Luận Anh Hùng - Phần III - Chương 13 - phần 1
II. Chú dê đuôi to
Để Võ Tắc Thiên trở thành đàn ông, chính là người đàn ông của bà - Đường
Cao Tông Lý Trị.
Sử liệu chứng minh, Đường Thái Tông Lý Thế Dân luôn không an tâm với Lý Trị
- bảo bối của mình. Năm Trinh Quán thứ
mười bảy (năm 644). Thái Tông tiếp kiến quần thần ở điện Lưỡng Nghi, đã hỏi
trước mặt Lý Trị: Phẩm hạnh của thái tử, thiên hạ đều biết cả chứ? Trưởng Tôn
Vô Kỵ trả lời: Tuy thái tử chưa xuất cung, nhưng người thiên hạ không ai là
không ngưỡng vọng thánh đức. Thái Tông lại xúc động nói, trăm họ đều nghĩ thế
này: “Sinh con như sói, còn sợ là dê”, Trị nhi ngay từ bé đã rất khoan hậu!
Trưởng Tôn Vộ Kỵ lại nói: Bệ hạ kiêu dũng, là vua sáng nghiệp; thái tử nhân từ,
đủ đức để giữ. Tính cách của bệ hạ và thái tử có khác nhau, đó chính là trời
ban, là phúc của lê dân!
Về mặt lý luận, lời nói của Trưởng Tôn Vô Kỵ là rất hay. Có thể nhanh chóng
lấy được thiên hạ, nhưng không thể trị được thiên hạ. Vua mở nước phải là hổ,
vua giữ thành có thể là dê. Điều mà Trưởng Tôn Vô Kỵ không nghĩ tới, dê không
chỉ có ăn cỏ. Nếu là hoàng đế, cũng ăn thịt người. Lý Thế Dân lo lắng không
phải là không có lý. Có điều, Lý Thế Dân cũng không ngờ, Lý Trị không chỉ nhu
nhược, mà còn “hiếu nội”, thích nghe lời đàn bà.
Tất cả đều cho Võ Tắc Thiên cơ hội rất tốt.
Lý Thế Dân quan tâm đặc biệt việc giáo dục Lý Trị. Nhìn Lý Trị ăn cơm, liền
nói: Ngươi phải biết người làm ruộng vất vả, mới có cơm ăn. Nhìn thấy Lý Trị
cưỡi ngựa liền nói: Nếu hắn biết không để ngựa quá mệt, thì mới có ngựa để
cưỡi. Thấy Lý Trị ngồi trên thuyền, liền nói: Nước có thể nâng thuyền, cũng có
thể dìm thuyền. Dân là nước, vua là thuyền. Thấy Lý Trị đứng dưới gốc cây, liền
nói: Cây có dây buộc mới thẳng, nguyên thủ biết nghe ý kiến mới thánh minh. Có
thể coi là sự chăm sóc vất vả. Lý Thế Dân còn viết cuốn “Đế phạm” mong dạy Lý
Trị làm hoàng đế như thế nào.
Lý Trị biểu hiện cũng không tồi. Vừa lên làm hoàng đế, đã rất chăm chỉ. Một
hôm Lý Trị đi săn, đúng lúc trời mưa. Lý Trị hỏi gián nghị đại phu Cốc Na Luật:
Phải làm gì để áo mưa không thấm nước? Cốc Na Luật trả lời: Làm bằng ngói thì
hết thấm. Lý Trị vỡ ra, hiểu đó là khuyên không nên mải mê săn bắn, bỏ bễ việc
triều chính, Lý Trị rất vui, đã thưởng cho Cốc Na Luật. Đối với số người không
đáng thưởng, Lý Trị không hề nể mặt, có thể nói là thưởng phạt phân minh. Người
chú là Đằng vương Lý Nguyên Anh và anh là Tưởng vương Lý Vận thường cướp của
dân, đã nhắc mấy lần mà không sửa. Lúc ban thưởng các vương, Lý Trị loại hai
người đó ra, nói: Đằng thúc và Tưởng huynh đã biết kiếm tiền, không phải
thưởng. Rồi cho họ hai xe dây gai, hãy lấy dây để xâu tiền. Hai vị đó xấu hổ
đến đỏ mặt tía tai, không biết trốn đi đâu. Rõ ràng, Lý Trị không hôn dung,
cũng không xuẩn.
