Việt sử giai thoại (Tập 6) - Chương 01 - 05

01 - CÁI CHẾT CỦA LÊ Ý

Năm Đinh Hợi (1527), Mạc
Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc. Họ Mạc xưng đế và nuôi chí trị vì
thiên hạ, kể cũng khá lâu dài, nhưng lịch sử nhà Mạc thực sự chỉ kéo dài hơn
sáu chục năm (1527 - 1592). Từ khi chiếm giữ được vũ đài chính trị cho đến khi
bị tiêu diệt hoàn toàn, họ Mạc luôn luôn phải chiến đấu chống các thế lực đối
địch, mà mở đầu là thế lực của họ Lê do Lê Ý cầm đầu. Tiếc thay, Lê Ý có dư chí
khí mà lại thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm, khiến phải chết đau đớn khi sự nghiệp
lớn còn dở dang. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục
biên, quyển 15, tờ 74 a - b và tờ 76 a - b) chép rằng:

"Bấy giờ, người xứ
Thanh Hoa là Lê Ý, vốn dòng dõi bên ngoại của họ Lê (chỉ dòng dõi vua Lê - ND),
vì căm giận họ Mạc cướp ngôi, bèn dấy quân ở Da Châu (tức châu Quan Da, sau đổi
là châu Quan Hóa, thuộc tỉnh Thanh Hóa - ND), xưng niên hiệu là Quang Thiệu,
được rất nhiều người theo về. Trong khoảng chưa đầy một tháng, các huyện đều
hưởng ứng, quân số lên đến vài vạn người. Lê Ý bèn cùng các bộ tướng của mình
như: Lê Như Bích, Lê Bá Tạo, Hà Công Liêu, Lê Tông Xá, Nguyễn Cảo... bày doanh
trại, chia quân thành cơ, thành đội, thành ngũ... rồi đặt súng lệnh, giương cờ
hiệu, kéo ra đóng bên bờ sông Mã. Từ đấy, hào kiệt khắp cõi đều cho là họ Lê sẽ
khôi phục được cơ nghiệp, bèn cùng nhau hồ hởi theo về, chưa đầy vài năm mà
thanh thế (của Lê Ý) đã rất lừng lẫy"… "Mùa hạ, tháng tư (năm Canh
Dần, 1530 - ND), Mạc Đăng Dung đích thân chỉ huy vài vạn quân thủy và bộ vào
sông Mã để đánh Lê Ý. Quân của Mạc Đăng Dung thua luôn mấy trận, đành phải lui
về kinh đô (tức về Thăng Long - ND), chỉ để bọn Thái sư là Lân Quốc Công Mạc
Quốc Trinh ở lại trấn giữ dinh Hoa Lâm (thuộc Thanh Hóa - ND). Sau, Mạc Quốc
Trinh lại lui về giữ vùng Tống Giang (thuộc Ninh Bình - ND).

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ
tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu
sách.]

Mùa thu, tháng 7, Lê Ý tiến
quân vế đóng giữ thành Tây Đô (tức thành Thanh Hóa - ND), lập hành dinh ở vùng
sông Nghĩa Lộ. Bấy giờ, có người đến dâng bộ hoàng bào và hai chiếc lọng vàng,
binh sĩ bèn làm lễ chúc mừng rất trọng thể.

Tháng 8, ngày 23, Mạc Đăng Dung
đã về đến kinh đô, sai Mạc Đăng Doanh (con trưởng của Mạc Đăng Dung, lúc này đã
được Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho - ND) đem quân vào Thanh Hoa, hội quân ở
sông Hoằng Hóa (tức là sông Lạch Trường, Thanh Hóa - ND), rồi cùng tiến đánh Lê
Ý. Mạc Quốc Trinh dẫn 200 chiến thuyền đi tiên phong, hẹn ba ngày sau sẽ đến
sông Đa Lộc (nay thuộc Yên Định, Thanh Hóa - ND). Lúc này, Lê Ý đã dự phòng từ
trước, dàn quân sẵn ở sông Đa Lộc, xong, tự mình đem quân tinh nhuệ bí mật theo
đường tắt mà tiến trong đêm, tới sáng thì đến sông Yên Sơn (tên một đoạn của
sông Mã - ND), nổi ba phát pháo hiệu, đánh chặn phía sau quân của Mạc Quốc
Trinh. Toàn quân nhà Mạc ở đây sợ hãi mà tan vỡ, bỏ thuyền nhảy lên bờ chạy tán
loạn. Lê Ý cưỡi ngựa, đốc suất các tướng xông pha trận mạc, tự tay đâm chết hơn
70 tên. Quân Mạc đại bại, Lê Ý thừa thắng đuổi đánh, chém giết vô kể.

