Bốn Mươi Năm Nói Láo - Phần IV - Chương 5 - Phần 1
SAU KHI ÔNG NGÔ
ĐÌNH DIỆM THOÁT CHẾT LẦN THỨ NHẤT
Sài Gòn, sau ngày đảo chánh hụt 1-11-60, lần lần trở lại bộ
mặt bình thường. Những báo đăng những tin bất lợi cho ông Ngô Đình Diệm trong
cuộc đảo chánh lo sốt vó. Lúc
ấy, những người có công với các ông Diệm và Nhu giả thử muốn phá nhà báo nào,
cho ký giả nào đi mò tôm cũng
cứ được đi, nhưng họ đã khôn khéo không nghĩ tới việc đối phó mà chỉ lo củng cố
địa vị cho ông Diệm. Nhất cử, nhất động lúc ấy rất là thận trọng. Ngoài mấy tờ
báo đóng cửa, chính phủ không cho ra thêm một tờ báo nào hết, trừ ba người có
thể chắc chắn là không phản bội, hơn thế lại có công lao không ít thì nhiều với
họ Ngô hay bác sĩ Trần Kim Tuyến: ông Huỳnh Thành Vị được phép xuất bản tờ
“Đồng Nai”, Ngô Quân, tờ “Saigon Mai” và Trung tá Châu tờ “Tiếng Dân”. Tôi không
làm hẳn cho tờ báo nào, nhưng cùng lúc tôi được ủy nhiệm trông nom cả cho ba tờ
ấy. Hàng ngày, mỗi buổi sáng, tôi đảo qua cả ba tờ. Thư ký tòa soạn của “Đồng
Nai” là Từ Thành; “Saigon Mai” do Ngô Quân đảm trách về bài vở; còn báo “Tiếng
Dân” thì bài vở do Mặc Thu thâu thập lúc đầu. Trong ba tờ này, “Đồng Nai” ra
trước hết. Vì lẽ lúc ấy báo ra hạn chế, mà cũng vì người dân muốn biết biến
chuyển tình hình trong nước qua một tờ báo mới “cắt chỉ”, nên ngay từ số đầu,
báo “Đồng Nai” đã được các giới tranh nhau tìm đọc. Các bài xã thuyết hướng
mạnh về nông thôn. Tin tức không có gì mới, nhưng trang trong hấp dẫn vì nhiều
bài có ích mà lại đánh đúng tâm lý bạn đọc thanh niên, nhưng đáng ghi là tờ
“Đồng Nai”, lần đầu tiên, đã đăng một võ hiệp kì tình tiểu thuyết dịch của Tàu.
Từ trước, các báo ở đây chỉ đăng Tây Du, Phong Thần, Tam Quốc; đến lúc có phong
trào di cư thì báo đều đăng tiểu thuyết trước tác hay phỏng theo Tây vì coi
tiểu thuyết Tầu là lạc hậu.
