Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển VIII - Chương 130
Quyển VIII
130. Phong Tam Nương
(Phong Tam Nương)
Nàng Mười một họ Phạm là con gái quan Tế tửu ở Lộc Thành, lúc nhỏ đã
tuyệt đẹp lại rất phong nhã. Cha mẹ vô cùng yêu quý, có ai tới dạm hỏi đều cho
tự chọn lựa nhưng nàng chưa ưng đám nào. Gặp tiết Thượng nguyên, các ni cô ở
chùa Thủy Nguyệt mở hội Vu Lan, hôm ấy con gái quanh miền tới lễ bái rất đông,
nàng cũng tới xem. Đang lúc dạo cảnh chùa thấy có một thiếu nữ theo sát, mấy
lần nhìn nàng như muốn bắt chuyện, nhìn kỹ thấy là một thiếu nữ khoảng mười sáu
tuổi, nhan sắc cực đẹp trong lòng rất ưa thích cứ nhìn chăm chăm. Thiếu nữ mỉm
cười hỏi: “Chị có phải là cô Mười một họ Phạm không?”, nàng đáp phải. Cô gái
nói: “Nghe danh đã lâu, quả lời đồn không sai”. Nàng Mười một cũng hỏi quê quán
họ tên, thiếu nữ đáp: “Thiếp họ Phong, bày vai thứ ba, ở thôn gần đây”. Hai
người cầm tay chuyện trò vui vẻ, yêu mến nhau không muốn rời. Nàng Mười một hỏi
sao chỉ đi một mình, thiếu nữ đáp: “Cha mẹ thiếp mất sớm, nhà chỉ có một bà vú
già phải coi nhà không di cùng được”.
Nàng Mười một sắp về, Phong nhìn sững ứa nước mắt, nàng cũng buồn rầu,
liền mời Tam nương ghé chơi. Phong nói: “Nhà nương tử là nơi lầu son gác tía,
thiếp lại vốn không phải là họ hàng, sợ sẽ bị chê cười”. Nàng Mười một cố mời,
Phong hẹn hôm khác, nàng rút một cành thoa vàng đưa tặng, Phong cũng lấy chiếc
trâm biếc cài trên tóc đáp lễ. Nàng Mười một về nhà tưởng nhớ thiết tha, lấy
chiếc trâm Phong tặng ra xem thì không phải vàng cũng không phải ngọc, người
nhà đều không ai biết là thứ gì, rất lấy làm lạ. Hàng ngày cứ mong Phong tới
chơi, buồn rầu phát bệnh. Cha mẹ hỏi biết chuyện, sai người dò hỏi khắp các
thôn xóm quanh vùng nhưng không ai biết. Gặp tiết Trùng dương, nàng Mười một
buồn bã, gọi tỳ nữ đỡ ra vườn, trải nệm dưới giậu cúc ngồi chơi, chợt có một cô
gái trèo lên tường nhìn qua, nhìn lại thì là cô gái họ Phong. Cô gái gọi: “Đỡ
ta với” đứa tỳ nữ chạy ra đỡ, Phong nhảy luôn xuống. Nàng Mười một ngạc nhiên
mừng rỡ, đúng phắt lên kéo Phong cùng ngồi xuống nệm, trách nàng lỗi hẹn rồi
hỏi từ đâu tới đây? Phong đáp: “Nhà thiếp cách đây xa lắm, thỉnh thoảng tới
chơi nhà cậu, trước đây nói ở thôn gần đây là nói nhà cậu thôi. Từ lúc chia tay
cũng nhớ nhung lắm, nhưng kẻ nghèo hèn giao du với người sang thì chưa lên tới
cổng đã thấy hổ thẹn, sợ bị gia nhân trong nhà không vừa mắt nên ngần ngại
không muốn tới.
Mới rồi đi ngang ngoài tường, nghe trong này có tiếng con gái liền trèo
lên nhìn, cũng mong được gặp nương tử, giờ đã thỏa nguyện”. Nàng Mười một kể lý
do mình bị bệnh, Phong khóc như mưa, kế nói: “Chuyện thiếp tới xin giữ kín cho,
chứ để thiên hạ bàn tán này kia thì khó chịu lắm”. Nàng Mười một ưng thuận, kéo
về phòng mình cùng ăn ngủ, đốc hết tâm sự. Dần dần khỏi bệnh, kết làm chị em
với nhau, quần áo trang sức đều dùng chung, có ai tới thì Phong lánh mặt sau
màn. Qua năm sáu tháng, Phạm công và phu nhân mới biết chuyện. Một hôm hai
người đang đánh cờ thì phu nhân thình lình bước vào, vừa nhìn thấy Phong kinh
ngạc nói: “Thật xứng là bạn của con ta?”, nhân nói với nàng Mười một: “Trong
khuê phòng có người bạn tốt thì là điều cha mẹ vui mừng, sao con không thưa
sớm”. Nàng Mười một bày tỏ ý Phong, phu nhân nhìn Phong nói: “Tam nương làm bạn
với con ta là điều ta rất vui, sap lại phải giấu giếm?”. Phong đỏ bừng cả mặt,
chỉ im lặng mân mê tà áo mà thôi. Phu nhân đi rồi, Phong bèn cáo biệt, nàng
Mười một cố giữ lại mới thôi.
