Giấc mơ Trung Quốc - Chương 04 - Phần 03
III. “Binh pháp Trung
Quốc” hòa bình trên hết
Tính cách một quốc gia, một dân tộc sẽ có thể hiện đột
xuất và trực tiếp trên lĩnh vực văn hóa quân sự của họ. Trung Quốc là một nước
lớn về văn hóa quân sự, “Binh pháp Trung Quốc” là của báu về văn hóa quân sự
Trung Quốc, là biểu hiện và kết tinh trên lĩnh vực quân sự của văn hóa chính trị
Trung Quốc. Xuất phát từ binh pháp Trung Quốc để xem xét tính cách Trung Quốc
là một góc độ quan sát quan trọng.
“Chỉ Qua Vi Vũ”:
“Binh pháp hòa bình”
“Binh pháp hòa bình” của Trung Quốc “Chỉ Qua Vi
Vũ”[11] nghĩa là coi mục đích và mục tiêu “dùng vũ lực” định chuẩn ở việc
“ngưng giáo”, cũng tức là coi mục tiêu cuối cùng của đấu tranh quân sự định chuẩn
ở “hòa bình” chứ không phải định chuẩn ở “chiến thắng”. Như vậy nghĩa là nói,
văn hóa quân sự Trung Quốc không những là văn hóa đánh thắng chiến tranh, giành
thắng lợi, mà mặt quan trọng hơn, là văn hóa ngăn ngừa chiến tranh, giành lấy
hòa bình.
Cách đây 5.000 năm tổ tiên Hoa Hạ khi sáng tạo chữ
“Vũ” (Võ) trên mai rùa, xương thú vật, đã tuân theo tinh thần “ngưng giáo” [Chỉ
Qua], đem lại hàm nghĩa hòa bình cho chữ “Vũ”. Truyền thống Hoa Hạ “Chỉ Qua Vi
Vũ” quyết định mục đích “Thượng Võ” [tôn sùng võ lực] của Trung Quốc là để
“Ngưng giáo” [Chỉ Qua], quyết định thực chất “Thượng Võ” của Trung Quốc là “Thượng
Hòa” [tôn sùng hòa bình].
Binh pháp Trung Quốc có một danh ngôn là “Tự cổ tri
binh phi hiếu chiến” [Dịch ý: Từ đời xưa, những người giỏi binh pháp thì không
hiếu chiến][12]; lý tưởng của quân nhân Trung Quốc là “Tự cổ tri binh vi hòa bình”
[Dịch ý: Từ đời xưa, những người giỏi binh pháp thì dùng binh vào mục đích vì
hòa bình]. Mức độ cao nhất trong nghiên cứu quân sự, thực tiễn quân sự không phải
là “đánh bại kẻ địch” mà là “giành lấy hòa bình”. Cho nên binh pháp Trung Quốc
là “Binh pháp hòa bình”. Giá trị cốt lõi của binh pháp Trung Quốc không phải là
“Thắng lợi trên hết” mà là “Hòa bình trên hết”. Xét về năng lực “đánh bại kẻ địch”
thì người Mỹ có thể được coi là đứng hàng đầu thế giới, nhưng năng lực “giành
hòa bình” của họ thì thực sự chưa thể được khen ngợi. Từ sau khi chiến tranh lạnh
chấm dứt, các cuộc chiến tranh “đánh bại kẻ địch” do Mỹ tiến hành chưa có lần
nào thất bại, nhưng các nỗ lực “giành hòa bình” sau chiến tranh của Mỹ thì lại
chưa lần nào thành công; toàn bộ chiến trường thuận lợi về quân sự đều trở
thành cái bẫy và vũng lầy đối với quân đội Mỹ. Công nghệ cao về quân sự của Mỹ
và “Binh pháp Mỹ” không thể giải nguy khốn cho quân đội Mỹ. Phải chăng người Mỹ
cần tăng cường học tập và nghiên cứu Binh pháp Trung Quốc?
[11] Chỉ Qua Vi
Vũ 止戈为武: Trong Hán tự, chữ “Vũ (Võ)” 武
(trong vũ lực, vũ khí) do chữ “Chỉ” 止 (dừng lại) và chữ “Qua” 戈
(cây giáo, một thứ vũ khí thời xưa) họp thành; “Chỉ Qua” là ngưng giáo (tức
không chiến đấu) cấu tạo thành chữ “Vũ”. Chỉ Qua Vi Vũ còn được dùng như một
thành ngữ, với nghĩa: võ công chân chính là võ công chấm dứt được chiến tranh;
về sau lại có thêm ý: võ công chân chính là không dùng vũ lực mà khuất phục được
đối phương. Chỉ Qua Vi Vũ là luận điểm nổi tiếng do Sở Trang Vương nêu ra đầu
tiên.
