Từ Hy Thái Hậu - Chương 2 phần 07
Từ Hy vẻ mặt tự đắc, tuyên bố:
- Các người coi ta nói có sai đâu, nữ vương Tây
phương là bạn đồng hành với ta.
Duy có bệnh tình ông vua không thấy thuyên giảm làm
bà buồn. Thực ra, bà chẳng yêu đương hay thương tiếc con người “bệnh hoạn” đã
mất hết tinh thần, trí não, không còn biết gì, nằm liệt giường trải vóc vàng.
Bà chỉ sợ hắn chết, sẽ xảy ra nhiều chuyện rắc rối trong việc kế vị, Thái tử
còn nhỏ quá, tất phải lựa chọn một nhiếp chính vương. Sự lựa chọn, bầu lên một
nhiếp chính là đầu mối cho những sự tranh giành, xung đột ghê gớm.
Lẽ tất nhiên, muốn bảo toàn địa vị cho bà và con bà,
bất cứ với một giá nào cũng phải tự đảm nhiệm chức vụ đó. Bà phải chiếm được
ngai vàng để truyền cho con sau này. Những tộc đảng Mãn Châu, có quyền thế, sẽ
gây nhiều áp lực. Người ta, rất có thể, truất phế Thái tử để lập một người khác
lên thay thế. Lý Liên Anh cho bà hay có nhiều âm mưu manh nha đột khởi. Bà chỉ
vững lòng tin tưởng ở sự trung thành tuyệt đối của Cung thân vương và viên
chưởng quản thái giám, hai người này thực lòng có cảm tình với vua, với bà. Bà
để ý thấy viên chưởng quản thái giám thực tình, trong lòng băn khoăn thấy ông
vua gầy còm, ốm yếu, bệnh hoạn, hắn thường đứng chầu bên long sàng, ông nằm
ngay như khúc gỗ, không nhúc nhích nói năng gì. Có nhiều đêm, trong khi mọi
người đã ngủ yên, viên chưởng quản thái giám đến gọi bà, vua muốn có người ngồi
bên. Bà đến ngồi cạnh ông, trong gian phòng âm u, lờ mờ sáng, leo lắt mấy ngọn
đèn dầu. Bà nắm chặt hai bàn tay ông, lạnh ngắt, cứng đờ, như không còn sinh
khí, nét mặt bà cố lấy vẻ tươi tỉnh, dịu dàng để trấn an ông, Viên chưởng quản
thái giám rất khâm phục lòng chung thủy, tính hiền hòa của bà, nên đối với bà
hắn tỏ vẻ rất trung thành, kính ngưỡng như đối với vua. Hắn vào làm thái giám ở
cung vua từ năm mười hai tuổi, chính cha đẻ hắn đã tự tay thiến cho hắn, hắn
hết lòng phục vụ ông “Chủ” quân vương. Hắn có tính xấu, táy máy, thấy cái gì
thích ý là ăn cắp, hắn đã lấy của “Chủ” rất nhiều thứ trong các cung điện bao
la ở cấm thành. Ai cũng biết hắn có rất nhiều châu báu, vàng bạc tàng trữ. Hắn
cũng rất hung dữ, bạo tàn lấy dây thắt cổ hay lấy dao đâm người một nhát chết
liền. Tuy vậy, trong trái tim “cô đơn” có mấy lớp mỡ dày đặc ẩn tàng một cảm tình
thiết tha, sâu đậm đối với ông vua. Khi hắn thấy ông vua gần đất xa trời, hắn
đem lòng ngưỡng mộ đó đến một người đàn bà trẻ đẹp, khỏe mạnh, người mà ông vua
yêu quý trên hết thảy mọi thứ ở trần thế, ông yêu người đó đến khi ông tắt
thở.
Thật không ai có thể ngờ tưởng sẽ có một tin dữ dội
đến như tiếng sét đánh ngang trời vào đầu mùa Đông. Ngày hôm đó cũng như mọi
ngày, trời u ám, tuyết rơi, gió lạnh. Ở ngoài đường phố, mọi việc buôn bán,
sinh hoạt hằng ngày đình lại, trong hoàng cung dường như không có sinh khí,
không thiết triều, mọi quyết định đều đình hoãn.
Ngày hôm đó, Từ Hy ngồi vẽ. Cô giáo dạy vẽ ngồi bên
cạnh, không nói năng khuyên bảo gì hết, chỉ lấy mắt theo dõi nét vẽ của người
học trò vương giả. Từ Hy cũng biết khó thể vừa ý được cô này. Tuy bà đã mất
nhiều công trình tập luyện như vẽ một cành đào có hoa. Bà nhúng ngọn bút lông
vào nghiên mực, chỉ vạch lên một nét là nom ra chiếc cánh cả bóng tối sáng. Bà
đã hoàn toàn thành công, cô giáo đã khen:
- Thưa lệnh bà, vẽ thế được lắm.
