Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên - Chương 7 - Phần 1

Quyển thứ bảy: Hoàng thành Bắc Bình

Tử Cấm Thành được
cả thế gian ngưỡng mộ, đã từng ngạo nghễ cúi nhìn thiên hạ, hô mưa gọi gió. Đến
nay nó chỉ còn là một thành trì trống rỗng, cô đơn lặng lẽ soi bóng chính mình.
Nhìn vào tòa hoàng thành này mới phát hiện, những thứ rút ra được chẳng qua chỉ
là một vài mảnh vỡ rơi rớt của thời gian, thứ lấp đầy lại chính là những hồi ức
dạt dào như nước. Hết thảy thành bại, đều có số kiếp, đế vương có số mệnh của
đế vương, hoàng thành có nhân quả của hoàng thành. Lịch sử như một bộ kinh thư
không chữ, đặt trên chiếc bàn rộng lớn của năm tháng, cần phải đọc nó bằng cả
trái tim. Giữa vòng luân hồi định mệnh, chúng ta nhìn khách đến khách đi, duyên
khởi duyên diệt. Ngắm vũ đài chiêng trống rộn rã, làm thế nào để diễn lại một
đoạn phong vận kinh thành đã dần dần già cỗi…

Vào trong Tử Cấm Thành

Đây là một tòa
thành mà bạn phải đi vào với sự nhiệt tình, xúc động, đây là hoàng thành mà bạn
phải đi vào với dũng khí mạnh mẽ. Bạn vứt bỏ sự huyên náo lại sau lưng, giữ lại
những suy nghĩ thuần khiết, Tử Cấm Thành sẽ mở rộng tấm lòng với bạn. Trong
lịch sử thời gian và không gian biến đổi xáo động, tòa hoàng thành này đã dùng
đại khí huy hoàng để đúc nên sự hiển hách và uy danh. Tựa như một hạt bụi lướt
qua, sẽ hóa thành vạn tượng; một giọt mực lăn xuống, sẽ mặc ý mênh mông.

Cánh cửa cao dày
của Cố Cung đã đóng chặt lại sau lưng đế vương, nhưng lại mở rộng trong đời
sống của bách tính. Tử Cấm Thành bị hoàng quyền khóa chặt của ngày xưa, ngày
nay, bình dân bách tính chỉ cần một tấm phiếu có in hình vật tượng trưng của Cố
Cung là đã có thể sải bước đường hoàng tiến vào cung điện của hoàng đế, tùy ý
thưởng ngoạn những phong cảnh đằng sau tường cao nhà sâu. Chính trong lúc bạn
bước qua cánh cửa cung tráng lệ nguy nga đó của hoàng thành, bước vào ngưỡng
cửa cao vời khôn tả của thâm cung, kí ức của Cố Cung giống như sông băng vỡ
nứt, trong sát na, ào ạt cuồn cuộn chảy xô, băng qua ngàn dặm trên dòng sông
lịch sử.

Tử Cấm Thành đã
từng huy hoàng hiển hách, dẫu cho nay vẫn còn rực rỡ vàng son như cũ, nhưng đã
trở thành một thành trì hư không. Ban ngày du khách huyên náo dạo chơi, ban đêm
lại chỉ có những chiếc bóng của vong hồn quẩn quanh. Hai mươi tư vị hoàng đế
trong sử sách, đã từng hô mưa gọi gió, ngông nghênh càn rỡ trên bầu trời chỉ
thuộc về riêng mình. Còn văn võ bá quan, phi tần hậu cung và cung nữ thái giám
trong cung hết đời này đến đời khác, chẳng qua chỉ là những hạt bụi phiêu lãng
trong Cố Cung, một trận gió nhẹ cũng đủ quét sạch hết thảy, người đời sau còn
có thể tìm thấy dấu tích gì trong ảo cảnh trong suốt đó? Chỉ có thể lờ mờ thấy
bóng dáng hoa lệ năm nào trong những ngói lưu li, những đá cẩm thạch và ngàn
vạn con rồng sơn son thiếp vàng cùng vô số đồ trang trí biểu thị cho cát tường
may mắn ở nơi này.