[12] Tự cổ tri
binh phi hiếu chiến: Từ xưa, người biết dùng binh đều không hiếu chiến. Ý nói
người giỏi quân sự đều hết sức tránh chiến tranh mà cố gắng dùng mưu lược để giải
quyết tranh chấp với đối phương. Đây là nửa sau của vế thứ nhất trong đôi câu đối
tại miếu thờ Võ Hầu Gia Cát Lượng ở Thành Đô. Đôi câu đối này như sau:
能攻心则反侧自消,自古知兵非好战;
不审势即宽严皆误, 后来治蜀要深思
“Đánh phủ đầu sau”:
“Binh pháp phòng ngự”
“Binh pháp phòng ngự” kiểu “đánh phủ đầu sau” của
Trung Quốc tức là “Không tấn công”, không làm chuyện đánh phủ đầu trước, không
khiêu chiến kẻ khác, không trước tiên nổ súng.
Xưa nay quân đội Trung Quốc có câu cửa miệng là “Biết lo xa sẽ tránh được
tai họa”, “Luôn sẵn sàng chiến đấu”, bao giờ cũng dựa vào sự chuẩn bị sẵn sàng.
Quân đội và quân nhân Trung Quốc không dùng cách tấn công đánh phủ đầu trước để
giành chủ động chiến lược mà dùng sự chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự tấn
công của kẻ khác, dùng “lo xa” để bảo đảm “tránh tai họa”. Không nổ súng trước, chỉ xuất binh khi có lý
do, đánh phủ đầu sau - đó là nguyên tắc chiến lược cơ bản. Điều đó trên căn bản
quyết định tính phi tấn công, tính phi xâm lược, tính phi gây chiến của văn hóa
quân sự Trung Quốc, quyết định việc văn hóa quân sự Trung Quốc trên tầng nấc
chiến lược không phải là văn hóa có tính tấn công mà là văn hóa phòng ngự, văn
hóa có tính tự vệ, văn hóa có tính phản kích.
Tuy được thế giới công nhận là binh pháp huyền diệu
nhưng binh pháp Trung Quốc chủ yếu không nói về tấn công mà nói về phòng ngự;
nhấn mạnh đánh phủ đầu sau chứ không phải là đánh phủ đầu trước.
Đặc trưng căn bản của văn hóa quân sự Trung Quốc là
phòng ngự tích cực về chiến lược, điều đó không phủ định giá trị về mặt nghệ
thuật tấn công của binh pháp Trung Quốc. Chỉ có điều mục đích căn bản của kiểu
tấn công này vẫn là để phòng ngự chứ không phải là để chiếm lĩnh; để giữ thành
chứ không phải để bành trướng. Hán Vũ Đế tài ba mưu lược, quân đội nhà Hán tiến
sâu vào sa mạc đi xa đánh Hung Nô cũng nhằm mục đích lấy tấn công làm phòng thủ,
lấy chinh phạt làm phòng ngự, vẫn thuộc về phòng ngự tích cực.
Tính chất phòng ngự của văn hóa quân sự Trung Quốc
được cả thế giới công nhận. Học giả Mỹ nổi tiếng John King Fairbank nói: “Các
nhà quyết sách Trung Quốc xưa nay đều nhấn mạnh chiến tranh mặt đất có tính
phòng ngự, khác hẳn với lý thuyết tấn công của chủ nghĩa bành trướng thương mại
thể hiện trong hành động của các đế quốc châu Âu”. Thomas Cleary[13] nói:
“Trung Quốc hạn chế việc sử dụng vũ lực vào mục đích phòng ngự là xuất phát từ ảnh
hưởng của tư tưởng đạo đức Đạo gia và Nho giáo. Chiến tranh chỉ là thủ đoạn bất
đắc dĩ, hơn nữa phải có lý do chính đáng, đó thông thường là chiến tranh phòng
ngự nhưng không loại trừ chiến tranh có tính trừng phạt nhằm ngăn chặn hành vi
kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu”. Nhà truyền giáo phương Tây Matteo Ricci sống ở Trung
Quốc gần 30 năm thời kỳ Vạn Lịch triều Minh từng nói: Quân đội triều Minh là
quân đội có số lượng nhiều nhất, trang bị tốt nhất trên thế giới mà ông từng thấy,
nhưng đội quân này hoàn toàn chỉ dùng vào phòng ngự, không có bất kỳ ý đồ nào
xâm lược nước khác.