- Tôi chưa vẽ xong.
Bà lại nhúng bút vào nghiên mực, bà vẽ một cành nữa,
cành này quấn vào cành trước. Cô giáo ngồi yên không nói năng, bình phẩm.
Từ Hy cau lông mày, hỏi:
- Thế nào? Cô không thích tôi vẽ như thế hả?
- Thưa lệnh bà, không phải vấn đề thích hay không
thích. Lệnh bà cũng đã rõ các đại danh họa không ai vẽ hai cành quấn lấy nhau
như thế.
- Sao vậy?
- Về phương diện mĩ thuật, động cơ thuộc về bản năng
không phải lí trí... Các đại danh họa không vẽ thế.
Từ Hy mở to mắt, cắn chặt hai môi, suy nghĩ sắp lí
luận, nhưng cô giáo vẽ từ chối khéo, không muốn cãi lí với Thái hậu, tuy là học
trò mình.
- Nếu ý lệnh bà muốn vẽ hai cành như thế, cũng được
tùy ý lệnh bà.
Cô giáo dạy vẽ nói xong ngồi yên nét mặt suy tư, một
lúc sau, cô ngẩng mặt về bà “học trò”, nói tiếp:
- Thưa lệnh bà, lệnh bà vẽ theo kiểu “Tài tử”, còn
tôi là một nhà nghề chuyên nghiệp, tôi xuất thân ở một gia đình nghệ sĩ. Nếu
lệnh bà không phải lo toan việc nước, chuyên hẳn về khoa hội họa, lệnh bà rất
có thể thành một đại danh họa. Tôi nhận xét qua các tấm tranh lệnh bà vẽ. Bút
pháp rất tinh vi, hùng mạnh, một thiên tài nếu chịu tập luyện có thể phát triển
mạnh. Song lệnh bà có ít thời giờ để vào nghệ thuật, lệnh bà còn phải gánh vác
nhiều công việc trọng đại.
Cô giáo chưa nói hết, chưa phát biểu hết cảm nghĩ.
Từ Hy lắng tai nghe,hai mắt bà nhìn thẳng vào mặt cô giáo. Hai người đang ngồi
bình tĩnh đàm luận, thì viên chưởng quản thái giám hớt hải chạy vào. Hai người
ngoảnh nhìn hết đỗi ngạc nhiên thấy tên thái giám vẻ mặt hớt hải, thở hổn hển
nói không ra lời, hai mắt trợn trừng, hai má bánh đúc, mồ hôi nhễ nhại. Hắn
luống cuống kêu to:
- Tâu lệnh bà... Lệnh bà... Sửa soạn ngay tức thờị…
Từ Hy đứng dậy tưởng hắn đến báo tin có ai chết...
Người nàọ… Hay là...
Tiếng An Đắc Hải the thé:
- Tâu lệnh bà có sứ giả ở Quảng Đông đến. Tỉnh Quảng
Đông thất thủ rồị.. Quân ngoại quốc đánh phá... đã lọt vào tỉnh... Tổng đốc bị
bắt, cầm tù.
Từ Hy ngồi xuống, đó là tin về tai biến chiến họa,
không phải tin có người nào chết.
Bà nói giọng rất nghiêm nghị, bảo tên thái giám đứng
run lẩy bẩy:
- Bình tĩnh. Nhìn mi, mới nghe ta tưởng như quân
địch đã lọt vào hoàng thành.
Bà thu dọn các bút vẽ, cô giáo lặng lẽ cáo lui. Viên
chưởng quản thái giám đứng chờ lệnh, lấy ống tay áo lau mồ hôi chảy nhỏ giọt
trên trán.
- Đi mời Cung thân vương đến gặp ta, song mi trở về
với Hoàng thượng.
- Phụng chỉ.
Tên thái giám vái dài rồi lui ra.
Vài phút sau, một mình Cung thân vương đến. Ông biết
được tin đó vì chính ông nhận công văn, ông mệt quá, thở không được. Chữ viết trong
công văn do một người nào viết nhưng có đóng ấn của tổng đốc. Ông đem theo tờ
công văn đó cho Từ Hy coi.
Sau khi đã đáp lễ thân vương, Từ Hy nói:
- Thân vương đọc tờ công văn đó cho tôi nghe.
