Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Quyển VI - Chương 106 - 107 - 108
106. Thần Sấm Sét
(Lôi Tào)
Nhạc Vân Hạc và Hạ Bình Tử lúc nhỏ ở cùng làng, lớn lên học cùng trường,
chơi với nhau rất thân. Hạ thông minh từ nhỏ, mười tuổi đã nổi tiếng, Nhạc dốc
lòng kính ái, Hạ cũng thường khuyên dạy cho không biết mỏi. Nhạc học hành ngày
càng tấn tới nhờ vậy cũng nổi tiếng, nhưng khoa cử lận đận, cứ đi thi là rớt.
Không bao lâu Hạ mắc bệnh dịch chết, nhà nghèo không chôn cất nổi, Nhạc khẳng
khái đứng ra lo liệu, Hạ còn vợ góa con côi thì thường lui tới thăm hỏi, kiếm
được chút ít gì cũng chia cho một nửa. Vợ con Hạ nhờ vậy mới sống được, các bậc
sĩ đại phu vì thế càng khen Nhạc hiền. Nhà Nhạc không có của cải gì nhiều, lại
còn chu cấp cho vợ con Hạ nên gia cảnh ngày càng sa sút, bèn than: “Tài học như
Bình Tử mà còn phải lận đận rồi chết, huống chi là ta? Sự giàu sang ở đời phải
đúng lúc, nếu cứ lo lắng tròn năm thì e sẽ chết trước cả giống vật nơi ngòi
rãnh, phí cả một đời, chẳng bằng lo liệu cho sớm”.
Từ đó Nhạc bỏ học đi buôn, làm ăn nửa năm thì cảnh nhà hơi khá lên. Một
hôm đi buôn tới Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô), vào nghỉ trong quán trọ thấy
một người cao lớn, bắp thịt cuồn cuộn cứ quanh quẩn cạnh chỗ mình ngồi, sắc mặt
ảm đạm, có vẻ lo buồn. Nhạc hỏi: “Muốn ăn cơm không?”, người ấy cũng im lặng.
Nhạc đẩy mâm ra mời, y lấy tay bốc ăn, trong giây lát hết sạch. Nhạc lại gọi
thêm một mâm mấy phần cơm, y lại ăn hết, Nhạc bèn bảo chủ quán cắt thịt heo,
bóc bánh chưng đầy mâm, y lại ăn sạch mấy phần nữa mới no, cảm tạ nói: “Ba năm
nay chưa từng được bữa nào ăn no thế này”. Nhạc hỏi: “Ông là bậc tráng sĩ sao
lại lưu lạc khổ cực tới mức này?”, y đáp: “Ta mắc tội với trời, không thể nói
ra được”. Nhạc hỏi quê quán nhà cửa, y đáp: “Trên bộ không có nhà cửa, dưới
nước không có ghe thuyền, chỉ sáng vào trong làng tối ra ngoài ruộng thôi”.
Nhạc sửa soạn hành lý ra đi, người ấy đi theo, bịn rịn không rời. Nhạc
từ tạ, y nói: “Ông sắp gặp nạn lớn, ta không nỡ quên cái ơn cho một bữa ăn”.
Nhạc lấy làm lạ, bèn cho y đi cùng, trên đường kéo vào quán ăn cơm, y từ chối nói:
“Cả năm ta chỉ ăn vài bữa thôi”, Nhạc càng lấy làm lạ. Hôm sau qua sông, chợt
sóng gió nổi lên, ghe thuyền chở thuê đều đắm cả, Nhạc và người ấy cũng chìm
xuống sông. Lát sau gió lặng sóng yên, y cõng Nhạc đạp sóng ngoi lên, đưa Nhạc
lên một chiếc thuyền khách rồi lại rẽ nước đi. Giây lát kéo về một chiếc
thuyền, đỡ Nhạc qua dặn ngồi đó giữ rồi nhảy xuống nước, trồi lên thì hai tay
xách hàng hóa bị chìm ném vào thuyền rồi lại lặn xuống, mấy lần lên xuống thì
hàng hóa bị chìm được vớt lên đầy cả thuyền.
