Chuyến bay Frankfurt - Chương 12 - 13

CHƯƠNG MƯỜI HAI

NGƯỜI HỀ CỦA NHÀ VUA

Giữa
trưa, hai người cáo từ nữ công tước Charlotte và rời khỏi tòa lâu đài đồ sộ và
cổ kính.

Vài
tiếng đồng hồ ngồi ô tô, họ đến vùng trung tâm của rặng núi Dolomites, một
thung lũng giống như kiểu thao trường thời Cổ Đại, một bãi thấp bao quanh là
các sườn núi thoai thoải. Đây là nơi nhiều nhóm trẻ các kiểu thường đến tụ họp,
trình diễn ca nhạc hoặc biểu diễn những môn nghệ thuật khác.

Stafford
cùng với Renata ngồi trên một tảng đá trên sườn núi nhìn xuống và lắng nghe
những gì diễn ra bên dưới thung lũng. Chàng bắt đầu hiểu dần điều mà Renata đã
giải thích cho chàng trong lúc trò chuyện với nhau.

Franz
Joseph đang đứng nói trước công chúng. Anh ta có cái giọng trầm vang, sôi nổi,
say sưa, lôi cuốn người nghe. Mỗi từ anh ta thốt ra đều như thể chứa đầy ý
nghĩa, và đám đông trẻ trung hét lên cuồng nhiệt tán thưởng, giống như dàn nhạc
dưới cây gậy chỉ huy của nhạc trưởng. Tuy nhiên Franz Joseph nói cái gì? Chàng
Ziegfried muốn truyền đạt điều gì với công chúng? Stafford không nhớ được một
câu chữ nào hết. Chàng chỉ biết một điều là diễn giả đưa ra những hứa hẹn tuyệt
đẹp và bằng cách đó kích động đám công chúng trẻ tuổi hét lên điên cuồng tán
thưởng. Các cô gái reo hò sung sướng, thậm chí một số cô xúc động quá ngất đi.

Stafford
thầm tự hỏi, thế giới ngày hôm nay ra sao? Chỉ cần kích động họ lên là muốn họ
làm gì cũng được. Kỉ luật, ép buộc đều là những thủ pháp xưa cũ rồi. Thủ pháp
quan trọng thời nay là mê hoặc, là gây xúc cảm, là kích động!

Renata
chạm khẽ vào cánh tay Stafford, cắt đứt dòng suy nghĩ của chàng rồi kéo chàng
ra khỏi đám đông đến chỗ ô tô đỗ. Tài xế, vốn rất thuộc vùng này, đưa họ nhanh
chóng đến một thị trấn gần đó. Họ vào một khách sạn nhỏ bên sườn núi. Tại đây
họ đã đặt trước hai phòng nghỉ. Cất hành lí vào phòng xong, họ ra khỏi khách
sạn, đi bộ dạo chơi ngoài trời.

Ngồi
xuống một chiếc ghế băng, họ im lặng một lúc lâu. Rồi Stafford lầm bầm nhắc
lại:

- Đúng là hàng giả! Toàn là bịp!

Renata nhìn đăm đăm xuống thung lũng bên dưới,
không nói gì.

Lát sau nàng mới lên tiếng:

- Ông thấy thế nào? Ông nghĩ sao về tất cả những
thứ tôi đã dẫn ông đi xem hôm nay?

- Tôi thấy không tin vào bất cứ cái gì!

Renata thở dài rất sâu:

- Câu ông trả lời đúng như tôi dự đoán.

- Tất cả những thứ đó toàn hàng giả, không có gì
thật. Chỉ là một trò hội trá hình được một đạo diễn tài ba dàn dựng lên và được
bà công tước của cô chi tiền. Nhưng tôi chưa được gặp vị đạo diễn tài ba đó.
Mới chỉ thấy kép chính.

- Ông nghĩ sao về anh ta?

- Cả anh ta cũng không có thật. Có thể anh ta là
một diễn viên tài ba, nhưng vẫn chỉ là diễn viên, không hơn không kém.

Renata bật cười. Nàng đứng dậy, bỗng nhiên lộ vẻ
sung sướng. Giọng nói của nàng đượm đôi chút hài hước:

- Tôi cũng đã đoán được như thế. Tôi biết trước là
ông không bị kích động, không bị Franz mê hoặc, ông vẫn giữ được tỉnh táo. Có
lẽ xưa nay trong mọi tình huống ông đều giữ được tỉnh táo, đúng vậy không? Ông
có tài phát hiện những thủ đoạn lừa bịp. Ông biết cách đánh giá mọi người đúng
với giá trị của họ. Không cần phải đến Stratford để xem những vở kịch của
Shakespeare mới biết được ông phải sắm vai nào. Các Vua Chúa đều có người hề
của họ. Người hề làm nhiệm vụ nói sự thật cho Vua nghe, anh ta biết cách chế
giễu những trò bịp của mọi con người.