Một đêm chợt Phong hớt hải từ ngoài chạy vào, khóc nói: “Ta đã nói rằng
không thể ở lại nay quả nhiên gặp chuyện vô cùng nhục nhã này!”. Nàng Mười một
giật mình hỏi han, nàng đáp: “Vừa rồi ra thay áo bị một thiếu niên chặn đường
chọc ghẹo, may mà chạy thoát, như thế thì còn mặt mũi nào ở lại nữa?”. Nàng
Mười một hỏi kỹ vóc dáng mặt mũi rồi tạ lỗi, nói: “Xin đừng trách, đó là ông
anh ngốc nghếch của em, để em thưa với mẹ đánh đòn trị tội”. Phong nhất định từ
biệt, nàng Mười một xin đợi đến sáng, Phong nói: “Nhà ông cậu sát ngay gần đây,
chỉ xin cái thang cho ta trèo qua tường thôi mà”. Nàng Mười một thấy không giữ
lại được liền sai hai đứa tỳ nữ cùng trèo qua tường tiễn nàng đi, được nửa dặm
thì Phong từ tạ, hai tỳ nữ trở về, nàng Mười một nằm phục xuống giường khóc lóc
thảm sầu như mất bạn trăm năm vậy.
Vài tháng sau, đứa tỳ nữ có việc tới thôn bên, chiều tối trở về gặp
Phong giữa đường, có bà già theo sau. Đứa tỳ nữ mừng rỡ chào hỏi, Phong cũng
rầu rĩ hỏi thăm sức khỏe nàng Mười một, đứa tỳ nữ kéo áo Phong nói: “Cô Ba ghé
lại chơi đi, cô ta trông mong gần chết”. Phong nói: “Ta cũng nhớ muội tử, nhưng
không muốn để người nhà biết, về cứ mở sẵn cửa vườn, ta sẽ tự tới”. Đứa tỳ nữ
về kể lại, nàng Mười một mừng quá theo lời ra vườn thì Phong đã vào tới rồi.
Hai người gặp nhau cùng kể lể tình thương nhớ, rì rầm mãi không ngủ. Phong thấy
đứa tỳ nữ đã ngủ say bèn trỗi dậy qua nằm chung với nàng Mười một, nói nhỏ:
“Thiếp vốn biết muội tử chưa hứa hôn, nhưng lấy tài sắc dòng dõi mà bàn thì lo
gì em không lấy được người chồng danh giá. Nhưng đám công tử bột thì không đáng
nói tới, nếu muốn có một người chồng xứng đáng thì xin đừng kén chọn giàu
nghèo”. Nàng Mười một cho là phải, Phong nói: “Chỗ chùa chúng ta gặp nhau trước
đây nay lại mở đạo trường, ngày mai chịu khó đi một chuyến, thiếp sẽ chỉ cho
một người chồng như ý. Thiếp lúc nhỏ có đọc sách xem tướng, chắc chắn không sai
đâu”.
Tảng sáng Phong đi trước, hẹn gặp nhau ở chùa, lúc nàng Mười một tới thì
Phong đã có ở đó rồi. Hai người dạo quanh chùa một vòng, nàng Mười một mời
Phong đi cùng xe về, dắt tay nhau ra cổng thì thấy một Tú tài khoảng mười bảy
mười tám tuổi, mặc áo vải không trang sức nhưng dung mạo anh tuấn. Phong bấm
tay nàng Mười một nói: “Người này có tài Hàn lâm đấy”. Nàng Mười một liếc qua,
Phong từ giã nói: “Muội tử cứ về, ta sẽ tới ngay”. Chiều tối quả nhiên Phong
tới, nói: “Ta đã dò hỏi rất rõ ràng, người ấy là Mạnh An Nhân ở cùng làng này”.
