Bốn Mươi Năm Nói Láo - Phần IV - Chương 2
“CÔNG LUẬN”, “VIỆT NAM” VÀ “COURRIER DU VIỆT NAM”
Cứ mỗi lần hợp tác với ông Vũ Đình Long một
mặt, tôi lại hợp tác với Nguyễn Doãn Vượng mặt khác: chẳng hiểu đó là một cái
duyên hay chỉ là một sự tình cờ? Trong khi chờ đóng cửa báo của nhà Tân Dân,
Nguyễn Doãn Vượng, Nguyễn Phổ và tôi ngày nào cũng gặp nhau ở nhà khắc bản kẽm
của riêng Phổ và Vượng ở Cây Đa Cửa Quyền. Lúc ấy, lòng người chán nản, đa số
trí thức ngồi yên để quan sát thời cuộc, chớ ít người chịu hợp tác với chánh
phủ Việt Nam mà một đứa trẻ cũng biết là do Mỹ, Pháp nhào nặn, sai bảo. Một số
báo tay sai chửi những người bất hợp tác là trí
thức trùm chăn. Đừng nói có mâu thuẫn, dị đồng giữa các tầng lớp nhân dân
trong vùng Pháp kiểm soát, ngay trong hàng trí thức đã có sự khảng tảng, chia
rẽ: bên này thì bảo bên kia thân Cộng, đánh
võ miệng, mà bên kia thì bảo bên này bợ đít, liếm gót, cô la bô với phát xít và thực dân. Trước tình trạng rối
beng đó, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Văn Hiền, Bùi Tường Chiểu, Hoàng Xuân Hãn... đứng
ra làm tờ nhựt báo “Công Luận”, in tại nhà in của Đỗ Huân ở đường Hàng Đẫy.
Ngay khi báo này mới quảng cáo với những thành phần tên tuổi, dân chúng đặt
nhiều tin tưởng và nóng ruột đón coi, vì lúc đó ai cũng chán ngấy bọn người xôi
thịt theo Pháp và đa số đều thiên về kháng chiến, nhưng vì sợ bị Tây - nhất là
Tây lai bắt giữ và đưa đi tù đầy, nên cứ phải im lặng mà phản đối tiêu cực. Tờ
“Công Luận” ra đúng lúc, nên số đầu bán rất chạy, nhưng chỉ được vài ngày, số
độc giả tụt dần, vì người đọc báo quan niệm ủng hộ trí thức trùm chăn là một
chuyện, mà đọc báo lại là chuyện khác, khác hẳn với phe xã hội vừa đọc báo của
anh em (như tờ “Sống” của Trần Đình Long xuất bản ở 16 Hàng Da) vừa ủng hộ bằng
cách giúp tiền, đi bán báo, mà lại vừa chia nhau đi khắp nơi cổ động. Nói cho
thực, tờ “Công Luận” chỉ có tiếng thế thôi, chớ về nội dung thì không có gì đặc
sắc, vì thế báo tụt xuống lần lần không phải là chuyện lạ. Những người chuyên
nghiệp, nhìn thấy số đầu, đã đoán rằng nếu cứ cái đà ấy mà tiến mãi, thì chẳng
trước thì sau, báo này cũng bị chìm. Về kĩ thuật, báo trình bày tẻ nhạt, nhìn
không hào hứng, còn tin tức thì yếu, mà bài vở lại không có tính cách thời sự,
viết dài dòng, hợp với một tạp chí, tuần báo hơn là nhựt báo. Ra được chừng ba
số, chính anh em trong báo cũng nhận thấy “có một cái gì không ổn, nhưng không
biết là cái gì”, đem ra họp bàn với nhau và quyết định tham khảo ý kiến của
những người chuyên nghiệp. Nguyễn Doãn Vượng được mời lại tòa báo để nghiên cứu
xem có cách gì làm cho báo sống động hơn không.