Tôi nhớ trong một cuộc tiếp xúc, một ông bạn đặc trách về báo
chí trong văn phòng ông Ngô Đình Nhu, thấy tôi đưa ra tiểu thuyết kiếm hiệp
Tầu, có ý không tán thành và muốn bỏ đi, nhưng tôi không chịu, viện lẽ báo mới
ra cần phải có độc giả, một khi đã vững rồi, sẽ tính sau. Đúng như lòng mong
đợi, tiểu thuyết kiếm hiệp ấy được người ta tìm đọc nhiều. Tiền Phong, vốn là
một nhà viết kịch và đóng kịch ở Bắc, bắt đầu nổi tiếng từ đó và cũng từ đó anh
thành ra một tên tuổi trong làng dịch tiểu thuyết Tàu, nhứt là từ “Cô Gái Đồ
Long” cũng đăng trên báo “Đồng Nai”, làm cho báo ấy in không kịp bán. Hai chữ
“Kim Dung” thành ra thần tượng ở nước ta bắt đầu từ đó. Nhiều báo khác thấy
thế, đua nhau dịch tiểu thuyết chưởng, khi có truyện Kim Dung thì tranh nhau
mua về dịch. Kết cục, dịch tiểu thuyết Kim Dung thành ra một cái... dịch, báo
nào đăng nhiều truyện Kim Dung thì chạy, báo nào không có thì ế, vì độc giả mê
Kim Dung quá, ngồi đâu người ta cũng bàn tán với nhau về Kim Dung và nghiêm
chỉnh đặt vấn đề quan trọng gấp bội vấn đề Mỹ rút quân, hòa đàm Balê phen này
có khai thông được không hay là cứ bế tắc hoặc chánh sách hòa bình của Nixon
khác của Johnson những điểm nào. Tôi đã từng thấy có những độc giả làm những cử
chỉ mới đầu tưởng như có thể làm vinh dự cho báo này hay báo nọ: họ đến sạp báo
hỏi mua một tờ và giựt lấy đọc lia lịa một hồi rồi trả tiền và biếu luôn tờ báo
cho người bán báo và đi. Té ra họ mua báo chỉ đọc thật nhanh cho thật “đã”
truyện chưởng của Kim Dung rồi thôi, không cần đọc gì khác nữa. Người làm báo
thật yêu nghề, thấy thế, không khỏi cảm thấy trơ trẽn vì bao nhiêu tâm huyết
của mình đem ra làm báo đều vô ích: Làm cho báo chạy có phải là chủ bút, chủ
nhiệm, thư ký tòa soạn, bỉnh bút hay phóng viên đâu, nhưng là một người xa tít
tận đâu đâu viết cho người Trung Hoa coi rồi mình đem ra nhai lại mà thấy vẫn
ngon như thường! Này, thế tôi đố anh có dám cá với tôi không nào; cái thằng
Lệnh Hồ Sung nó mê con Nhạc Linh Sơn, thế rồi con Nhạc Linh Sơn gặp thằng Lâm
Bình Chí, đẹp trai hơn, lại mê thằng Lâm Bình Chí. Anh dám cá không: tôi bảo
thằng Lệnh Hồ Sung rồi lại quay lại với con đó đấy, chờ đến kết thúc rồi nó
cũng chẳng lấy con Doanh Doanh hay con ni cô Nghi Lâm như nhiều người tưởng lầm
đâu. Ấy đấy, anh cá với tôi đi nào! Người độc giả Việt Nam Cộng Hòa đọc báo và
suốt ngày đánh đố nhau như thế. Nửa thế kỷ sống với chiến tranh đau khổ, người
nào mà không chán nản và muốn tự thoát ly ra bên ngoài, vì thế người ta không
lấy làm lạ, sau chiến tranh thứ nhất, các báo có nhiều tiểu thuyết chạy hơn các
báo bình luận thời sự, và ít lâu trở lại đây, người ta ưa đọc truyện chưởng,
truyện thần tiên kiếm hiệp hay truyện tình du dương hơn là coi lời tuyên bố của
ông tướng này, phóng sự về trận chiến kia hay thông cáo chung về cuộc hội đàm
tay năm, tay sáu nọ. Cũng trong một tinh thần đó, mục “Tử vi của bạn” có một
dạo được coi như là một mục “tủ” của tờ báo: đàn ông cầm tờ báo giở liền ra xem
mình tuổi Quý Mão ra sao, và vợ mình tuổi Tỵ hôm nay xui hay là hên, có làm
xong cái áp phe ấy hay
không, còn đàn bà tuổi Thìn, hôm nay tốt hay xấu và có hi vọng có tiền hay
không. Tôi quen nhiều ông thầy tướng, thầy số phụ trách về mục tử vi như thế:
có ông “bao” sáu bảy tờ, ký hai ba tên hiệu khác nhau, cứ đầu tháng lại cho
người đưa đến cho mỗi báo một cuốn số, xào đi xào lại cho khác nhau một chút,
nhưng tựu trung thì nói “bố láo” hết vì tôi biết chắc có anh ham ăn ham chơi
quá đã bảo thư ký lấy tử vi năm 1957 chép lại cho các báo xuất bản năm 1961
đăng tải và, hơn thế, chính tôi đã biết những ông nhà báo đăng lầm tử vi tháng
5 vào tháng 8 và tháng 1 vào tháng 11, lầm nam ra nữ, nữ ra nam, mà độc giả vẫn
say sưa và chịu là mục tử vi của báo này, báo nọ “đoán trúng phong phóc, không
chịu được”.
