Từ Hy Thái Hậu - Chương 2 phần 10
Viên thái giám giơ chiếc bàn tay hộ pháp:
- Còn tệ hại nữa. Nhung Lữ được lệnh ở lại để giữ
cung điện ở Nhiệt Hà.
Bà Từ Hy, xoắn hai tay vào nhau hỏi:
- Hắn ở luôn đó à?
Viên thái giám gật đầu:
- Hắn bảo với con thế.
Bà Thái hậu trong lúc lo sợ, kêu lên:
- Số phận ta sẽ ra làm sao? Họ xếp đặt như thế, cố ý
định giết ta à? Ở trong rừng, trên núi, lúc ở dọc đường vắng vẻ, nếu gặp nguy
biến ai nghe thấy tiếng ta kêu cầu cứu?
- Tâu lệnh bà, xin lệnh bà cứ vững tâm, ông anh họ
với lệnh bà đã tiên liệu, đề phòng mọi sự bất trắc hiểm nguy có thể xảy ra. Xin
lệnh bà tin tưởng không phải e ngại.
Vững lòng tin tưởng vào sự bảo toàn của Nhung Lữ,
tang tảng sáng hôm sau, bà Từ Hy lên đường. Chiếc xe chở Hoàng tử đi trước và
tiếp theo hai xe bà Từ Hy và bà Từ An. Một toán lính lạ mặt đi theo hộ giá. Mọi
người nhận thấy bà Từ Hy rất bình tĩnh, thản nhiên, dặn dò công việc lúc lên
đường. Đột nhiên như bà quên mới nhớ ra, bà sai đem vào xe bà ngồi những vật
thiết dụng đi đường. Trong một cái tráp nhỏ có chiếc ngọc tỉ, nhưng không ai
biết ngoại trừ có con a hoàn hầu cận.
Chiếc xe chuyển bánh, cuộc hành trình buồn bã, chán nản
bắt đầu. Bà không thích cung điện ở Nhiệt Hà vẫn muốn đi nơi khác, nay trước
viễn ảnh một cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm, trong lòng bà rất lo ngại. Sau một
mùa hè khô ráo, bây giờ bắt đầu mùa mưa, các khe lạch chan hoà nước, tràn ngập
những con đường ở núi.
Đến chiều tối, người ta đóng cọc, căng lều để ngủ
đêm, giữa đường rừng, núi. Bà thấy ngại ngùng, lo sợ, không những thế, người
đội cai quản đạo quân lính lạ đến bảo bà: Vì lẽ tôn ti, vì bà ở một ngôi vị
cao, bà và Đông cung Thái tử phải ở một lều riêng biệt, cách xa các lều
khác.
Người này làm ra vẻ lễ phép, trong lúc nói hắn đặt
tay trên chiếc chuôi kiếm đeo lủng lẳng bên hông.
- Tâu lệnh bà, hạ thần xin thân chinh bảo toàn an
ninh, hết lòng phò giá.
Bà Từ Hy, tình cờ nhìn thấy ở bàn tay mặt người đó,
ngón tay cái đeo một chiếc nhẫn ngọc thạch, dưới ánh sáng đèn lóng lánh, viên
ngọc sáng lắm bà phải để ý.
- Cám ơn, về đến nơi yên ổn, ta sẽ có thưởng.
- Hạ thần cốt mong làm tròn nhiệm vụ.
Đêm tối dày đặc, gió thổi rít lên từng hồi trong các
khe đá, nước ở các suối róc rách chảy, những tảng đá bị nước cuốn ầm ầm, xung
quanh lều, bà Từ Hy thức ngồi trông con. Người vú nuôi và a hoàn đã ngủ say.
Thằng nhỏ được bú no, nắm tay bà ngủ. Ngồi yên trong lều, nhìn ngọn nến chảy
xuống giá đèn, bà vẫn để ý nhìn chiếc tráp có để ngọc tỉ ở trong. Bà phải hi
sinh cả cuộc đời để có được vật báu này. Bà biết đêm hôm vắng vẻ, rất thuận
tiện cho bọn thù nghịch ra tay hành động. Ở đây có một mình với hai người đàn
bà yếu đuối và một đứa trẻ thơ, nếu có chuyện gì, dù bà có kêu lên cũng không
ai nghe thấy để đến cứu bà. Suốt cả ngày hôm qua bà không có tin tức gì về
Nhung Lữ. Không biết hắn có nấp vào khe đá hay trà trộn vào đám binh lính
không? Nếu bà kêu, liệu hắn có nghe thấy tiếng bà không? Bà rất lo sợ, thời giờ
trôi qua. Có một hồi trống đánh cầm canh vẳng lên, đã vào giờ Tí, 12 giờ đêm.