Ông đọc rất thong thả, Từ Hy lắng tai nghe, hai mắt
nhìn bó hoa lan vàng, cắm trong lọ ở giữa bàn. Sáu ngàn quân Tây phương tấn
công các cổng thành và đã lọt vào trong tỉnh Quảng Đông. Quân lực hoàng gia cố
chống đối lấy lệ, rồi mạnh ai người nấy chạy. Quân giặc người Hán trà trộn
trong dân chúng, làm nội tuyến, mở cổng thành để bọn giặc Tây phương kéo vào.
Viên tổng đốc tìm đường thoát thân leo lên nóc các pháo đài trong tỉnh. Bọn sĩ
quan lấy dây thả ông xuống. Người Hán làm chỉ điểm cho quân thù, ông liền bị
bắt. Tất cả các viên chức trong tỉnh bị cầm tù, viên tổng đốc bị đày sang
Calcutta, mãi tận bên Ấn Độ. Bọn người Tây phương rất hung hãn, phách lối, đặt
một chính phủ lâm thời người Hán như để thách thức Thanh triều. Trong bản công
văn có nói quân Hồng Mao còn yêu sách nhiều thứ, lệnh của nữ hoàng, họ cần phải
trực tiếp hội kiến với Hoàng thượng để giải quyết nhiều vấn đề.
Trong gian phòng ấm cúng, êm ả một giờ trước đây, Từ
Hy còn ung dung ngồi vẽ những cành đào có hoa, tin khủng khiếp này làm bà rụng
rời chân tay. Bà nghe thân vương đọc tờ công văn, bà ngồi im, không nói một
lời. Thân vương đưa mắt nhìn chỗ khác, trong lòng nghĩ thương hại cho người đàn
bà trẻ, đẹp, cô đơn, ông nóng lòng xem bà chỉ phán ra sao. Bà nói:
- Trước hết, chúng ta không thể nào tiếp kiến bọn
khốn kiếp, ngoại lai ở trong hoàng cung. Riêng phần tôi, tôi vẫn hoài nghi bọn
đó hành động lấy danh nghĩa nữ vương, có lẽ nào bà ấy lại sai bọn chúng làm
càn. Tôi không thể đến một xứ lạ, xa xôi, tiếp xúc trực tiếp với nữ vưong để
biết rõ thực hư, cũng như tôi không thể công bố cho quốc dân biết Thiên tử đang
lâm trọng bệnh. Đông cung Thái tử còn nhỏ quá. Việc kế vị sẽ gây nhiều mầm mốngg
tai hại. Dù sao đi nữa và bất cứ giá nào, cũng không thể cho người ngoại quốc
vào đây dù với danh nghĩa nào. Phải trì hoãn, đợi thời cơ thuận tiện, hứa nữa,
vì đang tiết mùa đông.
Những sự ưu tư, ý nghĩ của thân vương đối nghịch hẳn
với những xét đoán, lí luận của bà Thái hậu, ông không sao thông cảm nổi. Ông
ôn tồn nói:
- Tâu lệnh bà, tôi xin nhắc lại những lời tôi đã
nói, lệnh bà chưa biết bản tính những hạng người đó. Bây giờ đã quá trễ, lòng
kiên nhẫn của họ lên đến tột độ.
- Hãy để xem sao, mình sẽ tính.
Bà không nói gì nữa. Thân vương cố biện luận khuyên
can, bà lắc đầu lia lịa, mặt tái đi, hai mắt có quầng, rất hung dữ, kinh
khủng:
- Hãy để xem sao mình sẽ tính sau.
Từ Hy nghĩ thầm: “Thật là Trời giúp ta.”
Năm đó rét lạ lùng, cổ kim chưa năm nào rét như năm
đó, sáng ngủ dậy, Từ Hy nhìn ra ngoài khung cửa sổ, thấy lớp tuyết dày gấp bội
đêm hôm qua. Công văn chạy hỏa tốc từ Quảng Đông về kinh chậm hơn mọi khi ba
lần thời gian, khứ hồi phải mất hàng mấy tháng. Viên tổng đốc chết mòn trong
ngục Calcutta, nhưng Từ Hy không cần biết. Hắn đã tận trung, tuyệt đối tuân
theo chỉ thị của triều đình, đến khi sa ngã không ai đoái hoài. Chẳng may, nếu
chết trong ngục, bà lấy đó làm cái gương cho người còn sống để phục vụ bà “Tôi
trung chết vì chúa.”