Tội nghiệp cho độc giả, mất tiền mà bị lừa. Nhưng đó là ý
nghĩ của một số người cầm bút. Đa số cho rằng họ thích gì thì cho họ đọc; cái
hại chưa thấy đâu, nhưng cứ thấy ngay rằng báo mình chạy, mình có tiền trả nhà
in để cho nó khỏi mè nheo; ngoài ra, anh em lại có xu tiêu không “rách” là được
quá rồi, chớ còn mong gì hơn nữa. Vì nuôi trạng thái tâm lý đó, một số nhà báo
ở đây khai thác những vụ giết người vì tình, làm phóng sự, ký sự về ông đạo
nhỏ, đạo nước lạnh, đạo ớt, đạo xôi, đạo chuối hàng tháng mà vẫn đề “còn nữa”
hay tiểu thuyết hóa cuộc đời của những trai trốn chúa, gái lộn chồng, còn hơn
cả những anh hùng dân tộc. Mối tình Lãng, Hổ còn nhiều bí ẩn, phải làm thế nào
cho bật được ra cái nhân vật thứ ba nổi tiếng là đạo đức một thời mới thực ăn
khách đấy, bồ à. Chết cha tôi
chửa, phương thức Manila viết làm gì đến hai cột thế này, sao không hỏi thêm
chi tiết về vụ Trang Kim Yến suýt giết chết Thanh Lan vì một bức thư, hay vụ
Hùng Cường Bạch Tuyết và đặt câu hỏi: “Bạch Tuyết mê Hùng Cường hay Hùng Cường
mê Bạch Tuyết?” làm cái 3 cột ở cuối trang nhất, vét một ít khán giả kịch
trường có hơn không? Nhưng tôi xin căn dặn hết thảy anh em lần nữa: cái việc
ông gì mời hai ông gì lại văn phòng đưa tiễn mười bốn triệu vì hai ông ấy có
tiếng nói quyết định ở đại hội thì lờ ngay
đi nhé, cứ để mặc ba tôi lo
liệu, được tí tiền lẻ nào, tôi không quên các anh em đâu, đừng sợ!
Huỳnh Thành Vị, chủ nhiệm báo “Đồng Nai” là một người có
học, nên đã tránh được nhiều cái hèn kém đó; nhưng vì quá say mê cho báo chạy
nên có vài ba trường hợp thấy người khác làm cũng muốn làm; tuy nhiên, vì có
anh em cản trở nên lại thôi kịp thời. Dù sao, cũng phải nhận rằng anh là một
người chung thủy với lập trường, nhưng vì trực tính như điên nên một số anh em
không thể nào gần được, dù vẫn biết là bản tâm anh rất tốt. Đó là trường hợp
của tôi, sau hơn một năm cộng tác với tờ “Đồng Nai”.
Lúc ấy, Vị là chủ nhiệm, tôi là thư ký tòa soạn, Tô Văn còn
viết bài ở ngoài đưa tới hàng ngày. Trong các anh em thường trực, có một anh
không nhớ là lầm lẫn cái gì xét ra không quan hệ lắm, nhưng không hiểu Vị ngán
anh ta hay là vì cáu bẳn vì chuyện nhà chuyện cửa, đứng giữa nhà chữ, “mạ” anh
ký giả kia tàn tệ, đến nỗi anh em xếp chữ phải bảo tôi: Nếu tôi là anh X, tôi
đi ngay chớ không làm thêm một phút". Mà chính anh X cũng biết như thế, vì
sau đó nửa tiếng đồng hồ, anh dắt tôi đi uống nước, rơm rớm nước mắt bảo tôi: “Moa nhục quá, moa bần tiện chịu đựng chỉ là vì moa nghiện, chớ nếu moa không
nghiện thì đâu có thể như thế được”. Tôi không nói, nhưng ngay buổi trưa hôm
đó, tôi cùng Vị về nhà riêng, báo cho Vị biết tôi chỉ giúp tờ “Đồng Nai” hết
tháng thì thôi, không thể làm hơn được nữa. Ký giả X có thể vẫn cứ ở lại với
anh, nhưng tôi, với địa vị là thư ký tòa soạn, đứng mũi chịu sào mà để cho anh em bị “mất mặt” như thế
trước mặt anh em xếp chữ, tôi cảm thấy đau khổ trong lòng hết sức.