[13] Thomas
Cleary: Nhà Hán học người Mỹ.
Theo thống kê của các sử gia Nga, thời gian 1700 -
1870, trong số 38 cuộc chiến tranh người Nga tiến hành trong gần 170 năm chỉ có
2 cuộc chiến tranh có tính phòng ngự, còn lại 36 cuộc đều có tính tấn công.
Nhưng trong lịch sử mấy nghìn năm của Trung Quốc rất khó thấy tiền lệ Trung Quốc
chủ động tấn công quốc gia và dân tộc khác trong tình hình không bị công kích.
“Không đánh mà thắng”: “Binh pháp mưu lược”
“Binh pháp mưu lược” không đánh mà thắng nghĩa là
trong đấu tranh quân sự không dùng sức mạnh để quyết định thắng lợi mà dùng mưu
kế để giành chiến thắng. Xưa nay các nhà quân sự Trung Quốc đều nhấn mạnh “Nghĩ
kế trước, đánh trận sau”, “Định mưu trước, hành động sau”, “Điều quan trọng
trong dụng binh là trước tiên lập mưu”. Họ coi trọng sự vận dụng mưu lược và
sách lược, hoặc dùng cái uy quân sự để đe dọa, hoặc dùng hôn nhân để hòa hiếu,
dùng cách vây thành để ngăn trở, hoặc dùng bổng lộc để ban ơn, hoặc dùng hàng
hóa để thông thương, hoặc dùng cách giáo hóa để đối phương nhớ ơn mình v.v. nhằm
đạt tới mức độ “đánh nhỏ mà thắng”, “không đánh mà thắng”. Trung Quốc thời cổ
đã hình thành truyền thống “dùng mưu kế”; “36 chước” nổi tiếng lưu truyền xa gần.
Binh pháp Trung Quốc là phương thức và phương pháp tư duy “tôn sùng mưu kế”,
“dùng mưu kế”. Binh pháp Trung Quốc kiên trì “Dùng mưu lược thắng địch là trình
độ dụng binh cao nhất”, “Không đánh mà hàng phục được toàn bộ kẻ địch”[14], tìm
kiếm và thực hiện sự thống nhất giữa giành chiến thắng quân sự với hạ thấp trả
giá cho chiến tranh.
[14] Nguyên văn
chữ Hán: Thượng binh phạt mưu (Dùng mưu lược thắng địch là trình độ dụng binh
cao nhất) và Bất chiến nhi khuất nhân chi binh (Không đánh mà hàng phục được
toàn bộ kẻ địch) Đây là hai câu thiên “Mưu công” trong Binh pháp Tôn Tử.
Học giả Mỹ Arthur Waldran tổng kết như sau: Tư duy
chiến lược Trung Quốc xưa nay đều tôn sùng dùng binh lực (lực) nhỏ nhất, thông
qua dùng mưu kế (kế hoặc sách) để tận dụng tối đa các điều kiện khách quan (thế)”.
Thực chất của “Binh pháp mưu lược” Trung Quốc là từ
chối (các biện pháp) dã man, giảm thương vong. Binh pháp Trung Quốc tôn sùng giữ
nguyên vẹn thành thị, không chủ trương đánh thành chiếm đất, phá thành, tàn sát
thành, là loại “Binh pháp văn minh”, “Binh pháp nhân nghĩa”. Văn minh và hiệu
quả của dùng mưu kế để chiến thắng là ở chỗ hạ thấp giá thành đấu tranh quân sự,
giảm thiểu cái giá phải trả cho việc giành chiến thắng và hòa bình. Binh pháp
Trung Quốc thể hiện văn minh quân sự Trung Quốc.
“Bàn về chiến tranh” của châu Âu khác với “Binh pháp
Tôn Tử” của Trung Quốc
Nước Đức là quê hương của Clausewitz; sách “Bàn về
chiến tranh” là kiệt tác của người Đức. Họ đọc “Bàn về chiến tranh” với nhiệt
tình chẳng kém gì người Trung Quốc đọc “Binh pháp Tôn Tử”. Đặc biệt là các nhà
chính trị và nhà quân sự Đức, có ai không đọc “Bàn về chiến tranh”?