Mãi đến giờ Ngọ (từ 11 giờ
đến 13 giờ - ND), Mạc Đăng Doanh vẫn chưa biết là Mạc Quốc Trinh đã bị thua
trận, bèn tự mình đốc suất các tướng là người trong tôn thất, tiến đến xã Động
Bàng (thuộc Thanh Hóa - ND), tính đuổi theo quân Lê Ý. Lê Ý biết tin, bèn hăng
hái xuống lệnh cho các tướng rằng:

- Nay được gặp bọn giặc lớn ở đây, nếu không
quyết đánh thì không thể mong hưng phục được nhà Lê.

Các tướng nghe lệnh, đều dốc
sức đánh, cả phá quân Mạc, chém được hơn một vạn tên, xác chết chồng chất lên
nhau. Mạc Đăng Doanh đành lui quân cố thủ, trong lúc đó, quân Lê Ý thắng trận
một ngày hai lần, uy danh vang dội, khiến cho quân Mạc phải chạy dài.

… "Bấy giờ (tháng 12
năm 1530 - ND) Lê Ý thu quân, triệt phá doanh trại, về đóng ở Da Châu, vì mới
thắng luôn mấy trận nên sinh lòng kiêu ngạo, không còn lo phòng bị như trước,
lại có ý coi thường đối phương. Bởi lương ăn đã cạn, Lê Ý sai tướng sĩ vào tận
núi xa để vận chuyển, quân ở lại chẳng bao nhiêu, doanh trại gần như bỏ trống,
đội ngũ không chỉnh tề. Nhờ có người báo tin, Mạc Quốc Trinh biết được, bèn
chọn quân tinh tuệ, đem 50 chiến thuyền đi gấp đến đánh Da Châu. Lê Ý xông ra
đánh không được bị quân Mạc bắt sống, toàn quân Lê Ý tan vỡ tháo chạy tán loạn,
kẻ sang Ai Lao, kẻ đến theo An Thanh Hầu Nguyễn Kim, kẻ thì trở về với việc
đồng áng. Mạc Quốc Trinh đem Lê Ý đóng cũi chuyển về kinh. Triều đình nhà Mạc
dùng xe ngựa xé xác Lê Ý ở phía ngoài cửa Nam thành.”

Lời bàn: Giữa lúc chính sự
nhiễu nhương, nhân tâm li tán, nhà Mạc đã chiếm được hầu khắp cả cõi, vậy mà Lê
Ý dám to gan làm chuyện chọc trời khuấy nước, chí cả ấy kể cũng đáng kính lắm
thay! Song, thắng hai trận lớn liền trong một ngày, bảo Lê Ý có chút tài và gặp
may cũng được, mà bảo là quân nhà Mạc trong trận này vừa dở vừa xui xẻo cũng
được. Xem trận Da Châu thì rõ, Lê Ý chủ quan bất cẩn đã đành, mà các sách binh
thư chừng như cũng chưa đọc kĩ, cho nên, bảo không đại bại làm sao được. Lê Ý
bị xe ngựa nhà Mạc xé xác, nhưng bài học về sự cẩn trọng thì mãi còn nguyên vẹn
với thiên thu. Mới hay, có chí cả không thôi chưa đủ, muốn tạo lập sự nghiệp
lớn, còn cần phải có bản lĩnh cao cường nữa.