Bà Từ Hy tự trách mình sao phải lo sợ hão huyền. Tại sao bọn quân thù lại chọn
nơi này, đêm này để hạ sát bà? Muốn giết bà, thì có khó khăn gì, cho tiền một
người đầu bếp bỏ thuốc độc vào thức ăn của bà hay thuê tiền ám sát bà ở một con
đường hành lang nào nhỏ hẹp, vắng vẻ. Bà suy nghĩ, cố tự giải thích để cho khỏi
sợ, nhưng nghĩ nếu giết bà như thế rất dễ mà cũng rất khó. Thi hài bà Thái hậu
không thể dễ dàng giấu giếm được còn biết bao nhiêu người khác vây cánh của bà,
bọn quân thù không muốn gây công phẫn trong dân chúng.
Thời gian từ từ trôi qua, lại một mối lo ngại nữa
đến với bà, ngọn nến sắp hết. Bà không dám đứng lên, sợ con thức dậy. Làm thế
nào gọi được con ở mà không phải gọi lớn tiếng, để thay nến. Bà ngước mắt, nhìn
thấy chiếc rèm bằng da ở cửa lung lay. Chiếc rèm bập bùng, phải chăng vì gió
hay mưa? Bà sợ quá, không dám nhúc nhích, không dám kêu. Dưới mắt bà, một con
dao găm găm lười trong tay một người ở ngón tay cái có đeo một chiếc nhẫn bằng
ngọc thạch đỏ đang giơ lên.
Bà vội vàng ôm ngay lấy con, chạy đến một góc lều,
trốn. Cùng lúc đó bà nom thấy một bàn tay khác nắm bàn tay cầm con dao găm, rồi
cả hai bàn tay biến mất. Bà biết rõ bàn tay của người nào đến giải cứu cho bà.
Bà nghe có tiếng vật lộn, những tấm vải lều bị rung chuyển. Rồi có một tiếng
rên, sự yên tĩnh trở lại.
Nghe có tiếng Nhung Lữ khẽ nói:
- Đáng đời cho mày, quân khốn nạn.
Bà thấy nhẹ nhõm, mừng quá, run bắn người. Bà đặt
đứa trẻ đang ngủ xuống thảm, vén tấm rèm, nhìn ra ngoài. Nhung Lữ đi ba bước
tới bà, cả hai người đứng nhìn nhau. Bà nói:
- Tôi đã biết thế nào anh cũng đến.
- Tôi không một chút nào rời lệnh bà.
- Người đó chết chưa?
- Chết. Tôi quăng thây nó xuống vực.
- Liệu có ai biết không?
Ai dám nói tên nó lên khi họ thấy tôi đây.
Hai người đứng đối diện, nhìn mặt nhau, mắt không
chớp. Nhung Lữ vẫn đứng yên tại chỗ, không tiến thêm một bước nào. Bà
nói:
- Để tôi xem có cái phần thưởng nào thật đích đáng
tôi sẽ dành riêng cho anh.
Bầu không khí yên tĩnh, phẳng lặng bao trùm, Nhung
Lữ thấy gượng, hắn nói:
- Thưa lệnh bà phải đi mau khỏi chốn này. Ở đây toàn
quân thù, tụi nó luôn luôn rình rập.
- Có một mình anh à?
- Không, tôi có một chi đội hai mươi người. Tôi đến
trước, ngựa tôi đi nhanh lắm. Lệnh bà vẫn giữ ngọc tỉ chứ?
- Cất ở trong kia.
Nhung Lữ lùi vài bước rối biến mất trong bóng tối.
Từ Hy kéo rèm xuống, vào nằm trong lều. Bây giờ bà đã ngủ được, yên chí không
còn lo sợ. Có người canh gác, bảo vệ bà ở ngoài. Lần đầu tiên, cách đây bao
nhiêu tuần, vì đi đường nhọc mệt, bà đã ngủ một cách ngon lành.
