Sổ tay phát triển của trẻ - Chương 03

Cách dỗ dành khi
trẻ khóc

• Cách dỗ dành khi trẻ khóc không
giống nhau ở từng trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên thử nhiều cách xem con mình thích kiểu
nào nhất. Có trẻ thích nghe hát ru, có trẻ thì thích được bế lên rồi đu đưa, nhiều
trẻ lại thích được bế vác lên vai, một số thích được ôm ấp, trong khi một số khác
chỉ cần được bú là nín.

• Bế trẻ áp vào ngực. Một số bác sĩ
nói rằng nếu người mẹ bế con ép gần vào ngực mình thì trẻ sẽ bớt khóc, có thể do
trẻ đã quen với tiếng nhịp đập trái tim của người mẹ từ khi còn ở trong bụng mẹ
nên trẻ yên tâm hơn.

• Mở nhạc cho trẻ nghe. Các bác sĩ
cũng hướng dẫn rằng trẻ từ khi mới chào đời sẽ có phản ứng tích cực với âm nhạc,
có thể do âm nhạc, từ nhạc cổ điển, jazz hay nhạc rock đều có nhịp điệu khoảng 50
- 150 nhịp/1 phút, gần giốngvới nhịp tim của trẻ. Cha mẹ hãy tìm các thể loại nhạc
này để mở cho trẻ nghe, có thể sẽ giúp trẻ nín khóc.

Kích thích sự phát
triển khi trẻ thức

Trẻ một 1 tuổi sẽ chỉ hoạt động trong thời
gian ngắn trong tổng số thời gian trẻ thức giấc. Một nhà nghiên cứu nói rằng trong
1 tuần trẻ sẽ có thời gian thức khoảng 30 tiếng và chỉ có 3 tiếng trong số đó là
trẻ có ý thức hoạt động (chiếm 1/10 số thời gian mà trẻ thức).

Như vậy, 1 tuần chỉ có khoảng 3 tiếng đồng
hồ trẻ hoạt động tự nhiên mà thôi. Đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá để trẻ
nhận thức về thế giới và là quãng thời gian để cha mẹ và trẻ làm quen với nhau.
Khoảng thời gian này rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ. Nếu cha mẹ có
thể kéo dài khoảng thời gian này càng lâu, cơ hội để trẻ nhận biết về thế giới rộng
lớn cũng sẽ tăng lên. Điều kiện quan trọng nhất trong việc kéo dài thời gian khám
phá của trẻ là tạo ra trạng thái thoải mái nhất cho trẻ. Nếu trẻ không bị làm phiền
bởi các yếu tố như bỉm ướt, đói hay bị côn trùng đốt… thì trẻ sẽ tiếp nhận tới mức
tối đa có thể.

Một nhà tâm lý học đã nói rằng: “Số thời
gian trẻ có ý thức hoạt động là khoảng thời gian có tầm ảnh hưởng tới cách thức
mà trẻ sử dụng để khám phá thế giới trong tương lai, tác động tới cách thức của
việc làm quen với các sự vật và tác động tới mức độ phát triển về trí tuệ và tâm
hồn của bản thân trẻ”. Chúng ta có thể lấy ví dụ để chứng minh cho nhận xét của
nhà tâm lý học trên như khả năng theo dõi, để ý các sự vật (đây là khả năng vô cùng
quan trọng của con người) chỉ bắt đầu phát triển trong khi trẻ thức mà thôi.

Một số nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng việc
kích thích thị giác cho trẻ trong 4 tháng đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển
về khả năng thị giác sau này của trẻ, tạo ra một môi trường mang tính hỗ trợ sẽ
giúp cho trẻ 1 tháng tuổi biết cách phản ứng lại tốt hơn việc để cơ thể trẻ tự phát
triển. Sự quan tâm của trẻ đối với mùi vị, hình ảnh hoặc âm thanh sẽ kích thích
việc kiểm soát các phản ứng vô thức trở thành phản xạ có ý thức rõ hơn.