Huỳnh Thành Vị đối xử với riêng tôi lúc nào cũng thành
thực, tận tình, quý hóa. Nghỉ tờ “Đồng Nai”, không có nghĩa là tôi nghỉ cảm
tình với anh, nhưng chuyện đó không quan hệ giữa cá nhân và cá nhân.
“Đồng Nai” có một hồi chạy hết sức: đó là lúc mới ra và lúc
đăng truyện “Cô Gái Đồ Long”, mỗi buổi sáng trẻ con mua báo ngồi đen đặc cả
đường Thủ Khoa Huân và góc đường Gia Long. Những ngày sôi nổi như thế in sâu
vào trí óc người làm báo còn lâu, nhưng trong tất cả các kỷ niệm về “Đồng Nai”,
có một kỷ niệm tôi không thể nào quên được, mà chính người trong trị sự và tòa
soạn báo “Đồng Nai” cũng như chánh quyền và độc giả, rất ít người chú ý. Đó là
một đoạn văn phiếm của Phạm Văn Tươi, bút hiệu “Tú Xe” viết trong mục “Thiên hạ
rù rì” - viết sau khi Ngô Đình Diệm thoát chết trong cuộc đảo chánh 1960 - mà
viết ngay trên báo “Đồng Nai” là một trong ba tờ báo mà Nhu và Diệm đặc biệt ký
giấy phép cho ra, sau đảo chánh. Đoạn văn ấy đại khái như sau: Có một anh thái
tử rất hỗn xược, một hôm, trèo lên lưng một con voi có tiếng là hung dữ, rồi cứ
ngồi ì ra đấy không chịu xuống. Vua và hoàng hậu sợ quá, khuyên thái tử xuống,
thái tử không chịu; các quan triều thần lậy để xin thái tử xuống, thái tử cũng
không chịu nữa. Chán quá. Cả triều đình nhốn nháo lên. Vua và hoàng hậu buồn
muốn khóc. Thấy tình hình bi thảm như vậy, tên nài phủ phục xuống đất, xin cho
lên lưng voi để khuyên thái tử, thì mả quá,
chẳng biết nó nói nhỏ vào tai thái tử cái gì mà thái tử ngoan ngoãn xuống liền!
Cả triều đình xúm lại hỏi tên nài đã dùng câu thần chú gì bảo thái tử mà có
hiệu năng lạ kì như vậy, thì nó ngần ngừ mãi mới thưa rằng: “Bẩm các quan, các
quan có tha tội chết cho tôi, tôi mới nói.” Mọi người ô kê. Tên nài mới khai thực như sau: “Thưa các ngài, tôi
chẳng có thần chú nào hết, mà cũng chẳng có phép gì kì lạ. Tôi chỉ rỉ vào tai
nó có một câu, thế là nó xuống.”
- Câu gì? Nói nghe. Câu gì mà lạ vậy? Câu gì mà thái tử lại
nghe mày liền, còn bố, mẹ và các quan lạy nó hết nước hết cái mà nó cứ nằng nặc không chịu xuống?
- Dạ, câu ấy bình dân lắm. Tôi bảo thái tử thế này: “Mày lì
quá, tao bảo cho mà biết, mày mà cứ bám mãi, tao đánh cho thấy bà cố nội bây
giờ! Tổ sư cha mày!”.