Trời vừa hửng sáng, mưa đã tạnh, mây đã tàn, bầu
trời xanh ngắt, cây cỏ xanh tươi, phong cảnh hiện rõ, chơm chởm những ngọn núi
đá trọc. Bà làm như không có chuyện gì xảy ra trong đêm, niềm nở nói chuyện với
người vú nuôi a hoàn, nắm tay con, bới trong đống cát tìm thấy hòn sỏi nhỏ cho
con chơi.
- Mẹ buộc mấy hòn sỏi vào chiếc khăn tay, con giữ
lấy để chơi lúc đi đường.
Chưa bao giờ bà lại bình tĩnh như lúc này. Sự bình
tĩnh trong tâm hiện ở hai con mắt, trên khuôn mặt. Bà giữ thái độ rất nghiêm
nghị, không cười nói, thái độ đó rất hợp trong lúc này, nhưng nhìn kĩ trên nét
mặt bà sự quả cảm. Thấy Nhung Lữ với một chi đội hai mươi người, thay vì tên
đội trưởng trước, không ai dám hỏi, dám nói gì vì trong lúc tình thế đang nhiễu
nhương, ăn nói, hỏi han điều gì phải thận trọng. Ai cũng biết, nhưng không dám
nói ra, Từ Hy đã đắc thắng. Cơm nước xong, những chiếc lều được cuốn lại chất
lên xe, cuộc hành trình được tiếp tục. Nhung Lữ cưỡi một con ngựa trắng, mỗi
bên có mười người lính đi kèm, bảo vệ Thái tử và mẫu hậu. Bà làm như không để ý
về sự thay đổi của đoàn quân hộ vệ. Bà ngồi yên trong xe, tựa lưng vào mấy
chiếc đệm, rèm xe vén lên, bà nhìn ra ngoài ngắm phong cảnh. Nếu có người nào
để ý, sẽ không thấy bà quay đầu nhìn viên quản ngự lâm dù chỉ một lần, còn
những ý nghĩ thầm kín, ai có thể biết được?
Thực ra, trong lúc này bà không nghĩ gì hết, lúc
trước bà bồn chồn, lo lắng, bây giờ, an ninh được bảo đảm, bà hưởng cái thú đi
đường. Mục đích tối hậu cuộc tranh đấu này, sự quyết liệt lên ngôi rồng, nhưng
trở ngại nếu có sẽ vượt được, phải chờ linh xa của Hoàngg thượng đến hoàng
thành. Bà đến sớm năm hôm, bà sẽ cho tập họp những người trong tộc đảng bà,
những người anh em trung tính của cố Hoàng thượng, vạch ra một kế hoạch, làm sao
vô hiệu hoá những quân phản loạn. Bà không dùng võ lực vì làm như thế dân chúng
sẽ nhốn nháo, bà sẽ cho thi hành trong luật pháp với tất cả những chứng cớ sẵn
có. Bà sẽ long trọng tuyên bố quyền nhiếp chính.
Về mặt chính trị, quốc gia hiện nay đang trải qua
một thời kì đen tối, nhưng có ổn định được nội bộ mới có đủ uy quyền để đối phó
với thời sự.
Bà rất thích khi đi qua những cánh đồng ruộng về mùa
thu, những dãy núi hiểm trở nguy hiểm. Lặng lẽ và tự hào, Nhung Lữ đi kèm một
bên. Hai người không nhìn nhau, nhưng bà cảm thấy hắn ở bên cạnh để bảo vệ
bà.
Ngày 29 tháng 9 âm lịch, Từ Hy nhìn thấy ở xa, trong
cánh đồng những bức tường thành. Phố xá vắng vẻ, không có người, tuy vậy bà
cũng kéo rèm xe xuống, sợ lỡ gặp người ngoại quốc. Nhưng không gặp một ngoại
nhân nào cả. Đường phố hoàn toàn phẳng lặng, vì những tin tức đi nhanh như
chớp, người dân biết lúc này: “Lưỡng hổ tranh hùng”, họ phải lánh xa không có
khi bị vạ lây.
Bà tự vạch ra một đường lối. Quần áo đại tang, xô
gai trắng, bỏ hết đồ trang sức, bà đi thẳng vào cung, giữa hai hàng thái giám
quỳ dưới đất. Bà rất lịch sự, tự tay đỡ bà Từ An ở trên xe bước xuống, đưa bà
về tư cung trước khi về cung bà.
Một giờ sau bà nhận được lá thư của Cung thân
vương.
“Thân vương Cung trân trọng cáo lỗi cùng Thái hậu.