Nhưng do trẻ sẽ nhanh chóng quên, gần như
ngay sau khi vật kích thích sự chú ý đó biến mất nên để kéo sự chú ý đó lại, bạn
nên dùng những đồ vật như như điện thoại, đồ chơi có chuyển động, hoặc âm thanh
thu hút như tiếng chuông… Giống như người lớn cũng thường dùng cách này để thu hút
sự chú ý vậy.

Các nhà tâm lý học nhận thấy rằng việc tạo
dựng cho trẻ một môi trường như vậy có thể có tác dụng cả với những trẻ đang khó
chịu, cáu kỉnh hay khiến những trẻ trầm tính trở nên linh hoạt hơn. Nhưng nếu với
những trẻ đang khó chịu hay những trẻ trầm tính không cần trẻ phải tươi tỉnh, chỉ
cần trẻ mở mắt ra nhìn cũng có thể ghi nhớ lại một trải nghiệm về khả năng nhìn
đồ vật rồi.

Nhìn chung, đối với những trẻ 1 tháng tuổi
này, nếu được ăn no và được cha mẹ chăm sóc chu đáo thì trẻ sẽ chỉ muốn ngủ, không
muốn thức trừ khi có gì đó thu hút sự chú ý hoặc hoạt động khiến trẻ hài lòng. Nếu
luôn gần gũi với trẻ, bạn sẽ biết cách làm như thế nào sẽ khiến trẻ hài lòng. Ví
dụ như khi trẻ căng thẳng và rất khó chịu, bạn nên dỗ dành trẻ; nhưng nếu trẻ bình
tĩnh lại và sẵn sàng hoạt động, bạn hãy chơi với trẻ, nói chuyện với trẻ và lấy
các đồ vật cho trẻ xem.

Cha mẹ phải luôn ghi nhớ rằng mỗi trẻ có
nhu cầu khác nhau. Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu xem con mình cần kích thích như thế
nào để lựa chọn được những phương pháp phù hợp nhất.

Nên nuôi con theo
sách vở hay chiều theo ý con

Đây là một vấn đề gây tranh cãi rất nhiều
giữa các chuyên gia về trẻ em.

Sự thật là bạn không thể áp dụng một thời
khóa biểu cố định cho trẻ được. Con bạn có thể thức dậy không đúng giờ, lúc ăn nhiều,
lúc ăn ít. Nếu bạn áp dụng một thời gian biểu cứng nhắc với trẻ cũng đồng nghĩa
với việc đôi khi trẻ không muốn ăn nhưng vẫn bị ép ăn nên chỉ ăn được chút ít mà
thôi, vì vậy chưa đến giờ ăn sữa theo lịch trình, trẻ đã thức dậy vì đói. Hoặc đến
khi được ăn (theo lịch), con đã đói cồn cào rồi. Khi đói trẻ sẽ không ngủ được,
hay thức, hay khóc và cáu gắt, bực bội.

Tuy nhiên, nếu người mẹ không quy định thời
gian biểu cụ thể cho trẻ mà phụ thuộc vào nhu cầu của trẻ, để trẻ tự quyết định
các hoạt động trong 24 giờ, khi nào ngủ, khi nào ăn thì chắc chắn bạn sẽ gặp rắc
rối trong thời gian đầu bởi bản thân bạn đã có biết bao việc phải làm mà cứ phải
chiều theo ý trẻ. Nếu nhu cầu của trẻ không trùng với thời gian biểu của bạn, ví
dụ như trẻ thích ngủ nhiều vào ban ngày nhưng đến đêm, vốn là thời gian bạn cần
được nghỉ ngơi nhiều nhất sau một ngày làm việc vất vả thì trẻ lại dậy nhiều lần
để ăn, như thế bạn sẽ vô cùng mệt mỏi; hoặc trẻ muốn ăn suốt ngày, ăn liên tục…
thì bạn sẽ không làm được việc gì khác.

