Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 1 - Phần 2
Đừng đùa cợt với trẻ
Đùa cợt với con trẻ là những hành động
người lớn lợi dụng sự ngây thơ của trẻ, cố tình để trẻ phạm sai lầm, khóc lóc và
sợ hãi. Mục đích là để trêu cho người lớn vui, để bêu nhục trẻ, khiến trẻ cảm thấy
lo lắng và hụt hẫng.
Khi Viên Viên đi học ở trường mầm non,
một thời gian tôi rất bận nên đã để bố bé đưa đón. Cơ quan của bố Viên Viên rất
gần trường, trường mầm non trả trẻ sớm, đón được con rồi nhưng bố Viên Viên vẫn
chưa đến giờ tan sở, thế nên đành đưa bé về cơ quan đợi một tiếng đồng hồ sau mới
về nhà.
Khi đó mấy người trong phòng bố Viên
Viên đều tầm ba mươi tuổi, mọi người chơi với nhau rất thân, cũng rất thoải mái,
thường xuyên trêu đùa nhau. Có hai anh bạn đồng nghiệp rất thích nói chuyện với
Viên Viên, nhưng họ không nói chuyện với bé theo cách bình thường, mà thường coi
bé như một con vật nhỏ để đùa cợt. Ví dụ tỏ ra rất gớm ghiếc, nhất quyết đòi bế
Viên Viên, bé sợ quá nên toàn tránh, họ lại thích thú cười ha ha; hoặc bắt Viên
Viên gọi họ là “ông nội”, bé không hiểu nên cũng gọi ông nội, thế là mọi người trong
phòng đều bật cười. Tôi có thể tưởng tượng ra được rằng, lúc đó chắc chắn Viên Viên
sẽ cảm nhận được là mình sai ở điểm gì đó qua nét mặt của họ, nhưng lại không biết
sai ở đâu, chắc chắn bé rất lo lắng, bất an. Sau đó họ lại bắt Viên Viên gọi là
ông nội, Viên Viên không gọi, họ liền giả vờ tức giận, nói cô bé này không biết
thế nào là lịch sự, khiến Viên Viên không biết phải làm thế nào.
Bố Viên Viên cũng không thích người
khác trêu con gái như vậy, nhưng cũng cảm thấy đây chỉ là đùa, có lẽ vì ngại nên
không ngăn cản đồng nghiệp.
Lúc đầu tôi không biết chuyện này, bé
vẫn còn nhỏ nên cũng không đủ khả năng kể cho tôi nghe chuyện không vui của bé.
Kết quả là sau một thời gian, đột nhiên tôi phát hiện ra Viên Viên tỏ ra không tự
tin khi chơi với người khác, nói chuyện cũng không rành mạch như trước đây nữa,
thường xuyên muốn nói nhưng lại không dám chắc, ánh mắt lưỡng lự né tránh, đặc biệt
là khi nói chuyện với người lạ. Điều này khiến tôi hơi sốt ruột, nhưng lại không
tìm ra được nguyên nhân, nên đã tự kiểm điểm lại xem cách giáo dục của chúng tôi
đối với con có vấn đề gì không, trong sinh hoạt lưu ý nhiều hơn để bé tiếp xúc nhiều
với mọi người, bồi dưỡng sự tự tin cho con.
Một hôm, Viên Viên và bố bé từ cơ quan
về nhà, tôi phát hiện ra Viên Viên vừa khóc, bèn hỏi có chuyện gì vậy. Viên Viên
nói: Chú Trương nói bố không yêu con nữa. Nói xong lại chực khóc. Bố bé liền giải
thích, trước khi hết giờ làm việc anh đến phòng viện trưởng để họp, thời gian họp
kéo dài hơn dự định, đến giờ tan sở rồi vẫn chưa kết thúc. Anh bạn đồng nghiệp họ
Trương đó liền nói với Viên Viên rằng: “Bố mẹ cháu không yêu cháu nữa, muốn tặng
cháu cho chú, nhà chú có một bé trai, không có bé gái, đi nhé, về nhà với chú nhé”.
Nói rồi làm ra bộ chuẩn bị kéo Viên Viên đi. Viên Viên sợ quá òa khóc. Đến lúc này
tôi mới biết họ thường xuyên đùa cợt với bé.
Lúc đó tôi rất bực mình, trách ông xã
không biết cách bảo vệ con, giận quá tôi nói sẽ không để ông xã đưa đón con nữa.
