Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 03 - Phần 1
Chương 3. ERICK
ERIKSON – THUYẾT NHÂN CÁCH PHÁT TRIỂN TƯ DUY
CÁC HỌC THUYẾT TÂM LÝ NHÂN CÁCH
1. Hành trình đi
tìm mơ ước
Trong số những
người sống ở bộ lạc Oglala Lakota (khu vực của người bản địa đầu tiên của Hoa
Kỳ), một truyền thống được lưu truyền từ lâu đời cho tất cả các trẻ em nam ở
tuổi dậy thì là sẽ một mình ra đi tìm kiếm mục đích của đời mình. Các em ra đi
không có bất cứ một thứ vũ khí nào và chẳng mặc quần áo gì ngoài một cái khố và
một cái khăn moccasins. Đấy là những trang bị mà em có được trên con đường
chinh phục giấc mơ của mình. Đói và khát, mệt lả người, các cậu bé đã mong đợi
sẽ nhìn thấy ước mơ của mình sau bốn ngày đói khổ. Một giấc mơ sẽ mở ra cho các
cậu nhìn thấy đời sống trong tương lai của mình.
Khi trở về nhà cậu
bé sẽ kể lại cho già làng nghe giấc mơ của mình. Sau đó cụ sẽ giải thích giấc
mơ ấy theo cách của người cổ xưa để lại. Chính giấc mơ ấy sẽ quyết định xem cậu
bé ấy sẽ là một thợ săn cừ khôi, một chiến sĩ can đảm, hay là một tay ăn cắp
ngựa không ai bì kịp, hoặc anh ta sẽ là một người thợ chế tạo vũ khí, một nhà
lãnh đạo tinh thần, một thầy tế lễ, hay là một thầy lang phục vụ cho mọi người.
Trong một vài
trường hợp, một giấc mơ sẽ đưa cậu bé đến nơi tập trung của những kẻ lập dị, bị
nhốt cách biệt với những người Oglala khác. Một giấc mơ liên quan đến tiếng sấm
có thể đưa cậu bé trải qua một thời hạn như một heyoka, vốn là người phải nhảy
nhót như một tay hề hay một thằng khờ trong một thời gian. Hoặc nếu như giấc mơ
của cậu bé là mặt trăng hay là một con trâu trắng, cậu bé ấy sẽ có một cuộc đời
như một berdache – một người đàn ông phải ăn mặc và xử sự như thể anh ta là một
người đàn bà. Cứ thế, có nhiều giấc mơ để trở thành người bình thường và rất ít
những giấc mơ để trở thành người có chuyên môn và có chức quyền.
Khi Erick Erikson
đến thăm Oglala Lakota, các sinh hoạt nơi đây đã được thay đổi ít nhiều. Những
người dân bản địa này được đưa vào những trại tập trung và trải qua những thay
đổi bởi chiến tranh do người da trắng gây ra. Cuối cùng là những hiệp định
thương nghị bất lợi cho họ. Những đàn trâu hoang dã một dạo là nguồn thức ăn,
cung cấp quần áo, nhà ở, và hầu như là nguồn cung cấp mọi thứ và bây giờ đã
tuyệt chủng. Tệ hơn nữa là lối sống của họ đã thay đổi, không phải vì những
người lính da trắng xâm lược mà là từ những chính sách của chính phủ đang cố
gắng biến những người dân bộ tộc Lakota trở thành những công dân Hoa Kỳ văn
minh hiện đại.
Tất nhiên là các
giáo viên da trắng đến đây dạy học đã vấp phải một trở ngại lớn là các con em
bộ tộc Lakota không chịu nghe theo các hướng dẫn và chỉ dạy của các thầy cô.
Các em đã quen với cuộc sống bụi bặm, nô đùa với tự nhiên nên tỏ ra khó chịu
với những tiêu chuẩn vệ sinh. Các em được dạy im lặng ở nhà nên việc phát biểu
trong lớp là điều các em đã chưa từng quen.
