Bí mật của cảm xúc - Chương 36 - 37 - 38

- 36 -

NHỮNG TRỤC TRẶC VÀ
SỰ LỆCH LẠC VỀ CẢM XÚC

Là một người bình
thường, chúng ta cần phải có khả năng yêu thương đồng loại của mình.

Khi một cá nhân có
những biểu hiện lệch lạc về tâm lý, cá nhân sẽ mất khả năng đồng cảm, mất khả
năng chia sẻ cảm xúc với người khác. Ðiều này dẫn đến việc cá nhân chỉ còn biết
quan tâm tới cảm xúc của riêng bản thân. Cá nhân sẽ đi ngược lại qui ước chung
của xã hội, tự tạo cho mình cảm xúc tốt bằng cách gây hại, tạo ra cảm xúc xấu
cho người khác. Khi có điều kiện lặp đi lặp lại các cảm xúc lệch lạc này, sau
một thời gian, cá nhân sẽ cảm thấy dễ chịu và sẽ bị lệ thuộc vào những cảm xúc
xấu này. Ðây là một dạng đặc trưng của thói quen bị lệ thuộc vào các cảm xúc
bệnh hoạn.

Sau đây là một số
cảm xúc lệch lạc tiêu biểu:

LƯỜI BIẾNG

Lười biếng là một
thói quen xấu của con người. Bắt đầu từ các cảm nhận về sự ích kỷ của bản thân.
Cá nhân luôn tìm cách tránh né các công việc đòi hỏi phải nỗ lực để tìm những
cảm xúc tốt qua việc đùn đẩy được công việc và trách nhiệm cho người khác.

Khi cá nhân đã
buông lỏng sự kiểm soát lý trí, cá nhân bị lệ thuộc vào cảm giác dễ chịu từ
thói quen thụ động, chỉ muốn hưởng thụ những điều kiện có cảm xúc tốt do người
khác tạo ra.

Từng bước một, cá
nhân sẽ mất hết ý chí và trở thành một kẻ bạc nhược, không còn khả năng điều
khiển được bản thân mình. Cá nhân sẽ phải sống lệ thuộc hoàn toàn vào người
khác. Nếu không được cải tạo để thay đổi thói quen, cá nhân sẽ tiếp tục trở nên
bạc nhược để mất luôn lòng tự trọng. Ðây là điểm khởi đầu cho giai đoạn tệ hại
nhất của con người. Do không còn năng lực để tự tồn tại, cá nhân bắt đầu làm
những việc bất nhân, bất nhẫn, lừa thầy, phản bạn, dối trên gạt dưới, vi phạm
pháp luật, chà đạp lên người khác,... để tìm mọi cách thỏa mãn được những nhu
cầu của mình mà không cần phải nỗ lực làm việc.

[Lười biếng] = [Sự
bạc nhược tinh thần] + [Sự lệ thuộc vào một số hoàn cảnh xấu] + [Chối bỏ trách
nhiệm] + [Mất lòng tự trọng]

Sự lười biếng của
cá nhân còn xuất phát từ những cảm xúc xấu có được, thông qua các kinh nghiệm
của bản thân. Khi các cá nhân rơi vào trạng thái thụ động, sự e ngại phải chịu
đựng các cảm xúc xấu, phải cố gắng làm những việc bị ép buộc theo trách nhiệm,
sẽ tạo cho cá nhân tâm lý muốn chối bỏ trách nhiệm, ùn đẩy cho người khác.

Ðể cá nhân thoát
khỏi trạng thái lười biếng, chúng ta phải có các biện pháp tác động vào cá nhân
thông qua việc thay đổi, cải thiện môi trường làm việc, thay đổi qui trình làm việc
hoặc thay đổi nhận thức của bản thân cá nhân.

Cần phải thiết lập
một chế độ sinh hoạt có thể tạo ra nhiều cảm xúc tốt, tạo ra những cảm xúc hứng
thú theo một kế hoạch đã định trước để kích hoạt sự hoạt động của cá thể lười
biếng, và qua đó xây dựng nên các kinh nghiệm cảm xúc mới.

Cần phải xây dựng
một hệ thống mục tiêu với các hệ qui chiếu cảm xúc mới nhằm giúp cá nhân thay
đổi cách nghĩ, thoát khỏi sự lệ thuộc vào các hoàn cảnh xấu để cá nhân trở nên
năng động, hành xử theo các tình huống đúng và phù hợp với cộng đồng.

