Duyên Kỳ Ngộ - Chương 32 - phần 1
Chương 32
Hai canh giờ sau, huyệt ngủ của A La tự giải. Nàng mở mắt,
nhìn cung điện chói lòa xung quanh, bất giác kinh sợ nhảy lên, liệu có phải mình
lại trở về một triều đại nào đó? Lại bắt đầu từ sáu tuổi, nàng chịu không nổi, cúi
nhìn bản thân, thấy chân tay không thay đổi mới thở phào, vừa nghĩ tới cơ thể lại
thấy toàn thân mềm nhũn.
Lúc đó một cung nữ vén màn sa: “Nương nương tỉnh rồi?”.
“Cái gì?”. A La mở miệng, cảm thấy vẫn là giọng nói của mình.
Nàng nghi hoặc nhìn cung nữ: “Vừa rồi ngươi gọi ta là gì?”.
“Vương thượng bảo nô tỳ phải gọi bằng nương nương”. Cung nữ
nhanh nhẹn cuốn màn, lại tiếp: “Chắc nương nương đói rồi, nô tỳ đi chuẩn bị cháo
hoa, hầu nương nương dùng”.
“Khoan đã, ai là vương thượng? Ta là gì, là cái người ngươi
vừa gọi là nương nương sao? Đây vẫn là Ninh quốc ư?”. A La hoang mang.
“Vâng, đây là Ninh quốc. Hôm nay là đại lễ đăng cơ của vương
thượng, lúc này vương thượng có lẽ đã cho mở rộng cửa vương cung, nhận lời chúc
tụng của bá quan, cũng để bách tính ngưỡng vọng”.
“Hôm nay là ngày mười tám tháng ba? Ai làm hoàng đế? Lưu Phi?”.
A La nhớ lại, thì ra mình đã hôn mê ba ngày, vẫn còn bao điều nàng không hiểu.
Cung nữ sợ hãi: “Nương nương, đại danh của vương thượng không
được gọi thẳng như vậy, tội chém đầu đó!”.
Ồ, vậy là Tử Ly đã thành công ngồi lên ngôi báu. Thế còn Lưu
Giác? Sao chàng còn chưa đón mình khỏi cung? A La đột nhiên kinh sợ: “Vừa rồi ngươi
nói Lưu... vương thượng bảo ngươi gọi ta là nương nương?”.
“Vâng!”.
Trời ơi, hôn mê ba ngày, mình đã trở thành vương phi của Tử
Ly sao? Xảy ra chuyện gì ư? A La sợ hãi, luống cuống muốn xuống giường. Cung nữ
vội chạy lại dìu nàng đến bên bàn: “Vương thượng nói, nương nương mấy ngày không
ăn uống, ngọc thể suy yếu, bồi bổ ít lâu là được”.
Lúc này A La mới thấy đói. Thầm nghĩ, phải ăn cho có sức đã,
nàng húp ba miếng xong bát cháo hoa, khiến cung nữ sợ hãi nói: “Nương nương cứ ăn
từ từ!”. A La cúi đầu húp soàn soạt hết bốn bát, chép miệng: “Vẫn muốn ăn nữa!”.
“Nương nương, không nên ăn quá no!”. Cung nữ hoảng hốt, nàng
ta chưa thấy nương nương nào ăn khỏe như thế.
A La than thở: “Không phải ta ăn khỏe mà bát quá nhỏ! Thôi
được rồi, ta ăn thứ khác”. Nàng lia đũa như bay, lại ăn sạch hai đĩa rau xào, lần
này cảm thấy bụng không còn rỗng nữa, sức lực cũng khôi phục mấy phần. Nàng đứng
dậy cử động thân người, cảm thấy đi lại không còn khó khăn nữa, liền nói với cung
nữ: “Ta đi đây!”.
Cung nữ quỳ sụp xuống: “Nương nương chớ đi, vương thượng đã
nói, làm đại lễ xong người sẽ quay lại. Nương nương đi rồi, nô tỳ biết ăn nói thế
nào!”.
Quả thật nàng muốn đi xem đã xảy ra chuyện gì nên liếc nhìn
cung nữ đang quỳ dưới đất: “Ngươi lại đây!”.
