Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển VIII - Chương 146 - 147 - 148
146. Nhiếp Chính
(Nhiếp Chính)
Lộ vương ở Hoài Khánh (tỉnh Hà Nam) có đức tối, cứ dạo chơi ra dân gian
thấy con gái đẹp là bắt về. Có vợ Vương sinh bị vương nhìn thấy, sai xe ngựa
vào tới tận nhà bắt đi. Cô gái khóc lóc kêu gào, bị bắt lên kiệu khiêng ra.
Vương bỏ chạy, núp sau mộ Nhiếp Chính chờ vợ đi qua để vĩnh biệt. Không bao lâu
vợ tới, nhìn thấy chồng khóc lớn gieo mình xuống đất. Vương trong lòng đau đớn
bất giác khóc thất thanh, bọn gia nhân của vương biết là Vương sinh bèn túm lấy
đánh đập túi bụi. Chợt trong mộ có người đàn ông bước ra, tay cầm đao sắc, khí
thế rất oai mãnh, lớn tiếng quát: “Ta là Nhiếp Chính đây, sao các ngươi dám bắt
ép con gái nhà lương dân. Nghĩ bọn ngươi chỉ là kẻ thừa lệnh nên tạm tha cho
lần này, về nhắn với ông chủ vô đạo của các ngươi rằng nếu không sửa nết xấu
thì có ngày ta sẽ lấy đầu đấy”. Đám gia nhân nhà vương hoảng sợ bỏ xe kiệu
chạy, người đàn ông lại bước thẳng vào mộ biến mất. Vợ chồng Vương tới lạy
trước mộ rồi về, vẫn còn sợ là vương lại tới nhưng hơn mười ngày cũng không
thấy gì mới yên lòng. Từ đó vương cũng bớt dâm đãng hống hách.
Dị Sử thị nói: Ta thường đọc Truyện Thích khách chỉ khâm phục có người ở
làng Thâm Tỉnh đất Chỉ* mà thôi. Xả thân để báo đáp tri kỷ thì
nghĩa khí như Dự Nhượng** giữa ban ngày giết chết khanh tướng thì
vũ dũng như Chuyên Chư*** bằng đầu gối tới trước mặt Liêu, lấy tay
xé đôi con cá ra, rút ngọn chủy thủ giấu sẵn trong bụng cá đâm chết Liêu, lột
da mặt hủy hình dung tự tử để không làm liên lụy tới người thân thì mưu trí như
Tào Mạt (4*). Còn như Kinh Kha
không đủ sức để ám sát vua Tần mà lại dứt áo ra đi, tự chuốc lấy diệt vong,
khinh suất mượn cái đầu của Phàn tướng quân (5*) gặp Tần Thủy Hoàng nhưng đâm không trúng, bị giết chết, biết
ngày nào mới trả lại được, đó là mối hận của ngàn đời, chắc bị Nhiếp Chính chê
cười. Đọc dã sử thấy nói mộ Kinh Kha bị hồn ma của Dương Giác Ai, Tả Bá Đào
quật lên (6*) nếu quả thế thì
Kinh Kha sống không thành danh, chết còn mất nghĩa, so với Nhiếp Chính ôm lòng
nghĩa mà trừng trị kẻ hoang dâm thì hay dở khác nhau ra sao? Ôi, Nhiếp Chính là
người hiền, xem chuyện này lại càng tin là đúng.
* Người ở làng Thâm Tỉnh đất Chỉ:
tức Nhiếp Chính, người nước Hàn thời Chiến quốc, giết người nên dắt mẹ và chị
qua trốn tránh ở nước Tề. Quan khanh nước Hàn là Nghiêm Trọng Tử có thù oán với
Tướng quốc Hiệp Lũy nên tìm người báo thù, tới Tề nghe tiếng Chính là người
dũng cảm bèn đem lễ vật rất hậu tới ra mắt, nhưng Chính không nhận. Sau bà mẹ
chết, Chính chôn cất xong bèn tới gặp Trọng Tử hỏi han rồi không nhận xe ngựa
tráng sĩ giúp đỡ, một mình lên đường vào thẳng phủ Tướng quốc lên tận thềm giết
chết Hiệp Lũy, kế tự lột da mặt khoét tròng mắt, mổ bụng móc ruột tự tử để khỏi
liên lụy tới người chị.