Bảo là “nham nhở”, Tú Xe quả đã chơi một phát nham nhở thực. Có trách nhiệm
phải coi lại bài vở trước khi cho “bon à tirer”, hôm ấy, tôi lại về sớm vì có
việc ở báo “Tiếng Dân” mà Huỳnh Thành Vị thì cũng bận việc ở ngoài; đến lúc báo
in xong, tôi lại hồi ba giờ chiều thấy đoạn ấy muốn đục cũng không kịp nữa, vì
báo đã phát hành rồi. Hình như công lệ của người làm chính trị là bất cứ lúc
nào, nói đến ai không ở phe phái của mình thì đả kích thậm tệ, không tha một
điểm nào. May thay, tôi lại không làm chính trị, nên đến đây tôi phải thành
thật nhận là bác sĩ Trần Kim Tuyến, Giám đốc Sở Nghiên Cứu Chính Trị hồi đó, đã
tỏ ra chịu chơi hết sức.
Biết rõ cái “hố” không thể cứu vãn được bằng cách thu số báo “Đồng Nai” ấy lại,
ông cho rằng “mọi việc ở đời đều quan trọng, nhưng nhiều lúc ta phải quan niệm
chẳng có việc gì quan trọng cả” và ông hứa sẽ tìm cách đối phó thích nghi nếu
ông Diệm hỏi đến vụ này. Nhưng rồi ông Diệm cũng chẳng bao giờ biết cả, thành
ra báo “Đồng Nai” cứ sống, có lúc chạy dữ dội, có lúc chạy tằng tằng; nhưng có một điểm đáng nghi
là người chủ trương báo “Đồng Nai” không lúc nào phải dùng đến hạ kế đưa văn
dâm dật để câu độc giả
trong lúc hầu hết các báo đều nhằm vào sự việc đó để lôi kéo người đọc báo.
Là vì đa số độc giả ở đây đều say mê những đoạn văn tả vú
vê với những bàn tay siết chặt, hơi thở hổn hển với những bộ đùi dài, trắng nõn
giạng ra, những con mắt lim dim với những tiếng rên rú, lâm ly trong đêm khuya
hiu hắt gió vàng... nên một số ký giả được hinh hương chỉ vì lúc nào cũng xen
vào trong tiểu thuyết, phóng sự những câu văn nham nhở làm giựt gân người đọc. Không có như thế, cũng như
không có tiểu thuyết chưởng hay tử vi hàng ngày, thiên hạ chán quá, không buồn
đọc, vì lúc ấy, thật ra báo cũng chẳng có gì đọc được, nếu không đề cao luật
gia đình của bà Nhu thì lại đăng tin chiến sự; hành quân Bình Tây tại U Minh
Hạ, hành quân ở Củ Chi, hành quân Lam Sơn II, hành quân ở Cao Lãnh, hành quân ở
Mỹ An... Một đống hành quân, giết không còn một mống Việt Cộng - ông Ngô Đình
Diệm tuyên bố Việt Cộng chết hết rồi - hay tường thuật bốn năm cột báo bà Nhu
đi thăm Phụ nữ Liên đới, vì phong trào này vừa được thừa nhận là một hội công
ích do sắc lịnh 84/NV; ông Nhu đi thăm Sihanouk vì có tin Sihanouk tuyên bố
thừa nhận Trung Cộng, cả về phương diện pháp lý; hoặc Liên Đoàn Công Chức Cách
Mạng Quốc Gia kịch liệt lên án những người thân Pháp, yêu cầu chánh phủ chấm
dứt nhiệm vụ của công chức điều khiển từ Chủ sự, nếu không từ bỏ quốc tịch Pháp.