- Cô muốn nói tôi cũng là một thứ người hề của Vua
chăng?

- Chẳng lẽ ông không nhận thấy hay sao? Đấy chính
là điều chúng tôi mong muốn, là người chúng tôi cần đến. Ông bảo mọi thứ kia
chỉ là trò trá hình, là đóng kịch, ông nhận định mới đúng làm sao! Nhưng những
người bình thường, họ suy nghĩ đơn giản, họ thích tin vào những điều kì diệu.
Chính vì thế họ dễ bị kích động, và họ tin cả vào những điều ma quỷ mà họ lầm
tưởng là cao siêu, huyền bí, quan trọng. Tất nhiên không phải ai cũng như vậy
cho nên chúng ta phải nghĩ cách chứng minh cho những con người thơ ngây, cả tin
ấy hiểu rằng mọi thứ kia chỉ là trò được người ta dàn dựng lên, vừa ngu xuẩn
vừa giả tạo. Đó là điều mà hai chúng ta hãy cố thực hiện.

- Cô có thật sự tin rằng chúng ta làm được điều đó
không?

- Tôi biết rằng làm việc đó vô cùng khó, nhưng ông
nên biết rằng một khi chúng ta chứng minh được cho mọi người thấy tất cả những
cái đó chỉ là trò bịp bợm...

- Cô định đề ra một lí thuyết thực tiễn để quảng
bá?

- Tất nhiên là không. Lí thuyết giỏi thì cũng
không thuyết phục được những con người đó đâu.

- Tất nhiên là lúc đầu họ chưa tin chúng ta.

- Không đâu. Chỉ dùng lí lẽ thôi không đủ. Phải có
bằng chứng. Phải làm bật ra sự thật.

- Cô có những bằng chứng đó không?

- Có. Thứ mà tôi mang theo và nhờ ông giúp, tôi đã
đưa được về nước Anh.

- Tôi chưa hiểu đó là thứ gì...

- Rồi ông sẽ biết. Còn lúc này chúng ta cần đóng
kịch là những người muốn được tin, muốn được kích động, những người sùng bái
lớp trẻ. Chúng ta phải giả vờ là những đồ đệ của "chàng Ziegfried".

- Cô làm được việc đó, chắc chắn như vậy. Nhưng
tôi, tôi e không làm nổi. Chưa bao giờ tôi sùng bái bất cứ thứ gì, bất cứ con
người nào. Người hề của nhà Vua không sùng bái bất cứ ai, bất cứ cái gì. Hắn ta
chỉ làm một công việc duy nhất là lật mặt những trò lừa bịp. Mà con người ta
không ai lại thích cái đó. Tôi e là như thế.

- Chắc chắn rồi. Nhưng ông đừng để lộ ra cho ai
thấy cái nét tính cách ấy của ông. Tất nhiên trừ khi ông nói về các cấp trên
của ông, những chính khách, những nhà ngoại giao, những giáo chức giáo hội vân
vân. Tức là những người thuộc loại ông có thể tha hồ chế giễu cay độc.

- Tuy nhiên tôi vẫn chưa thấy rõ lắm vai kịch tôi
phải đóng trong cái cuộc "Thập tự chinh toàn thế giới" này.

- Vai kịch của ông ấy ư? Ông hãy làm cho họ thấy
cho đến nay ông chưa được cấp trên đánh giá đúng với tài năng, và ông hi vọng
Franz Joseph sẽ tạo được cho ông một vị trí xứng đáng. Để đổi lấy những thông
tin về đất nước ông mà ông cung cấp cho anh ta, anh ta sẽ hứa khi nào chinh
phục được toàn thế giới, anh ta sẽ phong cho ông một chức vụ quan trọng.

- Phong trào này mang tính toàn thế giới?

- Tất nhiên rồi. Hiện nay phong trào này đã có
chân rết ở khắp mọi nơi, và khi chuẩn bị xong, tức là kích động trong một bộ
phận lớn trong thế hệ trẻ, cuộc nổi dậy sẽ nổ ra cùng một lúc trên khắp châu Âu,
châu Á, hai châu Mỹ, có lẽ cả châu Phi nữa. Hiện nay tại châu Phi phong trào
lớp trẻ bất mãn và nổi loạn chưa lan rộng mấy. Nhưng họ là những quốc gia mới
độc lập gần đây, kinh tế chưa phát triển, còn nghèo, chỉ cần vung tiền vào đấy
là muốn bảo họ làm gì cũng được.

Stafford chăm chú lắng nghe, rồi đột nhiên hỏi:

- Tôi muốn biết...

- Ông muốn biết gì?

- Sau đây chúng ta đi đâu?