02 - LỜI KHUYÊN CỦA TRẠNG NGUYÊN
NGUYỄN BỈNH KHIÊM

Ngày 20 tháng 5 năm Ất Tị
(1545), quan Thái tể của Nam triều là Nguyễn Kim bị viên hàng tướng của Bắc
triều là Trung Hậu Hầu Dương Chấp Nhất ngầm bỏ thuốc độc giết chết, Nam triều
phải một phen khủng hoảng. Con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm, sau khi đã giết
con trai trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông rồi khống chế con thứ của Nguyễn
Kim là Nguyễn Hoàng và các quan văn võ khác, đã giành được quyền chi phối mọi
hoạt động của Nam triều. Việc này khiến cho nhiễu người đặc biệt là Nguyễn
Hoàng, hết sức lo lắng.

Để phòng thân, sau nữa là để
tìm cơ hội thống lại Trịnh Kiểm, một mặt, Nguyễn Hoàng giữ sự hòa thuận và thần
phục Trịnh Kiểm, nhưng mặt khác, Nguyễn Hoàng bí mật tìm nơi thích hợp để tạo
dựng cơ ngơi riêng cho mình. Giữa thế cuộc điên đảo của cuộc chiến
tranh Nam - Bắc triều, ý định táo bạo này quả là không dễ gì thực hiện.
Bản thân Nguyễn Hoàng cũng tỏ ra rất thận trọng trong công việc đặc biệt này.
Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 1) chép
rằng:

"Đến khoảng năm Thuận
Bình đời vua Lê Trung Tông (tức khoảng từ năm 1548 đến năm 1556 - ND), do có
quân công, (Nguyễn Hoàng) đã được tiến phong là Đoan Quận công. Bấy giờ, Hữu
tướng của triều Lê là Trịnh Kiểm (xưng là Lượng Quốc công), cầm giữ binh quyền,
tự ý quyết đoán mọi việc. Tả tướng là Lãng Quận công (Nguyễn) Uông, con trưởng
của Triệu Tổ (chỉ Nguyễn Kim - ND) bị Kiểm hãm hại, Kiểm lại thấy chúa (chỉ
Nguyễn Hoàng - ND) công danh ngày càng lớn nên rất ghét. Chúa cũng biết vậy nên
trong lòng cứ áy náy không yên, ngắm bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ, vờ cáo bệnh, cốt
giữ mình kín đáo để họ Trịnh không nghi ngờ gì.

Chúa nghe tiếng Nguyễn Bỉnh
Khiêm (người Trung Am, xứ Hải Dương, Trạng nguyên của triều Mạc, từng làm đến
Thái bảo, đã về trí sĩ) là người giỏi về thuật số, liền bí mật sai người tới
hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn hòn non bộ trước sân mà ngâm rằng:

- Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân.

(Nghĩa là: một dải Hoành
Sơn, dung thân muôn đời. Hoành Sơn, tên nôm là Đèo Ngang, nằm giữa Hà Tĩnh và
Quảng Bình - ND). Người được sai đi đem câu ấy về thuật lại, Chúa hiểu ý (của
Nguyễn Bỉnh Khiêm). Lúc ấy tuy xứ Thuận Hóa đã được dẹp yên, nhà Lê đã đặt Tam
ti (cơ quan cấp trấn, gồm Thừa ti trông coi về hành chính và thuế khóa, Đô ti
trông coi về quân sự và Hiến ti trông coi về tư pháp - ND) và phủ huyện để cai
trị, nhưng lòng dân vẫn còn li tán, Trịnh Kiểm cũng lấy đó làm mối lo. Chúa nhờ
chị là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm - ND) nói với Kiểm cho mình vào trấn thủ đất
Thuận Hoá. Trịnh Kiểm thấy đất ấy hiểm nghèo lại xa xôi, bèn cho ngay. Khi vua
Anh Tông lên ngôi (năm 1556 - ND), Trịnh Kiểm liền dâng biểu nói:

- Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân lính và
của cải đều từ đó mà ra, buổi quốc sơ, ta cũng nhờ đó mà làm nên sự nghiệp lớn.
Nay, lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, cũng có kẻ
dẫn giặc về cướp phá, nếu chẳng có tướng tài đến trấn trị để vỗ yên thì không
xong. Nay, Đoan Quận công ta là con nhà tướng, có mưu trí và tài lược, có thể
sai đi trấn trị ở đấy cốt sao hợp sức với tướng trấn thủ Quảng Nam, như thế mới
mong giữ yên mặt nam.

