Người trong ảnh - Chương 14 - 15
Chương mười bốn
BÁC SĨ NICHOLSON
Sáng hôm sau Frankie đi thăm dò
bà Sylvia.
Cô bắt đầu bằng cách hỏi với một
giọng lơ đãng:
- Cái ông mà bà đã nói tới chiều
hôm qua tên là gì nhỉ? Alan Carstairs phải không? Hình như tôi đã nghe nói đến
cái tên này ở đâu thì phải.
- Tôi cho là như vậy. Ông Alan
Carstairs là người nổi tiếng trong giới của mình... Đó là một người Canada... Nhà
vạn vật học, nhà thám hiểm và nhà săn bắn ác thú. Tôi không quen biết ông này,
nhưng một hôm ông bà Rivington, những người bạn của chúng tôi đã dẫn ông ấy tới
đây để ăn trưa. Ông ấy là một người đàn ông rất đẹp... cao lớn, lực lưỡng, da
rám nắng, cặp mắt màu xanh và rất linh lợi.
- Tôi cũng đã nghe nói như vậy.
- Từ bấy đến nay ông ấy chưa trở
lại đây lần nào. Năm ngoái ông ấy cùng ông Jones Savage, một nhà tỉ phú sang
châu Phi. Sau này ông Savage cho mình mắc chứng ung thư và đã chết một cách bi
thảm. Ông Carstairs là người nổi tiếng ở Đông Phi và Nam Mỹ, tôi nghe nói
như vậy.
- Ít nhất thì đây là con người ưa
phiêu lưu, mạo hiểm.
- Đúng thế, và là một người đáng
mến, sống rất đơn giản.
- Thật là lạ lùng khi ông
Carstairs lại rất giống với người chết vì ngã từ vách đá xuống vực sâu ngày nọ
- Frankie lưu ý bà Sylvia.
- Chúng ta phải tự hỏi tại sao
lại có hai người giống hệt nhau như vậy.
Lúc này Frankie tin chắc nạn nhân
của tấn thảm kịch ở Marchbolt không phải ai khác mà chính là ông Alan
Carstairs. Người chết có tất cả những đặc điểm trên. Không người thân thích,
không bạn bè, người ta không thể nhận ra ngay lập tức sự biến mất của ông. Cái
chết của một người Canada
thường công tác ở châu Phi, ở Nam Mỹ đã không được ai chú ý... Mặt khác, tuy bà
Sylvia có nhận xét về sự giống nhau giữa ông Alan Carstairs và tấm ảnh của
người qua đời đăng trên báo, nhưng bà cũng không khẳng định đây chỉ là một
người. Ai đã đưa ông Alan Carstairs tới lâu đài này nhỉ?... A! Nhớ ra rồi, vợ
chồng nhà Rivington!
Thấy rõ đây là một mục tiêu quan
trọng, Frankie tự nhủ phải điều tra cho rõ về ông Alan Carstairs.
Suy nghĩ của cô lại trở lại câu
nói bí hiểm. Đây là điểm xuất phát của mọi việc. Tại sao không là Evans?
Evans ư? Ai là Evans? Nhân vật
này có vai trò gì trong tấn thảm kịch?
Kẻ giết người có phải là Roger
Bassington-ffrench không? Frankie cho rằng đây là điều không thể. Cô cho rằng
tác giả của vụ này chính là vợ chồng người em gái của nạn nhân - Leo
Cayman.
Nhưng còn tấm ảnh?
Lúc này vợ chồng bác sĩ Nicholson
đã tới dự bữa chiều với gia đình nhà Bassington-ffrench. Vừa thay quần áo xong
thì Frankie nghe thấy tiếng còi ôtô ngoài cổng. Nhìn ra cửa sổ hướng về phía ấy
cô thấy một người đàn ông cao lớn vừa ra khỏi chiếc xe hơi nhãn hiệu Talbot sơn
màu xanh xậm.
Frankie vội vàng rụt đầu vào.
Một ý nghĩ vừa xuất hiện trong óc
cô. Alan Carstairs là người Canada,
bác sĩ Nicholson cũng vậy, và ông bác sĩ cũng lái chiếc Talbot màu xanh xậm...
Một sự trùng hợp kì lạ.