Hơi ấm trên long
sàng của hoàng đế Sùng Trinh thời Minh vẫn còn đó, Sấm vương Lý Tự Thành phá
thành xông vào, trong cơn máu nóng bốc đồng đã ngồi xuống ngai vàng. Giặc cỏ
đánh bại đế vương, áo thô đổi lấy long bào, nhưng ông chẳng qua chỉ là một ngôi
sao băng vụt qua bầu trời Tử Cấm Thành, dùng máu nóng để vạch nên một dấu ấn đỏ
tươi, cuối cùng vẫn tan thành tro bụi. Trần Viên Viên thậm chí còn chưa kịp đến
múa một khúc Nghê thường vũ y cho Lý Sấm vương thì tướng sĩ Bát Kỳ đã tràn đến
như thác lũ, xóa sạch giấc mộng đế vương của Lý Tự Thành.

Vạn loại cuồng
phong ập đến, đất vàng chôn lấp cổ đạo, khói súng bao phủ chiến trường, đao
kiếm uống máu, chém giết thành sông, chia cắt núi non xã tắc. Những sợi dây
thừng xiết chặt dục vọng, những lá cờ quạt giương cao quyền thế, dùng sự dã man
tàn nhẫn để chiến thắng các bậc chí tôn vương giả, từ đây giã từ biên tái nghèo
đói cằn cỗi, nắm chắc sơn hà, xưng đế thiên hạ ở lãnh thổ văn minh. Đại địa
cuồng phong thét gào, đến khiếp nhược cũng trở thành kiên quyết; bầu trời không
lửa cháy ngút trời, đến cái chết cũng thành bi tráng.

Cơn động loạn trôi
qua là đến hòa bình tĩnh lặng, ngự liễn long bàn[95] của hoàng
đế Đại Thanh chở đầy phú quý và vinh hoa, lăn bánh suốt mấy trăm năm trong Tử
Cấm Thành. Sau thời kì đỉnh thịnh là u ám và im ắng, bắt đầu từ bao giờ, con em
Bát Kỳ[96] vứt bỏ chiến mã, buông đao buông kiếm, đắm chìm trong
các thú vui nuôi chim hát kịch, đua ngựa chọi dế trong hương ấp giàu có ấm êm.
Trước tình hình thuyền chiến pháo lớn áp sát biên cương, những chiến mã mất hết
ý chí chiến đấu vẫn còn có thể tung vó oai hùng như trên thảo nguyên năm nào
sao? Những con em Bát Kỳ tiêu tan hùng tâm tráng chí vẫn còn có thể hùng dũng
như ngoài biên ải hay sao?

[95] Ngự liễn long bàn: Xe của
nhà vua

[96] Con em Bát Kỳ: Chỉ người
Mãn Châu, những người đã lập lên triều đình nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc.

Giang sơn không
phải là sắt thép đúc nên, hoàng thành không phải là sắt thép đúc nên, quốc thổ
Đại Thanh cũng không thể không khuất phục dưới gót sắt của các cường quốc, khi
hoàng đế cuối cùng của Đại Thanh - Phổ Nghi bị đuổi ra khỏi Tử Cấm Thành, Cố
Cung thực sự trở thành một tòa thành trì chết chóc. Những cung điện rộng lớn
nguy nga chỉ còn lại kí ức vỡ nát, mỗi một ngày đều nhìn thấy khói mây lịch sử
bao trùm bầu trời Tử Cấm Thành, không dấu không vết, nhưng lại chẳng xua tan đi
được.