Nhưng tâm bệnh của Lý Trị lại rất nặng.
Lý Trị vừa lên ngôi, đã gặp phải ba vấn đề khó khăn: 1. Làm gì để thoát
khỏi ám ảnh của tiên đế. 2. Làm gì để không bị quần thần khống chế. 3. Làm gì
để khắc phục những nhược điểm trong tính cách. Lý Trị phải suy nghĩ rất nhiều
về ba vấn đề này. Mọi việc làm sau này đều xuất phát từ ba vấn đề trên.
Trong con mắt mọi người, Lý Trị thực may mắn khi nhận được cơ nghiệp từ tay
Đường Thái Tông. Trinh Quán yên bình, thành tựu nổi bật, vua nhân thần trung,
dân giàu nước mạnh. Lý Thế Dân vị minh chủ anh hùng cái thế, mọi việc đã thiết
kế xong, suy nghĩ xong, sắp xếp xong, Lý Trị chỉ còn ngồi mà hưởng. Nhưng, sáng
nghiệp khó, giữ nghiệp càng khó. Chỉ riêng Lý Trị mới hiểu được nỗi khổ của
mình: Làm tốt là phúc trạch của tiên đế, làm không tốt là mình vô năng. Phụ
hoàng thành công mỹ mãn, Lý Trị không sao thoát khỏi cái bóng của tiên đế.
Quân thần cũng là một mối phiền hà. Họ theo chân tiên đế nhiều năm, công
lao cái thế, mưu lược hơn người, họ đến phò tá mình, nhưng ai biết được, họ
đang suy nghĩ những gì? Dù là không mưu phản, nhưng họ luôn coi mình là trẻ
con, thật đáng giận. Lý Trị thấy rõ, thật khó chiều chuộng mấy ông già này.
Ngay như Trưởng Tôn Vô Kỵ, tên là Vô Kỵ, nhưng không hề kỵ bất cứ một thứ gì.
Vì Lý Trị nhân từ yếu đuối, sợ khó giữ được xã tắc, Đường Thái Tông định lập
Ngô vương Lý Khắc anh võ quả đoán làm thái tử, liền bị Trưởng Tôn Vô Kỵ kiên
quyết phản đối. Vì Lý Khắc không phải là con của em gái ông ta - Trưởng Tôn
hoàng hậu. Dương phi - mẹ đẻ của Lý Khắc là con gái Tùy Dạng đế. Kết quả, Lý
Khắc không chỉ không là thái tử, mà còn bị Vô Kỵ mưu sát sau lúc Lý Trị đăng
cơ, bằng biện pháp vu cáo mưu phản, cũng là biện pháp sau này Võ Tắc Thiên đối
phó với Vô Kỵ. Lúc sắp chết, Lý Khắc đã lớn tiếng mắng chửi: Trưởng Tôn Vô Kỵ
thao túng quyền uy, hãm hại trung lương, tổ tiên có linh, chẳng bao lâu nữa
người sẽ bị diệt tộc. Sử gia cũng cho rằng, Trưởng Tôn Vô Kỵ vu cáo người mưu
phản, về sau bị người vu cáo lại, được coi là báo ứng(1).
(1) Đường Cao Tông, Vĩnh Huy năm thứ ba
(năm 652), công chúa Cao Dương cùng chồng là phò mã Phòng Di Ái và Tiết Vạn
Triệt, Sài Lệnh Vũ... mưu phản, âm mưu phế Cao Tông, lập Hình vương Lý Nguyên
Cảnh làm đế. Ngô vương Lý Khắc không liên can. Vô Kỵ từng phản đối Lý Khắc là
thái tử, nên sợ Lý Khắc báo thù. Để có thể vứt bỏ mối tâm bệnh, Vô Kỵ liền vu
cáo Lý Khắc có dính vào đó, và tự mình đề thẩm án phạm, dùng cực hình man rợ.