**Dự Nhượng: người nước Tấn thời
Xuân thu, theo họ Phạm Trung Hàng nhưng không được biết tới, bèn bỏ theo Trí
Bá, rất được Trí Bá coi trọng. Sau Trí Bá bị Triệu Tương Tử diệt, Nhượng trốn
vào núi, nói: “Kẻ sĩ xả thân cho người biết mình, đàn bà điểm trang cho người
yêu mình, nay Trí Bá biết ta, nếu vì báo thù cho Trí Bá mà chết thì hồn phách
ta cũng không thẹn”, bèn đổi tên họ cải trang để ám sát Tương Tử nhưng bị bắt,
Tương Tử khen là nghĩa khí nên tha cho. Nhượng lại sơn mặt nuốt than thay đổi
diện mạo thanh âm núp dưới cầu chờ Tương Tử đi qua mà đâm nhưng lại bị bắt, bèn
xin cái áo của Tương Tử tuốt kiếm nhảy lên đâm vào ba lần rồi tự sát.
*** Chuyên Chư người nước Ngô thời
Xuân thu, có tiếng là dũng sĩ, được Ngữ Tử Tư tiến cử cho Công tử Quang (tức
vua Ngô Hạp Lư). Lúc ấy Quang muốn giết Ngô vương Liêu là anh con bác để giành
ngôi, dò biết Liêu thích ăn chả cá bèn sai Chư tới Thái Hồ học làm món chả cá.
Kế mở tiệc mời Liêu, nửa chừng giả đau chân vào nhà trong băng lại sai Chư đem
chả cá lên dâng. Giáp sĩ của Liêu lục soát trong người Chư không thấy gì lạ bèn
cho vào, Chư bưng mâm chả cá đi...
4* Tào Mạt: người nước Lỗ thời
Xuân thu, tướng của Lỗ Trang công. Tề Hoàn công đánh Lỗ, nước Lỗ thua liền mấy
trận bèn xin giảng hòa. Tề Hoàn công buộc Lỗ Trang công phải tới hội minh, cắt
đất cho Tề. Tào Mạt theo Lỗ Trang công tới hội minh, sấn lên đài rút chủy thủ
uy hiếp bắt Tề Hoàn công phải trả hết những đất đai của nước Lỗ, Hoàn công sợ
hãi ưng thuận, Mạt buông chủy thủ lui xuống đứng lại vào chỗ các quan nước Lỗ,
sắc mặt vẫn không thay đổi.
5* Kinh Kha... Phàn tướng quân: Kinh
Kha là người đất Vệ thời Chiến quốc nổi tiếng can đảm, kiếm thuật tuyệt luân,
được thái tử Đan nước Yên mời về làm thượng khách, nhờ đi ám sát Tần Thủy
hoàng. Lúc bấy giờ có Phàn Ư Kỳ là phản tướng nước Tần chạy qua nước Yên, gia
quyến đều bị Tần Thủy Hoàng giết, Kinh Kha tới gặp Ư Kỳ nói nếu có được đầu Ư
Kỳ thì có thể tới gần vua Tần để nhân cơ hội ám sát báo thù cho Ư Kỳ. Ư Kỳ
khảng khái tự chặt đầu đưa cho Kinh Kha. Sau Kinh Kha qua Tần, vào điện...
6*Mộ Kinh Kha... quật lên: Quan
Trung lưu ngụ chí chép Tả Bá Đào ở Tây Khương nghe tiếng Sở Nguyên vương hiền
bèn cùng bạn là Dương Giác Ai tìm tới. Tới núi Lương Sơn gặp tuyết lớn, không
đủ lương thực áo rét cho cả hai người, Bá Đào bèn cởi áo trút lương cho Giác Ai
đi tiếp còn mình thì vào rừng chịu chết. Giác Ai tới Sở, được phong làm Trung
Đại phu, sau về quê mơ thấy Bá Đào nói: “Mộ ta gần mộ Kinh Kha, cùng với y có
thù hằn, ông nên bó cỏ làm hình người cho cầm binh khí đốt trước mộ ta”. Giác
Ai theo lời, hôm sau mơ thấy Bá Đào tới nói: “Đám quân sĩ ông đốt cho đều vô
dụng, Kinh Kha rất hung hãn, lại có Cao Tiệm Ly giúp đỡ, không bao lâu nữa ta
sẽ bị họ quật mộ”. Giác Ai bèn tự sát, người làng chôn cạnh mộ Bá Đào. Đêm hôm
sau trời nổi mưa to gió lớn, sấm sét vang dội, ở khu mộ Bá Đào có tiếng đánh
nhau vang xa mấy mươi dặm. Đến sáng người làng ra xem, thấy mộ Kinh Kha bị quật
lên, xương trắng rải khắp mặt đất.