Hạ thần biết Thái hậu đi đường xa, vất vả, lo lắng, chắc mệt mỏi lắm. Nhưng vì
hiện nay có việc tối khẩn tuy cần giải quyết tức thời, thân vương xin được bái
kiến ở quốc gia thư viện. Thân vương sẽ đến với các vị thân vương và các tộc
đảng.”
Bà Từ Hy, không một chút do dự, không chờ đợi, không
cần ăn uống, lau rửa, thay quần áo, bà đến thẳng cung bà Từ An, không cần lễ
nghi. Lúc đó, bà Từ An nằm trên giường, các thể nữ ngồi xung quanh. Bà sai pha
trà và chải đầu cho bà.
Bà Từ Hy đẩy bọn người kia ra, bảo bà Từ An:
- Chị ơi, chị dậy đi. Ta không có quyền nghỉ ngơi
trong lúc này, phải thiết triều ngay lập tức.
Bà Từ An bĩu môi, nhưng thấy vẻ cương quyết của bà
Từ Hy, bà không phản đối. Bà thở dài, ngồi dậy, sai a hoàn mặc xiêm y rồi đi
cùng với bà Từ Hy. Hai chiếc song loan đưa hai bà đến quốc gia thư viện, hai bà
nắm tay nhau cùng vào. Tất cả mọi người đứng dậy chào, Cung thân vương mặc áo
xô trắng dẫn hai bà lên ngồi trên ngai. Cung thân vương ngồi bên tay mặt bà Từ
Hy.
Cuộc hội thương diễn ra trong nhiều tiếng đồng hồ,
hoàn toàn bí mật, các cửa đóng kín, bọn thái giám dồn về cuối phòng không nghe
rõ bàn luận gì.
Cung thân vương trình bày:
- Vấn đề này gay go lắm, song chúng ta đã nắm được
then chốt. Hoàng Thái hậu đã nắm được ngọc tỉ, nội thứ đó còn hơn cả một đội
hùng binh. Nhờ có ngọc tỉ việc kế lập rất hợp pháp cho Thái tử và Hoàng Thái
hậu nắm quyền nhiếp chính. Tuy nhiên việc hành xử phải rất thận trọng, phải
theo đúng nghi lễ đường hoàng, làm sao bắt giữ bọn phản nghịch. Dùng sức mạnh,
bắt họ trước linh xa ư? Làm như thế không được, chưa ai làm như thế bao giờ.
Dân không phục, bước đầu của tân vương không được tốt.
Tất cả mọi người tán thành ý kiến của thân vương,
bàn cãi hồi lâu, quyết định tiến hành công việc theo như thể thức vương triều.
Từ Hy với tư cách Hoàng Thái hậu chấp nhận, bà Từ An cúi đầu không nói
gì.
Ba ngày trôi qua, trong lúc chờ đợi linh xa đến, bà
Từ Hy lợi dụng thời gian để xếp đặt kế hoạch cho thật chu đáo, xem xét tỉ mỉ
từng chi tiết nhỏ khi linh sa đến nơi. Bà phải có thái độ rất đường hoàng, mạnh
bạo, cứng rắn và trung trực.
Như tin báo từng giờ, linh xa đã đi đến đâu. Bà Từ
Hy đã sẵn sàng để nghênh đón linh xa. Theo lệnh của bà Cung thân vương cho mai
phục một đạo quân trung thành ở phía cửa Tây. Chỗ nào linh xa đi qua đều có trải
qua. Trong nội điện phẳng lặng, âm thầm, buồn tẻ. Khi có tin linh xa đến, hai
bà Thái hậu và thế tử ra đón. Hai chiếc song loan phủ vải trắng, đội ngự lâm
quân quân phục trắng, âm thầm đi ngang qua những đường phố phẳng lặng không một
bóng người. Tiếp theo hai song loan có các hoàng thân, quốc thích, quần áo
tang, cưỡi ngựa đi sau, đám tang đi rất chậm, trong bầu không khí trang nghiêm,
nặng nề. Các vị sư, chuông, mõ, tụng niệm.
Đám tang ngừng lại trước cổng chính vào tỉnh, mọi
người xuống ngựa, xuống xe, đến quỳ ở trước cổng, chiếc quan tài lớn một trăm
hai mươi người khênh đi ngang qua. Người ngoài phố đứng nấp sau cửa, ghé mắt
dòm ở khe, nghe tiếng khóc thảm thiết, bi ai.