Frankie xuống nhà để dùng bữa.
Bác sĩ Nicholson lực lưỡng như
một vận động viên điền kinh, nói năng một cách chậm chạp và có phần khoa
trương. Đằng sau cặp kính dày là đôi mắt màu xanh nhạt đang lấp lánh.
Vợ ông là một phụ nữ xinh đẹp,
dong dỏng cao, trạc hai mươi bảy tuổi. Cô ta nói nhiều nhưng thường tỏ ra bồn
chồn như đang che giấu một chuyện gì đó, đây là cảm tưởng của Frankie.
- Cô là nạn nhân của một vụ tai
nạn ư, tiểu thư Frances? - Bác sĩ Nicholson hỏi và ngồi xuống bên Frankie.
Cô gái có phần bối rối khi nhắc
lại chuyện này. Có thể nói rằng cô sợ người ta tố cáo việc làm này của mình.
- May mà cô đã thoát nạn! - Ông
bác sĩ kêu lên khi nghe cô kể một cách qua loa cho xong - Dù sao cô cũng đã
bình phục rất nhanh.
- Ô! Cô ấy chưa khỏe hẳn đâu - Bà
Sylvia can thiệp - Chúng tôi còn phải giữ cô ấy lại đây.
Một nụ cười nhạt nhẽo trên môi
người bác sĩ.
- Tôi muốn bà giữ tiểu thư Frances ở lại
đây càng lâu càng tốt.
Frankie ngồi giữa bác sĩ
Nicholson và ông chủ nhà. Chiều nay ông Henry Bassington-ffrench tỏ ra ít nói;
ông ăn rất ít và không tham gia vào câu chuyện nào.
Người vợ của bác sĩ Nicholson
ngồi bên, nhưng cũng không thể làm cho ông ta vui lên được, đành quay sang nói
chuyện với Roger. Frankie chú ý thấy cô ta thường nhìn trộm chồng. Ông bác sĩ
đang nói về cuộc sống ở nông thôn.
- Tiểu thư Frances, cô có biết
thế nào là trồng cây không?
- Ông muốn hỏi tôi về lí thuyết ư?
- Bị hỏi một cách bất ngờ Frankie hỏi lại.
- Không, không! Tôi muốn nói về
những mầm cây được nuôi trong huyết thanh kia. Điều kiện sống, thời gian và
không gian cũng như sự nhàn rỗi ở nông thôn có thể cho chúng ta những mầm mống
về đạo đức.
- Ông muốn nói những thói xấu ư? -
Frankie bực mình hỏi lại.
- Cái đó còn tùy vào việc người
ta nuôi những mầm mống nào.
“Một câu chuyện kì cục - Frankie
nghĩ - Ông ta muốn hăm dọa mình ư?”
Cô nói một cách dửng dưng:
- Tôi đang nuôi dưỡng mọi tật xấu
ư?
Người bác sĩ nhìn cô và bình tĩnh
trả lời:
- Ô! Tôi không tin là như vậy,
tiểu thư Frances. Theo tôi thì cô là người vẫn đứng trong sự trật tự và pháp
luật.
Bất chợt người vợ của ông
Nicholson lên tiếng:
- Chồng tôi vẫn thường hay phân
tích tâm lí của con người như vậy đấy.
Ông bác sĩ gật đầu.
- Em có lý. Moria. Hơn nữa anh
thường chú ý đến mọi chi tiết. (Ông ta quay sang phía Frankie). Trong vụ tai
nạn của cô, tôi chưa rõ một điểm...
- Điểm gì vậy?
Tim của Frankie đập mạnh.
- Đó là người bác sĩ đi qua và đã
mang cô vào đây. Tại sao ông ta lại quay xe lại để cấp cứu cho cô?
- Tôi không biết.
- Cô không biết là phải vì lúc ấy
cô đang bị ngất đi; nhưng Reeves, anh chàng đưa thư, đi xe đạp từ làng
Staverley tới nói rằng không có một chiếc xe hơi nào chạy vượt anh ta. Khi đi
tới khúc quành, anh ta thấy cô bị tai nạn và chiếc xe hơi của ông bác sĩ đã
quay đầu lại, chạy ngược hướng xe vừa đi tới, tức là từ Londres tới. Cô nắm
chắc lập luận của tôi chứ? Ông bác sĩ ấy không từ làng Staverley đi tới mà đang
trên đường từ Londres tới Staverley... Chưa hết, chiếc xe đã quay ngược hẳn lại
với hướng trước kia nó đã đi.
