Ấn tượng sai lầm - Chương 44 - 45

23/9

Chương 44

“Tin tốt lành”, viên bác sỹ
tuyên bố vào buổi sáng ngày thứ ba. “Vết thương của cô đã gần lành, và tôi sắp
sửa đề nghị với nhà chức trách đưa cô tới trại giam Jilava vào ngày mai”.

Với câu nói này, viên bác sỹ
đã quyết định giờ hành động của Krantz. Sau khi viên bác sỹ đã thay băng cho cô
ta và bước ra khỏi phòng mà không nói một lời, Krantz nằm trên giường và nghiền
ngẫm kế hoạch của cô ta. Cô ta ngủ ngon lành từ lúc 3 giờ chiều tới lúc 9 giờ
đêm. Suy cho cùng, cô ta chỉ cần tỉnh táo vào ca đêm.

“Hôm nay cô ta không gây rối
gì”, Krantz nghe thấy một trong người lính gác báo cáo khi anh ta giao chùm
chìa khoá cho ca gác lúc 10 giờ đêm.

Krantz không cựa quậy trong
suốt bốn tiếng đồng hồ sau đó, bởi vì cả bao thuốc lá Silk Cut lẫn tờ tiền 100
đôla đều không thể mua được nụ cười của hai người lính già. Họ dường như chỉ
nóng lòng được tham dự lễ tang của cô ta.

Cô ta không ngủ.

Anna rời khỏi căn hộ của mình
để thực hiện bài tập chạy buổi sáng ngay trước lúc 6 giờ. Sam đứng dậy khỏi
chiếc bàn của mình để mở cửa cho cô - nụ cười không rời khỏi khuôn mặt ông già
kể từ khi Anna trở về.

Anna băn khoăn không hiểu
Jack sẽ đuổi kịp cô ở khúc nào. Cô phải thú nhận là cô đã nghĩ về Jack rất
nhiều kể từ khi hai người chia tay nhau vào hôm trước, và cô đang hy vọng là
mối quan hệ của họ sẽ vượt ra khỏi phạm vi quan hệ nghề nghiệp bình thường.

“Hãy cẩn thận”, Tina cảnh báo
cô trong bữa ăn tối qua. “Một khi ông ta đã có được thứ mình muốn, ông ta vẫn
sẽ không dừng lại”.

Một kẻ quái đản, cô nhớ là
mình đã nghĩ như vậy.

“Fenston rất thích bức tranh
Van Gogh”, Tina khẳng định với cô. “Ông ta đã treo nó ở vị trí trang trọng sau
bàn làm việc của mình”.

Thực tế là Tina đã nói cho cô
biết tất cả những gì mà Fenston và Leapman đã làm trong mười ngày qua. Tuy nhiên,
với tất cả những sự thăm dò khôn khéo, những lời ám chỉ và những câu hỏi đúng
chỗ, cô vẫn không tìm ra nguyên nhân tại sao Fenston luôn theo sát cô.

Anna nhớ tới lần cuối khi cô
chạy quanh công viên Central là vào buổi sáng ngày 11. Đám mây xám xịt kia có
lẽ cuối cùng cũng sẽ tan biến, nhưng còn nhiều thứ gợi nhớ tới cái ngày khủng
khiếp đó, chưa nói gì đến hai tiếng Bãi Trống trên môi mọi người. Cô gạt sang
một bên những hình ảnh kinh hoàng của ngày hôm đó khi cô trông thấy Jack đang
chạy bên dưới Artists Gate.

“Chờ lâu chưa, Người Rình
rập?”, Anna hỏi khi cô chạy qua chỗ anh và vòng quanh chiếc ao.

“Chưa”, Jack trả lời khi anh
đuổi kịp cô. “Tôi mới chạy quanh được hai vòng, vì vậy tôi sẽ xem đây như là
vòng chạy cho người bớt nóng”.