- Sang Nam Mỹ, có thể sẽ qua Pakistan và Ấn Độ.
Chúng ta cần sang cả Hoa Kỳ, vì bên đó đang diễn ra những sự kiện hết sức đáng
quan tâm nghiên cứu. Đặc biệt ở California.

Stafford thở dài:

- Trong các trường Đại học chứ gì? Thì ra bọn
chúng đã mở rộng hoạt động sang lôi kéo, kích động tầng lớp sinh viên!

Hai người im lặng một lúc lâu. Mặt trời đã lặn,
nhưng các đỉnh núi vẫn còn ánh phản quang màu tím. Stafford mơ màng nói:

- Cô có biết nếu bây giờ được quyền nghe nhạc, tôi
sẽ chọn bản nhạc nào không?

-
Lại nhạc của Wagner chứ gì? Hay bây giờ ông đã ngán nhạc của ông ta rồi?

-
Ngán sao được? Cô nói đúng, tôi thích được nghe Wagner. Tôi muốn được nghe đoạn
chàng Hans Sachs ngồi dưới gốc cây đại thụ của anh ta, nói về toàn thế giới:
"Điên, điên, mọi người điên loạn hết cả rồi!"

-
Đúng thế. Mà Wagner viết đoạn nhạc đó rất hay. Nhưng chúng ta đâu có điên tất
cả? Chúng ta vẫn tỉnh táo đấy thôi.

-
Hoàn toàn tỉnh táo. Chính đó là điều khó khăn. Tôi còn muốn hỏi thêm câu nữa.

-
Câu gì?

-
Câu này có thể cô không muốn trả lời, nhưng tôi cứ hỏi: trong chuyến cùng đi
này, liệu chúng ta có rút ra được một niềm vui nào không?

-
Có chứ.

-
Liệu chúng ta có sống mãi trên đời được không?

-
Tất nhiên là không.

-
Tốt lắm! Vậy hai chúng ta cố gắng thế này liệu có được đền bù lại bằng thứ gì
không?

-
Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó. Nhưng rất có thể chúng ta sẽ được đền bù công lao.

Stafford
nói:

-
Tốt lắm! Vậy chúng ta tiếp tục lên đường!

CHƯƠNG MƯỜI BA

CUỘC HỌP Ở PARIS

Tại
một phòng họp trong thành phố Paris, nơi đã từng được dùng cho nhiều hội nghị,
có năm người đang ngồi với nhau. Cuộc họp này khác hẳn mọi cuộc họp khác và có
tầm quan trọng lịch sử. Chủ tọa cuộc họp là ông Grosjean, một người luôn lo
lắng về mọi thứ và chính vì thế ông được mọi người quý mến. Nhưng hôm nay ông
không có được sức hút như mọi khi.

Ông
Vitelli mới đáp máy bay từ Italia sang cách đây nửa giờ và hiện đang vung tay
phát biểu hăng hái.

-
Tình hình đã đến mức vượt ra khỏi những gì chúng ta có thể tưởng tượng.

Ông
Grosjean nói:

-
Cả chúng ta cũng đang là nạn nhân các hành vi của đám sinh viên. Đám sinh viên
đã vượt ra khỏi tính chất sinh viên của chúng. Chúng đã trang bị súng máy, thậm
chí cả máy bay. Chúng đang có nguy cơ chiếm toàn bộ miền Bắc Italia. Đấy là một
sự điên cuồng thật sự. Chúng chỉ là những đứa trẻ, vậy mà chúng có cả bom, chất
nổ đủ loại. Và ở thành phố Milan, chúng đông hơn cảnh sát. Chúng ta có thể làm
gì được bây giờ? Dùng quân đội chăng? Tôi lo cả quân đội cũng sẽ quay súng và
hùa theo chúng. Chúng hò hét là phải phá tất để xây dựng một thế giới hoàn toàn
mới.

Ông
Grosjean buông một tiếng thở dài:

-
Thái độ muốn phá hủy mọi thứ rất đặc trưng cho tâm lí lớp trẻ.

Ông Poissonnier nói:

- Ôi, sinh viên!

Ông này là thành viên chính phủ Pháp, hết sức căm
ghét sinh viên. Và nếu có người nào đó yêu cầu, ông ta không một giây ngập
ngừng, tuyên bố phong trào sinh viên nổi loạn còn tồi tệ hơn cả bệnh dịch. Bất
cứ dịch bệnh nào, dù khủng khiếp đến đâu, cũng còn hơn cái phong trào nổi loạn
ấy của sinh viên. Ông Poissonnier cũng mơ một xã hội tốt đẹp, nhưng là xã hội
không có sinh viên.

Ông Grosjean nói:

- Cảnh sát bất lực, tòa án thì không chịu đem
những phần tử quá khích trong đám sinh viên ra xét xử. Đến phải dùng quân đội
thôi, nếu không phong trào sinh viên nổi loạn sẽ lan ra toàn xã hội.