Nhạc cảm tạ nói: “Ông cứu sống ta là quá đủ rồi, đâu dám mong lấy lại
được hàng hóa”. Kiểm lại của cải thấy không bị mất gì, càng mừng rỡ kính phục y
là thần, định dong thuyền đi thì y từ biệt, Nhạc cố giữ cùng qua sông. Kế cười
nói: “Cái nạn thế này mà chỉ mất có một chiếc trâm vàng”, người ấy muốn lại
xuống nước tìm, Nhạc đang ngăn lại bảo thôi thì y đã nhảy xuống nước mất hút.
Nhạc kinh ngạc hồi lâu, chợt thấy y tươi cười trồi lên đưa cho chiếc trâm, nói:
“May là cũng tìm thấy”, người trên sông ai cũng kinh lạ. Nhạc đưa người ấy về
nhà, ăn cùng mâm nằm cùng chiếu. Cứ mười mấy ngày y mới ăn một bữa, mà ăn thì
ăn rất nhiều.
Một hôm từ giã đi, Nhạc cố giữ lại, vừa lúc trời tối tăm như muốn mưa,
nghe có tiếng sấm. Nhạc nói: “Không biết quang cảnh trong mây ra sao, sấm sét
là vật gì, làm sao lên được trên trời mà xem một lần mới hết thắc mắc”. Người
ấy cười nói: “Ông muốn lên mây chơi à?”. Giây lát chợt Nhạc thấy trong người
mỏi mệt quá, lăn ra giường thiu thiu ngủ, khi tỉnh thấy người đong đưa không
giống như đang nằm trên giường. Mở mắt nhìn thì thấy đang trong mây, chung
quanh trắng toát như bông, hoảng sợ vùng dậy thấy váng vất như đang đi thuyền,
dưới chân thì mềm mại không phải là đất, ngẩng đầu thì thấy tinh tú ngay trước
mắt, nghĩ rằng mình đang nằm mơ. Nhìn kỹ thấy các ngôi sao khảm vào bầu trời
như hạt sen trong gương sen, ngôi lớn bằng cái khạp, ngôi vừa bằng cái vò, ngôi
nhỏ bằng cốc chén, lấy tay lắc thử thấy sao lớn bám chặt không nhúc nhích, sao
nhỏ thì lung lay như có thể hái xuống. Liền hái lấy một ngôi cất vào tay áo rồi
vén mây nhìn xuống thì bể bạc mênh mông, thấy thành quách nhỏ như hạt đậu, kinh
ngạc tự nghĩ nếu lỡ hụt chân một cái thì còn gì là mạng.
Bỗng thấy hai con rồng uốn lượn kéo một chiếc xe căng màn chạy tới, đuôi
ngoắt thành tiếng vun vút như roi trâu. Trong xe có cái bồn chu vi mấy trượng
đựng đầy nước, có mấy mươi người cầm gáo múc nước tưới khắp trên mây. Họ thấy
Nhạc đều lấy làm lạ, Nhạc nhìn kỹ thì thấy trong bọn có người tráng sĩ bạn
mình. Y nói với mọi người: “Đây là bạn ta”, rồi đưa Nhạc một cái gáo bảo múc
nước mà tưới. Lúc đó trời đang đại hạn, Nhạc đón lấy cái gáo, vén mây nhìn về
phía quê chăm chỉ múc tưới. Lát sau người bạn nói với Nhạc: “Ta vốn là thần sấm
sét, vì trước đây làm mưa sai hẹn nên bị phạt đày ba năm, nay đã mãn hạn, từ
đây xin vĩnh biệt”. Rồi lấy sợi dây buộc xe dài cả vạn thước bảo Nhạc bám vào
một đầu để thả xuống đất. Nhạc lo dây đứt, y cười nói không hề gì, Nhạc theo
lời bám vào, thấy lơ lửng trong chớp mắt đã tới mặt đất, nhìn lại thì đang đứng
ngoài làng, sợi dây thì thu dần vào trong mây không thấy đâu nữa.
Lúc ấy hạn hán đã lâu mới có trận mưa, nhưng ngoài mười dặm nước chỉ
ngập ngón tay, chỉ có làng Nhạc thì hồ rạch tràn đầy. Về tới nhà Nhạc mò lại
trong tay áo thì ngôi sao đã hái vẫn còn, đem đặt lên bàn thì đen như hòn đá,
đến đêm thì long lanh sáng rực chiếu rọi khắp nhà. Nhạc càng quý báu gói lại
cất kỹ, mỗi khi có khách quý thì mang ra thay đèn uống rượu ban đêm, nhìn thẳng
vào thấy ánh sáng chói cả mắt. Một đêm, vợ Nhạc ngồi trước ngôi sao chải tóc
chợt thấy ánh sáng thu nhỏ mờ dần chỉ còn như con đom đóm, lại động đậy bay
lên, giật nảy mình định kêu lên thì ngôi sao đã chui tọt vào miệng, vừa khạc
thì đã xuống tới cổ họng. Nàng sợ hãi chạy vào kể cho Nhạc, Nhạc cũng lấy làm
lạ.