Thời gian trôi qua,
cuộc sống bình thường hôm xưa đã mất, nền văn hóa mới chẳng thể là một sự thay
thế phù hợp. Không còn những hành trình đi tìm giấc mơ như xưa nữa. Và các cậu
bé tuổi dậy thì hôm nay chẳng biết kiếm đâu ra những giấc mơ tương lai cho
mình.
Erikson cảm động
trước những khó khăn này của các trẻ em bộ tộc Lakota mà ông đã có dịp quan sát
và truyện trò. Ngay cả việc lớn lên và rồi sẽ làm gì cũng đã là một trở ngại
đối với nhiều em ở lứa tuổi dậy thì da trắng khác. Trong khi đó các em bé da
đen lầm lũi vật lộn với hiện tại khi nguồn gốc tổ tiên Châu Phi của mình bị mất
đi. Các em bé Châu Á cũng đang phải căng giãn giữa văn hóa Tây phương và văn
hóa phương Đông. Đơn giản là những ngày lễ và phong tục của văn hóa Hoa Kỳ đã
tác động mạnh mẽ lên những em bé thiểu sổ, trong đó có cả những em bé bộ tộc
Lakota.
Giống như các em bé
da đỏ bản xứ, nhiều trẻ em Hoa Kỳ đã không còn nhận ra những cột mốc quan trọng
trong hành trình phát triển tâm lý của mình. Các em bỡ ngỡ không biết đến khi
nào mình sẽ là người lớn. Khi nào là tuổi dậy thì? Khi nào là thời điểm tốt
nhất cho kinh nghiệm giao hợp lần đầu tiên? Rồi học xong cấp ba, các em sẽ có
bằng lái xe, tốt nghiệp đại học, đi làm? Chính xác ra là các em không xác định
được chính thức khi nào được coi mình là người lớn.
Trong những năm
tháng truyền thống (cách đây chừng 25 đến 50 năm), một chàng trai và một cô gái
thường quan sát cha mẹ, họ hàng, lối xóm, và thầy cô để tìm ra cho mình những
ứng xử phù hợp. Họ là những người chịu khó và hiền lành, biết ứng xử và tiết
độ. Nói chung đây là những mẫu người chúng ta rất muốn có được hôm nay.
Thật đáng tiếc, trẻ
em hôm nay đã tin vào những phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là ti vi
để tìm ra những gương mẫu sống. Những người trên ti vi trông đẹp đẽ hơn, giàu
có hơn, thông minh hơn, khôn ngoan lanh lợi hơn, và có vẻ hạnh phúc hơn những
người bình thường hàng xóm của chúng ta. Rất buồn, những mô hình đó hoàn toàn
không thực tế.
Trong xã hội hiện
đại hôm nay, nhiều em sinh viên đã vỡ mộng khi nhận ra ngành học của họ đòi hỏi
quá khó khăn so với khả năng của mình. Rồi công việc nhàm chán và đơn điệu.
Chẳng có gì hấp dẫn và sáng tạo như trong ti vi cả. Cuối cùng những lối đi tắt
và lỗi lầm đôi khi phản ánh rất sát và khá trung thực với những gì chúng ta
nhìn thấy: Bạo lực và nổi loạn, chán đời và phá bĩnh.
2. Tiểu sử của
Erick Erikson
Erick Erikson sinh
tại Frankfurt, nước Đức ngày 16 tháng 6 năm 1902. Một điều thú vị là cha của
ông là một người Hà Lan đã bỏ rơi mẹ con ông trước khi ông chào đời. Mẹ ông là
Karla Abrahamsen, một phụ nữ trẻ gốc Do Thái đã nuôi con một mình trong ba năm
đầu tiên. Sau đó bà lấy chồng là bác sĩ Thoedor Homberger, một bác sĩ nhi đồng
chuyên khám bệnh cho Erick, rồi họ dọn về sống ở Karlsruhe, miền nam nước Đức.
