Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên - Chương 1 - Phần 1

Quyển thứ nhất: Hoa nở gặp phật

Hoa nở
gặp Phật. Phật ở nơi nao? Giữa chốn đồng không mông quạnh cỏ cây tàn tạ, một
ngọn cỏ xanh non là Phật, giữa đêm tuyết im lìm không một tiếng động, một chậu
than hồng là Phật; giữa sông bể mênh mang vô bờ, một chiếc thuyền con là Phật;
giữa sắc màu đan xen rối rắm, đơn sơ là Phật; giữa tháng ngày loạn lạc huyên
náo, bình an là Phật. Gặp Phật khi nào? Trong năm tháng đợi chờ hoa nở, giữa
phù hoa giữ sự đơn thuần, trong phồn tạp tĩnh tâm dưỡng tính, sẽ có thể gặp
Phật.

Nhân sinh như một bình thiền trà

Sau này
mới biết, trong lòng chúng sinh, trà có mùi vị khác nhau. Thứ trà mới dùng nước
tinh khiết đun sôi trong bình đó, quẩn quanh giữa răng và môi của trà khách,
uống xong, có người cảm thấy đắng như sinh mệnh, cũng có người thấy nhạt như
gió lành.

Trà có
đậm có nhạt, có nóng có lạnh, có buồn cũng có vui. Dùng một trái tim trần tục
để thưởng trà, khó tránh khỏi chỉ chăm chăm vào sắc, hương, vị, mà thiếu đi một
phần thanh đạm và chất phác. Trà có ngàn vạn vị, thậm chí hòa lẫn với thế sự và
cảm tình. Dùng một trái tim siêu thoát để thưởng trà, thì có thể ung dung tận
hưởng sự tĩnh lặng tuyệt mĩ của mây bay ngang trời, của nước biếc không gợn
sóng.

Trà, bắt
nguồn từ tự nhiên, trải tinh hoa năm tháng, tắm thử thách xuân thu, từ đó mà có
linh tính như phách hồn non nước. Trà có thể dùng để gột bỏ bụi trần, gạn lọc
tâm tình, kết nối thiện duyên. Cho nên, người biết cách thưởng trà, cũng là một
người tình nguyện để bản thân sống một cách giản đơn và thuần khiết. Hãy tin
rằng, thiền là một cảnh ý, có những người dùng cả đời cũng không thể rũ bỏ chấp
niệm, ngộ được bồ đề. Mà có những người chỉ dùng thời khắc của một chén trà,
cũng có thể bước ra từ vạn điều hỗn tạp, trở nên tinh khiết như hoa sen.

Đời
người có bảy nỗi khổ[2],
chúng sinh lưu lạc trong nhân gian, nếm hết mọi đắng cay, đổi lấy vị ngọt ngào.
Phồn hoa ba ngàn, nhưng cuối cùng đậu lại trần ai, giống như màn đêm trút bỏ
lớp trang sức của ban ngày, trầm tĩnh mà yên ắng. Thời gian trôi qua như một
cái búng tay, năm nào còn quan tâm được mất, tính toán bại thành, giờ đều đã
thành khói mây qua mắt. Bất cứ khi nào, bờ bên kia đều chỉ cách một bước chân,
lạc lối biết quay lại, trời sẽ quang đất lại rộng dưới chân mình.

[2] Bảy nỗi khổ của đời người
theo quan niệm của nhà Phật là: Sinh, lão, bệnh, tử, oán hận mà phải ở cạnh
nhau, yêu nhau mà phải li biệt, cầu mà không được.