Kế nằm ngủ mơ thấy Hạ Bình Tử tới nói: “Ta là sao Thiếu Vi những việc
ông giúp cho ta vẫn nhớ không quên. Lại nhờ ông thương mến đem ta trên trời về,
có thể nói là có duyên với nhau, nay xin làm người nối dõi cho ông để đền ơn
lớn”. Lúc ấy Nhạc đã ba mươi tuổi vẫn chưa có con, mơ thấy thế mừng lắm. Từ đó
vợ có mang, khi lâm bồn có ánh sáng chiếu khắp nhà như lúc đặt ngôi sao trên
bàn, nhân đó đặt tên con là Tinh Nhi. Tinh Nhi khôn ngoan lạ thường, năm mười
sáu tuổi thi đỗ Tiến sĩ.
Dị Sử thị nói: Ông Nhạc nổi tiếng văn chương một thời, chợt thấy việc theo
đuổi công danh đến già không hợp với mình liền vứt ngọn bút như cởi chiếc dép,
có khác gì Ban Siêu ném bút*! Đến như thần sấm sét cảm ơn cho ăn, sao
Thiếu Vi đáp tình bạn cũ, há phải là thần nhân đền đáp ơn riêng đâu mà là tạo
vật báo đáp cho bậc hiền hào đấy.
*Ban Siêu ném bút: nguyên văn là
“Yến hạm đầu bút”. Hậu Hán thư, Ban Siêu truyện chép Ban Siêu thuở trẻ nhà
nghèo phải làm việc chép thuê trong dinh quan để sống, gặp người thầy tướng
nói: “Ông hàm én đầu hổ (yến hạm hổ đầu), bay cao mà ăn thịt, đó là tướng được
phong hầu ngoài vạn dặm”, Siêu ném bút than: “Đại trượng phu phải lập công nơi
đất lạ để được phong hầu, chứ sao có thể theo việc bút nghiên mãi được”. Sau đi
sứ Tây Vực có công được phong tước Định Viễn hầu. Đây tác giả có ý nói ngược
lại.
107. Bùa Đánh Bạc
(Đổ Phù)
Đạo sĩ họ Hàn ở miếu Thiên Tề trong huyện ta giỏi phép thuật, mọi người
đều gọi là tiên. Cha ta chơi thân với ông, cứ có dịp vào thành là ghé thăm. Một
hôm cha ta cùng chú ta vào thành, định tới thăm thì gặp Hàn trên đường, Hàn đưa
chìa khóa nói: “Xin cứ tới mở cửa vào ngồi đợi một lúc, ta sẽ về ngay”. Cha ta
theo lời, tới miếu mở cửa vào thì Hàn đã ngồi ở trong, những việc như vậy rất
nhiều. Trước trong họ hàng có người hay cờ bạc, qua cha ta nên cũng quen Hàn,
gặp lúc có một nhà sư ở chùa Thiên Phật tới, rất sành cờ bạc, đánh bạc rất lớn.
Người ấy gặp thích lắm, mang tiền tới chơi, thua nặng, càng cay cú. Về cầm bán
nhà cửa ruộng vườn tới chơi tiếp, hết đêm thì thua sạch, chán nản bất đắc chí
ra về, tiện đường ghé Hàn, đầu óc thẫn thờ, ngôn ngữ thất thố. Hàn hỏi, người
ấy kể lại mọi chuyện, Hàn cười nói: “Thường đánh bạc thì không ai không thua,
nếu ngươi chừa đánh bạc được thì ta sẽ giúp lấy tiền lại cho”. Người ấy nói:
“Nếu lấy lại được thì xin đem chày sắt đập nát hết xúc xắc”. Hàn bèn lấy giấy
vẽ bùa đưa cho bảo giắt vào thắt lưng, dặn: “Nếu lấy lại được hết tiền thua rồi
phải thôi ngay, không nên được voi đòi tiên”. Lại đưa cho một ngàn đồng tiền,
hẹn khi thắng rồi thì trả lại, người ấy cả mừng ra đi.
