Liêu Trai chí dị (Tập 1) - Đọc Liêu Trai chí dị (2)
Vãn Hà dữ A Đoan, Vương
Thập, Gia Bình công tử, Chiết lâu nhân thuộc quyển XI.
Lão Long thuyền hộ, Cổ bình,
Nguyên Thiếu tiên sinh, Tiết Ủy nương, Điền Tử Thành, Lưu Toàn, Hoàn hầu yến
tân, Cẩm Sắt, Phòng Văn Thục, Công Tôn Hạ thuộc quyển XII.
Ngoài
một số truyện có tên khác với trong các bản mười sáu quyển như Giang trung quỷ quái (Giang trung, quyển
XIV), Lý Trung Chi (Diêm La, quyển
XIV), Tửu cuồng Mục sinh (Tửu cuồng,
quyển XIV), Lý Thường Cửu kiến Diêm Vương
(Diêm Vương, quyển XV), Thổ ngẫu sinh tư
(Thổ ngẫu, quyển XV), Thu Dung dữ Tiểu Tạ
(Tiểu Tạ, quyển IX), Nhiếp Chính hách
quyền quý (Nhiếp Chính, quyển VIII), Mai
nữ hòa Phong Vân Đình (Mai nữ, quyển VII), Tử tăng bão Phật đầu (Tử tăng, quyển XIV), Chu Thương bình oan ngục (Oan ngục, quyển IX), Ấp nhân tao lăng trì (Ấp nhân, quyển XVI), Bố thương bị cứu (Bố thương, quyển XI), Vãn Hà dữ A Đoan (Vãn Hà, quyển IV), Hoàn hầu yến tân (Hoàn hầu, quyển XII), thì theo nội dung được tóm
tắt, có một số truyện không thấy có trong các bản 16 quyển như Ngô Huyện nhị Thành hoàng, Dụ quỷ, Thổ địa phu nhân (ngoài ra, bản dịch Liêu Trai chí dị ra chữ quốc ngữ La tinh vào loại sớm nhất ở miền
Bắc là Tân Liêu Trai của Vũ Hi Tô[1] dịch 8 truyện Hương Ngọc, Thư si, Lỗ Công nữ, Phòng Dỹ, Phượng Tiên, Lục y nữ, Chúc Thanh, Chức Thành
thì truyện Phòng Dỹ cũng không thấy
có trong các bản Liêu Trai chí dị 16
quyển). Tuy nhiên, đó chính là các truyện Ngô
lệnh, Dụ quỷ, Nữ quỷ trong Liêu Trai chí
dị thập di[2]. Nhưng
đáng nói là chính Trung Quốc Quỷ văn hóa đại từ điển cũng vừa ghi nhận các
truyện Ngô Huyện nhị Thành hoàng, Dụ quỷ, Thổ địa phu nhân trong Liêu
Trai chí dị vừa ghi nhận các truyện Ngô
lệnh, Dụ quỷ, Nữ quỷ trong Liêu Trai chí
dị thập di: rõ ràng các bản Liêu Trai
chí dị 12 quyển đã gộp cả Liêu Trai
chí dị thập di. Tóm lại Liêu Trai chí
dị 12 quyển là sự hợp nhất Liêu Trai
chí dị và Liêu Trai chí dị thập di
của Bồ Tùng Linh. Có lẽ sau khi biên soạn Liêu
Trai chí dị thập di, Bồ Tùng Linh đã tiến hành hợp nhất cả hai làm một với
kết cấu 12 quyển có sửa chữa, bổ sung. Công việc này hoặc chưa hoàn tất, hoặc
một nửa bản thảo của bản “Tập đại thành” nói trên đã bị mất. Cần nói thêm rằng
bản Hội hiệu hội chú hội bình cũng có những chỗ chưa hợp lý: nhan đề truyện Mai nữ đã được đổi thành Mai nữ hòa Phong Vân Đình (cô gái họ Mai
và Phong Vân Đình), từ “hòa” (và) này không phải của văn pháp văn ngôn thời Bồ
Tùng Linh mà là của văn chương bạch thoại... Rõ ràng vấn đề văn bản Liêu Trai chí dị chưa phải đã chấm dứt ở
bản Hội hiệu hội chú hội bình, nên tình hình nói trên cũng cho phép người ta
yên tâm khi đọc các văn bản truyền thống gồm Liêu Trai chí dị và Liêu Trai
chí dị thập di.