ÐỘC ÁC

Ðộc ác là một trạng
thái bệnh lý cảm xúc rất xấu. Nếu đối với người bình thường, việc tạo cho người
khác cảm xúc tốt sẽ mang lại hạnh phúc và niềm vui, thì ngược lại, đối với
người độc ác, trạng thái cảm xúc độc ác sẽ giống như một bộ lọc đảo chiều. Các
cảm xúc tốt của người khác sẽ làm họ khó chịu. Và ngược lại, họ sẽ vô cùng sung
sướng khi thấy người khác phải chịu đau khổ. Các cơ chế cảm nhận và tạo cảm xúc
của người độc ác trở nên hoàn toàn lệch lạc. Do vậy, cách hành xử của họ sẽ trở
thành mối đe doạ cho những người xung quanh.

Trong xã hội của
những nước phát triển phương tây, luật pháp đã rất ý thức trong việc bảo vệ cho
công dân của mình tránh bị tổn thương về tâm lý. Tuy nhiên, việc xử lý và chữa
trị những cá nhân với tâm lý độc ác vẫn còn rất nhiều vấn đề và chưa có một
giải pháp chữa trị triệt để.

Không chỉ đơn thuần
là dùng luật pháp và nhà tù, các cá nhân có những cảm xúc độc ác cần được chữa
trị và điều chỉnh lại những lệch lạc tâm lý. Cần có các biện pháp chữa trị giúp
định nghĩa lại các cảm xúc lệch lạc và điều chỉnh lại cơ chế cảm nhận bệnh hoạn
của cá nhân bằng những liệu pháp sốc. Cần phải làm cho cá nhân ý thức được hậu
quả của những hành động tàn ác do chính họ tạo ra cho người khác.

THAM LAM

Tham lam là một
khuynh hướng cảm xúc xấu mà mọi người đều có. Cơ chế của trạng thái cảm xúc này
bắt nguồn từ những ý nghĩ lệch lạc về cách duy trì sự tồn tại của bản thân. Cá
nhân muốn giành lấy mọi thứ từ người khác để đảm bảo cho bản thân có thêm lợi
thế tồn tại trong môi trường sống. Tính tham lam thường khởi đầu bằng sự ích kỷ
- tức tình trạng cố tình không thèm hiểu, không để ý tới cảm xúc của người
khác. Cá nhân chỉ biết có duy nhất bản thân mình và tìm cách tạo riêng cho bản
thân mình những điều kiện thuận lợi qua việc chiếm đoạt và cướp lấy những thứ
sẽ thuộc về người khác, do người khác làm ra, hoặc đúng ra người khác phải được
hưởng.

Tham lam là một
trạng thái tâm lý bệnh hoạn và nguy hiểm. Từng nấc một, lòng tham khi được thỏa
mãn, cùng với cơ chế thích nghi cảm xúc sẽ làm cho cá nhân mất hết lý trí và
mất ý thức về những việc rất tồi tệ mà họ thực hiện. Bất kể là tham lam vật
chất như bài bạc, tham nhũng, nhận hối lộ, tranh giành tài sản, lừa đảo đối tác
để giành phần hơn,... hoặc là tham về các giá trị tinh thần như tranh công
lao, giành chức vị, lừa người khác để có được lòng tin, được sự kính trọng của
mọi người,... nó sẽ thúc đẩy cá nhân tiến tới chỗ mất hết tính người, sẵn sàng
tàn hại người khác, vi phạm luật lệ, gây ra những hiểm họa cho cả cộng đồng để
đạt được mục đích thỏa mãn lòng tham của mình.

Với tiêu chí là duy
trì sự công bằng, các luật lệ của xã hội được đặt ra để trừng trị và ngăn chặn
khuynh hướng này phát triển. Toà án, nhà tù và các loại hình phạt được đặt ra
cũng chính là mục đích ngăn chặn khuynh hướng tâm lý bệnh hoạn này.

BẦN TIỆN (KEO KIỆT)

Bần tiện là một
dạng thụ động của sự tham lam.