Một nét nổi cộm
trong tiểu sử của Erick đã ghi rõ là người ta chẳng biết ai đã thôi thúc và để
lại dấu ấn rất đậm lên cuộc đời cũng như công trình nghiên cứu của ông. Khi còn
bé và lúc mới trưởng thành, Erick có tên đầy đủ là Erick Homberger. Cha ghẻ và
mẹ ông đã giấu hẳn chuyện giấy khai sinh thật của ông. Thành ra ông là một
chàng trai cao ráo, tóc vàng, mắt xanh, gốc Do Thái. Khi ở trường đạo, bọn trẻ
chọc ông là người Bắc Âu và ở trường tiểu học thì ông bị chế nhạo là thằng bé
Do Thái.
Sau khi tốt nghiệp
cấp ba, Erick muốn mình sẽ trở thành một họa sĩ. Những lúc rảnh rỗi, ông thường
ngao du khắp nơi thuộc Châu Âu, viếng thăm các viện bảo tàng và có lúc đã ngủ
bên dưới gầm cầu. Ông đã từng sống lang thang bụi đời trong một thời gian rất
lâu trước khi ông có thể nhận ra mình sẽ phải làm một cái gì đó.
Khi ông được hai
mươi lăm tuổi, một người bạn cùng giới nghệ sĩ là Peter Blos, sau này trở thành
nhà phân tích tâm lý đề nghị ông nên xin dạy học tại một trường thí điểm tại
Hoa Kỳ, được lãnh đạo bởi Dorothy Burlingham – một người bạn của Anna Freud.
Ngoài việc dạy nghệ thuật, ông tiếp tục học và được cấp chứng chỉ giáo dục do
viện Montessori và Hội phân tích Tâm lý Vienna do chính tay Anna Freud cấp.
Trong thời gian đó, ông gặp Joan Sersons, một giáo viên dạy múa người Canada.
Họ lấy nhau và có ba người con, một người con của ông sau này trở thành một nhà
xã hội học.
Khi nhóm phát xít
Nazis thành công và lên nắm quyền, gia đình họ rời Vienna. Đầu tiên họ đến
Copenhagen, sau đó là Boston. Erick được đề nghị nhận một chân giảng dạy tại
trường Đại Học Y Dược Harvard và thực hành phân tích tâm lý trẻ em với tư cách
tư nhân riêng rẽ. Trong thời gian này, ông gặp gỡ các tâm lý gia khác như Henry
Murray và Kurt Lewin, cùng với các nhà nhân chủng học như Rith Benedict,
Margaret Mead, và Gregory Bateson. Đây là nhóm những người có ảnh hưởng lớn đến
Erik, giống như Sigmund Freud và Anna Freud đã từng có ảnh hưởng đến ông.
Sau đó ông giảng
dạy ở Đại học Yale. Kế đó ông dạy tại Đại học Tiểu bang California tại Berkely.
Trong thời gian này, ông đã bắt tay vào thực hiện chương trình nghiên cứu nổi
tiếng của mình về đời sống hiện đại nơi bộ tộc Lakota và bộ tộc Yuork. Khi trở
thành một công dân Hoa Kỳ, ông chính thức đổi tên của mình thành Erick Erikson.
Chẳng ai biết ông đã chọn cái tên này vì lý do gì.
Năm 1950, ông viết
cuốn Tuổi Thơ Và Xã Hội, trong đó ghi lại những khám phá của ông với các em bé
da đỏ bản xứ, và những phân tích về Maxim Gorkiy và nhà độc tài Adolph Hitler.
Trong tác phẩm này ông liên hệ những phân tích về thuyết của Freud, cũng như về
nhân cách của người dân Hoa Kỳ. Đây là những đề tài mô tả khá kỹ lưỡng về ảnh
hưởng của văn hóa lên nhân cách con người. Cũng trong thời gian này Thượng nghị
sĩ Joseph McCarthy đã gây ra những lo lắng chung cho tình hình an ninh xã hội ở
Tiểu bang California, Erikson rời Berkeley vì các giáo sư buộc phải ký lời thề
trung thành. Sau đó ông làm việc mười năm với một Trung tâm y tế ở
Massachusetts, rồi dạy mười năm nữa ở Đại học Harvard. Từ đó ông nghỉ hưu. Sau
cùng ông tiếp tục viết và làm nghiên cứu với vợ của mình. Ông mất năm 1994.