[1] Tân Liêu
Trai, Transcrit en quốc ngữ par Vũ Hi Tô,
ler édition, Đỗ Văn thư quán (ấn). Sửa lại và giữ quyền lợi: Phù Văn Librairie,
Hà Nội, 1921-1922. Tất cả hai quyển, quyển I có các truyện Tích nàng Hương
Ngọc (Hương Ngọc), Thư si, Lỗ Công nữ, Phòng Dỹ (?), quyển II có
các truyện Phương Tiên, Lục y nữ, Chúc Thanh, Chúc Thành.
[2] Ở đây chúng tôi
theo văn bản trong Liêu Trai chí dị thập di, Minh Đức Đồ thư Công ty xuất bản, Hương Cảng, 1961.
Về
Liêu Trai chí dị thập di, Trung Quốc
Quỷ văn hóa đại từ điển định nghĩa như sau: “Liêu Trai chí dị thập di. Thư danh, Thanh Bồ Tùng Linh soạn, bút ký
tiểu thuyết tập, nhất quyển. Cai thư vi Liêu Trai chí dị thập di bộ phận, hữu
Dân quốc so niên Thượng Hải Tiến bộ đồ thư cục thạch ấn bản, Bút ký tiểu thuyết
đại quan bản. Nội dung đồng tiền thư, thư trung thu hữu Dụ quỷ, Nữ quỷ, Quỷ lại đảng đa điều quỷ thoại”. (Liêu Trai chí dị thập di. Tên sách, Bồ
Tùng Linh thời Thanh soạn, là một tập bút ký tiểu thuyết, một quyển. Sách này
là phần bổ sung của Liêu Trai chí dị,
có bản thạch ấn của Thượng Hải Tiến bộ đồ thư cục và bản Bút ký tiểu thuyết đại
quan đầu thời Dân quốc. Nội dung cũng như sách trước, thu thập nhiều chuyện ma
như Dụ quỷ, Nữ quỷ, Quỷ lại.) Theo
bản Liêu Trai chí dị thập di, Minh
Đức Đồ thư Công ty tái bản, Hương Cảng, 1961 mà chúng tôi sử dụng, quyển Thập di này có tất cả 68 truyện (xem Mục
lục).