“Tâm
kinh[3]” viết: “Vô quải ngại
cố, vô hữu khủng bố, viễn li điên đảo mộng tưởng. Nhất thiết tuỳ duyên, nhất
sinh tuỳ duyên, phương đắc tự tại.” (Tâm không uế chướng, nên không sợ hãi,
vượt khỏi sai lầm. Tất cả tuỳ duyên, một đời tuỳ duyên, mới được tự tại). Một
người ngoan cố níu giữ cả đời không buông, không thích hợp tu hành. Một người
si mê nhân quả, cũng không thích hợp tu hành. Trà có Phật tính, giống như mây
in bóng nước, vài chén trôi xuống ruột, đầu óc liền thảnh thơi. Cho nên người
ta tu hành thường thích cả ngày chìm đắm trong trà, vứt bỏ tạp niệm, chứng ngộ
tâm bồ đề.

[3] “Tâm kinh” tên đầy đủ là “Ma
Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm kinh” hay còn gọi là “Bát Nhã Tâm kinh”, đây là kinh
ngắn nhất chỉ có khoảng hai trăm sáu mươi chữ của Phật giáo Đại Thừa và Thiền
tông.

Trời đất
mênh mông, chúng ta như cọng cỏ. Không khiến bản thân kinh động thế giới, cũng
không để thế giới kinh động bản thân. Khi con người chào đời, vốn chẳng có hành
lí, cứ đi thêm một đoạn đường, lại mang thêm một tay nải. Mà chúng ta gói ghém
thế tục thế nào, để có thể chuyển thành hành lí Thiền? Chỉ có dùng một trái tim
thanh tịnh, nhìn ngàn vạn thế thái nhân tình, mới có thể xóa bỏ định kiến, vui
vẻ an nhiên.

Trà có
bốn đức, từ bi hỉ xả. Cái gọi là “Vân Thuỷ Thiền Tâm”, tức là trong một chén
trà trong, thưởng được chân ý có sinh ắt có tử, có tụ ắt có tán, có tươi ắt có
héo. Nên biết trong bi thương sẽ có hạnh phúc, trong mất ắt có được. Một người
từ bi với chính mình, mới có thể từ bi với vạn vật.

Thời
gian như nước, phẳng lặng là tươi đẹp. Ngày tháng như sen, bình dị là tao nhã.
Thưởng trà cũng là tu Thiền, cho dù là hồng trần huyên náo hay núi non tĩnh
lặng, đều có thể trở thành đạo trang tu hành. Khắc chế dục vọng, đánh đuổi
phiền nhiễu, không bi quan, không trốn tránh, đó là một cách sống giản đơn. Tự
tại an nhiên, cho dù là một trái tim chật hẹp, cũng có thể chuyên chở vạn vật
khởi diệt[4].

[4] Khởi diệt: Thuật ngữ Phật
giáo, chỉ nhân duyên hòa hợp mà sinh ra, và vì duyên hết mà tiêu diệt.

Tất cả
tình duyên trên thế gian đều có số kiếp cả. Kẻ có tình chưa chắc có duyên, kẻ
có duyên chưa chắc có tình. Tuỳ duyên là an, có thể ngộ đạo. Nước trà rửa tâm,
tâm như gương sáng, một người chỉ cần nhìn rõ bản thân là có thể nhận biết thế
giới vô thường. Khi ý loạn tình mê, đừng để đến lúc hoảng loạn. Tĩnh tâm ngồi
Thiền, ngày mai sẽ như hẹn mà đến. Hoa xuân vẫn đẹp như xưa, trăng thu vẫn tròn
như thế.

“Kinh
Kim Cương[5]” viết: “Quá
khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.” (Tâm
quá khứ không thể có, tâm hiện tại không thể có, tâm tương lai cũng không thể
có). Chúng ta không nên vì một bi kịch định mệnh mà lựa chọn đau thương, nhưng
cũng không thể vì sự việc viên mãn của tương lai mà bỏ việc tu hành. Thưởng
trà, là để tu tâm, hiểu thấu thiền ý trong tịnh thuỷ không bụi trần để chúng ta
không bị mê hoặc, tránh khỏi sự trôi dạt vô nghĩa kia, kịp thời đến bến bờ
thanh tịnh.