Vua Lê nghe theo, trao cho
chúa cờ tiết của trấn, phàm mọi việc của trấn đều ủy thác cho Chúa cả, chỉ phải
đóng thuế hàng năm mà thôi.”

Lời bàn: Phàm là đế vương, nếu
không biết sợ nhân tâm li tán, không quy tụ và trọng dụng được người tài, thì
ngai vàng cũng chẳng khác gì đống lửa, ắt sẽ có ngày thiêu cháy kẻ ngồi trên
đó.

Như vua Lê Anh Tông và chúa
Trịnh Kiểm, mối nguy chất chứa kể cũng đã nhiều, tồn tại được chẳng qua là may
mắn trong chỗ đẩy đưa không ngờ của thế sự đó thôi. Nhưng, tồn tại như vậy,
phỏng có vinh quang gì?

Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh
Khiêm lánh mình đi ở ẩn, thiệt là thiệt riêng của triều Mạc, nhưng nếu đời sau
không thấy đó thực sự là thiệt thòi, thì mất mát của họ còn nặng nề hơn cả
triều Mạc bội phần. Ngẫm mà xem!

Chừng nào bậc chân tài còn
trả lời theo lối ẩn dụ vòng vo thì chừng đó còn chưa thể nói rằng nhân tình thế
thái đã hết đen bạc, kẻ cầm quyền bính nên lấy đó làm mối lo hàng đầu.

Được lời như cởi tấm lòng,
Nguyễn Hoàng vào Nam, thênh thang biên thùy một cõi, hổ đã gập gió, rồng đã gặp
mây, cơ nghiệp lớn thực đã bắt đấu từ đây vậy. Mới hay, một lời khuyên có thể
đẩy người vào ngõ cụt và tội lỗi, một lời khuyên cũng có thể đẩy người đến chỗ
mau chóng thỏa chí bình sinh. Chỉ tiếc từ đây, mầm mống của một cuộc tranh hùng
đang gấp gáp xuất hiện!

03 - VÌ SAO HOÀNG ĐỆ LÊ DUY HÀN BỊ
PHẾ LÀM THỨ DÂN

Lê Duy Hàn là em ruột của
vua Lê Anh Tông (1556 - 1573), vì thế, sử thường chép tên ông là Hoàng đệ Lê
Duy Hàn. Bấy giờ, cuộc hỗn chiến Nam - Bắc triều (cũng gọi là cuộc chiến tranh
Lê Mạc) đang trong thời kì quyết liệt, chính sự của cả Nam triều lẫn Bắc triều
đều rối bời, dân tình cả nước rất khốn khổ.

Xét về danh
nghĩa, Nam triều là triều Lê nhưng quyền bính lại do Nguyễn Kim nắm
giữ. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Nam triều bị họ Trịnh chuyên quyền,
ngôi Hoàng đế của họ Lê chỉ là hư vị mà thôi. Sử gọi đó là thời vua Lê - chúa
Trịnh. Tất nhiên, trong tôn thất nhà Lê cũng có những người nuôi chí khôi phục
quyền lực cho dòng họ mình, và trong họ Trịnh, cũng có không ít người thèm khát
ngôi chúa, cho nên, họ kết bè kết cánh và tìm cách thanh trừng lẫn nhau.