Mùa đông thấm thoắt trôi qua, xuân đến, nhưng một
mùa xuân đầy thù nghịch và hỗn loạn. Xuân năm đó, cây nảy mầm, trúc ra măng
cũng chậm hơn mọi năm. Trong hoàng thành những cây huệ trổ hoa trên đám than
củi có tro phủ, những cây mai lùn nở hoa trong lồng kính, trưng bày trong các
cung điện. Trong khung cảnh mùa xuân nhân tạo đó, bà Từ Hy cho treo những lồng
chim, tiếng chim líu lo hót làm bà vui thích. Vận nước suy vi, giang san
nghiêng ngả, bà lo lắng nhiều hôm mất ăn, mất ngủ, thỉnh thoảng bà lấy thú tiêu
khiển, mở lồng chim cho chim bay, đậu trên hai vai, trên bàn tay, mổ những hạt
mà bà cắn ở răng. Bà cũng thích chơi đùa với đàn chó. Những con vật hồn nhiên,
vô tri, vô giác đó là bà lãng quên được nỗi sầu muộn, tâm hồn được cởi
mở.
Đứa con trai bà còn nhỏ dại, thơ ngây, chỉ thích
quấn mẹ, không yêu ai hơn bằng mẹ. Khi nom thấy mẹ, nó bỏ hết mọi người xung
quanh, vội vàng chạy ra ôm mẹ. Đối với những người nào làm trái ý, có vẻ chống
đối, bà rất thẳng tay, không một chút nhân từ, nhưng bà rất hiền hòa đối với kẻ
dưới, những người có lòng yêu mến bà. Vì thế bà nhắm mắt, bỏ qua những tính hư,
tật xấu của tên thái giám Lý Liên Anh, vì tên thái giám này tận tâm phục vụ bà.
Tên này có tật xấu hay ăn cắp vặt, tham nhũng, hay vòi tiền những người nào
muốn xin ý kiến bà, để cầu cạnh một việc gì. Bà biết hết nhưng ngoảnh mặt làm
ngơ. Bà không than phiền ông vua về tình trạng ốm yếu bạc nhược, bất lực vì dâm
dục quá độ. Vì ham của mới, ông thay đổi gái mỗi đêm, có khi ông bất lực với
người ông thích, cho ông hạng gái tơ bồi tiếp thêm sức cho ông. Ngoài thể chất,
không đáng kể, linh hồn ông bà nắm gọn trong tay, bà mặc để ông muốn làm gì tùy
thích vì thực tình, con người đó bà không yêu, không thích. Bề ngoài, bà tỏ ra
vẻ dịu dàng, quyến luyến để che mắt mọi người và cũng trả ơn sự say mê đằm thắm
của ông đối với bà.
Cung thân vương biết hết những chuyện thầm kín đó,
mà Từ Hy cũng biết thân vương không là gì.
Bà suy luận trong khóe mắt, giọng nói của thân
vương, hắn biết nhưng để bụng không nói ra. Bà âm thầm, khổ tâm sống cô đơn,
chỉ những người tinh ý mới biết, bà kông thể thổ lộ tâm sự với ai. Thân vương
không mê bà, vì vợ ông, một tuyệt sắc giai nhân, tính nết hiền hòa, đối với Từ
Hy ông chỉ tận tụy trong chức vụ cố vấn.
Xuân qua, hạ tới, bà Từ Hy chưa quyết định có nên đi
thừa lương ở Viên Minh không? Bà muốn đến đó để tĩnh dưỡng. Suốt cả mùa xuân,
bà không bước chân ra khỏi cấm thành, bà nhớ đến cảnh trí thiên nhiên ở Viên
Minh. Chưa bao giờ bà lại có ý thức như lúc này, muốn được sống giữa cảnh thiên
nhiên, trời cao, núi non trùng điệp. Đêm bà không mơ tưởng đến chuyện tình dục,
bà muốn hưởng cảnh trăng thanh gió mát, những khu vườn rộng lớn, xa xa núi non
chập chùng.
Bà say sưa ngắm không chán mắt những phong cảnh vẽ
trên lụa, rồi đưa hồn vào cõi mộng. Bà tha thẩn đi chơi dọc sông hay bờ biển,
đêm ngủ trong rừng thông, trong một ngôi chùa có một bụi trúc che khuất. Khi
tỉnh dậy bà khóc, những cảnh vật đó đã tan biến, chỉ là một ảo giác.