“Bớt nóng chưa?”, Anna nói và
tăng tốc chạy đi. Cô biết mình không thể duy trì tốc độ đó lâu và chỉ ít giây
sau anh đã lại chạy chầm chậm bên cô.

“Không tồi”, Jack nói, “nhưng
cô có thể giữ tốc độ như vậy trong bao lâu?”.

“Tôi nghĩ đó là chuyện của
đàn ông”, Anna nói và cố gắng giữ tốc độ. Cô biết hy vọng duy nhất của mình là
làm anh sao nhãng. Cô chờ cho đến khi bảo tàng Frick hiện ra trước mắt.

“Hãy kể tên năm hoạ sỹ có
tranh treo trong bảo tàng kia”, cô yêu cầu, với hy vọng rằng sự thiếu kiến thức
của anh trong lĩnh vực này sẽ bù đắp cho tốc độ của cô.

“Bellini, Mary Cassatt,
Renoir, Rembrandt và Cromwell”.

“Đúng, nhưng Cromwell nào?”,
Anna vừa hỏi vừa thở hổn hển.

“Thomas, không phải Oliver”,
Jack nói.

“Không tồi, Người Rình rập
ạ”, Anna thú nhận.

“Cô có thể phê bình cha tôi
về chuyện đó”, Jack nói. “Cứ mỗi khi ông đi tuần tra vào Chủ nhật, mẹ tôi lại
đưa tôi tới các phòng tranh và các bảo tàng. Ban đầu tôi nghĩ đó là sự lãng phí
thời gian, cho đến khi tôi thấy say mê”.

“Anh say mê ai?”, Anna hỏi
khi họ chạy lên đồi Pilgrim.

“Rossetti, hoặc, nói một cách
chính xác hơn, người yêu của ông là Jane Burden”.

“Các học giả vẫn đang tranh
cãi xem ông ấy đã ngủ với bà ta chưa”, Anna nói. “Và chồng của bà ta – William
Morris – ngưỡng mộ Rossetti đến mức người ta nghĩ rằng ông ta sẽ không phản đối
nếu chuyện đó xảy ra.”.

“Một người đàn ông xuẩn
ngốc”, Jack nói.

“Anh vẫn còn say mê Jane
chứ?”, Anna hỏi.

“Không, từ đó đến nay tôi đã
thay đổi nhiều. Tôi bây giờ chỉ thích những phụ nữ có bộ ngực cao đến mang
tai”.

“Vậy chắc là anh đã bỏ ra nhiều
thời gian ở MIMA”.

“Một vài cuộc hẹn hú hoạ”,
Jack thú nhận, “nhưng mẹ tôi không đồng ý”.

“Vậy bà muốn anh phải hẹn hò
với những người như thế nào?”.

“Mẹ tôi cổ lắm, vì vậy bất kỳ
cô Mary nào còn trinh là được, nhưng tôi đang cố làm bà thay đổi suy nghĩ”.

“Anh còn cố làm gì nữa
không?”.

“Ví dụ?”, Jack hỏi.

“Ví dụ như nghĩ xem chữ R là
viết tắt của từ gì”, Anna vừa nói vừa thở hổn hển.

“Cho tôi biết đi”, Jack nói.

“Tôi cá là Romania”, Anna nói
như sắp đứt hơi.

“Cô nên gia nhập FBI”, Jack
vừa nói vừa chạy chậm lại.

“Anh đã tự nghĩ ra rồi à?”,
Anna hỏi.

“Không”, Jack thừa nhận, “Một
người tên là Abe nói cho tôi biết”.

“Và?”.

“Và cả cô lẫn ông ta đều
đúng”.

“Vậy Câu lạc bộ Romania ở
đâu?”.

“Ở một ngôi nhà xuống cấp tại
khu Queens”, Jack đáp.

“Và anh đã nhìn tìm thấy gì
khi mở nó ra?”.

“Tôi không hoàn toàn chắc
chắn”, Jack nói.

“Đừng đùa nữa, Người Rình
rập, nói cho tôi biết đi”.

“Khoảng hai triệu đôla”.