Vốn là người ngổ, không làm việc thì thôi,
chớ đã nhận làm gì thì hăng say, Vượng, ngoài công việc cố định lúc bấy giờ,
suốt ngày ngồi ở “Công Luận” gặm bánh mì cùng với Nguyễn Mạnh Hà, sắp xếp lại
việc ấn loát một mặt, và mặt khác thì đôn đốc anh em, bày mưu thiết kế và đọc
viễn ký tìm đề tài, tổ chức điều tra, phóng sự, khai thác các tin tức mới nhất,
xét ra có thể làm cho độc giả say sưa, thích thú.
Hôm trước hôm sau, “Công Luận” mới hẳn lại về
cả nội dung và hình thức, và bắt đầu lại chạy lại. “Công Luận” mở một cuộc tấn
công các chủ đồn điền cao su, chất vấn các nhà đương cuộc về việc quân đội Pháp
chiếm đất, chiếm nhà ở nông thôn không trả tiền... Bạn đọc sướng quá, viết thư
về tán thưởng như điên. Anh em
hả hê quá, nhưng ngay từ lúc đó, đã đoán biết việc gì xảy ra. Thì việc phải đến
đã đến: chánh quyền tay sai đóng cửa báo “Công Luận” và tịch thu số báo chưa
ra, nhưng Nguyễn Mạnh Hà và Vượng nhanh tay đã vứt sang vườn nhà bên cạnh một
số khá lớn, rồi leo tường nhảy sang nhà bên kia, mang báo đi phát không cho
đồng bào Hà Nội đọc để gây tiếng vang. Ít lâu sau, anh em tản mác dần, “chiến
khu trắng” cũng do đó tự giải tán. Cuối năm 1949, bộ Thông Tin do ông Trần Văn
Tuyên điều khiển, có ý muốn xuất bản một tờ báo bằng tiếng Pháp để tuyên truyền
cho giải pháp Bảo Đại và đề cao chính nghĩa quốc gia tích cực, đồng thời phổ
biến văn hóa, tập quán, cùng với những đặc điểm của dân tộc Việt Nam ra ngoại
quốc để cho thế giới hiểu rõ người Việt Nam và lập trường tranh đấu của người
Việt Nam hơn. Tuyên nghĩ ngay đến Vượng và giao cho Vượng tổ chức tờ báo đó,
một phần vì tình bạn mà phần khác cũng vì Tuyên thừa rõ là các tay trí thức
chính cống, từng Pháp du và đỗ bằng cấp cao, phần nhiều chỉ “xạo đía”, chớ đến
lúc bắt tay làm việc thì là tay mơ
hạng cụ! Bọn chúng tôi ra tờ “Việt Nam” và quyết định làm tờ báo ấy thành
một tạp chí in rất đẹp, có nhiều tranh ảnh và đăng toàn bài chọn lọc. In thì đã
có nhà Lê Văn Tân là nhà in lớn nhất, có nhiều máy tối tân nhất ở Hà Nội lúc
bấy giờ. Tiền nong do Trần Văn Tuyên đài thọ. Tuyên đã rút ở quỹ đặc biệt dành
cho Tổng Trưởng Thông Tin một số tiền để làm báo. Tòa soạn tổ chức ra sao, bài
vở ai viết, Nguyễn Doãn Vượng tập hợp các anh em cũ lại thảo luận rồi mời một
người bạn người Pháp là René Candelon về làm chủ bút. Candelon và chúng tôi
quen biết nhau đã lâu, nhưng vì sinh kế, ít khi gặp nhau, mà Candelon thì lại
là một thanh niên “nể” vợ, chỉ cặm cụi viết sách, viết báo, ít khi đi đâu, nên
chúng tôi cũng ít có dịp rượu chè ăn uống với nhau. Cũng như Văn Tuyên,
Candelon có quốc tịch Pháp, nhưng sanh đẻ ở Việt Nam, rất hiếu thảo với mẹ già,
cho nên điên bái nhiều phen, anh vẫn không chịu đưa tiểu gia đình về Pháp, lần
hồi sống ở Hà Nội với mẹ, em trai và một bà vợ có tiếng là một nội trợ hữu
hạng, sống một cuộc đời ngăn nắp.