Cung nữ rón rén đi đến, A La giơ tay xỉa một nhát, cung nữ
“ái ôi” kêu lên một tiếng, nhìn nàng, lại không dám ra tay. A La nhìn bàn tay mình,
thở dài: “Ta chỉ định đánh ngất ngươi, như vậy ngươi sẽ dễ nói, nhưng bây giờ tay
ta không có sức, ngươi đành giả vờ vậy!”.
Cung nữ lại quỳ trước mặt nàng: “Nương nương, nô tỳ khẩn cầu
nương nương đừng đi”.
A La bực mình, hét lên: “Không được gọi là nương nương, ta
còn chưa lấy vương thượng của các người!”.
Cung nữ ngớ người, quỳ phục trên đất không dám nói gì, tay
nắm chặt gấu váy A La. A La cúi người, nói: “Ngươi bỏ tay ra, ta không có sức đánh ngất ngươi, lấy thứ gì đánh
vào đầu ngươi ta lại không nỡ!”.
Cung nữ ngẩng đầu, mắt ngân ngấn nước, tay vẫn nắm riết không
buông. A La lại thở dài: “Thôi được, ta không đi, đằng nào người cũng mềm nhũn.
Ngươi pha giúp ta cốc trà, ta ở đây chờ vương thượng của ngươi”.
Cung nữ mừng rỡ cười, đứng lên pha trà. A La dằn lòng, nhân
lúc cung nữ quay lưng, vớ lấy chiếc ghế bọc gấm giáng một nhát, cung nữ đổ xuống.
A La than thở: “Không đánh ngất ngươi, vương thượng ngươi sẽ trách tội ngươi, ta
chỉ nghe hai chữ “nương nương” đã sởn gai ốc rồi”.
Nhìn chiếc váy trên người mình, A La nhanh tay cởi áo ngoài
của cung nữ mặc lên người, nàng soi gương, buông mái bờm xuống trán, rồi bê khay
trà đi ra khỏi điện.
Vừa bước ra bậc thềm đã nhìn thấy cấm vệ quân, năm bước một
người đứng gác, mười bước một trạm gác, hôm nay Ninh vương đăng cơ đương nhiên phải
canh gác cẩn mật. Nàng nhìn quanh, thấy bên phải có một khoảnh um tùm rất giống
ngự hoa viên, đầu thầm nhớ lại sơ đồ vương cung trước đây đã bảo Lưu Anh vẽ. Vừa
rồi cung nữ nói, đã mở trung môn đón dân chúng vào ngưỡng vọng, vậy thì từ đó lẻn
ra khỏi cung là lối thoát duy nhất, còn bá quan nhất định đang tề tựu ở ngoài đại
điện.
Liệu có thể gặp Lưu Giác không? A La đi về phía cửa cung,
vừa ra khỏi tòa biệt điện chưa được năm bước đã có hai thị vệ đi đến. Nàng bê khay
trà cúi đầu đứng một bên thì nghe có người hỏi mình: “Nương nương tỉnh chưa? Sao
không hầu hạ trong đó mà lại ra đây?”.
“Nương nương tỉnh rồi, muốn uống trà, chê trà này không ngon,
sai nô tỳ đi thay trà khác. À không, nô tỳ định đến giếng ngọc lấy nước pha trà”.
Thị vệ “ừ” một tiếng, “Đi mau về mau! Không được sơ suất,
đó là tam tiểu thư tướng phủ, được vương thượng sủng ái”.
“Vâng!”. Nàng cúi đầu trả lời, bắt chước giọng nói thanh thanh
của cung nữ vừa rồi.
Đi được mấy bước nàng ngoái đầu, thấy hai thị vệ đã đứng ở
cửa điện, nàng giật mình, rẽ vội vào con đường nhỏ. Ở đây rất ít cấm quân, A La
cúi đầu bước nhanh, nhìn trước nhìn sau không có người liền nâng váy chạy thục mạng
đã nghe thấy tiếng hô từ phía sau vọng lại.