Tử Cấm Thành đã
trút bỏ long bào che lấp đi sự ngang tàng và trang nghiêm ngày nào, bạn có thể
đường hoàng bước vào kim loan điện, ngạo mạn du lãm nơi đế vương thiết triều và
cử hành đại lễ năm xưa. Thái Hòa điện, Trung Hòa điện, Bảo Hòa điện là trung
tâm ngoại triều, cũng là ba tòa điện chính của Cố Cung. Trong đại điện trang
sức lộng lẫy vàng son, trang nghiêm rực rỡ, những cánh cửa son chạm khỏa nạm
vàng, hình rồng cuộn trên cột trụ tựa như đang tung người bay lên. Đế vương các
đời ngồi trên bảo tọa khắc hình rồng, cả bá nghiệp của họ đã sớm rút khỏi vũ
đài lịch sử, chỉ còn lưu lại một bóng dáng hoa lệ ấm áp và mấy tiếng thở dài
đầy tiếc nuối mà thôi.

Xuân thu mấy độ,
mây loạn bay qua, biết bao anh hùng vì tranh chiếc ngai vàng này mà máu chảy
thành sông, xương trắng thành gò. Chớ nói ngồi trên chiếc long ỷ để thống trị
thiên hạ, mà đến bức tường đỏ của Cố Cung còn chưa thể vượt qua đã cùng với cán
cờ gẫy gập, chết nơi sa trường. Hùng đồ đại chí của họ rốt cuộc không cao hơn
trời mây Tử Cấm Thành, trong lịch sử không có trận tranh đoạt nào không động
phách kinh tâm, sau cơn cuồng loạn, cái lưu lại há chẳng phải là một sự thức
tỉnh hay sao?

Lịch sử thực sự
không dễ dàng chấp nhận những lời nói dối, cũng như cung Càn Thanh của Tử Cấm
Thành, sáng rõ bằng phẳng, nhìn rõ ràng rành mạch những hiện tượng thế gian vẩn
đục. Trên điện đường còn treo bức đại tự khảm vàng “Chính đại quang minh”, nó
không có đôi mắt nuốt hận trời xanh, mà chỉ trong như gương sáng, soi rõ quá
khứ khoáng đạt, bây giờ lại bị ánh sáng sắc lạnh của lưu li rạch nát, bờ sông
đế vương đã từng cuồn cuộn trôi không ngừng, nay đã nứt toác. Những vẫn còn một
người khai hoang trác tuyệt, san bằng gò hoang hoa mĩ, tưới tắm máu nóng, trả lại con sóng trong vắt cho
dòng sông. Đằng sau triều đường uy nghiêm tráng lệ, lại có cung điện hoa gấm
như mây, cất giấu biết bao tuyệt đại hồng nhan của thiên tử.

Tử Cấm Thành được
tô điểm bằng một bức tường cao hào nhoáng phú quý, giam cầm biết bao cám dỗ
tuyệt diễm xinh tươi, lại khóa kín những linh hồn cô độc lạnh lẽo. Cung Khôn
Ninh đã từng diễm lệ muôn vàn, đến nay lại yên tĩnh lạnh lẽo, chủ nhân hậu cung
- bậc mẫu nghi thiên hạ uy nghiêm trong cuộc đời dài đằng đẵng từng được hoàng
đế thương xót mấy lần? Ai cũng nói, sự dịu dàng làm hùng tâm mềm yếu, phú quý
hủy hoại ước mơ, khi đế vương mệt mỏi với những cuộc chém giết thanh trừng, thì
sao không quyến luyến với sự mềm dịu của phấn son lục cung? Một nụ cười của
hồng nhan đã hơn cả thiên quân vạn mã, có biết bao quân vương siêu việt phi
phàm, làm chìm đắm cơ đồ giang sơn huy hoàng rộng lớn chỉ trong một chén rượu
nồng mỏng manh?