“Bàn về chiến tranh” được gọi là “Binh pháp Tôn Tử”
của châu Âu. Nhưng binh pháp châu Âu và binh pháp Trung Quốc phản ánh tính cách
khác nhau và đại diện cho các phẩm cách khác nhau. Tại châu Âu, chính là các cuộc
đại chiến ở đây đã thúc đẩy sự ra đời binh pháp châu Âu, mà binh pháp châu Âu lại
thúc đẩy một bước đại chiến châu Âu và đại chiến thế giới. Không ít nhà chiến
lược và nhà quân sự châu Âu từng trải qua hai cuộc đại chiến thế giới đều có
cùng một nỗi tiếc nuối, đó là họ chưa được đọc “Binh pháp Tôn Tử” sớm một chút.
Hoàng đế Đức
William đệ nhị, người gây ra đại chiến thế giới lần thứ nhất, sau chiến tranh
có dịp đọc “Binh pháp Tôn Tử” của Trung Quốc, bất giác ông buồn bã thở dài nói:
“Giả thử 20 năm trước ta có thể được đọc “Binh pháp Tôn Tử” của Trung Quốc thì
chắc hẳn đã chẳng gây nên bi kịch nước Đức mất nước thế này”.
Đại gia chiến lược phương Tây Liddell Hart[15], người
được gọi là Clausewitz thế kỷ XX, năm 1963 từng viết lời tựa cho bản dịch tiếng
Anh cuốn “Tôn Tử”, trong đó có câu: “Trong thời đại trước đại chiến thế giới lần
thứ nhất, tư tưởng quân sự châu Âu chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tác phẩm lớn “Bàn
về chiến tranh” của Clausewitz. Giả thử ảnh hưởng ấy có thể được điều hòa và
cân bằng bởi tư tưởng Tôn Tử, thì tai nạn to lớn mà nền văn minh nhân loại phải
chịu trong hai cuộc đại chiến thế giới ở thế kỷ này nhất định đã giảm được
không ít”.
[15] Sir Liddell
Hart (1895-1970) người Anh, quân nhân, sử gia quân sự, nhà lý luận quân sự hàng
đầu, nổi tiếng với lý thuyết chiến tranh cơ giới hóa (sử dụng xe tăng), nhà
văn, nhà báo, tác giả hơn 30 cuốn sách, đáng kể là “Lịch sử thế chiến II”.
Sau chiến tranh, sách “Binh pháp Tôn Tử” được tiêu
thụ rất nhiều ở châu Âu, về sau lại được ưa chuộng trên toàn cầu. Sức thu hút của
“Binh pháp Tôn Tử” trên thực tế phản ánh sức thu hút của văn hóa quân sự Trung
Quốc.
Trung Quốc là một nước lớn về binh pháp thế giới
nhưng Trung Quốc xưa nay không phải là một nước lớn chiến tranh thế giới. Binh
pháp Trung Quốc là binh pháp chính trị, binh pháp hòa bình, binh pháp phòng ngự,
binh pháp mưu lược, binh pháp nhân nghĩa, binh pháp đạo đức, binh pháp văn minh
và binh pháp lấy mềm trị cứng, lấy tĩnh thắng động. Bộ “Binh pháp Tôn Tử” là biểu
hiện điển hình của văn hóa quân sự Trung Quốc, tập trung phản ánh tính cách
quân sự Trung Quốc, cũng là biểu hiện đột xuất của tính cách chính trị Trung Quốc
trong lĩnh vực quân sự.
IV. “Đế quốc Trung Hoa”
mạnh mà không xưng bá
Đế quốc Trung Hoa là đế quốc có thời gian tồn tại
dài nhất trong lịch sử thế giới, một “đế quốc trường thọ” danh bất hư truyền.
Nhưng đế quốc Trung Hoa tuân thủ lý tưởng “Kẻ làm vua không bắt nạt thiên hạ, kẻ
làm đế không phụ hàng xóm”, trước sau luôn luôn là “Lớn mà không ngang ngược”,
“mạnh mà không xưng bá”. “Đại đế quốc” này và “Đại hoàng đế” của nó đều có đặc
sắc vương đạo rõ rệt.