Phía cửa cung cấm quân dày đặc, sức khỏe lại chưa hồi phục
hoàn toàn, có khi chưa chạy đến cửa cung đã bị bắt, ai cho phép bất chấp lễ nghĩa
chạy loạn trong cung như vậy? Nghĩ đến ngự hoa viên như mê cung trước mặt, nàng
chạy bừa vào đó, vừa may nhân lễ đăng cơ của tân vương, các cung phi và đại phu
nhân đều tụ tập trong tòa biệt điện bên cạnh Kim điện chờ bái kiến tân vương, trong
ngự hoa viên không có thị vệ, cũng chẳng có cấm quân.
A La hình dung lại lần vào cung trước đây, chạy một mạch về
bức tường phía tây, đột nhiên chân mềm nhũn, đành ngồi xuống. Nàng thở hổn hển,
bụng nghĩ, vừa rồi mình nên ăn thêm mới phải, may mà thể lực mình vốn tốt, còn có
thể cầm cự chạy được đến đây. Nàng nhìn quanh, trốn vào một bụi cây, vừa thở vừa
dỏng tai nghe ngóng. Nàng giơ tay vỗ vỗ vào khuôn mặt đỏ bừng do vừa chạy nhanh,
vô tình chạm vào tai. Khuyên tai! A La vội tháo một chiếc khuyên tai, y phục trên
người đều thay, chỉ có đôi khuyên tai là không động chạm. Bên trong có chứa một
liều pháo hiệu do Ô y kỵ đưa cho, liều pháo được ngụy trang rất khéo, đó là một
hạt nhỏ giống hạt minh châu, hồi đó An Thanh vương cho nàng ba hạt, nàng giấu trong
ruột nụ khuyên tai. A La tháo nụ hoa, một viên tròn màu xanh lăn trên lòng bàn tay.
Nàng đập mạnh xuống một phiến đá, viên bi bật lên không, bùng nổ, phát ra một chùm
pháo hoa màu lam tím.
A La nhìn pháo hoa, nhanh chóng vừa bò vừa lết đến núp trong
một bụi cây cách đó hai mươi trượng, nhắm mắt dưỡng sức, chờ Ô y kỵ nhìn thấy đến
cứu.
Người nhìn thấy pháo hoa sớm nhất, ngoài Ám Tiêu của Cáp tổ
Ô y kỵ ra, chính là Lưu Anh đang đứng ở cửa cung. Hôm nay tân vương đăng cơ, Tiểu
Ngọc cũng muốn đi xem, nghĩ đến A La, Lưu Anh liền đưa Tiểu Ngọc đến trước vương
cung. Quảng trường trước cổng vương cung người đông như kiến, các cổng cung thông
đến đại điện đều mở toang, bách tính từ xa có thể nhìn thấy bá quan cúi đầu quỳ
lạy trong đại điện. Cấm quân đứng gác ở cửa cung, trong thành cũng tăng cường cảnh
giới.
Tử Ly vận hoàng bào, đội mũ vàng ngồi trên ngai, dưới chân
bá quan quỳ phục, từ đại điện nhìn ra, có thể nhìn thấy một rừng đầu người nhấp
nhô trên quảng trường. Giờ khắc này chàng thực sự cảm nhận được uy quyền của một
đế vương.
Khi A La bắn tín hiệu, cha con An Thanh vương đang nghe tuyên
đọc sắc phong. Cung thị trịnh trọng tuyên đọc từng đạo thánh chỉ gia phong cho người
có công.
Lưu Anh biết cha con An Thanh vương đang ở trong đại điện,
bản thân mình lại không vào được, trong lúc cấp bách lại sinh mưu trí, kéo Tiểu
Ngọc đi mua pháo tép và pháo hoa. Chàng vừa đốt, bách tính hoan hô, cũng đua nhau
đốt pháo, quảng trường bên ngoài tiếng pháo chấn động, Tử Ly nghe thấy, miệng cười
rạng rỡ.
Lý tướng nhân cơ hội đó bước ra khỏi hàng, cung kính nói:
“Bách tính cũng biết vương thượng là bậc minh quân thánh chúa, đó là tiếng reo mừng
phát ra từ đáy lòng!”.
Tử Ly lòng vui khấp khởi, thảo nào các đế vương đều thích
nuôi mấy nịnh thần, thảo nào địa vị Lý tướng bao năm vẫn vững như bàn thạch, lời
ông ta nói quả nhiên rất dễ nghe.