Tương đối, Candelon viết trước Văn Tuyên
nhiều và cũng lớn tuổi hơn Văn Tuyên. Anh có một tài đặc biệt là có lần chỉ có
ngàn bạc mà ra được một số báo Pháp “L'écho du Vietnam”, rồi có tờ ấy, anh khéo
du thuyết để cho người khác nghe, bỏ tiền ra giúp vốn. Tờ “L’écho du Vietnam”
cứ thế mà xuất bản được hàng năm.
Vì thân với nhiều người Việt, Candelon René
không được Pháp ưa lắm nên trong đời sống, cũng như trong nghề nghiệp, René
không được Pháp giúp đỡ; trái lại, người Trung Hoa và nhiều người ngoại quốc da
vàng khác lại đặc biệt cảm tình với René. Là vì René là một người Pháp có học,
nhưng sống theo đúng tinh thần của người phương Đông, lễ phép, khoan thai, ý
nhị và rất ghét những tên thực dân làm
phách chó cũng như các thằng bồi An Nam bắt chước Tây, chiều chiều đi
dạo trước Gô Đa chửi những
người chạm phải chúng là “san Anamít”.
Lúc chiến tranh Hoa - Nhựt còn ngấm ngầm diễn
ra như sóng ngầm để sửa soạn mở đầu cho thế chiến thứ nhì, Candelon René làm đệ
nhứt tham vụ của Hứa Niệm Tăng, tổng lãnh sự của chính phủ Trùng Khánh ở Bắc
Việt, mà ở Pháp thì chính phủ Mặt Trận Bình Dân, do Léon blum điều khiển, cầm
quyền bính. Đảng Xã hội Việt Nam cũng bắt đầu hoạt động; còn chính quyền Pháp ở
Việt Nam, do toàn quyền Decoux điều khiển, bắt đầu gặp hết cản trở này đến cản
trở kia, một mặt lo chống tuyên truyền Nhựt; một mặt lo an ninh nội bộ; lại một
mặt nữa lo sao để không mất lòng Nhật lúc nào cũng nhòm ngó và toan sanh sự ở
Việt Nam, mà lại giúp đỡ được chính phủ Trùng Khánh trong công việc chuyên chở
hàng hóa, chiến cụ, xe camiông vận tải từ Hải Phòng lên Lạng Sơn, Cao Bằng.
Ngoài công việc đó, Hứa Niệm Tăng còn có nhiệm vụ phản tuyên truyền của Nhựt,
bàn với Candelon ra một cuốn sách hay tạp chí bán cho Hoa Kiều từ Nam ra Bắc
lấy tiền xài, mà cũng là để giúp đỡ thêm cho phái bộ Trùng Khánh sang Việt Nam
kiểm soát công việc chuyên chở nói trên. Do đó, Candelon viết một cuốn sách để
phổ biến trong dân chúng Pháp-Hoa: đó là cuốn “La politique agressive du Japon”
tả những hành động tàn ác của quân đội phát xít Nhựt. Và để cho người Việt cũng
biết hành động tàn ác ấy ra sao, Hồ Khắc Tráng dịch cuốn sách ấy và lấy nhan đề
là “Máu Thịt Xây Thành”. Cả hai cuốn sách ấy đều in ở nhà in Trung Bắc, tranh
ảnh ở bên trong cắt ở các báo Tàu và Pháp.
Nhựt đến Việt Nam, một trong những công tác
đầu tiên của Hiến binh là tìm những nhà văn, nhà báo đã cả gan “mạ lỵ Thiên
Hoàng” và đả kích Đại Nhựt Bổn. Và người đầu tiên trong vụ này bị Hiến binh đến
bắt đi ngay là Vượng. Thực ra, họ định bắt ông Luận, vì ông là chủ nhà in lúc
đó, nhưng Vượng đứng ra nhận mình là quản lý, chịu hết mọi trách nhiệm trước
pháp luật, nên đi thay cho dưỡng phụ là ông Luận. Vượng vốn là một người có
nhiều mặc cảm, nhưng anh đã trút bỏ được một phần lớn từ khi đi với Đỗ Văn coi
Tây, Tàu chẳng ra cái thớ gì. Hơi một tí gì khác lạ xảy ra, anh chồm lên, nhất
là trong những trường hợp anh em bị nạn hay bị kẻ thù dọa đánh, anh không kể dở
hay, phải quấy, miễn là binh bạn đã, nhưng đặc biệt nhứt là Vượng về bất cứ vấn
đề gì cũng nói rất hăng và rất nhiều, có khi ngụy biện, nhưng nói đâu ra đấy,
nhiều khi nói liều, nói ngổ, tưởng chừng có thể bị “tì” như chơi.