Ngự hoa viên là
một vườn địa đàng chốn nhân gian, những đỉnh đài lầu gác, nhà thủy tạ mái hiên
vàng son lộng lẫy dường như đã chiếm hết thảy mọi cảnh trí tươi đẹp trong thiên
hạ. Ngự hoa viên là mê cung, cả Tử Cấm Thành đều là mê cung, người bước vào
trong không chú ý sẽ lạc lối trong khung cảnh hư ảo đầy rẫy rồng bay phượng
múa, oanh ca yến liệng. Nghe nói, toàn bộ bố cục kiến trúc Tử Cấm Thành đều
được thiết kế, sắp đặt theo bố cục của tinh tướng, gồm chín nghìn chín trăm
chín mươi căn phòng, giống như chín nghìn chín trăm chín mươi chín vì sao,
giăng mắc chi chít trên bầu trời Tử Cấm Thành, kẻ ngoại lai như bạn vô tình
bước vào, sao có thể không lầm đường lạc lối?

Trong quần tinh
sáng chói, người khoác long bào, hào quang lóe ra muôn trượng đó chính là đế
vương, Cố Cung của ngài chỉ có một vầng thái dương duy nhất. Chỉ có vầng thái
dương này, tuy đã có quần tinh bao trùm, nhưng không thể nào mang lại hơi ấm
cho từng người, giữa vạn vì sao, ngài trở nên cô độc khôn xiết. Những vẻ đẹp
muôn hình muôn vẻ này được các họa sĩ cung đình đưa vào trong những đường nét
hội họa, được văn nhân đưa vào trong thơ từ ca phú, được những nghệ nhân đưa
vào đồ gốm. Đã từ khi nào, linh hồn của Tử Cấm Thành bị rút đi mất, chỉ còn trơ
lại cái vỏ ngoài lưu li lóng lánh, màu sắc sặc sỡ, chống đỡ cho toàn bộ tòa
hoàng thành to lớn này.

Mặt trời lặn ngang
lầu cao, ai là người vỗ vào lan can[97], trên khoen đồng của cánh cửa màu đỏ son đó, nay còn
lưu lại hơi ấm bàn tay vị đế vương nào? Suy nghĩ như một chú ngựa cô độc, bạn
hồi tưởng lại quá vãng, nhưng bỏ qua hiện tại, bạn đi tới hiện tại, nhưng lại
đánh mất quá khứ. Đi qua lãnh cung im lìm, sẽ không vì hồng nhan mà buông những
lời oán thán, dạo quanh những bậc thang bằng đá cẩm thạch trắng, sẽ không vì đế
vương mà lưu lại những tình cảm hào hùng.

[97] Vỗ vào lan can: Có câu thơ
rằng “Độc thư ngộ ngã tử thập niên, k

hồi túy bả lan can phách” (Đọc sách mà ta mê lầm mất bốn mươi năm, mấy phen say
rượu gõ nhịp lan can), cho nên “vỗ vào lan can”, “gõ nhịp lan can” dùng để chỉ
hành động vỗ vào, gõ vào lan can để phát tiết những ấm ức, phiền muộn không thể
nói trong lòng.

Giữa đất trời là
một vùng nghiêm túc vĩnh hằng cổ xưa, máu tươi xối xả cũng dần dần chậm rãi
bình hòa trong tĩnh lặng. Dòng thủy mặc ý tuôn chảy nay đã nguội lạnh và ngưng
đọng, đến hồng trần phiêu tán cũng tìm được chốn nghỉ ngơi. Tử Cấm Thành lúc
này thâm sâu khôn tả, thâm sâu đến mức có thể dung nạp ngàn vạn thế giới; đồng
thời cũng cô đơn vô cùng, cô đơn đến mức chỉ còn lại chiếc bóng của thời gian.