Mặc dù ông xã cũng không đồng tình với cách làm của anh đồng nghiệp, nhưng không
cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến Viên Viên, cảm thấy tôi đã nghiêm trọng hóa
vấn đề. Sau đó tôi đã nhiều lần nói chuyện này với ông xã, cùng anh phân tích tâm
lý của trẻ. Qua thực tế anh cũng đã nhận ra sự ảnh hưởng, có hai lần đang ngủ thì
Viên Viên tỉnh dậy khóc thét, hỏi bé nằm mơ thấy gì, bé đều nói mơ thấy bố đến trường
mầm non đón bé về rồi không cần bé nữa, một mình đi mất. Một câu đùa lãng nhách
của người lớn gây ra nỗi sợ hãi lớn biết bao cho con trẻ.
Cuối cùng bố Viên Viên đã ý thức được
sự ảnh hưởng của chuyện này đối với con, và anh cũng rất hối hận. Sau đó tôi đã
cố gắng đi đón con, “tước đoạt” quyền đưa đón con của ông xã thật, chủ yếu là do
tôi không muốn để Viên Viên gặp lại hai vị đồng nghiệp đó của anh nữa, không muốn
gợi lại điều không vui cho bé. Ông xã cũng đã thực sự chú ý đến vấn đề này, thỉnh
thoảng vì tôi bận không thể đón con được, anh liền đón con và đưa về cơ quan nhưng
cũng không cho phép đồng nghiệp đùa cợt với con nữa. Tôi và ông xã đã đi đến thống
nhất, thà để mất lòng đồng nghiệp chứ không thể “đắc tội” với con. Đương nhiên,
anh bạn đồng nghiệp cũng không có ác ý khi trêu chọc con trẻ, thấy phụ huynh không
đồng tình nên từ sau cũng không đùa như thế nữa, vì thế cũng không tồn tại vấn đề
“mất lòng”.
“Trêu” trẻ và “đùa cợt” với trẻ là hai
khái niệm khác nhau. “Trêu” trẻ tức là lấy niềm vui của trẻ làm tiền đề. Thường
là người lớn đặt mình vào thế giới thú vị của trẻ, bằng phương thức trẻ có thể hiểu
và chấp nhận, tạo ra những chuyện giúp trẻ cảm thấy vui, trong đó bao hàm sự ngây
thơ, vui vẻ, thậm chí là sự hóm hỉnh và trí tuệ.
Tôi nhìn thấy một bà mẹ sau khi giặt
xong tấm ga trải giường phơi lên liền chơi trò chơi có tên là “ú oà” với cậu con
trai hai tuổi. Mẹ và bé đứng ở hai đầu tấm ga, không nhìn thấy nhau, sau đó kêu
một tiếng “ú òa”, hai người đồng thời thò đầu sang bên trái hoặc bên phải của tấm
ga để nhìn đối phương. Mục đích của bé là lần nào thò đầu ra cũng chạm trán với
mẹ, nhưng mục đích của mẹ là mỗi lần thò đầu ra không để bé nhìn thấy. Như thế,
có thể lần này mẹ vừa thò đầu sang bên trái, lần “ú òa” tiếp theo vẫn thò đầu sang
bên trái; theo sự phán đoán của bé, vừa nãy mẹ thò đầu sang bên trái, lần này chắc
sẽ phải thò đầu sang bên phải, thế nên chạy sang bên phải, kết quả là không bắt
được. Như thế mấy lần bị trượt, đến cuối cùng đã chạm trán được với mẹ, bé cười
như nắc nẻ. Đặc biệt là khi mẹ giở chiến thuật vừa thò đầu sang phía bên trái, lần
sau vẫn thò đầu sang bên trái, và bé cũng đã học được cách phán đoán, thông qua
phán đoán, hai lần cùng thò đầu sang một bên, cuối cùng đã “ú oà” được với mẹ, bé
sẽ cảm thấy vô cùng hưng phấn vì thành tích của mình.