Nàng Mười một biết chàng nhà nghèo cho là không được, Phong nói: “Sao muội tử
cũng sa vào thói đời như thế: “Người ấy mà nghèo hèn suốt đời thì ta xin khoét
mắt không xem tướng kẻ sĩ trong thiên hạ nữa”. Nàng Mười một hỏi: “Vậy thì làm
thế nào?”, Phong đáp: “xin đưa một vật cho ta cầm tới đính ước”. Nàng Mười một
nói: “Sao chị lại dễ dàng thế? Cha mẹ em đều còn sống, nếu không chịu thì
sao?”, Phong đáp: “Thì chính vì sợ hai vị không chịu nên mới làm thế mà thôi.
Nếu em quyết ý, thì sống chết cũng làm sao ép uổng được”. Nàng Mười một cho là
không nên, Phong nói: “Cơ nhân duyên của nương tử đã phát động nhưng ma chướng
chưa tiêu tan, hôm nay ta tới để báo đáp tình nghĩa lâu nay đấy. Xin từ giã ở
đây, sẽ lấy cành thoa vàng được tặng trước đây giả mệnh em tặng chàng”. Nàng
Mười một đang còn định bàn lại, Phong đã bước ra đi luôn.
Lúc ấy Mạnh sinh nhà nghèo nhưng học giỏi, có ý kén vợ xứng đôi nên mười
tám tuổi chưa hỏi cưới ai. Hôm ấy đi chơi chùa trông thấy hai người đẹp, về nhà
cứ bồi hồi tơ tưởng, vừa hết canh một thì Phong Tam nương gõ cửa bước vào. Sinh
khêu đèn nhìn mặt thì ra là một trong hai người đẹp mình trông thấy lúc sáng,
mừng quá hỏi han. Phong nói: “Thiếp họ Phong, chị em bạn của nương tử Mười một
họ Phạm”. Sinh thích lắm không buồn hỏi kỹ, sấn ngay tới ôm chầm lấy, Phong đẩy
ra nói: “Thiếp không phải như Mao Toại đem thân tự tiến mà là Tào Khâu đưa tin
mai mối thôi. Nàng Mười một họ Phạm muốn kết nhân duyên nên nhờ ta làm mai mối
đây”. Sinh kinh ngạc không tin, Phong bèn đưa cành thoa vàng ra, sinh mừng quá
thề: “Làm phiền nàng vất vả lo toan cho như thế, ta mà không cưỡi được nàng
Mười một thì xin ở vậy suốt đời”, phong bèn ra đi.
Sáng ra sinh nhờ bà già láng giềng tới nói với Phạm phu nhân, phu nhân
chê sinh nghèo, cũng không hỏi ý con, từ chối lập tức. Nàng Mười một nghe thấy
thất vọng lắm, rất oán Phong làm lỡ mình, nhưng thoa vàng khó mà đòi lại, chỉ
còn cách thề chết giữ trọn lời nguyền. Mấy hôm sau có con trai vị quan Mỗ tới
cầu hôn, còn sợ không được nên nhờ quan huyện đứng ra làm mối. Lúc ấy Mỗ đang
giữ chức lớn, Phạm công có ý sợ bèn hỏi nàng Mười một, nàng tỏ vẻ không vui, mẹ
gạn hỏi cũng không đáp, chỉ khóc sướt mướt. Kế sai người nói riêng với phu nhân
rằng ngoài Mạnh sinh ra thì đến chết không lấy ai cả. Phạm công nghe thế càng
tức giận, bèn hứa hôn với người con vị quan Mỗ, lại ngờ con gái tư tình với
Mạnh sinh nên càng gấp rút chọn ngày tốt làm đám cưới cho mau. Nàng Mười một
phẫn uất bỏ ăn, suốt ngày chỉ nằm trong phòng. Đến đêm trước ngày cưới chợt
trỗi dậy soi gương trang điểm, phu nhân mừng thầm. Giây lát tỳ nữ chạy vội tới
thưa tiểu thư đã thắt cổ tự tử, cả nhà kinh hãi than khóc nhưng hối hận không
kịp nữa, ba ngày sau đem chôn cất.
Mạnh sinh từ khi bà già láng giềng về kể lại, phẫn hận muốn chết nhưng
vẫn dò la tin tức, mong có dịp cứu vãn tình thế. Nghe tin Phạm công hứa gả nàng
Mười một, lửa hận thiêu đốt ruột gan, muôn vàn ý nghĩ đều dứt bỏ. Không bao lâu
nghe tin ngọc lấp hương chôn, vô cùng đau xót, hận không được chết cùng người
đẹp. Chờ tối ra cửa, định nhân lúc đêm tối tới khóc mồ nàng Mười một một lần,
chợt có một người đi tới, tới gần thì ra là Phong Tam nương. Phong nhìn sinh
nói: “Mừng cho chàng nhân duyên đã thành”. Sinh rơi nước mắt hỏi: “Nàng không
biết nàng Mười một đã chết à?”, Phong đáp: “Sở dĩ ta nói đã thành chính là vì
nàng đã chết đấy. Mau gọi gia nhân đào mồ lên, ta có thuốc lạ có thể cứu nàng
sống lại”. Sinh theo lời, liền đào mộ phá quan tài rồi lấp huyệt lại như cũ, tự
cõng cái xác cùng Tam nương về.
