Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 6 - Phần 5
Làm thế nào để trẻ giảm bớt việc xem ti
vi một cách tự giác
Hành động của bố mẹ có sức thuyết phục
hơn lời nói. Cần phải cố gắng giảm bớt các yếu tố dụ dỗ trong môi trường, chứ không
phải là khuyên trẻ phải chống lại sự dụ dỗ đó; cần phải dùng “nhân tính” để thông
cảm cho con trẻ, chứ không phải dùng “thần tính” để yêu cầu trẻ. Tôi cho rằng mỗi
đứa trẻ đều rất biết biết ơn, nếu trong quá trình sống với trẻ, bố mẹ biết thấu
hiểu suy nghĩ và nguyện vọng của trẻ, trẻ cũng sẽ biết dùng sự “hiểu biết” và “nghe
lời” của mình để báo đáp bố mẹ.
Nhà văn Đài Loan Lý Ngao đã từng chỉ
trích gay gắt rằng: “Ti vi là cỗ máy sản xuất ra hàng loạt kẻ ngốc”. Câu nói của
ông không phải là không có lý.
Tài liệu nghiên cứu cho thấy, sóng điện
não của con người khi xem ti vi rất giống với sóng điện não của con người trong
trạng thái ngủ. Ngồi trước màn hình ti vi, đại não không phải chủ động phản ứng
với bất kỳ vấn đề gì, cơ thể cũng ở trong trạng thái thả lỏng, điều này rất không
có lợi cho thiếu nhi, thiếu niên - những người đang ở trong giai đoạn phát triển
về đại não và sức khỏe.
So sánh những em thường xuyên xem ti
vi và thường xuyên đọc sách trước độ tuổi đi học sẽ thấy sự khác biệt rõ nét về
trí tuệ sau khi đi học.
Bởi giáo dục trẻ em giai đoạn đầu là
cơ hội tốt nhất để phát triển trí tuệ, và phát triển trí tuệ cần phải không ngừng
được thông tin kích thích. Xem ti vi là hoạt động bị động, sinh hoạt hóa, trẻ em
có thể nắm bắt được một số kiến thức qua ti vi, nhưng so với việc đọc sách, tác
dụng kích thích đối với trí tuệ của trẻ là rất nhỏ, chính vì thế hiệu quả của phát
triển trí tuệ cũng rất nhỏ. Dùng ti vi để tiến hành giáo dục vỡ lòng mà không chú
ý đến hoạt động giáo dục vỡ lòng thông qua đọc sách là ham một đĩa, bỏ cả mâm.
Và còn vấn đề về thói quen. Từ nhỏ trẻ
đã ngồi lì trước màn hình ti vi, dễ hình thành nên trạng thái không biết phải làm
gì nếu phải xa ti vi; bất kỳ công việc nào cần phải bỏ ra sự nỗ lực về ý chí, đối
với trẻ đều khó khăn, đều không tạo được hứng thú. Thói quen này xâm nhập vào việc
học, khiến trẻ cảm thấy chùn bước trước hoạt động đòi hỏi phải có ý thức chủ động
và sự nỗ lực về ý chí.
Thông thường, Viên Viên muốn làm việc
gì chúng tôi đều không ngăn cản, duy nhất trong chuyện xem ti vi, đã từng khống
chế cô bé khá nghiêm.
Nhưng sự “khống chế” này không bao giờ
bị cô bé phát hiện, bởi về cơ bản chúng tôi không bao giờ nói những câu như “đừng
xem ti vi nữa” với Viên Viên, cũng không quy định mỗi ngày cô bé chỉ được xem ti
vi mấy tiếng đồng hồ, càng không bắt ép phải tắt ti vi. Chính vì thế, theo trải
nghiệm cá nhân, cô bé chưa bao giờ có cảm giác rằng bố mẹ quản lý việc xem ti vi
của mình. Ngược lại, một số hành vi của chúng tôi nhìn lại có vẻ giống như dung
túng.
