Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 19

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN
CỦA TRẺ TRONG THÁNG THỨ 20

Phát triển về thể
chất

Các phần cơ lớn

• Biết nhảy về phía
trước;

• Biết chạy;

• Đi lên đi xuống cầu
thang, nhưng một tay vẫn phải bám vào lan can;

• Ngồi được trên ghế
nhỏ nhưng dáng ngồi như trượt xuống;

• Biết đá bóng về phía
trước;

• Nhặt được các đồ vật
dưới sàn lên;

• Kéo, đẩy được những
đồ vật lớn trên sàn.

Các phần cơ nhỏ

• Xếp hình được 5 -
6 lớp;

• Ném được những quả
bóng nhỏ;

• Ghép được những bức
tranh đơn giản có từ 2 - 3 miếng ghép;

• Biết đóng các nắp
hộp hình tròn hoặc hình elip.

Phát triển về ngôn
ngữ

• Nói được thêm 12 -
15 từ mới hoặc nhiều hơn;

• Học cách dùng từ để
diễn đạt mong muốn của bản thân như “lấy” khi muốn thứ gì đó hoặc “bật” khi muốn
bật đèn;

• Thích nghe ca dao,
bài thơ ngắn của trẻ em;

• Cố gắng nói thành
câu, biết ghép hai từ;

• Chỉ và nói đúng nhiều
bộ phận trên cơ thể;

• Thích hỏi “cái gì”
khi biết rằng mỗi sự vật đều có tên gọi riêng của nó.

Phát triển tâm sinh

• Có tính sở hữu cao,
biểu hiện qua việc giữ đồ chơi hoặc giấu đồ chơi đi khi có trẻ khác đến chơi;

• Dành thời gian để
xem xét và thích thú với bóng mình trong gương;

• Sợ nước, biểu hiện
qua việc không thích tắm;

• Sợ những con chó to hoặc con chó đang sủa và tiếng sấm sét.

Phát triển về mặt
xã hội

• Muốn được người khác
quan tâm;

• Thích ngồi xe đi chơi;

• Thích được đi ra ngoài
hoặc đi dạo;

• Thích giúp đỡ công
việc nhà;

• Thích cởi quần áo
ra và không chịu mặc quần áo;

• Thích giúp mẹ mua
đồ hoặc nhặt đồ cho vào giỏ.

Phát triển về nhận
thức và khả năng của các giác quan

• Biết bắt chước những
thái độ đơn giản;

• Học những từ mới,
kinh nghiệm mới, và sẵn sàng học hỏi mọi điều;

• Biết thả các hình
▲ vào đúng vị trí mà không cần xoay để tìm chiều cho phù hợp;

• Đã vẽ được đường thẳng;

• Nhớ được những đồ
vật quen thuộc mà không cần nhìn hoặc cầm trên tay.

Ðồ chơi và trò chơi

• Chơi được một mình,
nhưng phải có người lớn ở gần;

• Thích nghịch đất,
nước, cát, bùn…;

• Thích ngồi đu quay,
cưỡi ngựa gỗ;

• Thích chơi khối hình
lớn;

• Thích tự mặc quần
áo;

• Thích chơi trò giả
tưởng, đặc biệt là việc ăn, ngủ;

• Thích chơi những đồ
chơi có thể tháo lắp được

Lịch trình hàng ngày

• Vào ban ngày có thể
kiểm soát được hệ thống bài tiết;

• Biết đổ nước từ một
bát này sang một bát khác;

• Tự ăn;

• Biết cất đồ chơi vào
chỗ cũ;

• Thích nhận đồ, cầm
đồ;

• Tự mặc được những
quần áo dễ mặc;

• Tự đi dép được nhưng chưa biết cách buộc dây hoặc cài khuy;

• Tự rửa tay, lau tay
nhưng phải có người giúp;

• Tự đánh răng được
nhưng không sạch.

THÁNG THỨ 21

CÁM DỖ VÀ THỬ THÁCH

Tiến sĩ Hache, một nhà
tâm lý học đã từng nói về sự lưỡng lự trong giai đoạn trẻ vừa không muốn xa cha
mẹ vừa muốn được tự lập rằng: “Trong giai đoạn trẻ có những biểu hiện này, cha mẹ
không cần phải làm gì, chỉ cần hiểu, chấp nhận một cách rộng lượng và hãy kiên nhẫn”.