Về tới nơi đặt nàng Mười một lên giường đổ thuốc cho, giây lát thì sống
lại. Nàng thấy Tam nương liền hỏi đây là nơi nào, Phong chỉ vào sinh nói: “Đây
là Mạnh An Nhân”, nhân kể lại mọi việc, nàng Mười một mới chợt như tỉnh mộng.
Phong sợ việc tiết lộ, bèn đưa đi cách đó mười lăm dặm, ẩn náu ở một xóm núi.
Phong định từ giã ra đi, cô khóc lóc giữ lại làm bạn với mình, để ở một gian
riêng. Kế đem bán những vật trang sức chôn theo để sinh sống, cũng hơi dư dật.
Phong mỗi khi thấy sinh tới là vội vàng lánh mặt, nàng Mười một thong thả nói:
“Chị em ta còn hơn cả ruột thịt, nhưng rốt lại cũng không thể sum họp suốt đời,
tính lại chẳng bằng cứ bắt chước hai chị em Nữ Anh Nga Hoàng cùng lấy vua
Thuấn”. Phong nói: “Thiếp lúc nhỏ học được thuật lạ, thở hít có thể trường sinh
nên không muốn lấy chồng”. Nàng Mười một cười nói: “Những thuật trường sinh
trên đời vẫn truyền tụng có tới hàng đống, nhưng đã có ai học theo mà được
trường sinh?”. Phong đáp: “Cái thuật mà thiếp học được không phải như người đời
vẫn biết. Thuật người đời vẫn truyền chẳng phải là chân truyền, chỉ có Ngũ cầm
đồ của Hoa Đà* là đúng. Phàm hành giả luyện công ai cũng muốn khí
huyết được lưu thông, nếu bị ngưng trệ vướng mắc mà làm theo tư thế con cọp thì
hết ngay, không phải là hiệu nghiệm à?”
*Ngũ cầm đồ của Hoa Đà: Hậu Hán
thư, Hoa Đà truyện chép Hoa Đà là bậc danh y, có một cách tập luyện thân thể
tên là: “Ngũ cầm chi hý” mô phỏng tư thế, động tác của năm giống vật là cọp,
hươu, gấu, vượn, chim. Ngũ cầm đồ đây có lẽ chỉ các bức vẽ hướng dẫn về cách
tập luyện nói trên.
Nàng Mười một ngầm bàn mưu với sinh, bảo sinh giả có việc đi xa, đến đêm
cố ép Phong uống rượu thật say cho sinh vào làm bừa. Tam nương tỉnh dậy nói:
“Muội tử hại ta rồi. Nếu không phá sắc giới mà tu luyện thành đạo thì có thể
lên tới tầng trời thứ nhất. Nay vướng vào mưu gian, cũng là mệnh vậy”. Bèn đứng
dậy từ giã, nàng Mười một bày tỏ lòng thành, năn nỉ xin tha lỗi. Phong nói:
“Nói thật ta là hồ, vì thấy em xinh đẹp chợt nảy lòng yêu mến, như con tằm nhả
kén tự buộc lấy mình mới có chuyện ngày hôm nay. Đó là vì tình nghiệt chứ không
phải sức người, còn ở lại đây thì ma chướng càng sâu, không biết tới đâu là
hết. Nương tử phúc trạch còn nhiều, xin tự bảo trọng”.
Dứt lời thì biến mất, vợ chồng kinh ngạc than thở hồi lâu. Qua năm sau
sinh đỗ cả thi hương lẫn thi hội, làm quan tới chức Hàn lâm, đưa danh thiếp tới
yết kiến Phạm công, Phạm công thẹn thùng hối hận không chịu tiếp, sinh năn nỉ
mãi mới ra gặp Sinh vào lạy chào theo lễ con rể rất cung kính, Phạm công nổi
giận ngờ là sinh chế nhạo. Sinh xin nói chuyện riêng rồi kể hết mọi việc, Phạm
công chưa tin lắm, sai người tới nhà sinh xem mới kinh ngạc vui mừng nhưng ngầm
dặn người nhà giữ kín đừng nói rộng ra vì sợ có tai biến. Hai năm sau, vị quan
Mỗ phạm tội bị phát giác, cha con đều bị sung quân ở Liêu Hải, nàng Mười một
mới về thăm cha mẹ.