Ví dụ hồi cô bé học tiểu học, ti vi
có chiếu bộ phim truyền hình Hoàn Châu cách cách, rất hot. Gia đình tôi vốn rất
ít xem phim truyền hình, tôi cảm thấy xem phim truyền hình rất lãng phí thời gian.
Quan niệm này đã ảnh hưởng tới Viên Viên ngay từ khi cô bé còn nhỏ, thông thường
cô bé sẽ không chủ động xem một bộ phim nào đó. Lúc Hoàn Châu cách cách mới chiếu,
chúng tôi cũng không biết, ở trường cô bé được nghe bạn bè nói bộ phim này rất hay,
về đến nhà liền tìm kênh chiếu phim này, cô bé rất thích nhân vật Tiểu Yến Tử trong
phim.
Mỗi tối ti vi chiếu ba tập, từ bảy giờ
ba mươi phút đến mười giờ, và thời gian này vốn là thời gian Viên Viên làm bài tập,
luyện đàn nhị và đọc tiểu thuyết. Theo thói quen của cô bé là hàng ngày về nhà sẽ
làm bài tập trước, sau đó luyện đàn nhị, cuối cùng là đọc tiểu thuyết hoặc chơi,
chín giờ ba mươi phút đi ngủ. Bây giờ, đến giờ có phim, thường cô bé mới chỉ vừa
làm xong bài tập, đợi đến khi hết phim, đã quá thời gian đi ngủ, chắc chắn sẽ không
luyện đàn nhị được nữa, cũng không có thời gian để đọc tiểu thuyết.
Tạm thời không đọc tiểu thuyết cũng
không có vấn đề gì, cô bé mới học chơi đàn nhị không lâu, buộc phải tập hàng ngày.
Tôi thấy hơi sốt ruột, lúc này đương nhiên sẽ nghĩ đến việc muốn bảo con mỗi ngày
xem bớt đi một tập. Nhưng suy nghĩ này lập tức bị phủ định, cô bé thích xem như
vậy, tình tiết nọ nối tiếp tình tiết kia, hôm nay xem rồi không đợi được đến mai
nữa, làm sao nỡ lòng nào bắt cô bé xem bớt đi một tập. Hơn nữa, kể cả tôi có nỡ
lòng làm như thế, bắt con phải xem bớt đi một tập, nhưng cô bé cũng không có tâm
trạng nào để luyện đàn trong thời gian đó, không có tâm trạng làm sao luyện tốt
được?
Thực ra Viên Viên cũng rất sốt ruột.
Lúc xem ti vi cô bé rất say sưa, đợi đến khi xem xong, phát hiện ra đã quá giờ luyện
đàn, bản thân cô bé cũng rất áy náy. Nhưng với ý chí hồi đó của cô bé, cô vẫn chưa
làm được việc chủ động yêu cầu xem bớt đi một tập.
Tôi bắt đầu động não tìm một biện pháp
giải quyết.
Sau khi cân nhắc, tôi bàn với Viên Viên
rằng, sau khi về đến nhà, liệu con có thể luyện đàn trước, sau đó hãy làm bài tập.
Có nghĩa là, luyện đàn trước khi có phim, luyện đàn xong, ti vi cũng chuẩn bị chiếu
phim, sau đó vừa xem ti vi vừa làm bài tập - có thể trong mắt nhiều người, lời gợi
ý này của tôi thực sự là điên rồ, làm sao có thể xúi giục con vừa làm bài tập vừa
xem ti vi, với con trẻ điều đáng sợ nhất là học bài không chuyên tâm, từ nhỏ nên
rèn cho chúng thái độ học tập tốt.
Tôi thì nghĩ như thế này: Bài tập ở
bậc tiểu học phần lớn là hình thức lao động thể lực, khi hoàn thành bài tập, trẻ
không cần phải động não quá nhiều, không cần phải đào sâu suy nghĩ, con trẻ chỉ
cần chú ý một chút là có thể hoàn thành bài tập; và bản thân việc xem ti vi là việc
không phải bỏ ra bất kỳ sự nỗ lực nào cũng có thể hoàn thành. Hai việc làm bài tập
và xem ti vi này đều tương đối đơn giản, cũng không nghiêm trọng, cân nhắc thấy
vẫn là biện pháp tốt.