147. Anh Em Họ Thương
(Nhị Thương)
Có nhà họ Thương ở huyện Lữ (tỉnh Sơn Đông), anh giàu mà em nghèo, ở
liền vách nhau. Trong niên hiệu Khang Hy (1662-1722) mất mùa lớn, người em sớm
tối không lo được hai bữa. Một hôm trời đã trưa mà chưa nổi lửa nấu cơm, bụng
đói sôi òng ọc, không biết làm sao. Vợ bảo tới nói với anh, Thương đáp: “Vô
ích, nếu anh thương ta nghèo thì đã sớm có cách giúp đỡ rồi”. Vợ ép mãi, Thương
sai con đi, giây lát tay không quay về, Thương nói: “Thế nào nào?”. Vợ hỏi lại
con cho rõ, đứa con nói: “Bác ngần ngừ rồi nhìn bác gái, bác gái nói Anh em đã
ở riêng thì cơm ai nấy ăn, ai mà lo cho nhau được”. Vợ chồng im lặng đem những
bát mẻ giường nát cầm bán đổi chút tấm cám sống qua ngày. Trong làng có ba bốn
gã vô lại, thấy Thương anh giàu có trèo tường vào cướp, vợ chồng Thương anh
giật mình tỉnh dậy đập nồi đập chảo kêu gào nhưng người làng đều ghét không ai
tới cứu. Bất đắc dĩ phải gọi em, Thương nghe tiếng chị dâu kêu cứu muốn xông
qua ngay, vợ ngăn lại, lớn tiếng nói vọng qua: “Anh em đã ở riêng thì họa ai
nấy chịu, ai mà lo cho nhau được”.
Kế bọn cướp phá cửa bắt vợ chồng Thương anh đốt thịt tra tấn, hai người
kêu gào thảm thiết. Thương nói: “Tuy anh không có tình nghĩa nhưng chẳng lẽ ta
lại ngồi yên nhìn anh chết mà không cứu sao!”, rồi dắt con nhảy tường qua lớn
tiếng quát tháo. Cha con Thương vốn khỏe mạnh, người ta đều sợ, bọn cướp lại sợ
có người khác cùng tới cứu bèn tháo chạy. Thương nhìn tới anh chị thì hai vế
đều bị đốt cháy sém, bèn đỡ lên giường, gọi bọn gia nhân tới trông coi rồi về.
Thương anh tuy bị thương nhưng của cải không mất mát tí gì, bèn nói với vợ:
“Nay mà còn được của cải là nhờ chú nó, phải chia ra giúp đỡ cho chú ấy”. Vợ
nói: “Nếu anh có anh em tốt thì đã không phải chịu khổ như thế”, Thương anh
cũng im lặng. Thương trong nhà hết cả cái ăn, nghĩ rằng ắt anh sẽ báo đáp chút
ít nhưng lâu quá vẫn không thấy tăm hơi gì. Vợ không chờ được, sai con mang túi
qua vay, mang được một đấu gạo về, vợ Thương tức giận muốn đem trả, Thương cản
lại.
Qua hai tháng thì nghèo túng không còn cách nào xoay xở nữa, Thương nói:
“Nay không còn cách nào mưu sinh, chẳng bằng bán nhà cho anh, anh sợ ta đi chỗ
khác có khi không nhận giấy tờ mà cấp cho tiền gạo chưa biết chừng. Còn nếu
không thế thì được chút ít tiền cũng còn sống được”. Vợ cho là đúng, sai con
cầm giấy tờ nhà qua nói với Thương anh, Thương anh nói với vợ: “Cho dù chú nó
bất nhân thì cũng là anh em của ta, chú ấy đi thì ta còn một mình, chẳng bằng
trả lại giấy tờ nhà mà giúp đỡ cho chú ấy”. Vợ nói: “Không phải thế, chú ấy nói
đi là để dọa ta thôi, mà nếu đi thật thì chẳng lẽ những kẻ không có anh em trên
đời đều chết ráo à? Ta cứ đắp tường cho cao cho chắc để tự giữ, chẳng bằng cứ
nhận giấy tờ nhà, cho chú ấy muốn đi đâu thì đi, cũng có thể mở rộng thêm nhà
cửa”. Bàn định xong, bảo Thương làm giấy bán nhà rồi đưa tiền cho đi, từ đó
Thương dời qua ở nơi khác.