Nhà sư thấy chỉ có bấy nhiêu tiền coi thường không thèm chơi, người ấy
cố ép, hẹn chỉ đánh một tiếng bạc thôi. Nhà sư cười ưng thuận, người ấy đặt cả
một ngàn đồng tiền. Nhà sư gieo xúc xắc trước, chưa phân thắng bại, người ấy
gieo liền thắng ngay. Nhà sư lại đánh hai ngàn đồng tiền, lại thua, dần dần
tăng tới mười mấy ngàn đồng. Người ấy gieo lần đầu thì rõ ràng là điểm rất thấp
quát lên một tiếng thì con xúc xắc lật lại thành điểm cao nhất, trong khoảnh
khắc đã lấy lại được tất cả số tiền đã thua, nhưng nghĩ thầm kiếm thêm vài ngàn
nữa cũng hay. Bèn đánh thêm thì thua ngay, lấy làm kỳ quái đứng lên nhìn lại
thắt lưng thì lá bùa đã biến mất, cả sợ bèn thôi không chơi nữa. Bèn chở tiền
về miếu, trả cho Hàn xong tính cả số bị thua trong tiếng bạc chót với số thắng
được thì vừa khớp với số tiền bị thua trước đó. Liền xấu hổ xin lỗi về việc mất
lá bùa, Hàn cười nói: “Nó ở đây rồi, ta đã dặn đừng tham mà ông không chịu nghe
nên đã lấy về”
Dị Sử thị nói: Cái làm thiên hạ khuynh gia bại sản không gì mau bằng cờ bạc,
cái làm thiên hạ tổn đức mất nết không không gì mạnh bằng cờ bạc, sa vào rồi
thì như rơi xuống biển mê không biết đâu là đáy. Phàm kẻ làm ruộng buôn bán đều
có nghề nghiệp, kẻ học trò đọc sách càng tiếc thời giờ. Đọc sách cầm cày vốn là
đường chính để thành gia, chén rượu chung trà cũng là niềm vui trên cõi thế.
Thế mà lại theo bạn xấu rủ rê, suốt canh khuya đàn đúm. Nghiêng rương vét tủ,
treo vàng mơ trên mấy tầng trời, la thắng thét ù, xin thần giúp trong trò ngu
dại. Năm con xúc xắc đổ tựa gieo châu, mấy lá bài chia cầm như xòe quạt. Liếc
bài người lại ngó bài mình, chán cho mắt quỷ, bài thì tốt mà kêu là xấu, giở đủ
trò ma. Trước cửa tân khách chờ, còn lưu luyến bên sòng bạc, ở nhà cơm nước
đợi, vẫn mê mãi với quân bài. Quên ăn bỏ ngủ, lâu ngày thành mê, mặt sạm môi
chì, nhìn xem tựa quỷ. Đến lúc thua sạch tiền lưng, ngồi trơ mắt ếch. Nhìn vào
sòng thì la hét vang rân, anh hùng ngứa ngáy, ngó lại túi thì trống không nhẵn
nhụi, tráng sĩ thẫn thờ. Nghểnh cổ bồi hồi, biết tay trắng không sao chơi được,
cúi đầu than thở, đến hừng đông mới chịu ra về. Ngang nhà người quen đang ngủ,
sợ chó sủa ầm, thấy bụng mình đói cứ sôi, hờn nồi cạn sạch. Kế lại bán vợ đợ
con, cũng muốn cầu may thủ vận, chẳng ngờ nắm lông lò lửa, chung quy đáy nước
mò trăng. Lúc tàn mạt mới ngẫm lại mình, thấy đã ra người hạ tiện, đám cờ bạc
hỏi ai giỏi nhất, đều tôn ấy bậc không quần. Thậm chí xoa bụng đói dài, phải đi
làm cướp, gãi đầu tính lại, đành chịu xin ăn. Than ôi, cờ bạc chính là một con
đường dẫn tới chỗ tổn đức mất nết, tan cửa nát nhà đấy.