“Hai triệu?”, Anna lặp lại
lời anh bằng một giọng thể hiện sự nghi ngờ.

“Ừ, cũng có thể không nhiều
đến thế, nhưng chắc chắn đủ để sếp tôi vứt hết mọi thứ, cho theo dõi toà nhà và
hoãn kỳ nghỉ phép của tôi”.

“Loại người nào sẽ cất hai
triệu đôla ở ngăn tủ gửi đồ tại một toà nhà xuống cấp ở khu Queens?”, Anna hỏi.

“Một người không dám mở tài
khoản tại bất kỳ một ngân hàng nào trên thế giới”.

“Krantz”, Anna nói.

“Bây giờ đến lượt cô. Bữa ăn
tối của cô với Tina có cho kết quả gì không?”.

“Tôi nghĩ anh sẽ không bao
giờ hỏi”, Anna đáp và chạy thêm 100 thước nữa trước khi nói tiếp, “Fenston nghĩ
món đồ mới nhất trong bộ sưu tập của ông ta thật tuyệt vời. Nhưng quan trọng
hơn là, khi Tina đưa cà phê vào phòng cho ông ta, chị ấy thấy có một tờ Thời
báo New York trên mặt bàn, và được giở tới trang 17”.

“Chắc chắn không phải là
chuyên mục thể thao”, Jack nói.

“Không, chuyên mục tin quốc
tế”, Anna vừa nói vừa rút bài báo từ trong túi ra rồi đưa cho Jack.

“Đây là mồi nhử để xem tôi có
thể theo kịp cô trong khi vừa chạy vừa đọc không chứ gì?”.

“Không, đây là mồi nhử để xem
anh có biết đọc không, Người Rình rập ạ, và tôi lúc nào cũng có thể chạy chậm
lại, bởi vì tôi biết trước kia chưa bao giờ anh đuổi kịp tôi”, Anna nói.

Jack đọc tít báo và gần như
dừng hẳn khi họ chạy qua khu hồ. Một lát sau anh nói: “Một cô gái khôn ngoan,
cô bạn Tina của cô ấy”.

“Và chị ấy càng ngày càng khôn
ngoan hơn”, Anna nói. “Chị ấy đã nghe lỏm một cuộc nói chuyện điện thoại giữa
Fenston với Leapman và thấy Fenston nóiÔng vẫn còn giữ chiếc chìa khoá
thứ hai đấy chứ? Chị ấy không hiểu ý nghĩa của câu nói này, nhưng…”
.

“Tôi xin rút lại tất cả những
gì tôi đã nói về cô ấy”, Jack nói. “Cô ấy là đồng đội của chúng ta”.

“Không, Người Rình rập, chị
ấy là đồng đội của tôi”, Anna vừa nói vừa tăng tốc chạy xuống khu Strawberry
Fields, Jack chạy song song bên cô.

“Tôi sẽ chia tay anh ở đây”,
Anna nói khi họ chạy tới Artists Gate. Cô nhìn đồng hồ và mỉm cười: mười một
phút bốn mươi tám giây.

“Ăn gì không?”.

“Xin lỗi, không thể”, Anna
nói, “tôi phải gặp một người bạn cũ ở hãng Christie, thử tìm hiểu xem họ có
cuộc đấu giá nào không”.

“Bữa tối thì thế nào?”.

“Tôi có vé vào xem triển lãm
Rauschenberg tại bảo tàng Whitney. Nếu anh muốn đi với tôi, tôi sẽ có mặt tại
đó vào lúc 6 giờ, Người Rình rập ạ”.

Cô chạy đi trước khi anh kịp
trả lời.

Chương 45

Leapman chọn một ngày Chủ
nhật bởi vì đó là ngày duy nhất trong tuần Fenston không tới văn phòng, cho dù
hôm ấy Fenston đã gọi ông ta ba lần.