Một hôm như một cơn dông bão đột khởi, những tin tức
rất bi quan, bà như có linh tính báo trước từ lâu thể nào cũng có, đưa đến
hoàng cung. Những sự ao ước, dự định đi thừa lương đành xếp hết lại. Những
chiến thuyền Tây phương, theo duyên hải, ngược lên phía Bắc. Những bưu trạm
thay phiên nhau chạy suốt ngày đêm để tống đạt công văn thượng khẩn lên kinh
thành. Làm sao công văn phải đến trước chiến thuyền quân địch đến pháo lũy
Taku, tiền đồn phòng thủ Thiên Tân, một tỉnh cách xa kinh thành hai mươi cây
số. Tất cả mọi người trong hoàng thành, lớn nhỏ, nghe thấy hung tin, hồn xiêu
phách lạc. Ông vua đang nằm trên giường, lơ mơ, nghe tin giặc đến, ông giật bắn
người. Ông ngồi nhổm dậy, truyền cấp tốc thiết triều, cho triệu thỉnh toàn ban
cơ mật vụ, thượng thư, thân vương, lưỡng cung đến dự trào ngồi sau tấm bình
phong chạm rồng. Từ Hy đến vịn tay vào viên thái giám, ngồi trên một chiếc ngai
lớn nhất. Một lúc sau, bà Đông cung Từ An đến. Bà Từ Hy theo phép lịch sự đứng
dậy, nghiêng đầu chào bà. Bà Đông cung có vẻ đã già, tuy bà mới có ba mươi hai
tuổi. Nhưng mặt bà dài thuỗn, hốc hác, buồn buồn, bà cố nhếch mép nở một nụ
cười khi bà Từ Hy đến nắm tay.
Lúc này không ai để ý đến những làn sóng ngầm, xích
mích, bằng mặt không bằng lòng giữa những cá nhân khi tất cả quốc gia đang rung
chuyển. Tất cả triều thần, văn võ bá quan, hoàng thân quốc thích, trong lòng
hồi hộp lo sợ, lắng tai nghe Cung thân vương đứng giữa triều đường đọc to những
tin tức khủng khiếp vừa nhận được. Hoàng thượng mặc áo lông cổn, ngồi trên ngai
vàng, đầu cúi xuống lấy chiếc quạt lụa che kín nửa mặt.
Cung thân vương nói rõ tất cả sự thật phũ phàng, đau
đớn. “Mặc dù những thiện chí, cố gắng liên tiếp của triều đình, quân Tây phương
không chịu ở phương Nam, họ muốn bành trướng, xâm đoạt toàn lãnh thổ của nước
ta. Những chiếc thuyền, bộ đội, súng ống, đạn dược, theo dọc duyên hải, ngược
lên phía Bắc. Chúng ta chỉ còn hi vọng, không biết những pháo lũy ở Hà Khẩu có
đủ lực ngăn chặn được bọn chúng khỏi lọt vào Thiên Tân không? Nếu chẳng may
chúng phá được Hà Khẩu, vào được Thiên Tân, giặc sẽ tiến thẳng về hoàng thành.”
Tiếng rên rỉ buồn thảm lẫn tiếng thở dài của bọn
người đang quỳ mọp trước sân rồng, đầu cúi gầm, trán chạm đất.
Cung thân vương ngập ngừng một lúc rồi nói
tiếp:
- Nói ra bây giờ e còn sớm quá, song tôi nghĩ quân
Man Di không chịu theo luật lệ của nước mình. Dám có thể chúng kéo đến hoàng
cung, chúng ta không thể đuổi chúng về phương Nam. Mình phải có can đảm nhìn
vào sự thật, không phải lúc còn mơ mộng. Tình thế thật phần nguy biến, tương
lai đen tối, sầu thảm.
Khi Cung thân vương dứt lời, Hoàng thượng tuyên bố
bãi triều, ngài cần phải suy nghĩ, cân nhắc trước khi ra quyết nghị. Vịn vào
hai cánh tay của hai Hoàng tùng đệ, ngài ngự sắp bước chân xuống ngai, đột
nhiên có tiếng lanh lảnh của Từ Hy sau tấm bình phong nói lớn lên:
- Đúng lẽ, tôi không có quyền phát biểu, song tôi
mạn phép quyết nghị vì tình thế quá cấp bách.
Hoàng thượng ngập ngừng không biết nói sao, ngoảnh
đầu bên trái, bên phải, cử tọa vẫn quỳ mọp, im phăng phắc, đầu cúi gằm.
Trong bầu không khí nặng nề đó, tiếng Từ Hy lại sang
sảng vang lên:
- Đối với quân mọi rợ, man di đó, tôi đã nhiều lần
khuyên can triều thần nên có thái độ kiên nhẫn. Tôi cũng đã nói nhiều lần phải
cố chờ cho đến khi nào mình có thời cơ thuận tiện. Bây giờ tôi nhận ra làm như
thế tôi đã phạm vào lỗi lầm. Tôi thay đổi ý kiến, tôi không dùng chính sách hòa
hoãn, kiên nhẫn nữa, không hẹn hò gì hết. Tôi xin tuyên chiến với quân xâm
lược. Vì sự tồn vong của quốc gia, một vấn đề sinh tử, tất cả mọi người phải
đồng lòng hi sinh: đàn ông, đàn bà, con nít.