3. Học thuyết Nhân
cách của ông
Erikson là một nhà
tâm lý về cái tôi thuộc trường phái Freudian. Điều này cho thấy ông đã chấp
nhận các khái niệm tâm lý của Freud như những nền tảng đúng đắn căn bản, kể cả
những vấn đề hiện vẫn đang gây ra bàn cãi như hội chứng khủng hoảng Oedipus,
cũng như những tư tưởng về cái tôi đã được Heinz Hartman và Anna Freud xây
dựng.
So với các nhà tâm
lý học thuộc trường phái Freudian, ông là người chú trọng đến yếu tố xã hội và
ảnh hưởng văn hóa lên nhân cách nhiều nhất. Có lẽ do tác động của các bạn là
những nhà nhân chủng học. Do chịu nhiều ảnh hưởng của họ, vì thế ông thường có
xu hướng gạt bản năng và vô thức ra khỏi phạm trù tâm lý. Có lẽ vì thế ông đã
được cả hai phe Freudian phe chống Freudian chú ý đến.
4. Nguyên lý phát
triển hình thành nhân cách
Ông là người nổi
tiếng trong việc chắt lọc và phát triển thuyết của Freud liên quan đến những
thời kỳ phát triển nơi người. Ông cho rằng quá trình phát triển dựa trên nguyên
lý phát triển hình thành, theo đó một sinh thể sẽ phát triển qua những giai
đoạn đã được định sẵn xảy ra trong quá trình phát triển của con người qua tám
bước. Theo ông, những bước phát triển đầu tiên sẽ có tác động thuận lợi hay bất
lợi lên các bước sau đó. Ông so sánh những bước phát triển này giống như một
đóa hoa hồng nở ra với mỗi một cánh hoa là một lớp phát triển. Và như thế cần phải
có những bước phát triển cần xảy ra theo một trình tự thời gian hợp lý.
Mỗi giai đoạn phát
triển có những nhiệm vụ liên quan đến phát triển tâm lý. Xuất phát từ hệ thống
tư tưởng của Freud, ông tin rằng những vấn đề vấp/khựng trong quá trình phát
triển sẽ dẫn đến những khủng hoảng. Tuy nhiên ông cho rằng những trạng thái
vấp/khựng chỉ nên được đánh giá là những gợi ý và mang tính khái quát nhiều
hơn. Cũng theo ông, những vấn đề và nhiệm vụ của một giai đoạn phát triển nên
được coi là những khu vực có ảnh hưởng từ tác động của giao tiếp với môi trường
bên ngoài, thay vì có liên hệ trực tiếp đến nội lực bên trong.
Theo ông, những
phạm trù sinh hoạt và phát triển luôn có hai thái cực. Chẳng hạn như đối với
các trẻ em sơ sinh, ông cho rằng các em sẽ thường trải qua hai thái cực kinh
nghiệm là tin tưởng - hoặc không tin tưởng nơi cha mẹ của mình trong quá trình
được chăm sóc. Tuy ban đầu các em học cách đặt niềm tin, nhưng sẽ có lúc các em
nhận ra rằng không nên quá tin tưởng (sau này dẫn đến việc không tin tưởng).
Tuy nhiên theo ông thì không tin tưởng sẽ là một bộ phận giúp cho các cá nhân
có tinh thần cảnh giác nhiều hơn.
Ông cho rằng ở mỗi
một thời điểm phát triển sẽ có riêng những khả năng và những nhiệm vụ cần được
xử lý thành thạo. Một em bé không thể trở thành một người lớn mà không qua
những giai đoạn phát triển. Những khả năng và nhiệm vụ của từng giai đoạn phải
phù hợp và đi theo trào lưu chung của nhóm tuổi giai đoạn phát triển đó, vốn có
thể quan sát được. Tuy nhiên trong thực tế ta thấy có nhiều bậc phụ huynh vì
nôn nóng hoặc quá đặt nặng vấn đề thành công nên đã thúc ép các con em của
mình. Trên thực tế, mỗi thời điểm có một số nhiệm vụ mà các em cần đạt được.