Tóm lại, bạn nên đứng ở giữa là tốt nhất.
Nghĩa là bạn nên có một thời gian biểu tổng quát để có thể co giãn thời gian sao
cho hợp lý. Việc có một thời gian biểu sẽ giúp cho cha mẹ thuận tiện trong việc
quản lý xem nên làm việc gì vào lúc nào. Còn việc co giãn thời gian hợp lý sẽ giúp
con không bị bắt ép phải chịu đựng quá khả năng của mình. Nếu bạn đặt ra thời gian
cho con ăn cữ sữa buổi chiều vào lúc 4 giờ nhưng 3,5 giờ trẻ đã khóc vì đói, bạn
cũng không nhất thiết phải ngồi nghe trẻ khóc để chờ tới đúng 4 giờ, bạn có thể
cho trẻ ăn.

Trẻ sơ sinh sẽ từ từ phát triển và thay đổi
để thích nghi với môi trường gia đình, đồng thời cũng có thời gian biểu cố định
của riêng bản thân trẻ nên cha mẹ sẽ thấy quen và tự điều chỉnh cho phù hợp với
con.

Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng tới việc
ăn, ngủ của con. Nếu con vẫn chưa làm được như những gì các bạn muốn, các bạn cũng
đừng nóng vội. Các bạn càng gò ép, bắt buộc trẻ phải theo chuẩn mực của bạn thì
sẽ càng khiến trẻ chống đối và trở thành đứa trẻ khó ăn, khó ngủ.

Lập thời gian biểu
khoa học cho con không khó

Kết quả điều tra lấy ý kiến của nhiều
bà mẹ đang nuôi con nhỏ cho thấy việc đặt ra một thời gian biểu sinh hoạt cho trẻ
có nhiều ưu điểm nhưng đó chỉ nên là thời gian biểu mang tính tổng quát mà thôi.
Cha mẹ không nên quá cứng nhắc mà nên co giãn cho phù hợp với thực tế bởi mỗi trẻ
đều có tính cách riêng, nhu cầu riêng, ví dụ như một số trẻ ngủ giấc dài, một số
khác lại hay thức dậy và ăn thường xuyên. Vì vậy chúng ta không nên lấy thời gian
biểu của trẻ này để áp dụng với một trẻ.

Ðiều tôi muốn
gợi ý với những người cha người mẹ là: Chú ý quan sát con của mình trong tuần đầu
tiên xem con dậy lúc mấy giờ, ăn lúc mấy giờ (thường sẽ biểu hiện bằng cách khóc),
mỗi lần ăn được bao nhiêu mililít thì no, có thể tắm vào thời gian nào (nhưng không
nên tắm quá muộn). Ban đầu có thể thời gian chưa rõ ràng, nhưng qua 3 - 4 ngày bạn
sẽ biết được lúc nào nên làm gì, rồi những ngày sau đó cứ theo lịch trình như vậy
mà thực hiện bởi sự phát triển về thể chất của trẻ sơ sinh thường theo một hệ thống
(Có lẽ vì trẻ chưa có hoạt động khác ngoài hai việc chính là ăn và ngủ).

Nhưng cũng có một số trẻ có thời gian
không cụ thể nên bạn phải quan sát trong 1 tuần, ghi lại thời gian lúc nào trẻ thường
có nhu cầu gì rồi tính giá trị trung bình. Ðến thời gian đó nếu trẻ không có phản
ứng bạn sẽ phải tạo ra không khí để thu hút trẻ. Ví dụ như trong 1 tuần trẻ thường
ngủ vào lúc 8 giờ tối, nhưng sau khi bạn lên lịch cụ thể, trẻ không chịu ngủ, lúc
đó bạn có thể dùng phương pháp tắt đèn, điều chỉnh nhiệt độ trong phòng cho phù
hợp, tạo ra không gian yên tĩnh…

Vào những ngày đầu tiên trong đời,
việc ăn ngủ của trẻ có thể chưa đi vào nề nếp, nhưng thông thường trẻ sẽ dần dần
tự thay đổi. Lúc này các sinh hoạt hàng ngày của trẻ sẽ gần giống nhau nên không
có gì khó nếu cha mẹ dựa vào giai đoạn này để từ từ điều chỉnh thời gian biểu của
trẻ một cách phù hợp.