Ông ta ngồi một mình trong
căn hộ của mình và ăn bữa tối trước màn hình tivi, nghiền ngẫm kế hoạch của
mình, cho đến khi ông ta tin chắc rằng sẽ không có sai sót nào. Ngày mai, và
tất cả các ngày mai của ngày mai, ông ta sẽ ăn tối tại những nhà hàng sang
trọng nhất, và chẳng cần phải chờ Fenston.

Sau khi đã vét đến mẩu thức
ăn cuối cùng, ông ta quay về phòng ngủ của mình và cởi quần lót ra. Ông ta mở
tủ lấy ra bộ đồ thể thao mà ông ta cần cho công việc đặc biệt này. Ông ta mặc
lên người một chiếc áo phông, một chiếc quần đùi và một chiếc quần dài thụng
màu xám mà các cô cậu thanh niên ngày nay không thể tin rằng cha mẹ họ đã từng
mặc. Cuối cùng ông ta đi một đôi tất trắng vào chân, và xỏ chân vào một đôi
giày màu trắng. Ông ta không nhìn vào mình trong gương. Ông ta bước qua phòng,
quỳ xuống và quờ tay dưới gầm giường để lấy ra một chiếc túi thể thao. Một
chiếc vợt chơi bóng quần thò cán ra khỏi miệng túi. Lúc này ông ta đã sẵn sàng
cho công việc bất thường của mình. Tất cả những gì mà ông ta cần là một chiếc
chìa khoá và một bao thuốc lá.

Ông ta bước vào căn bếp, mở
một ngăn kéo có chứa một thùng các tông lớn đựng những tút thuốc Marlboro và
lấy ra một bao. Ông ta không bao giờ hút thuốc. Hành động cuối cùng của ông ta
trong nghi lễ này là luồn tay xuống đáy ngăn kéo và lấy ra một chiếc chìa khoá,
vốn được dán chặt vào đáy tủ bằng băng dính. Bây giờ thì ông ta đã có tất cả
những gì mình cần.

Ông ta khoá cửa trước bằng
hai lần khoá rồi đi xuống tầng trệt. Ông ta mở cửa hậu, leo lên các bậc cầu
thang và bước ra phố.

Đối với những người qua
đường, ông ta trông giống như một người đang trên đường tới câu lạc bộ bóng
quần của mình. Leapman chưa bao giờ chơi bóng quần trong cuộc đời mình. Ông ta
đi bộ qua một toà nhà rồi mới gọi tắc xi. Một thói quen không bao giờ thay đổi.
Ông ta đưa cho tài xế địa chỉ cần tới, cách đó năm dặm, và không phải là địa
chỉ của một câu lạc bộ bóng quần. Ông ta ngồi ở băng ghế sau, cảm thấy nhẹ nhõm
khi người tài xế rất ít lời, bởi vì ông ta cần tập trung. Ngày hôm nay, ông ta
sẽ có một thay đổi trong lề thói hàng ngày của mình, một sự thay đổi mà ông ta
đã lên kế hoạch trong mười năm qua. Đây sẽ là lần cuối cùng ông ta đi làm những
công việc lặt vặt cho Fenston, một kẻ đã lợi dụng ông ta suốt mười năm qua. Hôm
nay thì không. Không bao giờ còn có chuyện đó nữa. Ông ta nhìn qua cửa xe. Ông
ta thực hiện chuyến đi này một lần, đôi khi là hai lần trong một năm, để bỏ
những khoản tiền lớn vào một ngăn tủ an toàn tại NYRC, mỗi khi Krantz vừa hoàn
thành một công việc được giao. Trong suốt thời gian đó, ông ta đã đặt tổng cộng
5 triệu đôla vào ngăn tủ để đồ số 13 ở nhà nghỉ NYRC trên phố Lincoln, và ông
ta biết đó luôn là những chuyến đi một chiều – cho đến ngày cô ta mắc sai lầm.