Làm nhanh hơn hoặc chậm hơn tiến trình này đều dẫn đến những bất thường trong
phát triển ở tương lai về sau.
Nếu ở từng thời kỳ
giai đoạn phát triển được điều chỉnh thuận lợi một cá nhân sẽ có những gặt hái
tốt đẹp về mặt tâm lý, giúp họ tiếp tục phát triển bình thường ở những giai
đoạn tiếp theo. Nếu không xử lý những nhiệm vụ được đặt ra cho từng giai đoạn
phát triển, một cá nhân sẽ có những ảnh hưởng không bình thường về tâm lý, dẫn
đến việc có những hành vi thiếu lành mạnh và những hành vi độc hại, kể cả việc
họ có những tư duy khập khiễng về sau này.
Trong đó những hành
vi độc hại là rất nguy hiểm vì cá nhân có quá nhiều tư duy tiêu cực nhưng lại
thiếu hẳn về mặt tư duy tích cực. Tất nhiên những người như thế sẽ không có
nhiều niềm tin nơi người khác, tệ hại hơn là họ luôn luôn có sự nghi ngờ vào
tất cả xung quanh.
5. Trẻ em và người
lớn
Có lẽ sáng tạo tiên
phong lớn nhất của Erikson là việc đề xuất không chỉ năm giai đoạn như với
Freud. Nói khác đi là Erikson đã khai triển năm bước giai đoạn ấy của Freud và
cố gắng đem lại khả năng dung hòa áp dụng vào điều kiện thực tế bằng cách đưa
thêm vào ba giai đoạn khác nơi người trưởng thành. Con người là một sinh thể
không ngừng phát triển – nhất là về mặt tâm lý. Con người không ngừng phát
triển lần sinh nhật lần thứ mười hai hay thứ mười lăm nào đó. Vì thế sự phát
triển thêm ba giai đoạn nữa của Erikson đã có một ảnh hưởng tương đối thuận
lợi, được đông đảo học giả đón nhận.
Ngoài ra Erikson
còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự giao lưu đối thoại giữa nhiều thế hệ
khác nhau. Freud đã trình bày về ảnh hưởng của cha mẹ trong việc giúp phát
triển hình thành nhân cách của trẻ em. Tuy nhiên Erikson cho rằng chính trẻ em
đã có những tác động ảnh hưởng lên người lớn. Ông cho rằng sự ra đời của một
trẻ em đã thay đổi rất nhiều đến đời sống của một cặp vợ chồng trong suốt một
khoảng thời gian dài. Theo Erikson, trẻ em học hỏi rất nhiều từ cha mẹ và ông
bà. Ngược lại, cha mẹ, ông bà cũng học hỏi được rất nhiều từ trẻ em. Điều này
có thể được nhận ra qua câu ca dao của người Việt Nam:
Sinh con rồi
mới sinh cha,
Sinh cháu
giữ nhà rồi mới sinh ông.
6. Hành trình phát
triển ở người
Hành trình phát
triển của con người là một hành trình bao gồm nhiều bước phức tạp và tương đối
rắc rối, ngay cả đối với nhiều nhà học thuyết cũng có những nhầm lẫn. Nhưng
không hẳn vì thế mà những ngõ ngách của vấn đề lại trở nên không được xem xét
quan tâm. Theo Erikson, 8 giai đoạn phát triển rất đặc trưng nơi con người bao
gồm:
– Giai đọan 1 (mới sinh đến 1 tuổi): là lúc các trẻ em sơ sinh tín
thác tin tưởng hay thiếu niềm tin và không tín thác mẹ ruột của mình. Nếu bé
tin tưởng cha mẹ, bé sẽ có trạng thái tinh thần vui vẻ, tin tưởng, đầy hy vọng.
Nếu bé không tin tưởng nơi cha me, niềm tin của bé bị lấy mất, bé có thể tìm
cách tránh né và co cụm.
– Giai đoạn 2 (trẻ tập đi): là lúc trẻ phát triển khả năng tự chủ hay
bé đã biết mắc cỡ. Trẻ thường có thể sẽ quá lệ thuộc, có thể tự mình khám phá,
tự quyết định, hoặc có thể sẽ có những cá tính nóng nảy được phát triển, hoặc
trẻ sẽ đòi hỏi.