Đùa cợt với con trẻ là những hành động
người lớn lợi dụng sự ngây thơ của trẻ, cố tình để trẻ phạm sai lầm, khóc lóc và
sợ hãi. Mục đích là để trêu cho người lớn vui, để bêu nhục trẻ, khiến trẻ cảm thấy
lo lắng và hụt hẫng. Ví dụ người lớn cầm trong tay một đồ vật chuẩn bị đưa cho trẻ,
nhưng lại không vui vẻ đưa ngay cho trẻ, mà đưa ra một điều kiện, bắt trẻ phải nói
một câu ngọt ngào đường mật, nếu trẻ không chịu nói, người lớn làm ra bộ lấy đồ
vật đó đi, mãi cho đến khi trẻ nói rồi, người lớn mới đưa đồ vật đó cho trẻ với
vẻ hài lòng. Có người lớn còn lấy việc dọa dẫm trẻ làm niềm vui, nhìn thấy bé trai
liền làm các động tác như lấy dao cắt “chim” của bé. Hoặc nhìn thấy một bé gái rất
thích con búp bê của mình, liền giấu búp bê đi, nói là mất rồi hoặc bị người khác
lấy rồi, bé gái liền khóc òa, người lớn mới chịu lấy ra.
Người lớn cảm thấy những trò này rất
thú vị, tưởng rằng chỉ là trêu cho trẻ cuống lên một lúc, khóc một lát, cười xong
là hết chuyện. Thực ra những hành vi này sẽ gây tổn thương cho trẻ về mặt tâm lý.
Đối với trẻ, những trò đùa này không hề thú vị, chỉ khiến trẻ cảm thấy bất an và
không được tôn trọng, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ cảm thấy sợ
hãi trong quan hệ xã giao và không tin tưởng vào người khác. Vì thế khi gặp những
chuyện này, bố mẹ cần ngăn chặn một cách lịch sự nhưng kiên quyết. Đây không phải
là chuyện nhỏ, chuyện liên quan đến con trẻ không có chuyện nhỏ, trong mắt người
lớn là chuyện nhỏ, nhưng đối với con trẻ lại là chuyện lớn.
Nhà giáo dục hiện đại nổi tiếng của
Trung Quốc Trần Hạc Cầm kiên quyết phản đối việc đùa cợt với trẻ, ông cho rằng chơi
với trẻ cũng là quá trình giáo dục phẩm chất đạo đức cho trẻ, những đứa trẻ thường
xuyên bị đùa cợt sẽ xuất hiện những khiếm khuyết về mặt phẩm chất đạo đức. Ví dụ
người lớn thường xuyên dùng cách nói dối trẻ, làm cho trẻ cuống lên, người lớn liền
cười ha ha, dần dần trẻ sẽ rèn được tính xấu không tin người khác và nói dối.
Trong cuộc sống đô thị hiện nay, những
cách đùa cợt con trẻ cụ thể vừa nói ở trên có thể không còn hay dùng nữa, nhưng
phương thức tư duy đùa cợt con trẻ của mọi người vẫn rất phổ biến, trong rất nhiều
trường hợp trẻ vẫn là đối tượng bị đùa cợt. Nhìn bề ngoài những hành vi đùa cợt
này không thô tục, nhưng tính man rợ của nó cũng tương tự như những hành vi đùa
cợt nêu trên, đều bao hàm sự không tôn trọng con trẻ, không thấu hiểu tâm lý con
trẻ.
Tối ngày 2-1-2008, tôi xem một chương
trình trên đài truyền hình Bắc Kinh, mời năm chị em sinh năm từ Hà Bắc đến, bốn
gái một trai. Năm em bé mới chỉ bốn, năm tuổi này rất khoẻ mạnh, đáng yêu, đứng
trong phòng quay mà không hề rụt rè, sợ hãi, tất cả đều tỏ ra rất hào hứng, lập
tức năm bé này đã thu hút sự chú ý của tôi, tôi liền ngồi xuống xem.
Câu hỏi đầu tiên của người dẫn chương
trình là “Trong số các bé, bé nào thích mách tội nhất”. Năm đứa trẻ nghe xong câu
hỏi này vẻ mặt ngơ ngác, bắt đầu chỉ linh tinh, sau đó có bé nhìn thấy mọi người
chỉ vào ai, bé cũng chỉ theo, cuối cùng thống nhất chỉ vào một bé, lập tức em bé
bị coi là người hay mách tội nhất trở nên luống cuống, chắc chắn em cũng biết được
rằng tội danh mà mình đang gánh không tốt đẹp gì, trông bé rất ấm ức, thậm chí sợ
hãi.
Câu hỏi thứ hai của người dẫn chương
trình là “Ai thích đánh người nhất”. Lúc đầu năm đứa trẻ đều chỉ linh tinh, giữa
chừng còn tố cáo nhau, cuối cùng lại thống nhất chỉ vào một người, em bé “thích
đánh người nhất” đó lập tức tỏ ra rất khó xử.