- Có thể là xe đã tới làng
Staverley trước đó thì sao?
- Như vậy khi cho xe xuống dốc cô
đã nhìn thấy nó.
Đôi mắt màu xanh qua cặp kính
đang nhìn Frankie.
- Tôi không nhớ gì cả - Cô trả
lời.
- Anh nói như một nhà thám tử -
Moria Nicholson bảo chồng - Đó là những chi tiết chẳng có gì là quan trọng.
- Như đã nói, tôi thường chú ý
đến mọi chi tiết kia mà - Ông bác sĩ nhấn mạnh.
Sau đó ông ta quay sang phía bà
Sylvia để nói về cậu con trai của bà.
Frankie yên tâm. Tại sao ông ta
lại hỏi cô như vậy? Ai đã cho ông ta biết những chi tiết ấy của vụ tai nạn? Ông
ta đã nói hai lần câu “tôi thường chú ý đến mọi chi tiết”. Sự nhấn mạnh ấy có
nghĩa như thế nào?
Frankie nhớ lại chiếc Talbot và
chi tiết Alan Carstaris là người Canada. Nhưng rõ ràng bác sĩ
Nicholson đã để lại cho cô một ấn tượng xấu.
Sau bữa ăn, Frankie tránh mặt
người chồng và nói chuyện vói người vợ. Trong khi trò chuyện cô thấy cô Moira
vẫn thường nhìn trộm chồng.
Bác sĩ Nicholson nói chuyện với
bà Sylvia cho đến lúc mười rưỡi thì ông ta quay sang nhìn vợ: với dấu hiệu ấy
hai người cáo từ ra về.
- Thế nào - Khi khách mời ra về,
Roger hỏi - Cô thấy bác sĩ Nicholson ra sao?
- Tôi đồng ý với bà Sylvia. Tôi
không thích người chồng: tôi ưa người vợ hơn.
- Cô ta rất đẹp, nhưng phải cái
hơi ngốc nghếch. Người ta không biết bà vợ kính trọng hay là sợ chồng...
- Đây đúng là câu hỏi tôi muốn
đặt ra.
- Tôi không thích ông chồng - Bà
Sylvia nói - Nhưng tôi biết ông ta là một bác sĩ có tài. Ông ta đã chữa thành
công một cách kì diệu cho những người nghiện ma túy mà các bác sĩ khác đã chịu
bó tay.
Bất chợt ông Henry
Bassington-ffrench kêu lên:
- Không nói chuyện ấy nữa! Các vị
có biết đã có những gì xảy ra trong cái trại cai nghiện ấy không? Các vị có
biết những nỗi đớn đau khủng khiếp của những người bệnh khốn khổ bị bắt buộc
tới đó không? Người ta không cho họ dùng ma túy nữa... và họ đã trở thành những
người điên! Đấy là cách chữa trị cho những người bệnh không có khả năng tự
vệ của ông bác sĩ nổi tiếng của các người đấy!
Ông Henry bỏ đi sau khi nói xong.
Bà Sylvia hốt hoảng:
- Có chuyện gì đến với anh Henry
vậy? Anh ấy có vẻ giận dữ.
Frankie và Roger không dám nhìn
nhau nữa.
- Ông ấy có vẻ lơ đãng trong suốt
chiều nay - Frankie nhận xét.
- Phải, tôi cũng thấy như vậy.
Gần đây anh ấy hay cáu gắt. Tôi rất tiếc là anh ấy không thể cưỡi ngựa được
nữa. Bác sĩ Nicholson lại mời Tommy đến chơi vào ngày mai nữa chứ... Tôi lo
ngại khi cháu lui tới chỗ ấy... với những bệnh nhân điên dại ấy...
- Tôi hi vọng là ông ta không cho
cháu gặp những người ấy - Roger nói - Hơn nữa ông ta rất quý trẻ con.
- Phải ông ấy đã tiếc rằng mình
không thể có con. Có thể là bà vợ cũng vậy...