Các phát triển chung

• Di chuyển thành thạo hơn rất nhiều. Trẻ sẽ thực hiện mọi hoạt động giống như
tháng trước, chỉ khác là bây giờ trẻ làm gì cũng thuần thục hơn. Sự phối hợp giữa
các bộ phận cũng tốt hơn, từ việc đi thẳng, lùi lại, đi sang ngang, đứng một chân,
biết đi lên cầu thang nhưng vẫn chưa bước đổi chân để lên được, biết tự nắm vào
lan can mà không cần người giúp, thích nhảy nhót, leo trèo, ném, quăng, chạy, nhặt
đồ chơi dưới sàn nhà lên, biết ngồi xổm tốt và trèo lên trèo xuống các đồ vật một
cách thành thạo, cho đến việc biết biết đập bóng xuống đất, đá bóng về phía trước.
Trẻ có thể cầm được nhiều đồ chơi cùng lúc và trong khi đang đi, nếu càng đi được
nhanh, trẻ càng thích thú, ngoài ra trẻ cũng có thể đạp được xe đạp ba bánh.

• Mắt và tay phối hợp
với nhau rất tốt. Trẻ 21 tháng tuổi có thể xếp hình được 5 - 6 tầng, điều này chứng
tỏ mắt và tay trẻ đã phối hợp với nhau thuần thục hơn. Bạn có thể dạy trẻ cách gấp
quạt giấy, hoặc tìm những chiếc hộp với hình dáng khác nhau để trẻ thử xếp riêng
từng loại ra với nhau. Trẻ sẽ rất thích thú khi được thử dùng một chiếc nắp để đậy
vào hộp to hoặc nhỏ hơn. Bên cạnh đó, trẻ vẫn thích chơi đóng nắp chai, đóng đinh
nhựa vào lỗ.

• Trẻ độ tuổi này có
sự phát triển tốt về ngôn ngữ, song trẻ vẫn thích dùng tay để thể hiện điệu bộ và
ậm ừ trong cổ họng để bày tỏ mong muốn. Một số trẻ biết nói nhanh, một số khác dành
thời gian khá lâu cho việc tiếp nhận thông tin, rồi đến một ngày nào đó liền tuôn
ra hàng tràng. Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ phụ thuộc vào cách mà trẻ học hỏi.

Trung bình, trẻ 21 tháng
tuổi sẽ nói được khoảng 20 từ hoặc nhiều hơn. Nếu mẹ nào chịu khó nói chuyện với
trẻ, nói rõ ràng từng từ, không dùng ngôn ngữ trẻ con để nói chuyện với trẻ, trẻ
sẽ nhanh chóng biết thêm được nhiều từ và sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Trẻ ở độ tuổi này vẫn
rất thích nghe mẹ hát ru, đọc thơ hoặc đọc những câu ca dao cho trẻ nghe. Nếu có
những hình minh họa đẹp mắt hoặc mẹ biểu diễn các động tác minh họa, bé con sẽ há
miệng, mở tròn mắt dõi theo một cách háo hức. Cha mẹ hãy rủ trẻ chơi trò ghép từ
để kích thích cho trẻ nhớ lâu. Cha mẹ cần tận dụng điều này để dạy cho trẻ biết
thêm các từ mới.

• Thích hỏi “Cái gì?”.
Đây cũng là một cơ hội tốt để cha mẹ phát huy khả năng sáng tạo một cách tự nhiên
cho trẻ bằng cách tạo điều kiện cho trẻ hỏi, và bạn phải nhiệt tình trả lời cho
trẻ biết.

• Rất quan tâm những
con vật nhỏ. Nếu bạn đưa trẻ đi công viên, trẻ sẽ mải mê đi tìm những con côn trùng.
Nếu đưa trẻ đi biển, bạn hãy chỉ cho trẻ biết cá, cua, ốc, tôm. Mẹ có thể rủ trẻ
nhặt các loại vỏ ốc ra so với nhau, dạy cho trẻ biết sự khác nhau của các loại vỏ
ốc. Việc vừa chơi vừa học này sẽ giúp trẻ nhanh hiểu và trẻ sẽ nhớ được những hình
ảnh quen thuộc mà không cần phải nhìn hoặc cầm trên tay.

• Trẻ sẽ không hung
hãn nếu cha mẹ biết cách ngăn chặn sớm bằng cách tránh hoàn toàn việc trừng phạt
và suy nghĩ rằng phải làm cho trẻ sợ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp một cái
tét vào mông trẻ hay một câu nói như: “Nếu con vẫn làm nữa thì mẹ sẽ không yêu đâu”
sẽ tốt hơn thái độ thờ ơ, lạnh nhạt.

• Trẻ độ tuổi này thường
chán đồ chơi của mình nhưng lại thích chơi đồ chơi của người khác. Chính vì vậy
mẹ nên để ý mỗi khi trẻ vào khám phá phòng của người khác vì có thể trẻ sẽ lôi những
đồ đạc bị cấm hoặc những đồ vật nguy hiểm ra chơi.