Về
con số 431 truyện thì có điểm hơi lạ, vì bản Tường chú Liêu Trai chí dị đồ vịnh, Quảng Trí thư cục, Hương Cảng,
1961 (ảnh ấn lại bản in thạch bản Tường
chú Liêu Trai chí dị đồ vịnh năm Quang Tự thứ 12 - 1886, gọi tắt là bản
Hương Cảng) và bản Túc bản Liêu Trai chí
dị, Đại Trung Quốc Đồ thư Công ty, Đài Bắc, 1963 (gọi tắt là bản Đài Bắc)
đều có 432 truyện (Từ điển tác gia văn học và sân khấu nước ngoài, Hữu Ngọc chủ
biên, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1980 cũng ghi nhận con số này). Trong hoàn cảnh tư
liệu hiện nay chúng tôi chưa tìm hiểu được vấn đề nói trên, nên căn cứ vào thực
tế văn bản của hai bản Hương Cảng và Đài Bắc có trong tay, tạm thời chấp nhận
con số 432 truyện. Như vậy, kể cả 68 truyện trong quyển Thập di, Liêu Trai chí dị
có đúng 500 truyện, không kể một số truyện trong các tài liệu khác được chép
phụ vào. Tìm hiểu văn bản Liêu Trai chí
dị ngoài tác dụng góp phần làm sáng tỏ quá trình hình thành của tác phẩm
còn ít nhiều có tác dụng trực tiếp trong việc tìm hiểu nội dung và ý nghĩa các
truyện trong tác phẩm. Nhìn từ kết cấu hình thức, các truyện trong Liêu Trai chí dị gồm hai loại: một loại
có lời bình của tác giả, phần nhiều có ghi “Dị Sử thị nói” (193 truyện, trong
đó phần Thập di có 7 truyện, nếu kể
cả những truyện có lời bình nhưng không ghi “Dị Sử thị nói” như Phục hỏa trong quyển II, Thủy tai trong quyển III, A Hà trong quyển VI, Thâu đào, Khâu kỹ trong quyển XIII thì có trên 200) và một loại chỉ có phần “chí
dị”. Quan sát các bản 16 quyển, có thể thấy các truyện có lời bình “Dị Sử thị
nói” tập trung trong khoảng mười hai quyển đầu (121/233 truyện), các truyện này
nhìn chung khá dài, có bố cục chặt chẽ, cốt truyện rõ ràng, còn các truyện
không có lời bình chủ yếu tập trung ở bốn quyển cuối (134/199 truyện) và quyển Thập di (61/68 truyện), nội dung khá đơn
giản, thậm chí có khi chỉ gồm vài mươi chữ. Rõ ràng Liêu Trai chí dị còn đang trong giai đoạn bổ sung, sửa chữa, nhất
là những truyện chỉ có phần “chí dị”. Nói một cách hình tượng thì Liêu Trai chí dị giống một bộ tranh liên
hoàn đang vẽ dở dang, có bức đã tỉa tót tô điểm tới từng chi tiết, nhưng có bức
chỉ mới có vài nét phác họa đầu tiên. Tình hình văn bản chưa hoàn chỉnh như vậy
một mặt dễ đưa tới những ngộ nhận về nội dung cụ thể của từng truyện, mặt khác
cũng ít nhiều hạn chế việc tìm hiểu ý nghĩa đích thực của toàn bộ tác phẩm.
Về
nội dung, các truyện có lời bình trong Liêu
Trai chí dị nói chung mang màu sắc đạo đức, lên án bọn tham quan ô lại, phê
phán những thói hư tật xấu, đề cao lương tri và lòng nhân nghĩa, ca ngợi tình
yêu và sự thủy chung. Là một nhà nho tài hoa sinh bất phùng thời, tác giả Liêu Trai chí dị có điều kiện để sống
cuộc sống và học cách nghĩ của nhân dân, nên các giá trị tinh thần mà ông đề
cao không chỉ nằm trong khuôn khổ chuẩn mực đạo đức của các môn sinh sân Trình
cửa Khổng. Ông hâm mộ viên Phán quan họ Lục hào sảng (Lục phán), ông ca ngợi nàng Anh Ninh như vô tâm mà lại hữu tâm (Anh Ninh), ông tán thưởng thái độ nhân