Trong cuộc sống
luôn có hai khuynh hướng nỗ lực của cá nhân. Khuynh hướng đầu là cá nhân sẵn
sàng chấp nhận đầu tư các chi phí vật chất, thời gian hay tinh thần để mong thu
được những cái lớn hơn. Khuynh hướng thứ hai là cá nhân mong muốn tiết kiệm, cố
gắng không bị tốn kém để có thể tiết kiệm được thêm nhiều hơn một chút.

Trạng thái bần tiện
rơi vào khuynh hướng thứ hai. Ở mặt lợi, bần tiện giúp cá nhân tích lũy được
nhiều thứ. Sự bần tiện sẽ tạo cho cá nhân cảm xúc tốt từ việc tiết kiệm của
mình, thấy mình khôn hơn, được nhiều hơn người khác.

Tuy nhiên, bản tính
bần tiện sẽ làm cho người khác khó chịu vì cá nhân đã tự tách mình ra khỏi xã
hội với cách sống keo kiệt của mình, tạo ra sự kinh bỉ từ các cá nhân khác. Kết
cục là cá nhân sẽ bị cách ly với cộng đồng, thiếu sự cảm thông với người khác.

Các cá nhân bần
tiện sẽ luôn không có được sự tôn trọng của người khác. Theo luật nhân quả, bản
thân họ, gia đình hoặc con cái họ sẽ phải chịu đựng những cảm xúc rất xấu do
tính cách của họ tạo ra.

LOẠN LUÂN

Các trường hợp loạn
luân xảy ra thường là do thú tính, sự bạc nhược và sự ích kỷ của cá nhân, khi
mà ý chí của họ quá thấp kém, nhân cách, bản lĩnh của họ không đủ hay không thể
thiết lập được các cảm xúc tính dục với người khác giới bên ngoài phạm vi gia
đình. Khi không có bản lĩnh và thiếu hiểu biết, các cá nhân sợ hãi, không dám
tiếp xúc với người khác giới. Mặt khác do tình thương trong gia đình, cá nhân
có các cơ hội tiếp xúc thân thể với chính người khác giới cùng huyết thống.
Trong tâm trạng bị dồn nén bản năng tình dục đến mức cao độ, thay vì tìm cách ý
thức giải tỏa cảm xúc của mình hướng ra ngoài phạm vi gia đình, các cá nhân lại
tiếp tục kích hoạt não bộ bằng những ý nghĩ bệnh hoạn, kích thích những cảm xúc
bản năng của thú vật từ những tiếp xúc, đụng chạm với người trong huyết thống.
Khi thành phần các hooc-môn dâng cao trong não, đến một ngưỡng mà não bộ mất
khả năng kiểm soát, sự bùng nổ cảm xúc sẽ làm cá nhân bộc phát hành vi để thỏa
mãn những ham muốn tội lỗi của mình.

Trong gia đình, nếu
cha mẹ vô học hoặc bị lệch lạc về tâm lý, con cái không được giáo dục đầy đủ về
các mối quan hệ giới tính, sẽ rất dễ gây ra các biểu hiện giới tính bệnh hoạn.
Có một trường hợp xảy ra tại một thành phố lớn ở miền Nam năm 1979.
Trong một gia đình không có cha, chỉ còn mẹ, một anh trai mười tám tuổi và em
gái mười sáu tuổi. Người mẹ luôn đi buôn xa. Cậu con trai quá bức xúc tính dục
đã cưỡng ép em gái. Sau một thời gian, khi phát hiện cô em gái có thai, mọi
người tra khảo nhưng cô em gái nhất quyết không khai ra ai là cha đứa bé. Cậu
anh trai sau nhiều tháng dằn vặt, quá đau khổ, hối hận, đã uống thuốc ngủ tự
tử.

Trong cuộc sống tự
nhiên, do cường độ và mức độ khoái cảm đạt được từ các quan hệ tình dục là mức
độ cao nhất mà con người có thể có được, nên các hành vi nhằm thoả mãn cảm xúc
tính dục luôn là nhu cầu rất lớn của cá nhân. Tuy nhiên do sự bưng bít thông
tin, do thái độ mắc cỡ, nhu nhược, đạo đức giả hay thái độ kỳ thị của mọi người
mỗi khi đề cập đến vấn đề tình dục đã làm cho một số lớn các thanh thiếu niên
có cái nhìn lệch lạc và sự hiểu biết không đầy đủ về tình dục. Trí tưởng tượng
và sự suy nghĩ lệch lạc sẽ đẩy các bạn trẻ đến những hành động tự phát mà hậu
quả cuối cùng sẽ do chính bản thân các em và cả gia đình phải gánh chịu.