• Thích dùng từ “của
con” để biểu thị quyền sở hữu và sẽ bắt đầu cảm thấy đồng cảm với người khác. Nhiều
khi trẻ sẽ hiểu và có tâm trạng giống với mẹ.

• Tự ăn giỏi hơn. Thời
điểm này trẻ sẽ tự ăn và không còn bám mẹ nhiều nữa. Nếu mẹ biết được trẻ ăn được
nhiều tới chừng nào thì nên lấy cho trẻ chừng ấy bởi nếu xúc cho trẻ quá nhiều thức
ăn, thì khi trẻ no rồi sẽ nghịch số thức ăn còn lại trong đĩa. Nếu thấy trẻ làm
thức ăn vương vãi lung tung, hãy lấy lại thìa từ tay trẻ một cách nhẹ nhàng và đưa
cho trẻ món đồ chơi có thể cắn được, bạn hãy quan sát xem trẻ sẽ cắn hay sẽ chơi?
Nếu no rồi, trẻ sẽ không chịu ăn nữa mà sẽ chơi, khi đó bạn hãy từ từ lấy đĩa thức
ăn của trẻ ra rồi rủ trẻ đi làm việc khác. Bạn nên biết lượng thức ăn trẻ có thể
ăn để lấy cho vừa đủ. Trẻ ở độ tuổi này rất nhạy cảm trước những kích thích và lực
tác động từ bên ngoài. Bởi vậy, không nên để bữa ăn của trẻ bị gián đoạn dù với
bất kỳ lý do gì đi chăng nữa. Khi trẻ bắt đầu quấy phá, bạn nên chuyển cho trẻ ăn
hoa quả hoặc đồ tráng miệng sẽ tốt hơn việc mắng mỏ trẻ.

• Trẻ sẽ ngủ ít hơn
và thức dậy sớm hơn. Thời điểm này bạn nên thay đổi lịch ngủ cho trẻ bởi mỗi tối
để đi ngủ được không phải chuyện dễ dàng. Trẻ sẽ ra các điều kiện như xin nước,
xin sữa, đòi thơm má hay nghe truyện cổ tích. Khi đã ngủ được rồi, trẻ cũng thường
thức dậy rất sớm, mẹ phải dỗ dành mới chịu ngủ thêm.

• Muốn tự giúp đỡ bản
thân. Trẻ 21 tháng tuổi sẽ có những cảm xúc mới về bản thân. Trẻ muốn tự chịu trách
nhiệm về cuộc sống hàng ngày của mình như muốn tự trải ga trải giường, tự gập chăn
màn, muốn được tham gia vào việc rửa tay, tắm và tự đánh răng (có khi không thể
gọi là đánh răng mà phải gọi là ngậm hoặc mút bàn chải thì đúng hơn), muốn được
quét nhà, lau nhà, hút bụi, dùng búa, bồ cào hoặc làm tất cả những việc mà trẻ đã
từng nhìn thấy người khác làm. Hơn nữa, trẻ còn từ chối sự giúp đỡ của người khác.
Tốt nhất bạn nên tạo cơ hội cho trẻ được tham gia làm những công việc nhà bằng cách
tạo cho trẻ cảm giác việc nhà giống như một trò chơi, việc này sẽ rèn luyện được
rất nhiều kỹ năng.

• Thích thú với việc
mặc quần áo. Mặc dù trẻ 21 tháng tuổi vẫn chưa thể tự mặc quần áo cho mình hoàn
chỉnh, nhưng một khi đã thành công, trẻ sẽ chạy khắp nhà với vẻ mừng rỡ. Mỗi khi
mẹ mặc quần áo cho trẻ, trẻ cũng giúp mẹ và muốn tự chọn quần áo để mặc, nhiều trẻ
đã biết tự đi giày không có dây buộc.

Trẻ học được rất
nhiều từ sự vật xung quanh

Có một nhà thơ đã viết
những câu thơ về trẻ em rất hay và đáng suy nghĩ như sau:

Nếu trẻ lớn lên cùng
những lời mắng mỏ, trẻ sẽ trở thành người thích chỉ trích người khác.

Nếu trẻ lớn lên cùng
những lời coi thường khinh miệt, trẻ sẽ trở thành người hay xấu hổ.

Nếu trẻ lớn lên cùng
sự ngượng ngùng, xấu hổ, trẻ sẽ trở thành người luôn nghĩ mình sai.

Nếu trẻ lớn lên cùng
lòng rộng lượng, trẻ sẽ trở thành người kiên trì, nhẫn nại.