Ngẩng đầu ngắm
trời sao, vầng trăng sáng treo trên bầu trời Tử Cấm Thành đã bị ai đó tước đi
vòng hào quang, nhưng vẻ tĩnh mịch, thuần khiết, thiêng liêng vẫn còn đó. Dũng
cảm bước vào tòa thành trống không, dùng một trái tim trong sáng để tạo nên kì
tích, đón nhận thái bình thịnh thế. Khi quá khứ đã trôi qua trên bầu trời sao,
khi vẻ đẹp như nước triều lên xuống, khi bước chân của bình minh đã tới gần,
một vầng mặt trời xán lạn đang lấp ló nhô ra, chiếu sáng cho khắp thảy non sông
tuyệt mĩ.

Di Hòa Viên - Non nước như tranh

Những người đến với Bắc Kinh luôn để mình rơi sâu vào biến đổi lịch sử hùng
hồn, tận tâm thưởng thức hết sự uy nghiêm và hùng tráng của cảnh trí hoàng
thành. Nhưng lại không để ý rằng Bắc Kinh cũng là một nơi nuôi dưỡng nhàn tình
và phong nhã, chứa đựng sự nên thơ và lãng mạn. Có một vùng non nước như tranh,
vừa mang sự phú quý hiển hách của cung điện hoàng gia, lại vừa có vẻ phong tình
yểu điệu của bờ hồ Tây Tử, còn có những đặc trưng thiên nhiên trang nhã của
vườn cảnh vùng Tô Châu. Đó chính là Di Hòa Viên, một vườn cảnh hoàng thành hội
tụ đầy đủ phong cách vương giả, lại vừa dung nạp phong thái sông nước vùng
Giang Nam.

Nó giống như một vị quân vương trác tuyệt phi phàm, nhận ân sủng mà kiêu
căng, một mình cao quý giữa cung đình áo mũ như mây. Nó tựa như một bậc giai
nhân phong tư yểu điệu, lạc xuống trần gian mà không nhuốm thói tục, một mình
tao nhã giữa bụi hoa muôn hồng ngàn tía. Nó lại như một danh sĩ thanh cao phóng
khoáng, giữa hồng trần mà không mất lòng ai, một mình an định giữa loạn thế gió
cuốn mây trôi. Cứ như thế ngạo nghễ đứng giữa đất trời, trang nghiêm trên nước,
ẩn mình giữa thành đô, bình thản nhìn ngàn vạn khách qua đường đến đây du
ngoạn, mà sau đó lại khắc sâu ghi nhớ, cả đời chẳng quên.

Những linh hồn bị vương triều phong kiến cầm tù hàng nghìn năm, dưới sự
chiếu rọi của ánh sáng đất nước Trung Quốc mới đã được giải phóng, giống như
làn gió xuân ấm áp, thổi qua hết lượt non sông rộng lớn đang say ngủ, nền văn
minh cổ xưa đã bừng tỉnh trong buổi bình minh, như một cụ già héo hắt, nay chỉ
trong một đêm đã ngời ngời sức sống. Vầng mặt trời màu vàng kim ngưng tụ sức
mạnh to lớn, ngang tàng nhìn gió mây với tư thế nước lớn nổi trội, sừng sững
phương Đông. Kinh thành bấy giờ, vạn vật hớn hở, phong lưu nhất phái, có hào
khí của vùng Yên Triệu[98], tráng ca của Dịch Thủy[99], lại thêm sự trang nhã và véo von của phong tình nước
Nam.

[98] Yên, Triệu: Hai nước lớn thời Tiên Tần, bao gồm khu vực
Bắc Kinh, Thiên Tân và phía bắc Hà Nam, phía nam Nội Mông Cổ ngày nay.

[99] Dịch Thủy: sông Dịch Thủy, phía tây tỉnh Hà Bắc. Tương
truyền là nơi năm xưa thái tử Đan nước Yên tiễn Kinh Kha lên đường hành thích
vua Tần.