PHẢN BỘI

Cũng tương tự như
tham lam, phản bội là trạng thái cảm xúc được tạo nên từ rất nhiều nguyên nhân
cảm xúc khác nhau, nhưng thường là gắn với sự ích kỷ của cá nhân.

Bản chất của sự phản
bội là hành động có hại, phá vỡ các cam kết, đi ngược lại những thỏa thuận mà
cá nhân đã cam kết và làm tổn hại cho những người đang hợp tác, đang hành động
cho lợi ích của cá nhân đó. Hành động này chuyển cá nhân từ việc là người đứng
về lợi ích của "phe ta" trở thành kẻ thù đối địch.

Tùy theo các hoàn
cảnh, các mối quan hệ mà sẽ có các dạng phản bội khác nhau: phản bạn, phản
thầy, bội tình, bội ước, phản lại lợi ích tập thể,...

Có hai dạng phản
bội khác nhau: Một - Phản bội chủ động, do chủ ý của cá nhân vì ích lợi của bản
thân. Hai - Phản bội bị động, do bắt nguồn từ những sơ xuất, những hoàn cảnh ép
buộc, do sự bạc nhược ý chí mà cá nhân đành thực hiện, mặc dù trong thâm tâm
bản thân cá nhân không hề muốn.

Tuy nhiên, dù là
loại nào thì sự phản bội cũng luôn tạo cho cá nhân tâm trạng lo sợ bị xử lý khi
sự việc bại lộ. Do lo lắng và không có đủ bản lãnh, không có giải pháp khác nên
sự phản bội của cá nhân thường cũng là hành động khởi điểm tạo ra một chuỗi các
hành vi lừa dối khác.

Chúng ta cũng có
thể hiểu rằng sự lừa dối chính là một loại hành vi che đây sự phản bội của cá
nhân.

Ở bất kỳ xã hội nào
hay bất kỳ thời đại nào, sự phản bội cũng bị lên án mạnh mẽ. Tùy theo các mức
độ bị tổn thương mà cộng đồng sẽ phản ứng và xử lý cá nhân phản bội theo những
mức độ khác nhau mà hình phạt nặng nhất là tử hình.

- 37 -

THÍCH VI PHẠM NHỮNG
ÐIỀU CẤM KỴ - ÐÂU LÀ NĂNG LỰC Ý CHÍ CỦA CON NGƯỜI?

Ðể tạo nên một xã
hội tốt đẹp và ổn định, con người đã thiết lập ra rất nhiều qui định, qui ước,
luật lệ để ngăn cản các cá nhân có những hành động sai trái, giảm bớt những
nguy cơ làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

Một vài luật lệ qui
định về an toàn giao thông như không vượt đèn đỏ, qui định của xã hội như không
phóng uế nơi công cộng, qui định của tôn giáo như không ăn thịt cầy, qui định
pháp luật như không ăn cắp. Có rất nhiều điều cấm kỵ mà chúng ta cần phải tuân
thủ.

Bắt nguồn từ các
bản năng tiềm ẩn trong mỗi người, con người luôn có xu hướng hành vi giống như
các loài động vật khác: các cá nhân sẽ tìm kiếm để thoả mãn những điều kiện
mang lại cho bản thân nhiều cảm xúc tốt và tránh né những cảm xúc xấu.

Các thí nghiệm trên
loài vật chứng minh rằng nếu có điều kiện, các con vật sẽ ăn, uống những thứ
cho chúng các cảm giác khoái khẩu, bất kể những thức ăn hay đồ uống này sẽ nhanh
chóng kết liễu cuộc đời của chúng.

Chuyện cũng xảy ra
tương tự ở con người. Rất nhiều người đã chết vì tiêm chích ma tuý quá liều.
Hàng tỷ người đang tự đầu độc mình bằng khói thuốc lá và bia rượu.