sinh khoáng đạt của ông già họ Chúc coi chết như về (Chúc ông), ông khoái trá
về việc bọn tham quan bị quỷ thần trừng trị (Vương giả)... Cũng dễ nhận thấy các nhân vật thần tiên hồ quỷ trong
Liêu Trai chí dị đều ít nhiều mang
dáng vẻ thị dân, cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhân vật hồ nữ trong Liêu Trai chí dị đều khá phóng túng
trong tình dục và hôn nhân, điều này có liên quan tới bối cảnh văn hóa Trung
Quốc thời Minh Thanh, khi sự phát triển của tiểu thủ công nghiệp và thương
nghiệp đã dẫn tới sự hình thành các đô thị lớn với đội ngũ thị dân có lối sống
phát triển theo xu thế phủ nhận các quy phạm lễ giáo phong kiến. Có thể nói
trong Liêu Trai chí dị, Bồ Tùng Linh
đã đứng trên lập trường đạo đức của nhân dân lao động mà chủ yếu là thị dân để
khẳng định các giá trị tinh thần tốt đẹp và lên án những thế lực chống lại con
người. Dĩ nhiên lập trường và tiêu chuẩn ấy có những mâu thuẫn nội tại cũng như
những hạn chế lịch sử, như nhận định của Từ hải 1989, “trong sách cũng còn tồn
tại một ít quan niệm nhân quả báo ứng và màu sắc mê tín”, hay của Trung Quốc
tiểu thuyết đại từ điển 1991, “trong sách cũng còn tồn tại quan niệm luân lý phong
kiến và màu sắc phong kiến”. Tuy nhiên, đúng như K. Marx từng nhận định “Con
người làm ra lịch sử của chính mình, nhưng không phải làm theo ý muốn tùy tiện
của mình, trong những điều kiện tự mình chọn lấy, mà là trong những điểu kiện
trục tiếp có trước mắt, đã có sẵn và do quá khứ để lại[3]”,
những yếu tố ấy lại mang ý nghĩa tích cực nếu đặt vào bối cảnh xã hội Trung
Quốc đương thời. Dưới chế độ phong kiến chuyên chế thời trước thì khát vọng
công lý của người dân thấp cổ bé miệng chủ yếu chỉ còn là giấc mộng, nên họ
đành tìm tới sự công bằng ở thế giới bên kia. Quan niệm nhân quả báo ứng có
nguồn gốc từ Phật giáo vì vậy cũng mau chóng được nhân dân lao động và những
người đại diện của họ tiếp nhận như một vũ khí tinh thần để khẳng định hệ giá
trị của mình và đấu tranh với những bất công xã hội. Việc chọn lựa phương tiện
không tương xứng với mục đích như thế là một điều bất đắc dĩ, nhưng rõ ràng
trong giới hạn những điều kiện xã hội - nghệ thuật có thật của thời đại và xã
hội mình ấy, Bồ Tùng Linh đã nỗ lực để nêu ra một thực trạng tinh thần mà cũng
là một thông điệp nhân sinh.
Nhận
định về truyện ngắn viết cho trẻ em của nhà văn Đan Mạch Hans Christian
Andersen (1805-1875), có người đã nói đại ý là trong mỗi truyện ngắn của
Andersen có hai câu chuyện, một dành cho trẻ em và một dành cho người lớn. Cũng
có thể đưa ra một nhận định tương tự về Liêu
Trai chí dị của Bồ Tùng Linh, vì quả thật nhiều truyện trong tác phẩm - đặc
biệt là những truyện có lời bình cũng hàm chứa hai câu chuyện, một là chuyện
thần tiên hồ quỷ, một là chuyện người. Những truyện như Tiền lưu, Long hý thù, Điểu ngữ trong quyển X, Hồng mao chiên, Đạo hộ trong quyển XII, Tư
huấn, Mạ áp trong quyển XIII...