108. A Hà
(A Hà)
Cảnh Tinh Giả người huyện Văn Đăng (tỉnh Sơn Đông), lúc trẻ có tiếng tài
giỏi, ở cạnh nhà Trần sinh, phòng sách chỉ cách nhau một bức tường ngắn. Một
hôm vừa chập tối, Trần đi qua một bãi đất vắng nghe trong tiếng con gái khóc
trong đám tùng bách, tới gần thấy trên cành cây mọc ngang có sợi dây vắt qua
như sắp treo cổ tự tử. Trần hỏi han, cô gái gạt lệ nói: “Mẹ đi xa gởi thiếp ở
nhà người anh bên ngoại, không dè quân lang sói tàn ác nuôi nấng không ra sao,
bơ vơ thế này thì chết đi còn hơn”, nói xong lại khóc. Trần cởi sợi dây khuyên
nàng tìm người mà lấy, nàng lo không có ai để nương tựa, Trần mời về nhà mình ở
tạm, cô gái bèn đi theo. Về tới nhà khêu đèn nhìn kỹ thấy phong tư xinh đẹp,
Trần rất thích, muốn làm ẩu, cô gái lớn tiếng chống cự, cãi nhau ồn ào vang qua
bên kia vách. Cảnh sinh leo tường qua xem, Trần mới buông nàng ra. Cô gái thấy
Cảnh cứ nhìn không chớp mắt, hồi lâu bỏ chạy, hai người cùng đuổi theo nhưng
không biết nàng chạy về hướng nào.
Cảnh về nhà đóng cửa định đi ngủ thì cô gái lững thững trong phòng bước
ra, ngạc nhiên hỏi, nàng đáp: “Y đức ít phúc mỏng, không thể nương tựa suốt
đời”. Cảnh mừng lắm gạn hỏi tên họ quê quán, nàng nói: “Tổ tiên thiếp ở đất Tề
(tỉnh Sơn Đông) nên lấy chữ Tề làm họ, tiểu tự là A Hà”. Cảnh buông lời trêu
ghẹo, nàng cười không có vẻ chống cự gì lắm, bèn cùng ăn ở với nhau. Nhà hay có
đông bè bạn lui tới, cô gái thường núp kín trong phòng. Qua mấy hôm nói: “Thiếp
phải tạm đi, nơi này đông người ồn ào mệt quá. Từ nay xin hẹn nhau buổi tối
thôi”. Cảnh hỏi nhà ở đâu nàng đáp: “Cũng không xa lắm”, rồi đi sớm, buổi tối
quả nhiên lại tới.
Mấy hôm sau nàng lại nói: “Hai ta tuy thương yêu nhau nhưng rốt lại vẫn
là tự ý chung chạ. Nay cha đi làm quan ở miền tây, sáng mai phải theo mẹ đi,
định tìm dịp thưa rõ rồi sẽ theo chàng trọn đời”. Cảnh hỏi chia tay bao lâu,
nàng hẹn khoảng một tuần rồi đi. Cảnh nghĩ ở nhà học không tiện, mà dọn vào ở
nhà trong thì lo vợ ghen, tính không gì bằng bỏ vợ, bèn quyết ý. Vợ tới cứ mắng
chửi, vợ nhục nhã không chịu nổi, khóc lóc đòi chết. Cảnh nói với vợ: “Cô chết
sợ ta bị liên lụy, xin cứ về lại nhà cô”, rồi giục đi mau. Vợ khóc lóc nói:
“Thiếp theo chàng mười năm chưa làm điều gì thất đức, sao quyết dứt tình như
thế”. Cảnh không thèm nghe, càng đuổi đi gấp, vợ bèn ra cửa đi. Từ đó sơn phết
tường vách, quét dọn nhà cửa, dài cổ trông ngóng A Hà, không ngờ tin tức vắng
bặt như đá chìm xuống biển.
Vợ Cảnh bị đuổi rồi, mấy lần nhờ bạn thân nói giùm xin cho trở lại nhưng
Cảnh không chịu, bèn lấy chồng họ Hạ Hầu. Làng Hạ Hầu gần nhà Cảnh, vì chuyện
bờ ruộng nên nhiều đời có hiềm khích với nhau, Cảnh nghe tin ấy càng tức giận,
nhưng còn đợi A Hà trở lại để tự an ủi lỗi lầm. Hơn một năm chẳng thấy tăm hơi,
gặp ngày cúng Hải thần, trong ngoài đền trai gái tấp nập, Cảnh cũng tới đó. Xa
xa thấy một cô gái rất giống Hà, Cảnh tới gần thì nàng chen vào đám đông, theo
ra tới ngoài cổng thì nàng đi rất nhanh, Cảnh đuổi theo không kịp tức tối bỏ
về.