Khi ông ta đọc thấy trên
tờThời báorằng Krantz đã bị bắt sau khi bị bắn vào vai – kể
mà bị bắn chết thì tốt biết mấy, ông ta nghĩ – Leapman biết đây là cơ hội có
một không hai trong đời mình. Fenston thì thích gọi đó là cánh cửa cơ hội. Suy
cho cùng, Krantz là người duy nhất biết trong ngăn tủ đó có bao nhiêu tiền mặt,
trong khi ông ta là người duy nhất ngoài cô ta có chìa khoá ngăn tủ đó.

“Chính xác là ở đâu?”, người
tài xế hỏi.

Leapman nhìn qua cửa xe. “Hai
toà nhà nữa”, ông ta nói, “anh có thể cho tôi xuống tại góc phố”. Leapman lấy
chiếc vợt chơi bóng quần ra khỏi túi rồi đặt nó lên ghế sau. “23 đôla”, người
tài xế vừa nói vừa cho xe dừng lại bên ngoài một cửa hàng bán rượu.

Leapman đưa cho anh ta ba tờ
mệnh giá 10 đôla. “Tôi sẽ quay lại sau năm phút. Nếu anh vẫn còn ở quanh đây,
anh sẽ được nhận 50 đôla nữa”.

“Tôi sẽ ở quanh đây”, người
tài xế tắc xi vội trả lời.

Leapman cầm chiếc túi thể
thao lên và bước xuống, để lại chiếc vợt trên xe. Ông ta bước qua đường, hài
lòng khi thấy trên vỉa hè có rất đông người đi mua sắm. Một trong những lý do
khiến ông ta luôn chọn ngày Chủ nhật. Tại khu Queens, một chiếc túi không đựng
gì cũng có thể bị cướp giật.

Leapman bước nhanh cho tới
khi ông ta đến trước số nhà 61. Ông ta dừng lại một lát để kiểm tra xem có ai
để ý đến mình không. Họ để ý đến ông ta làm gì? Ông ta bước xuống cầu thang về
phía tấm biển NYRC và đẩy chiếc cánh cửa chưa bao giờ bị khoá ra. Người gác cửa
ngước nhìn lên và khi nhìn thấy vị khách mới bước vào, ông ta gật đầu – hành
động nhiệt thành nhất của ông ta trong ngày – rồi lại tập trung vào chuyên mục
thể thao. Leapman đặt bao Marlboro lên mặt bàn, và biết rằng nó sẽ biến mất
trước khi ông ta quay đi. Ai cũng có giá của mình.

Leapman nhìn dọc chiếc hành
lang tối mờ được chiếu sáng nhờ một ngọn đèn 40 oát. Đôi khi ông ta băn khoăn
tự hỏi không hiểu mình có phải là người duy nhất bước qua chiếc bàn tiếp tân
hay không.

Cho dù hành lang rất tối, ông
ta vẫn biết chính xác ngăn tủ cần tìm nằm ở vị trí nào. Không phải vì ông ta có
thể đọc con số trên cửa, bởi vì giống như mọi thứ khác, nó đã bị mờ đi theo
thời gian. Ông ta nhìn về phía đầu hành lang, một điếu thuốc nữa đang cháy đỏ
trên môi ông già.

Ông ta lấy chiếc chìa khoá
trong túi quần ra, cho vào ổ khoá, xoay một vòng rồi mở cửa ra. Ông ta mở khoá
chiếc túi thể thao trước khi ngoái nhìn lại phía đầu hành lang. Không quan tâm.
Chỉ cần không đầy một phút, ông ta đã vét sạch ngăn tủ, chất đầy chiếc túi, và
kéo khoá lại.

Leapman đóng cửa tủ và khoá
lại lần cuối cùng. Ông ta nhấc chiếc túi lên, hơi ngạc nhiên vì sức nặng của
nó, rồi bước trở lại chỗ bàn tiếp tân. Ông ta đặt chiếc chìa khoá lên mặt bàn.
“Tôi sẽ không cần nó nữa”, ông ta nói với ông già gác cửa. Ông già không ngẩng
đầu lên mà vẫn chăm chú đọc chuyên mục thể thao.