Bộ ba phản loạn: Thân vương Đoan Huy, Túc Thuận và
viên cơ mật đại thần Tải Thản đã làm tròn nhiệm vụ đưa linh cữu về kinh thành.
Theo đúng nghi lễ, bộ ba phải làm tờ trình lên Đông cung Thái tử về việc chuyển
cữu. Một nhà trạm được thiết lập ở cổng tỉnh để đặt quan tài và hành lễ.
Với một giọng rất bình tĩnh bà Từ Hy tuyên bố như bà
có quyền đó:
- Xin long trọng tuyên bố cảm tạ thân vương Đoan
Huy, Túc Thuận và cơ mật đại thần Tải Thản đã có công trông nom, đôn đốc,
chuyển cữu về kinh thành. Thay mặt tân vương, Thiên tử trị vì hiện tại, lưỡng
hậu cũng là nhiếp chính vương do cố Hoàng thượng sắc phong bằng sắc chỉ có châu
phê và đóng ngọc tỉ. Công việc nặng nề này nay đã hoàn tất, do công lao của các
vị.
Từ Hy nói rất lễ độ nhưng bên trong ngầm một ý chí
sắt đá.
Thân vương Đoan Huy tỏ vẻ thất vọng. Ngẩng đầu lên
đã thấy thằng nhỏ ngồi chễm chệ trên ngai, bên trái có Thái hậu Từ An, bên tay
mặt có quốc trưởng thực sự, một người đàn bà can trường rất đẹp, không hề sợ
ai, đã khuất phục được tất cả mọi người bằng sức lực và sắc đẹp. Phía sau ngai
các thân vương và tộc trưởng. Đứng hàng sau bọn này là đội ngự lâm quân. Thân
vương Đoan Huy thấy Nhung Lữ bệ vệ, uy nghi, lòng như thắt lại. Hắn nghĩ còn hi
vọng gì nữa không?
Tải Thản ghé tai vào Đoan Huy nói:
- Nếu thân vương nghe lời tôi bàn trước, mình trừ
khử được con quỷ cái đó thì bây giờ mình đã yên chí. Nhưng các ông không chịu
nghe tôi cứ rụt rè, đắn đo, làm cái gì cũng nửa vời không chịu dứt khoát, không
biết bây giờ mình còn giữ được đầu không? Ông đứng đầu trong bọn, nếu ông không
can đảm, thì bọn mình chết cả đám.
Thân vương Đoan Huy tập trung hết tàn lực, tiến lên
một bước về phía ngai, làm ra vẻ ung dung, tuy hai môi run, hắn nói với thiếu
chúa:
- Thưa Chúa thượng, chúng tôi mới chính là nhiếp
chính vương. Vua cha đã chỉ định thân vương Túc Thuận, cơ mật viện đại thần Tải
Thản và tôi để chăm lo việc nước. Chúng tôi là những tôi trung. Chúng tôi xin
thề lòng trung kiên của chúng tôi. Đứng trên cương vị nhiếp chính vương, chúng
tôi chỉ thị cho Hoàng hậu không có quyền hành gì về vụ nhiếp chính.
Trong khi Đoan Huy oang oang giữa triều mấy lời đó,
ấu chúa mắt ngơ ngác nhìn, ngáp, nghịch chiếc đai áo tang bằng vải xô, nắm tay
mẹ. Bà mẹ hất tay ra, bắt ngồi yên, nắm tay đặt trên đầu gối. Thằng nhỏ sợ,
ngồi im chờ cho người kia nói hết.
Khi thân vương Đoan Huy lui ra sau một bước, bà Từ
Hy hành động. Bà giơ bàn tay mặt, ngón tay cái chỉ xuống đất, dõng dạc truyền
lệnh:
- Vệ sĩ đâu! Bắt ba tên phản loạn này.
Nhung Lữ vội vàng tiến ra, có bọn lính đi sau. Họ
túm lấy ba người, trói gô lại. Bọn phản loạn không thể chống cự được. Ai có can
đảm dám đến giải cứu họ?
Xử xong vụ này, đám tang lại tập họp chỉnh đốn hàng
ngũ để đi quãng đường chót vào thành nội, hai bà Thái hậu đi hai bên linh sàng,
các thân vương, ấu chúa, các đình thần đi sau. Ba tên phản loạn đi sau cùng,
chúng bị trói, kéo lê trong bụi trước mắt mọi người.