Ðiểm khác biệt giữa
con người và con vật là chúng ta có khả năng tự kiểm soát bản thân trước nhưng
cám dỗ độc hại. Chúng ta có một khả năng tự chủ và điều khiển bản thân là Năng
lực lý trí (Spiritual Intelligent). Năng lực lý trí giúp tạo nên bản lĩnh của
cá nhân và được đo bằng chỉ số lý trí của cá nhân SQ - Spiritual Quotient.

Tất cả đều do sự
hấp dẫn từ các cảm xúc tốt mà cá nhân sẽ có được, dù biết rõ là hành vi sắp
thực hiện sẽ gây hại cho bản thân.

Một mặt cá nhân
biết là không được phép hoặc không nên làm, mặt khác cá nhân lại thấy có thể dễ
dàng vi phạm để thoả mãn nhu cầu về cảm xúc tốt nhất thời. Sự xung đột giữa
việc muốn có cảm xúc tốt và lo ngại sẽ phải gánh chịu hậu quả xấu nếu cá nhân
vi phạm luật lệ sẽ tạo cho cá nhân cảm giác bị kích thích, bị bức xúc, khát
khao, mong muốn.

Khi cá nhân là một
người thiếu bản lĩnh và thiếu hiểu biết, cá nhân sẽ hành xử theo bản năng giống
như loài vật. Cá nhân sẽ vi phạm các qui định để mong có được những cảm xúc tốt
nhất thời này mà không thèm quan tâm chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.

Có một công thức để
làm giàu mà rất nhiều người biết: Khi bạn làm được mười đồng. Nếu bạn chỉ tiêu
xài chín đồng và tiết kiệm một đồng thì bạn sẽ trở nên rất giàu có.

Lý thuyết là như
vậy, nhưng trong đời thật đâu có mấy ai thực hiện được điều này.

Từ các sự việc
trên, chúng ta có thể kết luận rằng luôn tồn tại hai nhóm cảm xúc tốt và cảm
xúc xấu đối chọi với nhau. Các cảm xúc tốt sẽ là thứ mà con người cần có, tuy
nhiên bạn cần ý thức về cái giá phải trả cho một cảm xúc tốt cần có. Ðừng chết
vì một sự mê hoặc của một cảm xúc nhất thời.

Tuỳ vào vốn kinh
nghiệm đối ứng và năng lực lý trí của bản thân, các cá nhân sẽ phải tự kiểm
soát và lựa chọn cho mình những hành vi phù hợp trong mối tương quan giữa lợi
ích bản thân với các qui định của xã hội.

* * *

KIỂM SOÁT VÀ ÐIỀU KHIỂN CẢM XÚC

- 38 -

CHUYỆN ANH TƯ
"MAY MẮN" VÀ CÔ BA "XUI XẺO" - CẢM XÚC TỪ CÁC THÁI ÐỘ TÍCH
CỰC VÀ TIÊU CỰC

Anh Tư là một người
may mắn.

Là một thợ hồ ít
được học và phải làm cật lực suốt ngày, anh đã tham gia xây dựng rất nhiều công
trình. Anh có một triết lý sống là mọi thứ trên đời này đều tốt và quí giá, mọi
người đều tốt bụng và chân thành. Nếu họ không tốt thì chẳng qua là do họ quá
đau khổ mà thôi. Do vậy, trên công trường anh luôn năng nổ, vui vẻ làm tất cả
các việc được giao. Khi bị người khác ùn đẩy những việc nặng nề, anh luôn vui
vẻ chấp nhận với một nụ cười: "Ông để tôi làm cho. Sức ông yếu hơn tôi, có
gì tôi giúp được ông cứ nói".

Thay vì luôn tìm
cách né việc anh Tư luôn nhào vào công việc. Thay vì nhăn nhó vừa làm vừa than
thở, anh Tư vừa làm vừa cười đùa. Ở bất cứ nơi nào anh tới mọi người đều thấy
dễ chịu. Chỗ nào khó là có mặt anh ở đó. Tất cả mọi người từ anh em đồng nghiệp
tới các quản lý đều quí mến anh. Trong các buổi liên hoan họp mặt không bao giờ
mọi người quên anh, bởi anh chính là người gây phong trào, tạo không khi sinh
động cho bữa tiệc.