Cuộc nồi da nấu thịt lớn
nhất và sớm nhất trong nội bộ họ Trịnh là cuộc hỗn chiến giữa con trưởng của
Trịnh Kiểm là Trịnh Cối với con thứ của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng, diễn ra trong
hai năm: 1569 và 1570, với kết cục là Trịnh Tùng giành được ngôi chúa từ tay
anh ruột của mình. Cuộc xung đột lớn nhất và sớm nhất trong nội bộ họ Lê là
cuộc xung đột giữa vua Lê Anh Tông với em ruột của nhà vua là Lê Duy Hàn. Về sự
kiện này, sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển
16, tờ 25a) chép như sau:

"Mùa hạ, tháng tư (năm
Kỉ Tị, 1569 - ND) Lê Duy Hàn là em ruột của Nhà vua ngầm nuôi chí khác, lẻn vào
cung cấm, lấy trộm ấn báu nên bị bắt, nhưng rồi được tha. Sau đó, (Lê Duy) Hàn
lại phạm thêm tội giết người, (Nhà vua) đành phải giao cho đình thần nghị tội.
Vua nói với Thượng tướng (chỉ Trịnh Kiểm - ND) rằng:

- Ta đang lúc tuổi trẻ, may nhờ được Thượng
phụ (chỉ Trịnh Kiểm - ND) và các quan văn võ tôn làm quân trưởng, lòng những
mong giữ tình thân ái, trong từ anh em ruột thịt đến gia đình, ngoài từ quốc
gia đến khắp thiên hạ, ai ai cũng được hưởng an vui. Nay, Duy Hàn với ta, tuy
sinh cùng một bọc nhưng cha mẹ đều mất sớm, hắn chẳng chịu nghe lời dạy bảo,
thường vụng trộm làm trò nhơ nhuốc, bẩm tính đã gian ngoan ngu muội, lại còn
phạm tội vô cớ giết người, đáng phải bắt giam lại.

Đến ngày 25 tháng 7, bọn
Thiếu phó là Văn Khê Hấu Lương Quốc Hoa vâng theo thánh chỉ của vua, vào xin ý
kiến của Thượng tướng, căn cứ vào phép nước mà xử (Lê Duy Hàn) phải bị thích
vào mặt sáu chữ, bắt phải phế làm thứ dân. Các quan bộ Hình phải chịu trách
nhiệm thi hành.”

Lời bàn: Lê Duy Hàn làm việc
đại bất nghĩa chăng? Thật khó mà khẳng định như vậy. Nam triều đánh nhau với
Bắc triều, anh em nhà chúa đánh nhau, anh em nhà vua đánh nhau, nơi nào cũng
đánh nhau... đại nghĩa không còn đủ can đảm để trú ngụ trong các gia đình quyền
thế đương thời nữa. Họ chỉ khác tên khác tuổi, chớ cái tâm thì có gì đáng gọi
là khác nhau đâu.

Lê Duy Hàn là bậc đáng khen
chăng? Chao ơi, nếu vậy thì lấy gì để phân biệt trắng đen nữa. Trộm ấn báu
trong cung cấm, Lê Duy Hàn chỉ tỏ cái tham vọng làm vua, chẳng hề tỏ chút tài
kinh bang tế thế nào cho thiên hạ nhờ cậy. Cả gan giết người vô tội, Lê Duy Hàn
chỉ tỏ sự ngông cuồng của kẻ bất đắc chí, chẳng hề tỏ chút hào hiệp nào cho
trăm họ noi theo. Chẳng biết triều đình thích những chữ gì vào mặt Lê Duy Hàn,
nhưng gương mặt ấy cũng như gương mặt của triều đình bấy giờ, nhem nhuốc đã
sẵn, thêm vào sáu chữ nữa, nào có đáng kể gì đâu.

Xót thương thay cho dân đen
thời chính sự điên đảo. Kẻ thế phiệt nếu bị coi là phạm tội, may mà thoát chết
thì thế nào cũng bị đuổi về làm thứ dân. Họ tưởng làm thứ dân dễ lắm, có biết
dâu rằng, bất cứ kẻ nào có ý nghĩ tương tự, thì chẳng bao giờ chiếm được một
mảy may tình cảm của dân. Với dân, họ là ai, không nói cũng đủ biết rồi. Thậm
nguy, chí nguy!