[5] “Kinh Kim Cương”: tức “Kim
Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa kinh”, một bộ kinh quan trọng thuộc hệ Bát Nhã Ba La
Mật Đa kinh, được lưu truyền rộng rãi ở vùng Đông Á.

Thưởng
trà có thể khiến người ta tha thứ lỗi lầm, có được sự thanh thản trong mỗi chén
trà. Đời người thực sự hoàn mĩ khi chừa lại khoảng trống, khoảng trống tức là
“không minh” mà Phật gia nhắc tới. Nhân gian là một sân khấu thể hiện cái tôi
tốt nhất, nếu như có một ngày kịch đến hồi kết, một khi đã siêu thoát, hãy
buông bỏ tất cả, đừng như bị đẩy vào ngõ cụt. Phải tin rằng, khi không có lựa
chon khác, sẽ có lựa chọn tốt nhất.

Vô pháp
vô thường, duyên khởi tính không. Vạn vật vì duyên hòa hợp mà sinh, cũng vì
duyên mà diệt. “Văn vân thu[6]
tức là lúc chim mỏi cánh quay về tổ. Phật nói bể khổ vô biên, quay đầu là bờ,
mỗi một lần trở lại đều là quay đầu, mỗi một lần qua sông đều là chèo thuyền.
Cho dù con đường phía trước có bao xa, xóa bỏ ngã chấp, sau đó ăn gió uống
sương, biển trời mênh mông, đều là chốn về.

[6] Văn vân thu: Mây chiều ngưng
lại.

Nước
lặng chảy sâu, người đơn giản nội tâm thanh thản, càng dễ dàng thẩm thấu Thiền
lí. Tu Phật cũng như thưởng trà, uống một chén trà từ đắng đến không có vị, đó
là cảnh giới của Thiền. Đời người cũng nên bỏ phức tạp lấy giản đơn, nương theo
thế sự, tâm trước sau như sen, yên tĩnh hé nở, lại giống như ngàn vạn khe suối,
cuối cùng đều đổ về một dòng sông, róc rách trong vắt, giản dị yên bình.

Uống
trà, cần một trái tim thanh đạm. Cho dù ở chốn phố chợ ngựa xe sầm uất cũng có
thể cảm nhận được sự thanh nhã của gió xuân lướt qua tai, của nước thu gột bụi
trần, của mây trôi ngoài cửa, của chim bay qua thềm. Hương khói xoay vòng, như
có như không, giải nghĩa nhân sinh như hư như thực. Trên bàn, một chiếc mõ gỗ,
vài quyển kinh thư nằm yên, còn có tràng hạt vương vãi, dưới ánh trăng nhàn
nhạt, xa cách lạnh lẽo.

Mây gió
thế gian biến ảo khôn lường. Phật gia chú trọng nhân quả luân hồi, cho dù là
vật chuyển sao dời, cũng có một ngày đều khói tản mây tan, trở về cát bụi. Như
trà, chất chứa tinh hồn của vạn vật, rót vào trong chén, trước sau một sắc,
trong vắt thấu tỏ.

Siêu
thoát không cần dũng khí và quyết tâm, mà cần thiện ý và thanh tĩnh. Ngày ngày
những dòng chảy hối hả, vinh nhục phàm trần mà chúng ta nhìn thấy, kì thực đều
chỉ là một vở kịch. Một nhà tu hành chỉ có đủ thiền định mới có thể bước ra
khỏi con đường nhân sinh tù túng, ngắm mây tụ đồng xanh, nhạn đậu cát bằng.

Phật
nói, buông bỏ chính là đạt được, tàn khuyết chính là viên mãn. Chúng ta thường
dùng vô số thời gian mà vẫn không thể thuộc được kinh văn, đến khi ngộ đạo, lại
có thể đọc lướt không quên. Rất nhiều người cho rằng Thiền tinh thâm uyên bác,
kì thực nó tồn tại trong thời gian một lần đọc, trong mỗi ngày đi qua, trong
mỗi giọt nước, trong mỗi đóa hoa, trong thế giới Ta Bà[7].