Có bọn vô lại nghe tin Thương đã đi lại tới cướp nhà Thương anh, tra tấn
đủ cách vô cùng thê thảm, có bao nhiêu tiền bạc đều phải dốc cả ra để chuộc
mạng. Bọn cướp ra, mở kho thóc gọi những nhà nghèo trong thôn tới xúc, trong
khoảnh khắc đã hết sạch. Hôm sau Thương mới nghe tin, chạy về xem thì anh đã
hôn mê không nói gì được nữa, lát sau mở mắt nhìn em, lấy tay cào lên chiếu rồi
tắt thở. Thương phẫn uất thưa lên quan huyện nhưng bọn cướp đã trốn mất không
thể truy tìm, những người cướp thóc thì có tới hàng trăm mà đều là nhà nghèo
trong làng, quan cũng không biết làm sao. Thương anh còn để lại một đứa con
trai năm tuổi, lúc nhà đã nghèo thường tự tìm qua nhà chú ở, mấy ngày liền
không chịu về, đưa về thì khóc ròng. Vợ Thương rất không ưa, Thương nói: “Cha
mẹ nó bất nghĩa, chứ thằng nhỏ có tội gì?”, rồi mua cho vài cái bánh chưng dắt
nó về. Vài hôm sau lại lén giấu vợ con mang gạo đem cho chị dâu nuôi cháu, dần
dần thành lệ thường. Vài năm sau chị dâu bán nhà cũ của Thương anh được tiền
cũng đủ sống nên Thương không lui tới nữa. Sau gặp năm mất mùa, người ta chết
đói đầy đường, nhà Thương lại thêm đông người nên không thể giúp đỡ ai được.
Năm ấy đứa cháu mười lăm tuổi, yếu ớt không làm ăn gì được, Thương sai xách giỏ
theo anh bán bánh gai.
Một hôm Thương nằm mơ thấy anh tới, vẻ mặt thê thảm nói: “Ta bị đàn bà
mê hoặc làm mất tình anh em, mà em không nghĩ tới oán cũ khiến ta càng thêm xấu
hổ. Ngôi nhà cũ đã bán nay vẫn còn gian bên trái, em nên về đó ở, phía sau nhà
có đám cỏ gai, bên dưới có hố vàng chôn, đào lên cũng đủ làm nhà giàu nhỏ. Cho
con ta theo sống với em, còn con mụ lắm điều kia thì ta rất ghét, đừng ngó
ngàng gì tới”. Thương tỉnh dậy lấy làm lạ, bèn đem món tiền lớn tới nói với chủ
nhà xin thuê ở, đào hố vàng chôn lên quả được năm trăm lượng, từ đó bỏ nghề
nghiệp thấp hèn, sai cháu và con mở cửa hiệu buôn bán. Đứa cháu rất thông minh,
tính toán sổ sách không bao giờ lầm lẫn, tính lại thật thà phàm thu chi thì một
đồng cũng thưa rõ, Thương càng thêm yêu mến. Một hôm cháu vào khóc xin gạo cho
mẹ, vợ Thương định không cho, Thương thấy cháu có hiếu bèn cấp gạo cho hàng tháng.
Vài năm nhà càng giàu lên, vợ Thương anh bị bệnh chết, Thương cũng già bèn chia
gia sản làm đôi, cho cháu một nửa.
Dị Sử thị nói: Nghe nói Thương anh không khinh suất nhận một chút gì của kẻ
khác, cũng là người trong sạch giữ mình vậy. Nhưng vợ nói gì nghe nấy, líu ríu
không dám cãi lại một câu, nhẫn tâm dứt tình anh em, rốt lại vì keo kiệt mà
chết. Than ôi cũng có gì lạ đâu! Thương em thì trước nghèo sau giàu, cũng có
phải là người có tài cán gì đâu, chỉ là nhờ không quá nghe lời vợ đó thôi. Than
ôi, chỉ một việc làm không như nhau mà nhân phẩm liền khác hẳn.
148. Số Hưởng Lộc
(Lộc Số)
Mỗ giàu sang, thường làm những việc vô đạo. Vợ thường lấy chuyện quả báo
để khuyên can nhưng vẫn không nghe. Gặp lúc có người thầy bói có thể biết số
hưởng lộc của người, bèn tới gặp. Người thầy bói nhìn kỹ rồi nói: “Ông còn được
ăn hai mươi thạch gạo, hai mươi thạch miến nữa thì hết lộc trời cho”. Y về nói
với vợ, tính ra mỗi người một năm chỉ ăn hết hai thạch miến, mình còn được hai
mươi năm hưởng lộc trời cho, há vì làm điều không tốt mà dứt được sao? Rồi vẫn
bậy bạ như cũ. Được hơn một năm chợt mắc bệnh tiêu khát, ăn rất nhiều mà vẫn
đói, một ngày ăn cả chục bữa cơm, chưa đầy một năm thì chết.