Trước thái độ dọa nạt của viên giám đốc Hiến
binh Nhựt buộc cho anh những tội tầy trời, như mạ lỵ Thiên Hoàng, phá hoại
phong trào Đại Đông A, Vượng phủ nhận tất cả những lời chất vấn của viên sĩ
quan Nhựt và trình bày cho y thấy rõ những sự việc mà y không hiểu. Các ông
chưa từng sống ở một nước bị trị, nên không thể nào hiểu được lòng của người
dân. Bao nhiêu phong trào diệt Pháp đều bị đàn áp. Những nhà cách mạng phải
tranh đấu bí mật, còn những người làm việc công khai, nếu không theo chúng, thì
bị tù đầy khổ ải. Trước khi Nhựt tới đây, Pháp đã đi ngầm với Trùng Khánh, nếu
nhà in Trung Bắc không in hai cuốn sách đó thì họ làm khó dễ và có thể đóng cửa
nhà in. Mà in thì phải để tên nhà in vào đó, vì lệ luật ấn loát buộc phải làm
như thế để cho Pháp dễ bề kiểm soát xem có nhà in nào làm việc bất hợp pháp
không. Nếu các ông vì hai cuốn sách bị Pháp buộc phải in mà cho là chống báng
thì lầm. Đi với Nhựt hay chống Nhựt lại là chuyện khác; đây chỉ là vấn đề buôn
bán. Bảo in như thế là làm chánh trị, cần phải bắt giam, thì các ông nên bắt
giam cả dân tộc chúng tôi, vì trừ các nhà cách mạng tranh đấu bí mật, chúng tôi
không làm chánh trị, mà Pháp cũng không để cho làm chánh trị. Đường đi của một
số đông là đường lối chánh trị chong chóng. Ngay như các ông, nếu các ông ở vào
trong trường hợp như chúng tôi, các ông cũng phải mềm dẻo mà theo giai đoạn cái
thứ chánh trị chong chóng đó. Đơn cử ông bang trưởng Si, trước khi các ông đến
đây, ông ấy giúp tay cho Pháp, tổ chức chợ phiên ở Stade Mangin để lấy tiền giúp phái bộ Trùng Khánh sang đây;
bây giờ lại trở thành một bang trưởng rất thân Nhựt, sao Nhựt không bắt giam?
Nhựt có một chương trình dài hạn vĩ đại. Tôi thiết nghĩ vấn đề là hoàn tất
chương trình đó và lấy được cảm tình của người da vàng, chớ không phải là đối
phó.
Đến lúc Vượng trình bày về chi tiết ấn loát
hai cuốn sách trên, viên sĩ quan Nhựt bắt đầu nguôi nguôi. Candelon và Hồ Khắc
Tráng chỉ là hai người cho Pháp và Trùng Khánh mượn tên. Thực ra, phái bộ Trùng
Khánh bỏ tiền ra in, nhưng không trông nom gì hết, cả ngày chỉ nằm ở nhà cô
đầu, nên nhà in Trung Bắc phụ trách mọi việc. Nhưng ông không thể vì hai cuốn
sách đó in ở nhà in Trung Bắc, và tôi là quản lý nhà in ấy mà bắt giữ tôi. Các
ông cũng nên hiểu về tổ chức nhà in này một chút. Nguyên nhà in ấy của ông
Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng vì thu ít tiêu nhiều, nên ông Vĩnh công nợ. Trong khi
ấy, ông lại không được lòng chánh quyền Pháp, vì một mặt ông chống Bảo Đại,
Phạm Quỳnh, mặt khác lại không bán mình cho Pháp, nên mấy tay tổ thực dân làm
áp lực, và ông Vĩnh vỡ nợ, làm cho nhiều người đứng ra bảo lĩnh cũng vỡ nợ
theo. Riêng có nhà in Trung Bắc và báo “Trung Bắc Tân Văn” chưa bị tịch thu,
ông Vĩnh ăn ở chung thủy với anh em cho đến lúc chết, đã áp dụng một biện pháp
rất hay là để cho mỗi người có tiền hùn trước đây đứng quản nhiệm một năm. Lúc
in hai cuốn “La Politique agressive du Japon” và “Máu Thịt Xây Thành”, nhà in
Trung Bắc thuộc nhiệm kì của Đỗ Lịnh Huy, cộng sự viên của ông Nguyễn Hữu Như,
còn báo “Trung Bắc” thì do Ngọc Thỏ Dương Mầu Ngọc làm quản lý. Và bây giờ
những người ấy chết cả rồi.