Câu hỏi thứ ba của người dẫn chương
trình là “Ai bị bố đánh nhiều nhất”. Năm em bé vẫn ngần ngừ chỉ linh tinh, đến cuối
cùng lại tập trung vào một em bé, em bé vừa bị chỉ lập tức không biết phải làm gì,
vẻ mặt rất ngượng ngùng.
Người dẫn chương trình và khán giả đều
bật cười vì dáng vẻ của các em, chỉ có các em là không cười. Mối quan hệ giữa các
em đã bị chia rẽ, trước mặt văn võ bá quan bị gắn vào một cái mác xấu nào đó, chúng
không còn cảm thấy thoải mái như lúc mới vào trường quay mà tỏ ra căng thẳng, không
biết nên làm thế nào.
Tiếp theo, người dẫn chương trình mang
ra một chiếc cặp sách rất đẹp, nói chỉ có mỗi chiếc cặp này, hỏi năm em bé xem nên
cho ai. Rõ ràng là cả năm em bé đều bị chiếc cặp sách này lôi cuốn, đều tỏ ra muốn
có được chiếc cặp sách này. Tuy nhiên, vừa nãy các em đã bị gán mác xấu, các em
đều muốn thể hiện tốt, thế là bắt đầu nhường nhau, đều nói để cho người khác, không
ai dám nói là cho mình. Chỉ đi chỉ lại, cuối cùng quyết định nhường cho chị cả,
được nhận cặp sách, chị cả rất mừng, vẻ thất vọng hiện rõ trên gương mặt của bốn
em bé còn lại. Có lẽ cô bé là chị cả cũng cảm thấy có gì không ổn, liền cắn môi
nhường cho em út, điều này có phần hơi bất ngờ. Đang lúc người dẫn chương trình
khen ngợi em, em liền bật khóc, vô cùng hụt hẫng và tấm tức. Người dẫn chương trình
tỏ vẻ kinh ngạc hỏi bé tại sao lại khóc, bé chỉ khóc mà không nói được gì.
Lúc này đây, cô bé là chị thứ ba lanh
lợi, mau mồm mau miệng liền giảng hoà nói: “Chị ấy thấy em năm tốt nên mới khóc”.
Khán giả lại một lần nữa cười ồ vì lời “giải thích” của cô bé thứ ba.
Chương trình kéo dài đến khi bé nào
khóc cũng đã khóc rồi, nói những lời giả dối cũng đã nói rồi, bé nào cũng thấp thỏm
bất an. Lúc này người dẫn chương trình mới lấy ra bốn chiếc cặp sách khác, cuối
cùng mấy đứa trẻ mới nhoẻn miệng cười.
Mục đích của chương trình này là gì,
dụng ý khi họ đưa ra những câu hỏi đó là gì? Tôi thực sự không thể hiểu. Tôi không
xem tiếp nữa mà đi làm việc khác. Nếu không tôi cũng buồn bực muốn khóc.
Viết đến đây, tôi nhớ đến một bài thơ
của Đào Hành Tri(1), bài thơ này viết rất hay, khi đối mặt với con trẻ, tất cả người
lớn đều phải ghi nhớ rằng:
(1)
Đào Hành Tri (1891-1946): Nhà giáo dục, nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc (ND).
Mọi người đều nói trẻ em nhỏ,
Trẻ em người nhỏ tim không nhỏ.
Nếu anh tưởng rằng trẻ em nhỏ,
Anh sẽ nhỏ hơn cả trẻ em. Lưu ý đặc biệt
Người lớn cảm thấy những trò này rất
thú vị, tưởng rằng chỉ là trêu cho trẻ cuống lên một lúc, khóc một lát, cười xong
là hết chuyện. Thực ra những hành vi này sẽ gây tổn thương cho trẻ về mặt tâm lý.
Đối với trẻ, những trò đùa này không hề thú vị mà chỉ khiến trẻ cảm thấy bất an
và không được tôn trọng, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ cảm thấy
sợ hãi trong quan hệ xã giao và không tin tưởng vào người khác. Vì thế khi gặp những
chuyện này, bố mẹ cần ngăn chặn một cách lịch sự nhưng kiên quyết. Đây không phải
là chuyện nhỏ, chuyện liên quan đến con trẻ không có chuyện nhỏ, trong mắt người
lớn là chuyện nhỏ, nhưng đối với con trẻ lại là chuyện lớn.
Chơi với trẻ cũng là quá trình giáo
dục phẩm chất đạo đức cho trẻ, những đứa trẻ thường xuyên bị đùa cợt sẽ xuất hiện
những khiếm khuyết về mặt phẩm chất đạo đức.