Lý Khắc được ban cho tự vẫn (Tác giả).
Cứ coi như bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ là vô kỵ, thì Lý Trị vẫn là hữu kỵ. Lý Thế
Dân từng nghi kỵ Lý Thế Tích, nhưng vì sao Lý Trị lại không nghi kỵ Trưởng Tôn
Vô Kỵ? Nền chính trị chuyên chế, kỵ nhất là quyền thần công cao hơn chủ, đuôi
to khó đứt. Không giết được lũ dê đuôi to thì đêm đêm không sao chợp được mắt.
Thế nào cũng phải giết một con dê trong đàn dê, con nào đuôi to thì phải giết.
Có điều Lý Trị luôn không nỡ? Chính Lý Trị cũng không nghĩ, mình sẽ trở thành
con dê con đầu đàn, tính cách hướng nội, luôn luôn lo sợ, chỉ cần nhìn thấy ánh
mắt trừng trừng như sói của lũ Trưởng Tôn Vô Kỵ đã thấy lo ngại sợ sệt. Bọn
chúng dám đụng đầu cả với Thái Tông hoàng đế, liệu còn gì khiến chúng không
dám.
Cần có người để Lý Trị thổ lộ nỗi niềm và cũng cần có người giúp Lý Trị
thoát khỏi hoàn cảnh ấy. Nhưng, có thể trò chuyện với ai đây? Lũ hậu phi chỉ
biết tranh giành xâu xé, bọn triều thần thì lo âm mưu tính kế. Vị hoàng đế trẻ
tuổi luôn cảm thấy cô độc, cảm thấy “ở cao nên lạnh”.
Đúng lúc đó, Thượng đế đã phái Võ Tắc Thiên tới.
Lý Trị và Võ Tắc Thiên mới gặp đã đem lòng yêu thương. Lúc hai người dan
díu vụng trộm, có thể chỉ là sự rung động nhất thời. Nhưng rất nhanh, Lý Trị đã
phát hiện người đàn bà hơn mình bốn tuổi này đúng là có khí chất và ma lực đặc
biệt, giá có cầu cũng chẳng được. Một chàng trai, lòng dạ luôn e ngại lo sợ
giống như Lý Trị, rất thích những người đàn bà lớn tuổi hơn, kiểu như mẹ như
chị gái; còn những người có khí chất đặc biệt của nam tử hán, lại rất thích
người ít tuổi hơn mình, kiểu như con, như em gái. Huống chi Lý Trị còn kinh
ngạc phát hiện thấy trên người đàn bà đó có những cái mà mình không có. Võ Tắc
Thiên trầm tĩnh, mưu sâu nghĩ xa, nhạy cảm quyết đoán, tinh lực dồi dào, ngược
hẳn với tính cách của mình: Đa sầu đa cảm, nhu nhược tùy tiện, do dự quả đoán.
Lý Trị như được cổ vũ rất nhiều từ những phát hiện của mình. Lý Trị quyết tâm
chung sống với người đàn bà này, mong có thể giải quyết được những khó khăn
trước mắt. Vì vậy, bằng mọi giá, Lý Trị phải đưa người đàn bà đó lên ngôi hoàng
hậu. Đó là điều mà bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ không sao hiểu được. Bởi sức tưởng
tượng của họ có giới hạn, không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn là “háo sắc” hoặc
“sợ vợ”. Họ càng không hiểu trong lòng vị hoàng đế trẻ tuổi đang suy nghĩ những
gì.
Lý Trị kỳ vọng ở Võ Tắc Thiên rất nhiều điều và cũng là những điều Võ Tắc
Thiên đang muốn làm.
Cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ được, hứng thú chính trị và tài năng
chính trị của Võ Tắc Thiên là từ đâu mà có? Khác hẳn với những người đàn bà
bình thường khác, Võ Tắc Thiên có tiềm năng và sự nhạy bén trời sinh về mặt
chính trị, thêm vào đó là trực giác của người đàn bà, nên khi nói về chính trị,
Võ Tắc Thiên như có thêm nanh thêm vuốt so với người chồng Lý Trị. Võ Tắc Thiên
biết, việc gì nên làm việc gì chưa nên làm, việc gì cần làm trước, việc gì để
lại sau, chính nhờ vào cách làm việc ổn định, có trước có sau, Võ Tắc Thiên đã
từng bước lên tới đỉnh cao.