Lưu Anh lại đốt các loại pháo hoa, trong đó có một loại chỉ
có Ô y kỵ biết đó là tín hiệu. Lưu Giác mắt liếc ra ngoài, bất chợt nhìn thấy tín
hiệu đó. Tín hiệu này là của riêng Thanh tổ, có nghĩa là phía tây có cấp nạn. Phía
tây Phong thành ư? Không thể, ba cổng thành đều có trọng binh, cứ coi có kẻ gây
rối cũng không đến lượt Thanh tổ Ô y kỵ đứng ra bảo vệ vương phủ, huống hồ vương
phủ ở phía đông thành. Lẽ nào... là phía tây vương cung, ngự hoa viên? Lưu Giác
đột nhiên ý thức được, đây là Lưu Anh dùng tín hiệu của Thanh tổ báo với chàng A
La đang ở ngự hoa viên.
Tim chàng đập dữ dội, người ở trong đại điện không thể bỏ
đi, lòng sốt ruột như cào. Cuối cùng nghe đến thị cung đọc danh sách sắc phong dài
lê thê, tiếp theo là tân vương tiếp nhận bái kiến của phi tần cùng nội quyến quan
viên. Bá quan lui ra, nội quyến của những người có phẩm cấp do hoàng hậu dẫn đầu
đi vào Kim điện.
Tử Ly điềm nhiên ngồi trên ngai, nhìn Cố Thiên Lâm khoan thai
bước vào trong điện. Chàng không thể không thừa nhận, hoàng hậu của chàng thực ra
vô cùng xinh đẹp. Mắt nhìn Cố Thiên Lâm, lòng chàng lại bay về ngôi điện bên cạnh
Ngọc Long cung.
Ra khỏi Kim điện, Lưu Giác nhìn về hướng tây, pháo hoa vẫn
chưa tan hết, trong không trung vẫn còn lờ mờ làn khói lam tím nhạt. Chàng ngẫm
nghĩ, dựa vào trí nhớ nhanh chóng lẩn vào ngự hoa viên.
Còn chưa thấy người đã nghe tiếng thị cung hổn hển kêu lên:
“Mau mau tìm người! Khi đại lễ hoàn tất, vương thượng không thấy người thì làm thế
nào?”. Lời chưa dứt đã thấy tiếng chân dồn dập tản ra xung quanh, có người đã chạy
vào ngự hoa viên.
Chàng thầm nghĩ, chắc chắn bọn họ đang tìm A La. Nàng ấy đã
vô sự rồi sao? A La, nàng thật thông minh biết trốn trong ngự hoa viên. Chàng lẩn
ra một phía, vận khinh công vòng qua bọn họ, lát sau đã đứng ở chỗ phát ra pháo
hiệu. Ở đây bốn bề tĩnh lặng, chàng bồn chồn khẽ gọi: “A La, nàng ở đây phải không?
A La!”.
A La đang tim đập chân run trốn trong bụi cây, nhìn ra ngoài
qua kẽ lá. Nàng vẫn chưa hiểu chuyện gì, mấy nàng hầu đó luôn mồm gọi nàng là nương
nương, khiến nàng hốt hoảng. Có chuyện gì xảy ra rồi sao? Nàng không lấy Tử Ly,
không ở trong vương cung. Chưa bao giờ nàng nhớ Lưu Giác đến thế, chỉ muốn được
gặp lại chàng, lòng nàng chỉ nhớ đến chàng. Lúc này A La mới hiểu, tình cảm của
nàng đối với Lưu Giác đã quá sâu nặng. Mỗi phút chờ đợi đều như lửa đốt, cảm thấy
thời gian trôi quá chậm, chờ đến gần tuyệt vọng, đột nhiên nghe thấy tiếng Lưu Giác,
nàng thảng thốt, dường như họ đã cách biệt cả một thế giới, bỗng thất thần ngây
người.
Lưu Giác gọi hai tiếng, không thấy ai trả lời, càng thấp thỏm,
lại khẽ gọi: “A La, nàng có ở đây không? Là nàng phải không?”.