Như thế, vua Hàm Phong đã trở về cung, ngồi cạnh các
Tiên đế. Linh cữu được đặt trong một gian phòng riêng ngày đêm có lính canh
gác, nến đốt sáng trưng, các vị sư luân phiên tụng niệm cho tam hồn vua thiên,
thách phách nhập địa.
Để làm sáng tỏ những biện pháp mạnh đối với những
người mưu phản, bà Từ Hy xuống một sắc lệnh tuyên cáo cùng quốc dân, giải thích
sơ lược tình thế hiện thời trong nước. Thân vương Đoan Huy và đồng bọn, trách
nhiệm cuộc chiến và sự thất trận nhục nhã, lợi dụng cơ hội đức vua còn ấu trí,
mưu chiếm đoạt quyền nhiếp chính, dám mạo xưng là do di chúc của Tiên đế, gạt
ra ngoài bà Hoàng Thái hậu, như thế là nghịch lại ý của Tiên vương.
Sau khi ban hành sắc lệnh đó, có đóng ngọc tỉ, một
sắc lệnh khác được soạn thảo, sắc lệnh này có mang chữ kí của hai bà Từ An và
Từ Hy, minh định tội trạng và trừng phạt bọn loạn thần. Ba người bị ghép vào
tội phản nghịch, phải tịch biên gia sản, tước đoạt hết quyền tước. Tải Thản bị
sử giảo, tịch thu tài sản. Bà Từ Hy tịch thu thư viện riêng của Tải Thản, ở đó
tàng trữ rất nhiều của cải. Trong đống sách vở, tài liệu, bà thích nhất bắt
được một tài liệu nói về thiếu nữ Mai. Theo tài liệu này, Mai không phải con
ruột của y mà là con một người thù với y, Tải Thản đã ám sát người đó và cướp
hết tài sản.
Bà cho gọi thiếu nữ Mai và cho coi tài liệu đó. Người
thiếu nữ khóc và nói: “Con vẫn thường tự hỏi sao con không có lòng mến yêu Tải
Thản như một người cha ruột. Bây giờ con mới vỡ lẽ.”
Nàng quỳ gối trước mặt bà Từ Hy cảm ơn bà đã khám
phá ra sự thật và nguyện từ nay lòng ngưỡng mộ bà càng lên bội phần.
- Tâu lệnh bà, con là một đứa con gái không cha,
không mẹ, con lấy lệnh bà làm cha, mẹ con.
Bà Từ Hy không những trừng phạt nặng nề Tải Thản và
đồng bọn, bà còn ra nhiều sắc chỉ khác trừng phạt một số thân vương và các
quan, dính líu ít nhiều trong vụ này. Không ai dám hé răng phản đối, riêng có
Cung thân vương nói:
- Tâu mẫu hậu. Xin mẫu hậu ban ân, tỏ lòng thương
hại đối với Tải Thản. Xin cho cải xử trảm thay vì xử giảo.
- Thể theo lời của thân vương, ta cũng chấp thuận,
nhưng việc hành quyết phải được công khai để làm gương cho người khác.
Một buổi sáng nắng ấm, Tải Thản bị hành quyết, chặt
đầu giữa chợ, thiên hạ kéo đến coi đông lắm. Hắn rất can đảm ra pháp trường,
đầu ngẩng cao, vẻ mặt thản nhiên, cho đến khi đầu đứt trên thớt. Tên đao phủ,
bằng một nhát đao, chém phập đầu lăn xuống đất, trước sự reo hò của bọn người
đứng xem.
Hai thân vương Đoan Huy và Túc Thuận thuộc về hoàng
tộc nên không bị xử trảm. Hai người bị nhốt trong ngục ở hoàng thành và được
lệnh tự thắt cổ. Nhung Lữ ném cho mỗi người một dải lụa cho thi hành bản án.
Đoan Huy can đảm thắt cổ chết, còn Túc Thuận nhút nhát khóc lóc không chịu chết
ngay.
Bộ ba phản loạn đã chết còn bọn a tòng bị đem đi
phát vãn. Từ ngày hôm đó, Từ Hy nghiễm nhiên là Hoàng Thái hậu, theo di chúc
của Tiên đế ở Nhiệt Hà.
Tân trào ấu chúa bắt đầu, nhưng ai cũng biết quyền
tối thượng ở trong tay bà Từ Hy.