Nếu lời nói đó là lời nói của một người đàn ông, cử
tọa đã hoan nghênh tán thành. Nhưng tiếng nói đây là tiếng nói một phụ nữ, dù
cho người đó là Thái hậu. Không ai nói gì tán đồng quan điểm hay phản đối.
Hoàng thượng ngồi cúi đầu chờ xem có ai nói gì không. Thấy không ai nói năng,
bàn soạn ra sao, ông lại vin vào hai cánh tay của hai người em, bước xuống
ngai, đi ngang qua các đình thần đang quỳ mọp, ông bước lên ngọc liễn trở về
cung.
Ông vua đi rồi, hai bà Thái hậu cũng rút lui, hai
người không nói năng gì, trừ mấy câu xã giao cần thiết. Bà Từ Hy nhận thấy bà
Từ An muốn tránh né, hai mắt bao giờ cũng nhìn đi chỗ khác. Bà Từ Hy về cung
chờ không thấy Hoàng thượng cho người đến triệu thỉnh.
Bà cho gọi Lý Liên Anh đến, hầu mách, ban ngày vua
cho vời một, hai cung nữ đến hầu, không thấy nhắc đến bà. Tin này hắn mách là
do viên chưởng quản thái giám cho biết, vì hắn túc trực bên cạnh vua. Lý Liên
Anh nói:
- Tâu lệnh bà, Hoàng thượng không quên lệnh bà, song
ngài sợ những biến cố có thể đột khởi. Ngài chờ xem các quan đại thần nghị luận
ra sao.
Từ Hy kêu lên:
- Như thế này, đại sự hỏng rồi.
Bà công khai đả kích hoàng thượng, Lý Liên Anh làm
như không nghe thấy gì.
Sáng hôm sau, bà nghe nói không chống cự lại quân
ngoại xâm Tây phương. Việc đó trái với ý nghĩ, đường lối của bà. Theo lời đề
nghị của hội đồng liên bộ, Hoàng thượng đề cử một phái đoàn, ba người có uy tín
để điều đình với quân Hồng Mao ở Thiên Tân. Trong số ba người được đề cử có Quế
Liên, nhạc phụ Cung thân vương, một người có tiếng khôn ngoan và thận trọng. Bà
Từ Hy nghe tin này, bà rít lên:
- Hỏng, hỏng, ông già này làm sao đối thủ được với
quân mọi. Ông vừa già nua, ốm yếu, quá thận trọng, ôm một mớ lí thuyết thánh
hiền để nói chuyện với quân man di. Hỏng. Hỏng quá.
Bà xét đoán rất hữu lí. Ngày 04 tháng 7, ông già Quế
Liên kí với quân giặc một bản thỏa ước. Bản thỏa ước đó, một năm sau, được đức
vua phê chuẩn. Thỏa ước bị cưỡng bách kí kết dưới áp lực của sức mạnh, súng đạn
và lưỡi lê, lại được sự hậu thuẫn của quân đội Nga, Mỹ, quân đội Hồng Mao và
Phú Lăng Sa đã thu hoạch rất nhiều thắng lợi, được thỏa mãn hầu hết các yêu
sách. Theo thỏa ước này, hai quốc gia (Anh, Pháp) có quyền đặt lãnh sự tài phán
ở Bắc Kinh, các nhà truyền giáo, thương mại, có đặc quyền đi lại trên khắp lãnh
thổ Trung Quốc, không bị luật lệ bản xứ chi phối. Hán Khẩu một giang cảng ở
trung tâm nội địa cách Bắc Kinh khoảng một nghìn năm trăm cây số được mở cho
người da trắng thông thương. Họ có quyền xây các nhà cửa, cơ sở, doanh
trại.
Từ Hy đọc xong những điều khoản trong thỏa ước, bà
ngồi lì trong phòng ba hôm liền, không ăn, không ngủ, không thiết làm một việc
gì. Bà cấm không cho các thể nữ, a hoàn vào phòng bà. Người a hoàn hầu cận thấy
bà thế, lo ngại quá, ngầm báo Lý Liên Anh đến nói cho Cung thân vương biết. Bà
Tây cung mấy hôm nay nằm liệt giường như một xác chết. Bà khóc hết nước
mắt.