Vừa nghe xong lời đề nghị của tôi, Viên
Viên tỏ ra rất sẵn lòng, như thế cô bé có thể hoàn thành cả hai công việc quan trọng
nhất là làm bài tập và luyện đàn, nhưng lại không bỏ lỡ việc xem phim. Do có sự
tin tưởng của bố mẹ, trong lòng con trẻ không có gì áy náy, quả nhiên cô bé điều
hòa rất tốt hai việc này. Trước khi có phim bắt đầu luyện đàn, sau đó vừa xem ti
vi vừa làm bài tập.
Trên thực tế, trong quá trình chiếu
phim, Viên Viên thường xuyên quên làm bài tập vì xem quá say sưa, nhưng chỉ cần
đến lúc có quảng cáo hoặc ca sĩ hát bài hát đầu phim, cuối phim, cô bé liền tranh
thủ thời gian viết một lúc. Tốc độ làm bài của cô bé tăng lên rõ rệt. Đồng thời
cô bé cũng càng biết cách tranh thủ thời gian khi ở trường. Để tối về nhà có thể
xem ti vi tiện hơn, ở trường cô bé đã biết cách tranh thủ những lúc rỗi, sau khi
về đến nhà lại lợi dụng mọi lúc có thời gian viết thêm chút nữa, bài tập đều được
hoàn thành.
Mấy tháng sau hoặc một năm sau, ti vi
lại bắt đầu chiếu Hoàn Châu cách cách phần hai, Viên Viên lại bắt đầu cao trào xem
ti vi. Tôi không nhớ sau khi về đến nhà cô bé đã phân bổ thời gian cụ thể như thế
nào, vì tôi cũng không phải nhúng tay hoặc hỏi han về chuyện này, chỉ biết cô bé
không bỏ lỡ tập nào, cũng hoàn thành bài tập, ngày nào cũng luyện đàn nhị, lại còn
mua một bộ tiểu thuyết Hoàn Châu cách cách đồng bộ với bộ phim truyền hình, hình
như mười hay hai mươi tập, trước khi phim kết thúc cũng đã đọc xong. Một số phụ huynh có thể lo lắng nói rằng, con
tôi không chịu nghe lời, nếu tôi để thả lỏng như vậy, nó sẽ không thể quản được
mình, nó sẽ mãi mãi vừa làm bài tập vừa xem ti vi, xem hết bộ phim này đến bộ phim
khác, chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập.
Tôi hiểu được nỗi lo lắng của những
bậc phụ huynh này, trong mắt phụ huynh, những đứa trẻ này dường như rất không hiểu
biết, không hề tự giác. Tôi muốn nói với những bậc phụ huynh này rằng, không nên
nhìn nhận một cách riêng lẻ một sự việc hoặc một hiện tượng nào đó, có rất nhiều
nguyên nhân tạo nên sự “không tự giác” ở trẻ, phần lớn nó phản ánh nên vấn đề giáo
dục đã được tích tụ từ lâu trong gia đình. Điều chủ yếu nhất, chính là khi gặp việc
gì, phụ huynh đều tỏ rõ thái độ gia trưởng trong cách xử lý, không quan tâm, chú
ý đến suy nghĩ, thể diện, khả năng, nguyện vọng của trẻ, phần lớn là áp dụng phương
pháp nói trực tiếp để dạy dỗ hoặc phê bình trẻ. Ví dụ trách móc con trẻ xem ti vi
quá nhiều thời gian, ra lệnh bắt tắt ti vi, yêu cầu con về phòng học bài…
Những bậc phụ huynh áp dụng những phương
pháp giải quyết này thử nghĩ mà xem, tắt ti vi đồng nghĩa với việc tắt được nguyện
vọng xem ti vi của trẻ ư? Để trẻ rời khỏi màn hình ti vi và ngồi vào bàn học, thì
trẻ sẽ đi học ư? Nếu không xuất phát từ sự tự giác, tự nguyện, không những bài học
ngày hôm đó không thể chuyên tâm, mà những ngày tiếp theo trẻ cũng không muốn chú
tâm vào chuyện học hành. Trong sự ức chế, nguyện vọng xem ti vi của trẻ càng mãnh
liệt hơn, nội tâm của trẻ tràn đầy mâu thuẫn và khổ sở giữa việc xem hay không xem
- như thế không phải là đang giáo dục trẻ, mà chỉ là làm tổn thương sự tự giác và
lòng tự tin của trẻ hết lần này đến lần khác.