– Giai đoạn 3 (trước tuổi đến trường – tuổi mầm non): là lúc bé phát
triển khả năng chủ động hoặc có mặc cảm. Trong lúc này các em chủ yếu quan sát
mọi sinh hoạt của gia đình, trẻ rất thích chơi đùa. Nếu phát triển bình thường,
trẻ sẽ hiếu động, có tính can đảm. Tuy nếu được nuông chiều quá mức, trẻ có thể
hỗn hào. Nếu không phát triển khả năng chủ động, nhiều em sẽ trở nên co cụm,
yếm thế, nhút nhát.
– Giai đoạn 4 (từ 2 đến 7 tuổi): là giai đoạn các em đến trường. Đây
là lúc các em phát triển năng động cần cù khéo léo. Nhiều em do không phát
triển có thể rơi vào não trạng nhược tiểu, thua kém, không có năng lực. Lúc này
trẻ sẽ phải đối diện với hàng xóm, trường học và gia đình. Trẻ trong thời kỳ
này tập trung phát triển những kỹ năng ứng xử và khả năng tiếp thu. Nếu không
thuận lợi, nhiều bé sẽ rơi vào trạng thái thụ động, ù lỳ.
– Giai đoạn 5 (tuổi dậy thì 12 đến 18 tuổi): đây là giai đoạn phát
triển cái tôi và nhận diện chính mình – hay còn gọi là quá trình xác định nhân
định. Trong giai đoạn này các em dễ rơi vào nhầm lẫn về vai trò của mình. Môi
trường sống sẽ có những ảnh hưởng lớn đến các em trong giai đoạn này, nhất là
ảnh hưởng từ bạn bè cùng trang lứa và những người lớn có vai trò gương mẫu. Các
em cố gắng phấn đấu và khám phá xem mình là ai. Các em có khuynh hướng trung
thành với những giá trị nhân cách mà các em có ấn tượng. Nếu không phát triển bình
thường, các em dễ rơi vào khó khăn, dễ lúng túng và mất phương hướng.
– Giai đoạn 6 (từ 18 đến 20 tuổi): là giai đoạn các người trẻ đi tìm
bạn tình để xây dựng đời sống tình cảm thân mật hoặc có nhiều bạn rơi vào tình
trạng né tránh hoặc không có bạn tình. Môi trường ảnh hưởng chính vẫn là bạn
bè. Nhiều người hạnh phúc với những lựa chọn của mình, nhưng cũng có nhiều bạn
trẻ gặp khó khăn trong việc tìm cuộc sống cho mình. Vì thế đã dẫn đến việc một
số người ráo riết đi tìm bạn tình, họ ga lăng và hào phóng. Tuy nhiên sẽ có
người co cụm, né tránh.
– Giai đoạn 7 (từ 20 đến 50 tuổi): là khoảng giữa của tuổi trưởng
thành. Ở giai đoạn này người ta có thể phát triển lành mạnh và tin rằng mình là
người có ích cho cuộc đời, tuy nhiên một số chìm đắm vào riêng cá nhân bản thân
mình. Môi trường ảnh hưởng chủ yếu là sinh hoạt trong gia đình, và với đồng
nghiệp tại cơ quan. Người có phát triển bình thường ở giai đoạn này sẽ mở rộng
mình với cuộc sống, và người không phát triển bình thường sẽ dễ cáu bẳn, chỉ lo
lắng ưu tư đến bản thân.
– Giai đoạn 8 (từ 50 tuổi trở đi): là khoảng sau cùng của tuổi trưởng
thành. Cá nhân trong giai đoạn này thường nhắm đến phát triển để đạt được tính
nguyên tắc nhất quán trong mục đích của mình hoặc chán nản thất vọng vô nghĩa.
Họ thường nhìn vào những mẫu tuýp người để so sánh. Để từ đó người phát triển
bình thường sẽ an tâm với cuộc sống và người không phát triển bình thường sẽ có
những biểu hiện chán nản ưu phiền.