[7] Thế giới Ta Bà: Theo kinh
điển Phật giáo thì các loài chúng sinh hữu tình hiện sinh luân hồi trong thế
giới Ta Bà (Sa Bà, Samsara) hay còn gọi là Tam Giới: Cõi dục giới, Cõi sắc giới
và Cõi vô sắc giới.

Thưởng
trà, có thể dùng đồ gốm, tách sứ, chén ngọc, cũng có thể dùng chung tre, bát
gỗ. Chúng sinh thưởng trà, đa phần là để xua đi thời gian rảnh rỗi, tịch liêu.
Mùi vị hay sự nóng lạnh của trà dường như không quan trọng. Còn thiền trà mà
tăng giả uống, cũng không cần lễ tiết, chỉ uống một cách thoải mái, mùi vị
chính là vị Bát Nhã.

Thời
gian lãng đãng, mây nước ngàn năm. Trà thành thói quen trong cuộc sống, thành
một tri âm không thể thiếu của người tu hành, chỉ là bao nhiêu người có thể đem
năm tháng sôi sục bất an, uống đến mức nước lặng không gợn sóng? Bao nhiêu
người có thể đem thế tục vẩn đục u minh, uống đến trong vắt tinh khiết? Có lẽ
chúng ta có thể lựa chọn một ngày bất kì, cho dù mưa nắng, không quản xuân thu,
uống hết một bình thiền trà nhân sinh, quay về bản ngã, tìm lại chính mình thuở
ban đầu.

Có lẽ sẽ
có một ngày nào đó, tôi sẽ uống cạn một chén trà cuối cùng của hồng trần, rời
bỏ ba ngàn thế giới, đổi lấy một đời bình an. Là lạc lối quay lại hay thiền
định ngộ đạo cũng không quan trọng. Sau đó, núi lạnh đường mòn, cưỡi ngựa trắng
mà đi, uống hết nước ngàn sông, thưởng Thiền trà ngắm mây gió nhẹ bay.

Mỗi bông hoa, mỗi chiếc lá đều
liên quan đến Thiền

Cược
sách pha trà, tựa lầu nghe mưa. Tháng ngày của Thiền luôn tĩnh lặng vô thanh
như thế. Bên ngoài khung cửa gió chuyển mây vần, ngựa xe như nước, nội tâm lại
an nhiên bình hoà, thanh khiết hư không. Đạm bạc như thế, không phải là xa cách
trần thế, mà là giữa trần thế vẫn khiến bản thân thanh thản. Nhân sinh chính là
một cuốn sách, chân lí được cất giấu trong mỗi sự việc bình thường. Trở về
trạng thái ban đầu, tuỳ duyên mà an.

Hoa mai
năm đó, không biết đã rụng dưới sân tường nhà ai, gạch xanh ngả màu, ngói đen
đẫm ướt. Không biết từ khi nào, những người theo đuổi giấc mộng tuổi xuân,
ngưỡng mộ gió Đường trăng Tống, bắt đầu cuộc sống chỉ cần một ấm trà, một quyển
sách. Thời gian vẫn trôi như cũ, chỉ là người đi trong thời gian ấy, chần chừ
không chịu sải bước. Những thế sự biến động chẳng yên đó, đã hóa thành nước
trôi khói nhạt. Ngày hôm qua của trăng gió tình hoài, cũng chỉ là hào sảng
trong giây lát.