Khi bạn bước vào Di Hòa Viên, mặc ý dạo chơi trong non nước của bức tranh
cung đình, sao không thể cảm thán các họa gia hoàng cung năm xưa khéo léo cầu kì đến nhường nào mới có thể dùng
những đường nét tinh xảo sống động vẽ ra bức tranh sơn dầu đậm nhạt đan xen
này? Triều Thanh đã biến mất, đế vương nay không còn, những người thợ vẽ cũng
mất dấu, chỉ còn lại mĩ nhân
tuổi đã về chiều, tuy kinh qua hết hưng suy vinh nhục, nhưng vẻ đẹp vẫn còn,
phong tình vạn chủng.

Đi vào cánh cửa Đông Cung cao xa vời vợi năm nào, dạo quanh Nhân Thọ Điện
và Lạc Thọ Đường như thể vừa bước vào trong giấc mộng vinh hoa của một đế vương
nào đó triều Thanh, ngài vừa mới thức giấc mà bạn đã bắt đầu mơ rồi. Mi cửa
thềm phòng màu đỏ son, những hình vẽ hoa văn như gấm thêu vẽ bằng màu sáp đều
làm nổi bật sự phú quý và hào hoa. Đây là vương quốc của rồng, chúng được khắc,
vẽ một cách tinh xảo trên khắp mọi vị trí trong các cung điện, hình thái sinh
động như thật, tựa như chỉ cần bạn không chú ý, chúng sẽ bay vọt lên, xóa bỏ
cảnh tượng hư ảo trong bức tranh này, nói cho bạn biêt, chúng là bậc vương giả
có khí huyết, cưỡi mây vượt gió với tinh thần của rồng.

Vị hoàng đế mình mặc long bào, đầu đội vương miện ấy là Càn Long hay là
Quang Tự? Họ đều là bậc cửu ngũ chí tôn, nhưng lại mang vận mệnh chẳng giống
nhau, cho dù là ngang tàng ngạo nghễ hay khiếp nhược đớn hèn, đến nay đều chỉ
còn lại bóng dáng như gió như mây, là thành hay bại đều mặc đời sau bình luận.
Há chẳng biết quân vương nhất thống thiên hạ, trị lí sơn hà, cần phải có khí
phách của đế vương, chí khí lỗi lạc, còn phải có tu dưỡng tâm tính, hết sức dịu
dàng, thậm chí còn phải tìm hiểu vũ trụ, thấu hiểu thiên lí. Sau cơn gió mưa vô
hạn, là bình tĩnh đến thâm sâu, mà trong khu vườn cảnh của đế vương này, người đời
sau có thể không kiêng kị gì thăm hỏi lịch sử, nhàn nhã tự tại tìm hiểu chuyện
xưa.

Con người sống trong hồng trần mênh mang, nhìn vạn vật thịnh suy, luôn muốn
tìm một linh hồn trong sạch thuộc về chính mình. Lên núi Vạn Thọ, chính là mượn
khí vận tươi mát của thiên nhiên để thanh lọc tâm trí, mặc cho tư duy bay bổng
trong không gian tịch liêu, ngắm trông non sông tráng lệ, nhìn hết gió mây vạn
dặm. Đây là một tổ hợp kiến trúc hoàng gia bậc nhất của phương Đông, vắt ngang
núi Vạn Thọ, khí thế hùng vĩ, nguy nga hoành tráng. Tựa như một cơn gió mát
lướt qua là có thể lay động lòng người, một đám mây trắng bồng bềnh trôi là có
thể dạt dào vô cùng.