Nàng muốn gọi chàng, nhưng lại như không thể lên tiếng, trong
lúc bối rối làm động cành cây. Lưu Giác mắt lóe sáng, nhảy vọt lại, rẽ khóm lá,
A La đang ngồi co ro nhìn chàng, đôi mắt to thảng thốt tội nghiệp, toàn thân dính
đất và vụn cỏ, mắt ngấn nước, môi run run. Lưu Giác lòng đau nhói, chìa tay nói:
“Là ta đây, nào ra đi, A La”.
A La sực tỉnh, vừa bò vừa lăn từ trong bụi ra, lao vào lòng
chàng òa khóc, Lưu Giác xiết chặt nàng, vỗ về: “Đừng khóc, đây là vương cung! Đừng
lên tiếng!”.
A La vùi mặt vào ngực chàng, cố nén tiếng khóc. Lưu Giác thấy
người nàng run bần bật, chàng xót xa, càng ôm nàng chặt hơn, tai lắng nghe động
tĩnh xung quanh. Một hồi lâu sau, A La mới trấn tĩnh lại, nghẹn ngào: “Cung nữ đó
gọi thiếp là nương nương, thiếp rất sợ, Lưu Giác, thiếp sợ lắm! Có chuyện gì thế?”.
Lưu Giác không trả lời, kéo nàng ra một chút, ngắm nhìn, người
không sao, chàng thở phào, lại xiết nàng vào lòng, Tử Ly bảo cung nữ gọi A La như
thế, nghĩa là nàng đã được đưa vào hoàng lăng, nàng chỉ có thể là hoàng phi của
Tử Ly, chuyện này chàng biết trả lời ra sao!
Cánh tay chàng khỏe mạnh là thế, vồng ngực chàng ấm áp là
thế. A La thì thầm: “Đưa thiếp đi đi, thiếp không ở trong cung, vừa vào cung cả
người thiếp đã khó chịu. Ở đây chỗ nào cũng mưu kế, thiếp không thích”.
Lời A La như nhát dao rạch tim chàng làm hai, đau nhói: “A
La, bây giờ ta không thể đưa nàng đi!”.
“Tại sao?”.
“Bởi vì nàng đã là hoàng phi của Tử Ly, ta không thể đưa nàng
đi!”. Cuối cùng Lưu Giác khó nhọc nói ra.
A La chấn động, vừa tỉnh lại sao đã trở thành vợ bé của Tử
Ly? Nàng nghi hoặc nhìn Lưu Giác, mắt đầy
băn khoăn: “Thiếp chưa đồng ý lấy Tử Ly? Thiếp cũng chưa lấy Tử Ly đấy chứ?”.
“Bất luận nàng có đồng ý hay không, nàng có lấy hay không,
nàng cũng là phi tử của Tử Ly!”.
“Vớ vẩn!”. A La phát cáu, không hiểu trong hai ngày vừa rồi
đã xảy ra chuyện gì, “Tử Ly không phải là người như vậy! Sao có thể vừa mới đăng
cơ đã cướp thê tử của đại thần”.
Lưu Giác cười đau khổ: “Không phải Tử Ly, là ta... là ta đã
đưa nàng vào cung”.
A La kinh ngạc nhìn chàng: “Tại sao?”.
“Tại vì...”. Lưu Giác đang định nói, đột nhiên phát hiện có
tiếng chân đi tới. Chàng kéo A La định đi, vừa nghe động tĩnh, lại dừng chân, chàng
cảm thấy hình như ngự hoa viên đã bị vây chặt. Tiếng bước chân trầm tĩnh lại gần
cho thấy, Tử Ly đã đến. Chàng buông tay A La, lùi sau hai bước, tình cảnh này nếu
để Tử Ly nhìn thấy... chàng thầm thở dài, ánh mắt đau đớn nhìn A La.
Nàng chấn động bởi ánh mắt chàng. Tại sao Lưu Giác đau khổ
như vậy, vẻ mặt bất lực như vậy? Nàng định nói, chợt nhìn thấy một toán thị vệ,
nàng hốt hoảng nhìn Lưu Giác, chàng ngoảnh mặt nhìn sang chỗ khác.
Lưu Giác không thể trao nàng cho Tử Ly, không thể! Tử Ly đã
bức ép chàng ư? Tử Ly vừa lên ngôi không thể làm chuyện đó. A La bất động đứng đó,
đầu óc bấn loạn bởi bao ý nghĩ.