Leapman bước qua cửa, trèo
lên các bậc cầu thang và bước ra ngoài. Ông ta lại nhìn dọc con phố. An toàn.
Ông ta bắt đầu bước nhanh trên phố, tay nắm chặt quai túi, và cảm thấy nhẹ nhõm
khi thấy chiếc tắc xi vẫn đợi ông ta ở góc phố.

Ông ta vừa đi được khoảng 20
thước thì bất ngờ bị bao vây bởi hàng chục người mặc quần bò và áo gió, phù
hiệu FBI màu vàng in đậm sau lưng áo. Họ lao về phía ông ta từ mọi phía. Vài
giây sau, hai chiếc xe lao vào phố Lincoln từ hai phía, cho dù đây là đường một
chiều, và thắng gấp ngay sát kẻ tình nghi. Lần này thì những người qua đường
dừng lại và nhìn chằm chằm người đàn ông mặc bộ đồ thể thao mang túi thể thao
đang bị bắt giữ. Chiếc tắc xi chạy đi, mất 50 đôla, được một chiếc vợt.

“Đọc cho ông ta nghe quyền
lợi của mình”, Joe nói, khi một sỹ quan khác bẻ quặt tay Leapman ra sau và còng
lại, trong khi một người thứ ba cầm lấy chiếc túi.

“Ông có quyền giữ im lặng…”,
Leapman im lặng không nói gì.

Sau khi Leapman đã được nghe
về những quyền lợi Miranda[3]của mình – đây không phải là lần
đầu tiên - ông ta được dẫn tới một chiếc xe, không kèn không trống, và được đẩy
vào hàng ghế sau, nơi Đặc vụ Delaney đang ngồi chờ ông ta.

[3]Điều luật của Mỹ quy định các sỹ quan cảnh sát phải
cho người tình nghi biết một số quyền lợi pháp lý của mình trước khi bắt giữ và
thẩm vấn họ (ND).

Anna đang ở trong Bảo tàng
Whitney, và đang đứng trước một bức tranh của Rauschenberg có tựa đềSatellitekhi
chiếc điện thoại di động trong túi cô rung lên. Cô nhìn màn hình và thấy người
gọi chính là Người Rình rập.

“Có đây”, Anna nói.

“Tôi tính sai rồi”.

“Cái gì sai?”, Anna nói.

“Hơn hai triệu”.

Krantz lắng nghe tiếng chuông
đồng hồ trên tháp nhà thờ gần đó. Cô ta nằm im, cảnh giác, sẵn sàng cho một sự
thay đổi.

Chỉ một lát sau, cô nghe thấy
có tiếng chìa khoá tra vào ổ, tiếp đến là tiếng cánh cửa mở ra và khép lại. Cô
ta không nhìn lên, tất cả đều như bình thường. Người lính gác bước lại gần, đặt
một cốc nước lên chiếc bàn bên cạnh giường, lấy gói Silk Cut, và rời khỏi căn
phòng mà không nói lấy một lời. Cô ta nghe thấy tiếng cánh cửa được khoá lại.

Cô ta không hề cử động, một
tay nắm chặt tờ 100 đôla, một tay nắm chặt chiếc kéo của viên bác sỹ.

Hai mươi phút trôi qua trước
khi cô ta nghe thấy tiếng chìa khoá xoay trong ổ và chiếc cánh cửa được mở ra
lần thứ hai. Cánh cửa được khép lại. Người lính gác thứ hai bước nhanh qua
phòng, đặt một chiếc bánh xăngđuých pho mát, một lon coke và một gói Silk Cut
lên mặt bàn. Anh ta quay sang nhìn người tù nhân và chờ đợi.

Một nắm tay nhỏ luồn ra từ
bên dưới tấm ga, và các ngón tay từ từ mở ra để lộ một tờ 100 đôla. Người lính
gác mỉm cười. Khi anh ta cúi xuống để cầm lấy tờ tiền, tờ tiền rơi khỏi bàn tay
cô ta và bay xuống sàn.