là những ví dụ khá tiêu biểu. Ý đồ bành trướng thế lực - chiếm đoạt thuộc địa
của tư bản phương Tây đối với Trung Quốc lúc bấy giờ còn chưa rõ ràng, song
hình ảnh tấm nệm Hồng Mao có thể mau lẹ “nở rộng ra hơn một mẫu” trong Hồng mao chiên đã thể hiện nhận thức và
dự cảm về tai họa tới từ phương Tây tư bản của một bộ phận trí thức và nhân dân
Trung Quốc thời Bồ Tùng Linh. Ý nghĩa hiện thực của Liêu Trai chí dị do đó nhiều khi trở nên sắc nét và có tác động
mạnh mẽ lạ thường, vì yếu tố thần kỳ đã nâng cánh cho trí tưởng tượng không chỉ
của tác giả mà còn cả của người đọc khi tiếp xúc với tác phẩm. Về phía Bồ Tùng
Linh, danh hiệu “Dị Sử thị” cuối lời bình gần 200 truyện trong Liêu Trai chí dị còn ít nhiều cho thấy
ông mong mượn bộ sách này trở thành một bộ “sử lạ” một bộ sách phản ảnh hiện
thực thông qua thi pháp “thuật kỳ ký dị” (thuật chuyện hay, chép chuyện lạ) của
dòng truyện truyền kỳ. Có thể nghĩ rằng những truyện chỉ có phần “chí dị” cũng
được Bồ Tùng Linh thu thập để biên soạn theo đường hướng nói trên, điều này
khiến yếu tố thần kỳ ở đây mang một nội dung chức năng phức hợp.
[3] K. Marx và F. Engels,
Tuyển tập, sđd., tập II, trang 386.
Tìm
hiểu nghệ thuật Liêu Trai chí dị, dễ
nhận thấy sự hiện diện của yếu tố thần kỳ. Là đặc trưng cơ bản trong thi pháp
của truyện truyền kỳ thời Đường, yếu tố thần kỳ đến Thái bình quảng ký thời
Tống đã được xác định như nội dung nghệ thuật chủ yếu của tiểu thuyết chí quái
chí dị, rồi đến thời Minh Thanh đã phát triển thành một phương pháp sáng tác
với các tác giả như Bồ Tùng Linh, Viên Mai. Sự vận dụng thi pháp “thuật kỳ ký
dị” vào việc phản ảnh hiện thực xã hội trên đường hướng đề cao các giá trị tinh
thần nhân dân - thị dân đã khiến dòng tiểu thuyết chí quái chí dị thời Minh
Thanh dần dần mang nội dung hiện thực chủ nghĩa. Có thể nói đây là một loại “chủ
nghĩa hiện thực huyền ảo” kiểu phương Đông thời cổ, ở đó thế giới thần tiên hồ
quỷ trong trí tưởng tượng của con người đã trở thành một phương tiện đặc biệt
để phản ảnh hiện thực xã hội và biểu đạt nguyện vọng nhân sinh. Nhưng khác với
chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thế kỷ XX, phương pháp sáng tác này ở Bồ Tùng Linh
lại có mối liên hệ máu thịt với văn hóa truyền thống, vì Liêu Trai chí dị sử dụng cốt truyện của nhiều truyện cổ lưu hành
đương thời và các sáng tác của người trước”, trong đó chắc chắn có không ít là
truyện kể dân gian. Không lạ gì mà Liêu
Trai chí dị có thể làm say mê cả những người ít học. Bởi vì trong mọi xã
hội và thời đại, các yếu tố văn hóa truyền thống luôn sống cuộc sống của chúng
không chỉ trong những văn hiến thư tịch hay các công trình khảo cứu của giới
trí thức, mà chủ yếu và quan trọng nhất là trong cuộc sống thường nhật với
những mối bận tâm chung nhất của đông đảo nhân dân. Đây cũng là một trong những
lý do khiến tác phẩm này của Bồ Tùng Linh bắt đầu được phổ biến rộng rãi ở Việt
Nam từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chắt lọc và kết tinh nhiều yếu tố tinh
túy của văn hóa nhân dân, Liêu Trai chí
dị mang trong nội dung tư tưởng và nội dung nghệ thuật của nó những sức
mạnh to lớn của truyền thống, điều này tạo ra một sự đồng cảm giữa tác phẩm với
người đọc Việt Nam lúc bấy giờ đang phải giã từ quá khứ để bước vào xã hội hiện
đại trong một tư thế bị động, với một tâm thế bị động dường như vẫn không ngừng
được duy trì cho đến tận hôm nay...