BIỂU ÐỒ PHÁT TRIỂN
CỦA TRẺ TRONG THÁNG ÐẦU TIÊN

Phát triển về thể
chất

Các phần cơ lớn

• Việc cử động bàn tay, cánh tay và chân
vẫn là những phản xạ tự nhiên;

• Chưa thể tự nhấc đầu thẳng lên được, đầu
có xu hướng gục xuống phía trước hoặc ngửa ra sau. Nếu được đặt nằm sấp, trẻ sẽ
quay mặt về một phía để dễ thở hơn và ngóc đầu lên được chút ít;

• Khi nằm ngửa, trẻ có thể lật nghiêng được
sang một bên.

Dáng ngồi

• Nếu kéo tay cho ngồi
dậy, bé sẽ giữ đầu thẳng với sống lưng.

Các phần cơ nhỏ

• Trẻ thường cho cả nắm tay vào miệng hoặc
thả lỏng tay một chút, nếu chúng ta gỡ ngón tay duỗi ra, trẻ sẽ nắm lấy cán thìa
(hoặc đồ vật có dáng giống cán thìa) được nhưng ngay lập tức lại thả ra;

• Nhìn ngắm đồ vật nhưng chưa với được;

• Con ngươi của mắt trẻ đã nhanh hơn.

Phát triển về ngôn
ngữ

• Ngoài khóc trẻ còn có thể cất tiếng ọ ẹ
trong cổ;

• Ọ ẹ trả lời khi nghe thấy tiếng người khác.

Phát triển về nhận
thức và khả năng của các giác quan

• Tổng thời gian thức
của trẻ trong 1 ngày khoảng 10 giờ, khi thức trẻ sẽ đưa mắt nhìn xung quanh nhưng
không có cảm xúc gì;

• Đưa được mắt nhìn sang trái, sang phải
hay nhìn lên trên xuống dưới. Trẻ sẽ nhìn theo và tỏ vẻ thích thú khi nhìn thấy
ánh sáng, đồ vật hoặc đồ chơi hay khuôn mặt của người trong khoảng cách nhìn rõ
khoảng 20 - 30 centimét;

• Nhớ được đồ vật vừa nhìn thấy trong khoảng
2 - 3 phút;

• Sẽ nín khóc khi nhìn thấy người khác hoặc
có người bế lên và sẽ khóc khi cần ai đó giúp đỡ;

• Có phản ứng tương tác nhiều hơn.

Phát triển về mặt
xã hội

• Tỏ thái độ vừa lòng nếu cảm thấy thoải
mái và có phản ứng tiêu cực khi bị đau;

• Có thể sẽ cười nếu nghe thấy tiếng hoặc
nhìn thấy bố mẹ;

• Nhìn lâu vào mặt mẹ, khi thấy mẹ sẽ cười
và nhìn vào mắt mẹ, tỏ ra ngoan ngoãn;

• Biết tự động thay đổi tư thế cho phù hợp
với cách bế của người bế;

• Đã có thể nhớ được tiếng của bố mẹ;

• Chưa có nhiều phản ứng tương tác.

Lịch trình hàng ngày

• Việc ăn, ngủ, khóc vẫn chưa thành nếp nhất
định (không thể tính tổng thời gian nhất định). Ăn sữa khoảng 5 - 6 lần vào ban
ngày và khoảng 2 lần vào ban đêm;

• Đại tiện mỗi ngày khoảng 3 - 4 lần.