Cung thân vương được tin đó, vội đến cung bà Thái
hậu. Bà Từ Hy chịu cho tắm rửa, thay quần áo, ăn uống trở lại. Bà tiếp thân
vương ở thư viện hoàng gia nghe thân vương trình bày lí lẽ về bản thỏa
ước.
- Tâu lệnh bà, lệnh bà nghĩ coi một người có uy tín
thận trọng như nhạc phụ tôi phải chịu khuất phục kí bản thỏa ước vì không còn
cách nào hơn. Chúng ta không được do dự, không được lựa chọn. Nếu chúng ta
khước từ họ, họ sẽ tiến quân lên kinh thành.
Từ Hy bĩu mồm:
- Chỉ là một cái lối cưỡng bách dọa nạt mình.
- Không phải họ dọa nạt. Tôi biết quân Hồng Mao họ
nói gì là họ làm.
Thân vương nói đúng hay sai, bà cũng không nói gì.
Sự việc đã rồi, bà đành khoanh tay, bà thấy lòng buồn vô hạn. Con bà còn nhỏ
quá, làm sao cầm quyền binh, bảo vệ được nhà, được nước. Bà bồn chồn, nóng
ruột, đứng dậy, như ngầm bảo thân vương cáo lui, bà trở về cung.
Suốt bao nhiêu ngày đêm, bà ngồi một mình nghiền
ngẫm kế hoạch. Để giấu kín tâm tư, bà tỏ ra rất niềm nở, bặt thiệp với tất cả
mọi người, chiều theo ý vua, chờ đợi thời cơ, bà luyện rèn tâm trí.
Quân đội Tây phương đã được thỏa mãn các yêu sách,
đóng quân tại chỗ, không tiến lên mạn Bắc.
Ngày tháng trôi qua, mùa hè sang năm, bản thỏa ước
được đem ra phê chuẩn, bà đã làm việc phê chuẩn bản thỏa ước không thành tựu.
Việc đó bà đã thắng không phải bằng lời nói hay dọa nạt nhưng bằng những mánh
khóe bà lung lạc được ông vua hèn yếu.
Suốt một năm trời hết sức chiều chuộng ông vua đầu
mày cuối mắt, bà đã làm ông bị mê hoặc, tất cả tinh thần thể chất ông bà nắm
được cả trong tay. Theo kế hoạch của bà, ông đã dùng thể lực mật phái, các sứ
giả, nhờ các vị quan sở tại làm trung gian và môi giới, đút lót vàng bạc tiền
nong cho bọn bạch chủng để họ không tiến quân lên mạn Bắc.
Các sứ giả được phái đi vào cuối năm trước, sang đầu
năm sau, vua truyền lệnh cho tăng cường phòng thủ ở Hà Khẩu, với những vũ khí
mua lén lút của người Mỹ. Những sự kiện này do bà Từ Hy hoạch định, khuyến dụ
vua trong phòng kín, trong khi bà giải trí cho vua, chịu khuất phục, chiều ý
khích động ông, bà đọc những chuyện dâm ô, đĩ thõa của một loại sách bà lấy
trong tủ sách của bọn hoạn quan.
Mọi người ở trong hoàng thành nhốn nháo, lo sợ,
không biết vì lẽ gì mà vào đầu mùa hạ, những công văn thượng khẩn cấp báo,
người Tây phương không chấp thuận sự sửa đổi, trì hoãn việc thi hành thỏa ước
đã được hai bên kí kết. Dưới quyền chỉ huy của viên thủy sư đô đốc, người Hồng
Mao tên la Hope, hạm đội chiến thuyền của họ tiến về mạn Bắc, vượt quá tỉnh
Thượng Hải. Người dân ở ngoài phố cũng như các triều thần cho là một sự dọa
nạt, mọi người vẫn bình tĩnh, không sợ. Các đồn ải ở Hà Khẩu đã được phòng thủ
đến mức tối đa, quân đội hoàng gia được tăng cường để khích lệ ba quân, nhà vua
còn treo giải thưởng cho những đơn vị lập được chiến công.
Nhờ có “Hoàng thiên hậu thổ”, án trợ phù hộ, quân
thù đã bị đẩy lui thực sự, ba chiến thuyền bị đánh đắm, giết được hơn ba trăm
quân giặc. Được tin cấp báo thắng trận, vua hết sức vui mừng, cảm ơn bà Từ Hy
đã có sáng kiến rất hay đem lại vinh quang cho Thanh triều. Nhân cơ hội đó bà
khuyên vua từ khước hết không chấp nhận một điều gì. Thỏa ước vì thế không được
phê chuẩn.
