều có thể yên vui trong âm nhạc.
Bước lại gần thành phố này, có lẽ chỉ cần một khoảnh khắc; phân tích một
đoạn nhạc, cần thời gian bao lâu? Trong tim mỗi người đều có một bến Thượng Hải
thuộc về riêng mình, trong thành phố khí thế hào hùng, phong tình lãng mạn này,
chúng ta đều đang kiếm tìm một tình tiết liên quan đến văn hóa âm nhạc. Bởi vì,
trong giang hồ sâu không thể dò này, chúng ta đều là những con thuyền xa bến,
cần một khúc ca vượt sông, cần một chốn về cho tâm linh. Âm nhạc hay, có thể
khiến cả dòng nước mùa xuân đổi màu. Âm nhạc hay, là hòn đá bắc qua sông, là
bếp than chia hơi ấm và cũng là ngọn đèn sáng soi trong đêm tối.
Giai điệu dập dìu, đẩy một cánh cửa gọi là Tuế Nguyệt ra, kí ức của mấy đời
nhạc sĩ đều không kìm được mà mở bung ra trong Lễ hội âm nhạc này. Sự vinh
quang của quá khứ và sự sáng đẹp của ngày nay đã được phô diễn hết mực trong
những tháng ngày nhàn nhạt. Thượng Hải đã dành một sân khấu tân tiến nhất, tao
nhã nhất cho những sản phẩm âm nhạc kinh điển. Mà sân khấu này lại khiến cho
một loạt nhạc sĩ, nhà diễn tấu trở thành những diễn viên chính trong lịch sử.
Có lẽ, thứ âm nhạc thực sự làm rung động lòng người, không phải là thứ âm nhạc
sáng chói phù phiếm như bảy sắc cầu vồng, cũng không phải là thứ âm nhạc xán
lạn chói mắt như viên ngọc sáng phương Đông, mà là một tình yêu thuần khiết, nó
chất phác đến độ khiến người ta chỉ biết cảm động mà than rằng nó tuyệt diệu
khôn cùng, không gì sánh nổi.