Ối chao, ngán quá, ngán đến nỗi không buồn xem hình nữa,
không buồn đọc bài nữa, dù là những bài tối quan trọng như bài tường thuật lễ
cửu tuần khánh thọ bà mẹ ông Ngô Đình Diệm ở Huế có nhiều đại diện các đoàn thể
và rất đông cao cấp trong chánh quyền về chúc mừng “thái từ”, mà bộ nội vụ lại
tổ chức một lễ tạ ơn tại Vương Cung Thánh Đường. Còn như những tin nói về “Mặt
Trận Giải Phóng Dân Tộc” (tiền thân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam), tin về vụ án
Nhân Văn, tin Hồ Chí Minh đã chết (bây giờ là Hồ Chí Minh giả) thì chẳng có ai
tin cả, chưa đọc người ta đã cho là bịa - mà bịa một cách vụng dại, ngây ngô -
nên rút lại, mua báo không đọc được gì hết, vì thế ta cũng không thể trách được
độc giả sao chỉ ưa coi những cái vớ va vớ vẩn và đọc tiểu thuyết khiêu dâm sa
đọa.
Người làm báo chuyên nghiệp biết suy nghĩ, thấy thế, không
khỏi không tự sỉ, và có những lúc không thể không tự hỏi: sao cùng là làm báo
mà ở nước ngoài, người ta không đủ người bằng mình lại làm ra trò, động viên
được tinh thần tranh đấu của dân chúng, để kiến quốc về đủ mọi mặt, mọi lĩnh
vực, mọi ngành? Cố nhiên dân chúng ở đâu mà không bất mãn, mà báo chí bao giờ
chẳng phải giấu cái xấu, phô cái tốt ra; nhưng ít ra phần đông người ta, dù
ghét bỏ đến chừng nào đi nữa cũng cứ phải nhận là báo của bên kia phần đông đều
sạch sẽ, không có máu đổ ở trang nhất, không có truyện khiêu dâm, không khai
thác những vụ án tình tay ba tay tư hay cương những ông đạo này, đạo nọ, và
nhân đó đề cao những câu sấm, những dị đoan, số mệnh.
Tự s’ trước những cảm nghĩ lông bông như thế, các anh em và
tôi quyết định làm tờ “Tiếng Dân” của Trung tá Châu thành một tờ báo “sạch”
cũng như “bom nguyên tử sạch”, bom nguyên tử không có quá nhiều phóng xạ làm ô
uế bầu không khí của thế giới tự do. Sau này, nghĩ lại thì quả lúc đó tôi
khùng, vì cái “tri” và cái “hành” của tôi ngay lúc gặp Trần Thiện Phúc, đại
diện gián tiếp của Trung tá Châu, đã mâu thuẫn với nhau rồi. Định làm một tờ
báo sạch mà cư xử không sạch tí nào: tôi đặt điều kiện báo phải đưa cho anh em
tòa soạn một tháng lương để ngồi suy nghĩ về cách làm ăn; nhưng cái đó không
quan hệ lắm bằng mâu thuẫn dưới đây: làm một tờ báo cho Trung tá Châu ủng hộ
Ngô Đình Diệm mà lại nói chuyện “sạch” thì có khác gì nói chuyện “dây thừng ở
trong nhà có người thắt cổ!?...”. Tờ “Tiếng Dân” gặp sự bê bối ngay từ lúc chưa
ra số 1, vì mỗi phe có một số người của riêng mình, mà cũng ngay từ lúc mới
quảng cáo, ở Huế, đã có con cháu của cụ Huỳnh Thúc Kháng bắn tin là không thể
đem bôi nhọ tên một tờ báo đã có hồi lừng danh ở Huế. Nói như vậy, tức là tờ
“Tiếng Dân” đã mang tiếng là báo của nhà Ngô ít nhiều rồi; vì thế chúng tôi
phải hết sức tìm cách né tránh, viết lách thế nào để cho thiên hạ đỡ chửi là
quân liếm gót. Dù biết rằng báo này có hai mục tiêu, một là suy tôn Ngô Đình
Diệm, thần thánh hóa ông ta (vì ông ta đã mất uy tín rất nhiều sau cuộc đảo
chánh 1960) và hai là đối phó với những liên danh chống đối ông trong cuộc
tranh cử Tổng thống nhiệm kì II vào đầu năm 1961, chúng tôi cố ý làm ra mặt dớ
dẩn, toàn bàn về vấn đề nông thôn và đăng những tin tức cố tránh đụng chạm đến
Nhu và Diệm, không đả kích những người đảo chánh Diệm mà cũng chẳng hề đụng
chạm đến những liên danh II và III mà ngay từ tháng giêng 1961, chúng tôi đã
biết có ai, tuy là các liên danh ấy chưa tiết lộ ra bên ngoài. Đó là liên danh
Nguyễn Đình Quát - Nguyễn Thành Phương và liên danh Hồ Nhựt Tân - Nguyễn Thế
Truyền, ấy là không kể nhiều liên danh khác hoặc trù trừ không quyết định ra vì
biết sẽ bị gian lận, mất công vô ích, hoặc bị Nhu Diệm cho người đến mua chuộc,
tống ít tiền lẻ để đừng ra ứng cử làm gì cho quẩn chân.