Xin hãy tin rằng con trẻ là một cây
mạ non, sự giáo dục lặng lẽ, âm thầm sẽ có ích nhất đối với trẻ.
Trong con người trẻ vốn có một bản tính
tích cực là tự hoàn thiện mình, nếu một sự “khống chế” không làm tổn thương cá tính
và ý chí của trẻ, mà giúp trẻ thích ứng với một số sự việc một cách tốt hơn, trẻ
sẽ phát triển một cách lành mạnh hơn bản tính của mình trong sự thích ứng này, đồng
thời chúng sẽ có được luồng sức mạnh “tự khống chế” - đây chính là nguồn gốc của
sự “hiểu biết”, “tự giác” ở trẻ.
Chính vì thế, sự “dung túng” của tôi
chỉ là định hướng, định hướng cũng là một kiểu khống chế, nó là một sự khống chế
không làm cho trẻ khó chịu. Viên Viên chưa bao giờ rầu rĩ vì chuyện xem ti vi, gia
đình tôi chưa bao giờ xảy ra chuyện xung đột với con vì chuyện xem ti vi.
Còn nhớ khi Viên Viên học cấp hai, ti
vi có chiếu một bộ phim truyền hình tên là Lấy chồng ở châu Phi. Kể về một cô gái
Thượng Hải yêu một lưu học sinh châu Phi, vượt qua mọi trở ngại, cùng chàng trai
sang châu Phi, sau đó trải qua một quá trình từ không thích nghi đến thích nghi
với mảnh đất này. Câu chuyện này rất đặc biệt, chúng tôi vô tình xem được trong
một ngày nghỉ cuối tuần, sau đó cùng bị cuốn hút. Bộ phim đó mỗi ngày chiếu hai
tập, nhưng hồi đó Viên Viên nội trú trong trường, chỉ có thể về nhà xem vào hai
ngày nghỉ. Tôi phát hiện ra ánh mắt cô bé tỏ vẻ tiếc nuối, lúc đó chúng tôi cũng
chưa có thiết bị quay lại, và thế là tôi liền nghĩ ra một cách, tôi sẽ ghi lại toàn
bộ nội dung từ thứ hai đến thứ sáu ra sổ, cuối tuần về nhà cô bé sẽ được đọc lại
toàn bộ nội dung mà mình bỏ lỡ.
Mặc dù không muốn con xem phim, nhưng
khi đã xem rồi, tôi rất hiểu suy nghĩ muốn được xem tiếp của con, bản thân mình
cũng vậy thôi, đang xem một bộ phim, giữa chừng bị đứt đoạn cũng rất khó chịu, chắc
chắn con trẻ cũng như vậy. Thế là hàng ngày tôi vừa xem ti vi vừa ghi chép vào sổ,
mỗi tình tiết, lời đối thoại giữa các nhân vật, thậm chí là một số cảnh, tôi đều
cố gắng ghi lại. Cuối tuần về nhà, Viên Viên “xem” mấy tập trong sổ trước, sau đó
cùng tôi ngồi trước màn hình ti vi để xem. Cộng hai cách “xem” lại với nhau, không
bỏ lỡ tập nào.
Trong mắt Viên Viên, cách làm này của
tôi rất bình thường, cô bé đã quen với những kiểu “dung túng” của mẹ, nhưng không
bao giờ lợi dụng sự “dung túng” đó. Nói tóm lại, Viên Viên kiểm soát mình rất tốt,
chuyện nên xem ti vi vào lúc nào, thời gian nào không nên xem. Đặc biệt là khi đã
lên lớp cao, cô bé ngày càng biết quý trọng thời gian, càng không để ti vi làm lãng
phí thời gian của mình một cách vô lối nữa.