- Nếu bác sĩ Nicholson thích trẻ
con chắc hẳn ông ta có mặt trong ngày hội Thiếu nhi, đúng không? - Frankie hỏi
bằng một giọng tự nhiên.
- Không may là hôm ấy ông bác sĩ
không ở nhà. Ông ấy được triệu tập trở về Londres gấp.
Mọi người trở về phòng của mình.
Trước khi đi nằm, Frankie viết thư cho Bobby.
Chương mười lăm
MỘT VỤ KHÁM PHÁ
Bobby buồn bực vì không được tham
gia vào công cuộc điều tra.
George Arbuthnot đã gọi điện cho
anh báo tin mọi việc đã được tiến hành chu đáo. Hai ngày sau, anh nhận được một
bức thư của Frankie do bà hầu phòng của cô gái chuyển đến.
Từ bấy đến nay không có tin tức
gì nữa.
- Cậu có thư! - Badger gọi anh.
Anh vội vàng chạy tới và nhận ra
nét chữ của cha anh và dấu bưu điện quận Marchbolt trên phong bì.
Ngay lúc ấy, anh thấy bà người
hầu của Frankie đang đi đến. Bà ta đưa cho anh lá thư thứ hai.
“Bobby thân mến,
Đã đến lúc anh có thể tới đây
được rồi. Tôi đã dặn những người giúp việc giao cho anh chiếc Bentley khi anh
hỏi họ. Anh kiếm một bộ đồng phục tài xế màu xanh xậm. Trình bày hoàn cảnh với
cha tôi để xin việc. Chú ý bộ ria mép đấy; cái đó làm cho anh thay hình đổi
dạng.
Khi tới đây, anh yêu cầu được
gặp tôi: Anh nên mang trên tay một lá thư của cha tôi. Báo tin cho rôi rằng xe
đã được sửa chữa tốt rồi. Nhà để xe của lâu đài chỉ có hai chỗ, đã có chiếc xe
hòm của gia đình và chiếc xe nhỏ của Roger Bassington-ffrench để ở đây rồi, anh
cần tìm một quán trọ ở làng Staverley để ở và để chữa xe.
Khi trọ ở đây, anh sẽ tìm hiểu
người có tên là Nicholson, bác sĩ một trại cai nghiện ma túy. Tôi thấy có nhiều
dấu hiệu khả nghi ở ông ta: ông bác sĩ có chiếc Talbot màu xanh sậm và vắng mặt
ở nhà đúng vào ngày mười sáu, ngày anh bị đầu độc hơn nữa ông ta rất chú ý đến
nhiều chi tiết trong vụ “tai nạn” của tôi.
Tôi cho rằng mình đã biết
người chết là ai rồi.
Tạm biệt người cộng tác thân
mến.
Người bị nạn mạnh khỏe của
anh,
Frankie
Tái bút - Tôi gửi bưu điện cho
anh lá thư này vì anh sẽ gửi cho tôi qua bà người hầu đã mang thư tới cho anh”.
Bobby rất vui mừng khi đọc xong
bức thư.
Không để mất thời gian, anh thay
bộ quần áo lao động và báo tin cho Badger mình có việc phải đi. Trong lúc vội
vàng, anh đã quên không đọc thư của cha anh. Anh bóc phong bì một cách ít phấn
khởi. Thư của ông mục sư thường toát lên một không khí đạo giáo làm suy sút
tinh thần người đọc.
Ông mục sư cho anh biết những tin
tức trong cuộc sống trong làng quận Marchbolt, kêu ca về tổ chức và tinh
thần giáo dân của những người coi giữ nhà thờ. Ông mong con trai cố gắng làm
việc và xử sự mọi việc như một người đàn ông, như người cha đáng kính của anh.
Đoạn tái bút viết như sau:
“Có một người tới đây để hỏi địa
chỉ ở Londres của con. Ta đi vắng và ông ta không để tên của mình lại. Bà
Robert nói đây là một người cao lớn, lưng hơi gù, đeo cặp kính kẹp mũi. Ông ta
lấy làm tiếc vì không gặp được con và nói là sẽ liên lạc với con vào một ngày
nào đó.”