Vượng bị giữ suốt một ngày, đến chiều tối mới
được thả ra về. Biết rằng thế nào Hiến binh Nhựt cũng “mời” Candelon và Hồ Khắc
Tráng ra nói chuyện và rất có thể sẽ giam giữ như Ngô Văn Phú, Nguyễn Vỹ, Vượng
không ăn cơm uống nước, chạy bay đi tìm Tráng và Candelon thuật lại đầu đuôi
câu chuyện Nhựt thẩm vấn lúc ban ngày, và khuyên Tráng và Candelon nên tạm trốn
tránh ngay đi, “để sau này sẽ liệu”. Candelon và Tráng thoát khỏi bàn tay sắt
của Hiến binh Nhựt. Về sau, vụ này yên lần lần, cho tới khi Nhựt bại, Pháp trở
lại Việt Nam, Vượng tìm Candelon để rủ về làm tờ tạp chí Pháp ngữ “Việt Nam”.
Candelon đem hết tâm lực ra làm tờ báo ấy, một phần cũng vì ơn tri ngộ nói
trên. Trình bày, báo này tựa như tờ “Trung Bắc Chủ Nhật”, còn bài vở bên trong
thì đề cao giải pháp Bảo Đại và đưa ra cho thế giới thấy rõ tinh thần bất khuất
của dân tộc này qua các giai đoạn lịch sử, và cố nhiên đứng hẳn về phe “dân
chủ”. Thực tình, Candelon trội hẳn lên vì tờ báo này, nhưng bên ngoài không mấy
ai biết rõ, là vì lúc ấy anh không giữ cái tên René Candelon như lúc làm tờ
“Echo du Vietnam”, mà lại lấy tên Việt là Chương Đắc Long. Bắt đầu, anh định
phiên âm Candelon là Cường Đại Long (như Lafon đổi ra làm La Phương), nhưng anh
em nghĩ rằng Việt Nam làm gì có họ Cường, nên đề nghị với anh đổi ra họ Chương,
Chương Đắc Long, với ý muốn bắt anh... nhận họ nhận hàng với dược sư Chương Văn
Vĩnh!
Nói cho thực, từ khi Việt Nam đẩy được Tây,
Nhựt ra ngoài, khoác lốt độc lập, tự do - tuy vẫn còn bị Pháp chi phối - Việt
Nam chưa từng làm được một tờ báo Pháp ngữ như vậy. Khó một điều là đề cao giải
pháp Bảo Đại, tranh đấu lấy chủ quyền dân tộc và làm sáng tỏ chí khí quật cường
của người Việt Nam, nhưng vẫn cứ phải lấy lòng người Pháp, mà đối với Mỹ thì dè
dặt, không để cho tư thế của Mỹ vượt được tư thế Pháp... Vì thế ngay trong số
đầu, bên cạnh những bài như “Cảm nghĩ về việc Hoàng đế Bảo Đại viếng Hải cảng”,
“Vai trò của Hải Phòng”, “Đức Trần Hưng Đạo”, “Bùi Viện, một trong hai nhân vật
Việt Nam đã từng qua Mỹ”, hoặc những bài như “Lập trường của Việt Nam trong
viễn tượng một minh ước Thái Bình Dương”, chúng tôi không quên đá móc Mỹ trong
những bài như “Bên lề vụ phá giá đồng Anh kim - Kinh tế Mỹ nhòm ngó những thị
trường mới ở các tân quốc gia - Mỹ giúp các tân quốc gia hay các tân quốc gia
giúp Mỹ?”.