Nếu ngay từ khi con trẻ còn rất nhỏ,
bố mẹ đã áp dụng hành động hạn chế xem ti vi thì việc thực hiện sẽ được tiến hành
rất dễ dàng. Hơn nữa bố mẹ nhất thiết phải lấy mình làm gương. Nếu khi con còn nhỏ,
bố mẹ đã dung túng cho trẻ xem ti vi một cách vô độ, thì trên thực tế chính là đang
gây cho trẻ một rắc rối lớn.
Ti vi nhà tôi ngày nào cũng bật, nhưng
thời gian xem không nhiều. Thông thường là xem vào lúc trước và sau khi ăn cơm,
ăn cơm xong chúng tôi đều có việc riêng phải làm, ti vi cũng tắt đi. Chuyện này
làm không nghiêm khắc lắm, khá tùy ý, thỉnh thoảng gặp chương trình đáng xem, cũng
sẽ bỏ ra không ít thời gian để xem, nhưng không tạo thành thói quen ngày ngày ngồi
trước màn hình ti vi. Tóm lại thời gian xem ti vi của gia đình tôi ít hơn rất nhiều
so với các gia đình khác, những bộ phim hay trên ti vi mà mọi người bàn luận, hầu
hết chúng tôi đều không xem. Từ nhỏ Viên Viên đã chịu sự ảnh hưởng này, hình thành
được một cách rất tự nhiên quan niệm “ti vi không thể xem một cách vô độ”, chương
trình bình thường cô bé sẽ không xem, trừ phi là cái đặc biệt thích.
Không ít phụ huynh khi con còn nhỏ thường
không quan tâm nhiều đến chuyện con xem ti vi bao lâu, tùy ý để trẻ xem từ sáng
đến tối cùng ông bà, thậm chí có người không muốn cho con nghịch ngợm, quấy rồi,
liền dùng ti vi để dỗ trẻ yên. Chỉ đến khi con bắt đầu đi học, có bài tập và thi
cử, mới bắt đầu quản chặt vấn đề này.
Nếu trước độ tuổi đi học trẻ đã quen
với chuyện “xem ti vi”, không có niềm say mê khác, sau khi đi học tự nhiên bị hạn
chế xem ti vi, trẻ sẽ rất khó thích nghi. Thói quen của trẻ đột nhiên bị kiểm soát,
sự hưởng thụ của chúng đột nhiên biến thành điều sai trái; đáng lẽ hàng ngày chúng
được sống thoải mái tự do, đột nhiên người lớn yêu cầu trẻ phải “tự giác”, “cố gắng”,
nhưng trẻ không biết tìm những thứ này ở đâu, đành phải “không tự giác”, “không
cố gắng”. Cho dù bề ngoài chúng chống đối bố mẹ như thế nào, thực ra trong lòng
chúng cũng rất khổ sở vì việc này.
Tôi nói ra quan điểm này cho một số
phụ huynh nghe, không ít người tỏ ra không đồng tình.
Một vị phụ huynh nói, thằng con tôi
còn lâu mới thấy khổ sở. Nó toàn kiếm cớ để ra chạy ra khỏi phòng, sau đó tìm cớ
để được đứng vài phút trước màn hình ti vi, kể cả là vài giây. Ví dụ lấy một quả
táo trên tràng kỷ, gọt vỏ thì chậm ơi là chậm. Khó khăn lắm mới gọt xong, tôi bảo
nó quay về phòng ăn, nó liền chậm rãi đứng dậy, đi giật lùi vào phòng mình, chỉ
là để được xem thêm một lát. Nó đâu có khổ sở đâu, được xem thêm một lát là nó mừng
chết đi được.