Một người cao lớn, lưng gù, mang
kính kẹp mũi ư? Bobby điểm lại các bạn bè của mình; không có ai như vậy cả.
Bất chợt anh lo ngại. Kẻ thù bí
mật ấy đang tìm anh ư? Nếu bà Roberts đã cho hắn địa chỉ thì hắn sẽ tìm đến
xưởng thợ. Hắn sẽ theo dõi mỗi bước anh đi... trong trường hợp như vậy thì anh
sẽ gặp nguy hiểm.
- Badger! - Bobby gọi.
- Gì vậy, ông bạn?
- Lại đây.
Anh dặn dò bạn trong năm phút
đồng hồ cho đến khi Badger thuộc lòng những lời dặn mới thôi.
Sau đó, một mình Bobby ngồi lên
chiếc Fiat hai chỗ ngồi sản xuất từ năm 1902 và cho xe chạy vào trung tâm thành
phố.
Anh cho xe đỗ ở câu lạc bộ của
mình tại phố Saint James và vào trong đó để gọi điện thoại. Hai
tiếng đồng hồ sau đó anh nhận được gói hàng đề tên anh.
Cuối cùng, lúc ba giờ rưỡi, một
người lái xe trong bộ đồng phục màu xanh xẫm đi bộ trên phố Saint James và đến
bên chiếc Bentley to lớn, có mặt ở đây chừng nửa tiếng đồng hồ. Người trông coi
bãi đậu xe chào anh và nói: người gửi xe nói lắp bảo sẽ có người tới nhận.
Bobby đánh xe ra phố không gặp
trở ngại gì trong khi đó thì chiếc Fiat vẫn nằm đợi chủ. Bobby rất sung sướng
tuy môi trên hơi run run. Đáng lẽ phải đi theo hướng nam thì anh cho xe chạy
theo chiều ngược lại.
Đó chỉ là một cách đề phòng. Khi
tin chắc rằng không có ai theo dõi, anh cho xe rẽ sang trái và chạy trên đường
đi Hampshire.
Trong lúc ở lâu đài Meroway Court
mọi người đang dùng trà thì một chiếc Bentley lớn tiến vào sân trên đó người
lái xe nghiêm chỉnh ngồi trước vòng lái.
- Này! - Frankie nói - Đây là xe
của tôi.
Cô đến bên chiếc xe.
- Chào anh Hawkins. Mọi việc đều
tốt cả chứ?
Người tài xế đặt tay lên vành mũ.
- Vâng, thưa tiểu thư. Xe hoàn
toàn tốt.
- Được rồi.
Người lái xe đưa cho Frankie một
phong thư.
- Thưa tiểu thư, đây là thư của
ngài quận công.
Cô cầm lấy bì thư.
- Hawkins, anh đi thuê một phòng
trọ... ở quán “Những người câu cá” trong làng Staverley. Sáng mai tôi sẽ gọi
điện cho anh nếu tồi cần xe.
- Vâng, thưa tiểu thư.
Bobby chào và đánh xe trở ra
đường cái.
- Rất tiếc là nhà để xe của chúng
tôi nhỏ quá. Một chiếc xe tuyệt đẹp!
- Với chiếc xe ấy người ta có thể
phóng với tốc độ thật nhanh - Roger nhận xét.
Ý kiến của Roger có vẻ thờ ơ.
Điều ngược lại mới làm cho Frankie ngạc nhiên. Bản thân cô cũng không nhận ra
đây là Bobby nếu ngẫu nhiên cô gặp anh ở ngoài đường. Bộ ria mép rất tự nhiên
cộng thêm dáng điệu cứng đơ ít thấy ở Bobby đã làm cho việc cải trang thêm hoàn
mỹ.
Hơn thế, Bobby đã thay đổi giọng
nói khiến cô phải thừa nhận anh là người có nhiều tài năng mà trước kia cô
không nhận ra.
Bobby đến trọ ở quán “Những người
câu cá”. Lúc này anh đang sắm vai Edouard Hawkins, tài xế của tiểu thư Frances
Derwent.
Anh không rõ cách sinh hoạt đời
thường của các tài xế như thế nào. Anh hình dung là mình phải kiêu căng lên một
chút. Những cái nhìn của các cô hầu trẻ trong quán càng khuyến khích anh làm
như vậy. Anh nhận ra rằng vụ tai nạn của Frankie là chuyện đang được bàn tán
trong làng Staverley.