Poissonnier nhận xét:

- Dùng lựu đạn hơi cay không ăn thua gì hết!

- Đúng thế! Không đủ! Tôi thấy chúng ta phải dùng
đến những phương tiện thật mạnh.

Ông Poissonnier hoảng hốt kêu lên:

- Nếu vậy chỉ còn vũ khí hạt nhân. Hay ông đòi
dùng thứ vũ khí đó?

- Ông nói đùa? Làm sao dùng vũ khí hạt nhân được?
Đó là thứ vũ khí không bao giờ được phép sử dụng!

- Nếu vậy chúng ta làm thế nào?

Câu hỏi vừa đưa ra lập tức được trả lời ngay một
cách không ai ngờ: cửa phòng bật mở. Ông Coin, bộ trưởng An Ninh đi nhanh vào.
Ông cúi đầu chào mọi người rồi nói luôn:

- Thưa các vị! Tôi đến để hỗ trợ các vị. Đất nước
chúng ta đang bị đe dọa, cần phải đối phó ngay lập tức, không được do dự, vì
vậy tôi đến để thông báo với các vị rằng tôi xin nhận trách nhiệm về tất cả
những biện pháp chúng ta sẽ thi hành. Tình hình hết sức nguy hiểm, nhưng chúng
ta phải đặt số phận và danh dự của Tổ Quốc nước Pháp lên trên hết. Đám sinh
viên và cựu phạm nhân vượt ngục đã ra tay. Chúng hò hét, hô vang tên những
triết gia, những giáo sư đã chỉ ra cho chúng con đường phải đi: phá hết tất cả
những nề nếp xã hội cũ, tức là xã hội hiện nay, để xây dựng một xã hội mới...
tức là xã hội vô chính phủ. Chúng đang đẩy nước Pháp vào chỗ diệt vong. Chúng
ta không còn con đường nào khác. Tôi đã ra lệnh cho hai trung đoàn và yêu cầu
toàn bộ lực lượng không quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Cuộc nổi loạn của
đám sinh viên và những kẻ bất mãn đang đe dọa số phận và tính mạng của tất cả
mọi người: đàn ông, đàn bà, trẻ con. Chúng muốn phá hủy quyền tư hữu, phá hủy
mọi quy tắc đạo đức và luật pháp, những thứ bảo đảm cho cuộc sống yên ổn của
toàn dân. Trong tình hình nguy cấp hiện nay, sự lãnh đạo phải tập trung. Tôi
yêu cầu các vị giao quyền cho một người duy nhất, người đó là TÔI. Tôi đã có kế
hoạch cụ thể và sẽ bắt đầu thi hành.

- Thưa ông Bộ trưởng, chúng tôi không thể đồng ý
giao toàn bộ quyền lực cho...

- Xin đừng ai có ý kiến gì nữa. Tôi không muốn
nghe ai nói gì thêm. Đội cận vệ cá nhân của tôi đang chờ tôi ngoài cửa. Việc
đầu tiên tôi làm là thử một lần cuối cùng thuyết phục chúng, giảng cho chúng
hiểu bổn phận của chúng là gì.

Ông ta quay gót, trịnh trọng bước ra cửa.

Poissonnie kêu lên:

- Lạy Chúa! Có vẻ ông ta nói nghiêm túc đấy!

Ông người Italia Vitelli nói:

- Ông ta sẽ nguy mất. Đám sinh viên nổi loạn đang
hung hãn, chúng sẽ giết ông ta mất.

Ông Poissonnier không ghìm được một tiếng thở phào
hài lòng:

- Đúng thế. Chúng rất có thể giết ông ấy.

Grosjean kêu lên:

- Nhưng chúng ta không thể để như thế được!

Tuy nói ra miệng như vậy, nhưng bụng ông ta nghĩ
ngược lại. Ông cho rằng sự đời thường không diễn ra như người ta muốn. Tuy
nhiên căn cứ vào tính nết và những việc làm trong quá khứ của ông Bộ trưởng An
ninh, rất có thể ông ta thuyết phục được đám thanh niên bất mãn đang nổi loạn.

Grosjean bèn kêu lên lần nữa:

- Chúng ta phải ngăn không cho ông ta thực hiện
điều ông ta dự định!

Ông người Italia Vitelli nói:

- Không thể để ông ta hi sinh tính mệnh vì nhân
loại! Một kẻ điên rồ như ông ta còn nguy hiểm hơn là một linh mục. Mà mới hôm
qua Giáo Hoàng đã tiếp đoàn đại biểu sinh viên và đã ban phước cho họ.

Ông Grosjean nói:

- Bất kể thế nào, tình hình cũng sẽ vượt qua mọi
sự kiểm soát!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3