04 - CUỘC TRANH HÙNG GIỮA TRỊNH TÙNG
VỚI TRỊNH CỐI

Sách Đại Việt sử kí
toàn thư
(Bản kỉ tục biên, quyển 16, tờ 26 - b đến tờ 29 - a) chép
rằng:

"Ngày 18 tháng 2 (năm
Canh Ngọ, 1570 - ND) Thượng tướng Thái Quốc công là Trịnh Kiểm đau nặng và mất,
triều đình truy tôn làm Minh Khang Thái Vương, đặt cho tên thụy là Trung Huân.
Bấy giờ, có chiếu chỉ cho con trưởng (của Trịnh Kiểm) là Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối
nắm giữ binh quyền để cầm quân đánh giặc. Trịnh Cối đam mê tửu sắc, càng ngày
càng ngông cuồng, kiêu ngạo, không xót thương gì đến quân lính, vì vậy, các
tướng đều có ý xa lánh, lìa bỏ, kẻ theo giúp Trịnh Cối ngày một ít đi, lòng
người đổi thay, ai cũng nghĩ đến chuyện gây biến, mầm tai họa kể như đã thành
hình.

Ngày mồng hai tháng tư (năm
Canh Ngọ, 1570 - ND), bọn Đoan Vũ Hầu là Lê Cập Đệ, Văn Phong Hầu là Trịnh Vĩnh
Thiệu, Vệ Dương Hầu là Trịnh Bách, nhập với bọn Lương Quận công, Phổ Quận công
và Lai Quận công là Phan Công Tích, đang đêm, dẫn gia quyến và binh sĩ dưới
quyền tới nơi ở của Phúc Lương Hầu Trịnh Tùng để bàn định kế sách, ép Trịnh
Tùng phải hành động. Trịnh Tùng bất đắc dĩ phải cùng với bọn (Lê) Cập Đệ,
(Trịnh) Vĩnh Thiệu... thu tập binh tướng, ngay đêm đó chạy ra nơi hành tại ở
Yên Trường. Sáng hôm sau, họ đến dinh Kim Thành, ép Nghĩa Quận công là Đặng
Huấn cùng vào cửa khuyết để bái yết Nhà vua. Bọn Trịnh Tùng than khóc mà nói
rằng:

- Anh thần là (Trịnh) Cối, vì say đắm tửu sắc
nên làm mất lòng người, không sớm thì muộn, thế nào cũng có biến loạn. Đêm nay,
họ mưu đoạt binh lính và ấn quý của thần, bởi thế, bọn thần phải đang lúc nửa
đêm mà chạy vào cửa khuyết. Vậy xin đau đớn báo tin, mong hoàng thượng thương
tình mà thu nạp.

Vua nói:

- Khi Thượng phụ (chỉ Trịnh Kiểm - ND) còn
sống, đâu có nông nỗi này, nay phải làm sao đây?

Phúc Lương Hầu (Trịnh Tùng),
cùng bọn (Lê) Cập Đệ, (Trịnh) Vĩnh Thiệu, (Trịnh) Bách... bí mật tâu Vua, xin
dời hành tại vào cửa Vạn Lại, chia quân đóng giữ các cửa lũy để phòng bị quân
giặc từ bên ngoài.

Hôm sau, Trịnh Cối thân hành
đốc suất bọn Phúc Quận công là Lại Thế Mỹ, An Quận công là Lại Thế Khanh, Lâm
Quận công là Nguyễn Sư Doãn, Thạch Quận công là Vương Trân, Vy Quận công là Lê
Khắc Thận, Dương Quận công là Nguyễn Hữu Liêu, Hùng Trà Hầu là Phạm Văn Khoái,
cùng Hoành Quận công (chưa rõ tên) và hơn một vạn quân, tiến đến phía ngoài cửa
quan (chỉ nơi vua Lê và Trịnh Tùng ở - ND) và đóng dinh trại tại đấy. (Trịnh)
Cối án binh bất động trong vài ngày, các tướng trong cửa ải (của vua Lê và
Trịnh Tùng) cũng không xuất quân. Hai bên sai người đưa thư qua lại, nói xấu
lẫn nhau, lời lẽ rất ngạo mạn.