Anh Tư chưa phải là
một người giàu, nhưng anh có tất cả những thứ mà mọi người mong muốn: một công
việc tốt với mức thu nhập ổn định (tất cả các đốc công đều mong muốn có anh
trong đội của họ), tình thân ái và quí mến của mọi người, một gia đình hạnh
phúc, đầm ấm và rất nhiều bạn bè thân thiết. Anh luôn mong muốn được giúp mọi
người nhiều hơn nữa, bởi theo như anh hay nói: "Thấy anh em cực khổ, tôi
ngồi yên không được".

Ðối diện nhà anh Tư
là một biệt thự sân vườn sang trọng.

Cô Ba - bà chủ của
ngôi biệt thự và cũng là một mẫu người đối cực so với anh Tư.

Vốn xuất thân từ
gia đình giàu có với một cuộc sống đầy đủ vật chất, nhưng cô Ba chỉ có một mối
quan tâm duy nhất là tìm mọi cách xoay sở để thoát khỏi những tình huống khổ sở
mà chính cô tự tạo ra và chuốc lấy.

Cô đồng ý lấy một
người chồng già giàu có theo sắp xếp của gia đình và sau đó tự dằn vặt về quyết
định của mình. Cô luôn lo lắng, chật vật đối phó với những câu cằn nhằn của
chồng, luôn phải càu nhàu về những góp ý, chỉ bảo của cha mẹ. Mỗi khi đi cùng
chồng, cô luôn phải gắng gượng vui vẻ trước mặt người quen và bạn bè.

Các chuyến hành
hương đi chùa chính là lối thoát cho những chuyện nhức đầu hàng ngày. Cô Ba đi
chùa đều đặn mỗi tuần, làm theo mọi lời chỉ bảo của thầy bà, rước thầy bà về
nhà cúng kiếng trừ tà, lập bàn thờ, cúng các loại thần để mong có một cuộc đời
tốt đẹp hơn, sung sướng hơn. Cô đã tốn rất nhiều tiền bạc mà vẫn không giải
được mấy cái xui xẻo xảy ra mỗi ngày. Cô bắt đầu tin vào lời thầy bà về cái số
lận đận của mình.

Hai con người, hai
cuộc đời, hai số phận. Tất cả đều bắt nguồn từ những tiêu chí sống, những thái
độ do cá nhân tự lựa chọn và thực hiện.

Bạn đang sống
"chủ động" hay "bị động"?

Cuộc sống luôn đầy
rẫy các vấn đề bắt buộc mỗi cá nhân phải xoay sở và giải quyết. Mọi người đều
mong muốn không phải cực khổ, không phải nỗ lực bởi vì họ có một cái nhìn rập
khuôn theo những hiện tượng, những hình ảnh hào nhoáng của bên ngoài sự việc.
Hầu hết mọi người đều muốn "ngồi mát ăn bát vàng", không phải làm gì,
và muốn người khác cung phụng cho mình các cảm xúc tốt.

Chính cách nghĩ này
đã đẩy con người vào cách sống bị động: làm cầm chừng, nỗ lực vừa phải và ngó
nghiêng ngó dọc và hy vọng có thể nhặt được một cái "bát vàng" ở
ngoài đường.

Khi cá nhân sống
một cách thụ động, chính trạng thái này đã đẩy cá nhân vào hoàn cảnh bị lệ
thuộc vào mọi thứ. Thay vì chủ động tạo ra cảm xúc tốt, các cá nhân sống thụ
động sẽ phải chống trả, đối phó với những cảm xúc xấu do ngoại cảnh đã xô đẩy -
cá nhân rơi vào những tình thế ngược lại với mong muốn của bản thân họ.

Khi bạn luôn đặt
mình trong trạng thái "chủ động" thì mọi việc đều trở nên dễ dàng. Có
lẽ chúng ta ít để ý rằng khi một cá nhân hoạt động, máu huyết lưu thông mạnh mẽ
hơn và các chất độc hại cho não bộ sẽ nhanh chóng bị lọc sạch, bị loại bỏ và cá
nhân sẽ chịu ít cảm xúc xấu hơn.

Trong quá trình
hoạt động, do ngoại cảnh thay đổi liên tục, bạn sẽ nhận được nhiều tác nhân tạo
cảm xúc tốt do chính bạn đã tích cực tạo ra. Ở trạng thái chủ động, bạn sẽ luôn
trong tư thế sẵn sàng chịu đựng và phản ứng lại tác động xấu của ngoại cảnh.