Dừng lại ở Phật Hương Các, cảm nhận đế vương tự nghìn xưa đang truy tìm sự
thức tỉnh trong Thiền giới vô trần, chứng đắc được minh tâm kiến tính ở Phật
cảnh linh đài thanh tịnh, sáng rõ, đó là phúc tuệ viên mãn đến nhường nào? Đứng
trên đỉnh núi, vạn tượng mây khói hội tụ, chỉ có dùng sự nhỏ nhoi của bản thân
để chiêm bái sự rộng lớn của tự nhiên, mới có thể lĩnh ngộ được sự mênh mông
như biển cả, khí thế dào dạt như sóng lớn của trí tuệ. Thành Bắc Kinh nhìn từ
xa là một bức tranh cuộn phồn hoa diễm lệ, bách tính thiên hạ cùng tắm trong sự
thịnh vượng và yên bình. Cúi xuống nhìn hồ Côn Minh, đây là một khối mĩ ngọc
được khảm bên cạnh, lặng lẽ nằm trong Di Hòa Viên, cất giữ khối tình ý mềm dịu
tận đáy tim của bậc đế vương đó.

Lên cao không khỏi bị lạnh, sát nước sẽ được tịnh tâm. Muốn thưởng lãm hết
phong cảnh hùng vĩ rộng lớn của núi Vạn Thọ, thì phải nén chặt những cảm xúc
bất định, chìm lắng trong một hồ nước trong vắt phẳng lặng. Chìm nổi trắc trở
mới bộc lộ khí khái, trong sáng như gương mới có thể thấy tâm tính. Vứt bỏ bụi
cuốn đầy trời, quên lãng lịch sử nặng nề, dấn thân trong nước hồ trong vắt,
dùng sự phong tình để quét sạch sự hùng hồn, dùng sự nên thơ để tẩy trừ hoang
lạnh. Hồ Côn Minh là hồ lớn nhất trong khu vườn cảnh hoàng gia, nước hồ đầy ứ
để thanh tẩy linh hồn, khơi thông kinh mạch cho đế vương và các phi tần.

Liễu rủ bờ đê khiến bạn cảm thấy mình như đang đứng bên hồ Tây Tử, ánh nước
loang loáng diễm lệ vẽ nên một giấc mộng đẹp Giang Nam, ở nơi phương Bắc mà có thể
thưởng thức sự lãng mạn và dịu dàng của hồ núi, hỏi sao chẳng khiến người ta
quyến luyến không rời? Sức mạnh trong cương có nhu, trong nhu có cương này còn
hơn cả đao kiếm lạnh lẽo, không cần chém giết, mà đã có thể tiêu tan hồn cốt.
Đế hậu năm nào chèo thuyền trên hồ Côn Minh, trên dòng nước uốn lượn, đi qua
muôn trùng non nước, trải hết mọi nỗi khổ đau đến vui sướng, mượn nước hồ để
nuôi dưỡng tâm sự, tẩy rửa nhân sinh. Nếu như có duyên, còn có thể nhìn thấy
bóng dáng xinh đẹp của họ trên hồ Côn Minh trong xanh như ngọc bích, dù cho
cách biệt thời đại, nhưng phong thái vẫn như xưa.

Từ trong giấc mộng tinh khiết, trong veo lên trên bờ, lại say đắm bởi
Trường Lang[100] khúc khuỷu quanh co
trước mắt. Trái tim của một người hóa ra lại là nơi mềm yếu nhất trên thế gian,
một chiếc lá rụng, một giọt mưa thu đều ấp ủ những giả tưởng vô tận, nuôi dưỡng
những cảm xúc ướt át. Kiến trúc cổ kính, đoan trang và thanh nhã này là một con
đường cổ thông với văn minh lịch sử, bạn chỉ cần đi dọc hành lang là có thể
thỏa thích xuyên qua phong cảnh nghìn năm, từ thời Minh, Thanh cho tới Đường,
Tống, lại đến Ngụy, Tấn, thậm chí còn có thể đến những niên đại xa hơn nữa.

[100] Hành lang dài 728 m nổi tiếng của Di Hòa Viên, trên
phần vòm mái và cột kèo có nhiều hình vẽ tinh xảo.