7. Mổ xẻ chi tiết
các thời kỳ
– Thời kỳ đầu
tiên: Ở lứa tuổi sơ sinh
là giai đoạn cảm giác miệng trong khoảng mười tám tháng đầu. Đây là lúc trẻ
phát triển việc đặt niềm tin vào chính nơi bé. Nếu được cha mẹ cung cấp đầy đủ
các nhu cầu chăm sóc, bé sẽ phát triển một cảm giác an toàn trong môi trường
sống của mình. Bé sẽ cảm thấy tự tin và không còn lo lắng sợ hãi. Một môi
trường an toàn sẽ khiến bé tin vào các chức năng của cơ thể. Vì thế đói bụng
hay khi ướt tã không còn là những vấn đề lớn đối với bé, vì bé luôn được quan
tâm chăm sóc. Nếu cha mẹ không cung cấp và đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu bé
sẽ dần dần mất niềm tin vào cuộc sống, bé sẽ lo lắng và sợ hãi, giảm hẳn niềm
tin nơi mọi người xung quanh.
Tuy nhiên cần chú
ý, các bậc cha mẹ không thể hoàn toàn tuyệt hảo. Nhất là nhiều bậc cha mẹ quá
khẩn trương đến từng yêu cầu nhỏ nhặt nhất của em bé sẽ dẫn đến việc làm hư bé
vì đã gửi đi những tín hiệu sai lệch. Nhất là khi bé không ý thức được giữa nhu
cầu và đáp ứng cần thiết phải có một khoảng thời gian nhất định. Và như thế sau
này lớn lên, có thể bé sẽ rất nhẹ dạ cả tin vào người khác. Và khi vấp vào thực
tế, bé sẽ rơi vào những não thức cả tin, đôi khi mất một thời gian dài mới có
thể điều chỉnh lại được
Tệ hại nhất là
nhiều bậc cha mẹ đã không có sự cân bằng trong chăm sóc hoặc không được duy trì
được một môi trường lành mạnh, các em sẽ rơi vào co cụm vì thiếu niềm tin, dẫn
đến khuynh hướng nhân cách tránh né, rút lui, nghi hoặc, trầm cảm, buồn chán,
có khả năng dẫn đến bệnh tâm thần nữa.
Nếu có sự quân
bình, trẻ sẽ yêu đời, có tinh thần lạc quan, có niềm tin vào cha me. Bé sẽ tin
rằng dù khó khăn nhưng sẽ có kết thúc tốt đẹp. Dấu hiệu là trẻ sẽ không bẳn gắt
và cáu kỉnh trong khi chờ đợi đáp ứng của cha mẹ. Bố mẹ em không nhất thiết
phải khẩn trương và như thế xây dựng trẻ không nóng tính, thể hiện đủ tính kiên
nhẫn. Và khi lớn lên, trẻ sẽ có những hướng xử lý bình tĩnh như khi em còn bé.
– Giai đoạn hai: là giai đoạn có liên hệ đến các cơ vòng nơi hậu môn của thời kỳ thơ ấu, từ 18 tháng cho đến 3 đến 4 tuổi. Nhiệm vụ chính của giai đoạn này là đạt được khả năng tự chủ trong khi cố gắng giảm thiểu xuống mức thấp nhất trạng thái xấu hổ và ngờ vực, nhất là vào khả năng thao tác đi vệ sinh.
Nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thường xuyên cho phép em được tự do khám phá thế giới xung quanh mình, trẻ sẽ dần dần phát triển một tính cách tự chủ và độc lập. Phụ huynh không nên quá cấm đoán hoặc chiều chuộng, càng tránh thái độ thúc đẩy quá mức cần thiết. Mức độ cân bằng rất quan trọng trong thời điểm này. Cha mẹ chăm sóc trẻ trong giai đoạn này cần kiên nhẫn nhưng nghiêm nghị. Có như thế trẻ em mới phát triển được lòng tự trọng và khả năng tự kiềm chế.