Vị phụ huynh này chỉ nhìn nhận vấn đề
một cách bề nổi, chị không biết khi đi giật lùi vào phòng, trong lòng con trẻ khổ
sở biết bao; càng không biết nỗi khổ này đến từ đâu, cũng không chịu nghĩ cách nên
giúp đỡ trẻ như thế nào để giải quyết nỗi khổ này. Điều này thực sự đáng tiếc.
Tại sao bố mẹ không thể thay đổi một
chút phương pháp, lấy sách lược để thu phục lòng trẻ?
Khi tôi viết bài này thì nhận được email
của một người bạn. Chị nói có một lần sau khi ăn cơm con trai chị cứ ngồi xem ti
vi mà không chịu đi làm bài tập, chị đang định ra lệnh như mọi bận, trong đầu lại
chợt nhớ đến câu “vờ tha để bắt” mà tôi đã từng nói với chị. Và thế là chị liền
kìm lại, đặt chiếc điều khiển ti vi vào tay cậu con trai nói: Mẹ không xem nữa đâu,
lúc nào con không xem nữa thì giúp mẹ tắt ti vi đi nhé. Nói xong chị ra khỏi phòng
khách, quay về phòng ngủ đọc sách. Trong khoảnh khắc đó, con chị tỏ ra rất bất ngờ,
nhưng lập tức lại đáp vâng rất vui vẻ, đón lấy chiếc điều khiển - dụng cụ mà trước
đây mẹ không bao giờ dám giao cho cậu. Lúc mới vào phòng người mẹ vẫn còn hơi lo
lắng, điều khiến chị không thể ngờ được là chưa đầy năm phút sau, liền nghe thấy
tiếng con trai tắt ti vi. Cậu còn thò đầu vào phòng mẹ, thấy mẹ đang cầm một quyển
sách để đọc, tin rằng mẹ không giận cậu, liền nói bằng giọng vui vẻ, tinh nghịch:
Mẹ, con đi làm bài tập đây. Người bạn này nói, trước đây toàn vì chuyện xem ti vi
mà phê bình, trách móc con, không ngờ mình vừa thay đổi phương pháp, con trẻ cũng
thay đổi luôn. Hóa ra là trước đây mình đã áp dụng sai biện pháp.
Trong vấn đề khống chế trẻ ít xem ti
vi, tôi cho rằng cách làm đúng là, khi trẻ rất muốn xem thì để trẻ được xem một
cách yên tâm, thoải mái, không nên để trẻ vừa xem ti vi vừa thấp thỏm, cảm thấy
mình đang phạm lỗi; nhưng bình thường gia đình cần cố gắng ít mở ti vi, bố mẹ phải
làm gương cho con, ít xem ti vi, dùng hành động để tạo sự thuyết phục, chứ không
phải là dùng lời nói.
Trường hợp tệ nhất là, bố mẹ tối nào
cũng ngồi ở phòng khách xem ti vi, con trẻ vừa từ phòng mình chạy ra muốn xem một
lát, liền bị quạt cho một trận. Lý do là, bố mẹ đã là người lớn, cả ngày phải làm
việc vất vả, vả lại bây giờ cũng không phải học hành nữa, có thể xem ti vi buổi
tối; con còn nhỏ, phải chăm chỉ học tập, phải hoàn thành bài tập về nhà, chính vì
thế không nên xem ti vi.
Lý lẽ này nghe ra không có gì là sai,
con trẻ cũng không thể phản bác, nhưng nó sẽ tạo ra một hiệu quả rất tệ, thực tế
là bạn đang nói với trẻ rằng: Ti vi là một sự hưởng thụ đặc quyền, bố mẹ đã có đủ
tư cách hưởng thụ; con vẫn chưa có đủ tư cách, chỉ khi con chăm chỉ học tập, sau
này mới có được tư cách này.
Cảm giác này khiến trẻ cảm nhận được
sự bất bình đẳng giữa trẻ và người lớn, trẻ đã ý thức được sự bạo quyền của người
lớn, cũng ý thức đến sự đối lập giữa “học tập” và “hưởng thụ”. Về lý trí trẻ biết
cần phải chịu khó học tập, nhưng nguyện vọng hưởng thụ trong bản tính lại khiến
trẻ rất muốn xem ti vi. Mâu thuẫn này khiến trẻ không thoải mái, nếu cảm giác không
thoải mái thường xuyên kích thích trẻ, dần dần sẽ khiến trẻ ngày càng khát khao
được xem ti vi và cảm thấy chán học.