Đối với
thời gian, chúng ta không cần kinh sợ, nó đem đến sự sướng khổ cho chúng sinh,
bản thân chúng ta cũng già đi trong sự vô tình. Trái tim của mỗi con người đều
là một khung cửa sổ nho nhỏ, mở ra là tục thế khói lửa, đóng lại là mây nước
Thiền Tâm. Có người có dũng khí thề nguyền cùng sinh cùng tử với hồng trần, có
người lại quyết tĩnh tọa Thiền tâm không oán hận. Đi khắp vạn dặm non sông, bỗng
nhiên quay đầu, chuyện ân thù hoan lạc trong giang hồ đã thành nhẹ như mây trôi
gió thoảng.

Đã biết
như thế, lại tranh giành thắng thua với thời gian một cách vô ích. Làm một
người chất phác giản đơn, để cho tâm sáng thấu triệt. Phật nói: “Chớ làm điều
ác, hãy làm điều lành, giữ tâm trong sạch, đây là lời chư Phật dạy.” Nhìn thì
đơn giản, nhưng để làm một người lương thiện, một người thuần khiết, lại chính
là tu vị lớn nhất của đời này. Bước đi trong hồng trần cuồn cuộn sóng gió, có
được mấy người đạt cảnh giới tột cùng như thế?

Thanh
tịnh tâm ý, là Thiền ý cao thâm nhất. Sở dĩ phiền não của chúng sinh không dứt,
là vì tâm bị phù vân vọng niệm che khuất, không thể sáng rõ. Làm thế nào để
quét sạch trần ai, để tâm tinh khiết như hoa lê trong tuyết, sáng rõ như trăng
tỏ giữa trời quang, thì lại phụ thuộc vào tu vi, vào mầm thiện trong mỗi người.
Có lúc, chỉ một sát na[8],
vọng niệm tiêu tan, giác ngộ thành Phật.

[8] Sát na là thuật ngữ nhà Phật
hay sử dụng, chỉ đơn vị ngắn nhất của thời gian; hay nói cách khác, sát na chỉ
thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Một ngày hai mươi tư giờ được tính bằng
sáu ngán bốn trăm tỉ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm tám mươi sát na.

“Hán thư[9]” viết: “Nước trong quá
thì không có cá, người xét nét quá sẽ chẳng có bạn bè.” Cái gọi là “vật cực tất
phản”, mạnh mẽ quá sẽ chuốc nhục, cũng là như thế. Ngọc đẹp vẫn còn có vết,
người há lại có kẻ hoàn mĩ sao? Chỉ cần lòng độ lượng bao dung, lòng kiên nhẫn,
đó chính là phẩm chất tốt đẹp. Nhưng trên thế gian này có một dòng sông mang
tên Thiền, cho dù qua bao nhiêu năm tháng, trước sau vẫn trong vắt đến mức nhìn
thấy đáy, mà chúng sinh lại như tảng đá bắc qua sông, có thể yên ổn dưới lòng
nước.

[9] “Hán thư”: còn gọi là “Tiền
Hán thư”, do sứ gia thời Đông Hán là Ban Cổ biên soạn, là bộ sử đoạn đại thế kì
truyện đầu tiên của Trung Quốc, một trong “nhị thập tứ sử”.

Hoan lạc
chốn nhân gian như giấc mộng không dấu vết. Vì đã mệt mỏi vãng lai giữa phàm
trần, cho nên càng nhiều người nguyện làm một loài cây bình thường, cho dù nhỏ
nhoi, nhưng lại được sống cuộc sống giản đơn, chất phác hơn loài người. Chỉ
muốn yên ổn, tĩnh lặng cho qua ngày, không để tâm đến duyên kiếp khi xưa hay
quả báo sau này. Trong con mắt của Phật, một ngọn cỏ, một nhành cây đều có
tình, một bông hoa, một phiến lá hết thảy đều liên quan đến Thiền niệm. Những
nơi Phật đã đi qua, cho dù là nơi sơn cùng thuỷ tận, cỏ cây tuyệt diệt, nhưng
vì có sự hiện diện của Phật mà đều có Thiền ý, đều có từ bi.