Bobby tỏ vẻ lãnh đạm với vợ chồng
chủ quán khiến ông chủ phải nói chuyện với anh trước.
- Anh chàng Beaves đang đứng ở
đấy, anh ta được mục kích vụ tai nạn.
Bobby khâm phục cái thiên hướng
tự nhiên của những người trẻ tuổi. Vụ tai nạn nổi tiếng đã được một nhân chứng
xác nhận.
- Anh chàng tưởng giờ tận số của
mình đã điểm. Chiếc xe phóng thẳng vào anh ta, nhưng đáng lẽ nghiền nát anh
chàng thì chiếc xe lại bị bức tường nghiền nát. May mắn là cô gái chỉ bị thương
xoàng.
- Ô! Một lẫn nữa cô ấy lại cận kề
với cái chết. - Bobby nói.
- Không thể như vậy được! Cô ta
đã gây ra nhiều vụ tai nạn xe hơi ư?
- Nhưng bao giờ cô ấy cũng không
việc gì. A! Ông Akew, nếu ông biết tôi run sợ như thế nào mỗi khi cô ấy đặt tay
vào vòng lái. Tôi tưởng là mình sẽ sang thế giới bên kia.
Những người có mặt gật đầu tán
thưởng câu nói đó.
- Ông Akew, ông có một quán trọ
rất đẹp - Bobby nói một cách lấy lòng - Quán rất xinh xắn và được giữ gìn sạch
sẽ.
Ông Akew nở một nụ cười rạng rỡ.
- Lâu đài Meroway Court đã là
công trình đẹp nhất của vùng này chưa? - Bobby hỏi.
- Chúng tôi còn có lâu đài La
Grange, thưa ông Hawkins. Bây giờ nó không hẳn là nơi cư ngụ của một gia đình.
Nó không có chủ từ lâu cho đến khi có một ông bác sĩ người Mỹ tới.
- Bác sĩ người Mỹ ư?
- Vâng... Ông Nicholson. Và nếu
ông tin lời tôi thì trong lâu đài ấy có rất nhiều chuyện kì lạ.
Một cô người hầu xác nhận rằng
khi nói đến tên bác sĩ Nicholson thì cô ta đã sợ phát khiếp lên rồi.
- Ông nói là có những chuyện kì lạ
trong lâu đài La Grange ư, ông Akew? Như vậy có nghĩa là gì?
Ông Akew hạ giọng:
- Nhiều người bệnh bị bắt buộc
vào đấy... Gia đình, họ hàng bỏ mặc họ. Hãy tin tôi, ông Hawkins, thật là đau
xé lòng khi nghe thấy những tiếng rên rỉ, kêu la của những người bị nhốt ở
trong đó.
- Tại sao cảnh sát không can
thiệp?
- Trại cai nghiện hoạt động một
cách hợp pháp... Ông bác sĩ người Mỹ ấy chữa trị cho những người mắc bệnh tâm
thần và những người nghiện ma túy một cách vô hại...
- A! Nếu biết được những thảm
kịch xảy ra trong trại cai nghiện ấy! - Bobby nói bằng giọng nghiêm trang.
Cô người hầu mang bia đến và đứng
góp chuyện.
- Đó cũng là điều tôi nghĩ, thưa
ông Hawkins. Có nhiều phụ nữ xinh đẹp bị giam cầm trong đó. Một đêm, một trong
số phụ nữ khốn khổ đó chạy ra ngoài làng với bộ đồ ngủ... ông bác sĩ và hai y
tá đi tìm kiếm. “Đừng để họ bắt tôi!” người phụ nữ ấy kêu la. Gia đình
nhốt bà ta trong đó để chiếm đoạt gia tài. Người ta bắt được và mang về còn ông
bác sĩ thì giải thích cho chúng tôi họ đang ngăn cản bà ấy tự sát...
- A! Thật là khó hiểu... - Ông
Akew kêu lên.
Một khách trọ khác nói rằng phải
có cuộc kiểm tra về phương pháp chữa bệnh trong ngôi nhà ấy, và mọi người đều
công nhận những cơ sở chữa bệnh như vậy là nỗi nhục của xã hội.