Người lính gác cúi xuống để
nhặt tờ tiền lên, và đến khi anh ta đứng lên, với một nụ cười trên mặt, Krantz
đã ngồi dậy và đang chờ trên mép giường. Anh ta vừa định cho tờ tiền vào túi
thì Krantz nắm lấy mái tóc dầy của anh ta bằng một tay, và bằng một động tác
thành thục, cắt đứt họng anh ta bằng tay còn lại với chiếc kéo của viên bác sỹ.
Không phải là vũ khí hiệu quả nhất, nhưng là thứ duy nhất mà cô ta có.

Anh ta ngã xuống đất, và nằm
giữa vũng máu của chính mình, trong khi vẫn nắm chặt tờ đôla trong tay. Krantz
rời khỏi giường, nhanh chóng tháo chiếc chìa khoá mà cô ta cần từ chùm chìa
khoá của anh ta, chạy lại phía cửa và khoá lại. Cô ta kéo chiếc giường lại gần,
chỉ vài inch, và nhìn lên chiếc cửa sổ nhỏ không khoá. Krantz muốn tìm hiểu mức
độ rủi ro trong công việc mà cô ta sắp làm.

Cô ta chạy ba bước tính từ
cửa, nhảy lên tấm đệm, trèo lên thành giường, như thể đó là một thanh xà, tung
người lên như một vận động viên nhào lộn, và luồn hai chân qua cửa sổ.

Cô ta bị kẹt, một nửa ở
trong, một nửa ở ngoài. Krantz xoay người, vặn vẹo một lúc, cuối cùng cô ta đã
chui qua được chiếc cửa sổ nhỏ và bám chặt tay vào mép cửa. Không nhìn xuống,
không chần chừ. Cô ta thả tay ra, rơi qua hai tầng nhà xuống một luống hoa, và
lăn tròn như thể cô ta vừa thả tay rơi xuống từ một chiếc xà cao.

Cô ta nhanh chóng đứng lên và
chạy về phía bức tường được chăng dây thép gai, cũng là lúc người lính gác nghiện
thuốc lá mở cửa ra để xem tại sao đồng đội của anh ta lại lâu đến vậy.

Mấy giây sau, tiếng còi báo
động vang lên, và toàn bệnh viện ngập trong ánh đèn pha, giống như một sân bóng
trong một trận đấu đêm. Krantz chỉ còn cách mục tiêu của mình vài thước khi cô
ta nghe thấy tiếng chó sủa đầu tiên. Không bao giờ nhìn lại, bởi vì điều đó sẽ
làm giảm tốc độ.

Krantz nhảy lên nắm lấy lớp
dây thép gai, và những con chó đầu tiên cũng nhảy lên theo cô ta. Nhưng chúng
chỉ còn biết sủa theo khi con người kia gác chân qua lớp dây thép gai trần và
nhanh chóng rơi xuống phía bên kia bức tường. Ba người lính gác đã chạy đến
chân tường, nhưng không ai dám bắt chước kẻ đào tẩu.

Một người trong số họ rút
súng ra khi Krantz bắt đầu chạy qua đường. Anh ta bắn phát thứ nhất – rất gần,
nhưng chưa đủ. Và đến khi anh ta bóp cò lần thứ hai thì cô ta đã mất hút trong
rừng.

Viên bác sỹ trẻ quỳ xuống bên
cái xác để tìm hiểu xem thứ vũ khí giết người mà kẻ sát nhân sử dụng là gì.

Anh ta phát hiện thấy chiếc
kéo của mình trong gầm giường, và vội vàng cho chiếc kéo vào túi áo khoác. Anh
ta nhìn lên và thấy người lính gác nghiện thuốc lá đang đứng nhìn chiếc cửa sổ
nhỏ bằng một vẻ mặt kinh ngạc.

Rồi anh ta nhớ ra. Cô ta từng là vận động viên trong đội tuyển Olympic.

24/9

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3