Về vấn đề bố mẹ cần ít xem hoặc không
xem ti vi, tôi đã từng kiến nghị với một số bậc phụ huynh đau đầu vì chuyện xem
ti vi của con, không ít người bày tỏ rằng khó làm được điều này, có người không
quản được mình, có người không quản được bạn đời của mình, có người ngại yêu cầu
ông bà phải thực hiện như vậy, tóm lại ti vi không thể không bật, cũng không thể
bật ít đi - nếu như vậy thì không còn cách nào khác. Ngay cả những chuyện phụ huynh
cũng cảm thấy khó thực hiện, không muốn thực hiện, thì làm sao bắt con trẻ thực
hiện được?
Hành động của bố mẹ có sức thuyết phục
hơn lời nói. Cần phải cố gắng giảm bớt các yếu tố dụ dỗ trong môi trường, chứ không
phải là khuyên trẻ phải chống lại sự dụ dỗ đó; cần phải dùng “nhân tính” để thông
cảm cho con trẻ, chứ không phải dùng “thần tính” để yêu cầu trẻ. Tôi cho rằng mỗi
đứa trẻ đều rất biết biết ơn, nếu trong quá trình sống với trẻ, bố mẹ thấu hiểu
suy nghĩ và nguyện vọng của trẻ, trẻ cũng sẽ biết dùng sự “hiểu biết” và “nghe lời”
của mình để báo đáp bố mẹ.
Ti vi giống như món đồ ăn ngon, bản
thân nó không có gì là xấu, nhưng ăn phải điều độ. Khi giáo dục trẻ, chúng ta cần
nghĩ cách để trẻ học được cách ăn đồ ăn một cách điều độ, chứ không phải là khóa
món ăn ngon đó vào tủ lạnh, khiến lúc nào trẻ cũng muốn tranh thủ thời gian ăn vụng
mấy miếng.
Trong giáo dục gia đình, đối với bất
cứ chuyện gì, bố mẹ và con cái đều không nên hình thành nên mối quan hệ mèo vờn
chuột này. Đừng nên để trẻ vì “nghe lời” hoặc vì sợ bố mẹ mới không xem ti vi, cần
bồi dưỡng cho trẻ lý trí và chí tiến thủ, để ít xem ti vi trở thành lựa chọn tự
giác tự nguyện của trẻ.
Sau khi Viên Viên vào đại học, một lần
tôi hỏi cô bé rằng con có cảm thấy là bố mẹ đã từng hạn chế con xem ti vi không?
Cô bé bảo không ạ, bố mẹ có bao giờ
quản con đâu. Trong ký ức của cô bé, thậm chí chúng tôi còn dung túng trong chuyện
này. Ngoài việc không nói gì cả, chúng tôi còn thường xuyên xem phim hoạt hình cùng
con, ví dụ Chuột Mickey và vịt Donald, Chú mèo máy Doremon… đều là những bộ phim
mà chúng tôi xem cùng nhau.
Tôi lại hỏi làm sao con có thể thực
hiện việc xem ti vi một cách điều độ, Viên Viên nói con không biết, dường như chưa
bao giờ hạn chế mình một cách có ý thức cả. Cô bé nghĩ một lát rồi nói tiếp, con
cảm thấy xem ti vi cũng rất tốt, nhưng không hiểu sao con cứ có một cảm giác, không
nên bỏ ra quá nhiều thời gian để xem. Xem ti vi không thú vị bằng đọc tiểu thuyết,
có thời gian, con thích đọc tiểu thuyết hoặc tạp chí hơn.