Thật là đúng phong phóc đường lối khi đó của chánh quyền, cho nên cả
Bảo Đại, Trần Văn Hữu lẫn bộ trưởng Thông tin đều xứng ý và mặc dầu số độc giả
ở trong nước chỉ có hạn, nhưng ngoại quốc gửi về mua nhiều và hết sức lưu ý, vì
trong số nào cũng có ít nhất một bài phân tách lập trường Việt Nam trước những
biến chuyển liên tiếp của thế giới như: “Trước hiểm họa Trung Hoa, chúng tôi
không chấp nhận sự hiện diện của quân đội Trung Hoa trên lãnh thổ Việt Nam:
không quân đội Tàu đỏ, mà cũng không quân đội của Tàu trắng nữa” hay “Cuộc
viếng thăm của ông Malcolm Mac Donald báo hiệu việc Anh sắp thừa nhận chánh phủ
Mao Trạch Đông chăng? Việt Nam sẽ đối phó ra sao?” hoặc “Độc lập, căn bản cần
thiết của tình thân hữu”. Đang lên
hương như thế, báo “Việt Nam” đột nhiên gặp khó khăn. Hết chánh phủ
Hữu lại đến chánh phủ Tâm, hết Tâm lại đến Hữu, ông Tuyên lúc thì làm Bộ trưởng
phủ Thủ tướng, lúc làm Bộ trưởng Thông tin. Tờ “Việt Nam”, vì sự thay đổi ấy,
phải đóng cửa vì “vấn đề kĩ thuật”, nhưng đến lúc ông Phạm Văn Bính lên làm Thủ
hiến Bắc Việt thì ông nghĩ ngay đến sự tiếp tục công việc của ông Trần Văn
Tuyên để lại. Trong một bữa tiệc tại nhà cũ của Hoàng Trọng Phu, Phạm Văn Bính
nguyên ký giả thể thao của “Trung Bắc Tân Văn” và nhiều báo khác ở Hà Thành -
đề cập đến việc ra một tờ báo Pháp như tờ “Việt Nam” và đề nghị René Candelon
và Nguyễn Doãn Vượng đứng ra điều khiển. Tờ “Courrier du Vietnam” ra đời, đúng
theo tôn chỉ, đường lối của tờ “Việt Nam” và cũng gồm các anh em cũ viết, thêm
hai bạn mới là Đinh Khắc Giao và Trần Quang Cẩn. Hợp tác với báo “Courrier du
Vietnam”, tôi không thể không kể đến một nghệ sĩ hiện giờ nổi tiếng trong nhiều
bộ môn văn hóa khác, ngoài báo chí: Tạ Tỵ. Tạ Tỵ trông nom về phần mỹ thuật cho
báo, minh họa các truyện, vẽ các tít và vi nhét. Lúc đó, anh đã nổi tiếng về các bức họa lập thể (anh là
một trong những người đi tiên phong về môn phái này ở đây) và đã được nhiều
người ngoại quốc đến Việt Nam ca ngợi lúc anh trưng bày các họa phẩm ở Nhà Hát
Lớn và Nhà Khai Trí Tiến Đức. Nhưng người ta biết Tạ Tỵ không phải chỉ riêng có
thế: Tạ Tỵ, một nghệ sĩ đầy đủ, còn được nhiều người nói tới vì những truyện
ngắn đăng tải rải rác trên các báo. Trong số đó, trội nhất là một số truyện anh
đăng trên nguyệt san “Thế Kỷ”, tuần báo “Quê Hương”, “Đời Mới”... Sau này, tôi
còn có một dịp nữa hợp tác với anh: đó là lúc làm “Sáng Dội Miền Nam” do Võ Đức
Diên làm giám đốc - tờ nguyệt báo của bộ Kiến Thiết mà Lê Văn Siêu làm chủ bút
vẫn tự nắc nỏm khen - mà khen đúng - là “tờ báo đẹp nhất nước Việt Nam”.