Ngày mồng bay (tháng tư năm
1570 - ND), Vua sai sứ ra ngoài cửa quan chiêu dụ các tướng, bảo họ nên giảng
hòa. Lại Thế Khanh thấy thế liền nói:

- Không ngờ ngày nay, bọn chúng ta hóa thành
kẻ dưới quyền người khác.

Nói rồi không chịu giảng
hòa, bày chiến trận, tuyên bố là sẽ đem quân đánh vào cửa khuyết. Lại Thế Mỹ
vung giáo chỉ vào cửa quan nói rằng:

- Bao giờ bắt được người ở trong cửa quan thì
mới nói chuyện giảng hòa được.

Vua biết không thể hòa giải,
bèn sai các tướng đem quân chống lại, đánh. nhau suốt ngày đêm không nghỉ.
(Trịnh) Cối thấy đánh mãi không xong, lòng có ý ngần ngại, bên lui quân về Biện
Dinh, họp các tướng lại, nói rằng:

- Trong cửa quan có quân, ngoài cõi có giặc,
ta ở giữa, nếu chẳng may có tai biến khẩn cấp thì khó mà chống đỡ.”

… "Trịnh Cối tự thấy
không thể chống nổi, lực lượng ngày càng bị cô lập, bèn đem bọn Lại Thế Mỹ, Vũ
Sư Thước, Trương Quốc Hoa... và vợ con đến hàng họ Mạc.”

Lời bàn: Dân gian có câu rằng:

Chuột chù
chê khỉ rằng hôi,

Khỉ mới trả
lời:
Cả
họ mày thơm?

Chuyện Trịnh Tùng chê Trịnh
Cối đam mê tửu sắc, cũng chẳng khác gì chuyện chuột chù chê khỉ vậy. Có điều,
chuột chù và khỉ không cùng nòi cùng giống, chớ Trịnh Cối với Trịnh Tùng thì
cùng máu mủ ruột rà, và họ không chỉ chê nhau mà còn so gươm đấu sức lẫn nhau,
nghĩa là còn hơn cả chuột chù và khỉ một bậc cao nữa.

Đã đánh nhau, ắt có kẻ thắng
kẻ bại. Trong chỗ không ngờ, nhà Mạc có thêm được một ít lực lượng do Trịnh Cối
mang về. Vác gươm và xua quân đuổi anh ruột đi để chiếm lấy ngôi chúa. Trịnh
Tùng thắng lớn trong cuộc tranh hùng nhưng lại thảm bại trong luân thường, đạo
lí. Ôi, ngọn cờ chiến thắng của Trịnh Tùng mới tanh tưởi làm sao.

Dân gian có câu: “Trâu bò
húc nhau, ruồi muỗi chết,” Trịnh Cối và Trịnh Tùng chẳng phải là trâu bò, dân
càng không phải là ruồi muỗi, nhưng chuyện dân phải chết oan chết ức bởi cuộc
tranh giành này là chuyện có thật!

05 - CHÚT KẾ MỌN CỦA LÊ CẬP ĐỆ

Lê Cập Đệ là một trong những
võ tướng của Nam triều, thời vua Lê Anh Tông (1556 - 1573) từng được phong tới
tước Quận công, sau, gia phong đến hàm Thái phó, uy danh lừng lẫy lắm. Người
xưa xét tài làm tướng, thường lấy dũng và mưu làm tiêu chuẩn hàng đầu. Cái dũng
của Lê tướng quân không thấy sử chép kĩ, nhưng cái mưu của Lê tướng quân thì
thấy các bộ chính sử đều nhắc đến. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản
kỉ tục biên, quyển 16, tờ 30 - b và 31 - a) chép như sau:

"Bấy giờ (khoảng những
năm 1570, 1571 - ND) họ Mạc cậy có tướng nhiều quân mạnh, quyết chí thôn tính
cả đất châu Ái (chỉ Thanh Hóa - ND) và châu Hoan (chỉ Nghệ An - ND), ngày đêm
đánh gấp ngay phía ngoài lũy Yên Trường. Quan quân (chỉ Nam triều - ND) thế
yếu, chỉ lo đắp lũy cho cao, đào hào cho sâu, giữ vững chỗ hiểm yếu để chờ
thời.