Bởi vì trên nóc hành lang và cột trụ là những hình vẽ và hoa văn rực rỡ mĩ lệ, ngoài hoa điểu muông thú,
non nước nhân vật ra, còn chất chứa vô vàn câu chuyện lịch sử, truyền thuyết
thần thoại. Hành lang đầy tranh vẽ như một bộ sách lịch sử, bạn đắm mình vào
những điền cổ, hoàn toàn quên mất mình đang ở triều đại nào, có thể bước chân
ra ngoài được hay không? Nét vẽ phác họa tình tiết, màu sắc điểm tô tang
thương, các họa sư cung đình đã rót vào đó biết bao tình cảm mới có thể đem lại
sức sống hừng hực cho những bức tranh này. Chúng có thể sống lại trong bất cứ
ảo giác nào, diễn lại những ngày tháng đa sắc màu của quá vãng. Những câu
chuyện đã từng xảy ra chìm trong mực nước, rồi sinh sôi theo năm tháng, để
người đời sau có thể thấu hiểu tinh thần, bản tính và phong cốt của người Trung
Quốc.

Kí ức là một vầng trăng sáng treo lơ lửng trên tầng không, là nước hồ lặng
chìm sâu dưới lòng hồ, nó sẽ ẩn mình, nhưng lại không bỏ trốn. Dạo chơi trong
khu hồ cảnh phía sau Di Hòa Viên, dõi mắt trông xa con đường Tô Châu mô phỏng
các thị trấn sông nước Giang Nam ở hai bên bờ, tưởng tượng ra sự ngưỡng mộ đối
với sông nước Giang Nam, sự khát khao đời sống phố thị của đế vương năm xưa.
Cái thú chơi nhàn dật giàu có hoa lệ này khiến người ta không khỏi tiếc nuối
trong lòng.

Một hoàng đế nắm giữ thiên hạ, nhưng lại chưa từng được nếm trải đời sống
an nhàn tự tại của bình dân bách tính, há chẳng phải sự giàu có của cuộc sống
không thể lấp đầy những nghèo nàn của tâm hồn hay sao? Ngài đã tu sửa khí thế
huy hoàng của vườn cảnh hoàng gia thành sự thanh nhã, tú mĩ của vườn cảnh Giang
Nam, là vì muốn vứt bỏ vương quyền nặng nề, đổi lấy hạnh phúc bình dị. Nhưng
vận mệnh có thể sáng tạo, chứ thực sự khó có thể sửa đổi, dùng sự giàu sang để
đổi lấy sự giàu sang, thì chỉ là sự giàu sang thêm gấp bội; dùng sự trống rỗng
để thay thế sự trống rỗng, lại càng là trống rỗng gấp bội. Một khi đã rơi vào
vòng luân hồi của sinh mệnh, cho dù là bậc trí giả cũng thật khó mà tỉnh táo
bước ra.

Trên con đường nhân sinh, có người thấu hiểu từ rất sớm, có người lại giác
ngộ quá muộn, đến phút chót, tất cả đều sẽ quay về điểm cuối cùng. Người cảm
tính sẽ nói, có bắt đầu rồi mới có kết thúc; người phóng khoáng sẽ nói, có kết
cục rồi mới có bắt đầu. Cho dù bạn thuộc về kiểu người nào, đều có thể coi là
đã hiểu rõ cuộc hành trình của mình, mỗi một con đường đều tràn ngập hi vọng,
chỉ đợi bạn đến theo đuổi nó, để bạn đi xa hơn. Bạn mượn ngọn gió của núi Vạn
Thọ để chuyển tải khí độ tiêu sái, mượn nước hồ Côn Minh để thấm đẫm nhu tình,
mượn những hình vẽ của Trường Lang để tư tưởng thêm phong phú. Bước ra khỏi Di
Hòa Viên, là một khởi đầu thực sự, hay chỉ là một kết thúc tạm thời?

Bạn hãy nhìn xem, thời gian vẫn còn đó, thứ trôi qua chỉ là những nhân vật
xoay chuyển trong thời gian mà thôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3