Nhà Tần mạnh cớ sao “Xây Trường thành”?
Đặc trưng của “đế quốc” là hùng mạnh và tấn công,
xâm lược và bành trướng. Trong lịch sử, đế quốc Trung Hoa là một đế quốc lớn mạnh,
nhưng dường như đế quốc này khác với tất cả các đế quốc trên thế giới, vì đế quốc
hùng mạnh này là một đế quốc có tính thủ thành, một đế quốc có tính phòng ngự,
đế quốc kiểu tự vệ, là một đế quốc kiểu đạo đức, đế quốc có tính hòa bình, một
đại cường quốc có thể thân thiện, tin cậy.
Khởi điểm “đế quốc” của đế quốc Trung Hoa bắt đầu từ
Tần Thủy Hoàng. Là “Thủy hoàng đế” (hoàng đế đầu tiên) của đế quốc Trung Hoa, Tần
Thủy Hoàng là người kiến tạo đại đế quốc đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Đế
quốc Tần xây Trường thành, Đại đế Tần Hoàng trở thành người thiết kế và lãnh đạo
công trình phòng ngự vĩ đại nhất trên thế giới. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất
Trung Quốc, lực lượng quân sự nước này lớn mạnh, ông ra lệnh cho đại tướng Mông
Điềm tiến lên phía Bắc thảo phạt Hung Nô, nhằm mục đích lấy tấn công làm phòng
thủ. Sau khi đuổi Hung Nô, thu hồi các vùng đất bị chiếm, thì bắt đầu xây Trường
thành nhằm để người Hồ không thể tiến xuống phía Nam xâm chiếm đất đai của
Trung Quốc. Nhưng triều Tần xây Trường thành không dùng làm đường biên giới mà
xây bên trong cương vực triều Tần. Chỉ có ở Trung Quốc mới thấy một kỳ quan như
vậy: làm công sự phòng ngự giữ thế thủ trong tình hình quốc lực đang ở vào thế
mạnh. Nhà Tần mạnh mà xây Trường thành, điều đó thể hiện đặc tính thủ thành của
đế quốc Trung Hoa. Trung Quốc mấy lần có cao trào xây Trường thành đều không phải
vào lúc nước này suy yếu mà vào lúc cường thịnh. Việc xây dựng với quy mô lớn
Trường thành nhà Tần và Trường thành nhà Minh đều xảy ra vào thời quân lực quốc
gia hùng mạnh. Trường thành là một tín hiệu của đế quốc Trung Hoa, cũng là một
ký hiệu của đế quốc Trung Hoa. Hàm nghĩa của Trường thành là thủ thành không tấn
công, chung sống hòa bình.
Đời Hán - Đường vì sao sợ “triều cống”?
Trong khi nghiên cứu các hệ thống thế giới, việc so
sánh hai hệ thống sau đây rất có ý nghĩa thuyết minh: “hệ thống phong cống”
Đông Á và “hệ thống thực dân” châu Âu.
“Hệ thống phong cống” Đông Á: trong hệ thống này người
ta coi đế quốc Trung Hoa là “Thượng quốc”, một số quốc gia xung quanh là “Phiên
thuộc quốc”; giữa phiên thuộc quốc với thượng quốc duy trì một mối quan hệ tiến
cống và hồi tặng, dùng sợi dây đó duy trì hệ thống láng giềng hữu hảo. Đây là một
hệ thống giúp đỡ lẫn nhau hữu hảo có tính địa phương. Trung Quốc thời cổ có ưu
thế về chính trị, kinh tế và văn hóa; ưu thế này đem lại sức hút và sức ảnh hưởng
tự nhiên giữa Trung Quốc với các nước xung quanh hình thành mối quan hệ khu vực
“nhiều vì sao vây xung quanh mặt trăng”. Trên danh nghĩa, một số tiểu quốc dựa
dẫm vào vương triều thống trị Trung Quốc đã thực hiện định kỳ cống nạp Trung Quốc.