Tập truyện “Những viên sỏi” của Tạ Tỵ dường
như sưu tập nhiều truyện mà anh đã viết trong “Sáng Dội Miền Nam” và “Thế Kỷ”.
Tôi không quên được cảm tình của anh đối với riêng tôi mỗi khi viết được một
truyện gì hay, anh thường thuật cốt truyện hay đọc cho tôi nghe trước, và về
thơ cũng vậy, chính anh hứng khởi, có khi đứng ngâm to cho tôi thưởng thức từ
lúc chưa in. Bây giờ anh em đã lớn tuổi; có quyền nói thực với nhau: về sau này
tôi không đọc hết tác phẩm của anh, nhưng bao giờ tôi cũng nhớ một truyện anh
viết hồi ở Bắc Việt nhan đề là “Cẩm Nhung” và một bài thơ nói đến mấy cửa ô Hà
Nội và những vũng nước do chiến xa đi còn để lại trên đường với những lời đẹp
như hoa, không thể nào quên được:
Tôi đứng bên này vĩ tuyến
Thương về năm cửa ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút Chợ Dừa
Cầu Rền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa Phượng Vỹ
Nhớ nhung biết
mấy cho vừa...
Tôi không quên được những vần thơ của Tạ Tỵ tả nỗi lòng
thương nhớ “những con đường Hà Nội”.
Hỡi những con
đường
Có từ lúc tôi ôm
bầu sữa mẹ,
Những vỉa hè
quen thuộc tự ngày xưa
Những vỉa hè
phơi nắng dầm mưa
Chân chập chững
theo chiều tay mẹ dắt
Rồi lớn lên
Giữa những con
đường dằng dặc
Tiếp nối nhau
theo bờ ngói xiêu xiêu
Tiếp nối nhau
như tay của người yêu
Truyền hơi thở
khi gió mùa đến sớm...
Cũng như không bao giờ tôi quên được bức họa “Cửa Ô” tôi
mua trong cuộc triển lãm ở Khai Trí Tiến Đức, vì loạn ly đành để lại Hà Nội
không đem được vào đây... Tạ Tỵ... không, thực quả tôi không thể nào quên được:
Anh đáng là một nghệ sĩ “trọn vẹn”, ngoài môn vẽ, viết, thơ ca, anh lại còn có
tài về nhạc và trình diễn. Vào đây, tôi tiếc rằng đời sống cấp bách quá nên anh
em ít có dịp gần nhau đối diện đàm tâm, nhưng tôi biết rằng Tạ Tỵ lúc nào cũng
trung thành với nghệ thuật và không năm tháng nào anh không góp phần xây dựng,
ở trong nước và ngoài nước, một nền văn hóa Việt Nam lành mạnh và độc lập.
Nhưng số phận của các tờ báo dựa hơi chánh quyền cũng giống như số phận hoa
hồng: sớm nở tối tàn. Một lần nữa, anh em lại tan rã. Sau đó ít lâu, Candelon
đi Pháp. Vượng về cùng với Nguyễn Phổ mở một nhà làm ảnh kẽm ở Cây Đa Cửa Quyền
(Hàng Bông) còn tôi thì làm lại tờ “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” và “Phổ Thông Bán
Nguyệt San” như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, cuộc sống, dù cách nào đi nữa, cũng vẫn tẻ như
thường. Phổ, Vượng và tôi bèn bàn nhau mở một nhà xuất bản tên là “Tam Hữu” lấy
“Độc Lập - Tự Do Dân Tộc” làm khẩu hiệu. Nhà xuất bản này tạm đứng vững, chúng
tôi bàn nhau lập một thông tấn xã tư cung cấp tin tức và bài vở đủ các loại cho
các báo theo lối “Echo” của Đồng Minh lúc đánh nhau với Trục, thì tình hình
biến chuyển quá mau lẹ, chưa kịp trình diện với quốc dân thì Pháp và Việt đã ký
hiệp định Genève, tạo ra hàng trăm vạn biệt ly.