Tháng 6 (năm 1570 - ND), bọn
Đoan Vũ Hầu là Lê Cập Đệ, dùng mẹo để đắp thêm một tầng thành lũy ở phía ngoài,
dài hơn mười dặm. (Cập Đệ) sai quân lấy phên và cả vách nhà của dân, trát đất
rồi cắm chông bên ngoài, nhân lúc đêm tối, đem dựng ở phía ngoài lũy. Lũy giả
này chỉ làm một đêm là xong. Sáng hôm sau, Mạc Kính Điển (tướng nhà Mạc, em của
vua Hiến Tông Mạc Phúc Hải - ND) trông thấy, ngỡ là thật, sợ hãi không dám đến
gần, bàn với các tướng rằng:

- Chẳng ngờ ngày nay quân nhà Lê vẫn có kỉ
luật và pháp lệnh nghiêm minh đến như thế. Chỉ một đêm mà đã đắp xong thành lũy,
hẳn là quân cảm tử của nhà Lê còn nhiều nên mới có thể dốc sức làm nhanh được,
ta thấy không yên lòng chút nào.

Nói rồi (Mạc Kính Điển) liền
tự mình đốc suất tướng sĩ, ngày đêm đánh gấp, hẹn phải lấy cho bằng được (đất
đai thành lũy của nhà Lê) mới thôi. Do vậy, phía tả ngạn từ Da Châu đến Tàm
Châu, phía hữu ngạn từ phía trên hai huyện Lôi Dương và Nông Cống đều là bãi
chiến trường và mất lần hầu hết vào tay đối phương (chỉ quân Mạc - ND). Bấy
giờ, nhân dân khắp xứ Thanh Hoa đều bỏ chạy vì nhà cửa điêu tàn, ruộng đồng
phải bỏ hoang, nhiều người bị chết đói.”

Lời bàn: Đọc đoạn sử này, hậu
thế dễ có cảm tưởng rằng, chừng như sử gia xưa đã hoang phí chữ nghĩa một cách
quá đáng. Cái gọi là mưu của Đoan Vũ Hầu Lê Cập Đệ, chẳng qua chỉ là kế mọn của
người cầm quân, đáng ngạc nhiên chăng thì cũng chỉ là ở chỗ, kế mọn ấy vẫn lừa
được cả bậc tướng quân từng trải trận mạc như Mạc Kính Điển. Thế mới biết chính
sự điên đảo, người thực tài hoặc đã bị giết, hoặc ẩn náu lánh mặt, ra chấp
chính chỉ còn có những kẻ bất tài mà thôi. Dẫu sao, Đoan Vũ Hầu Lê Cập Đệ cũng
tài hơn những kẻ bất tài!

Dỡ cả vách nhà dân để làm
thành giả mà lừa quân Mạc, khiến cho thôn xóm bị điêu tàn, khỏi bàn cũng rõ đức
độ của đội quân nhân danh việc phò vua giúp nước kia, thảm hại đến cỡ nào. Chỗ này
thì hậu thế phải vạn bội cám ơn sử thần xưa, nếu không có những dòng chữ này,
làm sao hậu thế có thể hình dung dược sự khốn khổ của dân tình thời loạn lạc.

Kế mọn của Lê Cập Đệ, Bắc
triều chỉ bị lừa trong chốc lát. Nam triều cũng chẳng nhờ cậy được là
bao, nhưng đại họa mà dân phải hứng chịu thì lớn đến độ không sao lường được.
Kinh sợ thay!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3