Sau khi là hoàng hậu, ngoài việc cấp bách cần làm là phế trừ thái tử Lý
Trung, lập thái tử khác là Lý Hoằng - con đẻ của mình, Võ Tắc Thiên còn phải xây dựng một hệ thống
tổ chức của riêng mình. Võ Tắc Thiên và Lý Trị có chung nhận thức về những việc
này, thậm chí Lý Trị còn đau xót hơn Võ Tắc Thiên: Lý Trị đã nếm mùi chống đối
mỗi khi các nguyên lão liên hợp lại. Nếu các nguyên lão trọng thần động một tí
là liên hợp lại với nhau để chống đối mình, thì ngôi vị hoàng đế của mình còn
có ý nghĩa gì? Vì vậy khi Võ Tắc Thiên đề xuất nên trọng thưởng và đề bạt số
người ủng hộ mình làm hoàng hậu, Lý Trị không hề suy nghĩ đã đồng ý luôn.
Sự thực thì, Lý Trị cũng rất cảm kích đối với số người này. Còn nhớ rất rõ,
lúc Lý Trị đề xuất, cần phế Vương hoàng hậu, lập Võ Tắc Thiên, về cơ bản các
triều thần đều nghiêng về một phía. Ngoài số ít người không nói năng gì, đa
phần đều đứng về phía bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ và từng người từng người đều phẫn
kích, xúc động, tưởng như Lý Trị đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Cứ nghĩ tới
chuyện đó là cảm thấy lạnh gáy. Vậy, giang sơn Đại Đường là của Lý Trị hay của
bọn Trưởng Tôn Vô Kỵ đây? May sao đã có Hứa Kính Tông, Lý Nghĩa Phủ bước ra nói
chuyện. Người thứ nhất là Lý Nghĩa Phủ công khai lên tiếng ủng hộ Lý Trị, Hứa
Kính Tông đứng giữa triều đường, tạo dư luận giúp Lý Trị. Điều đó khiến Lý Trị
cảm thấy được an ủi rất nhiều, giống như đấu sĩ tác chiến đơn độc gặp được hiệp
khách vung gươm hỗ trợ, giống như người độc hành đi trong đêm, tận nơi hoang vu
vắng lặng, nhìn thấy một đốm lửa từ xa.
Điều mà con người trân trọng nhất, là sự giúp đỡ khi người ta đang bị cô
lập, dù đó là sự giúp đỡ ít ỏi, dù đó là sự giúp đỡ của một thiểu số thấp hèn.
Không, chính vì số người giúp đỡ ít ỏi, thấp hèn như vậy, nên sự giúp đỡ đó mới
càng được trân trọng. Trong thâm tâm Lý Trị rất tán thành việc Võ Tắc Thiên
trọng thưởng và trọng dụng mấy người đó. Không thưởng cho những người như vậy
thì thưởng ai? Không dùng những người như vậy thì dùng ai? Cần phải đề bạt
những con người như vậy, để họ đấu tranh với tập đoàn nguyên lão và Trưởng Tôn
Vô Kỵ.
Lý Trị suy nghĩ như vậy là rất tự nhiên. Đương nhiên, Lý Trị sẽ không nghĩ
rằng: số người này thuộc đội ngũ của mình, hay là người bên Võ Tắc Thiên? Đương
nhiên, Lý Trị cũng không nghĩ, họ ủng hộ mình vì chính nghĩa, công lý, nguyên
tắc hay vì sự trung thành tuyệt đối trước quân vương, mà họ hoàn toàn vì lợi
ích cá nhân, và trước đó, họ đã phải suy nghĩ tính toán dốc túi nhiều, cuối
cùng mới quyết định chơi một canh bạc, bạc được đặt trên người Võ Tắc Thiên -
một minh tinh chính trị đang lên.
Ít ra thì Lý Nghĩa Phủ là vậy. Vì Lý Nghĩa Phủ là tiểu nhân.