THÁNG THỨ 2

Ðộ tuổi của nụ cười

Nếu tháng đầu tiên là quãng thời gian để
thích nghi với thế giới mới thì sang tháng thứ 2 trẻ đã bắt đầu lớn lên và hiểu
rằng mình là thành viên mới trong gia đình. Trẻ không còn giống một con búp bê đáng
yêu chỉ nằm chờ cha mẹ đến bế bồng nữa mà đã bắt đầu biết giao tiếp nhiều hơn và
giao tiếp bằng nụ cười. Nụ cười ấn tượng của con trẻ khiến trái tim của cha mẹ rộn
ràng vì vui sướng và hạnh phúc.

Làm quen với trẻ
2 tháng tuổi

Trẻ 2 tháng tuổi sẽ nặng thêm khoảng 1 kilôgam
và sẽ duy trì mức tăng cân này trong khoảng 2 - 3 tháng tiếp theo. Trẻ bắt đầu điều
khiển để giữ vững đầu và có thể ngẩng mặt lên 45 độ để nhìn ngó xung quanh được
khoảng 2 - 3 phút. Việc trẻ cầm nắm đồ vật không còn là phản xạ tự nhiên nữa mà
theo ý thức của trẻ.

Nếu tâm trạng trẻ bình thường, các cử động
của trẻ sẽ không bị giật; nhưng nếu bực tức, đói, hoặc nghe thấy tiếng trẻ con gào
to, tiếng đóng cửa mạnh thì ngay lập tức trẻ sẽ đạp chân đạp tay mạnh tới mức má,
chân và tay run lên. Khi khóc nhiều, trẻ sẽ oằn lưng lại. Các cử động của trẻ cũng
sẽ uyển chuyển hơn trong tháng đầu tiên. Trong tháng thứ 2 này, trẻ bắt đầu thể
hiện tính cách của mình, nếu là trẻ trầm tính thì sẽ ngủ nhiều, ngay cả lúc thức
cũng không ọ ẹ nhưng ăn khỏe. Nếu là trẻ năng động có thể khiến bạn phải chóng mặt
bởi sự phát triển thay đổi rất nhanh. Nhưng dù con bạn có là trẻ trầm tính hay năng
động thì trẻ đều có những hành vi khiến bạn sung sướng là nhìn thẳng vào mặt bạn
và cười với bạn.

Thời gian ăn và ngủ

Bé con của bạn đang trong tháng thứ 2, hoạt
động của trẻ đã cố định và có hệ thống hơn, nghĩa là ăn sữa khoảng 4 tiếng một lần,
khoảng 1 lít sữa/ngày. Trẻ cũng yêu cầu bạn theo lịch của trẻ, nghĩa là đã hết 4
tiếng bạn phải cho trẻ ăn nếu không trẻ sẽ quấy khóc, hờn dỗi. Vào ban đêm có thể
trẻ sẽ ngủ một giấc dài đến sáng mà quên không dậy ăn, bởi vì từ 5 tuần tuổi trở
ra, trẻ sẽ ngủ khoảng 7 tiếng một đêm. Vì vậy việc ăn sữa chỉ còn 5 lần/ngày. Đến
tuần thứ 7 trẻ sẽ ngủ mỗi đêm một giấc dài khoảng 8 tiếng. Phần lớn trẻ không ăn
cữ sữa đêm thường có cân nặng khoảng 5 kilôgam. Song với những trẻ trầm tính có
thể vẫn phải ăn cữ sữa đêm, nghĩa là ăn 4 tiếng một lần như cũ bởi ban ngày trẻ
đã ngủ nhiều rồi, không được chơi đùa nên không mất nhiều năng lượng, vì thế trẻ
không cần ngủ đêm nhiều. Bạn không phải cố gắng thay đổi thói quen ăn, ngủ này của
trẻ vì đến thời gian phù hợp trẻ sẽ tự thay đổi.