Nếu như cha mẹ quá hà khắc với con cái, sẽ dẫn trẻ đến phát triển xấu hổ hoặc ngờ vực. Khi cha mẹ quá xét nét và cấm đoán những cơ hội khám phá của con, bé sẽ ngừng lại việc khám phá và không dám mạnh dạn trong việc tìm kiếm học hỏi mọi thứ xung quanh. Ngay cả những tiếng cười sảng khoái của bố mẹ sẽ có thể gây ra những hiểu lầm có ảnh hưởng tiêu cực – nếu như bé không hiểu tại sao bố mẹ lại cười? Điều này được nêu ra để cảnh giác, nhưng không nên quá lo lắng, vì thật ra những điều bất ngờ như thế đôi khi thường khó tránh. Tuy nhiên bé cần hiểu được những cung bậc cảm xúc nơi cha mẹ là có ý tốt.
Ngoài ra nếu cho trẻ tự do phá phách và không có một nội qui nào, hoặc nếu như cha mẹ ngăn cấm một cách quá cứng nhắc, hay việc cha mẹ luôn tìm cách giúp đỡ con mình, các em sẽ không có cơ hội khám phá và học hỏi. Trẻ có thể ỷ lại hoặc nghĩ rằng mình không có khả năng tốt để xử lý những thao tác cần học. Vì thế bạn cần kiên nhẫn trong việc huấn luyện bé tập mặc quần, xỏ dép, cột dây giày, cất nón… Người lớn cần tránh coi việc này là quá khó hay việc kia là quá dễ. Hãy tạo điều kiện để trẻ tự khám phá thế giới xung quanh từ kinh nghiệm cá nhân của riêng của em.
Cần biết rằng có lúc trẻ sẽ vấp vào những kinh nghiệm xấu hổ và ngờ vực, và đây là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên đôi lúc đây sẽ là dịp có những lợi ích cho bé. Nếu không có những lần bé xấu hổ hoặc ngờ vực, bé sẽ dễ rơi vào não trạng hay đòi hỏi và tự mãn, hoặc là bé sẽ chẳng bao giờ biết tự trọng hay nhận ra mình đã làm sai một điều gì đó. Khi lớn lên, bé sẽ dễ rơi vào đánh giá và xét đoán người khác một cách vội vã.
Tuy nhiên quá nhiều xấu hổ và ngờ vực sẽ dẫn đến tình trạng hành vi độc hại mà Erikson tin rằng đấy là quá trình bé không thể kìm hãm được một hành vi của mình. Khi trưởng thành, họ thường rơi vào não trạng mọi việc phải đạt được kết quả thật hoàn hảo. Họ đòi hỏi phải có một hệ thống nguyên tắc và luôn luôn áp dụng một cách rất cứng nhắc với hệ thống nguyên tắc ấy. Họ rất sợ lỗi lầm và tránh mọi cơ hội phạm lỗi, tuy nhiên vì quá cứng nhắc nên họ thường mắc phải những hạn chế không cần thiết. Làm cha mẹ, bạn nên tránh để con cái thường xuyên rơi vào tình trạng xấu hổ và ngờ vực. Hãy kiên nhẫn hơn với các em một chút để các em có cơ hội khám phá và học hỏi. Như thế, bạn không chỉ tránh việc mình sẽ quá hà khắt với bé, song bạn còn làm cho mình một điều tốt đó là bạn không quá khẩn trương một cách máy móc.
Nếu như có sự quân bình giữa tự chủ và xấu hổ ngờ vực, một cá nhân sẽ phát triển khả năng có ý chí tiến thủ và khả năng có những quyết định độc lập cho bản thân mình. Nên nhớ rằng với trẻ lên ba thì chuyện được phép làm hoặc bị cấm làm một điều gì đó điều bạn cần quan tâm. Nếu bạn không muốn con phá phách, đừng bày những đồ đạc để bé sẽ phá phách. Trẻ luôn mang não trạng có thể làm được, vì thế trẻ luôn khám phá. Nếu bạn biết cách giữ gìn và trân quý, bé sẽ lớn lên và tiếp tục não trạng ấy không ngừng chủ động.