Cuối cùng Bobby nói mình đi dạo
một lát trước khi đi ngủ.
Anh biết lâu đài La Grange ở đầu
làng, đối diện với lâu đài Meroway Court; và anh đi theo hướng ấy. Những câu
chuyện nghe được trong quán trọ tối nay có giá trị như kết quả của một cuộc
điều tra nhỏ. Anh mới tin một nửa những chuyện người ta nói. Nếu bác sĩ
Nicholson chữa cho những người nghiện ma túy thì việc nghe thấy những tiếng rên
rỉ, kêu la không có gì là lạ lùng; riêng câu chuyện người phụ nữ bất hạnh chạy
trốn không thoát có phần làm anh mủi lòng.
La Grange có đúng là nơi người ta
cưỡng bức con người phải vào trong đó không? Có thể có một số người không mắc
một chứng bệnh nào cũng bị nhốt trong đó không?
Vừa đi vừa suy nghĩ, Bobby đến
trước một bức tường cao, có cánh cửa bằng sắt vững chãi. Anh vặn nắm đấm. Cửa
đã bị khóa trái. Lúc này anh có cảm giác rằng mình đang đứng trước một trại
giam. Anh đi đi, lại lại, mắt nhìn bức tường. Có thể trèo tường được không? Tường
rất nhẵn, không có những chỗ lồi lõm để đặt chân.
Bất chợt anh nhìn thấy một cánh
cửa nhỏ. Không mấy hi vọng, anh mở thử và ngạc nhiên khi thấy cửa bật mở.
“Chắc hẳn đây là một nhà tù cầm
cố” - Bobby nghĩ.
Anh mở cửa bước vào, sau đó khép
chặt cửa lại.
Đi vượt một con đường gồ ghề hai
bên có những lùm cây, Bobby đến bên tòa nhà. Anh nhìn mọi vật nhờ vào ánh trăng
mờ tỏ.
Một phụ nữ hiện ra ở đầu nhà.
Người ấy đi một cách thận trọng, nhìn hai bên như một con thú đang bị săn đuổi,
Bohby nghĩ như vậy. Bỗng nhiên người đó đứng lại, lảo đảo như sắp ngã.
Anh vội vàng chạy lại đỡ lấy
người phụ nữ ấy. Người đàn bà trẻ mặt tái nhợt vì sợ hãi.
Bobby cố gắng làm cho cô ta yên
tâm:
- Cô không sợ gì cả. Tôi sẽ bảo
vệ cô.
Cô ta rên rỉ:
- Tôi sợ - Cô thì thào.
- Cô sợ cái gì? - Bobby hỏi.
Người đàn bà trẻ không ngừng nhắc
đi, nhắc lại.
- Tôi sợ! Tôi sợ!...
Rồi như nghe thấy tiếng chân
người, cô tránh xa Bobby.
- Anh đi ngay đi! Đi ngay đi!
- Tôi muốn cứu cô.
- Đúng thế không?
Rồi cô lắc đầu:
- Không ai có thể cứu tôi được.
- Tôi sẽ cố thử. Cô nói xem tôi
phải làm gì? Tại sao cô lại sợ hãi đến như vậy?
- Tôi không thể nói được. Anh đi
ngay đi. Chúng sắp tới đây. Nếu muốn giúp tôi thì anh đi ngay đi!
Bobby nhượng bộ.
- Tôi trọ ở quán “Những người câu
cá”. - Anh nói nhỏ sau đó chạy ra phía cổng.
Anh nghe thấy tiếng chân người ở
phía trước mặt. Một người nào đó vừa vào bằng cánh cổng nhỏ. Bobby nấp sau một
bụi cây.
Một người đàn ông đi sát bên anh,
nhưng trời tối, anh không thể nhìn được mặt của người này.
Khi người ấy đi khỏi, Bobby ra
khỏi cổng và trở về quán trọ. Anh biết đêm nay anh không thể làm được gì hơn.
Những ý nghĩ quay cuồng trong óc
Bobby.
Anh đã nhận ra ngưòi phụ nữ ấy...
không nghi ngờ gì nữa.
Đó là người trong tấm ảnh biến
mất một cách bí mật!