Một ngày trẻ có thể thức khoảng 10 tiếng.
Những trẻ năng động sẽ sử dụng thời gian thức thật sự có ích bằng các hoạt động
như duỗi chân, duỗi tay, giơ chân lên đạp đạp giống như đang đạp xe đạp, ngoảnh
trước ngoảnh sau, lật người sang bên này bên kia không ngừng nghỉ. Nếu trẻ vô tình
cho nắm tay vào miệng mình, trẻ sẽ cố gắng mút ngón tay cái. Với những trẻ năng
vận động như vậy, cha mẹ phải chú ý hơn vì trẻ có thể giãy đạp rơi khỏi giường hoặc
nôi. Ban đêm bạn phải lấy khăn quấn quanh mình trẻ để trẻ giãy đạp ít hơn.

Một số trẻ sẽ có thể có “giờ khó chịu”. Vào
buổi chiều tối, trẻ sẽ ngừng mọi hoạt động của cơ thể dường như tập trung hết năng
lượng vào việc khóc. Một số trẻ còn khóc tới mức ngừng thở (chúng ta thường gọi
là “khóc ngất”), trẻ có thể khóc đến tím tái mặt mày sau đó ngừng khóc, ngáp rồi
lại khóc tiếp. Có vẻ không có cách nào dỗ được trẻ. Nếu bạn bế trẻ lên, trẻ sẽ cố
gắng vùng vẫy. Nếu bạn cố gắng ôm trẻ thật chặt và bế rong, trẻ có thể ngừng khóc
trong chốc lát rồi lại tiếp tục khóc.

Việc trẻ khóc vào buổi
chiều tối không phải do trẻ đói. Nếu lúc này, bạn cho trẻ ăn sữa thì trẻ cũng chỉ
ăn được một chút rồi quay mặt đi. Trẻ thường thích ăn sau khi đã ngừng khóc.

Có thể nói đến tuổi
này trẻ thường khóc nhiều như vậy bởi khóc là cách duy nhất để thông báo cho chúng
ta biết rằng trẻ đang không vừa lòng, đang đau, hay đang khó chịu. Việc khó chịu
có thể do trẻ cảm thấy bức bối do chưa cân bằng được các hệ thần kinh và khả năng
của cơ thể, song thời gian và sự phát triển về thể chất sẽ dần giúp trẻ thích nghi
và bớt quấy khóc.

Nụ cười của trẻ

Nụ cười của trẻ là biểu hiện của tâm trạng
trái hài lòng, vui vẻ và thoải mái. Nếu trẻ được nếm vị đắng, chua hay mặn, trẻ
sẽ thể hiện thái độ không bằng lòng như ngậm chặt miệng, sặc, đỏ mặt, cau mày, nhăn
mặt, gồng mình lên và quay mặt tránh đi. Nhưng nếu vui vẻ, hài lòng, trẻ sẽ chú
ý và mỉm cười. Phần lớn thời gian trẻ vui vẻ nhất là sau khi ăn sữa 30 phút hoặc
1 tiếng. Lúc này trẻ thấy thoải mái nên sẽ để ý xung quanh, cười với bạn và muốn
chơi đùa. Tiến sĩ Jacob L. Gewirtz thuộc Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ nói rằng: “Trẻ
được thỏa mãn những nhu cầu của bản thân thường mang đặc điểm trái ngược hoàn toàn
với những trẻ trầm tính không có phản xạ tương tác, theo đúng lý thuyết của Freud[4].
Những trẻ có phản xạ tương tác cao chỉ có những phản ứng trước môi trường khi được
đáp ứng đầy đủ nhu cầu về thể chất mà thôi”.

[4] Sigmund
Schlomo Freud (1856-1939) là bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công
nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học.

Vì vậy, khi trẻ cười thì người mẹ dù đang
bận rộn mấy thì cũng hãy quay lại mỉm cười và nói chuyện với trẻ một chút.