Loại “hệ thống phong cống” có nội dung chủ yếu và đặc trưng nổi bật là thông
thương và giao lưu văn hóa thì khác xa mối quan hệ phụ thuộc về chính trị, trên
thực tế là có nghĩa vụ hiệp định, lại càng khác với mối quan hệ giữa hệ thống
thực dân với các thuộc địa của phương Tây. Trung Quốc xưa nay không phải là quốc
gia theo chủ nghĩa thực dân; cho tới nay trên thế giới không có bất kỳ quốc gia
hoặc vùng nào từng là thuộc địa của đế quốc Trung Hoa. Vào thời Hán - Đường, mối
quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh được phương Tây gọi là “quan hệ
triều cống”. Về bản chất, mối quan hệ triều cống này là loại quan hệ giao lưu
“có đi có lại mới toại lòng nhau”, nó giống như sự đi lại thăm hỏi giữa những
người thân thích, không phải là quan hệ chinh phục, quan hệ thống trị, quan hệ
khống chế, cũng không phải là quan hệ lãnh đạo. Nền văn minh Hoa Hạ “gieo rắc
khắp bốn biển”, các nước xung quanh “tám phương đến triều kiến”, thể hiện sức
thu hút của quốc gia trung tâm, thể hiện lực hướng tâm của nền văn minh Trung
Hoa mà các quốc gia xung quanh ngưỡng mộ. Trong mối quan hệ triều cống ấy, các
tiểu quốc xung quanh chẳng những nhận được lợi ích vật chất thực tế mà hơn nữa,
do được sự sách phong của đế quốc trung ương có nền văn minh phát triển cao, họ
còn có thể nhận được địa vị “chính thống”, tăng cường được tính hợp pháp nắm
chính quyền, là một loại lợi ích chính trị.
Người nước ngoài nhìn nhận “hệ thống phong cống”
Đông Á như thế nào? Matteo Ricci viết trong “Trung Quốc Tạp ký” như sau: “Phía
Đông có 3 nước, phía Tây có hơn 53 nước, phía Nam có hơn 55 nước, phía Bắc có 3
nước, tất cả đều triều cống Trung Quốc. Thật ra các nước cống nạp khi đến Trung
Quốc giao nộp cống phẩm, số tiền họ lấy từ Trung Quốc còn nhiều hơn rất nhiều
so với số vật phẩm họ đã tiến cống, vì thế chính quyền Trung Quốc không quan
tâm đến việc có cống nạp hay không”.
Matteo Ricci hồi ở Trung Quốc đã phát hiện ra bí mật
của việc các nước xung quanh “cống nạp” đế quốc Trung Hoa; thực ra đây là một
phát hiện hơi muộn. Việc xưa nay các nước xung quanh hăng hái cống nạp đế quốc
Trung Hoa đều là việc gây khó dễ cho đế quốc này. Bởi lẽ “Thượng quốc” Trung
Hoa áp dụng một kiểu chính sách “ban ơn” đối với các “Phiên thuộc quốc” xung
quanh, cố gắng làm trách nhiệm “khoản đãi”, duy trì một kiểu quan hệ “thể diện”.
Ngay từ thời nhà Hán, do thực hiện ưu đãi các quốc gia đến triều cống, phải biếu
tặng lại một lượng lễ vật nhiều vài lần, vài chục lần lượng “cống phẩm”, lâu
ngày làm như vậy dẫn đến quốc khố rỗng tuếch. Thời nhà Đường “vạn quốc lai triều”
(nhiều quốc gia đến triều cống) làm cho triều đình không kham nổi gánh nặng hồi
tặng, đành phải ra quy định hạn chế số lần triều cống, chỉ cho phép nước triều
cống bao nhiêu năm mới đến cống nạp một lần nhằm hạn chế nhiệt tình của các nước
“tranh nhau đến triều cống”.
Tại sao “khởi nghĩa nông dân” ở Trung Quốc nhiều nhất
thế giới?
Lịch sử thế giới cận đại cho ta thấy một hiện tượng
thú vị: đế quốc Trung Hoa có nhiều cuộc “nội chiến”, còn các đế quốc phương Tây
thì có nhiều “ngoại chiến”. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân Trung Quốc số lượng
nhiều, quy mô lớn thật là nhất thế giới; số lượng chiến tranh trong nước nhiều
vượt xa chiến tranh đối ngoại.