Nếu trẻ lớn lên cùng
sự ủng hộ, giúp đỡ, trẻ sẽ trở thành người tự tin vào bản thân.

Nếu trẻ lớn lên cùng
những lời khen ngợi, trẻ sẽ biết đến giá trị của người khác.

Nếu trẻ lớn lên cùng
với sự thật lòng, trẻ sẽ trở thành người có sự công bằng.

Nếu trẻ lớn lên cùng
sự vững vàng, trẻ sẽ trở thành người có lòng tin.

Nếu trẻ lớn lên bằng
sự thừa nhận, trẻ sẽ yêu bản thân.

Nếu trẻ lớn lên cùng
sự thừa nhận và tình thân, trẻ sẽ biết tìm kiếm tình yêu thương.

Sự sáng tạo và tinh
thần học tập

Sự sáng tạo trái ngược hoàn toàn với sự bắt chước. Sáng tạo là suy nghĩ mới
mẻ, không trùng lặp với ai. Hơn thế nữa, sự sáng tạo còn là khả năng trong việc
nhìn nhận các sự việc và vấn đề bằng sự trong sáng, thật lòng. Sự sáng tạo là khả
năng riêng biệt của mỗi cá nhân. Người có sự sáng tạo là những người có rất nhiều
suy nghĩ và ý tưởng trong đầu và có thể tưởng tượng xa hơn. Người có sự sáng tạo
thường là người dũng cảm, dám đối mặt với rủi ro, dám được dám mất.

Tất cả trẻ em có sức
khỏe tốt, theo lẽ thường đều tò mò, năng động, thích sáng tạo, vui vẻ, chịu khó
để ý và thích tự do… Tất cả những điều nói trên đều là những biểu hiện của người
sáng tạo.

• Cha mẹ cần nuôi dưỡng để trẻ tràn đầy tư duy sáng tạo

Nữ bác sĩ Freidel Mainard đã từng nêu quan điểm rất đáng suy nghĩ rằng: “Khi
chúng ta nói rằng mọi trẻ em đều có tố chất của tư duy sáng tạo, không có nghĩa
là mọi trẻ em đều có những sáng tạo giống nhau hoặc như nhau. Một số trẻ được sinh
ra với năng khiếu âm nhạc hoặc toán học thiên bẩm và môi trường xung quanh khiến
trẻ cảm thấy hài lòng và ấn tượng có thể kích thích những tố chất bẩm sinh được
nhiều như vậy. Nhưng môi trường ấn tượng nhất và được yêu thích nhất cũng không
thể tạo ra thiên tài trong lĩnh vực sáng tạo âm nhạc được nếu người đó không hề
có sự đam mê âm nhạc”.

Ý tưởng sáng tạo có
thể có do hai yếu tố: yếu tố thứ nhất là do gene và DNA, yếu tố thứ hai là bản năng
trong việc học hỏi, sự lớn lên và phát triển mà ai ai cũng có đầy đủ.

Russell L. Carson đã
viết rằng: “Thế giới của trẻ thơ hoàn toàn trong sáng, mới mẻ, đẹp đẽ với đầy ắp
những câu chuyện và vạn vật vô cùng kỳ thú và hấp dẫn. Nhưng thật không may đối
với người lớn chúng ta, người đã từng có ánh mắt trong veo nhìn ngắm thế giới muôn
màu với vẻ đẹp kỳ vỹ đó đã bị phá hủy hết trước khi bước vào thế giới của người
lớn. Nếu tôi là thượng đế hoặc cầu xin được thượng đế, tôi sẽ cầu mong cho tất cả
trẻ thơ trên thế giới này không bao gờ đánh mất sự thắc mắc trước mọi điều. Không
gì có thể xóa đi hoặc phá hủy được để những thắc mắc đó song hành với chúng đến
hết cuộc đời. Chúng sẽ sử dụng tài năng này làm phương thuốc để tiêu diệt, chống
lại sự chán chường và để cuối đời được sống trong hạnh phúc”.

Bản thân các bà mẹ đều
có thể nuôi dưỡng bé con 21 tháng tuổi để trẻ luôn thấy thắc mắc, và giúp bé giúp
trẻ nảy sinh các ý tưởng sáng tạo một cách tự nhiên bằng việc tạo cơ hội cho trẻ
có thể bày tỏ và được trả lời lại một cách nhiệt tình mỗi lần bé hỏi hoặc thể hiện
điều gì đó. Bạn nên tìm mua những loại đồ chơi thúc đẩy tư duy và trí tưởng tượng
như xếp hình, đất nặn, đất sét, sách vở, bút chì màu… để trẻ được thỏa thích chơi
và sáng tạo theo ý muốn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3