Nửa năm sau Cảnh đi trên đường thấy một nữ lang mặc áo đỏ cưỡi ngựa đen
có đầy tớ dắt cương đi tới, nhìn ra thì là A Hà, bèn hỏi kẻ tùy tùng nương tử
là ai, y đáp là vợ kế công tử họ Trịnh ở thôn Nam. Cảnh lại hỏi công tử cưới
bao lâu rồi, y đáp: “Nửa tháng nay thôi”. Cảnh đang nghĩ hay mình lầm, thì nữ
lang nghe tiếng trò chuyện quay lại, Cảnh nhìn thì đúng là Hà. Thấy nàng đã lấy
người khác, trong lòng giận sôi lên, kêu lớn: “Nàng Hà sao lại quên lời hứa
cũ?”. Bọn tùy tùng nghe gọi bà chủ mình xúm lại toan đánh, cô gái vội ngăn lại
vén khăn che mặt nói với Cảnh: “Gã phụ lòng còn dám nhìn mặt nhau à?”. Cảnh
nói: “Tự nàng phụ ta chứ ta phụ nàng lúc nào?”. Nàng đáp: “Phụ phu nhân còn tệ
hơn phụ ta, với người kết tóc trăm năm còn thế huống hồ với kẻ khác? Trước đây
nhờ âm đức ông bà nên ngươi được ghi tên vào bảng thi đỗ, ta mới đem thân theo
ngươi. Nay vì việc bỏ vợ, âm ty đã phạt tước giảm lộc số của ngươi rồi. Khoa
này người đỗ thứ hai là Vương Xương thay vào tên ngươi đấy. Nay ta đã theo
Trịnh quân, ngươi đừng mơ tưởng nữa”.
Cảnh gục đầu cụp tai không dám mở miệng, nhìn thấy cô gái thúc ngựa
phóng như bay, chỉ còn biết não nề mà thôi. Khoa thi ấy Cảnh trượt, người đỗ
thứ hai quả họ Vương tên Xương, Trịnh cũng đỗ. Từ đó Cảnh mang tiếng phụ bạc,
bốn mươi tuổi không có vợ, nhà càng sa sút, thường tới ăn chực ở nhà bạn bè.
Một hôm ngẫu nhiên tới nhà Trịnh, Trịnh khoản đãi giữ lại ngủ đêm. Cô gái lén
ra nhìn khách, thấy Cảnh thương xót hỏi Trịnh: “Người khách ở nhà trên có phải
là Cảnh Khánh Vân không?”. Trịnh hỏi vì sao biết, nàng nói: “Lúc chưa lấy chàng
từng lánh nạn ở nhà y, được y nuôi nấng cũng tử tế. Tính nết y tuy hèn nhưng âm
đức tổ tiên chưa dứt, vả lại còn là cố nhân của chàng, cũng nên giúp đỡ cho
trọn nghĩa bạn bè”. Trịnh cho là phải, đưa áo quần mới cho Cảnh thay, giữ lại
khoản đãi mấy ngày.
Nửa đêm Cảnh sắp đi ngủ có người tỳ nữ cầm hơn hai mươi đồng vàng vào
tặng, cô gái thì đứng ngoài của sổ nói: “Đó là của riêng ta đền đáp nghĩa cũ,
nên về tìm cưới một người vợ tốt. May là phúc đức tổ tiên còn lớn, cũng đủ giúp
cho con cháu. Từ nay nên ráng giữ nết, đừng để tổn thọ”, Cảnh cảm tạ. Trở về bỏ
ra hơn mười đồng vàng mua một tỳ nữ nhà thân hào, vừa xấu vừa dữ, sinh được một
con trai về sau liên tiếp đỗ thi hương rồi thi hội. Trịnh thì làm quan tới chức
Lang trung bộ Lại, khi chết cô gái chôn cất xong trở về, vén rèm kiệu thì không
có ai, bấy giờ mới biết nàng không phải là người. Ôi! kẻ vô lương được mới nới
cũ, rốt lại tổ lật mà chim cũng bay, trời cao báo ứng cũng thảm độc lắm!