Quân bạch chủng cuốn cờ rút lui, sự thanh bình trở
lại. Cả nước ngưỡng mộ Thiên tử cho là một vị anh quân, mưu thần chước quỷ, đã
biết lợi dụng thời cơ để hành động. Một trận toàn thắng rực rỡ vẻ vang, nhờ về
mưu thuật, dùng kế hoãn binh, hư hư thực thực, gieo rắc sự hoài nghi cho quân
thù có một ý niệm sai lầm về thực lực của quân đội hoàng gia. Đúng vậy, đối với
thần dân cả nước, Hoàng thượng là một đấng anh quân, minh chúa, lỗi lạc, tài
ba. Cương vị của ông sáng chói như vầng nhật nguyệt.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người biết người nào trong
bóng tối đã giật dây ông. Những người biết chuyện vô cùng ngưỡng mộ bà Tây
cung, họ còn phao truyền bà có ma uy thần lực ám trợ, họ còn ca tụng bà có một
sắc đẹp tuyệt luân.
Người ta tuy khen nhưng không dám nói to vì sợ phạm
thượng, ở trong cung bọn thái giám hết lòng phục vụ, chiều theo ý bà từng tí.
Duy chỉ có Cung thân vương vẫn thấy e ngại, ông
tuyên bố:
“Bọn người Tây phương như loài cọp báo, khi chúng bị
thương chúng lẩn trốn, nhưng coi thường chúng vồ mình lúc nào không biết.”
Có lẽ ông vương này quá lo xa, vì suốt cả một năm
trong nước yên tĩnh, thái bình. Bà Từ Hy tiếp tục trau dồi học vấn, Thái tử lớn
như thổi, mạnh khỏe, tuấn tú. Người ta có đem dâng Thái tử một con ngựa đen rất
đẹp, loại tuấn mã, để Thái tử học cưỡi ngựa. Tính cậu nhỏ hay hát, mồm cười toe
toét suốt ngày. Địa vị được củng cố vững vàng, bà Từ Hy bây giờ không phải e
ngại gì hết. Sang hạ trời nắng ráo, bà có ý định đi thừa lương ở Viên Minh với Thái
tử và các thể nữ đi tháp tùng. Sau một năm thái bình, tứ phương vô sự, bà muốn
đi thừa lương tĩnh dưỡng.
Nhưng chao ôi! Ai có thể tiên tri biết được ngày mai
ra sao? Triều đình, vua quan, lưỡng hậu, Thái tử vừa tới địa hạt Nguyên Minh
Nguyên, hạt sở tại cung Viên Minh thì có tin cấp báo quân Hồng Mao nóng lòng
phục thù, bất thần tấn công duyên hải miền Bắc với sự tán trợ của quân đội Phú
Lang Sa. Tháng 7 năm đó, hai trăm chiến thuyền với một quân số hai mươi ngàn
người, chiếm hải khẩu Yên Bài, trong tỉnh Sơn Đông. Quân ngoại xâm không cần
điều đình, kí kết gì hết, sửa soạn tiến quân thẳng về hoàng thành.
Ngày đêm công văn tới tấp bay đến, đem toàn những
hung tin. Tình thế quá cấp bách, nguy kịch, không phải lúc còn che đậy, giấu giếm
hay bàn cãi. Lão trượng Quế Liên lại được đề cử cùng mấy người đi điều đình với
địch quân.
Vua sợ quá run lập cập, dặn dò ông trưởng phái
đoàn:
- Họ đòi gì, yêu sách gì, nhận hết, nhận hết, nhượng
bộ, nhượng bộ, không cần bàn cãi, thảo luận. Tình thế nguy quá rồi, trẫm chết
mất.
Bà Từ Hy đứng cạnh vua lúc đó, bà nói:
- Không thể thế được, không thể thế được. Như thế
nhục nhã quá, còn ra thể thống gì nữa. Hoàng thượng đã quên trận chiến thắng
mới rồi sao? Bây giờ là lúc mình cho quân đội nghênh chiến, lúc này là lúc mình
phải phô trương binh lực của mình. Mình phải đánh, phải đánh, đâu có thể nhượng
bộ dễ dàng như thế được.
Ông vua không nghe bà nói, lấy cánh tay phải đẩy bà
ra xa (Cánh tay phải bây giờ đã khỏe, cử động được), ông quay mặt về ông già
Quế Liên, ông nói:
- Khanh đã hiểu ý trẫm nói chưa?
- Tâu Hoàng thượng hạ thần đã nghe rõ và xin phụng
chỉ.