Đế quốc Trung Hoa lúc hùng mạnh thì không tấn công
nước khác, khi tài nguyên cạn kiệt, mâu thuẫn nội bộ nổi bật cũng không bao giờ
dùng cách gây tranh chấp, gây chiến tranh, bành trướng ra ngoài và cướp bóc nước
khác để đổ vấy khó khăn, chuyển dịch mâu thuẫn, hòa hoãn nguy cơ. Trong lịch sử
Trung Quốc, nông dân thường xuyên nổi dậy, quy mô khởi nghĩa lớn, điều này có
nguyên nhân quan trọng là Trung Quốc thiếu đất trồng trọt, cạnh tranh lợi ích
gay go dẫn đến mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt. Trong lịch sử, một số quốc gia
phương Tây có thói quen sử dụng các biện pháp như di cư dân ra nước ngoài khai
thác thuộc địa, gây chiến tranh cướp đất, qua cách chuyển dịch mâu thuẫn ra bên
ngoài và chuyển dịch sự chú ý của dân chúng để hòa hoãn quan hệ trong nước
mình, thông qua đấu tranh đối ngoại để hòa hoãn đấu tranh giai cấp trong nước,
thông qua chiến tranh với bên ngoài để giải tỏa cạnh tranh trong nước. Nhưng đế
quốc Trung Hoa xưa nay không dùng phương pháp hướng ngoại mà bao giờ cũng vận dụng
phương pháp hướng nội, tập trung giải quyết ở trong nước mọi mâu thuẫn, kết quả
là mâu thuẫn giai cấp trong nước trở nên gay gắt, chính quyền cũ bị lật đổ, xã
hội thay đổi triều đại, phải trả giá nặng nề.
Đó là đế quốc Trung Hoa, cho dù ở vào thời đại khủng
hoảng chính trị quốc nội vẫn cứ hướng vào trong nước, chỉ tự hành hạ mình mà quyết không nhìn ra ngoài để gán mâu thuẫn,
gây chiến tranh ở ngoài nước.
“Đại đế” Hoa Hạ giống như “đại ca”
Tính cách đế quốc Hoa Hạ gắn chặt với bẩm tính của
các hoàng đế gây dựng và lãnh đạo đế quốc Trung Hoa. Từ Tần Hoàng đại đế cho tới
Hán Vũ đại đế, các vị “đại đế” thét ra lửa này trong lịch sử Trung Quốc đều
không phải là những đại đế xâm lược, đại đế bành trướng, mà là đại đế phòng ngự,
đại đế tự vệ. Tần Thủy Hoàng tiến đánh 6 nước nhằm giải quyết các vấn đề nội
chính của Trung Quốc hồi ấy, sau khi thực hiện thống nhất Trung Quốc, ông chỉ
lo xây dựng Trường thành.
Các vị anh quân minh chủ Trung Quốc bao triều đại
trước dù là người dựng cơ nghiệp hay người giữ cơ nghiệp, đều làm nên sự nghiệp
trong cương thổ quốc gia mình, trừ ngoại lệ là khi dân tộc Trung nguyên bị các
dân tộc thiểu số bên ngoài như dân tộc Mông Cổ diệt vong. Cho nên các đại đế
Trung Quốc khác với các đại đế Pháp “dùng gươm vẽ bản đồ châu Âu” như Louis
XIV, Napoleon. Khi châu Âu tiến sang thời đại hàng hải lớn, bắt đầu bành trướng
thì ở Trung Quốc có tình hình ngược lại. Khi Minh Thái tổ dựng nước đã quyết định
cố thủ nội địa Trung Quốc mà không phát triển ra ngoài; ông từng truyền lại
rành mạch cho con cháu: quân đội triều Minh mãi mãi không chinh phục 15 nước, gồm
Triều Tiên, Nhật Bản, An Nam...
Năm 1421 có hơn 1.200 sứ thần, thương nhân các nước
đến Nam Kinh trong một đợt. Sau khi đến Trung Quốc, họ được hoàng đế và các đại
thần Trung Quốc thịnh tình khoản đãi, khi về nước họ lại có sứ thần Trung Quốc
hộ tống. Các quốc vương, hoàng hậu và đại thần nước ngoài đều coi việc họ được
đến thủ đô Trung Quốc là một dịp may lớn.
Đế quốc Trung Hoa giỏi đối đãi với các nước nhỏ, nước
yếu. Hoàng đế Trung Quốc đối xử với vua các tiểu quốc như anh cả đối xử với em
nhỏ. Mạnh mà không đánh kẻ yếu, lớn mà không đánh kẻ nhỏ bé; lấy đức trị thiên
hạ, lấy nhân đãi bốn phương, đó là tính cách và phẩm cách, trình độ và tiết
tháo của Trung Quốc.