Từ nhỏ rèn cho trẻ thói quen thích đọc
sách, cũng là biện pháp tốt để ngăn ngừa trẻ mắc chứng nghiện ti vi. Nếu một đứa
trẻ từ nhỏ thích đọc sách, trí tuệ của em sẽ phát triển rất tốt, em sẽ dễ phát hiện
ra những việc thú vị khác hơn; đồng thời tư tưởng của em sẽ chín chắn hơn, lý trí
hơn, em biết được việc nào quan trọng, việc nào không quan trọng, việc nào cần gấp,
việc nào không cần gấp, sẽ cảm thấy tiếc khi để ti vi làm lãng phí thời gian của
mình.
Có bậc phụ huynh không tán thành việc
đọc sách của con, cho rằng trẻ nhỏ nên được sống thoải mái, tự do, để trẻ đọc sách
quá sớm sẽ rất mệt, nên đợi trẻ lớn lên một chút hãy đọc - những bậc phụ huynh có
suy nghĩ này, thông thường là bản thân họ cũng không thích đọc sách, coi đọc sách
là một chuyện lao tâm khổ tứ. Họ không biết rằng trẻ sẽ dễ dàng bị sách dụ dỗ biết
bao, một đứa trẻ tâm trí bắt đầu manh nha, vẻ say sưa mà trẻ bộc lộ ra khi cầm cuốn
sách lên, thậm chí còn hơn cả ti vi. Con trẻ trưởng thành trong quá trình đọc sách,
hay lớn lên trước màn hình ti vi, khoảng cách về trí tuệ mà hai thứ này tạo ra sẽ
có sự khác biệt rất lớn.
Nếu nói trong vấn đề xem ti vi tôi đã
“khống chế” Viên Viên sẽ không đúng bằng việc nói tôi dùng lối tư duy “bồi dưỡng”
để giải quyết vấn đề - không khống chế động tác cơ thể của con, mà là tìm cách để
định hướng suy nghĩ cho cô bé; không thoả mãn với sự phục tùng bề ngoài của trẻ,
mà là để thói quen tốt trở thành một phần trong nội tại của trẻ - đây mới gọi là
giáo dục, là cái gốc rễ để giải quyết vấn đề.
Lưu
ý đặc biệt
So sánh những em thường xuyên xem ti
vi và thường xuyên đọc sách trước độ tuổi đi học sẽ thấy sự khác biệt rõ nét về
trí tuệ sau khi đi học.
Nếu ngay từ khi con trẻ còn rất nhỏ,
bố mẹ đã áp dụng hành động hạn chế xem ti vi thì việc thực hiện sẽ được tiến hành
rất dễ dàng.
Có rất nhiều nguyên nhân tạo nên sự
“không tự giác” ở trẻ, phần lớn nó phản ánh nên vấn đề giáo dục đã được tích tụ
từ lâu trong gia đình. Điều chủ yếu nhất, chính là khi gặp việc gì, phụ huynh đều
tỏ thái độ gia trưởng trong cách xử lý, không quan tâm, chú ý đến suy nghĩ, thể
diện, khả năng, nguyện vọng của trẻ, phần lớn là áp dụng phương pháp nói trực tiếp
để dạy dỗ hoặc phê bình trẻ.
Trong vấn đề khống chế trẻ ít xem ti
vi, tôi cho rằng cách làm đúng là, khi trẻ rất muốn xem thì để trẻ được xem một
cách yên tâm, thoải mái, không nên để trẻ vừa xem ti vi vừa thấp thỏm, cảm thấy
mình đang phạm lỗi; nhưng bình thường gia đình cần cố gắng ít mở ti vi, bố mẹ phải
làm gương cho con, ít xem ti vi, dùng hành động để tạo sự thuyết phục, chứ không
phải là dùng lời nói.
Trường hợp tệ nhất là, bố mẹ tối nào
cũng ngồi ở phòng khách xem ti vi, con trẻ vừa từ phòng mình chạy ra muốn xem một
lát, liền bị quát cho một trận.
Từ nhỏ rèn cho trẻ một thói quen thích
đọc sách, cũng là biện pháp tốt để ngăn ngừa trẻ mắc chứng nghiện ti vi.