Khi chúng ta tự tạo
cho mình trạng thái luôn năng động và có chủ ý, ta không phải chịu đựng tác
động của môi trường bên ngoài mà bản thân chúng ta đang tác động ngược lại môi
trường để tạo cho mình một vị thế tối ưu - tức vị trí an toàn nhất, thuận tiện
nhất, dễ chịu nhất và được lợi nhất.

Người ta thường ví
cuộc đời giống như một dòng sông mà mọi người là những con thuyền trôi theo
dòng nước. Cũng như cuộc đời, dòng sông luôn khúc khuỷu quanh co và nhiều thác
ghềnh. Khi bạn thụ động trôi theo dòng đời chắc chắn bạn sẽ bị quăng quật vào
bờ đá quanh co hay bị nhấn chìm khi đi qua ghềnh thác. Nếu bạn là người chủ
động, bạn nỗ lực chèo chống, đối chọi với các tác động của cuộc đời. Thời gian
sẽ làm cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn, nhiều kinh nghiệm và nhiều nghị lực hơn.
Bạn sẽ có cơ hội thưởng ngoạn cuộc đời một cách chủ động và tự tin.

Ở một ví dụ khác,
có thể ví cuộc sống cũng giống như bạn đang giao thông trong một luồng xe cộ.
Bạn phải luôn ý thức điều khiển xe để luôn đưa mình vào vị trí tối ưu trong làn
xe - không quá gần các xe khác, không bị che tầm nhìn, phía trước xe phải luôn
có chỗ hở để mình có thể phản ứng nhanh nếu có bất kỳ điều gì xảy ra. Vấn đề sẽ
không phải là đi thật nhanh, hay đi thật chậm mà là "phải biết khi nào cần
đi nhanh, khi nào cần đi chậm".

Khi chúng ta tác
động vào một vật, tác động này sẽ tạo một phản lực ngược lại mà chúng ta sẽ
phải hứng chịu.

Ở khía cạnh cảm xúc
cũng vậy, theo qui luật cân bằng cảm xúc, khi chúng ta dùng thái độ hay hành
động để tác động vào người khác, chúng ta cũng sẽ nhận được những phản lực
tương đương. Tùy thái độ và cách sống tích cực hay tiêu cực của chúng ta mà các
tác động ngược lại sẽ nâng chúng ta lên hay dìm chúng ta xuống, sẽ làm chúng ta
mạnh hơn hay sẽ tiêu diệt chúng ta.

Khi sống theo tiêu
chí "chủ động", dám làm, dám đối mặt với sự việc, để làm cho mọi việc
tốt hơn, tạo nên cuộc sống tươi đẹp hơn, chúng ta sẽ luôn có được những ích lợi
từ mặt phải của vấn đề - cách sống "Chủ Ðộng" và "Tích
Cực".

Giá trị của lối
sống chủ động sẽ chỉ phát huy khi bạn ý thức được phải luôn tìm cách tạo ra cảm
xúc tốt cho các cá nhân khác. Nhiều học giả đã ý thức kêu gọi mọi người cần
phải sống chủ động để tạo nên hạnh phúc cho bản thân và truyền nguồn cảm hứng
cho bạn bè, cho người thân, cho nhân viên và đối tác,... để mọi người đều có
hạnh phúc.

Cuộc đời con người
tương tự như việc lái một con thuyền. Chúng ta cần phải nỗ lực chèo chống vượt
qua các trở ngại, thác ghềnh thay vì để tự dòng đời đẩy đưa.

Có rất nhiều câu
chuyện sâu sắc về ích lợi to lớn của cách sống chủ động trong những cuốn sách
như "Thay thái độ, đổi cuộc đời" (Attitute is everything) của
Jeff Keller và "Triết lý Chợ cá" (Fish) của Stephen C. Lundin,
Harry Paul và John Christensen.

Sự tự nỗ lực để
chuyển từ trạng thái "bị động" sang trạng thái "chủ động"
sẽ tạo ra các giá trị cảm xúc tốt và loại trừ cảm xúc xấu cho mình và cho mọi
người.

Sự chủ động sẽ giúp
ta thay đổi giá trị của các cảm xúc, từ đó thay đổi cuội đời, thay đổi số phận.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3