Có người
hỏi, chặng đường tu Phật rốt cuộc xa đến nhường nào? Cần tiêu phí bao nhiêu
thời gian? Phật Đà tu hành hằng trăm hằng nghìn năm, trải qua ngàn vạn kiếp số,
ở bờ bên kia Phật quốc, vì chúng sinh trồng hoa sen khắp nơi. Mà chúng ta chỉ
vì muốn rũ bỏ nghiệp chướng, sân si, tìm một con thuyền vượt sông, để có thể
lên bờ. Phật độ người hữu duyên, quá trình này, có lẽ là một sát na, cũng có
thể là cả một đời. Con thuyền vượt sông đó là gì? Là một con nhện trước thềm
điện Phật, là một làn gió thơm ở hành lang tự viên, là một ngọn rong trên ao
phóng sinh, hoặc là một hạt bụi thấp thoáng lưng trời.

Phật
nói: “Nguyện giải thoát vô số chúng sinh, nguyện đoạn tuyệt vô số phiền não,
nguyện tu học Phật pháp nhiều vô lượng, nguyện chứng đắc bồ đề vô thượng[10].” Con mắt thanh tịnh
nhìn thấu cõi đời, gió cuộn mây vần, cá rồng lẫn lộn, duy chỉ có tâm linh là
mảnh đất lành. Tâm yên sẽ không bị thế sự làm kinh hãi, quấy rầy. Phật để chúng
sinh sống tạm nơi hồng trần mênh mang, hồng trần tức là đạo tràng, ở đây, chúng
ta phải học được cách gặp sao vui vậy. Mù quáng chạy trốn sẽ chỉ đẩy chúng ta
rơi vào cảnh khốn cùng hơn nữa mà thôi. Tâm loạn, dù mặc sức đi trên con đường
lớn, cũng chỉ như đang đi giữa nơi chật hẹp bí bách. Tâm an, cho dù là nhà cũ
giếng cạn, cũng vẫn như bay giữa trời cao vời vợi.

[10] Là bốn câu “Tứ hoằng thệ
nguyện độ” - bốn lời thề nguyền của những người tu hành theo Bồ tát đạo thuộc
về các tông phái Đại thừa, tuy nhiên ở phiên bản này có sự khác biệt ở câu thứ
tư, là “Bồ đề vô thượng thệ nguyện chứng” thay vì “Phật đạo vô thượng thệ
nguyện thành” như thường thấy.

Hoa nở
gặp Phật. Phật ở nơi nào? Giữa chốn đồng không mông quạnh cỏ cây tàn tạ, một
ngọn cỏ xanh non là Phật; giữa đêm tuyết im lìm không tiếng động, một chậu than
hồng là Phật; giữa sông bể mênh mang vô bờ, một chiếc thuyền con là Phật; giữa
sắc màu đan xen rối rắm, đơn sơ là Phật; giữa ngày tháng loạn lạc huyên háo,
bình an là Phật. Gặp Phật khi nào? Trong năm tháng đợi chờ hoa nở, giữa phù hoa
giữ sự đơn thuần, trong phồn tạp tĩnh tâm dưỡng tính, sẽ có thể gặp Phật.

Phật
luôn hiện hữu, độ hoá, quan tâm đến muôn vạn chúng sinh. Như mẹ hiền chong đèn
vá áo, đau đáu, dõi theo những đứa con đi xa; như danh tướng dõi trông sắc
trời, nhớ nhung hồng nhan nơi quê cũ; như thôn phụ tựa cánh cửa gỗ, đợi chờ
tiều phu trở về. Mà những thế nhân say đắm trong hồng trần đó, có thể buông bỏ
hay không? Đứa con đi xa liệu có thể buông bỏ phong cảnh non xanh nước biếc?
Danh tướng có thể buông bỏ sự nghiệp non sông để trở về? Tiều phu có thể buông
bỏ cuộc sống rau cháo sinh nhai hay không? Chỉ có buông bỏ, mới có thể thành
Phật.