Khi có nhiều người ở xung quanh, trẻ sẽ mỉm
cười và chào đón bằng cách đạp chân giống một diễn viên xiếc tài ba đang biểu diễn
cho khán giả xem. Những trẻ năng động sẽ cong người, lật nghiêng, vặn mình và đạp
chân khiến người bế khá vất vả. Ngay cả khi trẻ khó chịu, nếu có anh hoặc chị chơi
cùng, trẻ vẫn sẽ cười vui vẻ. Cho dù những lúc ở một mình, trẻ cũng vẫn có cách
để giúp bản thân bình tĩnh lại như mút nắm tay hoặc ngón tay, quay mặt sang trái,
sang phải, nhìn vào tấm rèm, hoặc nghe giọng nói của mẹ.

Trẻ bắt đầu biết cười sau 2 tuần tuổi, nhưng
nụ cười làm cho cha mẹ cảm thấy hạnh phúc ấy thực ra không phải nụ cười trẻ dành
cho cha mẹ, mà đó là nụ cười do được nhìn thấy khuôn mặt của con người, cho dù là
khuôn mặt của người thật hay khuôn mặt trong ảnh hay bức tượng, thậm chí là khuôn
mặt của chính mình trong gương cũng đều khiến trẻ mỉm cười (Trẻ còn chưa biết đó
chính là mình cho tới nhiều tháng sau).

Trẻ bắt đầu nhận biết
rằng những khuôn mặt thân quen là người làm cho trẻ hài lòng, còn những khuôn mặt
lạ lẫm cần phải đề phòng khi làm quen. Trẻ sẽ bắt đầu mỉm cười với người mà trẻ
yêu quý hơn những người khác. Khi được 17 - 30 tuần, nếu bạn rướn cổ lên nhìn trẻ,
nói chuyện hoặc đáp ứng các nhu cầu của trẻ, trẻ sẽ mỉm cười với bạn và học cách
giao tiếp qua nụ cười nhằm bày tỏ sự hài lòng với bạn. Khi bạn mỉm cười trả lời
hoặc bế trẻ lên, trẻ sẽ mỉm cười rạng rỡ. Nếu lúc này bạn không có những phản ứng
tích cực tương tác lại, giống như việc trao phần thưởng vì trẻ đã mỉm cười với bạn,
trẻ sẽ không cười nữa bởi lúc này bạn không tạo ra môi trường có thể kích thích
hoặc hỗ trợ các hành vi của trẻ. Nếu bạn gật đầu, nói chuyện hoặc mỉm cười lại và
không biểu cảm trên mặt khi trẻ quấy khóc cũng chính là sự kích thích hành vi cười
của trẻ. Trẻ 2 tháng tuổi đã nhớ được giọng nói của mẹ. Tuy chưa thể nhớ được khuôn
mặt của mẹ và không thể phân biệt được sự khác nhau giữa khuôn mặt của mẹ và người
trông trẻ nhưng trẻ cũng đã cảm nhận được sự khác biệt qua cách bế ẵm.

Trẻ chỉ thuận một
bên

Một số trẻ thường chỉ thuận một bên như chỉ
nằm nghiêng bên phải, mút tay phải, khi nằm cũng chỉ nhìn qua các thanh của vách
ngăn giường cũi phía bên phải hoặc thích nghiêng đầu sang phải, thậm chí bú sữa
cũng thích bú một bên, nếu xoay người để trẻ bú phía bên kia, trẻ sẽ nổi cáu và
khóc. Nguyên nhân có thể là vì trẻ quen với bên phải từ khi còn trong bụng mẹ. Nếu
đưa trẻ đi bác sĩ kiểm tra và không phát hiện bất thường ở hệ cơ hoặc hệ thần kinh
như cơ cổ ngắn hoặc dây thần kinh cổ bị teo, cha mẹ nên kê lại giường, có thể kê
giường sao cho bên phải cao hơn bên trái để trẻ có thể nhìn sang trái và nên treo
đồ chơi ở bên trái.