Lúc ấy, Mỹ còn nuôi hi vọng ăn đứt Việt Nam, dù cách gì đi
nữa thì Diệm cũng vẫn ngồi vững ở ghế Tổng thống như thường; ai cũng biết như
vậy, kể cả Nguyễn Đình Quát; nhưng đã chót cưỡi lên lưng cọp rồi, Quát cứ phải
liều, dù phải trả mắc tiền; Quát chửi Diệm đã sướng miệng và kể từ lúc bấy giờ
về trước, có lẽ không có ai dám khi
quân chửi Diệm đau như thế, và hơn nữa lại công khai dám công bố ở rạp
Thống Nhất một ý kiến mà cũng từ trước cho tới lúc đó không ai dám hé môi nói
ra lời: ông hứa nếu đắc cử sẽ điều đình ngưng bắn, tái lập hòa bình ở Việt Nam!
Tất cả những tin tức liên quan đến cuộc vận động bầu cử Tổng thống, chúng tôi
cho vào một mục ở cuối trang nhất, không lấy gì làm long trọng... Phần chính
của báo là đề cao Phật giáo ngay giữa lúc Công giáo đang lên hương, bọn Nhu Diệm làm chúa tể, Đức
cha Nguyễn Văn Bình làm lễ nhậm chức Tổng giám mục ở Sài Gòn mà Ngô Đình Cẩn
thì bắt đầu ngấm ngầm chơi tăng ni, phật tử ở Huế. Chúng tôi đánh một trận hỏa
mù làm cho không ai hiểu đường lối của báo ra sao, nhắm mục đích là nếu có một
số độc giả cố định rồi thì quay về làm tin tức và chú tâm mổ xẻ, cứu xét các
vấn đề thời sự, nhưng không thể được. Riêng tôi thấy rằng làm báo ở dưới một
chính thể độc tài độc đoán, thì dù muốn xoay sở thế nào, bịp bợm thế nào cũng
vẫn không thể thoát khỏi được ra ngoài quỹ đạo của chế độ và cuối cùng độc giả
cũng biết ai ngay, ai gian. Báo nào mới ra đời cũng la thét ghê gớm lắm: nào
dám nói, dám làm, dám chửi; nào phục vụ nhân dân, đứng hẳn về phía đối lập, đòi
công bằng xã hội, tranh đấu cho đồng bào có cơm no áo ấm; nào quét sạch thối
tha, nhơ bẩn, dám làm, dám chết... nhưng rút cục trong một chính thể độc tài,
nô lệ, dân chủ ngụy tạo như chính thể nhà Ngô, chẳng có một tờ báo nào thoát
được ra ngoài quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm. Những báo hăng xằng, đi chệch
đường lối của các báo khác ch’ có mà chết sớm: nếu sống, tất bên trong phải có
cái gì! Vì độc giả hiểu như thế cho nên “Tiếng Dân” muốn xoay sở thế nào cũng
không thể vượt lên được; ra chừng năm sáu tháng thì kiệt lực. Nhưng báo của
chính quyền hay do chính quyền bảo trợ ngầm không tất nhiên là đều phải theo
công lệ ấy.