Thiền tông
thời Tống chia tu hành thành ba cảnh giới. Cảnh giới thứ nhất là “Lạc diệp mãn
không sơn, hà xứ tầm phương tích,” (Lá rụng đầy núi vắng, nơi nào tìm dấu
thơm); cảnh giới thứ hai là “Không sơn vô nhân, thuý lưu hoa khai,” (Núi trống
không người, nước trôi hoa nở); cảnh giới thứ ba là “Vạn cổ trường không, nhất
triều phong nguyệt.” (vạn năm đằng đẵng, trăng gió mau trôi). Có lẽ chúng ta
không cần hiểu thâm ý bên trong, chỉ biết cho dù thời gian có trôi qua bao lâu,
Phật pháp sẽ trường tồn cùng trời đất. Chúng ta chỉ là một sinh linh thuộc về
chính mình giữa vũ trụ vạn vật, yên tĩnh sinh trưởng, bình an qua ngày. Còn tu
hành, thì trong những tháng ngày luân chuyển xuân hạ thu đông, tự khắc sẽ nhận
được quả báo.

Thời
gian vẫn vậy, chỉ tăng không giảm, cỏ cây vẫn xanh tốt như xưa, chỉ là chúng ta
không còn trẻ nữa. Tháng năm đằng đẵng, mỗi chặng đường chúng ta đi qua luôn có
cảm giác như từng quen biết, đó là vì các mùa trở lại, câu chuyện tái diễn, mà
đời người cuối cùng cũng như vậy, chẳng có gì khác biệt. Rồi một ngày, thời
gian sẽ thổi bay tất cả, tất cả hoài nghi, tất cả mê lầm và tất cả bất an đều
ẩn mình, cho đến khi không vương mảy may bụi trần. Mà những vò rượu cất ủ tồn
tại theo tháng năm cũng sẽ được mở ra vào lúc thích hợp, vào một ngày trăng
thanh gió mát, để tửu khách bình thản thưởng thức.

Ngọc thô
tự nhiên cần được thời gian mài giũa. Đời người hoa lệ, cần Thiền tâm nuôi
dưỡng. Hãy đem hòa tấu rộn ràng gửi vào tiếng trúc tiếng tơ; dùng khói lửa phàm
trần đổi lấy một chén băng tâm trong bình ngọc. Tại thế gian vô thường, đối
diện với ngày mai không thể đoán định, những gì ngày hôm nay có thể làm được,
chính là tĩnh tâm ngồi Thiền, nuôi dưỡng tính tình. Để bản thân từ từ bước ra
khỏi trần ai loạn thế, trở nên trong sạch tinh khôi.

“Lục Tố
đàn kinh[11]” viết: “Hết
thảy chúng sinh, hết thảy cây cỏ, có tình vô tình, đều là tối tăm, trăm sông
cùng chảy, đổ về biển lớn, hợp thành một thể.” Trên đá tam sinh có khắc ghi
nhân quả, mỗi nhành hoa mỗi phiến lá đều liên quan đến Thiền. Chúng ta không
cầu trăng sáng trong tay, không cầu hoa thơm đẫm áo, chỉ nguyện năm tháng giản
đơn hạnh phúc, bình lặng thanh tịnh. Sẽ có một ngày, Phật duyên tới, ấy chính
là đích đến.

[11] “Lục Tố đàn kinh”: Tên đầy
đủ là “Lục Tổ đại sư pháp bảo đản kinh”, hay còn gọi là “Pháp bảo đàn kinh”,
“Đàn kinh”, do Lục Tổ Huệ Năng thuyết giảng vào đời Đường, đệ tử là Pháp Hải
sưu tầm chép lại, ngài Tông Bảo hiệu đính và ấn hành vào đời Nguyên, được xếp
vào “Đại Chính Tạng”, tập 48.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3