Nếu để trẻ chỉ nằm nghiêng bên phải tới tuần
thứ 6 thì có thể làm phần đầu bên phải của trẻ bị bẹp. Cha mẹ nên làm như trên để
đầu của trẻ được tròn như cũ.

Phần lớn trẻ đều nằm
trong tư thế mà trẻ cảm thấy thoải mái nhất như nằm sấp, một số trẻ thì thích nằm
chạm đầu vào góc hay thành giường. Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng những kiểu nằm
như vậy là cách trẻ cố gắng làm giống như khi còn trong bụng mẹ vì trẻ thường chạm
đầu vào xương hông của mẹ. Một số bậc cha mẹ khi thấy trẻ nằm như vậy lo trẻ sẽ
gặp nguy hiểm nên đặt trẻ nằm theo tư thế bình thường. Thực ra những tư thế nằm
như vậy hoàn toàn tự nhiên, theo thói quen và sẽ làm cho trẻ ngủ say và sâu hơn.

Việc nhận biết

• Học cách kết nối và phân biệt các hành
vi với nhau. Ví dụ như khi bạn đặt trẻ nằm sấp, trẻ sẽ khóc thét lên bởi trẻ biết
đó là tư thế trẻ phải đi ngủ trong khi trẻ chưa muốn đi ngủ, đến khi bạn lật ngửa
trẻ ra, trẻ sẽ nín khóc.

• Biết cách kết nối giữa
những người khác nhau bằng những hành động khác nhau. Trẻ biết khi khóc như thế
này mẹ sẽ chạy lại, hoặc trước giờ ăn trẻ sẽ mút ngón tay nhưng khi mẹ bế lên cho
bú trẻ sẽ bỏ ngón tay ra và quay sang tìm đầu vú mẹ. Nếu bình thường bạn cho trẻ
bú mẹ nhưng đột nhiên chuyển sang cho trẻ bú bình, trẻ sẽ không chịu, không phải
vì trẻ không thích ăn sữa ngoài mà bởi vì mẹ là người đang cầm bình sữa. Nếu người
cha cho trẻ ăn sữa, trẻ sẽ đồng ý nhưng với điều kiện người mẹ không được ở gần
trẻ. Cho dù chỉ cần nghe thấy tiếng mẹ từ một phòng khác, ngay lập tức trẻ cũng
sẽ không chịu bú bình bởi trẻ biết được mối liên hệ giữa mẹ và cách thức cho bú
sữa là từ chính bầu ngực của mẹ.

• Dùng nhiều năng lượng trong việc nhìn các
sự vật tới mức quay hẳn mặt sang để nhìn vật đó được rõ hơn. Tiến sĩ Richard Held
và tiến sĩ Burton Wyeth thuộc trường Đại học Harvard giải thích rằng việc nhìn và
nắm bắt các hình ảnh của trẻ sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng thứ hai, lúc này con
ngươi trong mắt trẻ sẽ điều chỉnh theo khoảng cách của đồ vật. Khi được 4 tháng
tuổi, trẻ sẽ kiểm soát được tầm nhìn gần và xa một cách dễ dàng.

Có một thí nghiệm cho thấy rằng ở tháng thứ
2 này, dây thần kinh thị giác và thính giác của trẻ chưa có mối quan hệ với nhau,
nghĩa là trẻ sẽ không quay mắt nhìn sang phía có tiếng nói mà sẽ quay sang nhìn
phía có ánh sáng đang chuyển động hoặc nhìn sang đồ chơi có màu sắc sặc sỡ (dù trẻ
chưa biết đó là màu gì). Trẻ cũng sẽ thích nhìn người hơn đồ vật và có phản xạ khác
nhau với hai đối tượng này. Khi nhìn thấy trái bóng, trẻ có thể im lặng nhìn một
lát rồi mới với lấy, nhưng khi nhìn thấy khuôn mặt người trẻ sẽ có phản xạ tức thì.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3